WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Đức Phật Có Nói Dối Không?

Giảng Giải Bài Kinh Hemavata Sutta

Mahāsi Sayādaw

Soạn dịch
Dhanapālaka

Hai câu hỏi do Dạ-xoa Hemavata đặt ra liên quan đến hành động bất thiện, và liệu Đức Phật có bỏ qua Thiền (jhāna) hay không? Sau đó, Dạ-xoa Hemavata đặt câu hỏi liên quan đến lời nói bất thiện:

“Này bạn Sātāgiri, Đạo Sư của bạn, Đức Phật, có còn nói dối không? Ngài có còn dùng những lời lẽ thô lỗ, lăng mạ và khinh thường không? Ngài có còn thốt ra những lời nói phá hủy sự thân thiện và đoàn kết không? Ngài có còn nói những lời phù phiếm không?”

Dạ-xoa Hemavata muốn biết liệu Đức Phật còn còn phạm những lời nói bất thiện, như dùng những lời lẽ lăng mạ, nói dối và kể những câu chuyện có thể khiến người này chống lại người khác hay không. Sự đoàn kết giữa bạn bè hay giữa những đối tác có thể bị hủy hoại nếu có người nói vài lời để tạo ra sự hiểu lầm.

Lời Vu Khống Của Vassakāra

Vào thời Đức Phật, Vua Ajātasattu muốn xâm lược vương quốc Vajjī, nơi các hoàng tử Licchavī đang trị vì. Các hoàng tử này đang cai trị đất nước trong sự hòa hợp và đoàn kết, và sự đoàn kết là sức mạnh của họ. Ajātasattu đã cố gắng phá vỡ sự đoàn kết và làm suy yếu sức mạnh của các hoàng tử Licchavī bằng cách sử dụng mưu kế. Ông đã gửi Vassakāra, một trong những quan đại thần của mình, đi lưu vong, và Vassakāra đã đến các hoàng tử Licchavī để xin tị nạn. Một số hoàng tử nói với những người khác, “Người Bà-la-môn này, Vassakāra, là một người xảo quyệt, đừng để hắn ta tị nạn.” Những người khác trả lời, “Người Bà-la-môn này đã bị lưu đày vì hắn ta đã nói thay chúng ta và chống lại chính vua của mình. Vì vậy, chúng ta nên tiếp nhận hắn ta.” Do đó, Vassakāra đã được các hoàng tử Licchavī tiếp nhận và được bổ nhiệm làm vị Thầy cho con cái của các hoàng tử.

Vassakāra dạy dỗ con cái của các hoàng tử rất tốt, và do đó đã giành được lòng tin của các hoàng tử. Sau khi giành được lòng tin và sự tín nhiệm của các hoàng tử, Vassakāra bắt đầu chiến dịch chống lại một hoàng tử khác. Mánh khóe mà ông sử dụng rất tinh vi: ông gọi một hoàng tử sang một bên và thì thầm hỏi, “Con đã ăn chưa? Con đã ăn món cà ri nào?”

Các hoàng tử khác thấy vậy, và hỏi hoàng tử rằng thầy đã nói gì với vị ấy. Hoàng tử nói thật rằng Thầy đã hỏi mình đã ăn chưa và ăn món cà ri nào, nhưng các hoàng tử khác không tin vị ấy. Họ tự nghĩ, “Người ta sẽ không hỏi thì thầm những câu hỏi như vậ. Chắc chắn phải có một bí mật quan trọng nào đó.”

Tiếp theo, người Bà-la-môn hỏi một hoàng tử khác, “Cha của con có cày ruộng không? Có bao nhiêu con bò đực kéo cày?” Khi các hoàng tử khác hỏi vị ấy đã xảy ra chuyện gì giữa người Bà-la-môn và vị ấy, hoàng tử đã nói thật với họ, nhưng không ai trong số họ tin vị ấy.
Sau đó, người Bà-la-môn gọi một hoàng tử khác và thì thầm hỏi, “Ngài là kẻ hèn nhát sao?” Hoàng tử ngạc nhiên hỏi, “Tại sao? Ai nói với Thầy điều đó?” Sau đó, người Bà-la-môn nói, “Ồ, bạn của ngài, hoàng tử đó,” và chỉ vào một hoàng tử khác. Hoàng tử tức giận vì bị buộc tội như vậy, và bắt đầu không tin tưởng hoàng tử kia.

Sử dụng những lời lừa dối đơn giản như vậy, Vassakāra tiếp tục khiến một hoàng tử chống lại một hoàng tử khác. Trong vòng ba năm, ông đã tạo ra sự bất hòa giữa các hoàng tử Licchavī. Sự chia rẽ đó lớn đến mức không một hoàng tử nào muốn nhìn mặt người khác. Sau đó, Vassakāra đã gửi một thông điệp bí mật cho Vua Ajātasattu, người đã chỉ huy một đội quân chống lại vương quốc Vajjī của các hoàng tử Licchavī. Vì mỗi hoàng tử đều nghĩ rằng những người khác đã buộc tội mình là hèn nhát, nên không ai trong số họ ra ngoài chiến đấu với đội quân xâm lược. Họ tự nhủ, “Nếu vị ấy nói tôi là kẻ hèn nhát, hãy để vị ấy ra ngoài và chiến đấu.” Vì vậy, Vua Ajātasattu đã chiếm được đất nước một cách dễ dàng. Điều này dạy cho ta một bài học về việc nói xấu sau lưng. Do đó, Dạ-xoa Hemavata đã hỏi, “Liệu Đạo Sư của bạn, Đức Phật, có phải là người không nói dối để tạo ra sự hiểu lầm không?”

Dạ-xoa tiếp tục đặt câu hỏi, “Liệu Đạo Sư của bạn, Đức Phật, có phải là người không nói lời phù phiếm không?” Những câu chuyện phù phiếm như vậy, bao gồm cả tiểu thuyết và truyện ngụ ngôn hiện đại, chúng không có giới hạnh và những thông điệp có giá trị vì lợi ích trong đời sống thế tục hay tâm linh của mọi người; chúng được viết ra chỉ để đọc cho vui. Dạ-xoa Hemavata đã hỏi người bạn của mình, Dạ-xoa Sātāgiri, liệu Đạo Sư của bạn, Đức Phật, có phải là người không nói lời phù phiếm như vậy không.