WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Các Pháp Chưa Từng Nhận Thức Trước Đây

Giảng giải Kinh Mālukyaputta

Mahāsi Sayādaw

Dịch Việt
Dhanapālaka

“Các pháp do ý thức nhận thức, Ông không nhận thức, trước đây Ông không nhận thức, và Ông không muốn nhận thức;ở đây đối với chúng, Ông có lòng dục, tham hay khát ái không?”

Như lần trước, Tôn giả Mālukyaputta đã trả lời câu hỏi này là không, và Đức Phật đã hướng dẫn Ngài cách thực hành thiền minh sát.

Không Chú Tâm Ghi Nhận Các Pháp Trong Khi Nhận Thức

Biết pháp, bị thất niệm,
Tác ý đến ái tướng
Tâm tham đắm cảm thọ,
Vị ấy trú chấp thủ.
Dhammaṁ ñatvā sati muṭṭhā,
Piyaṁ nimittaṁ manasi karoto;
Sārattacitto vedeti,
Tañca ajjhosa tiṭṭhati.

Ở đây, thuật ngữ ‘dhamma’ – đối tượng của tâm, không được dùng theo nghĩa trừu tượng. Nó liên quan đến sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Pháp tạo ra định nghĩa về nam hay nữ. Pháp bao gồm những đặc tánh của vật chất và các chất dinh dưỡng. Pháp bao gồm tất cả các khái niệm về nhân loại hay chư Thiên, và các loài động vật như gia súc, v.v… Pháp bao gồm tất cả các đồ vật vô tri như nồi niêu, và các tòa nhà. Tất cả các đối tượng giác quan, dù thực hay tưởng tượng, đều là Pháp. Khi những người bình thường nhìn thấy những thứ có trong tự nhiên, họ nhận ra chúng bằng những khái niệm như cây, rừng và núi. Những người đã thành tựu được tuệ thấu đạt (sammasana-ñāṇa) và tuệ sanh diệt (udayabbaya-ñāṇa) thường nhìn thấy hình ảnh của Chư Thiên, các bậc Thánh A-la-hán, Đức Phật và những đối tượng bằng xương bằng thịt thật. Dù các đối tượng ấy được nhìn thấy thế nào đi nữa, dù bằng mắt hay tuệ nhãn, thì họ cũng sẽ phát triển sự dính mắc hay ác cảm với chúng tùy theo cảm giác cá nhân về đối tượng ấy. Một khi những cảm giác này sanh lên, người ấy sẽ quên mất Giáo Pháp và bị những suy nghĩ của họ nuốt chửng chính họ. Sau đó phiền não phát sinh. Điều này được giải thích trong câu kệ sau.

Vì cảm thọ tăng trưởng,
Nhiều loại, từ pháp sanh,
Tham dục và hại tâm,
Não hại tâm vị ấy,
Như vậy, khổ tích lũy,
Gọi là xa Niết-bàn.
Tassa vaḍḍhanti vedanā,
anekā dhammasambhavā;
Abhijjhā ca vihesā ca,
cittamassūpahaññati;
Evaṁ ācinato dukkhaṁ,
ārā nibbāna vuccati.

Đến Gần Niết-Bàn Nhờ Lấy Pháp Làm Đối Tượng Tu Thiền

Những câu kệ trước cho thấy mặt tối của đời sống thiền sinh. Và mặt sáng được nói đến trong câu kệ sau.

Vị ấy không tham pháp,
Biết pháp, tự quán niệm,
Tâm không dính cảm thọ,
Không trú trong chấp thủ.
Na so rajjati dhammesu,
dhammaṁ ñatvā paṭissato;
Virattacitto vedeti,
tañca nājjhosa tiṭṭhati.

Ở đây, Pháp – đối tượng của tâm không phải là sự thực tuyệt đối mà là khái niệm (paññatti). Tuy nhiên, bản thân ý thức là một sự thực tuyệt đối. Nó bao gồm những suy nghĩ và ý tưởng được sanh ra bởi đối tượng của Tâm. Nó sanh lên và biến mất trong khoảnh khắc tiếp theo, vô thường cũng vậy. Khi một thiền sinh tưởng tượng ra một đối tượng và ghi nhận nó với chánh niệm, nó sẽ biến mất ngay khi được ghi nhận. Điều thực sự xảy ra, đó là sự biến mất của ý thức cấu thành nên tâm hay danh (nāma). Khi khi thiền sinh, quan sát chú tâm vào đối tượng, thiền sinh sẽ không còn thấy những hình tướng do tâm (citta) hay sắc (nāma) tạo ra. Khi thiền sinh ghi nhận nó như vậy, thì dính mắc sẽ không sanh khởi. Nói cách khác, chánh niệm diệt trừ tham dục hay khát ái. Trong lúc đó, chỉ có ý thức sanh khởi mà không còn gì hơn nữa. Điều này đúng với lời chỉ dẫn “Viññataṃ viññāṇamatta bhavissati — Trong cái biết chỉ là cái biết”. Nếu ai không thực hành thiền về các đối tượng của tâm thì phiền não sẽ có cơ hội sanh khởi.

Ai hiểu biết các pháp,
Cùng hợp với cảm thọ,
Trừ diệt, không tăng trưởng,
Vị ấy sống chánh niệm,
Như vậy, khổ không tăng,
Ðược gọi gần Niết-bàn’.
Yathāssa jānato dhammaṁ,
Sevato cāpi vedanaṁ;
Khīyati nopacīyati,
Evaṁ so caratī sato;
Evaṁ apacinato dukkhaṁ,
Santike nibbāna vuccatī’ti.

Bất cứ pháp nào sanh khởi nơi tâm cũng phải được ghi nhận ngay khi nó hình thành để khuynh hướng phiền não không có cơ hội xuất hiện. Khi các phiền não chấm dứt, nghiệp và quả cũng chấm dứt, và sự chấm dứt nhất thời đó mang lại cho thiền sinh niềm an lạc nhất thời (tadaṅga nibbāna).

Cần lưu ý rằng Niết-bàn (nibbāna) nằm trong tầm tay của tất cả những ai thực hành thiền minh sát. Ngược lại, nó xa vời với những ai không hành thiền.