Pháp Thoại
Mahāsi Sayādaw
Dịch Việt
Dhanapālaka
Đức Phật dạy hành thiền về năm thủ uẩn là hành thiền minh sát. Những lời dạy của Đức Phật được gọi là “sutta“, có nghĩa là “sợi chỉ”. Khi một người thợ mộc chuẩn bị bào hoặc cưa một khúc gỗ, người ấy dùng một sợi chỉ để kẻ một đường thẳng. Cũng vậy, khi sống một đời sống Phạm Hạnh, chúng ta lấy Kinh làm sợi chỉ để vạch ra những hướng dẫn, làm “kim chỉ nam” cho hành động của mình. Trong Kinh, Đức Phật đã hướng dẫn chúng ta rèn luyện Giới, Định, Tuệ. Chúng ta không nên bước ra khỏi ranh giới ấy và hành động theo ý muốn của mình. Đây là một vài trích dẫn trong Kinh liên quan đến hành thiền theo năm uẩn:
“Này các tỳ khưu, sắc là vô thường. Cái gì là vô thường thì cái đó là khổ (bất toại nguyện). Cái gì là khổ thì cái đó là vô ngã. Cái gì là vô ngã, nên quán: ‘Cái này không phải của Tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”. Một người nên phân biết chúng như thật bằng trí tuệ ba-la-mật.” [S.iii.21]
Chúng ta phải hành thiền để nhận ra sắc là vô thường, là khổ và vô ngã. Đối với thọ (cảm giác), tưởng, hành và thức cũng làm cần phải hành thiền để nhận diện bản chất thực sự của chúng.
Lợi ích của việc thấy các uẩn này là vô thường, khô và vô ngã là gì?
Đức Phật dạy chúng ta:
“Đối với tất cả mọi vật như vậy, Bậc Thánh Nhân hướng dẫn các đệ của mình chớ nên tham đắm trong sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Do không tham đắm chúng, các vị ấy sẽ trở nên nhàm chán. Do nhàm chán, vị ấy sẽ được giải thoá”. [S.iii.68]
Nếu chúng ta nhận ra bản chất vô thường, khổ và vô ngã của năm uẩn, chúng ta sẽ trở nên nhàm chán chúng. Nghĩa là, khi một người chứng đắc Thánh Đạo, vị ấy cũng chứng ngộ Đạo Quả, giải thoát khỏi những phiền não. “Đã giải thoát, vị ấy biết “mình đã giải thoát’”. Nói cách khác, vị ấy đã trở thành một vị A-la-hán, người mà tất cả phiền não đã bị dập tắt.
Tất cả những đoạn trích này nằm trong Kinh Yadanicca [S.iii.21], Khandhavagga Saṃyutta. Hai bài kinh đặc biệt cần phải chú ý là: Sīlavanta Sutta [S.iii.167], và Sutavanta Sutta [S.iii.169]. Trong cả hai bài kinh này, Tôn giả Mahākoṭṭhika đều đặt ra câu hỏi cho Tôn giả Sāriputta, và Tôn giả Sāriputta đã trả lời những câu hỏi này rất ngắn gọn nhưng thật xúc tích.
Tôn giả Mahākoṭṭhika hỏi:
“Này hiền giả Sāriputta, một vị Tỳ khưu có đầy đủ Giới Hạnh cần phải lưu ý kỹ những gì?”.
Cụm từ “đầy đủ Giới Hạnh” trong câu hỏi này cần phải được lưu ý. Nếu một người muốn hành thiền mịnh sát với mục đích thành tựu được Đạo, Quả và Niết-bàn, người ấy cần phải có Giới. Nếu một người không giữ Giới, người ấy không thể nào có hy vọng chứng đạt Định và Tuệ cao hơn.
Tôn giả Sāriputta trả lời:
“Này hiền giả Koṭṭhika, một vị tỳ khưu có giới cần phải quán chiếu kỹ lưỡng năm thủ uẩn là: vô thường, khổ, là bịnh, là ung nhọt, là mũi tên, là đau khổ, là bịnh tật, là xa lạ, là sự mục nát, là sự trống rỗng.”
Hành thiền có lợi ích gì?
Tôn giả Sāriputta tiếp tục trả lời:
“Thật vậy, này hiền giả, một vị tỳ khưu có Giới Hạnh, quán chiếu đến năm thủ uẩn này, có thể chứng ngộ được quả vị Dự Lưu”.
Vì vậy, nếu người nào muốn trở thành Bậc Thánh Nhập Lưu và không bao giờ phải tái sanh trong bốn khổ cảnh, người ấy phải hành thiền về năm thủ uẩn. Cuối cùng để nhận ra rằng: năm thủ uẩn này là vô thường, khổ và vô ngã. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả, người ấy còn có khả năng chứng đắc luôn cả Đạo Quả A-la-hán.
Tôn giả Koṭṭhika nói tiếp:
“Này hiền giả Sāriputta, một vị tỳ khưu là Bậc Thánh Nhập Lưu cần phải quán chiếu điều gì?”
Tôn giả Sāriputta trả lời rằng một vị Thánh Nhập Lưu cần phải quán chiếu năm thủ uẩn đó là vô thường, khổ và vô ngã. Rồi vị ấy sẽ tiến tới Đạo Quả Nhất Lai. Vị Nhất Lai tiếp tục hành thiền về năm thủ uẩn để tiến tới Đạo Quả Bất Lai. Vị Thánh Bất Lai tiếp tục hành thiền về năm thủ uẩn để tiến tới Đạo Quả A-la-hán. Ngay cả Bậc Thánh A-la-hán cũng có thể thực hành thiền về năm thủ uẩn đó.
Vị Thánh A-la-hán có được lợi ích gì khi thực hành thiền?
Vị Thánh A-la-hán sẽ không trở thành vị Phật Độc Giác hay vị Phật Toàn Giác bằng cách này. Vị Thánh A-la-hán sẽ chấm dứt vòng tử sanh luân hồi bằng cách nhập vào Vô Dư Niết Bàn1Chứng ngộ Đạo Quả A-la-hán nhưng vẫn còn sống thì đây gọi là Hữu Dư Niết Bàn. Còn vị A-la-hán khi đã hết thọ mạng, xả bỏ thân này thì gọi là Vô Dư Niết-bàn. .
Vị Thánh A-la-hán không còn bất cứ phiền não nào và đã viên mãn về Giới, Định, Tuệ. Lợi ích của vị thánh A-la-hán khi hành thiền về năm thủ uẩn là an trú trong Đạo Quả giải thoát. Mặc dù, vị thánh A-la-hán đó không hành thiền nhưng sự lo lắng và khó chịu sẽ sanh khởi nơi sáu căn. Sự lo lắng ở đây không có nghĩa là sự đau khổ trong tâm. Khi các đối tượng giác quan liên tục sanh khởi, sự bình an trong tâm của vị ấy bị xáo động – chỉ có vậy thôi. Chưa nói đến các vị A-la-hán, ngay cả những thiền sinh bây giờ cũng cảm thấy khó chịu khi gặp phải các đối tượng giác quan sanh khởi, bởi vì họ mong muốn chứng đạt tuệ giác. Khi trở về từ trung tâm thiền, họ nhìn thấy cảnh, nghe âm thanh, vướng vào những chuyện thế tục, và cuối cùng họ không có lấy được một chút bình an nào cả. Vì vậy, một số người đã nhanh chóng quay trở lại trung tâm thiền. Tuy nhiên, cũng có một số người khác, sự lo lắng ấy lại không kéo dài lâu. Chừng năm, mười ngày thôi. Chẳng bao lâu sâu, những suy nghĩ trần tục chiếm lấy họ và họ lại bị lôi cuốn vào các công việc tại gia. Còn vị A-la-hán không bao giờ trở lại những thói quen cũ của mình. Nếu vị A-la-hán không hành thiền và gặp phải nhiều đối tượng giác quan khác nhau, thì cảm giác bất an sẽ xảy ra. Chỉ khi nào an trú trong thiền minh sát, vị A-la-hán mới tìm thấy sự an lạc nơi tâm. Vì vậy, hành thiền về năm thủ uẩn mang tới sự an lạc nội tâm cho vị A-la-hán. Lại nữa, khi một người sống trong thiền định liên tục thì sẽ có chánh niệm cùng trí tuệ hiểu biết về vô thường, khổ và vô ngã. Đây là một lợi ích khác của hành thiền. Nếu vị A-la-hán an trú trong chánh niệm và tỉnh giác, vị ấy có thể thọ hưởng Đạo Quả giải thoát bất cứ lúc nào, bao lâu tuỳ ý. Đây là lợi ích thứ hai khi một vị A-la-hán hành thiền về đối tượng năm thủ uẩn.
Những câu trả lời phía trên của Tôn giả Sāriputta trong bài Kinh Sīlavanta Sutta cũng được tìm thấy trong kinh Sutavanta Sutta. Sự khác biệt duy nhất giữ hai bài kinh này là thuật ngữ “Sīlavanta“, nghĩa là “có Giới Đức”. Còn “Sutavanta” có nghĩa là “hiểu rõ hay biết rõ”. Dựa trên hai bài Kinh này và những bài Kinh khác đề cập đến các Uẩn, có thể hiểu như vầy:
“Tuệ giác đến từ việc hành thiền về năm thủ uẩn”.
Bây giờ, Sư sẽ quay lại với sự bám chấp sanh khởi nơi sáu căn. Khi chúng ta đang nhìn, chúng ta nghĩ rằng mình hoặc người khác là thường hằng, đã, đang, sẽ và luôn luôn tồn tại. Chúng ta nghĩ những điều đó là hạnh phúc, là tốt đẹp hay xinh đẹp. Hay chúng ta coi đó như những chúng sanh hữu tình.
Chúng ta suy nghĩ tương tợ như vậy khi chúng ta nghe, ngửi, nếm hoặc xúc chạm. Cảm giác của xúc chạm lan toả khắp cơ thể, bất cứ nơi nào trên thân. Ở đâu có xúc chạm, ở đó có bám chấp. Sự co, duỗi và chuyển động của tứ chi được đề cập trước đó đều là những trường hợp của xúc chạm. Sự căng cứng và giãn ra bởi quá trình phồng, xẹp của bụng cũng vậy. Chúng ta sẽ xem xét điều này một cách chi tiết sau.
Khi suy nghĩ hay tưởng tượng, chúng ta cho rằng “Cái tôi đã tồn tại trước đây, bây giờ đang suy nghĩ”. Như vậy, chúng ta tự cho mình là một chúng sanh thường hằng. Chúng ta coi sự suy nghĩ là thú vị, là vui sướng. Chúng ta coi đó là hạnh phúc. Nếu nói là suy nghĩ sẽ biến mất, chúng ta sẽ không chấp nhận và không hài lòng. Bởi chúng ta bám chấp vào chúng. Như vậy, chúng ta bám chấp vào bất kỳ cái gì đi qua sáu căn, xem đó là: thường hằng, hạnh phúc và có ngã. Chúng ta thích thú chúng với sự tham muốn, bám chấp vào những đối tượng đó. Chúng ta cần phải thực hành thiền về năm thủ uẩn này.
Ghi chú:
- 1Chứng ngộ Đạo Quả A-la-hán nhưng vẫn còn sống thì đây gọi là Hữu Dư Niết Bàn. Còn vị A-la-hán khi đã hết thọ mạng, xả bỏ thân này thì gọi là Vô Dư Niết-bàn.