WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Lợi Ích Của Bố Thí

SỰ CHUYÊN CẦN
APPAMĀDA

Ovādācariya Sayādawgyi U Paṇḍitābhivaṁsa

Dịch Việt
Dhanapālaka

Dāna

Đối với một người muốn quan sát những gì nên quan sát, sự chuyên cần nên được hình thành trong ba nhóm thiện (puññakiriyāvatthu): bố thí (dāna), giới (sīla) và thiền (bhāvanā). Dāna bao gồm bố thí, chia sẻ phước thiện (pattidāna) và vui mừng với phước thiện của người khác (pattānumodanā) và làm những việc nên làm. Một lần nọ, thừa tướng Siha1Kinh Sihasenapatisutta hỏi Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, bố thí (dāna) có lợi ích là chi?” và Đức Phật đã chỉ ra năm lợi ích. 

Thứ nhất: Nếu chúng ta bố thí với tâm bi (karuṇā) và không màng đến sự biết ơn từ người khác, danh vọng, phần thưởng,…thì chúng ta sẽ được nhiều người yêu mến vì dāna như một món quà để kết nối tình bạn. Thậm chí một con chó còn vẫy đuôi khi được chúng ta cho ăn. Chúng ta cần phải đối xử với nhau bằng tâm từ (mettā), tâm bi (karuṇā) và sự cảm thông (muditā). 

Thứ hai: Nếu chúng ta làm điều tốt cho người khác, chúng ta sẽ tiếp cận được với người khác, họ có thể học được giáo Pháp (dhamma) liên quan đến dāna, sīla, bhāvanā, và ý thức được sự cấp bách trong đời sống tâm linh (saṁvega). Tất cả những điều này cũng chỉ để nâng cao địa vị2Địa vị ở đây chỉ cấp độ của phàm nhân thực hành những điều tốt đẹp và đang đi trên con đường trở thành bậc thánh nhân. của chính chúng ta. 

Thứ ba: Một người có bố thí (dāna) không thể bị đàm tiếu3Bị gieo tiếng xấu. vì sự cho đi, làm lợi ích cho nhiều người, đây là một hành động không có tội lỗi. Do đó, danh tiếng của người đó được hình thành và vang xa. 

Thứ tư: Chúng ta sẽ có nhiều bạn bè, họ sẽ chào đón chúng ta ở bất cứ nơi đâu4Hội đoàn của vua quan; Hội đoàn của giai cấp bá hộ giàu sang; Hội đoàn của giai cấp bà la môn; Hội đoàn của sa môn (những bậc xuất gia tu hành). và chúng ta sẽ luôn tự tin mà không có nỗi sợ hãi nào xảy ra.  

Những lợi ích này tạo ra sự an lạc độc nhất (sukhavisesa) ngay trong kiếp sống này. 

Vì vậy, bố thí (dāna) là việc thiện (kusala) đáng làm, vì nó đóng vai trò là nền tảng tạo nên phước thiện (puññakiriyavatthu). 

Thứ năm: Chúng ta sẽ được tái sanh trên cõi trời, điều này có thể không hiểu được, vì nó vượt ngoài trí tuệ thông thường của con người, nhưng nó có thể được chấp nhận bởi đức tin nảy sinh từ bốn lợi ích phía trên. Sự chấp nhận này dựa trên niềm tin vào giáo pháp (dhamma) của Đức Phật, không phải dựa vào sự suy luận hay tưởng tượng. Đức Phật dạy rằng: 

“Này các tỳ kheo, nếu các chúng sanh biết cũng như ta biết, quả báo của việc bố thí, họ sẽ bố thí và không tồn động sự keo kiệt, bủn xỉn ở trong tâm. Ngay cả khi họ chỉ có một chút ít, cho dù một phần ăn chút ít, cuối cùng, họ cũng sẽ bố thí nếu có người nhận lấy. Nhưng này các tỷ kheo, đa phần các chúng sanh không biết như ta đã biết, quả báo của việc bố thí, họ sẽ không bố thí và tồn động sự keo kiệt, bủn xỉn ở trong tâm.” 


Ghi chú:

  • 1
    Kinh Sihasenapatisutta
  • 2
    Địa vị ở đây chỉ cấp độ của phàm nhân thực hành những điều tốt đẹp và đang đi trên con đường trở thành bậc thánh nhân.
  • 3
    Bị gieo tiếng xấu.
  • 4
    Hội đoàn của vua quan; Hội đoàn của giai cấp bá hộ giàu sang; Hội đoàn của giai cấp bà la môn; Hội đoàn của sa môn (những bậc xuất gia tu hành).