Lời Sách Tấn
Hội Nghị Thường Niên
Bởi
Mahāsi Sayādaw
Dịch
Dhanapālaka
Nội dung
Giới thiệu truyền thống Mahāsi
Mahāsi Sayādaw được cựu Thủ tướng Miến Điện, U Nu, mời đến Rangoon để giảng dạy tại một trung tâm thiền mới do Ngài U Thwin thành lập và hộ độ.
Từ tháng 12 năm 1949, Sayadaw bắt đầu giảng dạy phương pháp thiền minh sát với đề mục ghi nhận tứ đại mà Ngài đã học được từ thầy của mình, Mingun Jetavan Sayadaw. Phương pháp này sau này trở nên nổi tiếng thế giới với tên gọi phương pháp thiền Mahāsi, vì đối tượng chủ trương quán sát yếu tố gió trong chuyển động của bụng (phong đại). Quán sát sự chuyển động của bụng là điểm khởi đầu cho việc thực hành, nhưng thiền sinh sẽ sớm biết rằng mình cũng cần phải chánh niệm về nhiều đề mục khác nữa. Tóm lại, thiền sinh phải chánh niệm từng hoạt động của thân và tâm suốt cả ngày, không ngừng nghỉ.
Trong những năm đầu, thiền sinh phải hành thiền từ 3 giờ sáng đến 11 giờ đêm, nhưng sau này Sayādaw cho phép ngủ tối đa sáu giờ vì lòng từ bi đối với những người có nhiều phiền não và ít năng lượng hơn. Sayādaw luôn tuân theo kỷ luật thiền viện một cách nghiêm ngặt, và như những lời sách tấn của Ngài cho thấy, Ngài mong đợi các đệ tử của mình cũng tuân theo. Hàng năm các đệ tử của Ngài từ khắp nơi trên Miến Điện tụ họp để nghe lời sách tấn của Ngài. Hội nghị thường niên này vẫn tiếp tục diễn ra sau khi Ngài qua đời, bằng những cuốn băng ghi âm lời giảng của Sayadaw và các bài Pháp được thuyết giảng bởi các đệ tử hàng đầu của ngài.
Hội nghị thường niên lần thứ 23
Đầu tiên, Tôi muốn bày tỏ sự hài lòng khi thấy rất nhiều thiền sư, ban quản lý và thiện tín từ các trung tâm thiền trên cả nước. Tôi rất vui mừng khi thấy sự cố gắng đoàn kết và kiên định của các vị trong việc góp phần vào sự thành công của hội nghị thường niên. Cầu mong cho quý vị đầy đủ sức khoẻ, thịnh vượng, không bị hiểm nguy và giải thoát khỏi mọi khổ đau. Bây giờ, tôi sẽ đưa ra lời sách tấn tới các thiền sư và những người quản lý cấp cao tại trung tâm thiền như tôi đã từng làm trong những năm trước. Tôi sẽ trình bày bảy vấn đề như sau:
- Tuân thủ nghiêm ngặt Giới Luật;
- Sự tôn kính sâu sắc đối với Pháp Bảo;
- Tính đúng đắn của phương pháp;
- Sự hiện diện của các trung tâm Thiền;
- Hợp tác và phối hợp;
- Chương trình năm tới;
- Lời khuyên về giảng dạy.
- Tuân thủ nghiêm ngặt Giới Luật
“Vinaya nāma Buddha sāsanassa āyu, vinaye ṭhite sāsanaṃ ṭhitaṃ hoti.”
Như Chú Giải đã trình bày, Luật tạng là ‘sinh mạng’ của Giáo Pháp (sāsana) Đức Phật. Giáo Pháp chỉ còn tồn tại khi Luật Tạng chiếm ưu thế, nhưng điều này phụ thuộc vào những vị tuân thủ và thực hành một cách nghiêm túc. Để giáo Pháp được trường tồn, việc quan trọng nhất là phải thực hành theo Luật tạng, đồng thời sách tấn những đệ tử, những cộng sự thân cận cùng nhau thực hành theo Luật tạng. Đức Phật sách tấn các đệ tử của Ngài tuân thủ Giới Luật một cách nghiêm túc như vầy:
“Idha bhikkhave bhikkhu sīlavā hoti, pātimokkha saṃvarasaṃvuto viharati, ācāragocara sampanno, aṇumattesu vajjesu bhayadassāvī, samādāya sikkhamati sikkhāpadesu.” (Vism.15)
Trong Pháp và Luật này, một vị Tỳ khưu phải giữ gìn giới luật (sīla) nghiêm ngặt, đó là giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa (Pātimokkha Sīla). ‘Pātimokkha’ có nghĩa là những ai tuân thủ nghiêm ngặt sẽ có thhể thoát khỏi nguy cơ tái sanh vào các cõi đoạ xứ (apāya): súc sanh, ngạ quỷ, A-tu-la và địa ngục. Tóm lại, nó có nghĩa là tránh làm và tránh nói những việc bất thiện. Hơn nữa, để bảo vệ Pātimokkha Sīla, người đó phải có phẩm hạnh cao quý (ācāragocara sampanno). Đây là một chủ đề rất rộng, để có lời giải thích chi tiết, quý vị có thể tham khảo ‘Visuddhimagga Sīlaniddesa’ (tr.16, M.57, v.v.). Tôi hy vọng rằng tất cả quý vị đều thông thạo về nó.
Để nhìn nhận Pātimokkha một cách trọn vẹn và toàn tâm, người ta phải thấy sợ hãi trong từng lỗi nhỏ nhất (aṇumattesu vajjesu bhayadassāvī). Có bảy tội mà một vị Tỳ khưu có thể rơi vào. Trong bảy tội này, tội tác ác hay làm điều sai trái (dukkhaṭa) và tội nói lời sai trái (dubhāsita) là ít nghiêm trọng nhất. Tuy nhiên, ngay cả những lỗi nhỏ nhặt này, có vẻ không quan trọng nhưng nó cũng có thể đưa một người xuống khổ cảnh nếu vi phạm. Vì vậy, nhận ra sự nguy hiểm trong cõi khổ (apāya), một người nên cố gắng tránh xa những hành động sai trái dù là nhỏ nhất.
“Saddhāsadhano hiso Pātimokkha saṃvaro” – Pātimokkha Sīla phải được viên mãn với lòng tin mạnh mẽ. Đối với những ai có lòng tin mạnh mẽ, việc quán sát không phải là một gánh nặng quá lớn. Vì tất cả quý vị đã hành thiền chánh niệm nên hết thảy đều phải có một lòng tin mạnh mẽ. Vì vậy, với quyết tâm không lay chuyển, tất cả quý vị nên tuân thủ Giới luật Vinaya một cách khiêm tốn nhất. Ngày nay, hầu hết các Tỳ khưu đang trở nên lỏng lẻo trong việc tuân thủ các giới luật liên quan đến việc mặc Y cà sa đúng cách, hạn chế nhìn, sử dụng tiền bạc, cách ứng xử với những người hộ độ tại gia, v.v…Quý vị là những người có trách nhiệm cao trong thiền viện, nên việc tuân thủ các điều học trong Luật Tạng một cách nghiêm túc và không có bất kỳ ngoại lệ nào. Đức Phật sách tấn “Aṇumattesu vajjesu bhayadassāvī” – khi nhìn thấy những lỗi nhỏ nhặt rồi hãy từ bỏ những lỗi ấy. Bất cứ điều gì Đức Phật chỉ dạy đều được xem là giáo giới. Tôi nhắc nhở quý vị một lần nữa, hãy tự mình tuân thủ các điều học trong Luật Tạng một cách nghiêm túc và sách tấn những người phía dưới mình học theo.
Tại thiền viện chính ở Rangoon, tất cả quý vị có thể thấy rằng chúng tôi tuân thủ Giới Luật (Vinaya) tối đa và chúng tôi cũng cố gắng thực hành phẩm hạnh thiểu dục (appiccho), tri túc (santuṭṭhī) và đoạn trừ phiền não (sallekha) càng nhiều càng tốt, như: kiêng hút thuốc, ăn trầu và những thói quen phù phiếm, thấp kém khác. Bằng cách kiên tránh như vậy, quý vị có nhiều thời gian cho Pháp Học (pariyatti) và Hành Pháp (paṭipatti), nhờ vậy quý vị sẽ có được sự tôn kính từ phía những người Cư Sĩ.
Tôi rất vui khi biết rằng một số chi nhánh trường thiền theo truyền thống tương tự. Vì vậy, tôi tha thiết mong muốn rằng tất cả quý vị có thể tuân thủ các điều học trong Luật tạng một cách nghiêm ngặt. Đồng thời, nên cư xử nhẹ nhàng, hoà nhã để xây dựng lòng tin (pāsādika) cũng như trong thực hành pháp (paṭipatti sāsana).
Sự tôn kính sâu sắc với Pháp Bảo
Chúng ta cần tôn kính những gì? Không có gì khác hơn là chánh niệm, định, tuệ mà quý vị đạt được bằng cách thực hành chánh niệm và có sự hiểu biết sâu sắc. Tất cả quý vị đều phải tự mình hành thiền bất cứ lúc nào có cơ hội, đồng thời thúc dục và khích lệ người khác bằng cách sách tấn trong khi thuyết pháp. Điều quan trọng nhất là vì tất cả quý vị đều đang thúc dục người khác thực hành nên quý vị cũng không đuợc lơ là.
Đúng phương Pháp
Mọi người đến thực hành thiền chánh niệm tại trung tâm của quý vị với một niềm tin hoàn toàn vào quý vị. Vì vậy, điều quan trọng là người hướng dẫn hành thiền phải dạy và hướng dẫn thiền sinh một cách chính xác, đầy đủ để giúp họ đạt được Định và Tuệ. Quý vị nên hướng dẫn thiền sinh chính xác phương pháp thiền Mahāsi là hoàn toàn phù hợp với Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna). Bằng cách quan sát các hiện tượng danh và sắc ngay khi chúng sanh khởi, phương pháp này đưa tới chứng đạt được bảy thanh tịnh (visuddhi) và mười sáu tuệ minh sát (vipassanā-ñāṇa), từ tuệ phân biệt danh sắc (nāmarūpa-pariccheda-ñāṇa) đến tuệ phản khán (paccavekkhaṇa-ñāṇa).
Tôi có nghe nói rằng một số trung tâm chi nhánh đang giảng dạy các phương pháp hành thiền khác nhau, nhưng họ lại đặt tên cho trung tâm của mình là trung tâm thiền Mahāsi. Điều đó thật không đứng đắn. Tôi muốn thông qua quý vị nhắc nhở các vị ấy rằng nếu dạy phương pháp Mahāsi thì phải dạy cho chính xác. Tôi cũng muốn truyền đạt lời khuyên của tôi để họ xem xét kỹ lưỡng và đánh giá sự tiến bộ của các thiền sinh một cách chặt chẽ. Đồng thời, cẩn thận theo sát bài giảng về tiến trình của thiền minh sát, đưa ra hướng dẫn đúng đắn, chính xác và có phương pháp.
Sự tồn tại của các trung tâm thiền
Tôi nhắc đến sự tồn tại của những trung tâm mà quý vị quản lý. Một ngày nào đó, tất cả chúng ta sẽ qua đời. Lúc đó, thiền viện chỉ có thể tiếp tục hoạt động bình thường nếu đại đệ tử có thể duy trì những phẩm tánh của vị Thầy theo truyền thống Mahāsi. Nếu vị ấy không đủ tư cách, không đủ năng lực hoặc cẩu thả, vô trách nhiệm, thì thiền viện sẽ thoái hoá thành một tu viện bình thường.
Điều quan trọng là tất cả quý vị nên chọn cấp dưới, trợ lý và đệ tử dựa trên cơ sở tôn kính Pháp. Quý vị nên chọn những cá nhân đã thực sự hành thiền Tứ Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna) đến mức thoả đáng, những vị tôn kính Pháp Bảo và giữ giới tốt đẹp. Hãy hết sức cẩn thận để tránh nhận vào trung tâm thiền của quý vị những người không tôn kính Pháp Bảo, những người cẩu thả hoặc vô trách nhiệm với hành động sân hận vì bất kỳ lý do gì. Nếu cần, quý vị có thể gởi họ đến trung tâm chính tại Rangoon để được đào tạo khi cần thiết.
Hợp tác và phối hợp
Mục đích chính của việc tổ chức các Hội nghị thường niên tại trung tâm này là mang đến cho quý vị một cơ hội để hợp tác và phối hợp với nhau. Tôi bắt đầu dạy Satipaṭṭhāna Vipassanā tại trung tâm này vào ngày rằm tháng Giêng năm 1311 BE (ngày 4 tháng 12 năm 1949). Kể từ ngày kỷ niệm đầu tiên vào năm 1950, Hội nghị thường niên đã được tổ chức ở đây hằng năm để nâng cao tinh thần hợp tác và phối hợp với nhau giữa các cá nhân có trách nhiệm trong việc thúc đẩy và truyền bá, xiển dương thực hành (paṭipatti sāsana) Pháp.
Tôi muốn bày tỏ, đánh giá cao sự chân thành và nỗ lực đoàn kết của quý vị trong hội nghị thường niên này. Tôi coi đó là sự tôn kính của quý vị đối với Pháp Bảo và các bậc trưởng lão.
“Abhiṇhaṃ sannipata bahula samaggā sannipatissanti.”
“Hội chúng phải thường xuyên có những cuộc họp đoàn kết”.
Đức Phật đã khuyến giáo nên có những cuộc gặp gỡ thường xuyên trong sự đoàn kết, để thống nhất, hợp tác, phối hợp. Đó là con đường chắc chắn sẽ dẫn tới sự thành công và phát triển. Ở những nơi có nhiều thiện viện, quý vị nên hợp tác và phối hợp cùng nhau trong tinh thần tôn trọng, đồng lòng với nhau. Tất cả quý vị nên hoan nghênh và khuyến khích bất cứ ai thuyết Pháp nếu nó đúng với tinh thần Thiền Minh Sát Tứ Niệm Xứ (Vipassanā Satipaṭṭhāna). Bất kể là ai, nếu việc đó là để thúc đẩy và truyền bá sự thực hành pháp một cách đúng đắn, tất cả quý vị nên hợp tác với họ.
Thêm một lời cảnh tỉnh, nhắc nhở mà tôi muốn khuyên quý vị: đừng quá dính mắc vào chỗ ở, người thân, tài sản vật chất và những người hộ độ. Ở thiền viện của chúng tôi, tôi không khuyến khích việc cung cấp chỗ ở cho bất kỳ cá nhân nào. Tôi luôn hướng dẫn thiện tín cúng dường đến Tăng chúng để các thiền sinh cũng có thể sử dụng chung. Không có trú xá nào ở trung tâm này là tài sản riêng của tôi. Vì vậy, tôi không có tài sản, không có gáng nặng, không có tài sản thừa kế để lo lắng. Tôi mong rằng tất cả quý vị sẽ noi theo tấm gương không có sự dính mắc này, và nhờ đó mà gặp ít vấn đề hơn, đồng thời, có nhiều thời gian để thực hành giáo Pháp.
Chương trình năm tới
Để tận dụng tối đa thời gian quý báu của quý vị, tôi dự định sẽ tụng đọc Giáo Pháp trong 30 phút. Chúng ta sẽ bắt đầu vào ba ngày trước khi diễn ra hội nghị. Việc tụng kinh Pāḷi bằng tiếng Miến được biên soạn bởi các Thiền Sư sẽ được tụng đọc vào buổi sáng và chiều. Các bài pháp chính sẽ được chọn lọc và thuyết giảng vào mỗi tối bởi vị Pháp Sư (Dhammakathikā).
Lời khuyên về thuyết Pháp
Cuối cùng là chủ đề thuyết Pháp. Nhiệm của của quý vị là đưa ra những gợi ý về những điểm có lợi nhất liên quan đến việc thuyết Pháp. Tôi chỉ xin trình bày vài nét để quý vị cùng thảo luận.
Việc thuyết Pháp của quý vị với tư cách là thiền sư thì chỉ nên giới hạn trong chủ đề thiền chánh niệm, sao cho phù hợp với Tam Tạng Kinh Điển Pāḷi Tipiṭaka.
Tránh trì tụng những câu kệ bằng tiếng Pāḷi du dương.
Đừng sử dụng những câu chuyện hài hước, tưởng tượng hoặc phù phiếm chỉ để thu hút người thính Pháp.
Khi quý vị được sự bảo trợ của Trung tâm Thiền Mahāsi, hãy thuyết pháp và hướng dẫn theo phương pháp thiền Mahāsi.
Hãy cẩn thận để tránh những tuyên bố, biểu hiện hoặc chỉ trích gây bất lợi cho người khác.
Tóm lại, tôi mong muốn tất cả các quý vị có thể thực hành Giới, Định và Tuệ đến mức tối đa, đồng thời khuyến khích và hỗ trợ những thiện tín, đệ tử của mình cũng làm như vậy. Cầu mong tất cả quý vị, hãy tự mình nỗ lực và truyền bá Giáo Pháp để thành tựu hạnh phúc cao quý của Niết-bàn, giải thoát mọi khổ đau một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất.
Sadhu! Sadhu! Sadhu!
Lành thay! Lành thay! Lành thay!
Hội nghị thường niên lần thứ 27
“Dhammo have rakkhati dhammacārī,
Dhammo suciṇṇo sukhamāvahati,
Esānisaṃso dhamme suciṇṇe,
Na duggati gacchati dhammacārī.”
(Mahādhammapāla Jātakaṃ v 102)
Dhammo: Pháp, lời dạy;
Have: thực sự;
Rakkhati: bảo vệ, hộ trì;
Dhammacārī: người thực hành pháp;
Nghĩa là: Pháp thực sự bảo vệ người thực hành Pháp.
Suciṇṇo: thực hành đúng đắn;
Sukhamāvahati (sukhaṃ: hạnh phúc + āvahati: mang lại): mang lại hạnh phúc.
Nghĩa là: Thực hành đúng Pháp, Pháp sẽ mang lại hạnh phúc cho người thực hành nó.
Esānisaṃso (esa: đây là + ānisaṃso: lợi ích): đây là lợi ích.
Dhamme suciṇṇe: thực hành đúng Pháp.
Na: không.
Duggati: đoạ xứ, khổ cảnh.
Dharmacārī: người thực hành pháp.
Nghĩa là: Người thực hành đúng Pháp sẽ không bị rơi vào khổ cảnh.
Hành động thiện bao gồm giới (sīla), định (samādhi) và tuệ (paññā). Nếu ai thực hành những việc thiện thì chính nó sẽ bảo về người đó. Nó cho phép một người thực hiện được mong cầu của mình. Bảo vệ người khác không phải tái sanh vào nơi khổ cảnh. Đây là lợi ích của việc hành Pháp. Vì vậy, thiện pháp rất là quan trọng.
Thông thường chúng tôi chỉ có một số ít người đến đây để thọ Bát Quan Trai Giới (Uposatha). Nhưng hôm nay, rất đông người đến tham dự Hội nghị thường niên ở đây. Vì vậy, tôi sẽ nói những gì thích hợp trong thời điểm này mà trước kia tôi đã từng nói.
Các yếu tố tạo nên tinh thần đoàn kết
Tổ chức Buddha Sāsanānuggaha được thành lập để phát triển hệ thống tôn giáo. Ngài U Thwin là người sáng lập. Sau cái chết của U Thwin, những người khác thực hiện nhiệm vụ tương ứng của họ. Để làm việc hoà đồng với nhau thì mọi người cần phải có một nhân cách tốt. Nhân cách này nằm trong bốn chi phần của nhiếp pháp (saṅgahadhamma), nó giúp người ta làm việc hoà đồng với người khác: rộng lượng hay còn gọi là bố thí (dāna), lời nói nhẹ nhàng và dễ chịu hay còn gọi là ái ngữ (pīyavācā), lòng từ ái hay còn gọi là lợi hành (atthacariya) và sự bình đẳng hay còn gọi là đồng sự (samānattā).
Dāna có nghĩa là bố thí. Trên thực tế thì tổ chức này không cần nhiều đến những khoản khuyên góp như vậy. Nhưng ở các tổ chức khác, nếu các thành viên có sự quyên góp thì tổ chức sẽ trở nên thân thiết và đoàn kết hơn.
Pīyavācā có nghĩa là ái ngữ. Điều đó là rất cần thiết. Người ta phải học cách nói những lời tử tế và dễ chịu. Lúc nào và ở đâu, hai điều này rất quan trọng. Nếu quý vị nói lời xúc phạm đến sự nhạy cảm của người khác, ngay cả thiện chí của một người bạn thân cũng sẽ bị tiêu diệt. Đức tánh này không thể thiếu được. Già cũng như trẻ, chúng ta cũng đều nên suy ngẫm lời nói của mình có dễ chịu hay không, điều quan trọng là những gì ta nói phải dễ chịu.
Atthacariya có nghĩa là lòng từ ái. Người ta nên làm những việc lợi ích cho người khác. Khi có việc gì cần làm cho người khác, chúng ta nên giúp đỡ họ nếu có thể, bằng cả lời nói lẫn hành động. Trong Tổ chức Buddha Sāsanānuggaha, nhiệm vụ từ nhỏ tới lớn quý vị phải thực hiện. Nếu đăng ký làm thành viên mà lại không làm gì cả thì sẽ không đúng đắn. Sẽ thật tốt đẹp nếu quý vị làm những gì trong khả năng. Đây là điều tôi luôn nhấn mạnh. Người ta phải làm những việc có lợi ích. Thí dụ, trong trung tâm thiền này, chúng tôi có một uỷ ban tên là “Hitesi”. Các vị lãnh đạo của uỷ ban này làm việc hoà hợp với nhau, mỗi người đều làm việc chăm chỉ, và tất nhiên họ làm tốt công việc của mình nên uỷ ban mới có những tiến bộ tốt.
Nếu mỗi một thành viên trong tổ chức chúng ta thực hiện nhiệm vụ của mình giống như tổ chức của Buddha Sāsanānuggaha, thì chúng ta cũng sẽ đạt được nhiều tiến bộ như vậy. Nếu một người có ý định trở thành thành viên trong tổ chức này, trước hết, hãy xem xét liệu người đó có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của mình hay không, và điều quan trọng là người đó phải thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Samānattā là bình đẳng, công bằng, vô tư hay đồng sự. Điều này có nghĩa là đối xử bình đẳng với người khác. Nếu một người hành động với sự khinh miệt người khác, cho rằng những người đó là người vô dụng, thì họ sẽ phá huỷ sự đoàn kết, hoà hợp. Dù quý vị có đứng ở vị trí cao đến đâu, quý vị cũng phải đối xử với người khác một cách bình đẳng. Điều đó rất quan trọng. Trong Tăng Đoàn hay hội chúng cũng vậy, nếu các Tỳ khưu trưởng lão cho mình là cấp trên mà nói chuyện bất lịch sự với các Tỳ khưu khác thì sẽ khiến các vị ấy bức bối. Điều này sẽ gây ra nhiều sự xích mích và mất đoàn kết giữa các vị Tỳ khưu. Khi nói chuyện với người khác phải nói chuyện một cách tôn trọng và lịch sự. Ngay cả với một vị Tỳ khưu trẻ tuổi cũng nên nói chuyện với vị ấy một cách lịch sự. Quý vị có thể gọi vị ấy thế này: “Thưa hiền giả, hiền giả từ đâu tới?”. Quý vị không nên nói: “Này bạn, bạn từ đâu tới?” Điều này không lịch sự. Đừng sử dụng từ như “min” và “ngar” nghĩa là “bạn” và “tôi” (những từ thân thiết, nhưng đối với các Tỳ khưu thì khá thô lỗ). Quý vị phải nói chuyện một cách tôn trọng với người già và người trẻ sao cho phù hợp với từng người. Đây là pháp bình đẳng hay đồng sự (samānattā) trong tứ nhiếp pháp để đưa đến sự hoà hợp.
Tổ chức tôn giáo không nên giống với tổ chức chính trị. Người ta nên cư xử khác đi trong tổ chức tôn giáo. Công việc của tổ chức tôn giáo không giống với công việc kinh tế. Trong các vấn đề về tôn giáo, điều cần thiết là mọi người phải làm việc cùng nhau và hoà đồng với nhau. Đối với tổ chức tôn giáo thì việc chia rẽ và nảy sanh bè phái là hành động không đúng đắn. Ở các tổ chức trong thế gian, mọi người có thể cạnh tranh nhau, nhưng trong tổ chức tôn giáo, việc hình thành bè phái, cố gắng chiếm thế thượng phong là không tốt. Điều này không đáng khen ngợi. Tôi cảnh báo quý vị không nên nuôi dưỡng những suy nghĩ như vậy.
Sáu đức tánh của một vị lãnh đạo
Vì vậy, tôi sẽ nhắc lại sáu đức tánh của một vị lãnh đạo (nāyaka) mà tôi thường đề cập trước đây.
Đức tánh đầu tiên là sự khoan dung (khamā). Đây là đức tánh quan trọng nhất trong sáu đức tánh. Phải có lòng khoan dung thì mọi việc mới suôn sẻ.
Đức tánh thứ hai là nghị lực, cố gắng (uṭṭhāna), một người phải có nghị lực và cố gắng trong mọi công việc.
Đức tánh thứ ba là tỉnh giác (jāgariya).
Đức tánh thứ tư là sự chia sẻ (saṃvibhāga), tức là chia sẻ mọi thứ với các vị khác. Như tôi đã đề cập, điều này không quá cần thiết trong tổ chức này.
Đức tánh thứ năm là lòng bi mẫn (dayā). Một người nên có sự cảm thông và lòng từ mẫn đến người khác. Quý vị nên làm những gì cần thiết vì sự cảm thông đối với những người trẻ tuổi hay những người bất hạnh. Còn đối với những ai ngang hoặc cao hơn thì nên tỏ lòng thiện chí với các vị ấy.
Đức tánh cuối cùng là có tầm nhìn xa (ikkhanā). Khi ở vị trí có trách nhiệm, người ta phải có khả năng thấy trước điều gì sẽ xảy ra hay lợi ích liên quan trong khi làm việc khác. Người không chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đưa ra lời khuyên, và những người chịu trách nhiệm trực tiếp khi nghe phải có sự xem xét cẩn thận. Việc liên tục từ chối lời khuyên của người khác là không đúng đắn.
Tóm lại, với những ai sẽ trở thành thành viên của Tổ chức Sāsanānuggaha, tôi muốn khuyên quý vị nên nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ của mình sao cho phù hợp với bốn nhiếp pháp trong hội chúng và sáu đức tánh của người lãnh đạo. Điều quan trọng là giữ cho giáo Pháp của Đức Phật được hưng thịnh. Làm thành viên nhưng lại không có đóng góp gì thì điều đó thật không đúng. Vì vậy, tôi mong quý vị sống trong tinh thần đoàn kết, chỉ nghĩ đến Pháp Bảo và không bị vấy bẩn bởi bất kỳ dầu vết chính trị nào.
Cầu mong các thành viên thành công trong việc xiển dương giáo pháp của Đức Phật đúng như tôi đã nhiệt thành hy vọng.