Những Vấn Đề Trong Cuộc Sống
Mahāsi Sayādaw
Dịch Việt
Dhanapālaka
Đức Phật dạy “Vayadhammā saṅkhārā appamādena sampādetha” tất cả các hành đều vô thường, biến hoại. Vật chất và tâm cũng chịu sự chi phối của nó. Điều này không thế phủ nhận được.
Làm sao để một chúng sanh chết ở nơi này rồi tái sanh (đầu thai) ở một nơi khác, trong khi vật chất và tâm phải chịu sự chi phối của vô thường và biến hoại như vậy?
Hơn 2.500 năm trước, Đức Phật đã thuyết về sự tiếp diễn của luân hồi bằng sự hiểu biết bởi chính trí tuệ của Ngài.
Có ba loại sanh hữu (tồn tại):
1. Sự sanh hữu bao gồm cả vật chất và tâm (cõi dục giới).
2. Sự sanh hữu chỉ có vật chất (cõi sắc giới).
3. Sự sanh hữu chỉ có Tâm (cõi vô sắc giới).
Cõi dục giới chỉ có thể biết được thông qua Thiền Định (bhāvanā), chúng không thể nhận biết bằng các thí nghiệm khoa học. Tuy nhiên, có thể hiểu một cách nôm na như vầy, đó là sự tiến triển của tâm trong vấn đề sanh hữu, và nó chỉ diễn ra trong tâm bạn, đó là sự nhận thức và hiểu biết thông qua khả năng của tâm.
Tâm lưu trữ sự sanh hữu, tâm (citta) sanh và diệt không gián đoạn từ lúc nằm trong thai bào cho đến lúc chết. Tâm thứ nhất sanh lên rồi diệt và tâm thứ hai lại sanh lên rồi diệt không gián đoạn. Tâm tiếp tục sanh diệt liên tục như vậy, do đó, nếu tâm thứ nhất diệt, thì tâm sau phát sanh không dựa trên nền tảng của tâm thứ nhất. Đây là tiến trình hoạt động liên tục của tâm.
Thông thường, khi bạn đang đăm chiêu suy nghĩ, những dòng suy nghĩ này cứ liên tục diễn ra mà không bị gián đoạn bởi tiếng động lúc đó, mặc dù vẫn có sự hiện diện của nhĩ thức (sota-viññāṇa). Vì vậy, chúng ta có thể hiểu rằng nó cũng giống như trường hợp của sanh hữu chỉ có tâm. Nếu chúng ta biết được đổng lực (động lực) của các tâm trước là nhân sanh khởi cách tâm sau, chúng ta có thể hiểu rằng, thức tái sanh hay tái tục (paṭisandhi-viññāṇa) xuất hiện là do động lực của tâm trong kiếp quá khứ dù có hay không có thân (sắc) trong kiếp vị lai. Nói cách khác, tử thức của kiếp quá khứ là nhân (duyên) của thức tái sanh trong kiếp sau. Đây là một sự giải thích ngắn để một người hiền trí có thể thấy được sức mạnh của tâm.
Mặc dù cả vật chất lẫn tâm của một chúng sanh đều đoạn tận vào lúc chết, nhờ sự thúc đẩy của tử thức mà thức tái sanh mới xuất hiện trong một cơ thể mới của kiếp kế tiếp. Tâm này dính mắc vào một đối tượng nào đó trong giờ phút hấp hối. Đây gọi là cận tử nghiệp (āsanna kamma). Cận tử nghiệp là chiếc cầu nối giữa sự chết và sự tái sanh, đây là cách mà thức tái sanh diễn ra.
Khi cái chết cận kề, những hành động thiện hay bất thiện của một người đã làm sẽ xuất hiện trước mắt người đó. Các đối tượng ấy liên quan tới những hành động cũng có thể xuất hiện. Ngoài ra, có thể người ấy sẽ thấy được cảnh giới tái sanh của mình. Mặc dù có những đối tượng không đáng hài lòng, những không thể loại bỏ những đối tượng này vào lúc chết. Những người gần gũi với người sắp chết thường cho biết tình hình như vậy. Một số người cận kề cái chết, rồi sống lại và họ kể cho người khác nghe là ai đã đưa họ đi, họ đã đi đâu và họ đã nhìn thấy những gì?
Người sắp chết sẽ thấy một trong ba hình tướng khi sát-na tâm tử (cuti-citta) sanh khởi. Cái chết là sự chấm dứt của sanh mạng. Ngay khi tử thức diệt, thì thức tái tục xuất hiện do sự thúc đẩy của tử thức. Thức tái sanh sanh khởi trong một cơ thể mới ở kiếp sống kế tiếp theo hình ảnh thấy được ngay trước khi chết. Do mối quan hệ với kiếp trước, thức tái tục này được gọi là tâm tái tục (paṭisandhi-citta).
Ví dụ: Một người mơ thấy những điều kỳ lạ và cứ nghĩ về chúng khi tỉnh dậy. Chẳng hạn, giấc mơ về con vật cưng mà họ nuôi ngày trước. Nhớ lại giấc mơ của mình cũng giống như đối tượng của thức tái sanh. Trường hợp trên cũng giống như khi ngủ dậy rồi nhớ ra là mình có ý định làm một việc gì đó.
Nếu thức tái tục sanh khởi trong cõi sắc giới (rūpa-bhūmi), vật chất đồng sanh khởi tương ứng với Nghiệp đã tạo. Nếu thức tái tục sanh khởi như vậy thì nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức và ý thức cũng sanh khởi tương tợ. Tóm lại, đây là quá trình tái sanh của một chúng sanh.