Giảng Giải Bài Kinh Hemavata Sutta
Mahāsi Sayādaw
Soạn dịch
Dhanapālaka
Nội dung
Đây là câu trả lời cho câu hỏi, “Này bạn Sātāgiri, Đức Phật, bậc Đạo Sư của bạn, đã thoát khỏi tham muốn trong dục lạc chưa?”
Khi Ngài xuất gia vào lúc hai mươi chín tuổi, Đức Phật đã thoát khởi tham muốn trong dục lạc. Ngay cả khi Ngài thực hành khổ hạnh tột độ, tâm Ngài vẫn không hướng lui về những dục lạc ở hoàng cung trước kia, và Ngài đã thoát khỏi lòng tham dục. Khi chứng đắc đạo quả A-la-hán, mọi tham dục đều được nhổ tận gốc bởi A-la-hán Đạo. Ngài tuyên bố như vậy trong bài Pháp đầu tiên của mình với nội dung rằng, Ngài đã diệt trừ được nguyên nhân của đau khổ, tức là tham ái.
Đối với câu hỏi, “Đức Phật, bậc Đạo Sư của bạn, Ngài đã thoát khỏi sự tham muốn giết chóc chưa?” Dạ-xoa Sātāgiri đáp, “Tâm của bậc Đạo Sư chúng ta lúc nào cũng thanh tịnh.”
Tâm của Đức Phật thấm nhuần lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sanh. Khi Aṅgulimāla đuổi theo Ngài với Kiếm trong tay, Đức Phật chỉ có lòng từ bi và thương xót dành cho vị ấy. Khi con Voi say rượu Nāḷāgiri lao đến húc Ngài, Đức Phật cũng phát khởi lên lòng bi mẫn thanh tịnh. Cũng vậy, sau khi Devadatta lăn một tảng đá lớn từ trên núi xuống, làm văng một mảnh nhỏ rơi trúng vào ngón chân của Ngài. Ngay cả những hoàng cảnh như vậy, tâm của Đức Phật cũng không có những cảm giác tiêu cực chứ đừng nói chi đến những hoàn cảnh khác. Đức Phật đã thanh lọc được tâm ra khỏi những trạng thái ác ý và sân hận bằng A-la-hán đạo, nên tâm Ngài lúc nào cũng thanh tịnh. Đó là câu trả lời của Dạ-xoa Sātāgiri.
Để trả lời cho câu hỏi “Đức Phật đã vượt qua được si mê chưa?”. Dạ-xoa Sātāgiri đáp, “Bậc Đạo Sư của chúng ta, Đức Phật, đã diệt trừ si mê và vô minh thông qua bốn Thánh Đạo.”
Dạ-xoa Hemavata muốn hỏi, liệu Đức Phật đã diệt được tà kiến bởi si mê gây ra chưa, nhưng câu trả lời của Dạ-xoa Sātāgiri đáp quá rõ ràng. Dạ-xoa nói rằng, Đức Phật đã diệt trừ được si mê, đó là một câu trả lời đầy đủ.
Bồ Tát Thoát Khỏi Tà Kiến
Kể từ khi Đức Phật Dīpaṅkara thọ ký, Ngài sẽ trở thành một Đức Phật, Đức Bồ Tát đã thoát khỏi tà kiến phủ nhận nguyên lý của Nghiệp, chẳng hạn: niềm tin về sự thường hằng, vĩnh viễn hay còn gọi là thường kiến (assata diṭṭhi) và đoạn kiến (uccheda diṭṭhi). Khi giác ngộ Phật Quả, Ngài đã diệt trừ được mọi ô nhiễm, luôn cả các ác tà kiến (duccarita micchā diṭṭhi). Những vị đạo sư ngoại đạo, như Purāṇa Kassapa và các vị khác đều truyền bá những ác tà kiến như vậy. Đức Phật khuyến giáo thính chúng của mình không nên đi theo những con đường sai lầm (tà đạo) này.
Đức Phật dạy rằng, những tà kiến như “sát sanh, trộm cắp và những hành động bất thiện không tạo ra hậu quả xấu (ác nghiệp)”, là do chấp vào năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Ngài khẳng định rằng, ai biết năm uẩn là vô thường, khổ và vô ngã thì người ấy không thể chấp nhận những tà thuyết như vậy.
Đức Phật thí dụ quan điểm của một vị đạo sư ngoại đạo Makkhali Gosāla giống như một màng lưới và Ngài khuyến dụ các để tử của mình từ bỏ những tà thuyết ấy. Bây giờ, chúng ta sẽ tóm tắt quan điểm của Makkhali. Theo vị ấy, không có nguyên nhân nào dẫn tới giàu hay nghèo, không điều gì có thể thay đổi hoặc cải thiện để xoay chuyển tình thế, bởi vì cuộc sống của tất cả chúng sanh đều do số mệnh sắp đặt. Số mệnh quy định sự giàu, nghèo, sanh ra cõi cao hay cõi thấp. Mỗi chúng sanh đều có vui, khổ, giàu và nghèo. Giống như một cuộn chỉ được thả lăn cho khi sợi chỉ được kéo ra hết, cũng vậy, chu kỳ tồn tại của mỗi chúng sanh sẽ chấm dứt khi số mệnh đã định sẵn đi tới chỗ kết thúc.
Quan điểm tiền định này khẳng định rằng, người ta chỉ cần sống hết thời gian của mình, và chẳng cần cố gắng để cải thiện. Với suy nghĩ rằng, một người sẽ tự động trường thành này phù hợp với những người lười biếng làm thiện pháp, những người ưa thích làm ác pháp. Đây là một triết lý lý tưởng cho những kẻ gian manh. Nó cũng phù hợp với lòng tin trong thời hiện đại này, những người đã đạt tới địa vị cao sẽ không bị sa sút sút đi sau khi chết, mà sẽ tự động trưởng thành lên dần dần. Niềm tin này được cho là trong tục ngữ tiếng Miến, “lu the lu phyit — sau khi chết đi, con người lại trở thành người.”
Một khi đã bị mắc vào quan điểm của Makkhali, họ không thể thoát ra và phải chết trong tà kiến ấy. Đức Phật muốn nói rằng, những ai ủng hộ quan điểm này, họ sẽ không làm bất kỳ hành động thiện nào để tái sanh lên thiên giới hay chứng ngộ Niết-bàn, vì vậy, họ sẽ rơi vào địa ngục.
Sư đã nghe một số vị thuyết giảng rằng, chỉ cần lắng nghe những gì các vị ấy giảng là đủ, còn hành thiền thì không cần thiết. Những vị Thầy như vậy nên lưu ý đến thí dụ về màng lưới (tà kiến) mà Đức Phật đã nói về ngoại đạo Makkhali. Quan điểm của Purāṇa Kassapa và Ajita Kesakambalī cũng thuộc về ‘màng lưới (tà kiến)’ như vậy, nó ngăn cản chúng sanh đạt tới Thiên giới hay Niết-bàn.
Nguồn Gốc Của Tà Kiến
Tà kiến phủ nhận nghiệp và quả của nghiệp bắt đầu từ khi nào?
Theo Kinh Cakkavatti, những tà kiến này xuất hiện vào thời đại tuổi thọ con người chỉ còn một ngàn năm. Trước thời đại đó, có lẽ con người ít tham, sân, si hơn, và do đó, họ không say mê lập luận về nghiệp báo. Sau thời đại đó, con người ngày càng trở nên suy đồi và họ bắt đầu chấp nhận những quan điểm sai lầm này. Tuy nhiên, những quan điểm này không được nhiều người ưa thích. Thậm chí ngay cả vào thời kỳ của Đức Phật, tuổi thọ con người đã giảm xuống còn một trăm năm, nhưng chúng vẫn không được nhiều người ưa thích.
Khi các chuẩn mực đạo đức ngày càng suy thoái, con người càng trở nên suy thoái hơn, đồng thời, những tà kiến bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Theo Kinh Cakkavatti, trong tương lai, khi tuổi thọ con người giảm xuống chỉ còn mười năm, đạo đức sẽ biến mất, ngay cả cụm từ “hành động bất thiện” cũng sẽ trở nên lỗi thời. Việc phủ nhận luật nhân quả đang dần được chấp nhận nhiều hơn, vì sự mong cầu dục lạc của con người ngày càng tăng trưởng. Và ngày nay, một số người vẫn nghĩ rằng sẽ không đạt được lợi ích nếu không làm điều bất thiện. Quan điểm này sẽ dẫn mọi người đi đến tà kiến.
Thoát Khỏi Mọi Si Mê
Sự phủ nhận luật nhân quả hiện này rất phổ biến, bởi vì tham dục quá lớn phát sanh từ si mê. Đức Phật nhận ra điều này, vì vậy, Ngài khuyên mọi người hãy cố gắng hết sức để làm giảm bớt lòng tham và sự si mê. Những ai làm theo lời khuyên của Đức Phật, cố gắng giác ngộ bằng thiền tập, nhờ đó, họ được giải thoát khỏi tà kiến. Họ nhận ra rằng, nghiệp quá khứ đã định hình nên kiếp hiện tại, và nghiệp hiện tại sẽ định hình nên kiếp vị lai, nếu vẫn còn chi phối bởi tham ái. Do đó, học có một niềm tin chắc vào Chánh Kiến.
Rõ ràng, Đức Phật đã thoát khỏi tà kiến, nhưng vào lúc đó, có nhiều vị Phật giả xuất hiện, việc Dạ-xoa Hemavata hỏi rằng, liệu Đức Phật đã vượt qua si mê hay chưa là điều rất thích hợp. Dạ-xoa Sātāgiri đã trả lời, Đức Phật đã diệt trừ được si mê và tà kiến.
Tuệ Nhãn Của Đức Phật
Khi trả lời câu hỏi của Dạ-xoa Hemavata về sự hiểu biết của Đức Phật trong tất cả các Pháp, Dạ-xoa Sātāgiri đáp rằng, “Bậc đạo sư của chúng ta, Đức Phật, Ngài có tuệ nhãn nhìn thấy tất cả các Pháp.”
Có năm loại mắt (nhãn):
1. Nhục nhãn hay con mắt thịt (maṃsa cakkhu);
2. Thiên nhãn (dibbacakkhu);
3. Pháp nhãn (dhamma cakkhu);
4. Toàn trí nhãn (samanta cakkhu);
5. Phật nhãn (Buddha cakkhu).
1. Nhục nhãn thanh tịnh và có thể thấy khoảng cách 1 do tuần (yojana), khoảng 7 dặm.
2. Đức Phật có thiên nhãn, tức là đôi mắt nhìn thấy tất cả các hình dạng vật chất, lớn hay nhỏ, xa hay gần; Ngài có thể nhìn thấy nơi ở của Chư Thiện và Phạm Thiên; các cõi đoạ xứ như địa ngục, ngạ quỷ và A-tu-la (Asura); thậm chí đôi mắt của Ngài có thể nhìn thấy các vũ trụ khác nhau. Đôi mắt ấy có thể thấy bất cứ thứ gì, ở bất cứ nơi đâu, dưới bất kỳ hình dạng hay màu sắc nào. Với thiên nhãn, Ngài có thể nhìn thấy chỗ tái sanh của một chúng sanh trong kiếp kế tiếp. Đức Phật đã chứng đắc thiên nhãn vào nữa đêm ngay trong ngày chứng đắc Phật Quả. Sau đó, Ngài nhìn thấy tất cả ba mươi mốt cõi luân hồi, trong đó có nhiều chúng sanh khác nhau đang sanh sống, đang tận hưởng dục lạc hoặc thọ khổ.
3. Pháp nhãn, chữ ‘Pháp’ ở đây muốn nói đến sự hiểu biết của Tuệ Quán Triệt (paccavekkhaṇa-ñāṇa), đặc biệt là trí tuệ về Thánh Đạo. Pháp nhãn đồng nghĩa với Nhập Lưu Thánh Đạo.
4. Toàn trí nhãn (Samanta cakkhu) đồng nghĩa với Nhất Thiết Trí (sabbaññuta-ñāṇa). Đó là con mắt thấy tất cả các Pháp. Đức Phật tuyên bố khi thuyết giảng bài Pháp đầu tiên Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakka Sutta) rằng, Ngài đã đạt được con mắt này khi giác ngộ thành Phật.
5. Tuệ nhãn biết rõ căn cơ cao thấp của tất cả chúng sanh (indriyaparopariyatta-ñāṇa), tức là Ngài biết rõ mức độ già dặn trong tâm của các chúng sanh. ‘Lực’ (indriya) bao gồm, tín (saddhā), tấn (viriya), niệm (sati), định (samādhi) và tuệ (paññā). Đức Phật có thể nhìn thấy sự già dặn của các ‘lực’ này trong tâm các chúng sanh. Ngài xem xét mức độ già dặn trong tâm của các chúng sanh để biết họ đã sẵn sàng thấy Pháp và chứng ngộ Niết-bàn. Nếu người nào còn thiếu sự già dặn, Ngài sẽ không vội thuyết Pháp cho họ. Ngài trì hoãn thời gian ấy lại, đôi khi là nhiều tháng hoặc nhiều năm, nhưng cũng có khi chỉ vài phút.
Để thí dụ cho sự trì hoãn như đã nói, có một câu chuyện về Bāhiya-dārucīriya. Ông là một vị tu khổ hạnh đến từ Suppāraka (thuộc vùng Aparanta trên bờ biển phía tây Ấn Độ) đã đến Tu viện Jetavana (gần thành phố Sāvatthi, cách đó khoảng 1.400 dặm). Khi Ông đến, Đức Phật đang đi khất thực trong Thành. Bāhiya không đợi ở Tu Viện mà đi vào Thành để gặp Đức Phật. Khi gặp Đức Phật, Ông đảnh lễ và thỉnh cầu Ngài thuyết Pháp.
Đức Phật thấy (tâm) Ông vẫn chưa đủ già dặn để tiếp thu Giáo Pháp nền Ngài nói rằng, không nên thuyết Pháp trong khi đang đi khất thực. Bāhiya thỉnh cầu lần thứ hai và Đức Phật cũng từ chối. Khi ông yêu cầu đến lần thứ ba, Đức Phật thấy rằng các căn của ông đã đạt tới sự già dặn và Ngài đã thuyết giảng bài Pháp ngắn như sau:
Đức Phật thấy rằng ông vẫn chưa đủ trưởng thành để tiếp nhận giáo lý của Ngài và
“Này Bāhiya, khi ông nhìn thấy một đối tượng, chỉ biết là thấy; khi ông nghe một âm thanh, chỉ biết là nghe; khi ông đang ngửi hoặc nếm hoặc chạm vào một đối tượng, chỉ biết là mùi, vị hay xúc chạm; và khi ông suy nghĩ về bất kỳ điều gì, hãy biết là đang suy nghĩ.”1Kinh Pháp Cú Câu 101 (Dhammapada, v 101).
Trong khi lắng nghe bài Pháp, Bāhiya đã trở thành một vị thánh A-la-hán sau khi trải qua các giai đoạn tuệ giác, cùng bốn đạo và bốn quả. Đây là một thí dụ điển hình về sự trì hoãn chỉ trong vài phút2Bản chú giải của Kinh Pháp Cú câu 70 (Dhammapada, v 70) kể câu chuyện về một vị đạo sĩ lõa thể tên là Jambuka. Ông phải chịu quả của ác nghiệp trong quá khứ đã tạo, trước khi các Ba-la-mật (pāramī) chín muồi đưa tới Đạo Quả. Đây là một thí dụ về sự trì hoãn trong năm mươi lăm năm. Trí tuệ phi thường này của Đức Phật có thể đánh giá được sự già dặn trong tâm của các chúng sanh, chính vì vậy mà Ngài tế độ được hết những người hữu duyên nên tế độ. Thậm chí, Ngài có thể thuần hóa được con Voi hung dữ Nāḷāgiri..
Tuệ Hiểu Biết Khuynh Hướng Chúng Sanh
Āsayānusaya-ñāṇa có nghĩa là trí tuệ hiểu biết sâu sắc về tánh cách riêng biệt của một người. Khuynh hướng tiếng Pāḷi gọi là āsaya. Có hai khía cạnh trong tâm của một chúng sanh, đó là quan kiểm hay kiến (diṭṭhi) và tuệ hay sự hiểu biết (ñāṇa). Phàm nhân thường có những quan điểm sai lầm (tà kiến) nằm sâu trong tâm. Họ có quan điểm về sự vĩnh cửu (thường kiến), thường hằng hoặc là hư vô (đoạn kiến). Những người thích sự thường hằng thì không thích hư vô, vì họ ủng hộ những quan điểm về sự trường tồn của linh hồn. Những người thích hư vô thì không thích sự thường hằng, vì họ ủng hộ về sự biến mất hoàn toàn của một chúng sanh sau khi chết.
Hai quan điểm này có thể thay đổi cho nhau vì lý do này hay lý do khác, nhưng họ thường quay trở lại quan điểm ưa thích của mình. Họ giống như những cho Chó Hoang lang thang vào ban ngày rồi lại trở về hang để ngủ vào ban đêm. Đức Phật biết rõ một chúng sanh có khuynh hướng theo thường kiến hay đoạn kiến, và thuyết Pháp để giúp chúng sanh ấy nhanh chóng chứng đạt Đạo Quả.
Trong số những người mong muốn thoát ra khỏi vòng luân hồi và chứng ngộ niết-bàn, một số người đã chứng đạt được tuệ minh sát (vipassanā-ñāṇa). Mặc dầu chưa đến giai đoạn Thánh Đạo, vẫn còn có quan điểm về sự thường hằng (nicca), hạnh phúc (sukha) và bản ngã (atta). Nhưng sau khi nghe Đức Phật thuyết Pháp họ sẽ phát sanh tuệ giác thấy được vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta). Cũng vậy, những ai đã đạt được trí tuệ minh sát thấy được vô thường, khổ, vô ngã nhưng bị gián đoạn trong một thời gian, họ có thể lấy lại được tuệ ấy sau khi tiếp tục hành thiền trở lại. Nó như một người trở về lại nhà của mình vậy.
Vì các bậc Thánh Nhập Lưu và Nhất Lai chưa hoàn toàn thoát khởi dục (kāma), tham (rāga) và sân (byāpāda), nên những uế nhiễm này có thể sanh khởi trong khi thất niệm. Khi các vị ấy lấy lại được chánh niệm, thì họ sẽ lấy lại được hiểu biết sâu sắc về sự thật. Nó giống như việc rời khỏi nhà đi đến viếng thăm nơi khác trong ngày, rồi lại trở về nhà vào ban đêm vậy. Đức Phật đã thấy được bản chất này của Tâm, nên Ngài thuyết một bài Pháp phù hợp với khuynh hướng tâm của mỗi người. Nhờ vậy mà họ chứng đắc được Đạo và Quả.
Có bảy loại ô nhiễm tiềm ẩn (anusaya kilesā):
1. Tham dục (kāma rāga);
2. Tham hiện hữu (bhava rāga);
3. Sân (paṭigha);
4. Ngã mạn (māna);
5. Tà kiến (diṭṭhi);
6. Hoài nghi (vicikicchā);
7. Vô minh (avijjā).
Đức Phật thấy rõ cái nào chiếm ưu thế trong tâm của một người và ban bố một thời pháp thích hợp nhất. Đó là lý do tại sao những người trực tiếp nghe Đức Phật thuyết pháp đều nhanh chóng chứng đắc được Niết-bàn.
Tuệ thấy biết sự già dặn của tâm và tuệ thấy biết khuynh hướng tâm của một chúng sanh, được gọi là Phật Nhãn (Buddha cakkhu). Sự hiểu biết này chỉ có Đức Phật sở hữu. Đến cả tôn giả Xá-lợi-phất (Sāriputta) cũng không sở hữu. Tôn giả Sāriputta không thể xác định được sự già dặn của tâm hay khuynh hướng tâm của một chúng sanh để thuyết Pháp cho phù hợp với họ.
Tôn giả Sāriputta đã từng dạy một vị đệ tử quán tưởng sự nhàm chán nơi thân, và vị ấy thực hành như vậy trong suốt mùa mưa. Nhưng vị đệ tử không thể tiến triển, vì vậy Tôn giả Sāriputta đã đưa vị ấy đến gặp Đức Phật. Sau khi xem xét khuynh hướng tâm của vị Tỳ-khưu đó, Đức Phật đã dùng thần thông hóa ra một bông hoa sen màu vàng đỏ và nói vị Tỳ-khưu đó tập trung chú ý vào bông sen ấy cho đến khi vị ấy đạt được bốn tầng thiền định. Rồi Đức Phật làm cho bông hoa héo dần, và khi vị Tỳ-khưu xuất thiền, vị ấy nhận ra sự biến diệt. Vị ấy thấy sự bất ổn của cái thân này nhờ tự thân quán chiếu. Đến trước vị Tỳ-khưu ấy, Đức Phật thuyết một bài Pháp, và vị ấy đã chứng đạt đạo quả A-la-hán.
Vị Tỳ-khưu này đã từng là một thợ hoàn kim trong năm trăm kiếp, nên vị ấy thích những đối tượng đẹp đẽ và tinh tế. Vị ấy không hứng thú với quán chiếu tử thi. Tôn giả Sāriputta không biết khuynh hướng tâm của ông, nên đã đưa cho ông đối tượng hành thiền không thích hợp. Còn Đức Phật, Ngài biết khuynh hướng tâm của một chúng sanh từ những kiếp quá khứ, nên Ngài yêu cầu vị ấy định tâm trên đối tượng hành thiền có màu đỏ (lohitakammaṭṭhāna) sau khi đưa cho vị ấy bông hoa sen màu vàng đỏ. Nhờ lời dạy rất cụ thể của Đức Phật, vị ấy chứng ngộ được quả vị A-la-hán chỉ trong vài giờ.
Vì chỉ duy nhất Đức Phật Toàn giác mới sở hữu hai loại trí tuệ này, nên Dạ-xoa Sātāgiri đáp rằng: “Bậc đạo sư của chúng ta, Đức Phật, Ngài có tuệ nhãn nhìn thấy tất cả các Pháp.”
Trong năm loại mắt đã nói, ngoại trừ nhục nhãn (tức con mắt thịt) thì không cần phải đề cập đặc biệt, nhưng bốn loại mắt còn lại đều liên quan đến sự hiểu biết trong giáo Pháp. Đức Phật có đầy đủ bốn loại ấy, nên Dạ-xoa Sātāgiri mới đáp như vậy.
Dạ-xoa Sātāgiri đã nói với Dạ-xoa Hemavata rằng, “Đức Phật đã diệt trừ tận gốc tham dục, tâm của Ngài luôn thanh tịnh, Ngài đã đoạn diệt tâm sân hận và ác ý bằng Bất Lai Đạo (anāgāmimagga)”. Điều này có nghĩa là tâm của Đức Phật không bao giờ bị vấy bẩn bởi cảm giác sân hận hay lo lắng.
Tôn giả Sāriputta được tán thán vì sự kham nhẫn của mình. Ngài không bao giờ tức giận. Một Bà-la-môn nọ không tin điều ấy. Ông ấy khẳng định rằng Tôn giả Sāriputta không tức giận vì không có ai khiêu khích sự tức giận của Ngài. Vì vậy, một ngày nọ, Tôn giả Sāriputta đang đi khất thực, Ông đã đập mạnh vào lưng của vị Thánh A-la-hán. Tôn giả Sāriputta thậm chí không còn ngoảnh lại nhìn, và tiếp tục điềm tĩnh bước đi. Chỉ lúc đó, ông Bà-la-môn tin là thật và xám hối với Tôn giả Sāriputta. Không chỉ Tôn giả Sāriputta, mà tất cả những vị Thánh A-la-hán đều thoát khỏi sân hận. Tuy nhiên, các vị ấy vẫn còn tiền khiên tật. Chỉ có Đức Phật mới diệt hết tất cả các tiền khiên tật, nên tâm của Ngài vô cùng thanh tịnh.
Dạ xoa Sātāgiri nói rằng Đức Phật đã hoàn toàn diệt trừ si mê. Si mê có nghĩa là không hiểu Tứ Diệu Đế, tức là còn những tà kiến. Thí dụ, cho rằng đau khổ (dukkha) là hạnh phúc (sukha). Vì chúng sanh phải chịu sự sanh và diệt liên tục, nên không có gì gọi là dễ chịu hay bền vững. Vì vậy, tất cả chỉ là khổ, nhưng vì si mê, người ta lại nhẫm lẫn giữa đau khổ và hạnh phúc.
Bất cứ đối tượng nào được nhìn thấy, được nghe, ngửi, nếm, xúc chạm hay suy nghĩ, chúng chỉ là danh và sắc hay thân và tâm liên tục sanh rồi diệt. Tuy nhiên, si mê lại làm người ta coi những hiện tượng bất ổn này là đáng tin cậy và cảm thấy dễ chịu. Chính vì vậy mà người ta dính mắt với chúng. Sự dính mắt này là nguyên nhân dẫn tới đau khổ hay còn gọi tập đế (samudaya sacca), nhân dẫn tới sự hiện hữu. Sự chấm dứt của hiện hữu là sự thật, chân lý chấm dứt của đau khổ hay còn gọi là diệt đế (nirodha sacca). Nhưng bởi si mê chi phối, người ta không ưa thích nó, họ coi sự chấm dứt là cái chết cuối cùng, không có sự hưởng thụ ở đó.
Bố thí, giữ giới và tu tâm là nền tảng để chứng ngộ niết-bàn. Nhưng vì si mê khiến người ta không ưa thích chúng. Họ gọi coi đó là sự khó khăn. Và hành thiền minh sát họ cũng cho là vậy. Bản chất của si mê là khiến cho chúng ta sanh khởi tà kiến. Dạ-xoa Sātāgiri muốn nói rằng, Đức Phật đã diệt trừ được si mê, Ngài đã thoát khỏi si mê và vô minh.
Ghi chú:
- 1Kinh Pháp Cú Câu 101 (Dhammapada, v 101).
- 2Bản chú giải của Kinh Pháp Cú câu 70 (Dhammapada, v 70) kể câu chuyện về một vị đạo sĩ lõa thể tên là Jambuka. Ông phải chịu quả của ác nghiệp trong quá khứ đã tạo, trước khi các Ba-la-mật (pāramī) chín muồi đưa tới Đạo Quả. Đây là một thí dụ về sự trì hoãn trong năm mươi lăm năm. Trí tuệ phi thường này của Đức Phật có thể đánh giá được sự già dặn trong tâm của các chúng sanh, chính vì vậy mà Ngài tế độ được hết những người hữu duyên nên tế độ. Thậm chí, Ngài có thể thuần hóa được con Voi hung dữ Nāḷāgiri.