WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Chìa Khoá Hướng Tới Giáo Pháp

SỰ CHUYÊN CẦN
APPAMĀDA

Ovādācariya Sayādawgyi U Paṇḍitābhivaṁsa

Dịch Việt
Dhanapālaka

Phật giáo hay những lời dạy (sāsana) của Phật là cái kho chứa những điều thiện hay những điều có giá trị, như: Thiện dục giới (kāmāvacara kusala), thiện sắc giới (rūpā vacara kusala), thiện vô sắc giới (arūpā vacara kusala), thiện siêu thế (lokuttara kusala), tất cả đều bắt nguồn từ sự chuyên cần (appamāda).

Appamāda là nhân, nhưng nếu không có bố thí (dāna), trì giới (sīla) và tu tập phát triển các điều thiện (bhāvanā kusala) hỗ trợ thì những điều có giá trị ấy sẽ không trở thành hiện thực. Những ai thực hành sự chuyên cần (appamāda), người ấy sẽ sống một cuộc sống cân bằng, bằng cách tránh những gì nên tránh và quan sát những gì cần phải quan sát vì lợi ích cho mình, cho xã hội, cho trong đời này và các đời vị lai.

“Cũng giống như, này các Tỳ khưu, trong tất cả chúng sanh, dù không chân hay có hai, bốn hoặc nhiều chân, dù có sắc hay vô sắc, dù có thức hay vô thức, hoặc không hữu thức cũng không vô thức, Như Lai, Bậc A-la-hán, Bậc Chánh đẳng Giác là vị tối thắng, đứng đầu. Cũng vậy, này các Tỳ khưu, tất cả nhân duyên đều xuất phát từ sự tinh tấn, liên kết với nhau bằng sự tinh tấn, trong những nhân duyên đó, thiện tâm được coi là đứng đầu.” Kinh Tương Ưng (Samyutta Nikaya).

Khi Đức Phật trả lời câu hỏi của Đức Vua Kosala về đức tạnh nào sẽ đưa tới hạnh phúc trong đời này và đời sau, Đức Phật đã nhắc tới lý do đưa tới sự chuyên cần (kārāpaka appamāda), sự thức tỉnh, lập kế hoạch, có tổ chức, có sắp xếp, v.v…, cần thiết để thực hiện (kārāpaka appamāda), như: bố thí (dāna), trì giới (sīla), tham thiền (bhāvanā).

Tại sao kārāpaka appamāda này lại sắp xếp bố thí đứng đầu tiên?

Nếu sự chuyên cần (appamāda) không được đánh thức, chúng ta không thể thực hành bát thánh đạo để phát triển thiện hiệp thế (lokiya kusala), do đó, chúng ta không bao giờ có thể đạt tới thiện siêu thế (lokuttara kusala). (Loku: 5 uẩn hay ngũ uẩn + tara: ở trên; lokuttara: siêu thế). Bởi vì lokuttara đem tới sự an toàn cho sự hiện hữu của một người, đó là Pháp (dhamma) tốt nhất để chứng đạt, nhưng pháp đó dựa trên sự phát triển của các trạng thái thế gian (lokiya): sự tinh cần tỉnh thức của kārāpaka appamāda, đó là phẩm chất cao tột nhất.

Cũng như, cần có một chiếc chìa khoá để khoá lại những đồ vật có giá trị, sự nghiêm túc là chiếc chìa khoá vàng dẫn đến lời vàng Phật dạy (sāsana) (paṭilābha-katthena: nhơn dẫn tới sự chiếm hữu, sở hữu). Chánh niệm (sati) là Sự nghiêm túc, chú ý, tinh tấn, không có chánh niệm thì không thể hoàn thành điều chi. Đức Phật dạy:

“Này các Tỳ khưu, ta nói dầu ở đâu cũng cần có chánh niệm.”
Satiṁ ca khvāhaṁ bhikkhave sabbatthikaṁ vādāmi

Kinh điển nói rằng dấu chân voi là dấu chân lớn nhất và tất cả những dấu chân khác có thể nằm gọn trong đó. Sự chuyên cần (appamāda) cũng chính là tinh tuý trong giáo lý của Đức Phật và nó chứa đựng hết thảy các thiện pháp (kusala dhamma) khác trong đó. Tải sản trong lời dạy (sāsana) của Đức Phật được kết hợp bởi hai yếu tố, là: kārāpaka appamādakāraka appamāda. Hạnh phúc, niềm vui thích, phẩm giá và niềm an lạc đặc biệt — sukhavisesa — có sẵn để một người phát triển bố thí (dāna) và trì giới (sīla). Những ai thực hành thiền định (samatha) và thiền niệm xứ (satipaṭṭhāna bhāvanā) sẽ có được tâm trí trong sáng và mạnh mẽ. Sự phát triển tư duy, quan điểm sẽ tạo điều kiện dễ dàng lĩnh hội trong sự chứng đạt được tuệ minh sát.

Với sự hiểu biết và trí tuệ sâu sắc, chúng ta có thể chống lại những vấn đề trên thế gian, từ đó, mang lại cho chúng ta những trải nghiệm độc nhất về hạnh phúc nơi thân và tâm — sukhavisesa — giải thoát hoàn toàn, vĩnh viễn mọi phiền não — santisukha hay Niết-bàn (nibbāna).