Giảng giải bài Kinh Ariyāvāsa Sutta
Mahāsi Sayādaw
Soạn dịch
Dhanapālaka
(Bản thảo 1)
Giới thiệu
Chủ đề của bài Pháp hôm nay là bài Kinh Ariyāvāsa trong Tăng Chi Bộ Kinh. Bài kinh này chứa đựng những lời dạy của Đức Phật, nên khi thuyết giảng cho người tại gia Cư Sĩ phải rất cẩn thận.
Trong kinh Ariyāvāsa, Đức Phật dạy rằng: “Này các Tỳ-kheo! Có mười nơi an trú của bậc Thánh (Ariyāvāsa-dhamma). Các bậc Thánh đã từng trú ở đó trong quá khứ, hiện tại đang trú ở đó và các vị ấy cũng sẽ trú ở đó trong tương lai.”
Ariya, có nghĩa là Bậc Thánh, còn āvāsa có nghĩa là chỗ trú, vì vậy, Ariyāvāsa có nghĩa là chỗ trú của Bậc Thánh. Bậc thánh có tám loại, bốn loại đầu tiên là đạo (magga) và bốn loại còn lại là quả (phala). Để chỉ ra được bốn bậc thánh đầu tiên, điều đó rất là khó. Bởi vì khoảng thời gian chuyển từ thánh đạo qua thánh quả rất là ngắn, chỉ trong vòng một sát-na. Khi tuệ minh sát chín muồi, thiền sinh thoáng thấy Niết-bàn, và nhờ vào kinh nghiệm tích tắc này mà vị ấy đã đạt được thánh đạo. Sau đó, sự kinh nghiệm về thánh quả (ariya-phala) sẽ diễn ra liền ngay sau đó. Lúc ấy, vị ấy chứng đắc luôn cả thánh quả.
Hai hạng Tỳ-khưu
Kinh Ariyāvāsa được thuyết giảng cho các vị Tỳ-khưu. Có hai hạng Tỳ-khưu, hạng Tỳ-khưu theo Kinh (sutta) và hạng Tỳ-khưu theo Luật (vinaya). Theo chú giải, hạng Tỳ-khưu theo Sutta là chỉ cho bất kỳ những ai thực hành theo Pháp (Dhamma) để giải thoát ra khỏi vòng luân hồi (saṃsāra). Người ấy không nhất thiết phải là thành viên trong Tăng Chúng – người ấy có thể là một vị Chư Thiên (Deva) hay một người Cư Sĩ.
Việc thực hành Pháp sẽ giúp người hành thiền vượt qua được các phiền não. Bằng cách giữ gìn giới luật, thiền sinh sẽ biết cách vượt qua những phiền não (vītikkama kilesā) như, tham ái và sân hận. Chúng là nguyên nhân dẫn đến sát sanh, trộm cướp và các hành động bất thiện khác. Người hành thiền sẽ phát triển được định tâm, nhờ vậy, người ấy sẽ vượt qua được các phiền não phát sanh trong tâm (pariyuṭṭhāna kilesā). Cuối cùng, thiền sinh sẽ diệt trừ được những phiền não ngủ ngầm (anusaya kilesā) thông qua sự phát triển của tuệ giác. Mỗi khoảnh khắc chánh niệm sẽ giúp cho các phiền não ngủ ngầm bị tiêu diệt từ từ. Ví như, một người đẽo một khúc gỗ bằng cái rìu nhỏ – mỗi nhát rìu sẽ giúp loại bỏ đi những miếng gỗ không mong muốn. Bất cứ khi nào thiền sinh có sự tập trung vào các hiện tượng thân và tâm sanh khởi từ sự tiếp xúc của giác quan với các đối tượng bên ngoài (hay còn gọi là tiếp xúc với các trần cảnh), thì các phiền não sẽ trở nên yếu dần đi. Một thiền sinh như vậy được gọi là một vị Tỳ-khưu theo Kinh.
Vị Tỳ-khưu theo luật là vị sống một cuộc sống phạm hạnh dựa vào Luật (vinaya). Vào thời Đức Phật, Ngài đã truyền giới cho một số vị bằng cách gọi, “Hãy tới đây, Tỳ-khưu”. Tuy nhiên, hầu hết Tăng Đoàn đều được truyền giới theo Luật.
Tỳ-khưu được nhắc đến trong Kinh Ariyāvāsa là một vị Tỳ-khưu theo Kinh (sutta-bhikkhu), một thuật ngữ dành cho bất kỳ người nào, Chư Thiên nào hay Phạm Thiên nào thực hành Pháp.
Đức Phật thuyết bài Kinh Ariyāvāsa để cho chúng ta có thể sống ở nơi mà các bậc Thánh đang sống, ở đó, chúng ta chắc chắn sẽ an toàn và được bảo vệ khỏi những nguy hiểm của luân hồi. Sự nguy hiểm của luân hồi còn đáng sợ hơn một người sống trong một ngôi nhà mà không được bảo vệ. Chúng sẽ theo chúng ta từ kiếp này sang kiếp khác. Một người có thể bị rơi vào đọa xứ, cõi thấp kém của loài Ngạ Quỷ (peta) hay súc sanh. Người ấy phải chịu đau khổ trong một thời gian dài hay tái sanh làm một người nghèo khổ, phải chật vật kiếm sống. Thậm chí, họ còn phải đối mặt với nhiều sự khó khăn, những bất hạnh trong cuộc sống – cái già, bệnh tật và cái chết. Đây là những hiểm họa của luân hồi, nó liên tục nhấn chìm những ai không muốn đến sống ở nơi các bậc Thánh sống, hay nói cách khác, nó nhấn chìm những ai không thực hành Ariyāvāsa-dhamma.
Mười pháp Ariyāvāsa
Có mười pháp Ariyāvāsa:
1. Loại bỏ năm triền cái (năm chướng ngại).
2. Thu thúc sáu căn (kiểm soát sáu giác quan).
3. Có sự hiện diện của Chánh Niệm.
4. Một người sống nơi các Bậc Thánh phải có bốn Pháp hỗ trợ.
5. Từ bỏ sự hiểu biết cá nhân về chân lý (paccekasacca).
6. Từ bỏ mọi sự mong cầu, tìm kiếm.
7. Tâm trong sáng và thanh tịnh.
8. Thân hành an tịnh (passaddha kāya saṅkhāra). Kāyasaṅkhāra, có nghĩa là hơi thở vào, hơi thở ra. Pháp này đòi hỏi thiền sinh phải đạt tới tứ thiền, dựa trên tứ thiền để chấm dứt hơi thở vào, hơi thở ra. Sự kinh nghiệm trong tứ thiền có thể hấp dẫn nhiều người đến để hành thiền. Nhưng điều quan trọng là chứng ngộ Đạo Quả A-la-hán và diệt trừ mọi ô nhiễm trong tâm, vì có một số vị chứng ngộ A-la-hán mà không chứng đắc tứ thiền.
9. Tâm giải thoát.
10. Biết rằng tâm đã được giải thoát khỏi tất cả phiền não.
Tâm giải thoát và biết rằng tâm đã được giải thoát khỏi tất cả phiền não. Với cái biết như vậy, vị ấy đã hoàn toàn được giải thoát.
Người Vệ Sĩ – Chánh Niệm
Chúng ta sẽ bắt đầu giải thích pháp thứ ba, chánh niệm. Chánh niệm là chìa khóa để hiểu được Kinh Ariyāvāsa. Chánh niệm là điều cốt lõi trong thực hành Ariyāvāsa-dhamma. Đây là đặc tánh của một vị Thánh A-la-hán. Chú giải nói rằng, vị Thánh A-la-hán vẫn chánh niệm ngay cả khi đang ngủ. Điều này ám chỉ rằng, vị ấy có chánh niệm trước khi ngủ và ngay sau khi thức dậy. Không thể có chánh niệm khi đang ngủ say. Điều quan trọng là vị Thánh A-la-hán luôn chánh niệm trong mọi hành động về Thân, Khẩu hay Ý.
Chánh niệm không phát triển một cách đột ngột sau khi chứng đắc đạo quả A-la-hán. Chánh niệm phát triển dần dần, nó là kết quả của việc nỗ lực và thực hành trước đó. Chánh niệm ở giai đoạn Bất Lai (anāgāmi) có được là do sự vun bồi ở giai đoạn Nhất Lai (sakadāgāmi). Và vị Thánh Nhất Lai có được chánh niệm tốt đẹp nhờ nền tảng chánh niệm khi còn ở giai đoạn Nhập Lưu (sotāpanna).
Một vị Nhập Lưu, ở giai đoạn đầu tiên của Thánh Đạo, vị ấy vẫn chưa thoát khỏi hết tham ái, sân hận, vô minh và ngã mạn. Tuy nhiên, khuynh hướng bất thiện không đủ mạnh để dẫn dắt vị ấy phạm giới sát sanh, trộm cắp hay làm những việc làm bất thiện khác. Bởi vì vị Thánh Nhập Lưu có chánh niệm, và chánh niệm giúp cho vị ấy luôn cảnh giác. Đức Phật dạy rằng, “Một vị Nhập Lưu sẽ tránh xa những việc làm xấu ác, là nhân để rơi vào đọa xứ. Do đó, vị ấy không còn sát sanh nữa”. Vì vậy, thiện tín nên tin tưởng vào Đức Phật và hành thiền một cách nghiêm túc.
Khi thiền sinh tiến bộ trong thiền tập, thiền sinh sẽ biết được chánh niệm là gì. Khi nhìn thấy một đối tượng ưa thích, chúng ta mong muốn nó, và khi đối mặt với điều khó chịu, thì chúng ta lại ghét bỏ nó. Như vậy, thiền sinh vẫn chưa thoát khỏi những cảm xúc bất thiện này, nhưng chánh niệm giúp thiền sinh kiểm soát chúng. Chúng sẽ mất dần sức mạnh và héo mòn đi. Chúng không còn bị mất kiểm soát như những người không thiền tập. Và chúng không đủ mạnh để kéo một vị Thánh Nhập Lưu phạm vào điều xấu ác.
Phương pháp Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna)
Chánh niệm là yếu tố rất quan trọng trong quá trình tu tập của thiền sinh trên con đường cao thượng. Thực hành chánh niệm phải bắt đầu khi thiền sinh chỉ là một người bình thường. Hãy thực hành quán chiếu, ghi nhận tất cả các hiện tượng của tâm sanh khởi từ nơi sáu cửa giác quan, đó là nền tảng của chánh niệm hay còn gọi là niệm xứ (satipaṭṭhāna). Chánh niệm có nghĩa là nhận thức đầy đủ về tất cả các hiện tượng thân và tâm. Nó rất dễ thực hành. Sư dạy phương pháp này chính xác như những gì Đức Phật đã dạy.
“Gacchanto vā gacchāmī ‘ti pajānāti” – “Khi đi, biết rằng đang đi”.
Đây là lời chỉ dẫn đơn giản của Đức Phật trong Kinh Satipaṭṭhāna. Không có gì khó khăn khi nói rằng, một người sẽ nhận biết được sự thật khi đang đi, nếu người ấy đã phân tách được thân, tâm, v.v… Lời chỉ dẫn rất đơn gian mà bất kỳ ai cũng có thể thực hành theo.
Một số người nói rằng, thiền sinh không nên niệm thầm hay nghĩ trong đầu là “tôi đi”, vì như vậy sẽ tự xem là có tự ngã.
Có ba khía của của tự ngã. Đầu tiên là niềm tin vào cái ngã như một linh hồn. Thứ hai là quan điểm về cái ngã dựa trên sự tự phụ và kiêu mạn. Trong khi, quan điểm về cái ngã thứ ba chỉ là một thuật ngữ thông thường cho ngôi số ít để phân biệt với những ngôi khác. Đây là một thuật ngữ thông dụng có thể tìm thấy trong lời dạy của Đức Phật và các vị A-la-hán.
Vì vậy, Sư hướng dẫn thiền sinh ghi nhận mọi hiện tượng theo thuật ngữ thông thường, thí dụ, ghi nhận ‘đi, đi’ bất cứ khi nào họ đang đi. Khi định tâm được phát triển mạnh mẽ, các thuật ngữ thông thường sẽ không còn dùng đến nữa, chỉ có sự sanh và diệt liên tục không ngừng của các hiện tượng.
Sự nghi ngờ ban đầu
Một số người chưa hành thiền có thể sẽ có một số nghi ngờ, điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì có thấy mới có tin. Sự hoài nghi của họ là do họ chưa có kinh nghiệm trong hành thiền. Sư cũng đã từng có hoài nghi. Khi đó, Sư không thích phương pháp Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna), vì nó không để cập đến thân – tâm (nāma – rūpa), vô thường (anicca), vô ngã (anatta), v.v… Tuy nhiên, do vị Sayadaw này là một vị thầy uyên bác, nên Sư quyết định thử. Lúc đầu, Sư không có sự tiến bộ, vì Sư còn sự nghi ngờ về phương pháp này, theo quan điểm của Sư lúc đó thì nó chẳng có liên quan gì đến thực tại tối hậu cả.
Chỉ sau này, khi sư đã hành thiền phương pháp này một cách nghiêm túc thì sư mới nhận ra ý nghĩa của nó. Khi đó, sư nhận ra rằng, đây là phương pháp hành thiền tốt nhất, vì nó đòi hỏi sự chú ý đến mọi đối tượng được nhận biết, nên không còn chỗ để đãng trí nữa. Đó là tại sao, Đức Phật lại mô tả Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna) là ekāyano-maggo, tức là con đường độc nhất.
Sự phát triển của Định
Lúc đầu, thiền sinh coi những đối tượng thông qua các giác quan là nguyên liệu thô cho tiến trình hành thiền của mình và ghi nhận ‘đi, đi’, ‘cúi xuống, xúi xuống’, v.v… Khi định tâm phát triển, thiền sinh sẽ nhận thức được tất cả các hiện tượng thân và tâm sanh ra từ sáu giác quan. Cuối cùng, thiền sinh chỉ chú tâm vào sự liên tục biến mất của cái tâm biết và các đối tượng giác quan. Do đó, thiền sinh sẽ không còn thấy bất cứ điều gì là thường hằng, khả ái, không có gì là điểm tựa cho cái gọi là tự ngã nữa.
Tại trung tâm thiền này, thiền sinh bắt đầu thực hành chánh niệm bằng cách ghi nhận sự phồng lên và xẹp xuống của bụng khi hít vào, thở ra. Sau đó, tất cả những diễn biến của tâm như, suy nghĩ, cảm giác hay tưởng tượng đều phải được ghi nhận. Thiền sinh kiên trì giữ cho tâm thật bận rộn trong việc ghi nhận các đối tượng ấy, một thời gian sau, thiền sinh sẽ biết được tất cả các hiện tượng thân và tâm sẽ diễn ra trong khi thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ. Khi ấy, thiền sinh đã thực hiện đúng theo lời dạy của Kinh Ariyāvāsa, chú trọng đến sự tự thu thúc và có chánh niệm.
Trí tuệ thực chứng
Phương pháp hành thiền này không đòi hỏi phải có kiến thức chuyên sâu về thân và tâm (nāma-rūpa), hay vô thường (anicca) và các khái niệm khác trong Phật Giáo. Mục tiêu chính là đạt được tuệ minh sát, để có được tuệ minh sát thì cần phải hành thiền. Với kinh nghiệm của mình, thiền sinh quan sát được sự khác biệt giữa thân và tâm, đồng thời, nhận ra đặc tánh vô thường của mọi đối tượng. Sự hiểu biết có thể được hiểu sâu sắc hơn bằng lời giải thích của vị hướng dẫn. Trí tuệ thực chứng không liên quan đến các khái niệm có sẵn, mà phải dựa trên kinh nghiệm cá nhân.
Trí tuệ thực chứng mà thiền sinh đạt được khi nhìn thấy sự biến diệt của mọi đối tượng một cách rõ ràng và riêng biệt. Đây gọi là tuệ biến diệt (bhaṅgañāṇa). Trí tuệ này của thiền sinh không phải đến từ Kinh sách hay vị thầy hướng dẫn, mà nó đến từ kinh nghiệm thực chứng. Khi thiền sinh tiếp tục hành thiền, chánh niệm sẽ phát triển cho đến khi đạt tới giai đoạn cuối cùng của thánh đạo.
Chánh niệm rất quan trọng. Nó giúp phát triển định và làm cho trí tuệ trở nên sắc bén. Nghĩa là thiền sinh phải luôn cảnh giác và an trú nơi sống của các bậc Thánh, nơi bảo vệ thiền sinh khỏi những nguy hiểm của luân hồi. Để an trú trong chỗ của bậc Thánh, thiền sinh phải có lòng tin, sự quyết tâm và tinh tấn.
Không thể làm bất kỳ điều gì mà không có lòng tin. Thiền sinh thực hành chánh niệm chỉ khi nào thiền sinh tin rằng, nó sẽ giúp thiền sinh phát triển tuệ minh sát. Tuy nhiên, có lòng tin thôi vẫn chưa đủ. Thiền sinh cũng cần phải có một ý chí mạnh mẽ và tinh tấn không ngừng để chứng ngộ đạo, quả và niết-bàn. Việc sở hữu những phẩm chất như vậy là điều rất cần thiết để đạt tới thành công trong việc thực hành chánh niệm, đồng thời có được sự an toàn khi an trú trong chỗ ở của các bậc Thánh.
Câu chuyện về Tambadāṭhika
Chánh niệm dù chỉ trong một vài khoảnh khắc cũng bảo vệ thiền sinh khỏi những nguy hiểm của luân hồi, như trong câu chuyện về Tambadāṭhika1Pháp cú câu 100..
Tambadāṭhika là một tên đao phủ thời Đức Phật còn tại thế. Vào ngày xuất gia của mình, vị ấy đang thọ dùng món cháo sữa, khi thấy Tôn giả Xá-lợi-phất (Sāriputta) đi tới, vì lòng tin mạnh mẽ, nên Tambadāṭhika đã dâng món cháo sữa cho Ngài. Sau khi thọ dụng xong, vị trưởng lão đã thuyết về bố thí, giới hạnh, thiền minh sát và thánh đạo. Nhưng Tambadāṭhika không thể nào nghe Pháp một cách tốt đẹp, bởi những suy nghĩ về các việc làm ác trong quá khứ làm cho tâm Ngài hối hận. Ngài đã kể cho vị trưởng lão nghe về nỗi bất hạnh của mình.
Khi được hỏi, Tambadāṭhika nói rằng, vị ấy không làm những việc xấu ác ý tự do theo ý của mình, mà vị ấy phải thực hiện theo mệnh lệnh của Đức Vua. Trong trường hợp đó, Tôn giả Sāriputta hỏi, ‘những điều ác đó có phải do chính ông tạo ra không?’ Câu hỏi này đã xử sự một cách khéo léo để xoa dịu lương tâm của Tambadāṭhika. Khi vị ấy không còn lo lắng nữa, vị ấy suy nghĩ về bài pháp của ngài trưởng lão và đạt tới tuệ thuận thứ (anuloma-ñāṇa). Chú giải Kinh Pháp Cú (Dhammapada) xác định trí tuệ này còn cao hơn tuệ hành xả.
Các Đức-Bồ-Tát thực hành thiền cho đến khi các vị ấy đạt được Tuệ Thuận Thứ (anulomañāṇa), nhưng đó không phải là đạo lộ (magga-vīthi). Việc chứng ngộ Tuệ Thuận Thứ (anulomañāṇa) trong Đạo Lộ, đồng nghĩa với việc chứng ngộ Đạo và Quả. Tuy nhiên, Đức-Bồ-Tát chỉ có thể đạt được mục tiêu của Đạo trong kiếp chót, khi Ngài sắp chứng đắc Phật Quả. Vì vậy, Tuệ Thuận Thứ (anulomañāṇa) của các Đức-Bồ-Tát là ám chỉ cho giai đoạn Tuệ Hành Xả.
Tôn giả Tambadāṭhika bắt đầu có được chánh niệm nhờ vào kinh nghiệm của vị ấy. Ngay sau đó, Ngài bị một con bò húc chết. Cái chết của Ngài đã trở thành chủ đề bàn tán của các vị Tỳ-khưu. Các vị Tỳ-khưu rất ngạc nhiên khi nghe Đức-Phật nói rằng, Tôn giả Tambadāṭhika đã tái sanh lên cõi trời Đâu-suất (Tusita). Bất chấp những hành động xấu ác trong quá khứ, chánh niệm của Ngài trong những khoảnh khắc cuối đời đã bảo vệ Ngài khỏi những nguy hiểm của đọa xứ.
Thông qua hành thiền, chánh niệm có thể trở nên tự phát như trong trường hợp của bà tín nữ Dhanañjānī. Chồng bà đã nói rằng, bà không được nói bất kỳ lời nào tán thán về Đức Phật trong khi ông tiếp đãi các vị Bà-la-môn. Nhưng, khi bà bị té, bà thốt lên “Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa – Kính lễ Đức Thế Tôn, Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác.”
Chánh niệm khi đối mặt với đau khổ và cái chết rất là quan trọng, vì nó giúp tiêu trừ bớt sự đau đớn và hỗ trợ cho sự tái sanh diễn ra tốt đẹp. Một người muốn phát triển chánh niệm cần có bốn sự hỗ trợ. Thứ nhất, cần phải có quần áo, thức ăn, thuốc men và chỗ ở. Những thứ đó là những thứ cơ bản cần để sống. Việc từ chối chúng cũng giống như tự hành xác, một số tôn giáo thời Ấn Độ cổ đại đã thực hành như vậy. Bản thân Đức-Bồ-Tát cũng đã từng thực hành, nhưng Ngài đã từ bỏ khi nhận ra rằng nó không có mục đích. Con đường của Đức Phật là con đường trung đạo, tức là không khổ hạnh ép xác mà cũng không đắm chìm trong dục lạc.
Sự hỗ trợ thứ hai là sức mạnh tinh tấn để quán chiếu nỗi đau về thân và tâm. Người ta nên chuẩn bị đối mặt với những khó khăn hoặc thậm chí là cái chết để đạt được tuệ giác minh sát. Thiền không gây hại cho sức khỏe của ai cả; ngược lại nó còn có lợi cho họ. Điều này đã được nhiều thiền sinh chứng minh, các vị ấy lấy lại được sức khỏe sau khi hành thiền một thời gian. Một thiền sinh nữ hành thiền đã thoát khỏi khối u ở bụng, do đó, vị ấy không cần phải đi phẫu thuật theo lời khuyên của bác sĩ.
Thiền sinh nên kham nhẫn với cơn đau, càng nhiều càng tốt. “Kham nhẫn dẫn tới niết-bàn”, một câu tục ngữ Miến Điện. Nếu một thiền sinh bồn chồn khi có bất kỳ cảm giác nào khó chịu sanh khởi, thiền sinh ấy sẽ không đạt được định tâm, và nếu không có định tâm thì cũng sẽ không có được trí tuệ. Vì vậy, kham nhẫn hay sức mạnh của tâm là một trong những điều hỗ trợ cho thiền sinh hành thiền.
Những điều kiêng tránh
Sự hỗ trợ thứ ba là thiền sinh nên kiêng tránh những điều không phù hợp. Tức là, thiền sinh không nên đến những nơi không thích hợp. Đặc biệt là tiếp xúc thân mật với người khác giới. Tóm lại, thiền sinh nên tránh xa những gì có thể gây ra sự tổn hại về thân hay giới hạnh.
Sự hỗ trợ thứ tư là thiền sinh kiêng tránh những suy nghĩ bất thiện thuộc về tham dục, ác ý hay sân hận. Thật khó để vượt qua những suy nghĩ bất thiện, vì hầu hết mọi người thường có xu hướng nghĩ về những đối tượng mà họ thích hay ghét. Thiền sinh nên cảnh giác với những suy nghĩ này và kiêng tránh chúng. Một số thiền sinh thấy điều này rất khó khăn, vì họ quen để tâm của mình lang thang đây đó. Việc theo dõi tâm đối với họ là một gánh nặng, nhưng chỉ cần liên tục nỗ lực trong hai hay ba ngày thì họ sẽ có được thói quen tỉnh giác.
Những người ngoại quốc đến trung tâm thiền thường thích đọc và viết. Điều này dẫn đến những suy nghĩ lan man, nó cản trở sự phát triển của chánh niệm. Khi họ được khuyên là không nên đọc hay viết. Họ có thể phẫn nộ, nhưng họ sẽ sớm quen với nó và thấy rằng điều đó sẽ giúp ích cho việc hành thiền của họ. Ông Duval, một người đến từ Mỹ đã dành nhiều tháng hành thiền tại đây. Ông rất ấn tượng với phương pháp Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna), vì nó giúp ông đạt được trí tuệ minh sát. Ông nghĩ rằng, nó sẽ có rất nhiều lợi ích cho người Tây Phương, những người không có được sự bình an trong nội tâm mặc dầu họ rất giàu có về mặt vật chất.
Năm triền cái (hay còn gọi là năm chướng ngại)
Bằng cách chánh niệm liên tục, thiền sinh tìm cách loại bỏ năm chướng ngại (nīvaraṇa), đó là: tham dục, sân hận, biếng nhác, bồn chồn và nghi ngờ. Những chướng ngại này chặn đường đi tới Niết-bàn, vì vậy, việc loại bỏ chúng là Ariyāvāsa-dhamma đầu tiên.
Tham dục là sự mong cầu các đối tượng giác quan dễ chịu, đáng hài lòng, như: sắc, thanh, hương, vị, v.v… Ở đây, các đối tượng giác quan không chỉ là những đối tượng trực tiếp gây ra những cảm giác dễ chịu, mà còn là tất cả những đối tượng khác có liên quan. Do đó, các đối tượng âm thanh, không chỉ đơn thuần là âm thanh mà còn ám chỉ người chơi nhạc cụ nữa. Mùi hương cũng tương tự như vậy, nó không chỉ là mùi hương mà còn có đối tượng sử dụng chúng. Tóm lại, tất cả các đối tượng của tham dục đều là các đối tượng giác quan.
Sự thích thú trong các đối tượng giác quan là nhân gây ra sự xung đột giữa người với người, giữa các quốc gia với nhau. Tuy nhiên, con người hiện đại lại quá thích thú và đắm chìm trong những thú vui do các giác quan mang lại. Đối với họ, đó là mục tiêu tối hậu trong cuộc đời, họ phải kiếm nó bằng mọi cách có thể, bất kể có đạo đức hay không. Theo Đức Phật, sự tham muốn trong ái dục cũng giống như một món nợ khiến người ta bị trói buộc. Cũng như một con nợ phải đối xử lịch sự với chủ nợ, người ta tôn trọng các đối tượng tham dục của chính mình. Nếu nó là một đối tượng vô tri, người ta phải cất giữ nó ở một nơi được khóa lại cẩn thận. Còn nếu đó là một người mà họ thương, họ sẽ không làm bất cứ điều gì để cho người đó phật lòng.
Nếu một người không còn tham dục, người ấy sẽ không còn phải lo lắng về bất kỳ đối tượng nào hay chúng sanh nào. Cách tốt nhất để vượt qua tham dục là liên tục quán sát và ghi nhận nó. Thiền sinh nên tập trung vào nó và truy tìm gốc gác của nó. Nếu thiền sinh tập trung vào tham dục với sự kiên trì cùng ý chí mạnh mẽ, nó sẽ biến mất, khi đó, thiền sinh sẽ chắc chắn có được chỗ an trú của Bậc Thánh.
Những ai ở bên ngoài chỗ của các Bậc Thánh, họ vẫn còn bám víu vào các đối tượng giác quan, đôi khi, chúng dẫn họ đến sự đau khổ, thậm chí là cái chết. Vào thời Đức Phật, một vị Tỳ-khưu quá thích chiếc Y của mình khi còn nằm trên giường bệnh, sau khi chết, vị ấy tái sanh làm con rận trong chiếc Y đó. Những người nghi ngờ có thể chế giễu câu chuyện này. Họ nói rằng, một hột me không thể mọc thành cây khác ngoài cây me, hay vàng không thể trở lại thành quặng trong mỏ vàng, và rằng, một người không thể tái sanh dưới dạng một kiếp sống thấp kém hơn. Tuy nhiên, điều đó không đúng với lời dạy của Đức Phật.
Trên thực tế, không có một chúng sanh nào cả – cuộc sống chỉ là một quá trình của thân và tâm, và thân là yếu tố quyết định. Theo lý duyên khởi, cách hành (saṅkhārā) là duyên sanh do vô minh. Điều này dẫn đến thức, v.v… Khi một kiếp sống mới sanh khởi, đó không phải là thân và tâm của kiếp sống quá khứ, mà đó là kết quả vận hành của nghiệp.
Hơn nữa, không có cái gọi là tâm lớn hay tâm nhỏ. Tâm của một người về cơ bản thì không có gì khác so với loài thú. Nó có thể ở trạng thái thấp hơn, như trường hợp một người bị điên loạn hay bị bệnh dại. Không có cơ sở nào chắc chắn rằng, một người không thể bị đọa xuống cõi thấp hơn sau khi chết.
Vì vậy, tâm thanh tịnh của một người sắp chết thấm nhuần đức tin, ý thiện lành sẽ đảm bảo cho sự tái sanh tốt đẹp hơn so với tâm ô nhiềm đày dãy tham lam, hận thù và ác ý. Bởi vì, các trạng thái tâm bất thiện sẽ dẫn người ta đọa xuống cõi thấp hơn. Chúng ta không cần phải thắc mắc, làm thế nào mà tâm có thể sanh khởi ở những nơi xa xôi như ở cõi trời hay địa ngục. Tâm không phải là vật chất, vì vậy, khoảng cách không phải là vấn đề với nó. Cái chết có nghĩa là sự chấm dứt sát-na tâm cuối cùng và sự sanh lên của sát-na tâm tái tục. Đối với người sắp chết, trạng thái tâm cuối cùng rất quan trọng, nếu lúc đó tâm bị ô nhiễm, nó sẽ dẫn người ấy rơi xuống đọa xứ mặc dù người ấy sống một cuộc sống có giới hạnh.
Đó là lý do tại sao Đức Phật hướng dẫn các vị Tỳ-khưu phải thu thúc trong khi ăn, trong khi dùng thuốc men, y phục và chỗ ở. Các vị ấy chỉ nên sử dụng chúng để đáp ứng nhu cầu cơ bản trong cuộc sống và tránh xa sự tham dục đối với chúng. Một người nên suy tư về tánh vô thường (biến đổi) và vô ngã (trống rỗng) của các đối tượng giác quan, để vượt qua sự dính mắc đối với chúng. Nhưng phương pháp tốt nhất vẫn là quán sát, ghi nhận sự sanh và diệt của tham ái.
Lời chỉ dẫn này rất quan trọng đối với người tại gia, bởi vì họ có quá nhiều sự dính mắc và gặp nhiều sự nguy hiểm cho kiếp sau. Họ có thể tránh được sự nguy hiểm đó thông qua việc thực hành Ariyāvāsa Dhamma. Trước tiên, người ấy phải có lòng tin xuất phát từ sự hiểu biết sâu sắc về lời dạy của Đức Phật. Tuy nhiên, đặc tánh của giáo Pháp cần phải được thực chứng theo ân đức ‘ehipassiko’ – ‘Đến để mà thấy!’ Đối với những ai quy y Đức Phật, việc thực hành pháp là điều vô cùng quan trọng.
Hầu hết, các vị Tỳ-khưu đệ tử Phật đều đạt tới những giai đoạn giác ngộ khác nhau, vì các vị ấy hành thiền niệm xứ (Satipaṭṭhāna) một cách nhiệt thành. Các vị ấy không bao giờ làm hay nói bất kỳ điều gì một cách vô ý thức. Phong thái điềm tĩnh và nhẹ nhàng của các vị ấy thậm chí còn gây ấn tượng với các du sĩ ngoại đạo. Du sĩ Kandaraka đã thể hiện sự tôn kính đối với những vị ấy, bởi các Ngài có được sự điềm tĩnh và thu thúc. Và người bạn của ông là cư sĩ Pessa cũng thế. Họ tôn kính lời dạy của Đức Phật, bởi những lời dạy này đã giúp người ta bỏ ác làm lành. Nhưng do bởi ông bận tâm với các công việc thế gian, nên không nghe hết bài Pháp của Đức Phật hay thực hành Pháp một cách thấu đáo. Có những lý do khiến nhiều người như Pessa không chứng đắc được bất kỳ giai đoạn nào trong Thánh Đạo. Bởi họ không được tiếp cận với những vị thầy uyên bác và có kiến thức sâu sắc trong giáo Pháp. Kết giao với một người bạn xấu hoặc một tà sư là điều rất tai hại. Hoàng tử A-xà-thế (Ajātasattu) đã giết chết cha mình theo sự xúi giục của vị Thầy là Đề-bà-đạt-đa (Devadatta).
Có được một vị Thầy giỏi, một người bạn tốt có sự hiểu biết sâu sắc về Giáo Pháp sẽ giúp một người nhận ra rằng, chánh niệm là một phương thuốc hiệu quả để giải độc phiền não. Chúng ta cần phải quán chiếu và ghi nhận tất cả những cảm giác sanh khởi từ sự tiếp xúc của chúng ta với thế giới bên ngoài. Chúng ta nên ghi nhận các cảm giác nơi thân khi có sự chuyển động diễn ra. Chúng ta cũng nên ghi nhận và chánh niệm về các tiến trình tâm của mình. Bằng cách ghi nhận tất cả các trạng thái của tâm, chúng ta sẽ bảo vệ được bản thân tránh xa khỏi những suy nghĩ và cảm xúc bất thiện.
Mặc dầu có mười Ariyāvāsa Dhamma, nhưng nếu chỉ có chánh niệm thôi cũng đủ đảm bảo để chứng ngộ Niết-bàn. Chánh niệm là nền tảng của Giáo Pháp. Điều này được chứng minh qua câu nói cuối cùng của Đức Phật, “Vayadhammā saṅkhārā appamādena sampādetha”, tức là “Này các Tỳ-khưu, đây là lời cuối cùng ta khuyên dạy cho các ngươi, các pháp hữu vi là vô thường, sẽ có sự hoại diệt. Hãy tự cứu lấy chính mình bằng chánh niệm.”
Các hành (saṅkhārā) là vô thường. Hầu hết, mọi người không coi trọng sự thật này. Họ tin vào cái ngã và sự thường hằng của cái ngã.
‘saṅkhārā’ có nghĩa là các hiện tượng thân và tâm đều có nhân; ‘vayadhammā’ có nghĩa là chúng có bản chất hoại diệt. Giải thoát khỏi sự hiện hữu, vốn có nhân, có sự biến đổi và bất toại nguyện, chính là Niết-bàn. Và con đường dẫn đến đó nằm trong lời dạy cuối cùng của Đức Phật: ‘Appamādena sampādetha’ – ‘Hãy thực hành cho đến khi đạt được chánh niệm liên tục, chớ có dễ duôi.’
Các chú giải mô tả lời khuyên này là cốt lõi trong lời dạy của Đức Phật. Chủ đề chính của kinh Ariyāvāsa là nhấn mạnh tầm quan trọng của chánh niệm. Thông qua việc thực hành chánh niệm, thiền sinh sẽ đạt được giai đoạn đầu tiên trên thánh đạo, lúc đó thiền sinh sẽ thoát ra khỏi những tham dục thô thiển có khả năng kéo xuống đọa xứ. Ở giai đoạn thứ ba, thiền sinh hoàn toàn thoát ra khỏi những tham dục. Ở giai đoạn cuối cùng, thiền sinh sẽ đoạn trừ được tất cả tham dục trong cõi sắc giới và cõi vô sắc giới.
Sân hận (vyāpāda) là chướng ngại thứ hai trong Thánh Đạo. Nó giống như một căn bệnh gây ra sự chán ăn và khiến bệnh nhân chở nên chán nản, mệt mỏi. Sân hận khiến một người trở nên cáu kỉnh, nóng nảy và đầy nghi ngờ. Người ta thậm chí còn nghi ngờ bạn của họ, khi người ấy có một mối quan hệ tốt với người mà họ ghét. Người có sân hận nên tự coi mình đang bị bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, căn bệnh sẽ trở nên nặng hơn và dẫn người ta đi tới cái chết. Nếu sân hận không được kiểm soát, nó sẽ gây ra những thảm họa vẫn thường thấy trên truyền thông đại chúng.
Một số người có vẻ như rất tốt bụng khi họ thấy rằng mọi thứ diễn ra đều dễ chịu, nhưng khi có điều gì đó khiến họ không hài lòng, thì sự sân hận trong họ sẽ bùng nổ. Trong Kinh có câu chuyện về Vedehikā, một nữ nhân nổi tiếng bởi cách ứng xử hòa nhã. Tuy nhiên, người hầu gái lại có sự nghi ngờ về điều ấy, vì vậy, một ngày nọ, người ấy cố tình ngủ dậy muộn để thử thách bà chủ của mình. Sau đó, Vedehikā đã nổi cơn thịnh nộ và bộc lộ bản chất của mình.
Sự sân hận là nhân gây ra bất hòa, xung đột, cãi vã và bất hạnh của nhân loại. Chúng ta có xu hướng tức giận với người thân, đồng nghiệp và hàng xóm, nhưng họ lại là những người chúng ta cần vào những lúc khó khăn.
Để có được sự hòa hợp, hiểu biết lẫn nhau, chúng ta nên diệt trừ căn bệnh này. Nếu căn bệnh này lây nhiễm cho chúng ta, hãy chữa trị chúng kịp thời. Khi sân hận, hãy ghi nhận cơn sân của mình và loại bỏ nó. Đừng để nó ảnh hưởng đến lời nói và hành động của chúng ta. Nếu một người thực sự sân hận, người ấy không nên nói quá nhiều.
Chướng ngại thứ ba trong thánh đạo là sự biếng nhác hay lười biếng. Một người biếng nhác không cố gắng học hay hành Pháp, vì vậy, họ không thể nào có được sự tiến bộ trên con đường tâm linh. Đặc biệt, họ không thể nào có được trí tuệ minh sát như những thiền sinh có sự quyết tâm, tinh tấn. Đồng thời, cũng sẽ không bao giờ kinh nghiệm được những trạng thái của thiền mang lại.
Chướng ngại thứ tư là bồn chồn và hối hận (uddhacca kukkucca). Bồn chồn có nghĩa là tâm lang thang và không ổn định. Hối hận có nghĩa là sự hối tiếc về những sai lầm mà một người mắc phải. Cả hai trạng thái tâm này cần phải được loại bỏ, vì chúng cản trở sự tiến bộ trên thánh đạo.
Chướng ngại thứ năm là nghi ngờ (vicikicchā). Đó là sự nghi ngờ về Phật, Pháp và Tăng. Một người quá nghi ngờ hay do dự quá nhiều, thì người ấy sẽ chẳng thể thành tựu bất cứ điều gì. Người nghi ngờ sẽ gặp đau khổ, cũng giống như một người thiếu hành động quyết đoán trong những vấn đề quan trọng. Lòng tin trái ngược với nghi ngờ – nó cho phép thiền sinh làm theo lời chỉ dẫn của vị thầy hướng dẫn một cách đúng Pháp.
Tứ đại
Thiền sinh có thể ghi nhận bất kỳ uẩn nào trong năm uẩn. Tốt nhiên là bắt đầu với sự ghi nhận phồng lên và xẹp xuống của bụng, đây là biểu hiện của yếu tố chuyển động. Chuyển động hay còn gọi là gió (vāyo), một trong bốn tứ đại. Theo các Chú Giải, những ai chưa đạt được sự an tịnh (samatha), nên bắt đầu bằng tứ đại. Còn khi đã chứng đắc thiền thì có thể bắt đầu với quán tâm. Ba yếu tố còn lại là đất – đặc tánh cứng, mềm (paṭhavī), lửa – đặc tánh nóng, lạnh, ấm (tejo), và nước – đặc tánh lỏng, ướt (āpo).
Chúng ta nên bắt đầu hành thiền với những đối tượng rõ ràng và dễ dàng. Đức Phật đã chỉ ra một phương pháp hành thiền rất đơn giản, đó là quán bốn oai nghi (hay còn gọi quán bốn tư thế: đi, đứng, nằm, ngồi). Ngài khuyên các đệ tử của mình nên chú tâm vào những gì các vị ấy đang làm. Lời khuyên này đơn giản đến mức nhiều người không coi trọng nó. Họ cho rằng vì nó không đề cập tới thân (rūpa), tâm (nāma), v.v… nên nó không có liên quan đến thực tại tối hậu.
Trong một cuốn sách của mình, Ngài Ledi Sayādaw có nói, “khi đi, hãy tập trung vào từng bước đi”. Điều này hoàn toàn phù hợp với lời dạy của Đức Phật, “khi đi, nên biết rằng đang đi”. Khi một người ghi nhận ‘đi, đi’, định tâm họ sẽ được phát triển, và cuối cùng họ nhận ra rằng, sự chuyển động này của thân là do tâm làm nhân.
Một người cũng nên ghi nhận sự thay đổi về thân, như bụng phồng lên và xẹp xuống. Một số người nghi ngờ về phương pháp thực hành này. Bởi họ chưa có kinh nghiệm, vì thiếu kinh nghiệm nên dẫn tới nghi ngờ. Đây là một trong năm chướng ngại.
Các chướng ngại ngăn cản những suy nghĩ thiện sanh khởi. Suy nghĩ thiện và suy nghĩ ác không xảy ra cùng lúc với nhau. Một người có suy nghĩ tốt khi họ có chánh niệm, và những suy nghĩ ác sẽ xuất hiện khi họ mất đi chánh niệm. Không có chánh niệm phần lớn là chịu ảnh hưởng bởi các chướng ngại, vì vậy, những thiền sinh có thể bị phân tâm do sự nghi ngờ, hối hận, tham muốn và những phiền não khác. Một số người không hành thiền, bởi họ nghĩ rằng, bố thí, giữ giới và đọc kinh để tâm được thanh tịnh, như thế là đủ rồi. Họ sẽ sớm vỡ mộng nếu họ hành thiền, lúc đó, họ sẽ thấy mình bị những suy nghĩ bất tịnh, xấu ác quấy rầy, chi phối.
Một người không có chánh niệm thì giới của họ không thể nào thanh tịnh được. Bởi vì, họ không biết được rằng bản chất thực sự của giới trong suy nghĩ của mình. Lòng tham dục, lòng hận thù, ác ý và những phiền não khác không được ghi nhận. Chỉ thông qua thiền tập, người ta mới có thể biết được tâm của họ có thanh tịnh hay không? Có thoát được tham dục, sân hận và si mê hay không? Việc quán chiếu, ghi nhận nhiều lần giúp thanh lọc tâm khỏi những phiền não.
Một người sẽ có được cái tâm thanh tịnh khi họ có chánh niệm. Thật sai lầm khi nghĩ rằng, chỉ khi chứng đạt Thiền, thì người đó mới có tâm thanh tịnh. Sự thanh tịnh của tâm dựa trên thiền là do sự xuất hiện dòng chảy liên tục của tâm thiền. Còn sự thanh tịnh của tâm thông qua chánh niệm là sự thanh tịnh xuất hiện ngay tại thời điểm chứng đạt tuệ giác. Cả hai loại tâm này đều giống nhau về sự thanh tịnh và giải thoát khỏi các chướng ngại.
Phương pháp hành thiền Sư giảng dạy bắt đầu bằng việc thực hành giữ cho tâm nằm trên sự phồng lên và xẹp xuống của bụng. Nó phù hợp theo lời dạy của Đức Phật, “Sự phồng ám chỉ đến sắc uẩn. Yếu tố chuyển động là một trong các sắc uẩn, chức năng của nó là hỗ trợ”. Trong khi quán chiếu thân và tâm, người ta không cần để ý đến số lượng hay hình dáng. Một số thiền sinh cố tập trung vào những gì họ tin là có sự kết hợp bởi các hạt (nguyên tử) trong một số hình dạng. Nhưng hình dạng chỉ tồn tại ở những đối tượng có màu sắc hay những đối tượng có thể chạm vào được.
Đặc điểm, Chức năng và Biểu hiện
Các hiện tượng vật lý, như, âm thanh, mùi hương có thể phân tích theo cấu tạo sóng hay hạt, nhưng còn tâm và các yếu tố của tâm thì không thể. Không thể nói tham hay sân là các hạt hay sóng được. Thiền sinh nên tập trung vào bản chất của một hiện tượng theo tướng hay còn gọi là đặc điểm (lakkhaṇa), chức năng (rasa) và biểu hiện (paccupaṭṭhāna) của nó. Điều này phù hợp với sự hướng dẫn trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) và Thắng Pháp Tập Yếu (Abhidhammatthasaṅgaha).
Vì vậy, thiền sinh nên tập trung vào sự phồng lên và xẹp xuống của bụng, để biết được đặc điểm, chức năng và biểu hiện của nó. Đặc điểm của yếu tố gió là căn, cứng và mềm. Những đặc điểm này sẽ không thấy được do bị che lấp bởi các chướng ngại. Các chướng ngại đó sẽ được khắc phục khi thực hành chánh niệm một cách liên tục. Khi tâm đã thoát ra khỏi chướng ngại, sự căn, cứng sẽ trở nên rõ ràng hơn khi bụng phồng lên. Cũng vậy, sự mềm sẽ được nhận biết khi bụng xẹp xuống.
Chức năng của yếu tố gió là sự chuyển động. Vāyo là không khí hay gió di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Thiền sinh không thể ghi nhận sự phồng và xẹp mà không nhận thức được chuyển động. Khi thiền sinh ghi nhận phồng, thiền sinh sẽ nhận thức được sự chuyển động từ từ đi ra ngoài; khi ghi nhận xẹp, thiền sinh sẽ nhận thức được chuyển động từ từ đi vào trong.
Biểu hiện của yếu tố gió là sự đẩy các đối tượng đi đến nơi mà chúng hướng tới. Trong trường hợp chuyển động có chủ ý như thay đổi tư thế, thì yếu tố gió có xu hướng đi theo xu hướng của tâm hướng tới. Khi một người muốn co tay lại, chuyển động sẽ hướng vào trong, còn khi muốn duỗi tay ra, thì chuyển động lại hướng ra ngoài. Biểu hiện (paccupaṭṭhāna) là bất kỳ cảm giác nào xuất hiện trong tâm khi một người nhận thức được nó.
Trong khi ghi nhận sự chuyển động phồng và xẹp, thiền sinh có thể trải qua những cảm giác khó chịu như chuột rút, đau đớn hay nóng. Đối với những cảm giác như vậy, Đức Phật dạy rằng, “Vị Tỳ-khưu phải nhận thức được các cảm giác khó chịu khi đang kinh nghiệm nó”. Ở đây, ‘kinh nghiệm’ trong tiếng Pāḷi gọi là vedayāmi. Ở Miến Điện, các cư sĩ không nói, “Tôi kinh nghiệm nóng”, mà họ nói “Nó nóng”. Vì vậy, thiền sinh ở Miến Điện được hướng dẫn ghi nhận các cảm giác cụ thể diễn ra, như “nó nóng” hay “nó đau”, tùy từng trường hợp.
Bằng cách này, thiền sinh nhận biết được cảm giác đau. Chức năng của đau là làm suy sụp tinh thần, biểu hiện của nó là kích động. Thiền sinh ghi nhận sự căng thẳng, đau nhức, v.v… nhận ra bản chất của các cảm giác đau dựa trên đặc điểm, chức năng và biểu hiện của nó. Cảm giác dễ chịu, hay trung tính (không dễ chịu cũng không khó chịu) đều diễn ra tương tự.
Đặc điểm của tâm là biết các đối tượng giác quan. Một người có nhiều loại tâm khác nhau, mỗi loại tâm sanh khởi tùy thuộc vào sự tiếp xúc với các đối tượng giác quan khác nhau.
Chức năng của tâm là kéo theo các tâm sở đi theo. Tâm sanh lên và kéo theo đó là tâm sở tham, tâm sở tín hay tâm sở nghi ngờ. Biểu hiện của tâm là sự liên kết của tâm với các trạng thái tâm trước đó. Bằng cách ghi nhận các trạng thái tâm, thiền sinh sẽ biết được đặc tánh vô thường của tâm và sự sanh diệt liên tục của từng cái một.
Nếu thiền sinh ghi nhận tâm trong khi nhìn, thiền sinh biết rằng mắt và màu sắc là đối tượng thuộc về sắc, trong khi nhãn thức thuộc về tâm. Tương tự như vậy đối với tai và âm thanh, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và các đối tượng xúc chạm. Mỗi hiện tượng, đều có hai yếu tố thân và tâm hay danh và sắc tương ứng với nhau. Phạm vi của thân thức rất rộng. Co, duỗi, đi, v.v… tất cả đều thuộc về thân thức.
Các giai đoạn của tuệ giác
Khi bước đi, cảm giác ngứa khi nhấc chân lên là biểu hiện của yếu tố nhiệt (tejo), sự căn lên và chuyển động bước về phía trước là yếu tố gió (vāyo), sự nặng nề khi đạp chân xuống là yếu tố nước (āpo), còn sự ma sát khi chân chạm xuống đất là yếu tố đất (paṭhavī). Do đó, các đặc điểm riêng biệt của tứ đại rất rõ ràng. Bất cứ khi nào ghi nhận sự chuyển động nơi thân, thiền sinh sẽ phân biệt được thân, đối tượng giác quan và tâm, tâm hay biết. Tuệ giác này được gọi là tuệ phân biệt thân và tâm (nāmarūpa-pariccheda-ñāṇa).
Khi định phát triển, thiền sinh sẽ nhận thức rõ ràng hơn về bản chất của các hiện tượng. Thiền sinh sẽ thấy rằng, khi co tay, trước khi co là có ý muốn co, trước khi duỗi ra là có ý muốn duỗi; nhãn thức sanh khởi là do có mắt và đối tượng hữu hình; nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức và thân thức là do các giác quan và đối tượng giác quan tương ứng làm cho sanh khởi. Chỉ cần thực hành chánh niệm trong vài ngày, thiền sinh sẽ nhận thấy rằng, mỗi một hiện tượng chỉ là nhân quả, không có bản ngã, người hay một chúng sanh nào tạo ra nó.
Sau đó, thiền sinh sẽ biết được sự sanh rồi diệt của từng cặp hiện tượng thân và tâm. Sanh là xuất hiện và diệt là biến mất. Khi thiền sinh ghi nhận quá trình sanh và diệt liên tục, thiền sinh sẽ nhận ra lý vô thường. Vô thường là đặc điểm của năm uẩn. Nó có hai khía cạnh: sanh rồi diệt và diệt rồi sanh.
Sự sanh và diệt là dấu hiệu của vô thường. Nếu một đối tượng không sanh thì nó không thể gọi là vô thường được. Điều này ý nói đến Niết-bàn, nó không có nhân. Chúng ta không thể gọi một đối tượng là vô thường nếu nó là thường hằng, nhưng không có một đối tượng nào như vậy cả. Mọi thứ có sanh thì chắc chắn sẽ có diệt.
Sự thấu hiểu về lý vô thường sẽ giúp cho thiền sinh thấy được cái khổ (dukkha) và vô ngã (anatta). Ba yếu tố này hiện hữu xen lẫn vào nhau, và do đó, bất cứ khi nào thiền sinh thấy được vô ngã, thì thiền sinh đang tiến đến gần Niết-bàn. Ở đây, ‘thấy’ vô ngã, không đơn thuần do bởi sự hiểu biết thông thường, mà là cái thấy của trí tuệ thông qua hành thiền.
Sau khi đạt được cái thấy về vô thường, khổ, vô ngã, thiền sinh dừng lại sự suy nghĩ, mà chỉ tiếp tục ghi nhận các hiện tượng thân và tâm, vì vậy mà định càng trở nên sắc bén hơn. Thiền sinh có thể phân biệt được sự sanh và diệt của mỗi hiện tượng. Thiền sinh có thể thấy ánh sáng rực rỡ hay trải nghiệm sự hỷ lạc, thanh thản, hân hoan, với sự phát triển của tín và tuệ. Tuy nhiên, thiền sinh không nên nhầm lẫn những kinh nghiệm này với sự bình an của Niết-bàn. Thiền sinh nên ghi nhận và vượt qua các đối tượng đó.
Sau đó, thiền sinh tiếp tục hành thiền, sẽ đến giai đoạn tâm luôn ghi nhận được sự biến diệt không ngừng của đối tượng. Khi ghi nhận đối tượng, thiền sinh không còn thấy được hình dạng, kích thước hay số lượng của nó nữa. Mọi thứ mà thiền sinh thấy, chỉ có hai đối tượng thân – tâm, và chúng đang biến diệt liên tục. Đây gọi là tuệ diệt (bhaṅga-ñāṇa).
Bởi vì thiền sinh thấy mọi thứ biến diệt, nên thiền sinh cảm thấy sợ hãi (bhayañāṇa). Sự sợ hãi này dẫn đến sự thấy biết về cái khổ, được gọi tuệ sợ hãi (ādīnava-ñāṇa). Vì vậy, thiền sinh phát sanh tuệ nhàm chán (nibbidā-ñāṇa). Do bởi những ảo tưởng bị diệt, nên tuệ mong muốn giải thoát (muñcitukamyatā-ñāṇa) sanh khởi, và để đạt tới sự giải thoát, thiền sinh phải ghi nhận các hiện tượng một lần nữa để phát triển tuệ suy tư (paṭisaṅkhā-ñāṇa). Sự ghi nhận lại các hiện tượng đó một lần nữa, nó sẽ dẫn đến trí tuệ hiểu biết trọn vẹn về ba đặc tánh của hiện hữu – vô thường, khổ, vô ngã.
Với sự sanh khởi của tuệ giác này, thiền sinh đạt tới hành xả trí (saṅkhārupekkhā-ñāṇa). Đức Phật đã mô tả như vầy: “Này các Tỳ-khưu, vị Tỳ-khưu khi nhìn thấy một đối tượng, tâm không vui cũng không buồn. Có xả tâm, nên vị ấy không bị chi phối tham hay sân. Được như vậy, là do vị ấy có chánh niệm.”
Lưu ý rằng, Kinh Pāḷi có nhắc tới vị Tỳ-khưu khi nhìn thấy một đối tượng. Thiền sinh không bị các đối tượng giác quan quấy nhiễu là do có chánh niệm và có được tuệ giác về bản chất của các pháp hữu vi.
“Sau khi nhìn thấy đối tượng, vị Tỳ-khưu nhận ra đối tượng ấy với sự hiểu biết đúng đắn”. Sự hiểu biết đúng đắn không dẫn tới cảm giác thích hay ghét; nó khiến cho thiền sinh có sự buông xả khi tiếp xúc với các đối tượng bên ngoài. Đây là phẩm chất đặc biệt của vị Thánh A-la-hán và theo chú giải, các thiền sinh có thể có được phẩm chất này. Thiền sinh có được phẩm chất này khi thiền sinh đạt được cái giai đoạn liên tiếp của tuệ minh sát bằng cách tinh tấn hết mình.
Một số thiền sư đánh lừa đệ tử của mình bằng cách phóng đại tầm quan trọng các bài giảng của họ. Thiền sinh không nên chấp nhận lời dạy của họ một cách mù quáng. Một người không nên tự coi mình là bậc Thánh Nhập Lưu chỉ vì dựa vào lời nói của thiền sư. Thay vào đó, người ấy nên tự mình kiểm tra lấy, dựa theo lời dạy của Đức Phật. Nếu vị ấy là một vị Thánh Nhập Lưu thực sự, vị ấy sẽ không còn bất cứ nghi ngờ nào về ba đặc tánh (vô thường, khổ và vô ngã) của các pháp hữu vi, bản chất của Niết-bàn và các lời dạy cốt lõi khác của Đức Phật. Vì vậy, vị ấy có lòng tin bất thối chuyển nơi Phật, Pháp và Tăng. Bậc Thánh Nhập Lưu cũng kiêng tránh sự sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và uống các chất say.
Đây là bốn phẩm chất cần thiết của bậc thánh Nhập Lưu. Lời dạy này của Đức Phật có thể giúp thiền sinh tự mình kiểm tra lại xem mình có bước vào dòng thánh đạo đầu tiên hay chưa. Một vị Thánh Nhập Lưu thực sự không có làm điều bất thiện. Giới hạnh của vị ấy được thiết lập một cách tự nhiên mà không cần phải thu thúc. Về phương diện này, một vị Thánh Nhập Lưu thực sự khác biệt với một vị Nhập Lưu giả tạo có giới hạnh hời hợt dễ bị sa ngã.
Tà kiến và theo đuổi sai lầm
Hai pháp Ariyāvāsa quan trọng mà chúng ta nên xem xét tiếp theo là tà kiến về đời sống sau khi chết. Tà kiến đầu tiên là có cái ngã tồn tại sau khi chết và cái ngã ấy tái sanh vào một cơ thể mới. Tà kiến thứ hai là bác bỏ kiếp sau, cho rằng, chết là hết. Hai loại tà kiến này có thể được diệt trừ nhờ hành thiền chánh niệm liên tục.
Hai sự theo đuổi quan trọng khác làm cho một thiền sinh phải từ bỏ thánh đạo, đó là: theo đuổi tham dục và theo đuổi sự hiện hữu. Theo đuổi đầu tiên chi phối thiền sinh cho đến khi đạt tới thánh đạo thứ ba (bất lai thánh đạo). Sự theo đuổi thứ hai là mong muốn được hiện hữu, sự theo đuổi này chỉ bị diệt trừ khi thiền sinh đạt tới giai đoạn A-la-hán thánh đạo. Do đó, thiền sinh nên từ bỏ những theo đuổi bất thiện và tà kiến. Thiền sinh nên đi trên con đường Bát Thánh đạo, bởi vì, nó sẽ giải thoát thiền sinh khỏi si mê và tham muốn bất thiện.
Đối với việc chứng đắt tứ thiền và có khả năng làm dừng hơi thở ra, hơi thở vô, thiền sinh phải có sự tinh tấn đặc biệt. Không phải vị A-la-hán nào cũng đạt được khả năng này, nó chỉ dành riêng cho những vị có khả năng đặc biệt. Và thiền sinh có thể bỏ qua các giai đoạn của thiền chỉ để tiến tới Niết-bàn. Khi chứng đạt Niết-bàn, tâm giải thoát của vị ấy sẽ không có sự khác biệt với một vị thánh A-la-hán bình thường, hay một vị thánh A-la-hán đặc biệt, thậm chí với cả Đức Phật.
Tự biết
Hai thuộc tánh cuối cùng của thiền sinh an trú trong chỗ của Bậc Thánh là: giải thoát khỏi các phiền não, và tự biết mình đã được giải thoát. Giải thoát hoàn toàn có nghĩa là Đạo Quả A-la-hán. Vị Thánh A-la-hán đã hoàn toàn thoát khỏi sự trói buộc của tham, sân và vô minh. Vị ấy cũng tự biết rằng mình đã được giải thoát.
Sự nhận thức này không chỉ giới hạn ở các vị Thánh A-la-hán. Vị thánh Nhập Lưu cũng biết rằng mình đã thoát khỏi một số phiền não. Các mức độ giải thoát tương ứng với các giai đoạn giải thoát. Ở giai đoạn đầu tiên, thiền sinh thoát khỏi tà kiến, hoài nghi và giới cấm thủ; còn giai đoạn thứ ba, vị ấy thoát khỏi tham dục và ác ý. Những thiền sinh vô minh thường bị lừa gạt bởi những cảm giác giải thoát giả tạo. Họ tiếp tục làm điều bất thiện, do đó, họ phủ nhận lời tuyên bố của mình.
Họ nói rằng một vị thánh Nhập Lưu uống rượu trong một số trường hợp nhất định, điều ấy là không đúng. Những lập luận của họ biện minh cho những tham muốn bất thiện.
Đối với những thiền sinh đã đạt tới những giai đoạn quan trọng trong Thánh Đạo, trí tuệ giải thoát không đến từ sự học tập hay nghe thuyết giảng, mà nó đó đến từ kinh nghiệm thực chứng cá nhân.
Nếu thiền sinh nhìn thấy Niết-bàn bằng con mắt trí tuệ (tuệ nhãn), vị ấy ít nhất đã đạt tới giai đoạn Nhập Lưu và không còn bị tái sanh vào khổ cảnh, đọa xứa nữa. Do đó, một người nên liên tục ghi nhận mọi đối tượng sanh khởi và hộ trì, bảo vệ các căn (giác quan) cho đến khi đạt tới giai đoạn giải thoát đầu tiên. Rồi vẫn tiếp tục hành thiền chánh niệm cho đến khi đạt tới Đạo Quả A-la-hán.
Ghi chú:
- 1Pháp cú câu 100.