Pháp Thoại
Mahāsi Sayādaw
Dịch Việt
Dhanapālaka
Có một vị tỳ khưu tên là Cūḷapanthaka, vị ấy không thể nào học thuộc được một bài kệ 40 từ trong suốt thời gian bốn tháng. Anh trai của vị ấy là Tỳ khưu Mahāpanthaka không thể nào kiên nhẫn với người em của mình nữa, nên đã yêu cầu vị ấy rời đi. Đức Phật gọi Cūḷapanthaka đến, rồi Ngài đưa cho vị ấy một chiếc khăn trắng, dùng chiếc khăn ấy chùi dọn đồng thời ghi nhận niệm là:
“Diệt trừ phiền não, đoạn diệt bất tịnh”.
Tỳ khưu Cūḷapanthaka đã làm theo lời dạy của Đức Phật, vị ấy nhận ra bản chất của danh và sắc ngay nơi mình, đồng thời chứng ngộ Đạo Quả A-la-hán. Chắc hẳn vị ấy phải mất rất nhiều thời gian, có khi hai hoặc ba tiếng. Vị ấy được giao cho một đề mục hành thiền hoàn toàn phù hợp với tâm tánh của mình.
Một người đệ tử của Ngài Xá-Lợi-Phất (Sāriputta) đã hành thiền với đề mục tử thi đang phân huỷ trong vòng bốn tháng, nhưng không có hiệu quả. Vì vậy, Đại Đức Sāriputta mới đưa vị ấy đến gặp Đức Phật. Đức Phật hoá ra một bông hoa Sen màu vàng thật đẹp bằng thần thông và đưa cho vị tỳ khưu ấy. Vị tỳ khưu này đã từng làm thợ hoàn kim trong 500 kiếp liên tục. Vị ấy thích những thứ đẹp đẽ chứ không phải là xác chết đang phân huỷ. Khi nhìn thấy hoa sen vàng, vị ấy bị mê hoặc và nhanh chóng phát triển Thiền (Jhāna) khi nhìn vào nó. Rồi Đức Phật làm cho hoa Sen tàn lụi, và vị tỳ khưu nhận ra bản chất vô thường, khổ, và vô ngã của các pháp hữu vi. Đức Phật liền dạy cho vị tỳ khưu ấy một bài kệ, sau khi nghe xong, vị ấy đắc Đạo Quả A-la-hán.
Ngài trưởng lão Channa cũng không thành tựu trong việc nỗ lực đạt được tuệ giác, vì vậy Ngài đến xin lời khuyên của Đại Đức Ānanda. Đại Đức Ānanda nói với trưởng lão Channa:
“Người hãy là ‘đất gieo trồng’, một người hiểu biết sâu sắc có thể cày cấy trên đất ấy”.
Ngài trưởng lão rất vui mừng, làm theo lời khuyên của Đại Đức Ānanda và chẳng bao lâu ngài trưởng lão chứng đạt được tuệ giác.
Một số vị thiền sư ngày nay không biết cách dạy như thế nào cho phù hợp với tâm tánh của học trò. Các vị ấy nói chuyện với thiền sinh theo những cách không phù hợp với tánh khí của thiền sinh. Kết quả là thiền sinh chán nản trở về nhà. Tuy nhiên, có một số vị thầy biết mình phải nói gì, và các đệ tử của vị ấy chỉ ở lại hành thiền vài ngày đã đạt được tuệ giác. Điều quan trọng là phải giảng dạy làm sao cho phù hợp với tâm trạng của người nghe. Không có gì phải ngạc nhiên khi hàng ngàn người đã đạt được tuệ giác vào cuối mỗi thời thuyết pháp của Đức Phật.
Trong số người nghe Pháp (thính pháp), có thể có một hoặc hai người có được sự hoàn hảo (đầy đủ Ba-la-mật) như những người thính pháp thời Đức Phật, và cũng có những người mà các pháp Ba-la-mật đã phát triển sau nhiều ngày hoặc nhiều tháng hành thiền. Số ít này, hiện tại có thể đạt được tuệ giác trong khi nghe Pháp.
Nếu chúng ta không được như vậy ngay trong lúc này, hãy tiếp tục cố gắng chúng ta sẽ sớm có được nó. Những ai chưa từng hành thiền trước đây, bây giờ đã học được phương pháp thích hợp. Nếu chúng ta hành thiền, chúng ta sẽ có được tuệ giác khi đúng thời điểm. Dù chúng ta có được tuệ giác hay chỉ làm các thiện pháp, thì chúng ta sẽ được sanh vào nơi nhàn cảnh. Ở đó, chúng ta có thể gặp các vị Chư Thiên là các bậc Thánh, những vị đã ở đó từ thời Đức Phật. Chúng ta sẽ gặp ông Anāthapiṇdika, bà Visākhā, và những người khác. Sau đó, chúng ta có thể hỏi các vị ấy đã học từ Đức Phật những gì và các vị ấy đã thực hành như thế nào? Sẽ thật thú vị khi được đàm luận Pháp với các Bậc Trí Tuệ nơi Cõi Trời.