SỰ CHUYÊN CẦN
APPAMĀDA
Ovādācariya Sayādawgyi U Paṇḍitābhivaṁsa
Dịch Việt
Dhanapālaka
Ba thứ tự của appamāda: thô, trung bình và tinh tế. Không phạm phải mười điều sai lầm (duccarita) gây tổn hại cho bản thân và cho người khác là một loại appamāda thô. Duccarita này bao gồm:
1. Ba hình thức tà hạnh bằng thân (kāyaduccarita): giết hại, trộm cắp, tà dâm.
2. Bốn hình thức tà hạnh bằng lời nói (vācīduccarita): nói dối, nói ác ý, nói phù phiếm, nói lời thô tục và
3. Ba hình thức tà hạnh bằng suy nghĩ (mano-duccarita): tham lam, ác ý và tà kiến (không tin rằng hành vi xấu mang lại kết quả xấu, hành vi tốt mang lại kết quả tốt).
Chúng ta sẽ cảm thấy hài lòng, hạnh phúc khi thấy mình không phạm ba hình thức tà hạnh này.
Vì không thể hoàn toàn tránh được các đối tượng cảm giác, chúng ta nên tỉnh táo để kiềm chế tâm và không tham đắm vào các dục lạc thái quá. Không kiểm soát được tâm đối với các đối tượng muốn chiếm hữu, đặc biệt những đối tượng mà ta đang thiếu thốn hay đang muốn có, đó chính là hình thái trung bình của appamāda. Những ai không hài lòng hay bằng lòng với những gì họ có, hoặc có được một cách hợp pháp, sẽ rất khó để thấy được hình thái trung bình của appamāda này. Nếu không có giới hạn hoặc tâm không được kiểm soát thì cũng giống như một người bơi ngược dòng sông chớ không phải bơi qua sông. Điều này thật là lãng phí thời gian, mệt nhọc và người đó sẽ chìm đắm trong dục trần (kāmaguna). Cũng như ruồi hoặc kiến bị mắc kẹt trong mật ong, thì những kẻ theo đuổi dục trần vô độ (không có giới hạn) sẽ bị mắc kẹt và chìm đắm trong đó. Với sự kiềm chế, thu thúc, ruồi và kiến có thể ăn được mật ong với một khoảng cách an toàn, thì một người cũng có thể tận hưởng các dục lạc trong giới hạn. Đau đớn, khó chịu, rắc rối và khổ đau (dukkha) có nguồn gốc từ tham ái (taṇhā) hay sự dính mắc, và cội rễ sâu xa hơn là do tâm không được kiểm soát. Một người có thể thoát khỏi những điều đau khổ (dukkha) nhờ trạng thái trung bình của appamāda.
Những người khởi dậy các hình thái thô hay trung bình của appamāda để tránh hành động xấu ác (duccarita) và kiểm soát tâm, họ sẽ tự kiểm soát chính mình, có khả quản lý bản thân, hãy sử dụng kiếp người này để làm những điều tốt đẹp, để nâng cao địa vị của bản thân … Bằng cách thực hành bố thí (dāna), chúng ta sẽ vượt qua được sự ngã mạn, từ đó nâng cao phẩm giá cuộc sống của mình. Giới (sīla) ngăn chặn sự biến mất của hạnh phúc và thiết lập thiền định (samatha bhāvanā), làm dịu tâm, đưa đến hạnh phúc Sukhavisesa.
Tuy nhiên, sức mạnh của Thiền (jhāna) chỉ tạm thời giữ cho phiền não không bị khuấy động, khi một người không còn hành thiền hay xuất khỏi thiền (jhāna) thì phiền não (kilesas) lại bắt đầu sanh khởi, chuyển động và làm tâm trở nên bất ổn. Nguyên nhân sâu xa nằm trong những phiền não tiềm ẩn (hay còn gọi là phiền não ngủ ngầm) chưa dứt bỏ. Do đó, một người nhận ra được việc cắt bỏ những phiền não ngủ ngầm (anusaya kilesas) là việc cần thiết để phát triển một tâm trí mạnh mẽ, hoàn toàn trưởng thành, có khả năng chống lại mọi vấn đề trong thế gian.
Để làm được như vậy, người ta phải khơi dậy appamāda vi tế trong việc thực hành Thiền Minh Sát (Vipassanā Bhāvanā) để phát triển sự hiểu biết (ñāṇa). Nhờ những hành động thiện, tốt đẹp trong quá khứ mà một người trong hiện tại có thể đạt tới những hạnh phúc cao thượng hơn, chúng ta nên nổ lực, không ngần ngại từ bỏ những hạnh phúc phù du để có được hạnh phúc cao hơn.
“Nhờ từ bỏ những niềm vui nhỏ mà có được hạnh phúc lớn, người trí nên từ bỏ những niềm vui nhỏ để thấy được hạnh phúc lớn hơn.” Dhammapada 290.