Giảng giải Kinh Mālukyaputta
Mahāsi Sayādaw
Dịch Việt
Dhanapālaka
Nội dung
Đức Phật hỏi Tôn giả Mālukyaputta câu hỏi thứ năm như sau:
“Các xúc do thân nhận thức, Ông không cảm thọ, trước đây Ông không cảm thọ, nay Ông không cảm thọ, và Ông không muốn cảm thọ; ở đây đối với chúng, Ông có lòng dục, tham hay khát ái không?”
Tôn giả Mālukyaputta đáp rằng đó là điều chính xác. Một lần nữa, điều cần nhấn mạnh ở đây là không có phiền não nào có thể phát sinh đối với các đối tượng giác quan mà ta không biết. Người dân trong nước không hề tham muốn các kiểu thời trang quốc tế, những mẫu thiết kế mà họ chưa từng nhìn thấy trước đây. Trong tình bạn cũng vậy, người ta sẽ không bao giờ kết bạn với người mà mình chưa từng gặp hay nhìn thấy trước đây.
Đối với hầu hết chúng ta, cái thấy hay cái nghe hầu như không có sự liên tục. Chúng ta không phải lúc nào cũng nhìn thấy hoặc nghe thấy mọi thứ. Đối với nếm vị còn ít thường xuyên hơn nữa, vì không phải lúc nào chúng ta cũng ăn. Nhưng, cảm giác xúc chạm lại luôn luôn diễn ra. Cảm giác xúc chạm có phạm vi ảnh hưởng rộng hơn các cảm giác khác. Chúng ta có thể cảm nhận được ngay cả khi đang đứng, đang ngồi hay khi ăn uống. Vì vậy, chúng ta dính mắc vào những cảm giác xúc chạm từ ngày này qua ngày khác. Thiền sinh thường phải hành thiền về đối tượng xúc chạm nhiều hơn bất kỳ đối tượng nào khác.
Trong kinh ghi rằng “Gacchanto vā gacchāmī’ti pajānāti — khi đi chỉ biết là đang đi”. Khi thiền sinh ghi nhận bước đi, nhấc chân lên, bước chân về phía trước và đạp chân xuống, thiền sinh ý thức được toàn bộ chuyển động liên quan đến quá trình đi. Điều này có nghĩa là trí tuệ phát sanh trong khi đi. “Mutamattaṃ bhavissati”, tức là khi đi, thiền sinh chỉ cần ghi nhận đi. Đừng suy nghĩ nhiều hơn thế. Phương pháp hành thiền này chủ yếu dựa trên các hoạt động của yếu tố Gió, mặc dầu, đối khi yếu tố nhiệt hoặc yếu tố đất cũng có thể nổi bật. Tuy nhiên, hầu hết thiền sinh nên tập trung vào yếu tố Gió.
Trong Kinh lại nói rằng, “Ṭhito vā ṭhitomhī’ti pajānāti; nisinno vā nisinnomhī’ti pajānāti — khi đang đứng chỉ biết là đang đứng; khi đang ngồi chỉ biết là đang ngồi. Ở đây cũng vậy, thiền sinh được hướng dẫn ghi nhận bản chất của yếu tố Gió. Nếu thiền sinh không hài lòng với phương pháp này, hãy ghi nhận sự chuyển động của yếu tố Gió bằng cách quan sát sự phồng xẹp của bụng trong khi thiền sinh đang đứng, ngồi hoặc nằm.
Tại Sao Không Chánh Niệm Hơi Thở?
Niệm hơi thở (ānāpānassati) nằm trong mười tuỳ niệm. Đó là sự tập trung vào hơi thở vào và hơi thở ra. Hơi thở là sự chuyển động của yếu tố Gió. Vì thế, người ta có thể hỏi: “Tại sao không thực hành hơi thở vào và ra?” Theo ý kiến của Sư, Sư đồng ý rằng ānāpāna có thể dẫn đến việc thiết lập tuệ minh sát, nhưng cần lưu ý rằng Thanh Tịnh Đạo (visuddhimagga) xếp nó vào phạm trù của Thiền Chỉ (samatha), nó ngược với đối tượng thiền minh sát (vipassanā). Niệm hơi thở được liệt kê trong bốn mươi đề mục quán thân, như sau:
“Ở đây, có ba phần, đó là bốn oai nghi, bốn loại tỉnh giác, và chú tâm hướng đến đối tượng một cách cẩn thận với sự sáng suốt [M.iii.89] … Vì vậy, chỉ có hai phần, đó là niệm hơi thở và niệm bất tịnh.” (Vism. 240)
Như vậy, rõ ràng niệm hơi thở thuộc về sự phát triển của Định. Vì vậy, niệm hơi thở thuộc về thiền chỉ (samatha) chứ không phải thiền minh sát (vipassanā). Điều này giống như trong Thanh Tịnh Đạo (visuddhimagga) đã chỉ dẫn. Tuy nhiên, thiền sinh muốn thực hành niệm hơi thở cũng được.
Đạo Vô Ngại Giải (paṭisambhidāmagga) và Thanh Tịnh Đạo (visuddhimagga) chỉ rõ ràng rằng, khi thực hành niệm hơi thở, thiền sinh phải tập trung vào chóp mũi chứ không để tâm theo dõi hơi thở vào và ra. Mục đích là giúp thiền sinh phát triển cận định (upacāra samādhi) và an chỉ định (appanā samādhi) để nhập Thiền (jhāna).
Trong thực hành thiền minh sát, không có giới hạn nào buộc thiền sinh chỉ ghi nhận một đối tượng một cách liên tục. Nếu thiền sinh ghi nhận tất cả các hiện tượng xúc chạm xảy ra ở các bộ phận khác nhau của cơ thể trong khi thở vào và thở ra, thì nó lại mẫu thuẫn với điều phía trên vừa nói. Đó là lý do tại sao Sư không khuyến khích thiền sinh thực hành niệm hơi thở vô hơi thở ra để hành thiền minh sát.
Thiền Phồng Xẹp Ở Bụng
Liệu đề mục thiền phồng xẹp ở bụng có thực sự phù hợp với kinh điển Pāḷi hay không?
Câu hỏi này có thể được trả lời dựa trên trên phẩm Saḷāyatana Vagga của Tương ưng bộ kinh, nói rằng nếu không ghi nhận sự sanh diệt của danh và sắc xảy ra tại sáu căn thì sẽ dẫn tới sự phát triển của phiền não. Trong khi, hành thiền về sự sanh diệt của danh và sắc nơi sáu căn lại đưa tới sự chấm dứt phiền não, đồng thời tiến gần tới Đạo, Quả, Niết-bàn. Kinh Mālukyaputta cũng nói rất rõ về điểm này. Sư sẽ đưa ra những lý do để thấy rằng phương pháp này hoàn toàn phù hợp với kinh điển.
Trong kinh Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna) có nhắc đến việc quán chiếu hay ghi nhận tứ đại (tức là bốn yếu tố) trong thân này. Sự chuyển động của bụng thuộc vào yếu tố phong đại, một trong bốn yếu tố cần được chú tâm ghi nhận và quán sát (dhātumanasikāra). Sư sẽ sử dụng từ ngữ thông thường thay cho Pāḷi, thay vì chỉ dẫn thiền sinh quán vāyo dhātu thì Sư sẽ chỉ dẫn thiền sinh quán sát sự phồng xẹp của bụng. Việc sử dụng ngôn ngữ thông dụng trong đời sống hằng ngày cũng giống như Đức Phật nói những bài pháp với những từ đơn giản, dễ hiểu như “”Gacchāmi vā gacchāmi’ti pajānāti”, nghĩa là “khi đi chỉ biết là đang đi”. Khi định tâm của thiền sinh phát triển nhờ thực hành thiền minh sát liên tục, thiền sinh sẽ nhận ra bản chất của yếu tố gió chuyển động ở nơi bụng.
Dựa vào bài kinh Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna) và những bài kinh khác trong Tương ưng, Sư cho rằng một thiền sinh không chỉ nên tập trung vào bốn tư thế (bốn oai nghi) thường được nhắc tới trong kinh điển, mà còn tập trung tới các tư thế khác hay những hoạt động khác trong tu tập cũng như cuộc sống thường ngày.
Nếu một thiền sinh không cảm thấy thỏa mãn với việc ghi nhận phồng xẹp ở bụng, thiền sinh có thể thử thiền trong khi ngồi, thiền đứng khi đứng, hoặc thiền nằm khi nằm. Tuy nhiên, Sư không khuyến khích thiền sinh thực hành chánh niệm hơi thở vì Sư thấy rằng nó mâu thuẫn với những lời dạy trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) và Chú giải trong Kinh Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna) ở chỗ phải đắc thiền bằng cách ghi nhận hơi thở vào và hơi thở ra trước khi vào thiền minh sát. Nhưng Sư không ngăn cản bất cứ thiền sinh nào thực hành chánh niệm hơi thở. Bây giờ Sư sẽ quay lại bài Pháp ban đầu của mình.
Không Chú Tâm Ghi Nhận Xúc Trong Khi Xúc Chạm
Cảm xúc, bị thất niệm,
Tác ý đến ái tướng,
Tâm tham đắm cảm thọ,
Vị ấy trú chấp thủ.
Phassaṁ phussa sati muṭṭhā,
Piyaṁ nimittaṁ manasi karoto;
Sārattacitto vedeti,
Tañca ajjhosa tiṭṭhati.
Cảm giác xúc chạm xuất hiện khắp nơi trong thân thể. Khi thân thể của một người đang còn sống chạm vào một vật vô tri, các cảm giác sẽ phát sanh. Khi tay chân chạm vào người khác, cảm giác xúc chạm cũng sẽ phát sanh. Đây là những cảm giác bên ngoài. Ngoài ra, còn có những cảm giác bên trong mà người ta thường không chú ý.
Ví dụ, chúng ta thường không biết rằng máu tiếp xúc với các mô cơ trong cơ thể. Những ai không quen với chánh niệm thì họ không thể nào ghi nhận được đầy đủ những cảm giác bên ngoài chứ đừng nói đến những cảm giác bên trong. Vì vậy, khi thiền sinh hành thiền một cách hời hợt, thiền sinh sẽ bỏ rơi Pháp và nắm lấy các đối tượng xinh đẹp khi nhìn thấy. Việc tầm cầu những đối tượng giác quan dễ chịu, đáng hài lòng là điều hết sức tự nhiên; và khi tiếp xúc hay nhìn thấy chúng, thiền sinh sẽ quên mất ghi nhận sự sanh diệt của các uẩn. Đôi khi thiền sinh có thể cảm thấy nhờm gớm những hình ảnh không đáng hài lòng hay nghe thấy những âm thanh khó chịu. Điều này cũng làm cho thiền sinh quên mất Pháp.
Năm đối tượng dục lạc làm sanh khởi phiền não đối với người thiếu chánh niệm.
1. Lối sống hướng tới việc tận hưởng dục lạc.
2. Khi ngủ trên những chiếc giường êm ái làm sanh khởi cảm giác dễ chịu.
3. Sự bận quần áo thời trang để mang lại cảm giác sang trọng.
4. Ngay cả khi tập thể dục mỗi ngày để có sức khoẻ, họ cũng phấn khởi với niềm vui trong suy nghĩ rằng nó sẽ góp phần vào sắc đẹp và thú vui trong nhục dục.
5. Tất cả sự hài lòng này là sản phẩm của môi trường xung quanh, của năm đối tượng của các giác quan mang lại. Chúng tạo ra phiền não. Và Niết-bàn vẫn còn rất xa với những ai đắm chìm, ưa thích trong phiền não.
Do đó, có câu kệ:
Vì cảm thọ tăng trưởng,
Nhiều loại, từ xúc sanh,
Tham dục và hại tâm,
Não hại tâm vị ấy,
Như vậy, khổ tích lũy,
Gọi là xa Niết-bàn.
Tassa vaḍḍhanti vedanā,
anekā phassasambhavā;
Abhijjhā ca vihesā ca,
cittamassūpahaññati;
Evaṁ ācinato dukkhaṁ,
ārā nibbāna vuccati.
Tất cả những gì đã nói về cái thấy, cái nghe, v.v…, đều áp dụng cho sự xúc chạm. Điều cần được nhấn mạnh ở đây là cúi đầu trước sự tham dục của phiền não, người ta sẽ tích luỹ khổ đau vô hạn và xa rời Niết-bàn.
Đến Gần Niết-Bàn Nhờ Lấy Xúc Làm Đối Tượng Tu Thiền
Vị ấy không tham xúc,
Cảm xúc, tự quán niệm,
Tâm không dính cảm thọ,
Không trú trong chấp thủ.
Na so rajjati phassesu,
phassaṁ phussa paṭissato;
Virattacitto vedeti,
tañca nājjhosa tiṭṭhati.
Khi hành thiền ở tư thế đứng, thiền sinh có thể cảm thấy mệt mỏi, cứng đơ, đau đớn hoặc ngứa ngáy. Khi những cảm giác khó chịu này xuất hiện, thiền sinh phải tập trung vào nguồn gốc của sự khó chịu và ghi nhận bản chất của sự mệt mỏi, đau đớn, v.v.. Khi thiền sinh quán các cảm giác, đây là quán thọ (vedanānupassanā). Khi thiền sinh ghi nhận hơi nóng, thiền sinh đang quán niệm yếu tố nhiệt hay Hoả đại (tejo), và khi thiền sinh chạm vào một bề mặt cứng hoặc thô ráp, thiền sinh đang ghi nhận yếu tố đất hay Địa đại (pathavī). Đôi khi thiền sinh có thể cảm thấy Phong Đại hoà nhập với Hoả Đại. Thiền sinh cũng nên lưu ý điều đó. Thiền sinh nên ghi nhận mọi chuyển động của cơ thể: co hoặc duỗi tay, chân, nghiêng đầu về phía sau hoặc về phía trước, mở hoặc nhắm mắt, hoặc chớp mắt. Khi thiền sinh mặc quần áo, tắm rửa hoặc đi tắm, sẽ có rất nhiều chuyển động xuất hiện trên thân. Ngay cả khi đi đại tiểu tiện, thiền sinh cũng không được quên ghi nhận những chuyển động của yếu tố Gió. Bằng cách thực hành như vậy, thiền sinh có thể ghi nhận trong khi nói chuyện.
Lời khuyên của Sư là ghi nhận sự phồng xẹp ở bụng rất hữu ích cho thiền sinh mới bắt đầu hành thiền. Nếu thích, thiền sinh có thể ghi nhận hơi thở, nhưng theo kinh nghiệm của Sư, những thiền sinh bắt đầu với việc ghi nhận hơi thở rồi cũng chuyển sang quán chuyển động phồng xẹp của bụng và thấy được giáo Pháp. Sư hướng dẫn các thiền sinh đã phát triển định tâm hãy ghi nhận thêm các hiện tượng sanh khởi nơi sáu căn. Khi tham dục được loại bỏ nhờ hành thiền chánh niệm, thiền sinh sẽ không còn tham muốn hay dính mắc vào các cảm giác xúc chạm và đắm chìm trong những cảm giác ấy.
Ai xúc thấy các xúc,
Cùng hợp với cảm thọ,
Trừ diệt, không tăng trưởng,
Vị ấy sống chánh niệm,
Như vậy, khổ không tăng,
Ðược gọi gần Niết-bàn.
Yathāssa phusato phassaṁ,
sevato cāpi vedanaṁ;
Khīyati nopacīyati,
evaṁ so caratī sato;
Evaṁ apacinato dukkhaṁ,
santike nibbāna vuccati.
Trường hợp này cũng giống như các trường hợp đã giảng ở phần trước.