SỰ TINH TẤN
APPAMĀDA
Ovādācariya Sayādawgyi U Paṇḍitābhivaṁsa
Dịch Việt
Dhanapālaka
Pamāda
Đa số con người chúng ta đều sống trong sự tham lam, theo đuổi vật chất và danh lợi một cách mù quán. Không có định tâm hay mất đi định tâm, tâm trí của chúng ta bị che đậy bởi vô minh (avijjā) và tham ái (taṇhā). Chúng ta thường sử dụng những lời nói và hành động bất thiện để đạt được những đối tượng hài lòng, dễ chịu. Ngoại trừ trong lúc ngủ, chúng ta thấy, nghe, ngửi, nếm, chạm và biết được nhiều đối tượng đang sẵn có. Nếu chúng ta không biết làm thế nào để chánh niệm, sự tham lam, ham muốn (lobha) sẽ lẻn vào trong tâm khi chúng ta trải nghiệm một đối tượng hài lòng hay giận dữ, sự sân hận (dosa) sẽ đi vào tâm khi chúng ta trải nghiệm một đối tượng không hài lòng hoặc một cơn đau. Thật vậy, khi chúng ta sống với một cái tâm chứa đầy phiền nào (kilesas). Bởi do không biết được bản chất thực sự của mọi hiện tượng, chúng ta bị che lấp bởi vô minh, si mê (moha) và nắm giữ quan điểm sai lầm – tà kiến (diṭṭhi). Do đó, chúng ta sẽ sống trong sự kiêu ngạo (māna), hoài nghi (vicikicchā), hôn trầm – thuỵ miên (thina-middha), bất an hay trạo cử (uddhacca), không hỗ thẹn tội lỗi (ahirika) và ghê sợ tội lỗi (anottappa).
Khi tâm suy nghĩ lung tung, tâm sẽ tràng ngập sự ham muốn (lobha) và sân hận (dosa), tâm sẽ ở trong tình trạng hoang mang, thấp kém. Đó là bản chất của tâm chúng ta từ khi còn nằm trong bụng mẹ và những phiền não (kilesas) luôn luôn phát triển trong tâm. Chúng ta luôn tìm kiếm mọi thứ mình muốn mà không có bất kỳ sự kiểm soát hay một sự cân nhắc nào. Chúng ta ích kỷ chỉ muốn thoả mãn bản thân và không muốn chịu bất cứ sự ràng buộc nào. Một phần lỗi cũng nằm ở những bậc cha mẹ thiếu trí tuệ và mù quáng nhường nhịn con trẻ thay vì kiểm soát chúng. Các bậc cha mẹ thiếu sự rèn luyện về chánh niệm, tâm không được kiểm soát và do đó, họ cũng không thể phát triển hành vi tốt đẹp về thân, khẩu, ý cho con cái của họ. Vì vậy, chúng ta sống với hai loại phóng dật (pamāda):
– Không làm những việc nên làm.
– Làm những việc không nên làm.
Sự phóng dật này gây ra đau khổ cho chính mình và cho cả xã hội. Có thắc mắc rằng: Có quá nhiều nỗi buồn, bất hạnh, bất mãn, đau buồn và thịnh nộ trên thế giới này?
Pamāda là sự phóng dật, lười biếng hoặc thiếu cẩn trọng mà chúng ta thực hiện những hành động bất thiện về thân, khẩu và ý, gây ra tổn hại cho bản thân hay cho những người khác. Điều này dẫn tới sự thiếu cảm thông và ảnh hưởng đến hành động của chúng ta đối với người khác. Tất cả chúng sanh đều sợ hãi nỗi đau, sự trừng phạt, cái chết và không muốn bị ai làm hại, vu khống, cướp bóc, dày vò, lạm dụng tình dục, …Bằng cách đặt mình vào vị trí của người khác, chúng ta cảm thấy thông cảm cho người khác và chúng ta cũng sẽ nhận ra rằng chúng ta nên tránh những hành vi có thể gây ra đau đớn về thể chất hay tinh thần cho bất kỳ chúng sanh nào. Chúng ta sẽ không trở thành một người tốt nếu không làm được như vậy. Trên thực tế, chúng ta có thể nói rằng mình đã thất bại trong việc trở thành một con người đúng nghĩa.
“Tất cả đều sợ gậy gộc (hình phạt), tất cả đều sợ chết. Hãy đặt mình vào vị trí người khác, không nên đánh đập, giết hại người khác. Tất cả đều sợ gậy gộc, đều muốn được sống. Hãy đặt mình vào vị trí người khác, chúng ta không nên đánh đập hoặc giết người khác. Những ai đang tìm kiếm hạnh phúc cho mình bằng cách đàn áp người khác1Những chúng sanh cũng đang mong muốn được sống hạnh phúc., họ sẽ không tìm thấy hạnh phúc trong kiếp sau. Những ai tìm kiếm hạnh phúc cho mình bằng cách không đàn áp người khác, họ sẽ tìm thấy hạnh phúc trong kiếp vị lai”. Kinh pháp cú 129 – 132 (Dhammapada 129 -132).
Đức Phật nói đến Giới Luật2Giới luật hay còn gọi là đạo đức cơ bản, bao gồm 5 điều: 1. Không giết hại, 2. Không trộm cắp, 3. Không tà dâm, 4. Không nói dối, 5. Không uống các chất say. , nhưng giới luật này không đơn thuần chỉ dành cho các tín đồ Phật giáo, mà cần phải hiểu đó là những tiêu chuẩn cơ bản của một xã hội. Mọi người nên hành xử bằng thân và khẩu3Bao gồm lời nói và nội dung viết hay nhắn gởi. vì lợi ích của tất cả chúng sanh, đặc biệt giữa người với nhau. Hành động những điều bất thiện là phóng dật (pamāda), tức là không hành xử một cách thiện cảm, vì lợi ích cho tất cả chúng sanh.
Ghi chú
- 1Những chúng sanh cũng đang mong muốn được sống hạnh phúc.
- 2Giới luật hay còn gọi là đạo đức cơ bản, bao gồm 5 điều: 1. Không giết hại, 2. Không trộm cắp, 3. Không tà dâm, 4. Không nói dối, 5. Không uống các chất say.
- 3Bao gồm lời nói và nội dung viết hay nhắn gởi.