SỰ CHUYÊN CẦN
APPAMĀDA
Ovādācariya Sayādawgyi U Paṇḍitābhivaṁsa
Dịch Việt
Dhanapālaka
Sự tiến triển trong việc thực hành phụ thuộc hoàn toàn vào appamāda vi tế, đó là sự ghi nhận chính xác các đối tượng sanh khởi qua sáu giác quan để thu thúc và thanh lọc tâm. Ứng dụng chánh niệm, chuyên cần liên tục chánh xác trong mỗi lần ghi nhận làm sanh khởi, tăng trưởng niềm tin (sadhhā), tinh tấn (viriya), chánh niệm (sati), định (samādhi) và trí tuệ (paññā). Tương tợ như việc leo lên một cái thang, sự phát triển dần dần các trạng thái tâm của một người từng bước sẽ hướng tới sự trưởng thành, thoát khỏi phiền não, điều này giúp thiền sinh có thể chứng thực bằng kinh nghiệm cá nhân của chính mình. Những kinh nghiệm cá nhân này sẽ mang lại lợi ích cao tột trên con đường thực hành này là niềm tin được xác thực và củng cố, không thể nào lay chuyển, không làm nảy sanh sự nghi ngờ. Niềm tin được củng cố và viên mãn như vậy sẽ có khả năng kiểm soát được tâm hay tín căn (saddhindriya).
Tinh tấn sẽ phát triển đến khả năng kiểm soát được tâm hay tấn căn (viriyindriya), khi đó, tâm sẽ không bao giờ bị thụt lùi và tâm chúng ta sẽ vui thích trong bất kỳ tình huống nào mà không có sự lười biếng hay có sự lãng phí thời gian.
Giống như một người không thể có quá nhiều không khí sạch, cũng vậy, chúng ta không bao giờ có được quá nhiều chánh niệm khi mà chánh niệm đó đã phát triển đến khả năng kiểm soát được tâm hay niệm căn (satindriya), cho phép chúng ta hiểu biết nhiều điều chỉ trong một lần ghi nhận.
Cùng lúc đó, sự định tâm (sự tập trung) không bị xao lãng trong đối tượng, tâm tập trung ở một chỗ, không có phóng tâm (không lang thang) và hoàn toàn tĩnh lặng, vững chải nhưng một ngọn nến cháy sáng ở nơi không có gió. Đây là đặc tánh của sự định tâm (tâm tập trung) đã được phát triển đến khả năng kiểm soát được tâm hay định căn (samadhindriya).
Khi trí tuệ phát triển đến khả năng kiểm kiểm soát được tâm hay tuệ căn (paññindriya), trí sẽ phát sanh với sự thấy biết rõ ràng, không mơ hồ, thoát khỏi những ảo tưởng.