Giảng giải Kinh Mālukyaputta
Mahāsi Sayādaw
Dịch Việt
Dhanapālaka
Đức Phật đặt ra câu hỏi tiếp theo cho Tôn giả Mālukyaputta.
“Các vị do lưỡi nhận thức, Ông không nếm, trước đây Ông không nếm, nay Ông không nếm, và Ông không muốn nếm; ở đây đối với chúng, Ông có lòng dục, tham hay khát ái không?”
Rất ít người chánh niệm hành thiền trong lúc ăn hay nếm. Người cư sĩ bình thường hoàn toàn không biết gì về cách hành thiền này. Ngay cả những người có học thức cũng không chú ý đến nó, họ cho rằng khi người ta cảm nhận hương vị của thức ăn thì không cần phải ghi nhận nó với chánh niệm. Điều này thể hiện sự bất kính đối với pháp thiền minh sát. Có những người còn đi xa hơn khi nói rằng chánh niệm đối với vị là một sự lãng phí thời gian. Họ nói rằng việc ăn uống nên được thực hiện nhanh chóng để có nhiều thời gian cho việc hành thiền.
Đa số thiền sinh đều thiếu chánh niệm trong khi ăn. Một khi thiền sinh không ghi nhận hương vị khi ăn, thiền sinh sẽ mất chánh niệm và bị dính mắc vào nó. Điều đó có nghĩa là thiền sinh luôn tiềm ẩn sự ham muốn và tận hưởng dục lạc trong khi ăn.
Tất cả các món ăn đều được nêm nếm đó có hương vị thơm ngon. Khi người cư sĩ cúng dường thức ăn cho các vị Tỳ-khưu, họ đặc biệt chú ý tới việc làm cho món ăn ngon hơn. Điều này cho thấy tầm quan trọng của mọi người đối với hương vị. Tôi nhớ đến lời nhận xét của một vị Sayādaw ở Moulmein. Ngài từng dạy một thiện tín của mình rằng các vị Tỳ-khưu thường dùng thức ăn với chánh niệm, không quan tâm đến hương vị, như thể cái gì ngon thì cái ấy đáng nhờm gớm. Điều này đã gây ra sự phản đối từ một thiện tín, vị ấy nói rằng:
“Bạch ngài! Thật là không đúng đắn khi ngài xem những món ăn ngon mà tôi đã chuẩn bị cho ngài thưởng thức là vật đáng nhờm gớm.”
Vị thiện tín ấy nói như vậy cũng khá hợp lý, vì thức ăn thường được những người thiện tín chuẩn bị rất ngon để dâng cúng đến Chư Tăng. Ở đây, việc chuẩn bị thức ăn ngon là trách nhiệm của người thiện tín, nhưng các vị Tỳ-khưu nên quán niệm tất cả thức ăn đều là vật đáng nhờm gớm và không để cho các phiền nào len lõi vào bên trong.
Việc rèn luyện trong những tu viện đòi hỏi các vị Tỳ-khưu phải ăn uống (thọ dụng vật thực) phải suy xét một cách sáng suốt. Không giống như người tại gia, vị Tỳ-khưu phải suy xét việc ăn uống không phải để hưởng thụ, không phải để đam mê, không phải để phát triển thể chất, cũng không phải để bồi bổ cái thân này mà chỉ để duy trì cơ thể, để hỗ trợ đời sống phạm hạnh, để làm dịu cơn đói khát, để có thể theo đuổi việc thực hành thiền một cách hiệu quả. Nếu ai có thể thực hành thiền về sự nhờm gớm của thức ăn (āhāre paṭikūlassaññā), thì điều đó thật đáng khen ngợi, thật đáng tán thán. Về vấn đề này xin xem trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) [Vism. 341]. Tuy nhiên, mục đích chính của chúng ta là thực hành theo phương pháp Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna).
Vì cảm thọ tăng trưởng,
Nhiều loại, từ vị sanh,
Tham dục và hại tâm,
Não hại tâm vị ấy,
Như vậy, khổ tích lũy,
Gọi là xa Niết-bàn.
Tassa vaḍḍhanti vedanā,
anekā rasasambhavā;
Abhijjhā ca vihesā ca,
cittamassūpahaññati;
Evaṁ ācinato dukkhaṁ,
ārā nibbāna vuccati.
Phần này cũng giống như ở phần mùi hương.
Có ba nhu cầu cơ bản của cuộc sống, đó là: thức ăn, quần áo và chỗ ở. Thế giới đang tràn ngập hàng triệu người bị đói. Việc tìm kiếm thức ăn là một gánh nặng lớn đối với họ. Mọi người tìm mọi cách để có được thức ăn. Trong cuộc đấu tranh kiếm sống, một số người giành lấy thứ họ muốn bằng mọi cách, dù công bằng hay bất công, và sự tức giận sanh lên khi họ gặp phải sự cạnh tranh hoặc phản đối từ các đối thủ vì thức ăn. Kết quả là tất cả mọi người đều gặp rắc rối. Tất cả những rắc rối này đều xuất phát từ sự phát triển của tham dục, sự mong muốn và dính mắc do không hành thiền. Khi bị phiền não chế ngự, người ta bị dày vò bởi nghiệp và quả của nghiệp, điều này đem lại một vòng đau khổ.
Hầu hết mọi người không quan tâm đến việc hành thiền trong khi ăn. Họ có thói quen ăn uống không có chánh niệm và thói quen này trở nên cắm sâu hơn. Ngay trong lúc đó, họ đang tích luỹ sự đau khổ, cái đau khổ này sẽ cháy như lửa trong nhiều đời nhiều kiếp sau.
Đến Gần Niết-Bàn Nhờ Lấy Hương Vị Làm Đối Tượng Tu Thiền
Vị ấy không tham vị,
Nếm vị, tự quán niệm,
Tâm không dính cảm thọ,
Không trú trong chấp thủ.
Na so rajjati rasesu,
rasaṁ bhotvā paṭissato;
Virattacitto vedeti,
tañca nājjhosa tiṭṭhati.
Đây là lời chỉ dẫn rõ ràng cho thiền sinh áp dụng nguyên tắc thiền minh sát đối với thiệt thức trong khi nếm thức ăn. Một người không thể chánh niệm, ghi nhận hương vị mà họ chưa từng nếm trước đó. Sư sẽ cho quý vị một thí dụ để chỉ ra cách áp dụng thiền trong khi ăn.
Khi một vị Tỳ-khưu ngồi trước bàn và nhìn thấy thức ăn, vị ấy ghi nhận đối tượng đang thấy. Khi giơ tay lên để lấy thức ăn, thiền sinh ghi nhận việc dở tay lên. Khi cầm một miếng thức ăn trong tay, thiền sinh ghi nhận rằng đang cầm lấy thức ăn. Khi đưa thức ăn lên miệng, thiền sinh ghi nhận rằng mình đang đưa thức ăn lên miệng. Khi thức ăn chạm vào miệng, thiền sinh ghi nhận sự xúc chạm của thức ăn với miệng. Khi mở miệng, đưa thức ăn vào, ngậm miệng lại, đưa tay xuống, dùng tay chạm vào đĩa và trong khi nhai thức ăn, thiền sinh phải ghi nhận từng hành động này. Khi tay thiền sinh cử động và nhai thức ăn, thiền sinh ý thức được đang có sự chuyển động của yếu tố gió. Nếu tay thiền sinh chạm vào thức ăn nóng, thiền sinh hay biết đó là yếu tố lửa. Khi lưỡi nếm vị ngọt hay chua, thiền sinh ghi nhận hương vị. Như vậy, khi ghi nhận tất cả các hiện tượng liên quan đến việc ăn hoặc nếm, thiền sinh sẽ diệt trừ được sự tham đắm trong thức ăn. Khi sự tập trung hay định tâm của thiền sinh mạnh hơn, thiền sinh chỉ biết hương vị là hương vị và không có gì hơn nữa. Thiền sinh không hề nghĩ rằng món Cà-ri gà đó là một món ngon. Điều đó có nghĩa là thiền sinh đã loại trừ được sự tham đắm vào hương vị. Do đó, thiền sinh sẽ tận diệt được các phiền não.
Kinh nghiệm của các thiền sinh tại trường thiền Mahāsi Yeikthā chứng minh điều này. Khi một thiền sinh ăn, thiền sinh ý thức được mùi thơm và vị ngon của thức ăn. Tuy nhiên, ngay khi thiền sinh nhận biết và ghi nhận các đối tượng của mùi, vị, tỷ thức và thiệt thức, chúng biến mất ngay lập tức. Trong những trường hợp này, tham dục không có cơ hội để phát triển, vì thiền sinh nhận thức, ghi nhận hương vị chỉ là hương vị và không có gì hơn thế. Một số thiền sinh nói rằng khi họ ghi nhận hương vị khi ăn, họ không nhận ra được là họ đang ăn loại thức ăn nào. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Vì nếu không có sự tham muốn hay dính mắc thì không thể có ưa thích từ thức ăn. Chỗ nào không có sự dính mắc, chỗ ấy không có sự chấp thủ hay bám chặt lấy vào cảm thọ.
Ai nếm thấy các vị,
Cùng hợp với cảm thọ,
Trừ diệt, không tăng trưởng,
Vị ấy sống chánh niệm,
Như vậy, khổ không tăng,
Ðược gọi gần Niết-bàn.
Yathāssa sāyato rasaṁ,
sevato cāpi vedanaṁ;
Khīyati nopacīyati,
evaṁ so caratī sato;
Evaṁ apacinato dukkhaṁ,
santike nibbāna vuccati.
Một thiền sinh khi ăn cũng giống với mọi người, nhưng không chìm đắm trong hương vị, do đó, thiền sinh không làm những hành động thiện hay bất thiện liên quan đến hương vị. Hay nói cách khác chúng không tạo ra nghiệp và quả của nghiệp. Như vậy, cái hữu mới không sanh khởi và vòng khổ đau sẽ đi tới chỗ đoạn diệt.
Lý duyên khởi nói rằng:
“Vedanā paccayā taṇhā”, tức là “Thọ là duyên sanh ái”.
Nhưng ái không sanh khởi khi thọ lắng xuống, nên không có sự dính mắc, đồng thời, nghiệp và quả nghiệp của nó cũng trở nên vô hiệu. Bởi vì nhân duyên của khổ đau đã được loại trừ, một thiền sinh kiên định trong thực hành thiền minh sát sẽ chứng đạt được sự an lạc tạm thời (tadaṅga nibbāna) khi sự an tịnh được hình thành trong suốt thời gian loại trừ phiền não. Chính điều này sẽ dẫn tới thành tựu thánh Đạo và Thánh quả.
Chứng Ngộ Pháp
Nhiều ví dụ được trích dẫn trong các Chú Giải liên quan đến việc chứng ngộ Niết-bàn thông qua sự chánh niệm trong khi ăn uống. Ở Sri Lanka thời xưa, có những khách xá dành cho các vị Tỳ-khưu đi khất thực hàng ngày có thể dừng chân lại đó để dùng thức ăn. Thông thường các vị ấy sẽ ăn Cháo vào buổi sáng ở nơi đó, rồi sau khi đi khất thực, quý vị quay lại khách xá để thọ dụng thức ăn cho vừa đủ. Hầu hết, các vị Tỳ-khưu thực hành thiền minh sát trong khi ăn và đắc đạo quả A-la-hán. Vào thời đó, chánh niệm trong khi ăn là luật bắt buộc không phải là ngoại lệ.
Trong Chú Giải Puggalapaññatti có nói:
“Khi nỗ lực, tinh tấn và có lòng tin trong thực hành thiền minh sát. Một người có thể chứng ngộ được Đạo và Quả trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, dùng thức ăn cứng hay mềm. Khi thực hành như vậy, người ấy chắc chắn thành tựu chánh trí”.
Vì vậy Sư khuyên thiền sinh nên ghi nhận chi tiết toàn bộ quá trình ăn uống. Nếu thiền sinh ăn một mình, điều này thực hiện khá dễ dàng. Đối với mỗi miếng ăn, có thể có khoảng sáu mươi điều đáng chú ý, gi nhận, và nếu thiền sinh ghi nhận chúng liên tục, thiền sinh có thể mất khoảng một giờ để ăn xong bữa ăn của mình. Còn khi thiền sinh phải ăn cùng người khác, điều này có thể không thực hiện được, nhưng Sư khuyên thiền sinh ít nhất cũng nên thử.