WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Khám Phá Ra Sự Thật

Nền Tảng Hành Thiền Minh Sát

Pháp Thoại
Mahāsi Sayādaw

Dịch Việt
Dhanapālaka

Liên quan đến vấn đề này, Sư sẽ kẻ cho các Thiền Sinh nghe một câu chuyện từ chính kinh nghiệm của Sư với tư cách một Thiền Sư. Câu chuyện này liên quan đến một thiền sinh ở Làng Seikhun, quê của Sử ở Quận Shwebo. Thực ra thiền sinh ấy là một trong những người anh họ của Sư. Ông là một trong ba người đầu tiên trong làng theo học thiền minh sát. Lúc đầu, cả ba người đồng ý đi hành thiền trong một tuần. Họ hành thiền rất nỗ lực. Ba thiền sinh ấy mang cả thuốc hút và trầu vào tu viện để dùng mỗi ngày một điếu, nhưng sau bảy ngày trôi qua, họ trở về nhà đồng thời mang hết cả thảy bảy điếu thuốc và trầu vẫn còn nguyên vẹn. Ba thiền sinh ấy đã nỗ lực đến mức cả ba người đạt tới tuệ sanh diệt chỉ trong vòng ba ngày. Ba thiền sinh ấy vô cùng hoan hỷ khi kinh nghiệm được sự tĩnh lặng và nhìn thấy sánh sáng rực rỡ. Họ vui vẻ nói rằng:

“Chỉ khi về già chúng ta mới khám phá ra sự thật”.

Bởi vì các vị ấy là thiền sinh đầu tiên, nên sư nghĩ đến việc để các vị ấy tận hưởng những niềm vui mới tìm thấy và tiếp tục ghi nhận như trước. Sư không nói họ ghi nhận niềm vui. Vì vậy, mặc dù họ có tinh tấn thêm trong bốn ngày nữa những họ cũng không có được hiểu biết sâu sắc hơn.

Sau vài tuần nghỉ ngơi, các thiền sinh ấy quay lại để hành thiền thêm một tuần nữa. Người anh họ của Sư bấy giờ đạt đến Tuệ Diệt. Mặc dù anh ấy đang ghi nhận “phồng, xẹp, ngồi”, nhưng anh ta không thấy bụng và thân thể của anh ta dường như biến mất. Anh ấy nói với Sư rằng phải dùng tay để chạm vào bụng để xem nó còn ở đó không. Nhìn đâu cũng thấy mọi thứ như tan biến. Nó trái ngược với bất kỳ trải nghiệm nào trước đây mà anh ấy từng có. Mặt đất và cây cối dường như cũng tan biến. Nó trái ngược với tất cả những trải nghiệm của vị ấy trước đây, và vị ấy bắt đầu tự hỏi chuyện gì đang diễn ra. Anh ấy chưa bao giờ nghĩ rằng những vật thô thiển như vậy lại không ngừng tan biến. Anh cho nghĩ rằng những đối tượng ấy bị chết đi trong một khoảng thời gian đáng kể. Anh ấy cho rằng chúng tồn tại khá lâu. Và anh ấy đã có được Tuệ Quán Chiếu Sanh Diệt của các hiện tượng cùng sự biến diệt sanh khởi nơi mình mà không cần sự nỗ lực đặc biệt nào. Mọi thứ đang dần trôi qua và biến mất trước mắt anh ấy. Vì nó hoàn toàn trái với những kinh nghiệm trước đây, nên anh ấy nghĩ rằng thị lực mình đang bắt đầu bị suy giảm. Rồi anh ấy đến gặp Sư, Sư nói với anh ấy rằng sự tan biến của những đối tượng anh nhìn thấy là những điều đang diễn ra trong hiện tại. Khi tuệ giác phát triển sắc bén, sự tan rã của các đối tượng trở nên rõ ràng hơn mà không cần sự nỗ lực đặc biệt nào. Sau đó, anh ấy kể cho Sư nghe về những kinh nghiệm của anh khi tuệ giác của mình ngày một tiến bộ. Anh ấy đã qua đời nhiều năm rồi.

Khi tuệ giác trở nên sắc bén, nó sẽ chiến thắng tà kiến hay những tư tưởng sai lầm. Chúng ta sẽ nhìn sự vật đúng theo bản chất tự nhiên (như chúng đang là): vô thường, khổ và vô ngã. Khi định tâm chưa được phát triển, chỉ có suy ngẫm mà không có hành thiền, chúng ta sẽ không thể có sự hiểu biết sâu sắc thực sự về bản chất của các đối tượng. Chỉ có hành thiền minh sát, chúng ta mới có thể có được sự hiểu biết sâu sắc. Một khi chúng ta nhận ra được vô thường, chúng ta sẽ thấy bị áp bức bởi chúng ta nhận ra mọi vật đều sanh diệt không ngừng. Chúng ta nhận thấy rằng mình không thể nào có được niềm vui từ chúng. Chúng không thể mang lại sự an toàn vì chúng có thể bị huỷ hoại bất cứ lúc nào. Vì vậy chúng ta sẽ bị sợ hãi và đau khổ.

Trước đây, chúng ta nghĩ:

“Thân này sẽ không hoại diệt. Thân này sẽ tồn tại lâu dài”.

Vì vậy, chúng ta xem thân này như là nơi ẩn trú an toàn. Tuy nhiên, khi chúng ta hành thiền và có tuệ giác, chúng ta sẽ thấy mọi thứ sanh diệt một cách liên tục. Nếu đối tượng mới không sanh khởi để thay thế cho những đối tượng đã chấm dứt thì đó là lúc chết và điều này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Những hiện tượng thân và tâm hay danh và sắc là không thường hằng, chúng như việc mua một ngôi nhà bỏ hoang là thiếu khôn ngoan.

Chúng ta cũng nhận thấy rằng, chẳng có gì xảy ra theo ý muốn của mình. Mọi thứ cứ việc diễn ra theo quy luật tự nhiên của chúng. Trước đây chúng ta nghĩ rằng mình có thể đi nếu mình muốn đi, có thể ngồi nếu muốn ngồi, đứng lên, nhìn, nghe hoặc làm bất cứ điều gì mình muốn. Giờ đây, khi chúng ta hành thiền, chúng ta thấy rằng nó không phải là như vậy. Thân và Tâm hay danh và sắc hoạt động có sự phối hợp với nhau như là một nhóm. Chỉ khi nào có ý định “co” phát sanh thì chuyển động “co” mới sanh khởi. Chỉ khi nào có ý định “duỗi” phát sanh thì chuyển động “duỗi” mới xuất hiện. Kết quả là chỉ có sự tương quan nhân quả với nhau. Thiền sinh chỉ nhìn, chỉ khi nào có cái gì đó để nhìn. Chỉ nghe, khi nào có cái gì đó để nghe. Chỉ cảm thấy hạnh phúc khi có lý do để cảm thấy hạnh phúc và chỉ có lo lắng khi có lý do để lo lắng. Nếu có nhân thì sẽ có quả theo sau và chúng ta sẽ không thể làm gì được. Không có cái gì gọi là cái tôi, chúng sanh hay làm bất cứ điều gì theo ý muốn. Vô ngã, không có bản ngã, không có tôi – chỉ có các hiện tượng danh và sắc hay thân và tâm sanh rồi diệt.

Hiểu biết được điều này là mấu chốt quan trọng nhất trong thiền minh sát. Tất nhiên, chúng ta sẽ kinh nghiệm được niềm hạnh phúc, sự an tịnh và ánh sắc rực rỡ trong quá trình hành thiền, nhưng chúng không quan trọng. Điều quan trọng là thấy được vô thường, khổ và vô ngã. Những đặc tánh này sẽ trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta tiếp tục hành thiền theo sự hướng dẫn.