Soạn dịch
Dhanapālaka
Nguyên tác: What is Theravada Buddhism?
(www.accesstoinsight.org)
Theravadā (phát âm — ít nhiều — “terra-VAH-dah”), “Học thuyết của các Trưởng lão”, là nhánh Phật giáo lấy giáo lý từ Tam tạng kinh điển, hoặc kinh điển Pali, và các bậc trí giả chấp nhận đây là giáo lý nguyên gốc chứa đựng những lời dạy của Đức Phật1Các Tôn Giáo Phật Giáo: Dẫn Nhập Lịch Sử (tái bản lần thứ năm) của R.H. Robinson, W.L. Johnson, và Tỳ khưu Thanissaro (Belmont, California: Wadsworth, 2005), tr. 46..
Trong nhiều thế kỷ, Theravada là tôn giáo chiếm ưu thế ở lục địa Đông Nam Á (Thái Lan, Myanmar/Miến Điện, Campuchia và Lào) và Sri Lanka. Ngày nay Phật tử Theravadā có hơn 100 triệu người trên toàn thế giới2Ước tính này dựa trên dữ liệu xuất hiện trong CIA World Factbook 2004. Dân số Phật giáo Theravada lớn nhất Nam Á được tìm thấy ở Thái Lan (61 triệu người Theravadans), Myanmar (38 triệu), Sri Lanka (13 triệu) và Campuchia (12 triệu).. Trong những thập kỷ gần đây Theravadā đã bắt đầu bén rễ ở phương Tây.
Phật Giáo có nhiều nhánh, nhưng Pháp – Luật (Dhamma-vinaya) chỉ có một
Đức Phật—”Đấng Giác Ngộ”—gọi tôn giáo do Ngài sáng lập là Dhamma-vinaya—”Pháp và Luật.” Để chỉ ra mối liên hệ trong Pháp và Luật, trong sự thực hành Dhamma-vinaya (hay gọi tắt là Dhamma [tiếng Phạn: Pháp]), và để bảo tồn những lời dạy này cho hậu thế, Đức Phật đã ban hành giới luật của các Bhikkhu (tỳ khưu) và Bhikkhuni (tỳ khưu ni) – Tăng đoàn – tiếp tục cho đến ngày nay để truyền lại những lời dạy của mình cho các thế hệ cư sĩ và tỳ khưu tiếp theo.
Giáo pháp tiếp tục truyền bá khắp Ấn Độ sau khi Đức Phật nhập diệt, những cách giải thích khác nhau về giáo lý nguyên thủy đã nảy sinh, dẫn đến sự chia rẽ trong Tăng đoàn và sự xuất hiện của 18 tông phái riêng biệt của Phật giáo3Buddhist Religions, p. 46.. Một trong những trường phái này cuối cùng đã làm nảy sinh một phong trào cải cách tự gọi mình là Đại thừa (“Cỗ xe lớn”)4Đại thừa ngày nay bao gồm Zen, Ch’an, Nhật Liên, Thiên Thai và Phật giáo Tịnh độ. và coi thường những trường phái khác là Tiểu thừa (“Cỗ xe nhỏ”). Cái mà ngày nay chúng ta gọi là Theravadā là trường phái duy nhất còn sót lại của những trường phái nguyên thuỷ, không phải là Đại Thừa5Guide Through The Abhidhamma Pitaka của Nyanatiloka Mahathera (Kandy: Buddhist Publication Society, 1971), trang 60ff.. Để tránh giọng điệu miệt thị ngụ ý bởi các thuật ngữ Tiểu thừa và Đại thừa, ngày nay người ta thường sử dụng ngôn ngữ trung lập hơn để phân biệt giữa hai nhánh chính của Phật giáo. Bởi vì Theravadā trong lịch sử thống trị miền nam châu Á, đôi khi nó được gọi là Phật giáo “Nam truyền”, trong khi Đại thừa, di cư về phía bắc từ Ấn Độ vào Trung Quốc, Tây Tạng, Nhật Bản và Hàn Quốc, được gọi là Phật giáo “Bắc truyền”.6Nhánh thứ ba của Phật giáo xuất hiện muộn hơn nhiều (khoảng thế kỷ thứ 8 CN) ở Ấn Độ: Kim cương thừa, “Cỗ xe kim cương”. Hệ thống quán đỉnh bí truyền, nghi lễ mật thừa và trì tụng thần chú phức tạp của Kim Cương thừa cuối cùng đã lan rộng về phía bắc vào trung và đông châu Á, để lại dấu ấn đặc biệt mạnh mẽ đối với Phật giáo Tây Tạng. Xem Những Tôn Giáo Phật Giáo, tr. 124ff. và chương 11.
Pāḷi: Ngôn ngữ của Phật giáo Nguyên thủy
Ngôn ngữ của kinh điển Theravadā là tiếng Pāḷi (nghĩa đen, “văn tự”), dựa trên một phương ngữ của tiếng Ấn-Aryan Trung cổ có lẽ đã được nói ở miền trung Ấn Độ vào thời Đức Phật7Học giả hiện đại cho rằng tiếng Pāḷi có lẽ chưa bao giờ được chính Đức Phật nói ra. Trong nhiều thế kỷ sau khi Đức Phật nhập diệt, khi Phật giáo lan rộng khắp Ấn Độ thành các vùng có nhiều phương ngữ khác nhau, các nhà sư Phật giáo cần một ngôn ngữ chung để thảo luận về Giáo pháp, đọc thuộc lòng các bản kinh và cũng để giữ gìn lưu truyền lại cho hậu thế. Chính vì sự cần thiết này mà ngôn ngữ mà ngày nay chúng ta gọi là tiếng Pāḷi đã xuất hiện. Xem Lời giới thiệu của Tỳ khưu Bodhi trong Numerical Discourses of the Buddha (Walnut Creek, CA: Altamira Press, 1999), trang 1ff, và n. 1 (p. 275) và “The Pali Language and Literature” của Pali Text Society. Đại Đức Ānanda, em họ và thị giả thân cận của Đức Phật, đã ghi nhớ các bài giảng của Đức Phật (các bài kinh) và do đó trở thành một kho lưu trữ sống những lời dạy này8Great Disciples of the Buddha của Nyanaponika Thera và Hellmuth Hecker (Somerville: Wisdom Publications, 1997), trang 140, 150.. Ngay sau khi Đức Phật nhập diệt (khoảng năm 480 TCN), năm trăm Tỳ Khưu là bậc Thánh A-la-hán – bao gồm cả Đại Đức Ānanda – đã triệu tập để đọc lại và xác minh tất cả các bài giảng mà các vị ấy đã nghe trong suốt sự nghiệp giảng dạy 45 năm của Đức Phật9Buddhist Religions, p. 48.. Do đó, hầu hết các bài giảng này đều bắt đầu bằng câu: “Evaṃ me sutaṃ” – “Như vầy tôi nghe.”
Sau khi Đức Phật nhập diệt, các giáo lý tiếp tục được truyền miệng (khẩu truyền khẩu) trong các tu viện, giống với truyền thống truyền miệng của Ấn Độ có từ lâu trước thời Đức Phật10Ví dụ, kinh Veda của đạo Hindu có trước Đức Phật ít nhất một thiên niên kỷ (Các tôn giáo Phật giáo, trang 2).. Đến năm 250 trước Công nguyên, Tăng đoàn đã sắp xếp và biên soạn một cách có hệ thống những giáo lý này thành ba phần: Luật tạng (“rổ giới luật” – các văn bản liên quan đến các quy tắc và lề lối của Tăng đoàn), Kinh tạng (“rổ các bài giảng” – các bài giảng và lời nói của Đức Phật và các đệ tử thân cận của Ngài), và Vi Diệu Pháp Tạng (“bộ giáo lý đặc biệt/cao hơn/thù thắng/vi diệu” — một phân tích cốt lõi của Thân – Tâm một cách chi tiết). Cả bộ này được gọi là Tam Tạng Kinh Điển, “ba cái giỏ.” Vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, các nhà sư Sri Lanka bắt đầu biên soạn một loạt các bài chú giải đầy đủ về Tam tạng kinh điển; những bản chú giải này sau đó đã được đối chiếu và dịch sang tiếng Pāḷi bắt đầu từ thế kỷ thứ năm sau Công nguyên. Tam tạng kinh điển cộng với các bản hậu kinh điển (chú giải, biên niên sử, v.v.) cùng nhau tạo thành một thể thống nhất, hoàn chỉnh của kinh điển nguyên thuỷ thuở ban đầu.
Pāḷi ban đầu là một ngôn ngữ nói không có bảng chữ cái riêng. Mãi cho đến khoảng năm 100 trước Công nguyên, Tam tạng kinh điển lần đầu tiên được sửa thành văn bản, bởi các nhà sư người Sri Lanka11Buddhist Religions, p. 77., người đã viết phiên âm tiếng Pāḷi dưới dạng chữ Phạm Thiên (Brahmi) sơ khai. Kể từ đó, Tam tạng kinh điển đã được phiên âm thành nhiều chữ viết khác nhau (Devanagari, tiếng Thái, tiếng Miến Điện, tiếng La Mã, chữ Cyrillic, v.v.). Mặc dù có rất nhiều bản dịch tiếng Anh của các văn bản Tam tạng phổ biến nhất, nhưng những học giả Theravadā thấy rằng việc học tiếng Pāḷi – thậm chí chỉ biết một chút ít – cũng giúp học hiểu sâu hơn và tăng trưởng đức tin vào lời dạy của Đức Phật.
Không ai có thể chứng minh rằng Tam Tạng kinh điển có chứa bất kỳ lời nào thực sự được thốt ra bởi Đức Phật lịch sử. Không giống như kinh điển của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới, Tam Tạng kinh điển không được coi là phúc âm, như một lời tuyên bố không thể bác bỏ về chân lý thiêng liêng, được tiết lộ bởi một nhà tiên tri, được chấp nhận hoàn toàn dựa trên đức tin. Thay vào đó, những lời dạy trong kinh điển được đánh giá trực tiếp thông qua sự thực hành trong cuộc sống, rồi tự đó chúng ta mới xem lại các lời dạy đó có hữu ích như kinh đã nói không. Đó là mục đích truyền tải của Kinh Điển chớ không phải bản thân chữ viết. Mặc dù vẫn đang và sẽ tiếp tục có nhiều người tiếp tục tranh luận về ai đã nói lên các đoạn kinh trong Tam Tạng Kinh điển (do đó, họ bỏ sót những ý nghĩa mà những lời dạy này muốn nói đến), tam tạng kinh điển sẽ lặng lẽ hỗ trợ – như đã từng hỗ trợ trong nhiều thế kỷ qua – như một hướng dẫn không thể thiếu cho người tìm hiểu Phật giáo – những người đang đi tìm con đường Giải thoát.
Tóm tắt ngắn gọn về những lời dạy của Đức Phật
Tứ diệu đế
Ngay sau khi giác ngộ, Đức Phật đã thuyết bài pháp đầu tiên, trong bài pháp ấy, Ngài đã đặt thuyết lên những nền tảng cơ bản cho tất cả những lời dạy của Ngài sau này. Nền tảng ấy bao gồm Tứ Diệu Đế, bốn nguyên tắc cơ bản của Pháp (Dhamma). Đức Phật dạy những sự thật này không phải là những lý luận siêu hình hay những điều tín ngưỡng, mà chúng là những kinh nghiệm thực tế, trực tiếp dẫn đến sự Giác Ngộ.
– Dukkha: đau khổ, bất toại nguyện, bất mãn;
– Nguyên nhân của đau khổ: nguyên nhân của sự không hài lòng này là tham ái (tanha) đối với tham dục, được và không được;
– Sự chấm dứt dukkha: sự từ bỏ tham ái đó;
– Con đường tu tập đưa đến diệt khổ: Bát chánh đạo là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Vì vô minh (avijja) chúng ta không thấy được những sự thực cao thượng này, nên chúng ta vẫn trôi nổi trong vòng luân hồi vô cùng tận: sanh, lão, bệnh, tử. Tham ái thúc đẩy quá trình này, từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc tiếp theo và trải qua vô số kiếp sống, phù hợp với nghiệp (Skt. karma). Theo quy luật bất biến này, mọi hành động mà một người thực hiện trong giây phút hiện tại – dù bằng thân, khẩu hay ý – cuối cùng đều mang lại kết quả tùy theo khả năng của nó: hành động một cách bất thiện và có hại và bất hạnh chắc chắn sẽ theo sau; hành động khéo léo và hạnh phúc cuối cùng sẽ đến12Xem Dhp 1-2.. Chừng nào chúng ta không biết về sự vận hành này, chúng ta sẽ sống một cuộc sống không có mục đích: hạnh phúc trong khoảnh khắc này, tuyệt vọng trong khoảnh khắc tiếp theo; tận hưởng một kiếp sống trên thiên đường, kiếp sau ở địa ngục.
Đức Phật khám phá ra rằng việc đạt được sự giải thoát khỏi luân hồi đòi hỏi phải ấn định cho mỗi Thánh Đế một nhiệm vụ cụ thể: Thánh Đế thứ nhất phải được thấu hiểu; thứ hai, phải từ bỏ; thứ ba, nhận ra; thứ tư, phát triển. Sự chứng ngộ đầy đủ Diệu đế thứ ba mở đường cho sự Tỉnh thức: sự chấm dứt của chính vô minh, tham ái, khổ đau và nghiệp; sự thâm nhập trực tiếp đến tự do siêu việt và hạnh phúc tối thượng là mục tiêu cuối cùng của tất cả giáo lý của Đức Phật; cái Vô điều kiện (vô nhân), cái Bất tử, cái Không trói buộc—Nibbana (Skt. Nirvana).
Bát Chánh Đạo và thực hành Pháp (Dhamma)
Bởi vì gốc rễ của vô minh (thiếu hiểu biết) có sự liên kết mật thiết với Tâm, khi tâm chưa giác ngộ thì tâm rất dễ bị vô minh đánh lừa. Do đó, giải pháp ở đây là sự từ bi và chánh niệm trong hiện tại. Một người hành nghề phải trang bị cho mình những kiến thức chuyên môn để giải quyết công việc, cũng vậy, một người cần phải học tập Pháp để cuối cùng nhổ tận gốc rễ của những khuynh hướng bất thiện của Tâm. Ví dụ, thực hành bố thí (dân) làm suy giảm khả năng chiếm hữu của Tâm. Thực hành Giới (Sīla) sẽ bảo vệ một người tránh khỏi những con đường nguy hiểm. Việc trau dồi tâm từ (metta) làm suy yếu đi tâm sân hận. Và 10 tuỳ niệm131) Niệm Phật (Buddhānussati); 2) Niệm Pháp (Dhammānussati); 3) Niệm Tăng (Sanghānussati); 4) Niệm Giới (Sīlānussati); 5) Niệm Thí (Cāgānussati); 6) Niệm Thiên (Devatānussati); 7) Niệm Chết (Maranasati); 8) Niệm Thân (Kāyagatāsati); 9) Niệm Hơi thở (Ānāpānasati); 10) Niệm An tịnh (Upasamānussati) là những phương pháp làm yếu đi sự hoài nghi, kham nhẫn với nỗi đâu thể xác bằng sự an tịnh, duy trì thiện tâm, vượt qua sự lười biếng, dễ duôi và ngạo mạn, kiểm chế bản thân khỏi các dục vọng. Và còn rất nhiều điều phải học.
Những phẩm chất tốt đệp xuất hiện và phát triển từ những phương pháp thực hành này không chỉ giúp chúng ta trở thành một người có lòng bi mẫn, có trí tuệ; mà quan trọng hơn đây là những phương pháp dẫn đến Níp-bàn nữa.
Trí tuệ (pañña)
Bát Chánh Đạo là nhóm tập hợp các phẩm chất tốt đẹp một cá nhân cần phải phát triển, chớ không phải là một chuỗi các phẩm chất đi theo một đường thẳng. Sự phát triển của chánh kiến và sự quyết tâm chơn chánh tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của lời nói, hành động và chánh mạng. Khi giới hạnh phát triển thì các yếu tố thuộc về định (chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định) cũng phát triển theo. Tương tợ như vậy, khi định được thuần thục, trí tuệ sẽ phát triển đến một mức độ sâu hơn. Và do đó, yếu tố này thúc đẩy yếu tố kia theo chiều tiến lên, rồi với sự già dặn của Tâm, cuối cùng bạn sẽ đạt tới sự Giác Ngộ.
Cuộn hành trình trên con đường Giác Ngộ phải thực hành một cách nghiêm túc với sự hỗ trợ đầu tiên của Chánh kiến – sự phân biệt đúng hay sai, nhờ đó một người mới nhận ra giá trị của Tứ Diệu Đế và nguyên lý của nghiệp. Một người sẽ nhận thấy rằng hạnh phúc của mình không phải do định mệnh sắp đặt, cũng không có một thần linh nào chi phối hay mọi thứ đều ngẫu nhiên. Mọi hạnh phúc đều do người ấy tự mình làm chủ. Thấy được điều này, mục tiêu trên con đường tâm linh trở nên rõ ràng hơn: từ bỏ những khuynh hướng bất thiện và phát triển những khuynh hướng thiện. Khi tâm quyết định chơn chánh phát triển mạnh mẽ, thì người ta mong muốn sống một cuộc sống chánh trực về mặt đạo đức, và họ cũng kiểm soát hành động của họ một cách cẩn thận hơn.
Vào lúc này, nhiều thiện tín thực hành những lời dạy của Đức Phật, để trở thành một người “Cư sĩ”, người ấy phải quy y Tam Bảo: Quy Y Phật (Đức Phật có thật trong lịch sử, Bậc toàn giác, bậc tối thượng trong tam giới, bậc thầy của trời và người, thấy thấu suốt các Pháp hành), Quy y Pháp hay Dhamma (những lời dạy của Đức Phật, những chơn lý cao thượng, hoàn hảo cả phần đầu, phần giữa, phần cuối; vượt không gian và thời gian; chỉ có người trí mới có thể thấu hiểu), Quy y Tăng (là đệ tử Đức Phật, là những bậc đã chứng đắc bốn đạo, bốn quả trở thành Bậc Thánh A-la-hán hay những bậc phàm Tăng đang thực hành Phạm hạnh đúng theo lời chỉ dạy của Đức Phật). Hãy thân cận với những người bạn hay những vị thầy có đức hạnh (kalyanamitta) để dẫn đường, được vậy, bạn đã đầy đủ những hành trang để bước đi trên Đạo lộ, đi theo bước chân mà chính Đức Phật đã để lại.
Giới (sila)
Chánh kiến và sự quyết tâm chơn chánh tiếp tục trưởng thành thông qua sự phát triển của các yếu tố khác liên quan đến Sila, hay giới đức — cụ thể là, lời nói đúng đắn (chánh ngữ), hành động đúng đắn (chánh mạng) và sinh kế đúng đắn (chánh nghiệp). Những điều này được cô đọng thành một hình thức rất thực tế trong năm giới, quy tắc ứng xử đạo đức cơ bản mà mọi Cư sĩ thực hành đều tuân theo: không sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và sử dụng chất say. Ngay cả bộ luật phức tạp gồm 227 giới luật của các nhà sư và 311 giới luật của các nữ tu cuối cùng cũng có năm giới cơ bản này làm cốt lõi.
Định (samadhi)
Để thanh lọc hành vi thô thiển bên ngoài của một người thì phải thực hành giới luật, và để chuyển hoá được bên trong tâm thì cần đến: thiền định và sự phát triển của samadhi, hay sự tập trung. Điều này được trình bày chi tiết trong ba chi đạo cuối cùng: chánh tinh tấn, qua đó hành giả học cách phát triển thiện tâm và loại bỏ tâm bất thiện; chánh niệm, nhờ đó mà người ta học được cách chú ý liên tục trong hiện tại; chánh định giúp tâm tập trung vào một đối tượng chơn chánh đến khi nhập vào Thiền na (Jhana), một chuỗi các trạng thái tâm an tịnh và vi tế hơn.
Chánh niệm và chánh định được phát triển song song thông qua Satipatthana (“thiền tứ niệm xứ”). Trong khi thực hành phương pháp thiền minh sát, chánh niệm về thân (đặc biệt chánh niệm, ví dụ như quán chiếu về sự phồng lên xẹp xuống của bụng) để thấy được các trạng thái vật chất và tâm là vô thường (anicca), khổ (dukkha), và vô ngã (anatta). Nhờ sự thực hành kiên trì như vậy, hành giả sẽ có sự phát triển về tâm, rồi cuối cũng cũng sẽ thấy được sự thật của mọi hiện tượng sanh khởi nơi thân và tâm.
Giác ngộ
Tầng giác ngộ đầu tiên này, được gọi là nhập lưu (sotapatti), là giai đoạn đầu tiên trong bốn giai đoạn tăng dần của Giác ngộ, mỗi giai đoạn làm lìa xa hoặc làm suy yếu một số kiết sử, sự trói buộc (samyojana), nguyên liệu của vô minh ràng buộc một người với vòng sanh tử. Nhập lưu đánh dấu một bước ngoặt chưa từng có trong sống và trong chuỗi luân hồi ngắn ngủi (tối thiểu là 1, tối đa 7 kiếp sống) còn lại của họ. Chính lúc này mọi suy tư thân này là của ta (thân kiến); mọi hoài nghi về giáo lý của Đức Phật; hoặc niềm tin vào những nghi thức không mang tới lợi ích (giới cấm thủ) đều đoạn diệt (chấm dứt).
Nhưng sự giác ngộ hoàn toàn vẫn còn là một chặng đường dài. Khi hành giả tiếp tục với tinh tấn, hành giả đi qua hai mốc quan trọng hơn: nhất lai (sakadagati), đi kèm với sự suy yếu của các kiết sử của dục và sân, và bất lai (agati) , trong đó hai xiềng xích này được nhổ bỏ hoàn toàn. Giai đoạn cuối cùng là Arahant – xảy ra khi ngay cả những cấp độ vi tế nhất của tham ái và ngã mạn cũng bị dập tắt không thể sanh khởi. Tại thời điểm này, hành giả – bây giờ là một vị A-la-hán, vị đã đạt đến điểm cuối cùng của theo lời dạy của Đức Phật. Khi vô minh, đau khổ và tái sinh đều đã chấm dứt, vị A-la-hán, cuối cùng có thể thốt ra tiếng rống chiến thắng được Đức Phật tuyên bố đầu tiên khi Ngài Giác ngộ:
“Sanh đã diệt, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa”— MN 36
Vị A-la-hán sống phần còn lại của cuộc đời mình, hướng tâm vào Đạo Quả giải thoát để hưởng niềm hạnh phúc của Niết-bàn, cuối cùng, được an toàn khỏi sự tái sanh trong tương lai. Khi dấu vết nghiệp quá khứ kéo dài hàng vô số kiếp của vị A-la-hán cuối cùng cũng kết thúc, vị A-la-hán tịch diệt và vị ấy nhập Niết-bàn – hoàn toàn Không ràng buộc. Mặc dù ngôn ngữ hoàn toàn không thể mô tả sự kiện phi thường này, nhưng Đức Phật đã so sánh nó với những gì xảy ra khi một ngọn lửa cuối cùng đã đốt cháy hết nhiên liệu của nó.
“Việc theo đuổi hạnh phúc một cách nghiêm túc”
Phật giáo đôi khi bị chỉ trích một cách mơ hồ là một tôn giáo và triết học “tiêu cực” hoặc “bi quan”. Chắc chắn cuộc sống không phải chỉ có đau khổ và thất vọng: nó mang lại nhiều loại hạnh phúc và niềm vui siêu phàm. Vậy thì tại sao người Cư sĩ lại bị ám ảnh bởi sự bất toại nguyện và đau khổ?
Đau khổ ẩn nấp đằng sau những hình thức lạc thú và niềm vui trần tục cao nhất, vì sớm hay muộn, chắc chắn như đêm nối tiếp ngày, hạnh phúc đó phải chấm dứt. Nếu những lời dạy của Đức Phật chỉ dừng lại ở đó, chúng ta có thể thực sự coi chúng là bi quan và cuộc sống là hoàn toàn vô vọng. Nhưng, giống như một bác sĩ kê đơn thuốc chữa bệnh, Đức Phật đưa ra cả hy vọng (Diệu đế thứ ba) và cách chữa trị (diệu đế thứ tư). Do đó, những lời dạy của Đức Phật mang lại niềm lạc quan và niềm vui vô song. Các giáo lý mang đến phần thưởng là loại hạnh phúc cao quý nhất, chân thật nhất, đồng thời mang lại giá trị và ý nghĩa sâu sắc cho một sự tồn tại nghiệt ngã. Một vị thầy hiện đại đã tóm tắt rất hay: “Đạo Phật là sự theo đuổi hạnh phúc một cách nghiêm túc”.
Theravada đến phương Tây
Cho đến cuối thế kỷ 19, những lời dạy của Theravada ít được biết đến bên ngoài miền nam châu Á, nơi chúng đã phát triển mạnh mẽ trong khoảng hai thiên niên kỷ rưỡi. Tuy nhiên, trong thế kỷ vừa qua, phương Tây đã bắt đầu chú ý đến di sản tinh thần độc đáo của Theravada trong giáo lý Chánh Niệm. Trong những thập kỷ gần đây, mối quan tâm này đã tăng lên, với việc Tăng đoàn xuất gia từ nhiều trường phái khác nhau trong Theravada thành lập hàng chục tu viện trên khắp Châu Âu và Bắc Mỹ. Ngày càng có nhiều trung tâm thiền dành cho cư sĩ, được thành lập và hoạt động độc lập với Tăng đoàn tu sĩ, cố gắng đáp ứng nhu cầu của nam nữ cư sĩ – Phật tử và những người khác – tìm cách học hỏi những khía cạnh chọn lọc của giáo lý Đức Phật.
Bước sang thế kỷ 21 mang đến cả cơ hội và nguy cơ cho Theravada ở phương Tây: Liệu giáo lý của Đức Phật có được kiên nhẫn nghiên cứu và đưa vào thực hành, và được phép thiết lập những gốc rễ sâu xa trên đất phương Tây, vì lợi ích của nhiều thế hệ mai sau? Liệu bầu không khí “cởi mở” phổ biến ở phương Tây hiện nay và sự giao thoa chéo giữa các truyền thống tâm linh có dẫn đến sự xuất hiện của một hình thức thực hành Phật giáo mới mạnh mẽ độc đáo cho thời kỳ hiện đại hay nó chỉ đơn giản dẫn đến sự nhầm lẫn và pha loãng những giáo lý vô giá này? Đây là những câu hỏi mở; chỉ có thời gian sẽ trả lời.
Giáo lý hiện nay tràn ngập các phương tiện truyền thông. Nhiều giáo lý vay mượn bằng cách nói rằng “Phật dạy là”, mặc dù hiếm khi họ đặt những lời dạy của Đức Phật trong ngữ cảnh vốn có của nó. Do đó, những ai nghiêm túc tìm kiếm chân lý thường phải đối mặt với những thông tin không thực sự chính xác. Làm thế nào chúng ta có thể xác định đâu là lời Phật dạy?
May mắn thay, Đức Phật đã để lại cho chúng ta một số hướng dẫn đơn giản để giúp chúng ta vượt qua cơn lũ rối bời hay rừng ngôn ngữ này. Bất cứ khi nào bạn thấy mình đặt câu hỏi về tính xác thực của một giáo lý cụ thể, hãy lưu ý kỹ lời khuyên của Đức Phật dành cho Di mẫu Gotami của Ngài:
“Những pháp này đưa đến tham dục, không phải ly tham; đưa đến hệ phước, không đưa đến ly hệ phước; đưa đến tích tập, không đưa đến không tích tập; đưa đến dục lớn, không đưa đến ít dục; đưa đến không biết đủ, không đưa đến biết đủ; đưa đến tụ hội, không đưa đến nhàn tịnh; đưa đến biếng nhác, không đưa đến tinh tấn; đưa đến khó nuôi dưỡng, không đưa đến dễ nuôi dưỡng”. Này Gotamī, hãy thọ trì nhứt hướng rằng: “Ðó là không phải Pháp, đó là không phải Luật, đó là không phải lời dạy của bậc Ðạo sư”.
Tất nhiên, những lời dạy của Đức Phật rất thực tế, nếu áp dụng trong cuộc sống sẽ đưa đến nhiều lợi ích trong cuộc sống. Đức Phật, Bậc thầy trong tam giới đã đưa ra lời chỉ dẫn. Còn thực hành hay không thì tuỳ thuộc vào bạn.
Ghi chú
- 1Các Tôn Giáo Phật Giáo: Dẫn Nhập Lịch Sử (tái bản lần thứ năm) của R.H. Robinson, W.L. Johnson, và Tỳ khưu Thanissaro (Belmont, California: Wadsworth, 2005), tr. 46.
- 2Ước tính này dựa trên dữ liệu xuất hiện trong CIA World Factbook 2004. Dân số Phật giáo Theravada lớn nhất Nam Á được tìm thấy ở Thái Lan (61 triệu người Theravadans), Myanmar (38 triệu), Sri Lanka (13 triệu) và Campuchia (12 triệu).
- 3Buddhist Religions, p. 46.
- 4Đại thừa ngày nay bao gồm Zen, Ch’an, Nhật Liên, Thiên Thai và Phật giáo Tịnh độ.
- 5Guide Through The Abhidhamma Pitaka của Nyanatiloka Mahathera (Kandy: Buddhist Publication Society, 1971), trang 60ff.
- 6Nhánh thứ ba của Phật giáo xuất hiện muộn hơn nhiều (khoảng thế kỷ thứ 8 CN) ở Ấn Độ: Kim cương thừa, “Cỗ xe kim cương”. Hệ thống quán đỉnh bí truyền, nghi lễ mật thừa và trì tụng thần chú phức tạp của Kim Cương thừa cuối cùng đã lan rộng về phía bắc vào trung và đông châu Á, để lại dấu ấn đặc biệt mạnh mẽ đối với Phật giáo Tây Tạng. Xem Những Tôn Giáo Phật Giáo, tr. 124ff. và chương 11.
- 7Học giả hiện đại cho rằng tiếng Pāḷi có lẽ chưa bao giờ được chính Đức Phật nói ra. Trong nhiều thế kỷ sau khi Đức Phật nhập diệt, khi Phật giáo lan rộng khắp Ấn Độ thành các vùng có nhiều phương ngữ khác nhau, các nhà sư Phật giáo cần một ngôn ngữ chung để thảo luận về Giáo pháp, đọc thuộc lòng các bản kinh và cũng để giữ gìn lưu truyền lại cho hậu thế. Chính vì sự cần thiết này mà ngôn ngữ mà ngày nay chúng ta gọi là tiếng Pāḷi đã xuất hiện. Xem Lời giới thiệu của Tỳ khưu Bodhi trong Numerical Discourses of the Buddha (Walnut Creek, CA: Altamira Press, 1999), trang 1ff, và n. 1 (p. 275) và “The Pali Language and Literature” của Pali Text Society
- 8Great Disciples of the Buddha của Nyanaponika Thera và Hellmuth Hecker (Somerville: Wisdom Publications, 1997), trang 140, 150.
- 9Buddhist Religions, p. 48.
- 10Ví dụ, kinh Veda của đạo Hindu có trước Đức Phật ít nhất một thiên niên kỷ (Các tôn giáo Phật giáo, trang 2).
- 11Buddhist Religions, p. 77.
- 12Xem Dhp 1-2.
- 131) Niệm Phật (Buddhānussati); 2) Niệm Pháp (Dhammānussati); 3) Niệm Tăng (Sanghānussati); 4) Niệm Giới (Sīlānussati); 5) Niệm Thí (Cāgānussati); 6) Niệm Thiên (Devatānussati); 7) Niệm Chết (Maranasati); 8) Niệm Thân (Kāyagatāsati); 9) Niệm Hơi thở (Ānāpānasati); 10) Niệm An tịnh (Upasamānussati)