WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Những Đối Tượng Chưa Từng Thấy

Giảng giải Kinh Mālukyaputta

Mahāsi Sayādaw

Dịch Việt
Dhanapālaka

“Ông nghĩ thế nào, này Mālukyaputta? Các sắc do mắt nhận thức, Ông không thấy, trước đây Ông không thấy, nay Ông không thấy, và Ông không muốn thấy; ở đây đối với chúng, Ông có lòng dục, tham hay khát ái không?”
“Taṁ kiṁ maññasi, mālukyaputta, ye te cakkhuviññeyyā rūpā adiṭṭhā adiṭṭhapubbā, na ca passasi, na ca te hoti passeyyanti? Atthi te tattha chando vā rāgo vā pemaṁ vā”ti?

Những đối tượng hữu hình hay sắc (rūpa) có thể nhìn thấy bằng mắt là những đối tượng có thật, nhưng có thể có những đối tượng không có thật khác sanh khởi trong trí tưởng tượng hoặc giấc mơ của một người. Chúng được gọi là đối tượng của thức. Đoạn kinh đề cập đến những đối tượng trong quá khứ xa xôi, nghĩa là có những đối tượng từ kiếp trước được ghi nhớ trong kiếp hiện tại.

Vào thời Đức Phật, có một người phụ nữ tên là Patipūjikā, bà có thể nhớ lại kiếp trước của mình, và chồng bà là một vị thần (deva) tên là Mālabārī. Bà vẫn nhớ về người chồng này trong kiếp sống hiện tại của mình. Đây chính là sự ám chỉ bà đã từng là một chúng sanh ở quá khứ.

Điều này có thể hiểu rằng một người có thể phát triển sự dính mắc với những ước mơ hoặc tượng tưởng, nhưng họ không thể nảy sinh sự dính mắc tới đối tượng mà người ấy không thể tượng tượng.

Ví như, không có người đàn ông nào có thể yêu một người phụ nữ mà anh ấy chưa từng gặp hay nghĩ đến sẽ gặp. Và cũng không có một người phụ nữ nào mà có thể yêu một người đàn ông mà cô ấy chừa từng gặp hay nghĩ đến sẽ gặp.

Tỳ-khưu Mālukyaputta trả lời, “Tham dục không thể sanh khởi trong con đối với những điều mà trước kia con chừa từng thấy, bây giờ không thấy, cũng không nghĩ tưởng sẽ thấy trong tương lai.”

Câu Chuyện Của Anitthigandha Kumāra

Bản Chú Giải Kinh Pháp Cú kể lại câu chuyện về Anitthigandha Kumāra, một người đem lòng yêu thương một người nữa nhân trẻ đẹp do ông tưởng tượng ra. Điều này cho thấy rằng, khi một người tưởng tượng ra một hình ảnh đẹp trong suy nghĩ hay trong giấc mơ, thì tham dục sẽ từ đó mà sanh khởi. Có câu chuyện như vầy:

Anitthigandha Kumāra sinh ra ở Sāvatthi. Vị ấy từng là một vị Phạm thiên trong kiếp trước. Khi ở trong cõi Phạm thiên, vị ấy đã thoát khỏi sự trói buộc của dục vọng. Nên khi tái sinh làm người, vị ấy không có hứng thú với nữ nhân. Đến tuổi trưởng thành, cha mẹ hối thúc vị ấy kết hôn nhưng vị ấy đã từ chối. Vì Cha Mẹ nhất quyết nài nỉ nên chàng thanh niên này đã nghĩ ra một kế hoạch để né tránh việc kết hôn. Vị ấy cho tạo ra một nữ nhân xinh đẹp bằng tượng vàng, và nói rằng sẽ chỉ cưới cô gái nào giống như bức tượng vàng này. Gia đình vị ấy thuộc hàng giàu có, nên đã cho các Bà-la-môn đi tìm kiếm khắp nơi để tìm ra người nữ nhân có ngoại hình xinh đẹp như bức tượng vàng mà chàng thanh niên đã tạo ra.

Khi các Bà-la-môn đến Sāgala ở vương quốc Madda, họ nghe về một nữ nhân xinh đẹp mười sáu tuổi đang bị giam giữ trong một toà lầu bảy tầng. Sau khi lần theo dấu vết, tìm đến nơi và thuyết phục Cha Mẹ Nàng cho phép họ nhìn thấy nữ nhân ấy. Khi nhìn thấy nữ nhân ấy, họ thấy nàng còn đẹp hơn cả bức tượng vàng mà chàng thanh niên đã tạo.

Rồi các Bà-la-môn thương lượng với cha mẹ nàng để gả nàng cho Anitthigandha Kumāra. Nhận được sự đồng ý của họ, các Bà-la-môn đã báo cho cha mẹ của Anitthigandha Kumāra biết. Khi nghe tin nữ nhân được tìm thấy còn đẹp hơn cả bức tượng mà mình đã tạc, chàng thanh niên ấy nóng lòng muốn đưa nữ nhân ấy về càng sớm càng tốt. Đây là một trường hợp sanh khởi sự gắn bó trong trí tưởng tượng của một người.

Từ Sāgala đến Sāvatthi cách nhau hơn năm trăm dặm, lúc đó phương tiện giao thông còn thô sơ, nên nữ nhân ấy bị kiệt sức trong suốt cuộc hành trình rồi đổ bệnh và qua đời.

Khi Anitthigandha Kumāra nghe tin này, vị ấy trở nên vô cùng đau khổ vì không kịp nhìn thấy nữ nhân ấy. Nên thanh niên Anitthigandha Kumāra mất ăn, mất ngủ. Biết được điều này, Đức Phật với tâm bi mẫn đi đến nhà người thanh niên để khất thực. Cha Mẹ thanh niên Anitthigandha Kumāra cung kính cúng dường Đức Phật và đưa vị ấy đến gặp Ngài. Rồi Đức Phật dạy bài kệ như vầy:

“Dục ái sinh ưu sầu,
Dục ái sinh sợ hãi,
Ai thoát khỏi dục ái,
Ắt hết mọi âu lo”.
“Kāmato jāyatī soko,
kāmato jāyatī bhayaṃ;
Kāmato vippamuttassa,
natthi soko kuto bhayaṃ.”1Dhp 215.

Sau khi nghe bài kệ này, thanh niên Anitthigandha Kumāra chứng đắc đạo quả dự lưu. Trước đây, chàng thanh niên không quan tâm đến nữ nhân và cho rằng mình đã đặt ra cho cha mẹ một thử thách bất khả thi. Nhưng khi tìm thấy với một nữ nhân xinh đẹp hơn cả trong trí tưởng tượng của chàng thanh niên, sự dính mắc ấy đã dày vò cái tâm trong sáng của vị ấy.

Câu Trả Lời Của Mālukyaputta

Mālukyaputta trả lời rằng không có ham muốn nào sanh khởi thông qua các giác quan (căn) mà những đối tượng ấy chưa từng được kinh nghiệm hay chỉ trong tưởng tượng. Các thiền sinh ở trung tâm thiền này hiểu được vấn đề này, những ai chưa có kinh nghiệm trong thiền tập có thể cảm thấy bối rối. Năm 1951, Sư dạy Kinh Mālukyaputta ở Thaddhamma Thitagu Yeikthā, Bassein; em gái của Thaddhamma Thitagu Sayadaw cũng có mặt trong số những người đang thính pháp. Cô ấy thú nhận là cô ấy bối rối khi Sư đề cập đến đối tượng thị giác chưa bao giờ nhìn thấy hoặc chỉ trong tưởng tượng. Cô ấy tự hỏi hình dang nó như thế nào? Cô ấy là một cô gái thông minh nhưng tâm cô ấy rất khó tiếp thu trước khi thực hành thiền minh sát. Sau khi hành thiền, cô ấy đã bị sự thật của Pháp thuyết phục. Cố rất hoan hỷ với bài thuyết giảng đến nỗi Cô đã phổ biến kiến thức mà Cô thu được từ bài giảng và giảng lại cho những thiện tín khác.

Thường mọi người có thể chấp nhận rằng những gì không được thấy thì không thể kích động được tham dục. Có thể nào sanh khởi tình cảm đối với một người mà bạn chưa từng gặp trước đây không?

Không những tình cảm không nảy sanh mà hận thù cũng không thể sanh khởi. Không có si mê thì không có tà kiến. Sư đã soạn câu như vầy để giúp thiện tín ghi nhớ tốt hơn:

1. Chỗ nào không thấy các sắc (đối tượng của mắt) thì chỗ ấy không có phiền não.

2. Chỗ nào nhìn thấy các sắc thì chỗ ấy phiền não rập rình.

3. Bất cứ đối tượng nào được thấy, hãy ghi nhận với chánh niệm thì những phiền não tiềm ẩn trong tâm bị diệt mất.

4. Câu hỏi của Đức Phật đặt ra cho Mālukyaputta tạo nên bài tập thiền minh sát.

Rõ ràng, những đối tượng mà một người chưa từng gặp không thể khơi dậy những phiền não tham dục. Từ điều này, chúng ta có thể suy ra những phiền não chỉ sanh khởi từ những đối tượng được thấy và được biết. Đức Phật thu hút sự chú ý của Mālukyaputta bằng cách đặt câu hỏi và Ngài cũng muốn chàng thanh niên nhận ra rằng phiền não sẽ sanh khởi bất kỳ lúc nào khi nhớ lại các đối tượng ấy. Chúng ta có thể nhớ lại khuôn mặt tươi cười hay sân hận của những người mà trước kia ta nhìn thấy. Mỗi khi chúng ta nhớ lại, khuôn mặt tươi cười hay sân hận lại xuất hiện. Cứ như vậy, tâm của chúng ta lại bị kích động. Tương tự vậy, khi nhớ lại những điều làm chúng ta sanh khởi tham dục, chúng ta sẽ bị tham dục chi phối. Sân hận hay si mê cũng sanh khởi như vậy. Nếu thiền sinh không ghi nhận ngay khi thấy, thiền sinh có xu hướng thất niệm về đặc tánh vô thường và vô ngã của các pháp hữu vi, thì chính ngay lúc đó, phiền não sẽ xâm chiếm lấy tâm của thiền sinh. Nếu thiền sinh tinh tấn ghi nhận từng khoảnh khắc của cái thấy, thiền sinh sinh sẽ nhận ra rằng đối tượng đó sanh ra để rồi tan biến. Khi đã biết được bản chất vô thường thực sự của đối tượng, thì chúng không thể nào dày vò thiền sinh được nữa.

Vì vậy, khi nhìn thấy bất kỳ đối tượng nào, thiền sinh hãy ghi nhận những gì đang thấy, chánh niệm về tính vô thường của đối tượng và không cho phiền não có cơ hội sanh trưởng. Phiền não luôn rình rập tìm kiếm cơ hội xâm chiếm tâm của thiền sinh. Nếu thiền sinh chánh niệm ghi nhận các đối tượng trong khi thấy, thiền sinh sẽ nhận ra phiền não và chúng sẽ biến mất. Khi đó, tâm thiền sinh không còn bị xáo trộn như thể thiền sinh chưa hề nhận biết đối tượng đó. Sự hiểu biết này giúp ít cho thiền sinh trong khi thực hành thiền minh sát. Đó là lý do tại sao Sư nói rằng câu hỏi của Đức Phật tiết lộ cách thực hành thiền minh sát. Phần sau, thiền sinh sẽ được nghe nhiều hơn những câu hỏi của Đức Phật liên quan đến âm thanh hay tiếng và tai. Khi đó, Sư sẽ trình bày ngắn gọn về cách hành thiền minh sát theo lời dạy của Đức Phật.

“Và ở đây, này Māluṅkyaputta, đối với các pháp được thấy, được nghe, được cảm nhận, được biết đến, Ông sẽ chỉ thấy được với những vật thấy được, sẽ chỉ nghe được với những vật nghe được, sẽ chỉ cảm nhận được đối với những vật cảm nhận được, sẽ chỉ nhận biết được đối với những vật có thể nhận biết được”.
Ettha ca te, mālukyaputta, diṭṭhasutamutaviññātabbesu dhammesu diṭṭhe diṭṭhamattaṁ bhavissati, sute sutamattaṁ bhavissati, mute mutamattaṁ bhavissati, viññāte viññātamattaṁ bhavissati”.

Ở đây, ta thấy rằng các phiền não không có cơ hội sanh khởi khi thu thúc sáu căn. Và câu hỏi đặt ra làm làm sao để tinh tấn đẩy lùi các phiền não khi các đối tượng sanh khởi nơi sáu căn. Vì vậy, Đức Phật đã trình bày thiền minh sát liên quan đến các đối tượng thấy, nghe, cảm nhận và biết đến. Ở đây, thiền sinh nên lưu ý rằng tỷ căn (khứu giác), thiệt căn (vị giác), thân căn (xúc giác) được gom vào phạm trù các căn (muta) cho ngắn gọn. Tu thiền về ba đặc tánh vô thường, khổ, vô ngã tập trung vào trong cái thấy, nghe, cảm nhận và biết đến. Các giác quan (các căn) và các đối tượng giác quan (các trần) này không phải là “tôi”, “của tôi” hay “bản thân tôi”. Các đối tượng chỉ xuất hiện trong tức khắc tại các căn và thiền sinh chỉ thấy hay nghe chúng trong khoảnh khắc đó, và không có gì hơn thế. Đây là cốt lõi của phương pháp hành thiền minh sát.

Dòng Nhãn Nhức

Cái thấy có nghĩa là sự tiếp xúc giữa đối tượng thị giác và mắt, tạo ra nhãn thức (cakkhuviññāṇa). Tiếng Miến gọi là ‘myin-thi’, tức là thấy – biết, ý là nhận thức bằng mắt. Sư sẽ bắt giải thích tiến trình vận hành của tâm khi một đối tượng thị giác xuất hiện ở nhãn căn qua nhãn môn. Các chập tư tưởng (sát-na) diễn ra theo trình tự trong mỗi tiến trình tâm.

Đầu tiên, khi mắt tiếp nhận hình ảnh của đối tượng thị giác, tâm hộ kiếp (bhavaṅga) xuất hiện và bắt đầu tiến trình của cái thấy trong ba sát-na. Nó kích hoạt nhãn môn hướng tâm (cakkhudvārāvajjana) hướng về đối tượng của thị giác. Hình ảnh sẽ bị lọt vào nhãn xứ và được biết bởi nhãn thức (cakkhuviññāṇa), lúc đầu nó chưa bị các phiền não quấy nhiễu. Ngay sau đó, tâm tiếp nhận (sampaṭicchana) nhận lấy hình ảnh đó. Kế tiếp, tâm quán xét (santīraṇa) tiếp quản và điều tra đối tượng để tâm xác định (voṭṭhabbana) xác định đó là ai, là cái gì?

Cho đến lúc này, các phiền não ngủ ngầm đang chờ đợi cơ hội trổi dậy. Ngay khi tâm xác định rằng đối tượng này là dễ chịu hay khó chịu, thích hay ghét phát triển thì tiến trình đổng lực (javana) bắt đầu phát huy tác dụng tạo nên xung lực liên tiếp trong bảy sát-na. Ở giai đoạn này, các hành động có thể được đánh giá là thiện hay ác, đồng thời, các phiền não tham, sân, si bây giờ cũng đã lộ rõ bản chất thực sự của chúng.

Cuối cùng, hai sát-na tâm ghi nhận (tadārammaṇa) xuất hiện. Đây là sự mô tả lộ trình của tâm khi nhìn thấy một đối tượng. Nó được gọi là ‘vīthi’, tức là con đường, lộ trình hay tiến trình mà tâm thức tự nó hình thành.

Lộ trình Tâm (Vitthi Citta)

Hộ kiếp tâm quá khứ → Hộ kiếp tâm rung động → Hộ kiếp tâm bị cắt đứt → Hướng tâm (về đối tượng) → Nhãn thức → Tâm tiếp nhận → Tâm quán xét → Tâm xác định → Đổng lực → Đổng lực → Đổng lực → Đổng lực → Đổng lực → Đổng lực → Đổng lực → Tâm ghi nhận → Tâm ghi nhận
Atītabhavaṅga → Bhavaṅgacalana → Bhavaṅgupaccheda → Āvajjana → Cakkhuviññāṇa → Sampaṭicchana → Santīraṇa → Voṭṭhabbana → Javana → Javana → Javana → Javana → Javana → Javana → Javana → Tadārammaṇa → Tadārammaṇa

Dòng Nhĩ Thức

Dòng tâm thức chảy khi nghe, nếm, ngửi, chạm hoặc suy nghĩ giống như dòng nhãn thức, nhưng Sư sẽ nhắc lại toàn bộ tiến trình này.

Tâm hộ kiếp (bhavaṅga) là một trạng thái tâm hoạt động trong khi ngủ say. Nó không hướng về các đối tượng của các giác quan trong kiếp sống hiện tại, mà nó hướng về một đối tượng giác quan của người có sự dính mắc vào lúc chết trong kiếp trước. Kế tiếp với nó là Tâm Tái Tục (paṭisandhi citta) của kiếp sống hiện tại, đây là tâm đầu tiên sanh lên khi xuất hiện quá trình thụ thai. Nó sanh khởi liên tục, nhưng vì tính thụ động mà tâm này lắng xuống khi có bất kỳ sát-na tâm khác sanh lên.
Thí dụ, một đối tượng giác quan đi vào dòng tâm thức qua một trong sáu căn môn, bhavaṅga phải nhường chỗ cho căn môn hướng tâm (dvārāvajjana), căn môn hướng tâm ngay lập tức sẽ đảm nhận chức năng phản ánh bản chất các dấu vết được tạo ra bởi các đối tượng giác quan đi vào căn môn. Nhãn thức, hay nhĩ thức, v.v… diễn ra bởi tâm tiếp nhận (sampaṭicchana) và tâm quán xét (santīraṇa). Rồi tâm xác định (voṭṭhabbana) sẽ xác định đây là ai hay đó là cái gì. Sau đó, đổng lực (javana) rung động liên tiếp trong bảy sát-na để thông báo cho tâm ghi nhận (tadārammaṇa) rung động trong hai sát-na (khi chấm dứt một chu kỳ tiến trình tâm). Và cuối cùng sẽ lắng xuống thành Tâm hộ kiếp (bhavaṅga).

Khi xác định có một đối tượng ưa thích thì những hành động bất thiện như dục vọng và tham ái sẽ sanh khởi thành sự ham muốn đối tượng đó. Đây là sự vận hành của những xung lực bất thiện. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Đôi khi có thể có một đối tượng không đáng hài lòng xuất hiện, nhưng một người có thể có khuynh hướng làm những việc thiện để tránh đi hậu quả của những trải nghiệm khó chịu. Nhưng có khi vào một lúc khác, một đối tượng đáng hài lòng có thể được nhìn nhận với lòng bi mẫn. Những trường hợp này này là do sự thôi thúc của Giới.

Nên nhớ rằng có mười bốn sát-na tâm từ khi sanh lên đến khi tâm nhận thức tròn đủ. Nếu cảnh (đối tượng giác quan) có dấu vết yếu, tiến trình đổng lực có thể chấm dứt chỉ sau năm hay sáu sát-na, mắc dù thông thường nó kéo dài đến bảy sát-na.

Khi cái thấy diễn ra, chỉ là thấy, không làm gì thêm nữa. Như kinh điển nói, “Khi thấy chỉ thấy”. Tiến trình tâm khi nghe hay nến cũng như khi thấy. Vì vậy, khi cái nghe diến ra, chỉ là nghe, không làm gì thêm. Điều này phù hợp với đoạn kinh:

“Những gì được nghe chỉ là cái nghe”.
“Sute sutamattaṃ bhavissati.”

Thiền sinh sẽ được nghe nhiều hơn về phần này phía sau, giờ Sư sẽ đề cập đến những hiểu biết rút ra từ sự ghi nhận các đối tượng của mắt.

Sự Thực Từ Cái Thấy

Khi các sát-na tâm như: nhãn thức tâm, nhãn môn hướng tâm, tiếp nhận tâm, quán xét tâm, xác định tâm, đổng lực và tâm ghi nhận đều đóng vài trò của chúng trong tiến trình thấy thì sự thực từ cái thấy về hình dạng của các đối tượng giác quan trở nên rõ ràng hơn. Đến lúc này chủ thể vẫn chưa chú ý đến các khái niệm như nam tánh hay nữ tánh. Tại thời điểm đó, đổng lực bất thiện có thể diễn ra, nhưng vì còn yếu nên không thể tạo ra phản ứng mạnh mẽ, và kết quả của đổng lực bất thiện cũng nhỏ nhoi. Do đó, ở giai đoạn đầu khi phản ứng này chưa có đà, thiền sinh có thể ghi nhận đối tượng ngay khi nhìn thấy chúng. Tiếp đến, thiền sinh kinh nghiệm sự thực từ chủ thể đang thấy cũng như đối tượng được thấy. Chủ thế ở đây là Tâm hay danh (nāma) và đối tượng được thấy là vật chất hay sắc (rūpa). Giờ đây, thiền sinh thấy nāma-rūpa như một sự thực tuyệt đối (paramattha). Tuy nhiên, thiền sinh vẫn chưa xem xét đối tượng mình đang nhìn là đàn ông hay đàn bà, điều đó có nghĩa là thiền sinh chưa đạt được sự hiểu biết khái niệm (định danh) của đối tượng được thấy. Vì vậy, ở giai đoạn này, dầu thiền sinh thấy được điều gì đó, thiền sinh hãy để yên nó như vậy, vì thiền sinh chưa có sự suy nghĩ gì về điều đó. Điều này đúng với câu “Trong cái thấy, chỉ là cái thấy”.

Từ Nhãn Môn Tới Ý Môn

Thật không dễ dàng gì khi chỉ dừng lại ở việc nhìn thấy. Thiền sinh mới sẽ không thể nắm bắt được những sát-na tâm tạo nên tiến trình nhìn. Các hiện tượng không thể dừng lại ngay khi nó sanh khởi, thiền sinh phải xem xét đối tượng xuất hiện trong nhãn thức tâm nếu muốn biết nó. Bất kỳ đối tượng nào đi qua ý môn đều phải được nhận diện, những thiền sinh mới rất khó điều chỉnh nhãn thức theo đối tượng của mắt trong khi cố gắng xác định đối tượng đó, vì vậy, cần phải dựa vào ý thức để suy nghĩ về đối tượng hay vật thấy ấy. Tiến trình tâm liên quan đến ý thức như sau.

Ý môn hướng tâm đầu tiên sanh lên, thúc đẩy bảy sát-na tâm thông báo những phát hiện đến hai sát-na Tâm ghi nhận. Như vậy, có mười sát-na trong phần tiến trình này. Tuy nhiên, nếu đối tượng của giác quan chỉ tạo ra một ấn tướng yếu ớt, thì đổng lực rung động chưa đến bảy sát-na và ý thức có thể bị cắt đứt chỉ sau năm hoặc sáu đổng lực. Khi nhãn thức đã làm xong công việc của nó, ý thức tiếp quản nhưng nó vẫn không thể phân biệt được đối tượng của mắt là nam hay nữ. Ở giai đoạn này, cái biết vẫn còn ở giai đoạn của sự thực tuyệt đối (paramattha), giống như nhãn thức đã nói phía trước.

Tuy nhiên, hãy lưu ý một điểm khác biệt ở đây: trong khi nhãn thức nhận biết đối tượng của mắt trong thời điểm hiện tại, thì ý thức nhận biết đối tượng của mắt trong quá khứ. Ý thức phải nhớ lại đối tượng của mắt trong quá khứ, đối tượng mà nhãn thức đã nhìn thấy trước đó. Mặc dầu vậy, hình ảnh vẫn là sự thực cuối cùng. Vì vậy, thiền sinh mới rất khó khăn để ghi nhận đối tượng thị giác khi nó đi vào tiến trình đầu tiên của tâm thức.

Sự Xuất Hiện Của Cái Biết (Khái Niệm)

Việc không ghi nhận đối tượng bằng chánh niệm khi nó đi vào ý môn trong sát-na đầu tiên của tâm thức sẽ thúc đẩy tiến trình tâm thứ hai sanh khởi. Ở giai đoạn này, cái biết định danh (paññatti) liên quan đến hình dáng đối tượng của mắt bắt đầu xuất hiện và nó được hình thành vững chắc ở tiến trình tâm thứ ba.

Đối tượng bây giờ được phân biệt là nam hay nữ. Nhận thức này liên quan đến cả danh và sắc, nên các khái niệm về danh và sắc được hình thành. Khái niệm này xuất hiện một cách tự nhiên và nhanh chóng trong tiến trình tâm thứ hai, thứ ba. Đây là khái niệm do vô minh (avijjā) che dấu bản chất thực sự của đối tượng.

Các chú giải nói rằng vô minh có khuynh hướng che giấu. Bài tập cơ bản về chánh niệm giúp thiền sinh quan sát và ghi nhận đối tượng trước khi vô minh tạo ra khái niệm.

Tuy nhiên, lúc đầu, thiền sinh sẽ thấy khó nắm bắt được sự thật vì chánh niệm, định và tuệ chưa đủ mạnh.

Khi những yếu tố này mạnh hơn, thiền sinh sẽ có thể nhận ra bản chất thực sự của sắc (vật chất), ngay cả khi tiến trình nhãn thức tâm đầu tiên bị gián đoạn. Khi thiền sinh đạt tới tuệ diệt (bhaṅga-ñāṇa) và tuệ xả hành (saṅkhārupekkhā-ñāṇa), thiền sinh sẽ thấy rằng dòng tâm thức không bắt buộc phải chảy theo đổng lực, chỉ sau hai hay ba sát-na tâm xác định thiền sinh có thể nhận ra tuệ giác liên quan đến sáu chi quân bình (cân bằng) đối với cái thấy, cái nghe, v.v…Điều này đã được giải thích trong chú giải về Mūlapaṇṇāsa; để biết thêm chi tiết vui lòng tham khảo bài pháp của Sư về thực hành tuệ giác.

Trưởng Lão Poṭṭhila

Vào thời Đức Phật có một vị trưởng lão tên là Poṭṭhila, vị ấy đã học Tam Tạng, nhưng lại lơ là việc hành thiền. Đức Phật quở trách vị ấy là Tuccha Poṭṭhila – Poṭṭhila trống rỗng. Nhận ra những thiếu sót của mình trong thiền tập, vị trưởng lão đã đến thăm một tự viện, nơi có ba mươi vị A-la-hán sống trong rừng và thỉnh cầu các vị ấy chỉ ngài đề mục hành thiền. Vị A-la-hán trưởng lão biết về sự ngã mạn của trưởng lão ấy về pháp học nên đã từ chối lời thỉnh cầu rồi nói chỉ tới một vị Tỳ-khưu khác. Các vị Tỳ-khưu khác cũng làm vậy cho đến khi chỉ một vị Sa-di bảy tuổi, vị ấy cũng là một vị A-la-hán. Vị Sa-di nói rằng mình còn thiếu kinh nghiệm, nhưng trưởng lão Poṭṭhila mong muốn hành thiền nên vị Sa-di hướng dẫn như sau:

“Thưa Đại Đức, có một con kỳ nhông làm tổ trên một gò đất có sáu cái lỗ hang. Muốn bắt con kỳ nhông ấy thì phải bịt năm cái lỗ hang lại và đợi nó đi ra lỗ hang thứ sáu. Cũng vậy, có sáu cửa giác quan mà đối tượng các giác quan ấy có thể đi vào (sáu trần cảnh đi qua sáu căn môn). Nếu Đại Đức đóng năm cửa giác quan lại và canh chừng ý môn, Đại Đức hãy thọ trì như vậy”.

Điều mà vị A-la-hán khuyên Trưởng Lão Poṭṭhila là không nên để cho đổng lực bám lấy bất kỳ cửa nào trong năm căn môn, hãy đống hết chúng lại, và ghi nhận ý môn để đổng lực có thể dẫn vị ấy đến tuệ giác. Điều này giúp cho vị Trưởng Lão uyên bác về pháp học một phương pháp thực hành tuệ giác. Khi thấy, một người phải dừng lại ở sát-na xác định tâm và ghi nhận mọi hiện tượng cùng với chánh niệm. Cũng như câu: “Cái thấy chỉ là cái thấy”. Sau khi hành thiền theo sự hướng dẫn của vị A-la-hán, trưởng lão Poṭṭhila đã chứng đắc đạo quả A-la-hán.

Nắm Bắt Đúng Thời Điểm

Thiền sinh phải nắm bắt đúng thời điểm quan trọng khi ý căn môn lần đầu tiên xuất hiện. Nếu thiền sinh không làm như vậy, thiền sinh sẽ bị sự hiểu biết về chế định, khái niệm mê hoặc. Nếu thiền sinh không ghi nhận cái thấy đang diễn ra, thiền sinh đang sống trong ý thức giới. Để cho dễ hiểu hơn, Sư sẽ tóm tắt bốn giai đoạn của tiến trình mà Sư đã giải thích.

1. Đầu tiên, ấn tướng của đối tượng đi vào ý môn.

2. Sát-na phản ảnh đối tượng đi vào ý môn và hình thành nên tiến trình tâm đầu tiên, rồi sự nhận thức sanh khởi thông qua ý thức tâm.

3. Sau đó, sự định danh hay khái niệm được hình thành trong tiến trình tâm tiếp theo.

4. Cuối cùng, bản chất của các đối tượng (bản chất của các Pháp) được biết đến thông qua tên gọi, khái niệm hay định danh.

Danh và sắc hay thân và tâm, theo sự thực tuyệt đối về bản chất của các hiện tượng ngay khi chúng sanh khởi, có thể được biết thông qua thiền định. Nếu thiền sinh ngay lập tức biết được cái gì đang thực sự diễn ra, thiền sinh sẽ có được tuệ giác sâu sắc về ba đặc tánh vô thường, khổ và vô ngã. Có bốn điều sau đây cần phải lưu ý:

1. Hãy nắm bắt khoảnh khắc đầu tiền ngay khi thấy.

2. Bắt lấy dòng tâm thức ở tiến trình tâm đầu tiên ( theo lời dạy: “diṭṭhe diṭṭhamattaṃ bhavissati”, tức là “trong cái thấy chỉ là cái thấy”.)

3. Hãy phân biệt thân và tâm hay danh và sắc, ghi nhận rằng chúng là hai đối tượng khác nhau.

4. Nhận biết được ba đặc tánh (vô thường, khổ và vô ngã.)

Khi tuệ giác đã có đà phát triển, tâm sẽ phân biệt được thân và tâm, sự diệt mất hay tan rã sẽ trở nên rõ ràng hơn. Khi tuệ diệt (bhaṅga-ñāṇa) trở nên sắc bén, thiền sinh sẽ biết được cái đối tượng được thấy và cái thấy đều bị diệt mất với tốc độ nhanh chóng. Một thiền sinh quán chiếu, ghi nhận sự biến mất của đối tượng có thể thấy rằng ý thức đang rung động khi nó biến mất. Ấn tướng mờ nhạt đến mức thiền sinh có thể nghĩ tằng thị lực của mình không ổn định. Sau khi kinh nghiệm về sự diệt, thiền sinh sẽ thâu được sự hiểu biết trực tiếp về đặc tánh vô thường. Nhờ vậy, thiền sinh sẽ thấy rằng không có gì là thường hằng, là bất toại nguyện, không có bản chất, vì vậy, không thể điều khiển được thân và tâm. Nó là như vậy, đó là bản chất cố hữu của chúng.

Nếu thiền sinh chánh niệm khi thấy, nghe, v.v…, theo lời dạy của Đức Phật, thiền sinh có thể nhận ra rằng các đối tượng ấy chỉ diễn ra mà không thể làm gì được. Thiền sinh không cần phải vượt quá cái thấy và cái nghe để xem xét đối tượng là gì, chẳng hạn là nam hay nữ. Tâm không trụ trên các khái niệm mà ở trong sự thực tuyệt đối (paramattha).

Câu Trả Lời Của Chú Giải Sư

Trong số những người chưa có kinh nghiệm hành thiền, có một số người hoài nghi sự thích hợp của việc quán chiếu, ghi nhận các đối tượng (hay các pháp). Có số người thậm chí còn cho rằng phương pháp quán chiếu như vậy là sai lầm. Khi Sư đang ở Chauk, có một người đàn ông đến gặp Sư và chỉ trích rằng nhãn thức không nhận biết được sự sanh (upāda) và sự diệt (bhaṅga) của danh, sắc. Nhãn thức chỉ nhận ra đối tượng của mắt chỉ khi nào nó đi vào nhãn môn, vì vậy không thể đánh giá được đối tượng đang diễn biến như thế nào. Lời chỉ trích của ổng có nội dung như vầy:

“Vì nhãn thức không thể nhìn thấy đối tượng của mắt khi nó đang diễn ra, làm sao quán chiếu, ghi nhận để có thể đạt được sự hiểu biết về sanh và diệt của sắc hay vật chất được?”

Theo các Chú Giải và Vi Diệu Pháp, sắc (rūpa) sanh bốn hoặc năm sát-na tâm trước nhãn thức tâm và diệt mất vào sát-na tâm thứ mười hai (ít nhất là chín hay mười sát-na tâm sau khi nó lắng xuống). Vì vậy, sẽ đúng, khi nói rằng nhãn thức không nhận biết được sự sanh và diệt của đối tượng thị giác tại thời điểm nhìn. Tuy nhiên, chánh niệm có khả năng nhắc lại sự sanh và diệt của các hiện tượng được tiếp thâu bởi nhãn thức. Theo lời dạy trong Kinh, nếu các hiện tượng (các pháp) được biết đến nhờ chánh niệm thì sự sanh và diệt các đối tượng của mắt cũng có thể nhận biết được bằng nhãn thức.

Kinh Jhānasutta trong Tăng Chi Bộ Kinh (Aṅguttaranikāya) đề cập rằng khi một thiền sinh sanh ra từ Thiền (jhāna), vị ấy có thể nhớ lại tâm thiền cùng các tâm sở của nó hay danh uẩn (thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn). Vị ấy biết chúng rõ ràng như thế đang quan sát các tâm ấy bằng nhãn thức. Tuy nhiên, sự sanh và diệt của sắc (vật chất) không thể được nhận biết rõ ràng trong khi thiền vì lúc đó thiền sinh không chú ý đến nó. Tuy nhiên, tâm thiền và các tâm sở của nó, các danh uẩn đã được hiểu biết rõ ràng, bản chất của sắc sanh do thiền có thể được hiểu biết bằng sự suy tư.

Dựa vào bài kinh đó, có thể chứng minh rằng khi một thiền sinh đang ghi nhận cái thấy, thiền sinh ý thức được sự sanh và diệt của sắc tạo nên đối tượng của mắt, và điều đó phụ thuộc vào nhãn thức. Khi một thiền sinh quán chiếu sắc, người ấy thấy sự sanh và diệt của nó giống như một tia sét. Vì vậy, có câu:

“Các tâm hành luôn thay đổi, khi chúng thay đổi thì chúng sẽ diệt, giống như một tia sét xuất hiện rồi biến mất ngay lập tức.”

Hãy nhìn tia sét. Ai có thể thành thật mà nói rằng, mình có thể thấy sự sanh và diệt của nó? Dầu người ta có thể nhìn thấy toàn bộ hiện tượng ấy, nhưng người đó không thể nào thấy được sự bắt đầu cũng như sự kết thúc của nó, nhưng họ thấy nó diễn ra. Đối với thiền sinh đạt tới tuệ diệt và tuệ xả hành, đối tượng của mắt sanh rồi diệt liền chỉ trong một khoảnh khắc, cũng như tia sét sanh lên rồi diệt. Điều này sẽ rõ ràng hơn trong khi nghe hoặc xúc chạm. Khi thiền sinh nhận ra ba đặc tánh bằng hiểu biết trực tiếp về sự sanh diệt của danh và sắc, thiền sinh có thể chắc chắn rằng mình đac đạt được trí tuệ minh sát.

Hơn nữa, nếu thiền sinh tiếp tục thiền tập theo sự hướng dẫn, tuệ nhàm chán (nibbidā-ñāṇa) sẽ phát triển. Thiền sinh sẽ nhàm chán với các uẩn, tham dục sẽ biến mất, và khi không còn ái dục thì vị ấy có thể đạt tới Thánh Đạo, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu.

Các sắc được nhãn thức thâu nhận phát sanh cùng lúc với Tâm quá khứ hộ kiếp (atītabhavaṅga) trong quá khứ. Và đồng diệt với sát-na tâm quán chiếu, ghi nhận thứ hai trong quá trình hình thành tiến trình của tâm. Tuy nhiên, không thể nào nhận biết trực tiếp được sự sanh và diệt đó. Chúng chỉ có thể được biết thông qua trí văn (sutamayapaññā), tức là sự hiểu biết có được nhờ vào học hỏi. Hơn nữa, trí văn có thể không góp phần làm sanh khởi tuệ giác để đạt tới tuệ nhàm chán (nibbidā-ñāṇa). Không một ai có thể nói chính xác được là sắc sanh khởi như thế nào? Ở sát-na thứ nhất, thứ hai hay thứ ba của tâm thức, hoặc chính xác khi nào nó diệt mất, dù cho ở sát-na quán xét, ghi nhận thứ hai hay sát-na đổng lực thứ bảy. Nếu tuệ giác đòi hỏi sự chính xác như vậy đối với các tiền trình tâm này thì một thiền sinh bình thường không thể đạt được điều đó. Mục đích của Tạng Vi Diệu Pháp là để thiền sinh có được kiến thức áp dụng khi cần thiết. Những chi tiết như vậy không quan trọng trong việc hành thiền minh sát. Chỉ cần thiền sinh ghi nhận các hiện tượng (hay các pháp) khi nó sanh khởi giống như ghi nhận hiện tượng của tia sét là đủ. Điều này đúng với câu Kinh: “Ghi nhận là bước đi khi bước đi”.

Chánh Niệm Khi Nghe, v.v…

Tôn giả Mālukyaputta áp dụng chánh niệm vào hoạt động của sáu cửa giác quan. Nếu một người thường xuyên chánh niệm, người đó chỉ sẽ nghe những gì sanh khởi ở nhĩ môn rồi biến mất. Khi Sư đang thuyết bài pháp này, thiền sinh đang nghe từng tiếng mà Sư đang nói ra. Nếu thiền sinh tập trung vào từng âm thanh mà Sư nói, thì thiền sinh sẽ bỏ lỡ tầm quan trọng và ý nghĩa của những điều Sư đang cố gắng truyền đạt cho quý vị. Nếu thiền sinh dừng lại ở việc nhận biết âm thanh phát ra từ Sư, thiền sinh sẽ không nhận biết được rằng mình đang nghe nội dung gì. Cũng vậy, khi thiền sinh ngửi một mùi, thiền sinh chỉ biết mùi đó, tỷ thức sẽ không đi xa hơn. Khi cảm giác được sự xúc chạm và ngừng lại ở đó, thiền sinh chỉ biết rằng mình đã chạm vào vật gì đó hay có vật gì đó đã chạm vào mình, mà không vượt đi xa hơn.

Trong phạm vi các đối tượng của tâm cũng như vậy, thiền sinh chỉ dừng lại tại lức ý thức phát sanh mà không hình thành các khái niệm hay định danh. Khi ấy, phiền não sẽ không thể sanh khởi. Sư sẽ nói thêm về điều này sau.

Sư sẽ nhắc lại bài trước về cái thấy, cái nghe, v.v…”Khi thấy, chỉ là cái thấy; khi nghe, chỉ là cái nghe; khi suy nghĩ, chỉ là suy nghĩ; và khi biết, chỉ là cái biết”. Tóm lại, đây là cách thực hành thiền minh sát. Điều đó có nghĩa là khi ý thức được những đối tượng của các giác quan sanh khởi, thiền sinh chỉ nên để tâm dừng lại và ghi nhận sự sanh khởi đó. Thiền sinh chỉ làm được điều này khi các đối tượng được ghi nhận với chánh niệm. Trong khi thiền sinh cố gắng ghi nhận như vậy, tâm thiền sinh có thể bị chệch khỏi mục tiêu của nó, tức là chệch khỏi mục tiêu tìm hiểu bản chất của đối tượng. Đây là trường hợp dễ gặp nhất đối với các thiền sinh mới.

Một số người khẳng định rằng, chỉ cần quán sát ba đặc tánh, thì có thể an trụ được tâm khi các đối tượng của tâm sanh khởi. Một số khác thì lại cho rằng chỉ cần giữ nguyên tâm như vậy thì tâm sẽ tự động dừng lại ở chỗ nhận thức những gì được thấy hay nghe. Những điều này có nghĩa là không thu thúc hay canh chừng tâm. Như vậy, nó đồng nghĩa với việc loại bỏ chánh niệm. Sư hỏi những người bất đồng chánh kiến như vầy:

“Bạn sẽ phản ứng thế nào trước những lời nói gay gắt khiến bạn đau cả tai, hay trước những thứ dơ bẩn khiến bạn khó chịu, hay trước những nỗi đau về tinh thần lẫn thể chất khiến bạn mất đi sự bình tĩnh?”

Nếu không ghi nhận tâm với chánh niệm, làm sao một người có thể giữ được sự bình tĩnh nơi nội tâm? Hãy để những người ấy tự đánh giá lại những điều họ khẳng định.

Khi thiền sinh quán chiếu liên tục về các hiện tượng thấy, nghe, v.v…, thiền sinh sẽ đạt tới tuệ diệt, thiền sinh sẽ nhận thấy các đối tượng đang bị diệt mất. Nếu thiền sinh an trú trong khoảnh khắc đó, tuệ minh sát sẽ được cũng cố và thu được những lợi ích theo sau đó.

Lợi Ích Của Tuệ Minh Sát

“Mālukyaputta, nếu khi thấy chỉ biết thấy; khi nghe, chỉ biết nghe; khi suy nghĩ, chỉ biết suy nghĩ; khi ngươi biết, chỉ có cái biết thôi, lúc đó Ông sẽ nhận ra rằng các đối tượng giác quan (hay các trần) mà Ông nhận thức không có liên quan chi đến Ông cả”.

Điều này có nghĩa là thiền sinh không thể nào dính mắc vào các đối tượng giác quan mà mình đang nhận biết. Thiền sinh hoàn toàn thoát khỏi tham ái, sân hận và si mê mà các đối tượng giác quan làm nó sanh khởi. Khi thiền sinh không dừng lại ở chỗ cái nghe, cái thấy, v.v… tâm họ sẽ bám lấy sự ưa thích đó, và bất cứ khi nào họ nhớ lại những đối tượng giác quan đó thì chúng sẽ khởi dậy tham ái, sân hận và si mê.

Những người không ghi nhận, quán chiếu cái thấy, cái nghe, v.v… họ sẽ bị cảm xúc cuốn vào trong hình ảnh, âm thanh, v.v… mà họ tiếp xúc. Những thiền sinh đã phát triển tuệ minh sát về tuệ diệt nhờ hành thiền, họ nhận ra biến diệt liên tục của các đối tượng giác quan và tâm hay biết chúng, và họ có thể nắm bắt được ý nghĩa của ba đặc tánh (vô thường, khổ và vô ngã). Bởi vì các đối tượng giác quan hay các trần không tạo ra những phiền não, cho nên thiền sinh không có lý do gì để nhớ lại chúng, nhờ vậy phiền não được diệt trừ. Khuynh hướng ô nhiễm do các đối tượng giác quan gây ra được gọi là Cảnh Tiềm Miên (ārammaṇānusaya).

Các Chú Giải nói rằng thiền sinh nên tránh xa những điều bất thiện. Thực ra, việc tránh xa những đối tượng bất thiện sẽ diễn ra một cách tự nhiên đối với những ai hành thiền tinh tấn, họ không cần nỗ lực đặc biệt nào để lánh xa điều ác. Khi tuệ minh sát trở nên nhạy bén, đổng lực không thể sanh khởi, bởi vì dòng tâm thức sẽ dừng lại ở chỗ quyết định (làm điều bất thiện). Vì vậy, dòng tâm thức lắng xuống vào lúc quyết định trước khi đổng lực bắt đầu hoạt động.

Đức Phật dạy tiếp: “Này Mālukyaputta! Khi Ông tách biệt với các đối tượng giác quan (các trần) với tâm nhận thức, Ông sẽ không còn đứng trên chúng.”

Hướng Đến Niết-Bàn (Nibbāna)

Chú giải Udāna Kathā giải thích thêm về từ “đứng”. Khi một thiền sinh buông bỏ được tham ái và thân kiến, không còn có suy nghĩ về “tôi”, “của tôi” hay “bản thân của tôi”, người ấy không thể bị mắc kẹt trong các đối tượng giác quan. Như Đức Phật đã giải thích, “Mālukyaputta”, khi Ống không còn đứng trên chúng (tức là các trần hay các đối tượng giác quan), Ông sẽ không ở đây trong đời này, cũng không ở trong đời sau, và không ở bất cứ đâu trong cả hai đời, có nghĩa là chấm dứt đau khổ”.

Khi bản ngã không có chỗ đứng, thân và tâm không còn tồn tại ở bất kỳ cõi đời nào, và sự dừng lại này có nghĩa là sự chấm dứt của đau khổ. Điều này trở nên rõ ràng hơn khi tâm của thiên sinh hướng đến Niết-bàn(Nibbāna) nhờ chúng ngộ Thánh Đạo. Khi một vị Thánh A-la-hán chứng ngộ Niết-bàn(Parinibbāna) thì vết tích của thân và tâm cũng không còn. Ngay khi Tử Tâm xảy ra vào thời điểm Parinibbāna, vị Thánh A-la-hán diệt trừ hết đau khổ không còn tàn dư gọi là Vô Dư Niết-bàn(anupādisesa nibbāna). Đối với vấn đề này, các Chú Giải nói rằng khi một thiền sinh không còn đứng trên vật chất (sắc), có nghĩa là không còn đứng trên sáu căn hay sáu căn môn và cũng không ở bất kỳ nơi đâu trong sáu loại tâm thức.

Điều này phù hợp với kinh nghiệm thực tế của thiền sinh đã đạt tới tuệ diệt và tuệ hành xả. Không một phiền não nào có thể sanh khởi lên khi nhận ra bản chất vô thường của các hiện tượng. Thiền sinh này thấy được tánh vô ngã và sự khách quan của các đối tượng hình ảnh khi thấy, âm thanh khi nghe. Sau giai đoạn đó, tuệ thuận thứ (anuloma-ñāṇa) sẽ chuẩn bị cho Thiền sinh nhập vào dòng Thánh Đạo khi thiền sinh bước vào dòng chuyển tánh (gotrabhū) để tiến lên giai đoạn siêu thế, vượt qua dòng phàm nhân tiến vào dòng thánh nhân. Khi từ bỏ dòng phàm, vị ấy chứng ngộ Niết-bàn(nibbāna). Trong Milinda Pañha có nói:

“Ai thực hành đúng đắn, sau khi ghi nhận, quán chiếu nhiều lần đến Tâm đó, vượt qua sự sanh khởi liên tục và đạt tới trạng thái vô sanh (của danh và sắc). Thưa Đại Vương! Người ấy đạt tới trạng thái vô sanh nhờ thực hành đúng đắn gọi là chứng ngộ Niết-bàn”.
“Tassa taṃ cittaṃ aparāparaṃ manasikaroto pavattaṃ samatik­kamitvā appavattaṃ okka­mati, appavattam­anuppatto mahārāja sammā­paṭi­panno nibbānaṃ sacchikaroti’ti vuccati.”

Tóm Tắt Bài Kinh Mālukyaputta

Đây là những phần tóm tắt mà Đức Phật đã dạy cho Tôn giả Mālukyaputta về tu thiền:

1. Khi thiền sinh ghi nhận những gì đang thấy, đang nghe, đang suy nghĩ hay đang biết cùng với chánh niệm. Hãy duy trì tâm chỉ thấy, nghe, suy nghĩ hoặc biết mà không có gì thêm vào.

2. Nếu thiền sinh chỉ thấy, nghe, suy nghĩ hoặc biết những gì thiền sinh đang thấy thì cái thấy, cái nghe, cái suy nghĩ hoặc cái biết sẽ không cuốn thiền sinh vào dòng cảm xúc của những hiện tượng ấy.

3. Vì các đối tượng giác quan và tâm hay biết không có liên quan tới nhau, nên thiền sinh không còn đứng trên chúng.
4. Vì không còn đứng trên chúng, nên thiền sinh không ở đây, không ở kia, không ở đâu cả, và bởi vì thiền sinh không ở đâu cả nên thiền sinh chứng ngộ Niết-bàn, chấm dứt mọi khổ đau.

Khi Tôn giả Mālukyaputta nhận được lời giảng dạy từ Đức Phật, vị ấy nói lên bài kệ tỏ lộ sự hoan hỷ của mình trong 24 câu kệ. Đức Phật tán thán rằng: “Lành thay! Mālukyaputta!” và Ngài đã giải thích từng điều một. Bây giờ, Sư sẽ giải thích tất cả từng điều một.

Không Nắm Bắt Hình Tướng Trong Cái Thấy

‘Thấy sắc, bị thất niệm,
Tác ý đến ái tướng,
Tâm tham đắm trong dục,
Vị ấy trú chấp thủ”.
‘Rūpaṁ disvā sati muṭṭhā,
Piyaṁ nimittaṁ manasi karoto;
Sārattacitto vedeti,
Tañca ajjhosa tiṭṭhati”.

Con người thường bị hấp dẫn bởi các đối tượng xinh đẹp, đáng hài lòng. Người ta thường nhìn cái gì đó bởi vì nó mang lại cho họ niềm vui. Vào lúc đó, họ quên thực hành Pháp. Ngay cả một thiền sinh cũng có thể bị lay động bởi những đối tượng dễ chịu của mắt và sự chú ý ấy có thể bị chệch khỏi mục tiêu cao thượng của mình. Những ai không quen với việc hành thiền, họ có thể dễ dàng buông mình trước những đối tượng hấp dẫn. Ngay khi bị khái niệm về cái đẹp lấn át, thiền sinh sẽ quên mất Pháp. Do đó, hình tướng làm cho thiền sinh hay quên hoặc không chánh niệm.

Một nụ cười dễ mến có thể để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người nhìn thấy nó và họ luôn cảm thấy hạnh phúc khi nhờ về nụ cười ấy. Người ta thậm chí nhớ nó trong nhiều ngày, nhiều tháng hay nhiều năm. Khi đó, Tâm như thể đang cố gắng nuốt chửng đối tượng ấy.

Ở đây, Sư đang nói về phản ứng của tâm đối với các đối tượng nói chung. Tất nhiên, có những lúc người ta cảm thấy ghê tởm đối với các đối tượng mà họ thấy. Vào những lúc khác, người ta cũng có thể thờ ơ. Dù trường hợp nào đi nữa, mấu chốt của vấn đề là hình tướng tạo ra nhiều loại cảm giác khác nhau như đau khổ, hạnh phúc, tham lam hay sân hận, dẫn tới Nghiệp sanh khởi và quả của Nghiệp là một vòng tròn đau khổ. Khổ là quả của các sắc sẽ được trình bày trong câu kệ tiếp theo:

Vì cảm thọ tăng trưởng,
Nhiều loại, từ sắc sinh,
Tham dục và hại tâm,
Não hại tâm vị ấy,
Như vậy, khổ tích lũy,
Gọi là xa Niết – bàn.
Tassa vaḍḍhanti vedanā,
anekā rūpasambhavā;
Abhijjhā ca vihesā ca,
cittamassūpahaññati;
Evaṁ ācinato dukkhaṁ,
ārā nibbāna vuccati.

Tất cả các hình tướng đều làm sanh khởi xúc hoặc sự thích thú. Khi đưa một đối tượng đáng hài lòng cho bất kỳ ai, họ cũng sẽ thích thú với nó, đó là cảm giác dễ chịu. Khi một đối tượng ghê tởm, đáng ghét xuất hiện, họ sẽ cảm thấy đau khổ, đó là cảm giác khó chịu. Những cảm giác như vậy là nhân gây ra phiền não, hành hạ họ. Nếu một người nhìn thấy một đối tượng đáng hài lòng, tham muốn sở hữu đối tượng ấy sẽ xuất hiện. Người ta sẽ cảm thấy khó chịu nếu nghĩ rằng có ai đó đang cản trở mong muốn họ có được nó. Những khuynh hướng tâm như vậy là sản phẩm của lòng tham và sân hận. Chúng gây ra lo lắng cho người thiếu chánh niệm, họ luôn bận rộn với những suy nghĩ ác tâm chống lại những người cản trở việc thực hiện lòng tham muốn của họ. Bị thúc đẩy bởi lòng tham và sân hận, người ấy bị kiệt sức trong nỗ lực chống lại sự đối kháng của kẻ đối nghịch dù là thực hay hư.

Hầu hết mọi người sống không có chánh niệm trong suốt cuộc đời họ. Nên rất khó để họ thay đổi và sống có chánh niệm. Một người không thể chấp nhận chánh niệm nếu vẫn còn chấp nhận những phiền não, những phiền não sẽ tạo ra một vòng tròn đau khổ. Trường hợp này, Niết-bàn vẫn còn rất xa.

Không hành thiền sẽ làm mất đi một trong những hiểu biết về ba đặc tánh (vô thường, khổ, vô ngã), mời gọi những phiền não làm tăng thêm khổ đau trong cuộc sống, giống như đổ thêm dầu vào lửa.

Dưới đây, Sư sẽ tóm tắt một vài điểm liên quan đến hình tướng:

1. Hình tướng làm sanh khởi tham ái và mất đi chánh niệm.

2. Tâm tham ái bám chặt vào hình tướng.

3. Hình tướng đưa tới cảm giác hạnh phúc và đau khổ.

4. Tham ái là nhân duyên cho sân hận, từ đó mà âu lo sanh khởi.

5. Những ai chấp nhận nhân sanh ra đau khổ, người ấy sẽ luôn có đau khổ làm bạn đồng hành.

6. Vòng tròn đau khổ làm xa rời Niết-bàn.

Đến Gần Niết-Bàn Nhờ Lấy Hình Tướng Làm Đối Tượng Tu Thiền

Những bài kệ trên nói về mặt tối của hình tướng, giờ Sư sẽ nói về mặt sáng của hình tướng:

Vị ấy không tham sắc,
Thấy sắc, tự quán niệm,
Tâm không dính cảm thọ,
Không trú trong chấp thủ.
Na so rajjati rūpesu,
rūpaṁ disvā paṭissato;
Virattacitto vedeti,
tañca nājjhosa tiṭṭhati.

Đoạn kệ này nói lên bản chất của thiền minh sát. Thiền sinh phải ghi nhận đối tượng được nhìn thấy cùng với chánh niệm và thực hành thiền trên đối tượng đó. Rõ ràng thiền minh sát có nghĩa là ghi nhận đối tượng mà thiền sinh đã thực sự nhìn thấy, chứ không phải đối tượng mà thiền sinh chưa thấy. Nó chỉ có thể thực hiện bằng trí tuệ thực chứng chứ không phải bằng kiến thực từ những gì được nghe từ người khác nói.

Các chú giải về Theragāthā nói rằng, một thiền sinh phải luôn cố gắng ghi nhận hình ảnh với chánh niệm khi nó hiện diện trước nhãn thức thông qua nhãn môn, chánh niệm cần phải hiểu biết rõ ràng cùng với bốn khía cạnh: Cái gì là lợi ích? Cái gì là thích hợp? Cái gì là mục tiêu? Và chánh niệm không lệch lạc.

Trước đây, Sư đã giảng cho các thiền sinh về tiến trình của tâm liên quan đến nhãn thức. Những gì Sư đang nói bây giờ cũng giống như vậy. Nếu thiền sinh không ghi nhận tiến trình cái thấy đang diễn ra, hãy cố gắng nắm bắt sát-na tâm đầu tiên. Thiền sinh có thể nắm bắt được sát-na đó và ghi nhận thực tánh tuyệt đối của hình tướng. Thiền sinh có thể ghi nhận được sự biến diệt luôn cả đối tượng đang thấy và nhãn thức trong khi đang thấy. Khi một thiền sinh có sự tập trung hay định tâm vào trong cái nhìn mà không có suy nghĩ lang mang về những gì đã thấy, thiền sinh sẽ thấy rằng nhãn thức sẽ chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc rất ngắn. Điều này giống như câu “Diṭṭhe diṭṭhamattaṃ bhavissati”, nghĩa là “trong cái thấy chỉ có cái thấy”. Trong lúc này, phiền não sẽ không có cơ hội sanh khởi. Khi phiền não không sanh khởi thì tham dục và ham muốn sẽ giảm thiểu.

Tham dục kích thích các cảm giác thích thú làm sanh khởi ái (taṇhā), do đó, người ta có trạng thái tâm tham muốn và mong cầu. Một người không hành thiền, khi nhìn thấy một đối tượng đáng hài lòng trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo thì dục ái sẽ sanh khởi. Bởi vì người đó không ghi nhận đối tượng ấy với chánh niệm.

Tuy nhiên, một thiền sinh khi nhìn thấy một đối tượng mà không đặt khái niệm lên đối tượng ấy thì ái dục sẽ không có cơ hội sanh khởi. Bởi vì thiền sinh luôn chánh niệm về sự biến diệt. Lúc này, vô minh diệt và minh (trí tuệ) sanh. Khi không còn các phiền não tham, nghiệp hay quả của nghiệp mới sanh khởi. Thiền sinh sẽ được giải thoát khỏi khổ đau. Điều này được nhấn mạnh trong câu kệ tiếp theo:

“Ai nhìn thấy các sắc,
Cùng hợp với cảm thọ,
Trừ diệt, không tăng trưởng,
Vị ấy sống chánh niệm,
Như vậy, khổ không tăng,
Ðược gọi gần Niết-bàn”.
“Yathāssa passato rūpaṁ,
sevato cāpi vedanaṁ;
Khīyati nopacīyati,
evaṁ so caratī sato;
Evaṁ apacinato dukkhaṁ,
santike nibbāna vuccati”.

Bởi vì thiền sinh đặt khái niệm lên các hình tướng mà thiền sinh ghi nhận bằng chánh niệm nên các phiền não làm phát sanh nghiệp và quả của nghiệp không sanh khởi.

Các chú giải Theragāthā nhấn mạnh rằng “thấy sắc” có nghĩa là nhìn hình tướng với lòng tin chắc chắn rằng, những họ thấy là vô thường. Nhãn thức tạo ra cảm giác về cái thấy, còn ý thức làm nhiệm vụ ghi nhớ chúng trong tâm. Tâm thu thập và tích trữ chúng như một người tham lam tích luỹ của cải. Kết quả là tham lam sanh khởi, nó một trong những phiền não mà nghiệp và quả của nghiệp nương vào. Một thiền sinh nên loại trừ nhãn thức và kết quả của nó như vậy. Nói cách khác, thiền sinh nên tránh xa việc chấp nhận những phiền não dẫn tới vòng khổ đau. Tuệ minh sát sẽ phát triển khi thiền sinh ghi nhận cái thấy. Mỗi khi tuệ minh sát được phát triển thì các phiền não sẽ bị loại trừ. Vì vậy, thiền sinh được cho là đang tận hưởng tadaṅga nibbāna, tức là sự an lạc nhất thời vào lúc các phiền não bị loại bỏ.

Một thiền sinh đang an trú với sự thực tuyệt đối (paramattha) sẽ dần dần nhận ra các tuệ minh sát theo từng giai đoạn. Thiền sinh sẽ phát triển từ tuệ phận biệt danh sắc (nāmarūpa-pariccheda-ñāṇa) tới tuệ chuyển tánh (gotrabhū-ñāṇa) nhờ tuệ thuận thứ (anuloma-ñāṇa). Dựa vào các câu kinh trong Paṭṭhāna thì một người chứng ngộ được Đạo và Qua sau khi vượt qua tuệ chuyển tánh. Cần lưu ý rằng, tuệ thuận thứ là tuệ cao nhất trong mười giai đoạn của tuệ giác. Do đó, những ai mong muốn đạt tới Niết-bàn cần phải dấn thân vào hành thiền minh sát.

Một vài điểm tóm tắt:

1. Khi ghi nhận các hình tướng bằng chánh niệm, tham dục được loại trừ.

2. Khi không có tham dục, tâm sẽ loại bỏ được hình tướng.

3. Hãy ghi nhận ngay khi nhìn thấy và chỉ biết, nhận thức đó chỉ là cái thấy.

4. Nếu thiền sinh tu thiền như vậy, vòng đau khổ sẽ chấm dứt.

5. Đây là cách thiền sinh tu thiền.

6. Khi chấm dứt khổ đâu, Niết-bàn sẽ xuất hiện.


Ghi chú: