WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Toàn Tập Lịch Sử Kết Tập Tam Tạng Kinh Điển Tipitaka Pāḷi Trong Phật Giáo

Kể từ khi Đức Phật Gotama tịch diệt, Chư Tỳ Khưu Tăng (“Sangha”) đã cùng nhau triệu tập để giải quyết các vấn đề sai lệch trong Pháp và Luật của Đức Phật. Sự triệu tập này được gọi là “kết tập” (Tiếng Pāḷi gọi là Saṅgīti, nghĩa đen là “cùng nhau trùng tụng” hay “cùng nhau tụng đọc”). Quá trình này được ghi chép lại trong kinh điển Phật Giáo từ lúc ngay sau khi Đức Phật tịch diệt Niết-bàn cho tới thời kỳ hiện đại.

Những kỳ kết tập đầu tiên trong Phật Giáo là những sự kiện lịch sử đã diễn ra. Tuy nhiên, cũng có một số bộ phận Phật Giáo phát triển sau này lại bác bỏ sự kiện lịch sử ấy nhằm để củng cố thẩm quyền và uy tín trường phái của mình.

1. Kỳ kết tập Tam tạng đầu tiên

Tạng Luật (Vinaya) là bộ chứa đựng các điều học do Đức Phật ban hành. Sự kết tập Tam tạng lần đầu tiên này dường như là sự tiếp nối của những chuỗi ngày sau khi Đức Phật tịch diệt Niết-bàn. Điều này được nhắc đến trong Bài Kinh Đại Bát Niết Bàn [DN16].

Theo lịch sử Phật Giáo, kỳ kết tập Tam tạng đầu tiên được tổ chức ngay sau khi Đức Phật tịch diệt Niết-bàn, do Ngài Đại Trưởng Lão Mahākassapa (Đại-ca-diếp) chủ trì tại hang động gần Rājagṛha (Vương-xá), này là Rajgir dưới sự hộ trì của Đức Vua Ajatashatru (A-xà-thế).

Mục tiêu của kỳ kết tập Tam tạng lần này là để bảo tồn những lời dạy của Đức Phật hay còn gọi là Tạng Kinh (sutta) và những điều học ban hành của Đức Phật dành cho Tăng Chúng hay còn gọi là Tạng Luật (Vinaya). Tạng kinh do Đại Đức Ānanda trùng tụng và Tạng Luật do Đại Đức Upāli đảm nhiệm. Mặc dù Đức Phật có nói Hội Chúng Tăng Già có thể lược bỏ những điều luật nhỏ nhặt sau khi Ngài tịch diệt, nhưng các Ngài Đại Trưởng Lão đã đồng tâm không thay đổi dù cho chút ít. Các Ngài hiểu rõ việc an trú không phóng dật trong Pháp và Luật này sẽ chấm dứt khổ đau [SN6.14], vì vậy không có điều luật nào chúng ta nên coi là nhỏ nhặt. Trong kinh Đức Phật cũng dạy rằng: “Thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt” [AN 3.89 và AN 3.90].  Vì vậy, các Ngài đã giữ nguyên những điều luật ấy.

Theo lịch sử Phật Giáo, sau khi Đức Phật tịch diệt Niết-bàn, có 499 vị Thánh A-ra-hán đứng đầu trong số đệ tử Phật đã được chỉ định tham dự kỳ kết tập Tam tạng kinh điển. Lúc đó, Đại Đức Ānanda vẫn còn là Bậc Thánh Nhập Lưu nên được Hội Đồng Thánh Tăng khuyên mau sớm thành tựu Đạo Quả Thánh A-ra-hán. Ngài Ānanda chuyên tâm hành thiền, vào buổi sáng bình minh trước khi Kỳ Tam Tạng Lần Thứ Nhất bắt đầu, Ngài đã chứng đắc Đạo Quả A-ra-hán và được phép tham dự kỳ kết tập Tam tạng kinh điển lần này1“Life of Buddha: The 1st Buddhist Council (Part 2)”, www.buddhanet.net, retrieved 2017-12-30.2Harvey, Peter (2013). An Introduction to Buddhism: Teachings, History, and Practices (2nd ed.). Cambridge, UK: Cambridge University Press. pp. 88-90.. Như vậy, 500 vị tham gia kết tập Tam tạng Kinh Lần thứ nhất này đều là những vị Thánh A-ra-hán, việc không bãi bỏ một điều luật nào là suy xét thận trọng của các Bậc Thánh Tăng mà các hàng hậu học cần tuân theo.

Chư Thánh A-ra-hán chứng minh rằng:

“Luật tạng là tuổi thọ Phật giáo.
Khi Luật tạng được trường tồn,
Thì Phật giáo được trường tồn”
“Vinayo nāma Buddhasāsanassa āyu.
Vinaye ṭhite, sāsanaṃ ṭhitaṃ hoti”

Trích: Vinayapiṭaka, Pārājikakaṇḍa Aṭṭhakathā, Nidānakathā.

Về Tạng Vi Diệu Pháp, tạng thứ ba trong tam tạng kinh điển, một số học giả hiện đại cho rằng tặng này không chính thống, do sự xuất hiện sau này, cùng với sự khác biệt về văn phong và ngôn ngữ. Còn trong truyền thống Nguyên Thuỷ, Tạng Vi Diệu Pháp và Chú Giải (Atthakathā) cũng được đưa vào kỳ kết tập Tam tạng lần thứ nhất. Sự khác biệt văn phong là do phần này được Thượng Thủ Thanh Văn Trí Tuệ Đệ Nhất Sāriputta (Xá-lợi-phất) giảng giải, trình bày3Dī.A. (sumaṅgala.1) Sumaṅgalavilāsinī dīghanikāyaṭṭhakathā sīlakkhandhavaggavaṇṇanā nidānakathā.4Saṅgaṇi.A. (aṭṭhasālinī) Dhammasaṅgiṇī Abhidhamma-Atthakathā Nidānakathā..

Luật tạng được kết tập xong, kết tập đến Kinh tạng và Vi diệu pháp tạng. Cuộc kết tập Tam tạng lần thứ nhất kéo dài trong suốt 7 tháng. Toàn bộ Tam tạng và bộ Chú giải đã được hoàn thành bằng cách khẩu truyền (Mukhapātha), chưa ghi chép bằng chữ viết.

Cuộc kết tập Tam tạng lần này do đức vua Ajātasattu trị vì xứ Māgadha hộ độ. Giáo pháp của Ðức Phật thuyết giảng từ khi chứng đắc thành Bậc Chánh Ðẳng Giác cho đến khi tịch diệt Niết Bàn suốt 45 năm được kết thành tạng (piṭaka), gồm 3 tạng:

1. Luật tạng (Vinayapiṭaka).

2. Kinh tạng (Suttantapiṭaka).

3. Vi diệu pháp tạng (Abhidhammapiṭaka).

* Kết tập thành bộ (nikāya) gồm 5 bộ:

1. Trường bộ kinh (Dīghanikāya).

2. Trung bộ kinh (Majjhimanikāya).

3. Tương ưng bộ kinh (Saṃyuttanikāya).

4. Tăng chi bộ kinh (Aṅguttaranikāya).

5. Tiểu bộ kinh (Khuddakanikāya).

* Kết tập thành chi (aṅga) gồm 9 chi:

1. Sutta: gồm những bài kinh lẫn kệ và Luật tạng được ghép vào chi này.

2. Gayya: gồm những bài kinh bằng những bài kệ.

3. Veyyākaraṇa: gồm những bài kinh bằng văn xuôi và Vi Diệu pháp tạng được ghép vào chi này.

4. Gathā: gồm những bài kệ (không có tên bài kinh).

5. Udāna: gồm những bài kệ do cảm ứng tự thuyết.

6. Itivuttaka: gồm những bài kinh bắt đầu bằng: “Vuttaṃ hetaṃ Bhagavatā…”.

7. Jātaka: Chuyện tiền thân của Ðức Phật gồm có 547 tích truyện, bắt đầu tích Apannakajātaka đến tích cuối cùng Vessantarajātaka.

8. Abbūtadhamma: gồm những bài kinh có những pháp phi thường chưa từng có từ trước.

9. Vedalla: gồm những bài kinh vấn đáp bằng trí tuệ hợp với hỷ.

* Kết tập thành pháp môn (Dhammakkhandha) gồm 84.000 pháp môn.

– Luật tạng gồm có 21.000 pháp môn.

– Kinh tạng gồm có 21.000 pháp môn.

– Vi diệu pháp tạng gồm có 42.000 pháp môn.

Trong kinh Mahāparinibbānasutta (kinh Đại Bát Niết Bàn [DN16]) Ðức Phật gọi Ðại Ðức Ānanda khuyên dạy rằng:

– Này Ānanda, nếu trong các ngươi có người nghĩ rằng: “Lời nói của bậc Ðạo sư không còn nữa. Chúng ta không có Ðạo sư.” Này Ānanda, chớ có những tư tưởng như vậy.
– siyā kho panānanda, tumhākaṁ evamassa: “atītasatthukaṁ pāvacanaṁ, natthi no satthā”ti. Na kho panetaṁ, ānanda, evaṁ daṭṭhabbaṁ.

Ðức Phật dạy:

– “Này Ānanda “Dhammo”: Pháp nào Như Lai đã thuyết giảng, và “Vinayo”: Luật nào Như Lai đã chế định, ban hành đối với các con, chính Pháp và Luật ấy là Ðức Tôn Sư của các con sau khi Như Lai tịch diệt Niết Bàn…”.
– Yo vo Ānanda mayā dhammo ca vinayo ca desito paññatto, so vo mamaccayena satthā…

Trong Chú giải đoạn kinh này Ðức Phật giải thích:

– “Vinayo”, Luật: đó là Luật tạng.

– “Dhammo”, Pháp: đó là Kinh tạng và Vi diệu pháp tạng.

– Tam tạng gồm 84.000 pháp môn. Ðức Thế Tôn giải thích rằng:

– “Như vậy, 84.000 pháp môn tồn tại, chỉ có một mình Như Lai tịch diệt Niết Bàn. Và ngay bây giờ, chỉ có một mình Như Lai dạy dỗ, nhắc nhở chỉ bảo các con, khi Như Lai tịch diệt Niết Bàn rồi, thì 84.000 pháp môn dạy dỗ, nhắc nhở chỉ bảo các con”.
– “Iti imāni caturāsiti dhammakkhandhasahassāni tiṭṭhanti, ahaṃ ekova parinibbayāmi. Ahañca kho pana dāni ekakova ovadāmi anusāsāmi, mayi parinibbute imāni caturāsiti dhammakkhandha – sahassāni tumhe ovadissanti anusāsissanti”.

Qua đoạn Chú giải trên, chứng tỏ, Chú giải là lời thuyết giảng, giải thích của chính Ðức Phật (Pakiṇṇakadesanā), hoặc lời giải thích của chư bậc Thánh A-ra-hán trong thời kỳ Ðức Phật còn tại thế và trong các thời kỳ kết tập Tam tạng và Chú giải.

Cho nên Ðức Phật dạy:

– “Luật và Pháp, hay 84.000 pháp môn ấy, là Tôn Sư của các con, sau khi Như Lai tịch diệt Niết Bàn”
– So vo mamaccayena Satthā…

Cuộc kết tập Tam tạng và Chú giải xong, chư Ðại Ðức phân chia phận sự giao phó cho các hàng đệ tử của mình học thuộc lòng mỗi tạng, hoặc có khả năng học thuộc trọn bộ Tam tạng. Như Ðại Ðức Upāli có bổn phận dạy cho các đệ hàng tử học thuộc lòng tạng Luật… để duy trì giáo pháp của Ðức Phật.

Giáo pháp của Ðức Phật được giữ gìn duy trì đầy đủ Tam tạng và Chú giải, tất cả chư Tỳ khưu Tăng nghiêm chỉnh thực hành theo tôn chỉ của chư Ðại Trưởng Lão suốt 100 năm, hoàn toàn trong sạch.

2. Kỳ kết tập Tam tạng lần thứ hai và sự chia rẽ đầu tiên

2.1 Kỳ kết tập Tam tạng kinh điển lần thứ hai

Sau 100 năm, kỳ kết tập Tam tạng lần thứ hai được diễn ra ở Valukarama,Vesāli (Tỳ-xá-ly) dưới sự bảo trợ của Đức Vua Kalashoka. Vào thời kỳ này, các vị Tỳ khưu ở Vesāli đã thực hiện thay đổi 10 điều luật. Trong đó, có sự thọ dụng, nhận lãnh vàng bạc. Nhận thấy sự nguy hiểm từ việc này, Đại Đức Yasa Kākandakaputta đã cho triệu tập Hội Chúng Tăng Già. Các vị Tỳ khưu ở Vesāli và Đại Đức Yasa đã triệu tập các vị Đại Trưởng Lão trong vùng để tham khảo ý kiến, giải quyết vấn đề phát sanh này. Một bên giữ nguyên tính nguyên thuỷ của Tạng Luật và một bên muốn thay đổi Tạng Luật. Điều này dẫn đến sự chia rẽ đầu tiên trong Phật Giáo.

2.1.1 Sự chia rẽ đầu tiên

Những bất đồng trong Tạng Luật. 

Bộ Tiểu Phẩm (Cullavagga) kinh tạng Pāḷi trong Phật giáo Nguyên thuỷ (Theravāda) ghi nhận rằng các tỳ khưu nhóm Vajjiputtakā đã thực hành mười điều (dasa vatthūni) trái với các điều học, học giới trong Tạng Luật5“Vajjiputtakā”. palikanon.com. Retrieved 2023-08-25.6Harvey, Peter (2013). An Introduction to Buddhism: Teachings, History, and Practices (2nd ed.). Cambridge, UK: Cambridge University Press. pp. 88-90.. Mười điều đó là:

1. Kappati siṅgiloṇakappo: Tỳ khưu cất giữ muối trong ống bằng sừng với tác ý rằng để làm đồ gia vị thức ăn ngày hôm sau, cũng được [Bu Pc 38].

2. Kappati dvaṅgulakappo: Tỳ khưu thọ thực quá ngọ mặt trời ngã qua hai lóng tay, cũng được.

3. Kappati gāmantarakappo: Tỳ khưu đã thọ dụng vật thực xong rồi tự nghĩ rằng: bây giờ ta đi vào xóm để dùng vật thực nữa mà không cần làm đúng theo Luật, cũng được.

4. Kappati āvasakappa: Trong cùng Mahāsīmā, có nhiều nhóm riêng rẽ hành uposathakamma, cũng được.

5. Kappati anumatikappa: Chư Tăng trong nhóm hành Tăng sự nghĩ rằng: sẽ cho phép Tỳ khưu đến sau, cũng được.

6. Kappati ācinnakappa: Tỳ khưu hành theo pháp mà Thầy Tổ của mình thường thực hành, cũng được.

7. Kappati amathitakappa: Tỳ khưu đã ngăn cản vật thực rồi, dùng sữa tươi đã biến chất, chưa biến thành sữa chua, cũng được [Bu Pc 35].

8. Kappati jaḷogiṃ pātuṃ: Tỳ khưu uống rượu nhẹ chưa thành chất say, cũng được [Bu Pc 51].

9. Kappati adasakaṃ nisīdanaṃ: Tỳ khưu dùng tọa cụ không có đường lai (viền may), cũng được. [Bu Pc 89].

10. Kappati jātarūparajataṃ: Tỳ khưu thọ nhận vàng bạc, cũng được. [Bu Np 18].

Các vị Đại Trưởng Lão không chấp nhận mười điều phi pháp này, và ngài Trưởng Lão Yasa Kākandakaputta đã quở trách nhóm tỳ khưu Vajjiputtaka. Đại Đức Yasa rời Kosambī và triệu tập các vị tỳ khưu từ Pāvā ở phía Tây, các vị tỳ khưu Avanti ở phía Nam, tìm đến Đại Đức Sambhūta Sānavāsi ở Ahoganga. Theo lời Đại Đức Yasa, các vị này đã tìm đến Đại Trưởng Lão Soreyya-Revata và rồi cùng nhau đến hỏi ý kiến của Đại Trưởng Lão Sabbakāmi ở chùa Vālikārāma. 

Tại đây, kỳ kết tập Tam tạng lần thứ nhì đã được tổ chức với  sự tham gia của 700 vị Thánh A-ra-hán có đầy đủ Tứ tuệ phân tích, Lục thông, thông thuộc Tam tạng, và Chú giải, do Ngài Yasa Kākaṇḍakaputta làm chủ trì, Ðại Trưởng Lão Revata vấn, Ðại Trưởng Lão Sabbakāmi giải đáp. Mười điều phi pháp trên bị bãi bỏ. Kỳ kết tập này kéo dài tới 8 tháng cho tới khi hoàn thành xong trọn bộ Tam tạng và Chú giải, hoàn toàn y theo bổn chánh của kỳ kết tập Tam tạng lần thứ nhất7Dhamma Nanda, Các Kỳ Kết Tập Kinh Điển Tam Tạng Pali, Kỳ Thi Tam Tạng & Các Ngài Tam Tạng, theravada.vn.

Kỳ kết tập Tam tạng lần này cũng bằng khẩu truyền (mukhapātha) chưa ghi chép bằng chữ viết. Đức vua Kālāsoka xứ Vesāli hộ độ kỳ kết tập Tam tạng và Chú giải lần này. 

Các tỳ khưu nhóm Vajjiputtakas từ chối kết luận của các vị Đại Trưởng Lão và thành lập một giáo phái riêng, gọi là Mahāsanghikas với 10.000 vị. Các vị này tự thực hành theo điều luật mà họ đã thay đổi8“Vajjiputtakā”. palikanon.com. Retrieved 2023-08-25.9Devalegama Medananda Thero; Ganthune Assaji Thero; Mambulgoda Sumanarathana Thero; Uditha Garusinghe (2017). Buddhism Grade 9 (PDF) (in Sinhala). Educational Publications Department. pp. 120–123. ISBN 978-955-25-0358-0.. Như vậy là, nhóm Mahāsanghikas đã cố gắng thay đổi Luật Tạng của Phật giáo Nguyên thuỷ bằng cách thêm vào 10 điều phi pháp ấy.

2.1.2 Mahādeva và năm điểm dị biệt

Ngoài ra, những nguyên nhân gây chia rẽ giáo Pháp được tìm thấy trong nhiều nguồn từ các trường Phật Giáo cổ (Sthavira) bao gồm cả tài liệu lịch sử Dipavamsa của Phật giáo Nguyên thuỷ. Theo những dữ liệu này, sau khoảng 35 năm kể từ kỳ kết tập Tam tạng kinh điển lần thứ hai, lại có thêm một kỳ kết tập khác ở Pāṭaliputra. Lần kết tập này chủ yếu là tranh cãi năm vấn đề đưa ra bởi Mahādeva. Năm vấn đề này cho rằng các vị A-ra-hán là không hoàn hảo và còn sai lầm. Theo dữ liệu của các trường Phật Giáo cổ (Sthavira),  sự chia rẽ giao lý lần này là do Mahādeva, nhân vật này được miêu tả là một kẻ xấu xa (người đã giết cha, giết mẹ của mình), gây ra. “Năm quan điểm” cho rằng:

1. Vị A-ra-hán vẫn còn chưa tốt đẹp do vẫn bị xuất tinh (asucisukhavisaṭṭhi), đây là sự sai lầm, bởi có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới sự xuất tinh được đề cập trong [Bu Pj 1].

2. Vị A-ra-hán vẫn còn vô minh (aññāṇa).

3. Vị A-ra-hán vẫn còn hoài nghi (kaṅkhā).

4. Vị A-ra-hán chưa giác ngộ, phải cần sự hướng dẫn của người khác để giác ngộ (paravitāraṇa).

5. Vị A-ra-hán nói về khổ đau trong khi đang trong Định – Samādhi (vacibheda)10Charles Willemen, Bart Dessein, Collett Cox (1998) Sarvāstivāda Buddhist Scholasticism, pp. 45-46. BRILL, Handbuch Der Orientalistik..

Theo sự ghi lại của các trường Phật Giáo cổ (Sthavira), đã số Mahāsaṃgha đứng về phía Mahādeva, và một số ít vị trưởng lão chơn chánh (Sthaviras) đã phản đối. Do đó, cuộc chia rẽ giáo Pháp đã diễn ra.

Như vậy, Mahādeva đã bị các vị trưởng lão quở trách, và cuối cùng đã thành lập nên nhóm Mahāsaṃgha. Các nguồn tư liệu của Mahāsaṃgha không khẳng định Mahādeva là người sáng lập và không đồng ý với quan điểm này. Và các học giả cho rằng, sự kiện Mahādeva đã xảy ra sau đó và nó không phải là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc chia rẽ giáo Pháp lần đầu tiên11Sujato, Bhante (2012), Sects & Sectarianism: The Origins of Buddhist Schools, Santipada, ISBN 978-1921842085.12Harvey, Peter (2013). An Introduction to Buddhism: Teachings, History, and Practices (2nd ed.). Cambridge, UK: Cambridge University Press. pp. 88-90..

Samayabhedoparacanacakra của Vasumitra (trong Sarvāstivāda) nói rằng sự tranh chấp ở Pātaliputra dẫn đến sự chia rẽ đầu tiên là về vấn đề năm điểm dị biệt này của Mahādeva làm suy giảm việc chứng đắc quả vị A-ra-hán13Charles Willemen, Bart Dessein, Collett Cox (1998) Sarvāstivāda Buddhist Scholasticism, pp. 45-46. BRILL, Handbuch Der Orientalistik.. Những điểm tương tự cũng được nhắc đến trong Bộ Ngữ Tông (Kathavatthu). Sarvāstivāda Mahavibhasa đã phát triển câu chuyện này để chống lại Mahādeva, vị sáng lập Mahasanghika. Theo như ghi chép trong sự kiện này, thì Đức Vua đã ủng hộ nhóm Mahasanghika. Những ghi chép này nhấn mạnh sự trong sạch của Kasmiri Sarvastivadin, những vị được xem là các vị Thánh A-ra-hán, do Đại Đức Upagupta dẫn đầu, đã di tản bởi sự đàn áp của Mahādeva để tới trú tại Kashmir và Gandhara14Charles Willemen, Bart Dessein, Collett Cox (1998) Sarvāstivāda Buddhist Scholasticism, p. 46. BRILL, Handbuch Der Orientalistik..

Samayabhedoparacanacakra cũng có ghi lại một nhân vật ‘Mahādeva’, nhưng dường như đây là một nhân vật khác, vị này sáng lập Caitika sau khoảng 200 năm sau15Walser, Joseph. Nāgārjuna in Context: Mahāyāna Buddhism and Early Indian Culture. 2005. p. 50..

3. Kỳ kết tập Tam tạng lần thứ ba

Theo các chú giải cũng như biên niên sử của Phật giáo Nguyên thuỷ, kỳ kết tập Tam tạng kinh điển lần thứ ba này được bảo trợ bởi Đức Vua Ashoka của Maurya, tại Pātaliputra (Patna ngày nay), dưới dự lãnh đạo của Ngài Đại Trưởng Lão Moggaliputta Tissa16Berkwitz, Stephen C. South Asian Buddhism: A Survey, Routledge, 2012, p. 44.. Mục tiêu của kỳ kết tập Tam tạng lần thứ ba này là thanh lọc Phật Giáo, đặc biệt là khỏi các thành phần cơ hội và các ngoại đạo (tirthika).

Sau kỳ kết tập Tam tạng lần thứ nhì, Phật giáo càng ngày càng phát triển, chư Tỳ khưu, Tỳ khưu ni càng đông, cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo càng nhiều, họ làm phước hộ độ cúng dường đến Chư Tỳ khưu rất đầy đủ, nhất là vào thời kỳ Đức vua Ashoka. Do sự hộ độ ngày càng tăng, một số lượng lớn những kẻ tham lam, không có đức tin, với tà kiến đã cố gắng gia nhập Tăng Đoàn theo những cách không đúng đắn và gây ra sự chia rẽ trong tăng chúng. Vì vậy, kỳ kết tập Tam tạng lần thứ ba này triệu tập 1.000 vị tỳ khưu, do Ngài Đại Trưởng Lão Moggaliputta Tissa chủ trì. Đích thân Đức Vua cũng đến dự và thỉnh chư Tỳ khưu xét hỏi từng vị một. Những vị giả mạo khi được hỏi lại nói rằng Đức Phật dạy những tà kiến về cái ngã, về sự thường hằng, v.v., trong khi những điều này vốn được bác bỏ trong Kinh Phạm Võng (DN1). Khi Đức Vua hỏi những Tỳ kheo thật có chánh kiến, các vị ấy trả lời Đức Phật là “Bậc Thầy của sự Phân tích” (Vibhajjavādin). Tất cả các câu trả lời được kiểm chứng bởi Ngài Đại Trưởng Lão Moggaliputta Tissa17Berkwitz, Stephen C. South Asian Buddhism: A Survey, Routledge, 2012, p. 45.. Qua cuộc xét hỏi này đã loại bỏ ra được 60.000 Tỳ khưu giả có tà kiến ngoại đạo. Đức vua ban cho mỗi người một bộ đồ trắng, bắt buộc hoàn tục, trở thành người cư sĩ; còn lại tất cả Tỳ khưu thật có chánh kiến trong Phật giáo đoàn kết cùng nhau hành tăng sự trở lại18Dhamma Nanda, Các Kỳ Kết Tập Kinh Điển Tam Tạng Pali, Kỳ Thi Tam Tạng & Các Ngài Tam Tạng, theravada.vn.

Các vị Đại Đức đã trùng tụng Kinh Tạng và bổ sung thêm những lời vấn đáp làm sáng tỏ giáo lý của Ngài Đại Trưởng Lão Moggaliputta Tissa thông qua Bộ Ngữ Tông (Kathavatthu) để chỉ ra và phân tích sự khác biệt giữa Phật Giáo với Ngoại Đạo.

Kỳ kết tập Tam tạng lần thứ ba này dường như cũng đã dẫn đến sự chia rẽ giữa các trường phái Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivada) và Phân Tích Bộ (Vibhajjavada) về vấn đề tồn tại của ba thời (hay sự vĩnh cửu của thời gian)19Berkwitz, Stephen C. South Asian Buddhism: A Survey, Routledge, 2012, p. 45.. Nhưng theo K.L. Dharmajoti, dòng Sarvastivada và dòng Vibhajyavāda của Ngài Moggaliputta đã có mặt từ thời Hoàng đế Ashoka20Charles Willemen, Bart Dessein, Collett Cox (1998) Sarvāstivāda Buddhist Scholasticism, p. 56. BRILL, Handbuch Der Orientalistik..

3.1 Sứ mệnh của Đức Vua Ashoka

Theo các nguồn tư liệu của Phật giáo Nguyên thuỷ, sứ mệnh của kỳ kết tập kinh điển lần thứ ba này là gửi các vị Tỳ khưu đi truyền bá Chánh Pháp đến các quốc gia khác nhau. Sự truyền bá này mở rộng đến tận Hy Lạp ở Phương Tây (đặc biệt là vương quốc Greco-Bactrian, và thậm chí có thể đi xa hơn theo những dòng chữ được khắc trên cột đá của Đức Vua Ashoka)21Sujato, Bhante (2012), Sects & Sectarianism: The Origins of Buddhist Schools, Santipada, ISBN 978-1921842085.. Các vị tỳ khưu truyền bá Chánh Pháp xuống tận miền Nam Ấn, Sri Lanka, Đông Nam Á. Trên thực tế, có thể cuộc truyền giáo đã diễn ra trước thời vua Ashoka, nhưng vào thời Vua Ashoka thì có nhiều bằng chứng lịch sử hơn22Sujato, Bhante (2012), Sects & Sectarianism: The Origins of Buddhist Schools, Santipada, ISBN 978-1921842085..

Theo Mahavamsa (XII, đoạn 1) Tăng Đoàn và Đức Vua Ashoka đã gửi những vị tỳ khưu đi đến nhiều cùng khác nhau để truyền bá chánh pháp23Thai Art with Indian Influences, Promsak Jermsawatdi, Abhinav Publications, 1979 p.10ff.:

1. Trưởng Lão Majjhantika dẫn đầu phái đoàn đi đến Kashmir và Gandhara.

2. Trưởng Lão Mahadeva dẫn đầu phái đoàn đi đến Mahisamandala (Mysore, Karnataka).

3. Trưởng Lão Rakkhita dẫn đầu phái đoàn đến Vanavasi (Tamil Nadu).

4. Trưởng Lão Yona (Hy Lạp) Dharmaraksita đã dẫn đầu phái đoàn đến Aparantaka (“biên giới phía Tây”, bao gồm Bắc Gujarat, Kathiawar, Kachch và Sindh).

5. Trưởng Lão Mahadharmaraksita dẫn đầu phái đoàn đến Maharattha (Maharashtra).

6. Trưởng Lão Maharakkhita (Maharaksita Thera) dẫn đầu phái đoàn đến đất nước Yona (Hy Lạp), có khả năng đề cập đến Greco-Bactria và có thể là vương quốc Seleucid.

7. Trưởng Lão Majjhima Thera dẫn đầu phái đoàn đến khu vực Himavanta (phía bắc Nepal, chân đồi của dãy Himalaya).

8. Trưởng Lão Sona Thera và Uttara Thera dẫn đầu phái đoàn đến Suvannabhumi (Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Miền Nam Việt Nam, …)

9. Trưởng lão Mahinda cùng với các đệ tử Utthiya, Ittiya, Sambala và Bhaddasala đã đến Lankadipa (Sri Lanka).

Sứ mệnh này rất thành công, chẳng hạn như sứ mệnh truyền bá Phật Giáo ở Afghanistan, Gandhara và Sri Lanka. Phật giáo ở Gandharan, Phật giáo ở Hy Lạp và Phật giáo ở Sinhalese có những ảnh hướng lớn cho những thế hệ mai sau. Các sứ mệnh liên quan đến các Vương Quốc Hy Lạp ở Địa Trung Hải, dường như không thành công. Tuy nhiên, một số học giả cho rằng Phật Giáo đã từng tồn tại trong thời gian ngắn hạn ở Alexandria, Ai Cập. Đây có thể là nguồn gốc của Phái Therapeutae được đề cập trong một số tư liệu cổ xưa như Philo của Alexandria (20 TCN – 50 CE)24Clement of Alexandria: Stromata, Book 1.. Học giả về Tôn giáo Ullrich R. Kleinhempel lập luận rằng khả năng rất cao Tôn Giáo Therapeutae bắt nguồn từ Phật Giáo25Ullrich R . Kleinhempel, “Traces of Buddhist Presence in Alexandria: Philo and the “Therapeutae””, Научно-теоретический журнал 2019..

4. Kỳ kết tập Tam tạng lần thứ tư

Vào thời kỳ kết tập Tam tạng kinh điển lần thứ tư, tại Ấn Độ, Phật Giáo đã phân chia thành nhiều trường phái khác nhau.

4.1 Phật giáo Nguyên thuỷ ở Sri Lanka

Kỳ kết tập Tam tạng kinh điển lần thứ tư rơi vào khoảng thời gian TK 1 TCN ở Sri Lanka tại một ngôi đền trong hang ở Alu Vihāra (Aloka Leṇa) trong thời gian trị vì của Đức Vua Vattagamani-Abhaya, hay còn được biết tới là Vua Valagamba26Ellawala, H. (1969). Social History of Early Ceylon. Department of Cultural Affairs..

Vào thời điểm này, kinh tạng Pāḷi hoàn toàn là học thuộc lòng được duy trì bởi các vị thuộc lòng Pháp (dhammabhāṇakas). Các vị tỳ khưu nhận thấy mối nguy hại rằng hàng hậu học không thể ghi nhớ, thuộc lòng kinh tạng, nên đã ghi chép lại kinh tạng, dẫu cho sau này không còn ai thuộc lòng thì giáo lý vẫn không bị mất đi27Buswell, Robert; Lopez, Donald S. (2013). The Princeton Dictionary of Buddhism, p. 200. Princeton University Press. ISBN 978-0-691-15786-3..

Kỳ kết tâp Tam Tạng lần này gồm 1.000 bậc Thánh A-ra-hán đắc Tứ Tuệ Phân Tích, do Ngài Đại Trưởng Lão Mahādhammarakkhita làm chủ trì, công cuộc kết tập được thực hiện suốt một năm mới hoàn tất việc ghi chép trọn bộ Tam Tạng, Chú giải bằng chữ viết trên lá buông. Sau đó, chư bậc Thánh Arahán kết tập Tam Tạng bằng cách khẩu truyền một lần nữa, hoàn toàn y theo bản chánh của ba kỳ kết tập Tam Tạng lần trước28Dhamma Nanda, Các Kỳ Kết Tập Kinh Điển Tam Tạng Pali, Kỳ Thi Tam Tạng & Các Ngài Tam Tạng, theravada.vn.

Kỳ kết tập Tam Tạng lần này là lần đầu tiên ghi chép bằng chữ viết trên lá buông đầy đủ bộ Tam Tạng và Chú giải, gọi là: “Potthakaropanasaṅgiti”.

4.2 Kashmiri Sarvāstivāda

Lại thêm một kỳ kết tập Tam tạng lần thứ tư khác được tổ chức treo truyền thống Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivada) của vương quốc Kushan. Lần kết tập này được cho là triệu tập bởi Đức Vua Kushan Kanishka I (c. 158–176), vào năm 78SCN tại tịnh xá Kundalvana (Kundalban) ở Kashmir29Handa, O. C.; Hāṇḍā, Omacanda (1994). Buddhist Art & Antiquities of Himachal Pradesh, Up to 8th Century A.D. Indus Publishing. p. 50. ISBN 978-81-85182-99-5.. Vị trí chính xác của tịnh xá được cho là ở xung quanh Harwan, gần Srinagar30Handa, O. C.; Hāṇḍā, Omacanda (2001). Buddhist Western Himalaya: A politico-religious history. Indus Publishing. p. 38. ISBN 978-81-7387-124-5.. Một giả thuyết khác cho rằng vị trí của nó ở tu viện Kuvana, Jalandhar, mặc dù điều này khó có thể xảy ra31Handa, O. C.; Hāṇḍā, Omacanda (1994). Buddhist Art & Antiquities of Himachal Pradesh, Up to 8th Century A.D. Indus Publishing. p. 50. ISBN 978-81-85182-99-5..

Kỳ kết tập Tam tạng lần thứ tư ở Kashmir này không được công nhận bởi các Ngài Trưởng Lão. Những thông tin này chỉ được tìm thấy trong truyền thống Đại Thừa. Có tư liệu nói rằng, Đức Vua Kanishka đã triệu tập 500 vị tỳ khưu ở Kashmir, đứng đầu là Vasumitra, để hệ thống hoá kinh điển Sarvastivadin, được dịch từ các ngôn ngữ bản địa Prakrit (như Gandhari) sang Sanskrit.

Tư liệu ghi rằng, phải mất 12 năm mới hoàn thành hết bộ kinh điển của Sarvastivadin. Các nguồn Sarvastivada cho rằng A-tỳ-đạt-ma Đại Tỳ-bà-sa luận (Abhidharma Mahāvibhāṣā Śāstra) có từ thời Kanishka. Kinh văn đồ sộ này đã trở thành kinh văn chính của truyền thống Vaibhāṣika ở Kashmir32Willemen, Charles; Dessein, Bart; Cox, Collett. Sarvastivada Buddhist Scholasticism, Handbuch der Orientalistik. Zweite Abteilung. Indien. Brill, 1998, p. XII.. Dù Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivada) không còn tồn tại nhưng A-tỳ-đạt-ma (Abhidharma) của nhóm này được truyền thống Đại Thừa kế thừa.

Các kinh văn Vaibhāṣika mới không được tất cả các các học giả Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvāstivādin) chấp nhận. Một số “Bậc Thầy Phương Tây” từ Gandhara và Bactria có quan điểm khác nhau. Họ không đồng tình với hệ thống kinh văn mới. Những bất đồng này với Kinh lượng bộ (Sautrantika) có thể được thấy trong Thành Thật Luận (Tattvasiddhi-Śāstra), A-tỳ-đàm Tâm Luận (Abhidharmahṛdaya – T No.1550), và A-tỳ-đạt-ma-câu-xá-luận hay Câ-xá-luận (Abhidharmakośakārikā) của Thế Thân (Vasubandhu)33Dhammajoti, K.L. (2009). Sarvāstivāda Abhidharma,p. 57. Centre of Buddhist Studies, The University of Hong Kong. ISBN 978-988-99296-5-7..

5. Kết tập Tam tạng kinh điển ở Myanmar (Miến-điện)

5.1 Kỳ kết tập Tam tạng lần thứ năm ở Myanmar (1871)

Kỳ kết tập Tam tạng lần thứ năm này diễn ra tại Mandalay, Myanmar (Miến-điện) vào năm 1871 dưới triều đại của Vua Mindon. Mục tiêu của cuộc kết tập lần này là tụng niệm tất cả những lời dạy của Đức Phật và kiểm tra những lời dạy này một cách chi tiết, xem xét lại những lời dạy này có bị bóp méo, thay đổi, hoặc bị bỏ sót hay không.

Lần kết tập này được chủ trì bởi ba vị trưởng lão là: Trưởng lão Jagarabhivamsa, Trưởng lão Narindabhidhaja, và Trưởng lão Mahathera Sumangalasami cùng với khoảng 2.400 vị tỳ khưu.

Việc tụng đọc lại kinh điển kéo dài trong năm tháng. Trước khi tụng đọc, toàn bộ Tam tạng được khắc lên 729 phiến đá cẩm thạch bằng tiếng Miến bởi các vị tỳ khưu và các thợ thủ công lành nghề. Hội đồng có nhiệm vụ phê duyệt toàn bộ Tam Tạng trên những phiến đá này 34Bollée in Pratidanam (Kuiper Festschrift), pub Mouton, The Hague/Paris, 1968.. Sau khi hoàn thành, mỗi phiến đã được đặt trong những ngôi tháp ‘Pitaka’ tuyệt đẹp, nhỏ nhắn trên một địa điểm đặc biệt trong khuôn viên chùa Kuthodaw dưới chân đồi Mandalay. “Cuốn sách lớn nhất thế giới” này vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Kỳ kết tập này thường không được công nhận bên ngoài Myanmar35Mendelson, Sangha and State in Burma, Cornell University Press, Ithaca, New York, 1975, pp. 276ff..

5.2 Kỳ kết tập Tam tạng lần thứ sáu ở Myanmar (1954)

Kỳ kết tập Tam tạng lần thứ sáu này được tổ chức tại Kaba Aye ở Yangon (Rangoon) vào năm 1954 (83 năm sau kỳ kết tập Tam tạng lần thứ năm tại Mandalay). Kỳ kết tập này được bảo trợ bởi Chính Phủ Miến Điện do thủ tướng U Nu đứng đầu. Ông cho xây dựng hang động nhân tạo gọi là Maha Passana Guha, mô phỏng theo hang động Sattapanni của Ấn Độ, nơi diễn ra kỳ kết tập Tam tạng lần thứ nhất. Sau khi xây dựng xong, kỳ kết tập đã diễn ra vào ngày 17/05/1954.

Cũng giống như trong các kỳ kết tập trước, mục đích chính là bảo tồn Pháp và Luật. Lần kết tập này rất đặc biệt, bởi có sự tham gia của các vị Tỳ Khưu đến từ tám quốc gia trên thế giới. 2.500 vị tỳ khưu uyên thâm đến từ Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam, Srilanka, Ấn Độ, và Nepal. Đức chỉ có hai vị là Trưởng Lão Nyanatiloka Mahathera và Trưởng Lão Nyanaponika Thera. Cả hai vị đều được mời từ Srilanka. Ngài Trưởng Lão Mahasi Sayadaw được giao nhiệm vụ cao cả là hỏi những câu hỏi bắt buộc thuộc về Giáo Pháp, còn Ngài Trưởng Lão Bhadanta Vicittasarabhivamsa là vị trả lời tất cả những câu hỏi một cách thâm sâu và thoả đáng. Vào khoảng thời gian này, tất cả các quốc gia tham gia đã dịch Tam Tạng bằng tiếng Pāḷi sang ngôn ngữ bản địa, ngoại trừ Ấn Độ.

Việc tụng đọc Kinh Điển mất hai năm và Tam Tạng cùng các văn tự liên quan đều được kiểm tra một cách tỉ mỉ, những điểm khác biệt được ghi lại và chỉnh sửa, sau cùng đối chiếu lại với nhau. Các Ngài Trưởng Lão thấy rằng không có nhiều khác biệt về nội dung của bất kỳ kinh tự nào.

Cuối cùng, sau khi được Hội Đồng Tăng Già phê chuẩn, tất cả Tam Tạng và những chú giải được chuẩn bị để in trên các máy in hiện đại, được xuất bản bằng chữ Miến.

Thành tựu đáng chú ý này có được nhờ sự nỗ lực và tận tâm của 2.500 vị Tỳ khưu cùng đông đảo các Cư Sĩ. Công việc này kết thúc vào tối Vesak, ngày 24/05/1956, đúng hai thiên niên kỷ rưỡi sau ngày Đức Phật tịch diệt Niết-bàn, tính theo niên đại trong truyền thống Phật giáo Nguyên thuỷ.

Biên soạn và dịch
Dhanapālaka

 

  • 1
    “Life of Buddha: The 1st Buddhist Council (Part 2)”, www.buddhanet.net, retrieved 2017-12-30.
  • 2
    Harvey, Peter (2013). An Introduction to Buddhism: Teachings, History, and Practices (2nd ed.). Cambridge, UK: Cambridge University Press. pp. 88-90.
  • 3
    Dī.A. (sumaṅgala.1) Sumaṅgalavilāsinī dīghanikāyaṭṭhakathā sīlakkhandhavaggavaṇṇanā nidānakathā.
  • 4
    Saṅgaṇi.A. (aṭṭhasālinī) Dhammasaṅgiṇī Abhidhamma-Atthakathā Nidānakathā.
  • 5
    “Vajjiputtakā”. palikanon.com. Retrieved 2023-08-25.
  • 6
    Harvey, Peter (2013). An Introduction to Buddhism: Teachings, History, and Practices (2nd ed.). Cambridge, UK: Cambridge University Press. pp. 88-90.
  • 7
    Dhamma Nanda, Các Kỳ Kết Tập Kinh Điển Tam Tạng Pali, Kỳ Thi Tam Tạng & Các Ngài Tam Tạng, theravada.vn
  • 8
    “Vajjiputtakā”. palikanon.com. Retrieved 2023-08-25.
  • 9
    Devalegama Medananda Thero; Ganthune Assaji Thero; Mambulgoda Sumanarathana Thero; Uditha Garusinghe (2017). Buddhism Grade 9 (PDF) (in Sinhala). Educational Publications Department. pp. 120–123. ISBN 978-955-25-0358-0.
  • 10
    Charles Willemen, Bart Dessein, Collett Cox (1998) Sarvāstivāda Buddhist Scholasticism, pp. 45-46. BRILL, Handbuch Der Orientalistik.
  • 11
    Sujato, Bhante (2012), Sects & Sectarianism: The Origins of Buddhist Schools, Santipada, ISBN 978-1921842085.
  • 12
    Harvey, Peter (2013). An Introduction to Buddhism: Teachings, History, and Practices (2nd ed.). Cambridge, UK: Cambridge University Press. pp. 88-90.
  • 13
    Charles Willemen, Bart Dessein, Collett Cox (1998) Sarvāstivāda Buddhist Scholasticism, pp. 45-46. BRILL, Handbuch Der Orientalistik.
  • 14
    Charles Willemen, Bart Dessein, Collett Cox (1998) Sarvāstivāda Buddhist Scholasticism, p. 46. BRILL, Handbuch Der Orientalistik.
  • 15
    Walser, Joseph. Nāgārjuna in Context: Mahāyāna Buddhism and Early Indian Culture. 2005. p. 50.
  • 16
    Berkwitz, Stephen C. South Asian Buddhism: A Survey, Routledge, 2012, p. 44.
  • 17
    Berkwitz, Stephen C. South Asian Buddhism: A Survey, Routledge, 2012, p. 45.
  • 18
    Dhamma Nanda, Các Kỳ Kết Tập Kinh Điển Tam Tạng Pali, Kỳ Thi Tam Tạng & Các Ngài Tam Tạng, theravada.vn
  • 19
    Berkwitz, Stephen C. South Asian Buddhism: A Survey, Routledge, 2012, p. 45.
  • 20
    Charles Willemen, Bart Dessein, Collett Cox (1998) Sarvāstivāda Buddhist Scholasticism, p. 56. BRILL, Handbuch Der Orientalistik.
  • 21
    Sujato, Bhante (2012), Sects & Sectarianism: The Origins of Buddhist Schools, Santipada, ISBN 978-1921842085.
  • 22
    Sujato, Bhante (2012), Sects & Sectarianism: The Origins of Buddhist Schools, Santipada, ISBN 978-1921842085.
  • 23
    Thai Art with Indian Influences, Promsak Jermsawatdi, Abhinav Publications, 1979 p.10ff.
  • 24
    Clement of Alexandria: Stromata, Book 1.
  • 25
    Ullrich R . Kleinhempel, “Traces of Buddhist Presence in Alexandria: Philo and the “Therapeutae””, Научно-теоретический журнал 2019.
  • 26
    Ellawala, H. (1969). Social History of Early Ceylon. Department of Cultural Affairs.
  • 27
    Buswell, Robert; Lopez, Donald S. (2013). The Princeton Dictionary of Buddhism, p. 200. Princeton University Press. ISBN 978-0-691-15786-3.
  • 28
    Dhamma Nanda, Các Kỳ Kết Tập Kinh Điển Tam Tạng Pali, Kỳ Thi Tam Tạng & Các Ngài Tam Tạng, theravada.vn
  • 29
    Handa, O. C.; Hāṇḍā, Omacanda (1994). Buddhist Art & Antiquities of Himachal Pradesh, Up to 8th Century A.D. Indus Publishing. p. 50. ISBN 978-81-85182-99-5.
  • 30
    Handa, O. C.; Hāṇḍā, Omacanda (2001). Buddhist Western Himalaya: A politico-religious history. Indus Publishing. p. 38. ISBN 978-81-7387-124-5.
  • 31
    Handa, O. C.; Hāṇḍā, Omacanda (1994). Buddhist Art & Antiquities of Himachal Pradesh, Up to 8th Century A.D. Indus Publishing. p. 50. ISBN 978-81-85182-99-5.
  • 32
    Willemen, Charles; Dessein, Bart; Cox, Collett. Sarvastivada Buddhist Scholasticism, Handbuch der Orientalistik. Zweite Abteilung. Indien. Brill, 1998, p. XII.
  • 33
    Dhammajoti, K.L. (2009). Sarvāstivāda Abhidharma,p. 57. Centre of Buddhist Studies, The University of Hong Kong. ISBN 978-988-99296-5-7.
  • 34
    Bollée in Pratidanam (Kuiper Festschrift), pub Mouton, The Hague/Paris, 1968.
  • 35
    Mendelson, Sangha and State in Burma, Cornell University Press, Ithaca, New York, 1975, pp. 276ff.