WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

An Tử hay Trợ Tử có phạm giới Sát Sanh không?

Những Vấn Đề Trong Cuộc Sống
Mahāsi Sayādaw

Dịch Việt
Dhanapālaka

Bác Sĩ là người có nhiệm vụ phải cứu bệnh nhân khỏi nguy cơ tử vong. Mọi Bác Sĩ đều luôn mong muốn bệnh nhân của mình hồi phục sức khoẻ. Tuy nhiên, là con người, không phải lúc nào một người Thầy Thuốc cũng có thể chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân như ý muốn. Có rất nhiều căn bệnh không thể chữa khỏi. Một số bệnh nhân mắc những căn bệnh hiểm nghèo nhưng họ vẫn còn sống. Cũng có nhiều người không thể tận hưởng cuộc sống của mình khi họ biết mình đang mang bệnh, đó là do phiền não của họ gây ra. Một số người khác thì nghĩ rằng cuộc sống như vậy là không đáng để tiếp tục sống. Có một số người làm Bác Sĩ vì lòng thương hại mà giúp cho những người đó được an tử, thì có phạm tội sát sanh hay không?

An tử một người vì họ mắc bệnh nan y. Hành động này một số người chấp nhận, còn một số khác lại không. Không phải cái chết êm dịu khiến bệnh nhân chết trước tuổi thọ của họ hay sao? Ví dụ, nếu một Bác Sĩ biết rằng căn bệnh ung thư này là vô phương cứu chữa và bệnh nhân yêu cầu Bác Sĩ làm thủ tục an tử cho họ, Bác Sĩ có phạm tội giết người không?

Người yêu cầu Bác Sĩ an tử (bệnh nhân) và cả Bác Sĩ đều phạm tội sát sanh. Chúng khiến người bệnh chết trước tuổi thọ của họ.

Thật đáng thương khi nhìn thấy những bệnh nhân phải chịu những cơn đau dữ dội. Nếu bệnh nhân đó chết sớm hơn thì có lẽ người đó được thoát khỏi sự đau khổ sớm hơn. Tuy nhiên, có một điều không chắc chắn rằng bệnh nhân có thực sự được hạnh phúc sau khi chết hay không. Chú giải Peta Vatthu trong Kinh Tạng Pāḷi có nói đến vấn đề này.

Nếu một chúng sanh chết trước tuổi thọ của mình do sự can thiệp của người khác, kẻ giết họ đã phạm vào giới sát sanh. Khi nhìn thấy nỗi đau không thể chịu đựng được của một bệnh nhân, ý định đầu tiên của Bác sĩ là làm giảm bớt sự đau đớn cho họ, nhưng nếu ý định thứ hai là thực hiện việc an tử, thì ý định này phạm vào giới sát sanh. Tác ý cuối cùng xác định là có phạm tội sát sanh hay không. Điều này phù hợp với Chú Giải Peta Vatthu.

Trong Vinaya Piṭaka (Tạng Luật), Pārājika Pāḷi (Phần Bất Cộng Trú), có nói như sau:

Có một vị Tỳ-khưu bị bệnh nặng nằm trên giường. Khi các vị Tỳ-khưu khác nhìn thấy vị ấy, vì thương hại, các vị ấy nói với vị Tỳ-khưu đang bệnh rằng thà chết còn hơn sống như vậy. Vị Tỳ-khưu đang bệnh đồng ý quan điểm đó của họ và muốn chết càng sớm càng tốt. Với ý định này, vị Tỳ-khưu ấy đã không ăn bất cứ thứ gì và chết trong một thời gian ngắn. Bấy giờ các vị Tỳ-khưu đã đưa ra lời đề nghị nghi ngờ liệu mình có phạm tội Bất Cộng Trú (pārājika) hay không, do đó, họ trình sự việc lên Đức Phật. Đức Phật nói rằng các Tỳ-khưu ấy đã phạm tội bất cộng trú hay còn gọi là phạm tội trục xuất khỏi Tăng đoàn (pārājika), điều luật thứ ba về tội giết người.

Trong trường hợp này, các Tỳ-khưu đã cảm thấy thương hại cho vị Tỳ-khưu bị bệnh, và vì vậy đã đưa ra ý kiến là vị ấy tốt hơn hết là nên tìm đến cái chết. Ý định ban đầu của họ được thúc đẩy bởi lòng thương hại. Tuy nhiên, ý định thứ hai của họ là một trong những điều xúi dục vị ấy tìm đến cái chết. Bản chú giải giải thích rằng ý định thứ hai có hiệu lực ngay khi ý định thứ nhất kết thúc.

Câu trả lời cho câu hỏi của Tiến sĩ U Myint Swe tương tợ như câu chuyện trên. Theo các Chú giải, năm chi phần để cấu thành tội sát sanh (pāṇātipāta).

1. Đó là một chúng sanh đang sống.

2. Biết đó là một chúng sanh.

3. Có ý định giết chúng sanh đó.

4. Cố gắng bằng lời nói hoặc hành động để giết chúng sanh đó.

5. Chúng sanh đó chết do sự cố gắng đó.

Nếu có đủ năm yếu tố thì phạm tội sát sinh. Vì vậy, bệnh nhân yêu cầu bác sĩ giúp họ chết. Vì thương hại, bác sĩ đã làm như vậy. Bệnh nhân đã chết. Trong trường hợp này, cả bệnh nhân và bác sĩ đều vi phạm giới luật đầu tiên, là cả hai đều phạm tội sát sanh.

Một số trẻ em hoặc con cái có thể yêu cầu bác sĩ thực hiện trợ tử cho cha hoặc mẹ của họ. Nếu bác sĩ làm theo lời yêu cầu, những đứa trẻ hay những người con này phạm một trong năm trọng tội (anantariya-kamma) hay còn gọi là một trong ngũ nghịch đại tội (giết cha, giết mẹ, giết Bậc Thánh A-la-hán, làm chảy máu Phật và chia rẽ Tăng Đoàn). Điều này thật khủng khiếp làm sao! Mọi người nên cực kỳ cẩn thận để tránh những tội ác đáng ghê sợ như vậy. Đây là câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên của Tiến sĩ Myint Swe.