WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Sự Bám Chấp Hay Dính Mắc Phát Sanh Như Thế Nào?

Nền Tảng Hành Thiền Minh Sát

Pháp Thoại
Mahāsi Sayādaw

Dịch Việt
Dhanapālaka

Sự bám chấp hay dính mắc là một điều khủng khiếp và cần phải biết. Chúng ta hành thiền để buông bỏ sự bám chấp, để chấm dứt những dính mắc. Chúng ta hành thiền để không còn bám chấp vào tham ái hay tà kiến, có nghĩa: không bám chấp vào mọi thứ là thường hằng, là hạnh phúc, là ngã. Những ai không hành thiền sẽ bám chấp vào bất cứ điều gì họ thấy, nghe, xúc chạm, nhận biết hay suy nghĩ. Hãy tự hỏi mình có bám chấp lấy chúng không? Câu trả lời sẽ cực kỳ rõ ràng.

Hãy bắt đầu với cái thấy. Giả sử chúng ta nhìn thấy một cái gì đó xinh đẹp. Chúng ta nghĩ gì về đối tượng đó? Chúng ta thích thú và hài lòng với đối tượng đó đúng không? Chúng ta sẽ không nói rằng:

“Tôi không muốn nhìn, tôi không muốn thấy chúng”.

Thực ra, chúng ta nghĩ rằng:

“Chúng thật đẹp! thật đáng yêu” cùng với nụ cười rạng rỡ hài lòng, vừa ý. Đồng thời, chúng ta nghĩ đối tượng ấy là trường tồn, vĩnh viễn. Dù đó là con người hay một vật vô tri, chúng ta nghĩ rằng các đối tượng ấy đã, đang và sẽ tiếp tục tồn tại mãi mãi. Mặc dù đối tượng ấy không phải của riêng chúng ta, nhưng trong tâm trí chúng ta vẫn xuất hiện sự chiếm hữu và ưa thích đối tượng đó. Nếu là một bộ quần áo đẹp, chúng ta sẽ thầm mặc và tự mình lấy làm hài lòng. Nếu đó là một đôi dép, tâm chúng ta sẽ muốn mang đôi dép ấy vào chân. Nếu đó là một người, chúng ta sẽ cảm thấy vui thích và hài lòng về người đó.

Sự nghe, ngửi, nếm hoặc xúc chạm cũng xảy ra y như vậy. Chúng ta tận hưởng những niềm vui khi chúng ta có cơ hội. Khi chúng ta có những suy nghĩ trong hạnh phúc, thì sự hạnh phúc càng lan toả rộng hơn. Chúng ta mơ mộng va ưa thích với những thứ không phải là của mình. Nếu chúng thuốc về chúng ta thì khỏi cần phải nói thêm, chúng ta sẽ luôn suy nghĩ và tận hưởng các đối tượng ấy không ngừng. Chúng ta hành thiền để kiểm soát những ưa thích và bám chấp đó.

Chúng ta nắm bắt mọi thứ bằng những quan điểm sai lầm (tà kiến). Chúng ta bắt chúng với những quan điểm cá nhân. Khi chúng ta nhìn một người, chúng ta nghĩ rằng chúng ta thấy một con người, một cái ngã. Chúng ta coi nhãn thức đang thấy một con người hay một bản ngã. Nếu không có sự hiểu biết xuyên thấu, chúng ta sẽ bám víu vào mọi thứ ngay khi chúng ta nhìn thấy chúng. Nếu chúng ta suy nghĩ một chút, chúng ta sẽ thấy sự bám chấp, dính mắc diễn ra bên trong mình như thế nào. Chúng ta nghĩ về bản thân hay nghĩ về những người khác như một đối tượng sống dài lâu đến hết cuộc đời. Nhưng thực tế không phải vậy. Không có gì tồn tại liên tục lâu dài đến hết đời. Chỉ có danh và sắc hay thân và tâm sanh diệt một cách liên tục. Chúng ta coi danh và sắc vô thường này là một con người và chúng ta dính mắc, bám chấp vào chúng. Chúng ta hành thiền để tránh sự dính mắc vào mọi thứ bằng tà kiến.

Chúng ta hành thiền về mọi đối tượng ngay khi chúng sanh khởi. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể đối kháng với sự bám chấp. Sự bám chấp đến từ sự thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ. Các đối tượng này đi qua sáu căn. Chúng ta có thể bám chấp vào những thứ mình không thể nhìn thấy hoặc không nghe thấy không? Không thể được. Chính Đức Phật đã hỏi Mālukyaputta những câu hỏi này:

“Ông nghĩ thế nào, Mālukyaputta? Có một số đối tượng hữu tình mà ông chưa từng nhìn thấy trước đây, hiện tại cũng không thấy và ông mong rằng ông sẽ nhìn thấy trong tương lai. Những đối tượng như vậy có khơi dậy sự ưa thích, ham muốn hay tác động tới ông không?” [S.iv.72]

Những đối tượng hữu tình mà chúng ta chưa từng nhìn thấy trước đây là gì?

Một người chưa từng ghé qua những thị trấn, làng mạc, quốc gia nào đó. Họ cũng không biết những người đàn ông, phụ nữ hay những khung cảnh nơi đó. Vậy làm sao, người đó có thể yêu một người mà họ chưa từng gặp mặt? Làm thế nào họ có thể gắng bó, thương yêu những người mà họ không biết? Chúng ta không dính mắc, bám chấp với những thứ mà chúng ta chưa thấy. Không thấy thì phiền não sẽ không sanh khởi. Vì vậy, chúng ta không cần phải hành thiền với những đối tượng mà chúng ta không thấy. Tuy nhiên, những điều chúng ta nhìn thấy lại là một vấn đề khác. Phiền não có thể sanh khởi nếu chúng ta không hành thiền để đối kháng và diệt trừ chúng.

Điều tương tợ cũng diễn ra đối với cái nghe, ngửi, nếm, xúc chạm hoặc suy nghĩ.