WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Cách đọc và tìm hiểu Tạng Kinh (Sutta)?

Soạn dịch
Dhanapālaka

Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: “Những bài kinh nào do Như Lai thuyết giảng, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không, chúng tôi sẽ nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; chúng tôi sẽ lóng tai; chúng tôi sẽ an trú chánh tri tâm. Và chúng tôi sẽ nghĩ rằng, các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo”. (AN 20.7)

Kinh điển Pali chứa hàng ngàn bài kinh (bài giảng), trong đó hơn một ngàn bài hiện có sẵn trong bản dịch tiếng Việt tại Wikidhamma. Khi đối mặt với kho tàng phong phú rộng lớn như vậy, ba câu hỏi tự nhiên nảy ra trong đầu: Tại sao tôi nên đọc kinh? Tôi nên đọc cái nào? Tôi nên đọc chúng như thế nào?

Không có câu trả lời ngắn gọn đơn giản nào cho những câu hỏi này; câu trả lời hay nhất sẽ là câu trả lời do chính bạn khám phá. Tuy nhiên, tôi đưa ra ở đây một vài ý tưởng, gợi ý và lời khuyên mà tôi thấy là hữu ích trong nhiều năm qua trong quá trình khám phá kinh điển của riêng tôi. Có lẽ bạn cũng sẽ thấy một số trong số chúng hữu ích.

Tại sao tôi nên đọc kinh?

Chúng là giáo lý Phật giáo Nguyên thủy.

Nếu bạn quan tâm đến việc khám phá những lời dạy của Phật giáo Nguyên thủy, thì kinh điển Pāḷi – và các bài kinh trong đó – là nơi để tìm kiếm lời dạy chính xác nhất. Bạn không cần lo lắng về việc những lời trong kinh có thực sự được thốt ra bởi Đức Phật lịch sử hay không (không ai có thể chứng minh điều này theo cách nào cả). Chỉ cần nhớ rằng những lời dạy trong kinh đã được thực hành – với sự chắc chắn thành tựu – bởi vô số thiện tín trong khoảng 2.600 năm. Nếu bạn muốn biết những lời dạy có thực sự hiệu quả hay không, thì hãy nghiên cứu kinh điển và áp dụng những lời dạy của chúng vào thực hành (hành thiền và áp dụng vào cuộc sống), đồng thời tự mình tìm hiểu.

Kinh điển trình bày một bộ giáo lý hoàn chỉnh

Những lời dạy trong các bài kinh, nếu xét một cách tổng thể, trình bày một lộ trình hoàn chỉnh hướng dẫn hành chúng ta đi từ lý thuyết (pháp học) đến thực hành (Pháp hành tức là thiền định) để đi đến mục đích cuối cùng. Bất kể bạn là ai (người không theo Phật giáo hay người nghi ngờ, người thích nói dối, người Phật tử thuần thành, hay Tăng, tu nữ), trong các bài kinh đều có điều gì đó giúp bạn tiến thêm một bước nữa trên con đường hướng tới mục tiêu. Khi bạn đọc kinh điển Pāḹi ngày càng nhiều, bạn có thể thấy ít cần phải vay mượn giáo lý từ các truyền thống khác, vì các bài kinh chứa đựng hầu hết những gì bạn cần biết.

Kinh điển được bày một bộ giáo lý tự nhất quán

Các giáo lý trong Kinh điển phần lớn là tự nhất quán, được đặc trưng bởi một hương vị duy nhất [Ud 5.5] – hương vị của sự giải thoát. Tuy nhiên, khi bạn xem qua các bài kinh, thỉnh thoảng bạn có thể bắt gặp một số lời dạy gây nghi ngờ — hoặc hoàn toàn mâu thuẫn — sự hiểu biết hiện tại của bạn về Pháp. Khi bạn suy ngẫm sâu sắc về những trở ngại này, những xung đột thường tan biến khi một chân trời hiểu biết mới mở ra. Ví dụ, bạn có thể kết luận khi đọc một bài kinh [Sn 4.1] rằng thực hành của bạn nên tránh mọi ham muốn. Nhưng khi đọc một [SN 51.15] khác, bạn biết rằng bản thân ham muốn là một yếu tố cần thiết của Đạo. Chỉ khi suy ngẫm, người ta mới thấy rõ rằng điều mà Đức Phật đang hướng đến là có nhiều loại ham muốn khác nhau, và rằng một số điều thực sự đáng được ham muốn – đáng chú ý nhất là sự dập tắt mọi ham muốn. Tại thời điểm này, sự hiểu biết của bạn mở rộng sang một lãnh vực, mới có thể dễ dàng hiểu rõ cả hai bài kinh, và sự mâu thuẫn chắc chắn sẽ tan biến. Theo thời gian, bạn có thể học cách nhận ra những “xung đột” này không phải là sự mâu thuẫn trong bản thân các bài kinh, mà là một dấu hiệu cho thấy các bài kinh đã đưa bạn đến một biên giới của sự hiểu biết của chính bạn. Việc vượt qua ranh giới đó là tùy thuộc vào bạn.

Kinh điển đưa ra rất nhiều lời khuyên thiết thực

Trong các bài kinh, bạn sẽ tìm thấy vô số lời khuyên thiết thực về nhiều chủ đề có liên quan trong đời sống thường ngày, chẳng hạn như: làm thế nào con cái và cha mẹ có thể chung sống hạnh phúc với nhau [DN 31], cách bảo vệ tài sản vật chất của bạn [AN 4.255], điều gì nhiều nên nói và không nên nói [AN 10.69], cách đối mặt với đau buồn [AN 5.49], cách rèn luyện tâm trí ngay cả trên giường bệnh [SN 22.1], v.v. Nói tóm lại, kinh điển đưa ra những lời khuyên rất thiết thực và thực tế về cách tìm thấy hạnh phúc, bất kể hoàn cảnh sống của bạn là gì, bất kể bạn có gọi mình là “Phật tử” hay không. Và, tất nhiên, bạn cũng sẽ tìm thấy nhiều hướng dẫn về cách hành thiền [ví dụ: MN 118, DN 22].

Kinh điển có thể củng cố niềm tin của bạn vào giáo lý của Đức Phật

Khi khám phá kinh điển, bạn sẽ bắt gặp những điều mà bạn đã biết là đúng từ kinh nghiệm của chính mình. Có lẽ bạn đã quen thuộc với những mối nguy hiểm của việc nghiện rượu [DN 31], hoặc có lẽ bạn đã nếm trải loại khoái cảm tinh tế tự nhiên nảy sinh khi có định tâm [AN 5.28]. Nhìn thấy kinh nghiệm của chính bạn được chứng thực trong kinh – ngay cả trong những kinh nghiệm nhỏ nhất – có thể giúp bạn dễ dàng chấp nhận rằng có những kinh nghiệm tinh tế hơn hoặc “cao cấp” hơn mà Đức Phật mô tả, và khi tâm trưởng thành, trí tuệ sẽ phát triển đến một mức độ còn sâu sắc hơn. Và do đó, quá trình hiển lộ: sự phát triển của một yếu tố thúc đẩy sự phát triển của yếu tố tiếp theo, đưa những ai thực hành đúng theo lời Phật dạy sẽ có được một cái tâm già dặn và cuối cùng đạt đến sự Giác Ngộ.

Kinh điển có thể hỗ trợ và tiếp thêm sinh lực cho việc hành thiền của bạn

Khi bạn đọc kinh điển bạn sẽ bắt gặp những lời dạy của Đức Phật chỉ về cách hành thiền, khi hành thiền có kết quả, bạn sẽ thấy rằng những gì trong kinh điển chỉ dạy là đúng. Nhờ vậy, khi một người có hiểu pháp giáo pháp và thực hành thiền họ sẽ có niềm vui trong Pháp.

Đọc kinh đơn giản là tốt cho bạn

Những nội dung trong kinh đều làm cho con người ta hướng tới một cái tâm thiện lành, và tất cả đều nhằm để phát triển những phẩm chất tốt đẹp, như: bố thí, giữ giới, nhẫn nại, định lực, chánh niệm, v.v… Do đó, khi bạn đọc một bài kinh, với suy tư chơn chánh (như lý tác ý) thì bạn đang lấp đầy tâm mình những điều tốt đẹp. Ngày này quá nhiều phương tiện truyền thông tấn công tâm trí chúng ta từ ngày này qua ngày khác, thì đọc kinh điển và thực tập hành thiền là cách bạn đang nuôi dưỡng cái tâm của mình. Ví như, một người có thể nuôi dưỡng thân thể họ bằng cách ăn uống đủ chất, cũng vậy, đọc kinh sách và thiền tập là cách để cho tâm ăn uống đủ chất, muốn được thân khoẻ, tâm an là phải làm được như thế.

Tôi nên đọc những bài kinh nào?

Câu trả lời ngắn gọn là bất kỳ bài kinh nào bạn thích. Nhưng nếu bạn muốn thiền tập thì nên đọc bài Kinh Tứ Niệm Xứ. Còn nếu bạn thích học cách đối nhân xử thế thì có thể tham khảo thêm bài kinh Giáo Thọ Thi-ca-la-việt.

Thật hữu ích khi thấy giáo Pháp như một viên ngọc với nhiều mặt phản chiếu, mỗi bài kinh sẽ có một ngữ cảnh riêng và đem đến giá trị cho người đọc thông qua một khía cạnh cụ thể nào đó. Chẳng hạn, Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo; bố thí (dana) và giới (sīla); chánh niệm hơi thở; chánh niệm về sự chết; chánh niệm tứ oai nghi; cách sống của người Cư Sĩ; … Mỗi một bài kinh đều có giá trị riêng, có những bài kinh dành cho người cư sĩ tại gia, có bài kinh dành cho người xuất gia, có bài kinh giảng về thiền định, có bài kinh giảng về thiền minh sát, …Đức Phật giảng Pháp theo phương thức gọi là tuần tự Pháp, từ thấp lên cao, từ dễ đến khó. Nếu bạn đọc nhiều kinh, thực hành thiền tập và suy tư chơn chánh bạn chắc chắn sẽ thấy được sự kỳ diệu của Giáo Pháp.

Nếu bạn quan tâm đến nền tảng vững chắc về  giáo lý của Đức Phật, ba bài kinh bạn có thể tham khảo bài Kinh Chuyển Pháp Luân (SN 56.11), Kinh Vô Ngã Tướng (SN 22.59), và Kinh Lửa Cháy (SN 35.28). Các bài kinh này phối hợp với nhau tạo nên những biến thể trong kinh điển. Trong những bài kinh, chúng ta được giới thiệu những khái niệm cơ bản, như: Tứ Diệu Đế, bản chất của khổ (dukkha); Bát Chánh Đạo, con đường trung đạo; “Bánh xe” Pháp; nguyên lý vô ngã (anatta) và phân tích cái “ngã” trong năm uẩn; nguyên tắt lìa xa tham ái.

Hơn nữa, ba bài kinh này thể hiện một cách tuyệt vời về kỹ năng của Đức Phật với tư cách một người Thầy. Ngài sắp xếp tài liệu của mình thật rõ ràng, hợp lý và dễ nhớ, bằng cách sử dụng các danh sách (Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Ngũ Uẩn, …); Ngài đã thu hút người nghe vào một cuộc đàm luận Pháp tích cực, để giúp họ tự phát hiện ta những sai sót trong cách suy nghĩ của họ; Ngài truyền đạt quan điểm của mình bằng cách sử dụng những hình ảnh hay các phép so sánh để giúp người nghe dễ dàng hiểu được lời dạy của Ngài; và quan trọng nhất là Ngài giúp tâm họ trở nên trưởng thành hơn để cuối cùng đạt tới đạo, quả siêu việt. Đức Phật là một vị thầy tối thượng, một vị thầy có năng lực phi thường, nếu chúng ta tin tưởng vào Ngài và thực hành theo lời Ngài, chắc chắn chúng ta sẽ không bị lạc lối.

Một vài thông tin khác

Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikaya) cung cấp cho chúng ta một kho tàng phong phú các bài kinh ở dạng kệ. Đặc biệt hãy xem kinh Pháp Cú (Dhammapada), Kinh Tập (Sutta Nipata), Therigatha, và Theragatha.

Để biết những hướng dẫn cơ bản của Đức Phật về thực hành thiền định bằng hơi thở, hãy xem bài kinh Quán Niệm Hơi Thở (Anapanasati Sutta); về thực hành thiền minh sát, chánh niệm thì xem bài Đại Niệm Xứ (Maha-satipatthana Sutta).

Để học cách nuôi dưỡng lòng từ bi, xem bài kinh Karaniya Metta Sutta (bài kinh về lòng từ ái).

Trong Kinh Devadaha (Devadaha Sutta), Ngài Xá-Lợi-Phất (Sariputta) giải thích làm thế nào để giới thiệu lời dạy của Đức Phật cho những người thông minh, ham học hỏi – những người như bạn. Làm thế nào để quyết định con đường Tâm Linh nào nên theo và con đường nào nên từ bỏ? Bài Kinh Kalama (Kalama Sutta) sẽ làm sáng tỏ tình trạng tiến thoái lưỡng nan này.

Trong kinh Giáo Thọ Thi-ca-la-việt (Sigalovada Sutta), Đức Phật đưa ra một “quyển cẩm nang” nắng gọn chỉ dẫn người cư sĩ tại gia sống một cuộc sống hạnh phúc và viên mãn.

Khi bạn thấy những bài kinh nào phù hợp với mình, hãy tìm những bài tương tợ như vậy.

Tôi nên đọc một bài kinh như thế nào?

Để tận dụng tối đa việc nghiên cứu kinh điển, có thể sẽ hữu ích nếu bạn xem xét một vài nguyên tắc chung trước khi bạn bắt đầu nghiên cứu, khi bạn đã bắt đầu đọc kinh điển, hãy ghi nhớ một số câu hỏi khi đọc.

Một số nguyên tắc chung

Không có bản dịch nào gọi là bản dịch “cuối cùng”

Đừng quên rằng kinh điển Pāḷi được ghi bằng tiếng Pāḷi chứ không phải tiếng bản địa (tiếng Việt, tiếng Anh, hay tiếng Miến, …). Trong suốt cuộc đời của mình, Đức Phật chỉ dạy về hai vấn đề về “khổ” và “diệt khổ hay giải thoát”. Cũng xin lưu ý rằng, mọi bản dịch đều được sàn lọc và được xử lý bởi một hoặc nhiều dịch giả – người ấy có thể tô điểm thêm cho bản dịch vì kinh nghiệm cá nhân, hoặc ảnh hưởng văn hoá nơi họ sống. Các bản dịch kinh điển thời kỳ đầu khoảng cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 nghe có vẻ nặng nề và buồn tẻ đối với chúng ta hôm nay; một trăm năm nữa, các bản dịch ngày nay, chắc chắn cũng như vậy không kém. Những bản dịch, giống như sự nỗ lực của người vẽ bản đồ làm thế nào để chiếu Trái đất hình tròn lên một tờ giấy phẳng vậy.

Có lẽ đừng nên quá chấp nhặt với những chi tiết không đáng, như “các vị ấy đảnh lễ dưới bàn chân Đức Thế Tôn” và “các vị ấy đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Đức Thế Tôn”. Vấn đề ở đây cần hiểu là “các vị ấy đảnh lễ dưới chân Đức Thế Tôn”, cũng đừng quá chấp nhặt câu chữ, mà hãy hiểu được ý nghĩa truyền tải của bài Kinh. Hãy thử tham khảo các bản dịch thay thế xem họ dịch như thế nào? Hoặc đi hỏi những vị có kiến thức uyên bác nên hiểu vấn đề này như thế nào? Và cũng đừng quên rằng “học thầy không tày học bạn”.

Hãy nhớ rằng bất kỳ bản dịch nào cũng như một cái nạng giúp bạn đi lại thuận tiện – nhưng chúng chỉ tạm thời mà thôi – mà bạn phải sử dụng cái nạn ấy cho đến khi bạn có thể tự mình hiểu được những điều mà các bản dịch mô tả.

Nếu bạn thực sự nghiêm túc trong việc hiểu kinh điển đang nói về điều gì, hãy cố gắng học một ít tiếng Pāḷi. Nhưng có một cách còn tốt hơn nữa là: hãy đọc các bản dịch và áp dụng những lời dạy đó vào trong việc thực hành giáo Pháp cho đến khi bạn được kết quả như lời hứa của Đức Phật. Thật may, việc thông thạo tiếng Pāḷi không phải là điều kiện tiên quyết để đưa đến sự Giác Ngộ đạo, quả, và Níp-bàn.

Nếu bạn thích bài kinh nào, hãy đọc bài kinh ấy trước

Đôi khi bạn sẽ gặp một bài kinh thu hút bạn. Hãy đọc bài kinh ấy và suy nghĩ về nội dung bài kinh ấy truyền tải. Nếu áp dụng được hãy áp dụng ngay vào cuộc sống hiện tại của chính bạn. Để rồi bạn sẽ cảm nhận được lợi ích của giáo Pháp.

Đừng bỏ qua các lần lặp đi, lặp lại

Nhiều bài kinh có những đoạn lặp đi, lặp lại. Việc đọc đi, đọc lại như vậy sẽ làm bạn nhớ bài kinh hơn, đồng thời, một lúc nào đó bạn có thể nhận thấy điều gì mình chưa hiểu trong bài kinh, dầu đã đọc qua một lần trước đó rồi.

Đàm luận bài kinh với một hoặc hai người bạn

Bằng cách chia sẻ Pháp, chúng ta sẽ hiểu được bài kinh sâu hơn. Nếu vẫn còn thắc mắc, hãy đến hỏi một vị Thầy có kinh nghiệm và đáng tin cậy để được hướng dẫn.

Học một chút tiếng Pāḷi

Khi bạn đã đọc một vài bài kinh hoặc một vài bản dịch khác nhau của một bài kinh, bạn có thể sẽ thấy bối rối trước một số từ. Chẳng hạn, tại sao dịch giả dùng từ “nền tảng của chánh niệm” trong khi dịch giả kia dùng “hệ quy chiếu”? Những cụm từ này thực sự là gì? Lật sang từ điển Pāḷi -Anh và tra cứu từ Satipatthana, và bạn sẽ tìm được ý nghĩa của từ này.

Đọc chú giải, phụ chú giải, những bài Pháp của các Thiền Sư

Thật hữu ích khi đọc các bản chú giải, phụ chú giải, phụ của phụ chú giải giảng giải về bài Kinh. Ngoài ra, hãy đọc các soạn phẩm của các Ngài Thiền Sư để hiểu thêm những điểm mới mẻ trong bài kinh, vì nội dung của bài kinh sẽ được giảng giải dựa trên kiến thức uyên bác cũng như những trải nghiệm trong thiền của các vị ấy.

Những câu hỏi cần ghi nhớ

Khi bạn đọc một bài Kinh, hãy nhớ rằng giống như bạn đang nghe lén Đức Phật trong lúc Ngài đang giảng cho người khác. Thời Đức Phật có rất nhiều người theo những tôn giáo khác nhau, những người ấy sẽ trả lời theo những lý thuyết tôn giáo của họ [AN 10.93], còn Đức Phật, Ngài điều chỉnh giáo lý của mình để đáp ứng được nhu cầu cụ thể của người hỏi Pháp. Do đó, điều quan trọng là phát triển sự hiểu biết bối cảnh cụ thể của một bài kinh, để xem hoàn cảnh thính chúng của Đức Phật có thể giống với hoàn cảnh của bạn ở điểm nào, để bạn có thể đánh giá mức độ áp dụng lời dạy của Đức Phật vào hoàn cảnh sống của chính bạn.

Nên thiết lập cái gì?

Đoạn mở đầu bài kinh (thường bắt đầu với câu “Như vầy tôi nghe …”) tạo mở đầu cho bài Kinh. Nó diễn ra ở đâu, trong ngôi làng, trong rừng, một tu viện? Vào mùa gì? Những sự kiện đang diễn ra trong bối cảnh như thế nào? Ghi nhớ những chi tiết này trong tâm sẽ nhắc cho bạn nhớ rằng bài kinh này mô tả sự kiện có thật đã xảy ra với những người có thật – như bạn và tôi.

Câu chuyện gì?

Một bài kinh có thể cung cấp rất ít cách kể chuyện [AN 7.6], trong khi một bài kinh chứa đầy tình cảm và kịch tính, thậm chí có thể giống với một câu chuyện ngắn [Mv 10.2.3-20]. Ai là người khởi xướng việc thuyết pháp? Có phải Đức Phât chủ động thuyết Pháp [AN 10.69], hay có người đến gặp Ngài để đặt vấn đề [DN 2]? Nếu có người đặt câu hỏi với Đức Phật, người ấy có tâm trạng hay thái độ như thế nào? Có ai đến gặp Phật với ý muốn tranh luận để đánh bại Ngài không [MN 58]? Những cân nhắc này sẽ giúp bạn cảm nhận được động lực đằng sau những lời dạy của Phật, và về khả năng tiếp thu lời Phật dạy của người nghe. Bạn tiếp cận những lời dạy này với thái độ gì?

Ai là vị thuyết pháp?

Vị thuyết pháp ấy là Đức Phật [SN 15.3], hay một trong những đệ tử của Ngài [SN 22.85] hay cả hai [SN 22.1]? Vị thuyết Pháp ấy là vị Sa-môn [SN 35.191] hay người Cư Sĩ [AN6.16]? Mức độ thấu hiểu Pháp của vị ấy tới đâu? (ví dụ, vị ấy chỉ là Bậc Thánh Nhập Lưu [AN 6.16], hay vị ấy là một vị Thánh A-la-hán [Thig 5.4]?

Những lời dạy hay bài pháp ấy hướng đến ai?

Những bài Pháp ấy dành cho một Tỳ khưu [SN 35.85], một Tỳ khưu ni [AN 4.159] hay một Cư Sĩ [AN 7.49]? Những bài Pháp ấy dành cho một nhóm người mà trong đó chỉ có một số người có đức tin [SN 35.197]? Thuyết cho một đám đông [MN 118] hay cho một cá nhân [AN 4.184]? Hay thuyết cho một người ngoại đạo nghe [MN 57]? Mức độ thấu hiểu của họ là gì? Nếu vị nghe Pháp là vị Thánh Nhập Lưu đang cố gắng thành tựu Đạo Quả A-la-hán, thì Đức Phật sẽ giảng thâm sâu hơn cho những vị Thánh Nhập Lưu ấy [AN 3.65]. Những câu hỏi này sẽ giúp bạn ước định được bài kinh này phù hợp với mình như thế nào.

Phương pháp trình bày là gì?

Đó là một bài pháp chính thức [SN 56.11], một phiên hỏi đáp [SN 5.6], kể lại một câu chuyện xa xưa [AN 3.15], hay chỉ đơn giản là một câu kệ truyền cảm hứng [Thig 1.11]? Trọng tâm của bài Pháp có nằm trong nội dung của bài Pháp ấy [SN 12.2]  hay chính là cách mà Đức Phật tương tác với người nghe [MN 57]? Sự đa dạng về phong cách giảng dạy mà Đức Phật và các đệ tử của Ngài sử dụng cho thấy rằng không một phương pháp giảng dạy nào cố định; tuỳ vào tình huống và mức độ thấu hiểu Pháp của người nghe mà thuyết Pháp.

Điểm chính yếu của giáo Pháp là gì?

Điểm chính yếu của giáo Pháp là Tam học, tức là: Giới, Định và Tuệ. Hãy tìm hiểu những bài kinh tập trung về sự phát triển của Giới hay tăng thượng Giới [MN 61], Định hay tăng thượng Định [AN 5.28], Trí Tuệ hay tăng thượng Tuệ [MN 140] không? Cách trình bày có nhất quán với những gì đã trình bày trong các kinh khác (ví dụ: SN 2.14 và DN 31) không? Làm sao để lời dạy này phù hợp với “lộ trình” nhận biết củ bạn về lời Phật dạy? Nó có phù hợp với sự hiểu biết của bạn trước kia không, hay nó đặt ra cho bạn những nỗi nghi hoặc trong Pháp?

Nó chấm dứt như thế nào?

Người nghe giác ngộ trong lúc đó [SN 35.28] hay phải mất một lúc sau khi nghe Pháp [MN 57]? Có người “Quy y” theo Phật, minh chứng bằng câu ” Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn ! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn ! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho những người đi lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo Tăng …” [AN 4.111]? Đôi khi việc dập tắt một ngọn nến cũng đưa tới sự giác ngộ [Thig 5.10]; đôi khi chính Đức Phật cũng không thể giúp ai đó vượt qua những Ác Nghiệp trong quá khứ [DN 2]. Các kết quả khác nhau của các bài kinh giúp minh hoạ sức minh phi thường và sự vận hành phức tạp của Nghiệp.

Bài kinh này có gì hay đối với tôi?

Hãy tự hỏi: tôi có đồng cảm với bất kỳ tình huống hay nhân vật nào trong bài kinh không? Các câu hỏi được đặt ra hoặc những lời dạy đã được trình bàu có phù hợp với tôi không? Tôi có thể học được gì từ những bài kinh? Lời dạy này có khiến tôi nghi ngờ về khả năng Giác Ngộ của mình không, hay nó khiến tôi có thêm niềm tin và sự tin tưởng mạnh mẽ hơn vào Giáo Pháp?

Xem thêm: Lịch Sử Kết Tập Tam Tạng Kinh Điển