Giảng giải Kinh Mālukyaputta
Mahāsi Sayādaw
Dịch Việt
Dhanapālaka
Nội dung
Bây giờ, Sư sẽ giải thích câu hỏi thứ hai mà Đức Phật hỏi Tôn giả Mālukyaputta.
“Các tiếng do tai nhận thức, Ông không nghe, trước đây Ông không nghe, nay Ông không nghe, và Ông không muốn nghe; ở đây đối với chúng, Ông có lòng dục, tham hay khát ái hay không?”
Tôn giả Mālukyaputta trả lời rằng không thể có tham ái hay lòng dục nào sanh khởi từ âm thanh hoặc tiếng nói mà một người chưa từng nghe trước đây, hiện tại chưa từng nghe. Câu trả lời này thật đúng. Khi nghe một giọng nói dễ chịu và nhận ra người phát ra giọng nói ấy, một người sẽ nảy sanh tình cảm hay sự dính mắc với chủ nhân của giọng nói ấy. Khi sự dính mắc tăng trưởng, các phiền não sẽ phát huy tác dụng và hậu quả nó gây ra là đau khổ sẽ kéo theo sau. Nếu có sự chú tâm ghi nhận tiếng, phiền não sẽ được đẩy ra xa. Hãy nhớ lại điều Sư đã giải thích về cái thấy.
Khái Niệm Và Sự Thật
Những gì đã giải thích trước đây thuộc về tiến trình tâm liên quan đến nhãn thức và tiến trình nhĩ thức cũng như vậy, nhưng có một số chỗ khác biệt.
Khi âm thanh đi vào nhĩ môn, chúng ta nói rằng có âm thanh. Đây là lộ trình tâm đầu tiên liên quan đến nhĩ thức. Sau đó, ý thức thẩm tra bản chất của âm thanh được nghe. Đây là tiến trình tâm đầu tiên liên quan đến ý thức. Trong tiến trình tâm thứ hai của ý thức, khái niệm xuất hiện. Trong tiến trình tâm tiếp theo, tên gọi sanh khởi.
Khi một đối tượng phát ra âm thanh, tai chỉ nghe nó. Nếu thiền sinh ghi nhận âm thanh với chánh niệm, chỉ dừng lại ở chỗ cái nghe chỉ là cái nghe thì tiến trình nghe sẽ bị dừng lại. Dòng ý thức ngừng chảy ngay trong lúc đó. Tuy nhiên, nếu thiền sinh không có chánh niệm, các hành và hoạt động của tâm sẽ phát huy tác dụng. Thiền sinh có thể nhớ lại âm thanh mà mình đã nghe hay suy nghĩ về nó. Dòng ý thúc lúc này chỉ vừa mới tiếp nhận, tiến trình ý thức cũng chỉ ở giai đoạn nhận biết âm thanh và khái niệm vẫn chưa hình thành. Nếu thiền sinh có thể ghi nhận điều này bằng chánh niệm, sự nhận biết sẽ chấm dứt ở đây, nó chỉ dừng lại ở giai đoạn khái niệm của âm thanh. Nếu thiền sinh không làm gián đoạn các hoạt động của tâm, tiến trình tiếp theo của ý thức sẽ phân tích khái niệm ai phát ra âm thanh đó và tiến trình tiếp theo sẽ là người đó nam hay nữ. Rồi sau đó là sự phát triển của ái lực. Đây là cách mà tiến trình tâm làm khuấy động phiền não. Vì vậy, điều bắt buộc là thiền sinh khi nghe chỉ nhận biết là cái nghe mà không thêm bất cứ điều gì vào. Sư tóm tắt lời giải thích này như vầy:
1. Nếu thiền sinh không ghi nhận các hiện tượng bằng chánh niệm, thiền sinh sẽ không có sự hiểu biết về khái niệm.
2. Để có được sự hiểu biết về sự thật tối thượng, cần lưu ý những điều sau đây.
3. Trong khi nghe, hay ghi nhận âm thanh bằng chánh niệm (hãy ghi nhận ngay khi tiến trình nhĩ thức hoặc tiến trình ý thức xuất hiện.)
4. Làm gián đoạn dòng chảy của tiến trình tâm trong khi nghe (nếu thiền sinh làm được như vậy, thì tiến trình thứ hai của tâm không thể diễn ra). Điều này đúng với câu “Sute sutamattaṃ bhavissati”, tức là “trong cái nghe chỉ là cái nghe”.
5. Như vậy, thiền sinh có thể đạt được tuệ phân biệt danh sắc (những gì thiền sinh nghe là sắc đang hoạt động, còn thiền sinh đang ghi nhận là danh (tâm) đang hoạt động. Như vậy, danh và sắc được phân biệt. Cả sự nghe và sự ghi nhận dường như biến mất vào khoảnh khắc tiếp theo.)
6. Cuối cùng, thiền sinh sẽ thấy được ba đặc tánh vô thường, khổ và vô ngã.
Không Chú Tâm Ghi Nhận Âm Thanh Trong Khi Nghe
Nghe tiếng, bị thất niệm,
Tác ý đến ái tướng,
Tâm tham đắm cảm thọ,
Vị ấy trú chấp thủ.
Saddaṁ sutvā sati muṭṭhā,
Piyaṁ nimittaṁ manasi karoto;
Sārattacitto vedeti,
Tañca ajjhosa tiṭṭhati.
Khi tiếng hay âm thanh sanh khởi ở nhĩ môn, người nghe cố gắng thưởng thức nó, họ mong đợi âm thanh ngọt ngào và dễ chịu. Điều này tạo nên xu hướng làm xuất hiện những ý nghĩ, lời nói và hành động bất thiện. Trong khi chú ý đến âm thanh, người ta sẽ mất đi chánh niệm và sanh khởi sự thích thú, mong muốn, nếu đó là âm thanh dễ chịu. Người nghe tiếp nhận những âm thanh ấy như thể họ muốn nuốt chửng chúng. Bất cứ khi nào họ nhớ lại những âm thanh ấy thì tham muốn bắt đầu lại trổi dậy và hành hạ người ấy hết lần này đến lần khác. Câu chuyện về Hoàng Tử Nanda là một thí dụ điển hình.
Câu Chuyện Về Nanda
Thái tử Siddhattha và hoàng tử Nanda là anh em cùng cha khác mẹ; mẹ của thái tử Siddhattha là Mahā Māyā, và mẹ của hoàng tử Nanda là Mahā Pajāpatī Gotamī. Mẹ của hai vị ấy là chị em, cả hai đều kết hôn với vua Suddhodana. Khi Mahā Māyā qua đời bảy ngày sau khi Thái tử Siddhattha chào đời, Mahā Pajāpatī Gotamī để con trai của mình cho các vú nuôi hoàng gia chăm sóc và tự mình nuôi Thái tử Siddhattha, cho vị ấy bú.
Thái tử Siddhattha giác ngộ thành Phật và đến Rājagaha để trải qua mùa An cư đầu tiên ở đó. Khi Đức Phật vừa đến đó được ba ngày, Vua Suddhodana tổ chức một bữa tiệc trước khi Hoàng tử Nanda kết hôn với Công chúa Janapada Kalyāṇī. Đức Phật cũng được thỉnh mời, Ngài đến cung điện nơi bữa ăn được dâng cúng đến Ngài. Khi sắp trở về tu viện, Đức Phật nói hoàng tử Nanda hãy cầm bát (của Đức Phật) và đi theo Ngài. Vì kính trọng Đức Phật, hoàng tử Nanda làm theo lời của Đức Phật và nghĩ rằng sớm muộn gì Ngài cũng sẽ lấy lại cái bát rồi hoàng tử sẽ quay trở lại. Khi hoàng tử Nanda chuẩn bị rời khởi hoàng cung, Công chúa Janapada Kalyāṇī nói rằng: “Hoàng tử, xin chàng hãy sớm quay lại!”
Một lần nọ ở tu viện, Đức Phật hỏi em trai Ngài có muốn xuất gia không. Hoàng tử Nanda không có tâm trí xuất gia nhưng lại nói: “Có”. Vì vậy, hoàng tử Nanda được xuất gia nhưng Ngài không cảm thích thích thú. Một ngày nọ, Tỳ-khưu Nanda phàn nàn: “Ta không cảm thấy thích thú với đời sống phạm hạnh. Ta không thể ở lại đây lâu hơn. Ta sẽ trở lại đời sống cư sĩ”.
Đức Phật biết Tỳ-khưu Nanda không thích thú trong lòng nên Ngài hỏi tại sao vị ấy không được vui. Tỳ khưu Nanda nói với Đức Phật là những lời nói của Janapada Kalyāṇī luôn văng vẳng bên tai của vị ấy. Đức Phật nắm tay Tỳ-khưu Nanda, dẫn vị ấy tới một nơi hoàng vắng vừa bị một vụ cháy rừng thiêu rụi, và chỉ cho Tỳ-khưu Nanda thấy một con khỉ già bị tàn tật ngồi bên một khúc gỗ đang cháy âm ỉ. Rồi sau đó, Đức Phật đưa Tỳ-khưu Nanda lên cõi Trời Tam Thập Tam Thiên (Tāvatiṃsā) và giới thiệu cho Tỳ-khưu Nanda 500 vị Thiên Nữ. Đức Phật hỏi Tỳ-khưu Nanda Janapada và các vị Thiên Nữ ở đây, ai đẹp hơn? Tỳ-khưu Nanda đáp: “Bạch Đức Thế Tôn, so với các vị Thiên Nữ này thì Janapada giống như con khỉ già mà con đã thấy trước đó”.
Đức Phật nói: “Này Nanda, hãy tiếp tục làm một vị Tỳ-khưu. Ta hứa với ông rằng, ông sẽ có được một vị Thiên nữ mà ông đã nhìn thấy”.
Khi Đức Phật cùng Tỳ-khưu Nanda trở về thế gian, Tỳ-khưu Nanda trở nên tinh tấn thực hành phạm hạnh với hy vọng rằng một ngày không xa sẽ có được một vị Thiên Nữ trong số ấy.
Tin đồn lan truyền khắp Tu Viện rằng Tỳ-khưu Nanda thực hành Pháp với mục đích muốn có được một thiên nữ làm vợ. Tỳ-khưu Nanda bị các vị Tỳ-khưu khác trêu chọc là người làm công ăn lương, thậm chí là nô lệ, làm việc vì lợi ích vật chất. Tỳ-khưu Nanda cảm thấy xấu hổ vì những lời trêu chọc này. Vị ấy viênc ly, nỗ lực hành thiền với quyết tâm mãnh liệt cho đến khi diệt tận được mọi phiền não. Cuối cùng, Ngài đã chứng đạt đạo quả và trở thành một vị Thánh A-la-hán.
Bài học rút ra từ câu chuyện này là nếu một người không thể ghi nhận với chánh niệm trong khi nghe, người ấy sẽ có khuynh hướng nhớ lại âm thanh đó nhiều lần. Sau đó, tâm họ bị kẹt trong âm thanh ấy. Tâm sẽ bắt lấy tất cả những cảm giác do tham ái sanh lên.
Vì cảm thọ tăng trưởng,
Nhiều loại, từ tiếng sanh,
Tham dục và hại tâm,
Não hại tâm vị ấy,
Như vậy, khổ tích lũy,
Gọi là xa Niết-bàn.
Tassa vaḍḍhanti vedanā,
anekā saddasambhavā;
Abhijjhā ca vihesā ca,
cittamassūpahaññati;
Evaṁ ācinato dukkhaṁ,
ārā nibbāna vuccati.
Điều này giống như trạng thái của tâm trong cái thấy, và cái nghe cũng diễn ra tương tự như vậy.
Đến Gần Niết-Bàn Nhờ Lấy Âm Thanh Làm Đối Tượng Tu Thiền
Vị ấy không tham tiếng,
Nghe tiếng, tự quán niệm,
Tâm không dính cảm thọ,
Không trú trong chấp thủ.
Na so rajjati saddesu,
saddaṁ sutvā paṭissato;
Virattacitto vedeti,
tañca nājjhosa tiṭṭhati.
Ai nghe thấy các tiếng,
Cùng hợp với cảm thọ,
Trừ diệt, không tăng trưởng,
Vị ấy sống chánh niệm,
Như vậy, khổ không tăng,
Ðược gọi gần Niết-bàn.
Yathāssa suṇato saddaṁ,
sevato cāpi vedanaṁ;
Khīyati nopacīyati,
evaṁ so caratī sato;
Evaṁ apacinato dukkhaṁ,
santike nibbāna vuccati.
Những câu kệ này không cần phải làm sáng tỏ. Những gì đã nói về cái thấy thì cái nghe cũng giống như vậy chỉ là đối tượng bây giờ đang nói tới là âm thanh.