Những Câu Hỏi Của Đức Vua Trời Sakka
Pháp thoại
Mahāsi Sayādaw
Dịch Việt
Dhannapālaka
Vì xin phép trước khi đặt câu hỏi là thông lệ của một người có trình độ văn hoá cao, đầu tiên Sakka xin phép Đức Phật trước khi hỏi những điều sau:
“Bạch Đức Thế Tôn! Tất cả chúng sinh đều mong muốn thoát khỏi sân hận và ác ý. Họ không muốn cãi vã hay bị đối xử tệ bạc, mà thay vào đó họ mong ước được hạnh phúc, an toàn, bình an và giải thoát. Tuy nhiên, họ không thoát khỏi nguy hiểm và đau khổ. Nguyên nhân của sự việc ấy là chi?”
Đức Phật trả lời: “Này Đức Vua trời Sakka! Tất cả chúng sinh đều mong ước được hạnh phúc, không hiểm nguy, bình an và giải thoát. Tuy nhiên, họ không thoát khỏi hận thù, xung đột, nguy hiểm và đau khổ. Sự bất hạnh này là do kiết sử (sự trói buộc) của đố kỵ (issā) và ích kỷ (macchariya).”
Đặc tánh của lòng đố kỵ là ác cảm với sự phát triển và lợi ích của người khác, do đó người ta trở nên độc ác và muốn huỷ hoại chúng. Những ác dục này gây khổ đau cho người chứa chấp chúng trong hiện tại và tương lai, dẫn đến khổ đau cho những kẻ ganh ghét. Trên khắp thế gian, nhiều đau khổ là do lòng đố kỵ gây ra. Kẻ đố kỵ ghét nhìn thấy người hạnh phúc hoặc phát triển. Vì vậy, đặc điểm của đố kỵ là oán giận lợi ích của người khác, năng lực của nó là làm cho người đố kỵ đau khổ, và biểu hiện của nó là làm ngơ trước sự phát triển của người khác.
Một người bị lòng đố kỵ chi phối sẽ không muốn nhìn thấy người khác phát triển, thành đạt, xinh đẹp, có học thức hoặc thăng tiến lên một vị trí quan trọng. Đố kỵ là một điều ác không mang lại lợi ích cho người chứa chấp nó. Nó cung cấp mảnh đất màu mỡ cho nghiệp xấu phát triển và khiến người ta đau khổ. Một người đàn ông quyền lực sẽ tìm cách hủy hoại người mà anh ta ghen tị, và bằng cách đó, anh ta biến người khác thành kẻ thù của mình, và kẻ ấy sẽ trả thù lại anh ta. Ngay cả khi không có nguy cơ bị trả thù, anh ta chắc chắn sẽ phải chịu đau khổ ở kiếp sau.
Kinh Cūḷakammavibhaṅga Sutta tóm tắt những hậu quả nghiệp báo của lòng đố kị là không có quyền hành và không có uy thế. Một số người không muốn nghe bất cứ điều gì về thiện nghiệp của người khác—sự giàu có, trí thông minh, sức khỏe tốt, tài hùng biện và sự nổi tiếng của họ, vì vậy họ nói hoặc làm những điều gây bất lợi cho lợi ích của người khác. Tuyên truyền trong thời hiện đại được thúc đẩy bởi sự đố kị. Người có tâm đố kị phải chịu đựng trong địa ngục nhiều năm và sau khi được thoát ra khỏi đó, nếu anh ta tái sinh trong cõi người, anh ta trở thành một người thuộc tầng lớp thấp kém, ít hay thậm chí không có danh tiếng.
Mặt khác, một người có thiện chí vui mừng trước thiện nghiệp của người khác. Anh ấy hoặc cô ấy hạnh phúc khi nhìn thấy hoặc nghe thấy sự phát triển của người khác, và giúp nâng cao lợi ích của người khác càng nhiều càng tốt, do đó vun trồng nhiều thiện nghiệp. Sau khi chết, tái sanh cõi trời, người đó tận hưởng một cuộc sống hạnh phúc, và khi tái sanh lại cõi người, sẽ có quyền lực và sức ảnh hưởng. Những ai mong muốn phát triển trong đời này và đời sau nên khắc phục lòng đố kỵ và trau dồi hỷ (muditā). Nói cách khác, một người nên vui mừng vì lợi ích của người khác.
Tính ích kỷ
Tính ích kỷ (macchariya) là sự ích kỷ đến mức chiếm giữ vật cho riêng mình. Biểu hiện của nó là không muốn chia sẻ với người khác vật mình có, và có tính chiếm hữu cao tột. Có 5 sự ích kỷ:
1) Nhà ở;
2) Bạn bè và cộng sự,
3) Của cải vật chất,
4) Các đặc điểm đáng khen, và
5) Sự học tập.
Ích kỷ về chỗ ở (āvāsa-macchariya) được tìm thấy ở một số tỷ kheo không muốn nhìn thấy những tỷ kheo có giới hạnh trang nghiêm cư ngụ trong tu viện của họ. Một tỷ kheo có thể không muốn các thiện tín của mình bố thí cho các tỷ kheo khác. Những vị tỷ kheo đố kị như vậy, vì ác ý của họ, họ phải trải qua nhiều loại đau khổ sau khi chết.
Ích kỷ đối với các đặc điểm (vaṇṇa-macchariya) là mong muốn sở hữu độc nhất một đặc điểm, chẳng hạn như vẻ đẹp ngoại hình, nhưng lại bực bội với vẻ đẹp tương tự như vậy ở người khác, và điều đó có thể dẫn đến dung mạo xấu xí.
Ích kỷ về kiến thức (dhamma-macchariya) khiến một người không muốn học hỏi hoặc chấp giữ kiến thức của anh ta. Điều này có thể khiến anh ta trở thành một kẻ khờ khạo hoặc một người ngu ngốc, thiểu trí ở kiếp sau. Do đó, sự ích kỷ đối với thiện nghiệp của người khác sẽ khiến một người bất hạnh, nghèo khổ, không có bạn bè và chịu nhiều đau khổ sau khi chết.
Ích kỷ về chỗ ở phần lớn liên quan đến các tỷ kheo. Đó là cách các vị ấy coi một tự viện của hội chúng như nơi ở riêng của mình. Còn với các thiện tín, thì có thái độ coi chùa, trung tâm thiền, … như của riêng mình.
Ích kỷ đối với các gia đình (kula-macchariya) chi phối những tỷ kheo không muốn thiện tín của họ có quan hệ thân thiết với những tỷ kheo khác. Một số tỷ kheo cấm đệ tử của mình nhìn thấy những tỷ kheo khác hoặc nghe những bài giảng của họ. Còn đối với người tại gia, thật là ích kỷ khi đòi hỏi sự trung thành độc nhất và trọn vẹn từ những người thân của mình.
Ích kỷ về tài sản (lābha-macchariya) là mong muốn của một số tỷ kheo là họ được độc quyền nhận của bố thí và không muốn chia sẻ đến cho các tỷ kheo tốt khác. Câu chuyện về Đại Đức Losaka Tissa là một ví dụ về sự đau khổ của vòng luân hồi (saṃsāra) bắt nguồn từ tội lỗi này.
Vào thời Đức Phật Kassapa, có một vị tỷ kheo sống nhờ vào sự hộ độ một thiện tín. Một ngày nọ, một tỷ kheo khác đến và ở lại tu viện của vị ấy. Bởi lo sợ rằng sự tôn kính của người thiện tín kia đối với người mới đến, có thể trở thành mối đe dọa cho sự an toàn của mình, vị tỷ kheo trụ trì đã cố gắng đuổi vị khách của mình. Khi người thiện tín mời cả hai vị dùng bữa tại tư gia, vị tỷ kheo trụ trì đến đó một mình. Khi trở về, vị ấy vứt bỏ vật thực được người thiện tín gởi cúng dường cho vị tỷ kheo khách bên vệ đường. Khi chết, vị tỷ kheo trụ trì phải chịu đựng nhiều kiếp trong địa ngục và từ đó vị ấy tái sanh vào cõi súc sanh, nơi vị ấy phải chịu đói khát cùng cực trong nhiều kiếp.
Trong kiếp cuối cùng, vị ấy tái sinh trong một làng chài ở xứ sở Kosala. Từ khi được thụ thai, bất hạnh đã ập đến với dân làng và cha mẹ của mình. Cuối cùng, cơn đói hành hạ khiến mẹ vị ấy tuyệt vọng đến mức bỏ rơi vị ấy trong khi vị ấy đi ăn xin. Tôn giả Sāriputta nhìn thấy đứa trẻ chết đói. Động lòng trắc ẩn, vị trưởng lão đã đưa anh ta đến tu viện của mình, ở đó vài năm sau, vị ấy trở thành một tỷ kheo. Ngài được gọi là Tôn giả Losaka Tissa bởi vì ngài quá xui xẻo đến nỗi không bao giờ có được một bữa ăn thịnh soạn ngay cả trong một bữa cúng dường lớn. Tất cả những gì vị ấy nhận được chỉ vừa đủ để duy trì sự sống.
Ác nghiệp này đeo bám vị ấy ngay cả khi vị ấy đắc quả A-la-hán. Không lâu trước khi vị ấy tịch diệt, Tôn giả Sāriputta đã đưa vị ấy đến Sāvatthi để chắc chắn rằng vị ấy sẽ có một bữa ăn đàng hoàng vào ngày cuối cùng của cuộc đời. Người ta nói rằng không có ai để bát cúng dường vật thực cho trưởng lão nên vị ấy đã gửi người bạn đồng phạm hạnh của mình đến một trú xá. Ngay sau đó các đệ tử mới nhận được sự cúng dường vật thực, Tôn giả Sāriputta đã gửi vật thực đến cho Tôn giả Losaka Tissa, nhưng những người đem vật thực đến cho Tôn giả Losaka Tissa lại ăn chúng trên đường đi. Vì vậy, Tôn giả Sāriputta phải tự mang thêm vật thực và giữ bình bát trong khi Tôn giả Losaka Tissa thọ thực. Bằng cách này, Tôn giả Losaka Tissa đã thọ thực cuối cùng và viên tịch ngay trong ngày hôm đó.
Câu chuyện này không có gì đáng nghi ngờ về quả báo hay ác nghiệp đáng sợ của sự ích kỷ. Nhiều loại ác ý làm khổ thiện tín, chẳng hạn như, (lābha-macchariya) có những người tìm cách độc chiếm một công việc kinh doanh béo bở nào đó; (vaṇṇa-macchariya) ở những người không nhận ra những đặc điểm tốt của người khác; và dhamma-macchariya ở những người không muốn chia sẻ kiến thức, hay sự hiểu biết của mình với bất kỳ ai khác.
Lời tuyên bố của Đức Phật kết luận sự bất hạnh của nhân loại là do đố kỵ và ích kỷ có liên quan trực tiếp đến Sakka (Đế Thích). Vì trước cái chết đến gần, vị ấy không vui trước viễn cảnh những người vợ của mình rơi vào tay người kế vị, khi nghĩ đến việc người sau sẽ vượt xa vị ấy. Vì vậy, từ kinh nghiệm, Đức Vua Trời Sakka nhận ra sự thật trong câu trả lời của Đức Phật và hỏi một câu hỏi khác.