Pháp Thoại
Mahāsi Sayādaw
Dịch Việt
Dhanapālaka
Khi hành thiền, chúng ta phải có phương pháp. Chỉ khi hành thiền đúng cách thì tuệ giác mới phát sanh. Nếu chúng ta mọi thứ là thường hằng thì làm sao tuệ giác có thể sanh khởi được? Nếu chúng ta coi những điều ấy là hạnh phúc, là xinh đẹp, là linh hồn hay bản ngã, thì làm sao tuệ giác có thể sanh khởi được?
Danh và sắc hay thân và tâm là vô thường. Những điều vô thường này phải được quán chiếu để thấy chúng thực sự là vô thường. Chúng sanh lên rồi diệt đi và liên tục áp bức chúng ta, nên chúng là sự đau khổ khủng khiếp. Chúng ta phải hành thiền để thấy trạng thái tự nhiên của chúng vốn là khổ đau. Quá trình sanh diệt của thân và tâm diễn ra mà không có linh hồn hay cái tôi nào bên trong. Chúng ta hành thiền để thấy rằng điều này vốn dĩ là như vậy. Chúng ta phải nhìn thấy chúng đúng như bản chất tự nhiên của chúng.
Mỗi khi chúng ta thấy, nghe, xúc chạm hay suy nghĩ, chúng ta phải cố gắng để thấy các tiến trình tự nhiên của thân và tâm1Tiến trình sanh diệt của thân và tâm. đi qua sáu của giác quan. Khi chúng ta thấy, cái thấy là có thật. Lúc này, chúng ta phải ghi nhận là “thấy, thấy”. Tương tợ như vậy, khi chúng ta nghe, hãy ghi nhận “nghe, nghe”. Khi chúng ta ngửi, hãy ghi nhận “ngửi”. Khi chúng ta nếm, hãy ghi nhận “nếm”. Khi chúng ta xúc chạm, hãy ghi nhận “xúc chạm”. Khi chúng ta mệt mỏi, nóng bức, đau nhức và những cảm giác khó chịu hay không thể chịu đựng được sanh khởi phát sanh từ xúc chạm. Hãy ghi nhận chúng: “mệt”, “nóng”, “đau”, …Những suy tư hay ý nghĩ cũng có thể xảy ra. Hãy ghi nhận chúng là “suy nghĩ”, “tưởng tượng”, ” vui”, …khi chúng sanh khởi. Đối với người mới hành thiền, việc quan sát các đối tượng đi vào nơi sáu cửa giác quan là một điều khó. Vì vậy, ban đầu chúng ta nên ghi nhận chỉ một vài đối tượng thôi.
Chúng ta phải bắt đầu như vầy. Khi chúng ta thở vào và thở ra, sự chuyển động của bụng được hiển lộ rõ nhất. Bắt đầu bằng cách quan sát chuyển động này. Chúng ta nên quan sát chuyển động phồng lên là “phồng” và chuyển động xẹp xuống là “xẹp”. Bởi vì, sự quan sát phồng xẹp này không sử dụng ngôn từ trong kinh, nên một ngươi thiếu kinh nghiệm về hành thiền nói một cách khinh thường về phương pháp này:
“Kỹ thuật phồng xẹp này không được nhắc đến trong kinh điển”.
Tuy nhiên, sự phồng xẹp này là những đối tượng hiện thực có thể quan sát được. Sự chuyển động của nguyên tố Gió là có thật. Chúng ta chỉ sử dụng những từ “phồng” và “xẹp” để cho thuận tiện. Theo thuật ngữ trong kinh điển, chuyển động phồng xẹp là Phong Đại (vāyo dhātu). Nếu chúng ta quan sát bụng một cách chuyên chú, chúng ta có thể quan sát được sự cứng, sự chuyển động, sự giãn ra của bụng. Ở đây, “sự cứng” là đặc tánh của Phong Đại và sự phồng lên của bụng là biểu hiện của yếu tố Gió. Biết nguyên tố Gió như thật có nghĩa là biết đặc tánh , công năng và biểu hiện của nó. Chúng ta hành thiền để biết những điều này. Tuệ giác bắt đầu bằng sự phân biệt giữa thân và tâm. Để có được sự hiểu biết như vậy, thiền sinh phải bắt đầu trước với thân trước.
Vậy thiền sinh phải bắt đầu như thế nào?
“Thiền sinh nên nắm bắt đặc tánh, biểu hiện, …”2Thanh Tịnh Đạo – Visuddhimagga
Khi thiền sinh bắt đầu thực hành thiền về thân và tâm, thiền sinh nên thực hiện theo đặc tánh, công năng, biểu hiện hoặc nguyên nhân gần. Như trong Thắng Pháp Tập Yếu Luận (Abhidhammatthasaṅgaha) có nói:
“Kiến Thanh Tịnh là sự hiểu biết về thân và tâm hay danh và sắc có liên quan đến đặc tánh, công năng, biểu hiện và những nguyên nhân gần của chúng”.
Nghĩa là tuệ giác bắt đầu bằng tuệ phân biệt danh và sắc (nāmarūpa-pariccheda-ñāṇa). Trong bảy giai đoạn thanh tịnh, Giới thanh tịnh đứng đầu, sau đó tới Tâm rồi tới Kiến.
Để đạt được trí tuệ phân biệt danh và sắc, kiến thanh tịnh, chúng ta phải thực hành thiền về danh và sắc. Chúng ta phải nhận biết danh và sắc thông qua đặc tánh, công năng, biểu hiện và những nguyên nhân gần của chúng. Khi có sự hiểu biết này, chúng ta sẽ đạt được tuệ phân biệt danh và sắc. Đến khi nào sự hiểu biết này chín muồi, thì khi ấy thiền sinh đạt tới kiến thanh tịnh.
Ở đây, “biết chúng theo đặc tánh của chúng” có nghĩa là biết bản chất nội tại của danh và sắc. “Công năng” có nghĩ là biết chức năng hay công năng của chúng. “Biểu hiện” có nghĩa là cách thức mà danh và sắc xuất hiện. “Nguyên nhân gần” điều này không cần thiết trong giai đoạn đầu của hành thiền, vì vậy, chúng ta sẽ chỉ giải thích đặc tánh, công năng và biểu hiện của chúng.
Cả Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) và Thắng Pháp Tập Yếu Luận (Abhidhammatthasaṅgaha) vừa trích dẫn nói rằng danh và sắc không phải quán bằng tên, số lượng, một phần vật chất, hoặc quá trình sanh khởi liên tục. Mà cần phải quán chiếu đặc tánh, công năng và biểu hiện của chúng. Các thiền sinh nên cẩn trọng lưu ý điều này. Nếu không, thiền sinh sẽ bị dẫn đến các khái niệm về tên gọi, số lượng, một phần vật chất hoặc quá trình sanh khởi. Các chú giải nói rằng chúng ta (thiền sinh) nên hành thiền về danh sắc theo đặc tánh, công năng và biểu hiện của chúng.
Vì vậy, khi chúng ta hành thiền về Phong Đại, chúng ta nên quán chiếu yếu tố Gió là gì? Đặc tánh của yếu tố gió là gì?
Đó là đặc tánh phụ trợ hay hỗ trợ. Đây là bản chất vốn có của yếu tố Gió. Như vậy, hỗ trợ hay phụ trợ là đặc tánh của yếu tố Gió.
Công năng của yếu tố Gió là gì?
Công năng của yếu tố gió là chuyển động hay di chuyển.
Biểu hiện của yếu tố Gió là gì?
Biểu hiện của yếu tố Gió là tất cả những gì xuất hiện trong Tâm của thiền sinh. Trong tâm thiền sinh, yếu tố Gió xuất hiện dưới hình thức co, giãn, phồng hoặc xẹp. Đây gọi là những biểu hiện của yếu tố Gió.
Khi thiền sinh quán niệm sự phồng xẹp của bụng, “sự căn cứng”, “sự chuyển động” và “sự giãn nở” trở nên rất rõ ràng đối với thiền sinh. Đây là đặc tánh, công năng và biểu hiện của yếu tố Gió. Yếu tố Gió này rất quan trọng trong ghi nhận. Trong bốn oai nghi, cái biết rõ ràng và quán thân trong kinh niệm xứ (Satipaṭṭhāna Sutta), các Chú Giải Sư nhấn mạnh đến yếu tố Gió. Đức Phật dạy:
“Khi đi, vậy ấy biết rằng ‘Tôi đang đi’”.
“Gacchanto vā gacchāmi’ti pajānāti”
Đức Phật dạy chúng ta Chánh Niệm trong khi đi bằng cách ghi nhận “đi, đi” mỗi khi đi. Tuệ giác sẽ phát triển như thế nào trong khi ghi nhận như vậy? Các Chú Giải Sư giải thích rằng:
“Ý muốn “tôi sẽ đi” sanh khởi. Điều này làm phát sanh yếu tố Gió. Yếu tố gió được tạo ra từ ý muốn đó. Khi yếu tố gió lan toả khắp toàn bộ cơ thể làm cơ thể di chuyển về phía trước. Đây gọi là “đi””.
Nghĩa là khi thiền sinh ghi nhận “đi, đi”, mỗi khi thiền sinh ghi nhận thiền sinh sẽ nhận ra quá trình đi. Đầu tiên, ý muốn “Tôi sẽ đi” sanh khởi. Ý muốn này làm sanh khởi sự căn cứng khắp cơ thể, do đó, cơ thể sẽ chuyển động về phía trước từng bước một. Chuyển động này chúng ta gọi là “Tôi bước đi”, hay “Anh ấy bước đi”. Trong thực tế thì không có “tôi” hay “anh ấy” bước đi. Chỉ có ý muốn đi và sắc pháp đi chuyển. Thiền sinh sẽ nhận ra điều này. Chú Giải nhấn mạnh đến sự nhận biết các chuyển động của yếu tố gió. Nếu thiền sinh hiểu được đặc tánh, công năng và sự hiểu biết về yếu tố Gió. Thì thiền sinh sẽ nhận biết được là liệu việc hành thiền của mình có đúng chưa?
Yếu tố Gió có đặc tánh là nâng đỡ. Giống như quả banh, khi thổi khí vào, yếu tố Gió sẽ lấp đầy khoảng trống trong quả banh, giúp nâng đỡ quả banh. Nói một cách thông thường, chúng ta nói quả banh căn tròn. Về mặt giáo lý, Gió có đặc tánh nâng đỡ. Khi duỗi cánh tay ra, thiền sinh sẽ có cảm giác hơi cứng ở đó. Đó là sự hỗ trợ, nâng đỡ của yếu tố Gió. Cũng vậy, khi chúng ta kê đầu trên một chiếc gối hơi, đầu chúng ta được giữ vững trên chiếc gối nhờ sự nâng đỡ của yếu tố Gió. Hay một chồng gạch xếp chồng lên nhau, viên phía dưới nâng đỡ viên phía trên. Nếu không có sự nâng đỡ ấy thì viên phía trên sẽ bị rơi xuống. Thân thể con người cũng vậy, trong thân này chứa đầy yếu tố Gió, yếu tố này hỗ trợ, nâng đỡ thân đứng thẳng và kiên cố. Thuật ngữ “kiên cố” chỉ mang tính chất tương đối. Kiên cố đối với vật kiên cố hơn thì kiên cố này là mềm yếu, nhưng ngược lại, đối với vật ít kiên cố hơn thì kiên cố này là vững chắc.
Công năng của yếu tố Gió là chuyển động. Khi Gió mạnh, Gió chuyển động từ nơi này sang nơi khác. Chính yếu tố Gió đã làm cho thân co, duỗi, đi, đứng và ngồi. Những người thiếu kinh nghiệm trong thiền minh sát thường nói:
“Nếu chúng ta ghi nhận sự “co vào” hoặc “duỗi ra” thì chỉ có những khái niệm của cánh tay xuất hiện trong tâm chúng ta. Nếu chúng ta ghi nhận “trái”, “phải” thì chỉ có những khái niệm của bước chân xuất hiện trong tâm chúng ta. Nếu chúng ta ghi nhận “phồng”, “xẹp” thì chỉ có những khái niệm của bụng xuất hiện trong tâm chúng ta. Điều này có thể đúng với người mới bắt đầu hành thiền, những sẽ không đúng nếu nghĩ rằng các khái niệm này sẽ lặp đi lặp lại. Cả khái niệm lẫn thực tại đều xuất hiện đối với người mới bắt đầu. Một vị hướng dẫn người mới bắt đầu hành thiền chỉ chú ý đến thực tại thôi. Đây là việc không thể. Việc bỏ qua các khái niệm lúc đầu là điều không thể. Thiền sinh phải kết hợp các khái niệm với thực tại. Chính Đức Phật cũng sử dụng các khái niệm và dạy cho chúng ta phải biết được “Tôi đang đi, co, duỗi” khi chúng ta đi, co hay duỗi. Ngài không dạy chúng ta phải ý thức “nó đang nâng đỡ, đang chuyển động”, …
Khi hành thiền, thiền sinh sử dụng các khái niệm như “đi, co, duỗi”, nhưng khi chánh niệm và định tâm phát triển thì tất cả khái niệm sẽ biến mất và lúc này chỉ còn các thực tại đang diễn ra, như: sự nâng đỡ và chuyển động xuất hiện. Khi chúng ta đạt đến Tuệ Diệt, mặc dù chúng ta ghi nhận là “đi,đi”, nhưng chúng ta sẽ không nhận thấy hình dáng của thân hay chân. Duy nhất chỉ có sự chuyển động của Thân. Khi ghi nhận “co, co”, chúng ta sẽ không nhận thấy bất kỳ hình dáng nào của chân hay tay, tất cả chỉ là sự chuyển động mà thôi. Dù chúng ta có ghi nhận “phồng, xẹp”, chúng ta cũng sẽ không thấy hình dáng của bụng mà chỉ thấy những chuyển động hay sự di chuyển lên và xuống. Đây gọi là công năng của yếu tố Gió.
Những điều sanh khởi trong tâm thiền sinh như sự phồng hay xẹp đều là biểu hiện của yếu tố Gió. Khi chúng ta co hay duỗi tay ra, có vẻ như có cái gì đó đang kéo nó vào hoặc đẩy nó ra. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy trong lúc đi bộ. Đối với thiền sinh đã có sự định tâm nhạy bén, nhờ ghi nhận “đi”, “trái bước, phải bước” hay “dở, bước, đạp”, chuyển động về phía trước như thể đang được điều khiển từ phía sau được nhận biết một cách rõ ràng. Đôi chân dường như đang tự bước về phía trước. Cách đôi chân bước về phía trước mà không cần sự nỗ lực, cố gắng của thiền sinh hiển lộ rất rõ ràng. Đi bộ hay đi kinh hành và ghi nhận như vậy thật tốt. Đến nỗi, một số thiền sinh dành nhiều thời gian để ghi nhận trong khi đi kinh hành.
Vì vậy, khi hành thiền về yếu tố Gió (Phong Đại), chúng ta chỉ nên biết chúng qua đặc tánh là nâng đỡ, công năng chuyển động và biểu hiện là sự phồng xẹp hay co giãn của nó. Chỉ khi đó, sự hiểu biết của chúng ta mới chính xác.
Chúng ta có thể hỏi:
“Có phải chúng ta chỉ hành thiền sau khi đã học được các đặc tánh, công năng và biểu hiện của yếu tố Gió?”
Không. Chúng ta không cần phải học chúng. Nếu chúng ta hành thiền về sự chuyển động phồng xẹp, chúng ta sẽ chắc chắn biết được những đặc tánh, công năng và biểu hiện của yếu tố Gió.
Khi chúng ta nhìn lên bầu trời trong một đêm giống bão, chúng ta sẽ thấy những tia sét. Đặc tánh của những tia sét là ánh sáng rực rỡ. Khi tia sét chớp loé lên, bóng tối bị xua tan. Đây chính là công năng của tia sét, tức là xua tan bóng tối. Chúng ta thấy tia sét như thế nào? Dài, ngắn, cong, thẳng hay lan rộng. Thấy như vậy là chúng ta thấy được cả đặc tánh, công năng và biểu hiện của tia sét trong cùng một lúc. Chúng ta có thể không giải thích được là đặc tánh của tia sét là ánh sáng, công dụng của tia sét là xua tan đi bóng tối hay biểu hiện của tia sét là hình dáng.
Cũng vậy, khi chúng ta hành thiền về chuyển động phồng xẹp của bụng, chúng ta sẽ biết đặc tánh, công năng và biểu hiện của yếu tố Gió. Chúng ta không cần phải tìm hiểu về nó. Một số người có học thức nghĩ rằng, họ phải tìm hiểu về Gió trước khi bắt đầu hành thiền. Điều này không chính xác. Những gì chúng ta học chỉ là khái niệm, không phải là thực tế. Thiền sinh đang quán chiếu chuyển động phồng xẹp của bụng sẽ biết rõ như thể dùng tay để chạm vào mà không cần phải học trước. Cũng như nếu có một con voi ngay trước mắt, chúng ta sẽ không cần phải nhìn vào bức tranh vẽ hình con voi.
Người hành thiền về sự phồng xẹp của bụng sẽ biết rõ đặc tánh cứng hay mềm. Chúng ta biết được công năng của nó là sự phồng lên hay xẹp xuống. Nếu chúng ta biết những điều này đúng với thật tánh tự nhiên của chúng3Vô thường, khổ, vô ngã., liệu chúng ta có cần tìm hiểu về chúng không?
Không! Nếu chúng ta chỉ muốn tự mình chứng ngộ. Nhưng nếu muốn chỉ dẫn cho người khác, chúng ta cần phải tìm hiểu thêm.
Khi chúng ta ghi nhận “Phải bước, trái bước”, chúng ta biết được sự căng cứng trong mỗi bước chân. Đây là đặc tánh của yếu tố Gió. Khi chúng ta tiến về phía trước, thì đây là công năng của yếu tố Gió. Và chúng ta biết chân đang tiến về phía trước, đây là biểu hiện của yếu tố Gió. Như vậy là chúng ta hiểu biết chính xác về các thực tại của yếu tố Gió.
Để tự mình biết cách phân biệt các đặc tánh, công năng và biểu hiện của yếu tố Gió, chúng ta phải thực hành thiền. Và bây giờ, chúng ta cảm thấy nóng, đau, cứng các khớp hoặc đau nhức ở đâu đó trên thân. Những cảm giác này thật khó chịu đựng. Hãy tập trung ghi nhận sự khó chịu này “nóng, nóng” hay “đau, đau”. Chúng ta sẽ thấy mình đang trải qua những cảm giác khó chịu, đó chính là đặc tánh của Khổ.
Khi cảm giác khó chịu này sanh khởi, chúng ta sẽ nhàm chán. Nếu sự khó chịu này nhẹ, thì chúng ta cảm thấy hơi nản lòng. Nếu nghiêm trọng hơn, tâm của của chúng ta sẽ trở nên suy yếu. Ngay cả những người có ý chí mạnh mẽ cũng sẽ thấy tâm mình yếu dần khi cảm giác khó chịu dâng trào. Khi chúng ta mệt mỏi, chúng ta thậm chí còn không muốn di chuyển. Làm cho tâm suy yếu là công năng của các cảm giác khó chịu. Khi tâm suy yếu thì các tâm sở của tâm của suy yếu theo.
Biểu hiện của cảm giác khó chịu là sự áp bức về thân. Nó biểu hiện thông qua sự đau đớn về thể chất, làm tâm thiền sinh không thể chịu đựng được. Khi thiền sinh ghi nhận “nóng, nóng”, “đau, đau”, thì những biểu hiện này như một cái gì đó đang đè nặng lên thân, nó thật khó chịu để chịu đựng. Cảm giác này có thể áp bức chúng ta đến mức chúng ta phải thở dài hoặc than thở.
Nếu chúng ta hành thiền về những cảm giác khó chịu sanh khơi nơi thân, chúng ta sẽ biết rằng chúng ta đang trải qua một cảm giác khó chịu, đây là đặc tánh của nó. Chúng ta sẽ biết rằng tâm chúng ta bị suy yếu, đây là công năng của nó. Và biểu hiện của nó là chúng ta sẽ biết về những nỗi đau nơi thân. Đây là cách mà các thiền sinh đạt được trí tuệ minh sát.
Ghi chú:
- 1Tiến trình sanh diệt của thân và tâm.
- 2Thanh Tịnh Đạo – Visuddhimagga
- 3Vô thường, khổ, vô ngã.