Những Câu Hỏi Của Thiên Chủ Sakka
Mahāsi Sayadaw
Dịch Việt
Dhannapālaka
(Bản thảo 1)
Bài Giảng Về Kinh Sakkapañha
Trong truyền thống Phật giáo, Sakka là tên được đặt cho vua của các vị thần (deva) và pañha có nghĩa là câu hỏi. Vì vậy, Sakkapañhasutta là bài Kinh mà Đức Phật trả lời cho Thiên chủ Sakka, nhằm mang lại sự lợi ích cho các chúng sanh.
Thiên chủ Sakka hỏi Đức Phật như sau:
“Bạch Thế Tôn, có chư thiên, loài người, a-tu-la (asura), rồng (nāga), càn-thác-bà (gandhabba) và nhiều chúng sinh khác. Những chúng sinh này mong muốn thoát khỏi cãi cọ, xung đột vũ khí, hận thù và bất hạnh. Tuy nhiên, họ không thoát ra khỏi những vấn đề này trong cuộc sống. Đâu là kiết sử hay trói buộc (samyojana) khiến họ không thể thực hiện được ước nguyện của mình?”
Ở đây các vị thần được nhắc đến có lẽ là các vị thần Catumahārāja và Tāvatiṃsa, vì những vị thần này được Sakka biết rõ. Chúng ta biết rằng chư thiên Asura ban đầu là kẻ thù của chư thiên Tavatimsa, vì các trận chiến của họ được đề cập trong Dhajagga Sutta và các kinh khác.
Trước đây họ sống ở cõi trời Tāvatimsa (cõi trời 33) nhưng trong lúc say rượu, họ bị Sakka đẩy xuống chân núi Tu Di. Nāga là một loài rắn có thể làm nên những điều phi thường với sức mạnh thần thông của chúng. Gandhabbas là một loại thần Catumahārāja xuất sắc trong khiêu vũ, chơi nhạc và các hoạt động văn hóa khác của thế giới chư thiên. Rồi còn có các dạ xoa hay còn gọi là yakkha v.v…
Các vị thần, con người và những chúng sinh khác trong cõi dục giới có tâm chơn chánh. Họ muốn thoát khỏi hận thù, không muốn mang oán hận, không muốn ngược đãi người khác, cũng không muốn bị ngược đãi hay cướp bóc. Họ không muốn trở thành kẻ thù của người khác. Tóm lại, tất cả chúng sinh đều khao khát sự an toàn, hòa bình, tự do và hạnh phúc. Tuy nhiên, tất cả họ đều bị bủa vây bởi nguy hiểm, khốn cùng và đau khổ. Đâu là xiềng xích (triền cái) gây ra tình trạng này?
Ngày nay, chúng ta thấy sự kêu gọi toàn cầu về hòa bình thế giới và phúc lợi của nhân loại, nhưng những hy vọng về một thế giới hạnh phúc này vẫn còn lâu mới thành hiện thực. Câu hỏi này tự nhiên xuất hiện làm nguyên nhân dẫn tới sự thất vọng của chúng ta.
Trong câu trả lời của mình, Đức Phật mô tả lòng đố kỵ (issā) và keo kiệt (macchariya) là hai kiết sử dẫn đến cảnh ngộ bất hạnh của nhân loại.
Sự đố kị tạo ra ác ý đối với những người giỏi hơn chúng ta. Nghĩa là chúng ta miễn cưỡng khi nhìn thấy người khác trở nên tốt đẹp như mình. Hai gông cùm đố kỵ và ác ý này làm chúng ta thất vọng, dẫn tới cãi vã, thù hận, hiểm nguy và đau khổ. Những người có tánh ghen tị với người khác do sự giàu sang, danh tiếng hoặc địa vị của người đó, thì họ sẽ không bao giờ có được hạnh phúc, cho dù họ có nói thật nhiều về những mong muốn bình an trong nội tâm của họ. Nỗi bất hạnh của họ bắt nguồn từ những kế hoạch xấu xa mà họ ấp ủ chống lại những người mà họ ghen tị. Lẽ đương nhiên, những người ấy sẽ trở thành kẻ thù của nhau. Nhiều người đau khổ vì lòng đố kỵ, và chắc chắn lòng đố kỵ này sẽ khiến họ phải chịu đau khổ không thể cứu vãn được trong suốt vòng luân hồi.
Mặc dù, người ta mong muốn tránh xa các xung đột, hay những điều dẫn tới xung đột. Người ta bực bội khi ai đó lấy đi tài sản hay sử dụng tài sản của mình. Người ta phẫn nộ khi người mình thương mến thân mật với người khác, điều này thường gặp trong các mối quan hệ vợ chồng. Còn các quan chức thì sẽ không hài lòng khi họ phải chuyển giao quyền lực cho người khác. Vì vậy ác ý dẫn tới thù hận, hiểm nguy, lo lắng và đau khổ.
Tóm lại câu trả lời của Đức Phật: nguyên nhân gốc rễ của đố kỵ và keo kiệt là những đối tượng giác quan mà người ta thích hay ghét. Cách khắc phục chúng là quan sát, ghi nhận mọi hiện tượng phát sinh từ sáu căn, để kiêng tránh những suy nghĩ bất thiện và làm sanh khởi những suy nghĩ thiện. Đây chính là nội dung của bài thuyết pháp. Bây giờ là một vài lời về phần giới thiệu bài Kinh.
Giới Thiệu Bài Kinh
Phần mở đầu của một bài kinh cho chúng ta biết bài kinh được thuyết ở đâu, tại sao lại thuyết, thuyết cho ai và thuyết bởi ai. Vì vậy, nó thiết lập tính xác thực cho lời dạy của Đức Phật. Không có nó, nguồn gốc của một bài kinh vẫn còn là một câu hỏi, cũng giống như trường hợp của Tạng Vi Diệu Pháp vậy.
Vi Diệu Pháp được Đức Phật thuyết giảng trên cung trời Tāvatiṃsa. Lúc đó, Đức Phật đi đến khu rừng Himalaya và hóa ra một cái bóng (nimitta buddha) để tiếp tục thuyết pháp. Đức Phật thuyết lại cho Tôn giả Sāriputta toàn bộ nội dung của Vi Diệu Pháp, và vị trưởng lão đã dạy lại cho năm trăm vị tỳ khưu. Vì vậy, Vi Diệu Pháp được gán cho Tôn giả Sāriputta, nhưng, như Chú giải nói, vì tôn giả đã nghe từ Đức Thế Tôn, nên đó là lời dạy của Đức Phật. Tạng Vi Diệu Pháp không có lời mở đầu như, “Evaṃ me sutaṃ: Như vầy tôi nghe:” vì vậy, theo Chú giải, một số người không chấp nhận đó là lời dạy chơn chánh của Đức Phật.
Để hậu thế không còn nghi ngờ gì về tính xác thực về lời dạy của Đức Phật, hầu hết các bài Kinh được đưa vào Đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất đều có phần giới thiệu dựa trên những câu hỏi và câu trả lời của các vị trưởng lão tiền bối. Ngoại lệ là kinh Pháp Cú và một vài bài kinh khác.
Phần giới thiệu của Sakkapañha Sutta rất hay, vì nó làm cho bài kinh trở nên ấn tượng và làm nổi bật cốt lõi lời dạy của Đức Phật. Để ghi lại một sự kiện quan trọng như vậy, Tôn giả Mahākassapa đã hỏi Tôn giả Ānanda bài Kinh được giảng ở đâu, cho ai và tại sao bài kinh được thuyết giảng, và Tôn giả Ānanda đã trả lời như sau.
Một thời, Đức Phật trú trong một hang động nằm về phía đông của thành Rājagaha ở nước Māgadha. Lúc bấy giờ Thiên chủ Sakka tìm cách yết kiến Đức Phật. Thiên tử ấy đã diện kiến Đức Phật vào đêm trước khi Ngài giác ngộ tối thượng và vào một thời điểm khác tại Tu viện Jetavana ở Sāvatthi, nhưng vì lúc đó Tâm thiên tử chưa chín muồi nên Đức Phật không cho phép vấn đạo. Bấy giờ Thiên chủ Sakka quyết định yết kiến Đức Phật, cùng với đoàn chư Thiên tùy tùng, Thiên chủ muốn nghe một bài Pháp mà Đức Phật đã thuyết giảng cho các để tử của Ngài. Nhưng điều quan trọng lớn nhất là nỗi sợ hãi về cái chết đã thúc dục vị thiên tử phải gặp được Đức Phật. Vì Ngài biết rằng, cái chết của mình đang đến gần, nên thiên tử mong chờ được cứu rỗi.
Khi một vị chư thiên sắp qua đời, sẽ có năm dấu hiệu xuất hiện:
1) Những bông hoa trên đầu của vị ấy khô héo,
2) Thiên y bị phai nhạt,
3) Hai nách đổ mồ hôi,
4) Có sự xuất hiện của tuổi già.
5) Vị ấy cảm thấy mệt mỏi, chán nản với cuộc sống trên thiên giới.
Sau khi nhìn thấy năm dấu hiệu này, Thiên chủ Sakka suy nghĩ về cái chết sắp xảy ra với mình nên cảm thấy chán nản. Để vượt qua nỗi buồn phiền, Thiên tử quyết định đến gặp Đức Phật và nghe Pháp. Do đó, thiên tử xuất hiện ngay lập tức gần nơi ở của Đức Phật, cùng đoàn Chư Thiên tùy tùng.
Theo chú giải Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), khoảng cách từ cõi trời Tāvatiṃsa đến Māgadha chỉ mất một khoảng thời gian như co duỗi cánh tay. Bộ chú giải nói rằng, “các hiện tượng sanh ở nơi nào, nó sẽ diệt ngay tại nơi đó, chứ không phải diệt ở nơi khác”. Thiền sinh ghi nhận sự co và duỗi theo phương pháp Niệm Xứ (satipaṭṭhāna) sẽ biết được sự sanh diệt liên tục trong từng khoảnh khắc. Cũng như các hiện tượng thân – tâm sanh diệt tức thời, các Chư Thiên cũng đến Māgadha trong tích tắc bởi dòng thân – tâm nối tiếp nhau. Điều này xảy ra bởi thần lực (kammajiddha), nó đem lại cho Chư Thiên một tốc độ lớn hơn rất nhiều so với tốc độ của tên lửa hay tàu vũ trụ hiện đại.
Thiên chủ Sakka muốn Đức Phật chấp thuận chuyến viếng thăm của mình, vì vậy ông bảo thiên thần Pañcasikha hãy đi tìm hiểu xem Đức Thế Tôn có sẵn lòng tiếp đón ông hay không. Trong lời tuyên bố của Thiên chủ Sakka có từ ‘pasādeyyāsi’, có nghĩa đen là ‘làm cho ai đó hài lòng’. Theo Chú giải, nó có nghĩa là làm hài lòng một người và mong chờ sự chấp thuận của người ấy. Đó là một thành ngữ Pāḷi mà người Ấn Độ thời đó dùng để nói một cách lịch sự. Nó giống như câu nói của chó rừng với voi trong tác phẩm tiếng Phạn Hitopadesa. Con chó rừng nói, “Thiên tử ơi ! Hãy làm đôi mắt Ngài trở nên trong sáng”, có nghĩa là “Hãy giúp tôi hoặc hãy giúp tôi một việc.”
Vì vậy, theo yêu cầu của Thiên chủ Sakka, Pañcasikha đi đến nơi ở của Đức Phật. Tôn kính đứng cách Đức Thế Tôn một khoảng cách thích hợp, vị ấy chơi đàn hạc và hát những bài hát về Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng và các vị A-la-hán. Đức Phật sẽ không tán thán sự tôn kính Ngài bằng các bài hát và âm nhạc của vị thiên tử ấy, cũng vậy, Ngài sẽ không tán thành một số cách thực hành Phật giáo Miến Điện trong thời hiện đại, chẳng hạn như tụng kinh Pāḷi du dương, tổ chức các lễ hội chùa chiềng trên quy mô lớn, việc giết rất nhiều động vật để làm thức ăn cho các lễ hội, v.v… – những hành động gây hại cho Phật Giáo. Tuy nhiên, Đức Phật không nói gì, vì Ngài biết rằng nhiều người sẽ được lợi ích từ cuộc đối thoại của Ngài với Thiên chủ Sakka. Một số bài hát của Pañcasikha có lời ái luyến, vì chúng mô tả sự say đắm của vị ấy với một thiên nữ xinh đẹp, nàng khiến vị ấy gần như phát điên. Sự thất vọng của vị ấy cho thấy rằng thế giới chư thiên không đảm bảo thõa mãn mong ước của con người và cuộc sống của chư thiên không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Các bài hát của vị ấy cũng có đề cập đến Đức Phật, A-la-hán, và những việc thiện mà vị ấy đã làm trong cõi nhơn loại. Vị ấy nói về Bồ-tát, người luôn chánh niệm, nhập thiền và hướng về Niết-bàn.
Ở đây jhāna có nghĩa là ghi nhận. Đối tượng mà thiền sinh ghi nhận có thể là đối tượng của định, hoặc có thể là bản chất vô thường, khổ, vô ngã của thân và tâm. Sự chứng đắc thiền định này có được do định tâm vào một đối tượng và nó có thể kéo dài trong vài giờ. Chính nhờ sức mạnh của thiền (jhāna) mà Bồ tát chứng đạt tiền kiếp minh (pubbenivāsa-ñāṇa), khi ngồi dưới gốc cây bồ đề vào đầu đêm. Vào lúc nửa đêm, ngài chứng đạt thiên nhãn (dibbacakkhu), giúp ngài có thể nhìn thấy sự sinh diệt của tất cả chúng sinh trong vũ trụ. Vào canh chót của đêm, Bồ tát quán chiếu về lý duyên khởi, chứng đạt được tuệ giác về sự sinh diệt của thân và tâm trong khi thấy, nghe, v.v… Chánh niệm liên tục về bản chất của sự hiện hữu là dấu hiệu của trí tuệ chín muồi, đã trưởng thành, nhưng thiên tử Pañcasikha dường như không hề hay biết. Thiên tử Pañcasikha chỉ biết rằng Bồ-tát thường xuyên quán chiếu để chứng đạt Bất tử (amata), tức là Niết-bàn. Từ amata xuất phát từ tiếng Phạn amrita, có nghĩa là bất tử, và vì vậy amataám chỉ sự bất tử hay nibbāna.
Khi được Đức Phật hỏi về nguồn gốc các bài hát, Thiên tử Pañcasikha nói rằng vị ấy đã sáng tác để hát cho thiên nữ nghe, người mà vị ấy thầm yêu. Thiên nữ ấy rất thích những bài hát tán thán Đức Phật của Thiên tử Pañcasikha, đến nỗi cô ấy đã dành một ngày của mình cho Thiên tử Pañcasikha, nhưng giờ thì đã không còn như vậy nữa. Đau khổ và thất vọng vì tình yêu đơn phương của mình, Thiên tử Pañcasikha đã trút bầu tâm sự trong các bài hát của mình. Lúc này, vị thiên tử không khác gì một phàm nhân, những người bị tham dục lấn át đến mức không thể suy nghĩ chín chắn.
Một lần, đệ tử của một Sayādaw nổi tiếng nọ rời bỏ Tăng đoàn sau khi ngoại tình với một phụ nữ. Các đệ tử của Sayādaw đổ lỗi cho cặp vợ chồng ấy, nhưng Ngài đã khuyên nhủ họ như sau: “Các ông không nên đổ lỗi cho họ. Họ đã rơi vào hoàng cảnh khó khăn này dưới năng lực của tham ái. Vì vậy, các ông nên đổ lỗi cho tham dục của họ”. Đây là một lời dạy rất thực tế.
Khi vị trời thay mặt chủ nhân của mình đảnh lễ Đức Phật, Đức Phật cầu chúc Thiên chủ Sakka thân tâm được an lạc. Đức Phật cầu chúc như vậy, bởi ngài biết chúng sanh nào cũng mong cầu được hạnh phúc. Khi thiên chủ Sakka bày tỏ lòng tôn kính Đức Phật một cách gián tiếp thông qua thuộc hạ của mình, mặc dầu ông không thốt ra lời cầu nguyện nào, nhưng dựa vào cụm từ Pāḷi “abhivādeti abhivandati vandati”, chúng ta hiểu rằng Thiên chủ cũng mong mình được an vui. Nói cách khác, Thiên chủ hy vọng sẽ nhận được lời chúc phúc từ Đức Phật: “Chúc thiên chủ được an vui!”
Đức Phật cũng chúc phúc đến những thiện nam, tín nữ như vậy. Ngày nay, các thiện tín thường cầu nguyện rất nhiều, nhưng những điều họ cầu nguyện lại trái ngược với lời chúc phúc của vị Tỳ-khưu. Thực tế mà nói, thiện tín không cần phải nói gì thêm sau khi bày tỏ lòng tôn kính đối với tam bảo (tiratana). Bởi vì, phước sẽ tự tích lũy khi làm việc thiện, vì vậy, thiện tín không cần phải cầu phước. Khi đảnh lễ Đức Phật, Thiên chủ Sakka không cầu xin Ngài bất cứ điều gì, nhưng Ngài vẫn nhận được thật nhiều lợi ích, lợi ích đó được nhắc tới trong câu Pāḷi như vầy:
“Abhivādanasīlissa, niccaṃ vuḍḍhāpacāyino, cattāro dhammā vaḍḍhanti, āyu vaṇṇo sukhaṃ balaṃ”, nghĩa là “Luôn tôn kính các bậc Trưởng Lão, bốn pháp được tăng trưởng, sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh.”1Pháp cú 109.
Vì vậy, thật tốt khi thiện tín cầu nguyện về sự sống lâu, an vui, sức mạnh, và các vị Sư nên chúc phúc cho các vị ấy như thế.
Khi thiên chủ Sakka cùng đoàn tùy tùng đi đến đảnh lễ Đức Phật, Thiên chủ Sakka nói rằng dù Ngài rất muốn gặp Đức Phật, nhưng Ngài không thể đến được vì phải bận tâm đến các công việc của Chư Thiên. Thiên chủ nói với Đức Phật về những gì mà Ngài đã từng nghe trước đây. Ngài từng nghe rằng, thiên chúng sẽ tăng lên khi có Đức Phật xuất hiện và Ngài thấy điều đó hoàn toàn đúng. Sau khi Đức Phật thuyết giảng bài kinh Cakkappavattana Sutta, một số người giữ gìn năm giới, một số thì bố thí, và hầu hết đa số những người ấy tái sanh lên cõi trời sau khi chết. Thậm chí những ai có lòng tin nơi Đức Phật cũng được tái sanh lên Thiên Giới. Đây là quan điểm mà Đức Phật không bác bỏ khi nó được nói lên bởi một vị trời.
Lòng tin vào Đức Phật cũng đồng nghĩa là có lòng tin vào Pháp và Tăng, với lòng tin như vậy, một người sẽ được bảo vệ khỏi sự tái sanh vào đọa xứ. Hơn nữa, sự bố thí đến cho đệ tử của Đức Phật, bậc xứng đáng cúng dường cũng mang lại nhiều phước báu cho người thí. Có một vị Thiên tử từng là người cư sĩ trong thời Đức Phật quá khứ, vị ấy đã cúng dường một muỗng cơm cho một vị Thánh A-la-hán, sau khi tái sanh lên cõi trời, vị ấy có quyền năng hơn những vị Chư Thiên khác, những vị ấy cũng làm phước thiện bố thí, nhưng không nằm trong thời kỳ Phật Giáo.
Trong số khoảng một trăm triệu người sống ở vùng trung tâm sông Hằng, cái nôi của Phật Giáo, khoảng tám mươi triệu người có thể đã từng là những người cư sĩ. Ngoại trừ các bậc Thánh A-la-hán và những vị Thánh Bất Lai (Anāgāmi), hầu hết những người cư sĩ ấy có thể đã tái sanh lên thiên giới. Điều này giải thích cho sự gia tăng số lượng Thiên Chúng trên thiên giới thời bấy giờ.
Thiên chủ Sakka tiếp tục thuật lại câu chuyện của Thiên Tử Gopikā. Vị ấy trước kia là một nữ nhân trong thành Sāvatthi, tên là Gopikā, nàng có lòng tin vào Đức Phật và hành trì giữ gìn năm giới. Nàng nhàm chán thân nữ và muốn trở thành một người nam, và vì vậy, sau khi chết đi, nàng tái sanh làm Thiên Nam, con trai của Thiên Chủ Sakka, tên là Gopikā.
Một ngày nọ, Thiên tử Gopikā nhìn thấy ba Càn-thác-bà (Gandhabba) đi đến hầu thiên chủ Sakka. Vị ấy phát hiện ra rằng, ba vị Gandhabba này trước kia là ba vị Tỳ-khưu mà mình đã hộ độ. Vị ấy tự hỏi, tại sao họ lại tái sanh làm Chư Thiên bậc thấp trong khi kiếp trước họ mang thân phận Tỳ-khưu, còn bản thân mình, trước kia là nữ nhân bình thường, nhờ lòng tin và hành trì năm giới nay được tái sanh làm Thiên nam con trai của Thiên chủ Sakka. Ba vị Gandhabba nhớ lại tiền kiếp của mình, và nhận ra rằng, họ tái sanh vào dòng Chư Thiên bậc thấp bởi do sự dính mắc của họ trong cõi của Gandhabba. Hai trong số ba vị ấy đã tu tập thiền định và chứng đắc quả Bất-lai. Tuy nhiên, vị còn lại không thể vượt quá được tham dục mà vẫn còn bị mắc kẹt lại trong dòng Chư Thiên bậc thấp ấy.
Ở đây, sự tái sanh và hiện hữu của một Gandhabba là kết quả của sự dính mắc trong kiếp trước, điều này thật đáng lưu ý. Mọi người có khả năng sẽ tái sanh ở quê hương hay môi trường có ảnh hưởng đặc biệt đến họ. Ba vị Tỳ-khưu trong câu chuyện trên cũng không nằm ngoại lệ. Đức Vua Bình-sa-vương (Bimbisāra) có lòng tin nơi Đức Phật và làm công đức bố thí đến Tăng Chúng ròng rã suốt ba mươi bảy năm, sau khi chết, ông đã tái sanh làm thuộc hạ của một vị Thiên tử tên là Catumahārāja. Lẽ ra, ông có thể đã tái sanh lên cõi Chư thiên cao hơn, nhưng vì sự quyến luyến của ông trong quá khứ nên ông phải tái sanh làm thuộc hạ của một thiên tử khác. Về vấn đề này, điều cần thiết là một người cần phải vượt qua được sự quyến luyến nơi mà họ sẽ tái sanh.
Hai vị thiên tử đắc thiền chứng vì các vị ấy đã suy tư về việc thực Pháp của mình, và nhờ vào hành thiền minh sát nên các vị ấy đã chứng đắc đạo quả Bất-lai. Đừng nản lòng khi chưa đạt được thành tựu trong hành thiền, vì sự tinh tấn, nỗ lực sẽ đưa một người tái sanh vào thiên giới. Ở đó, người ta vẫn có thể tiếp tục thực hành Pháp. Trong Tăng Chi Bộ (Aṅguttaranikāya) có nói, thân của một vị thiên tử rất thanh tịnh và phát ra ánh hào quang, giáo pháp sẽ hiển lộ rõ ràng đối với một vị đã từng thực hành Pháp trong tiền kiếp. Có thể mất một chút thời gian để nhớ lại, ngay trong khi nhớ lại, lập tức vị ấy sẽ có luôn tuệ minh sát. Một số người có thể quên mất do chìm đắm trong dục lạc cõi trời, nhưng đối với Chư Thiên, họ có sự tỉnh táo về thân tâm, vì vậy, một khi họ hướng tâm đến Pháp, họ sẽ hiểu và chứng đạt được tuệ giác chỉ trong một thời gian ngắn. Nếu những thiền sinh tinh tấn để thành tựu những kinh nghiệm về tâm trong kiếp này nhưng vẫn chưa thành tựu, họ chắc chắn sẽ thành tựu trong thiên giới.
Vì thiên giới tràn ngập dục lạc, nên những vị chứng đắc Bất-lai không thể ở lại đó nên họ đã tái sanh sang cõi Phạm Thiên ngay lập tức. Đối với thiên chủ Sakka, sự tái sanh của hai vị ấy trở thành hai vị Phạm Thiên ngay trước mắt Ngài là điều rất ấn tượng. Khi nghe thiên tử Gopikā giải thích, hai vị ấy muốn chia sẻ kinh nghiệm thiền tập của họ. Hơn nữa, những dấu hiệu về cái chết sắp diễn ra, đã thúc đẩy vị thiên tử ấy tái sanh thành một vị Phạm Thiên. Nếu nghe được Pháp, vị ấy có thể tái sanh vào cõi tốt đẹp hơn dù không chứng đạt được bất kỳ tuệ giác nào. Nghe Pháp là điều tốt nhất mà các Thiên Tử có thể làm trong khi sắp chết.
Câu hỏi của Thiên chủ Sakka và câu trả lời của Đức Phật
Việc xin phép trước khi đặt câu hỏi là thông lệ của một người có trình độ văn hóa cao, đầu tiên Thiên chủ Sakka xin phép Đức Phật trước khi đặt câu hỏi:
“Bạch Đức Thế Tôn! Tất cả chúng sanh đều muốn thoát khỏi sân hận và ác ý. Họ không muốn cãi vã hay bị đối xử tệ bạc, thay vào đó, họ mong cầu sự hạnh phúc, bình an và giải thoát. Nhưng họ vẫn không thể nào thoát khỏi đau khổ và nguy hiểm rình rập. Bạch Đức Thế Tôn, đâu là nguyên nhân dẫn tới những điều ấy?”
Đức Phật trả lời:
“Này thiên chủ Sakka! Tất cả chúng sanh đều mong cầu hạnh phúc, bình an và giải thoát. Tuy nhiên, họ không thể thoát khỏi hận thù, xung đột, nguy hiểm và đau khổ. Sự bất hạnh này là do kiết sử (trói buộc) của ganh tị (issā) và ích kỷ (macchariya) gây ra.”
Đặc tánh của tâm đố kỵ là ác cảm khi thấy người khác có được sự phát triển và lợi ích, vì vậy mà người ta trở nên ác tâm và muốn hủy hoại chúng. Những ác ý này dẫn tới đau khổ cho những ai chất chứa trong hiện tại lẫn tương lai, chúng dẫn tới đau khổ cho những kẻ đầy dãy lòng ganh tị. Trên thế gian, đau khổ phát sanh là do bởi lòng ganh tị. Kẻ ganh tị ghét nhìn thấy người khác hạnh phúc hoặc có được sự phát triển. Vì vậy, đặc tánh của ganh tị là oán giận lợi ích của người khác, năng lực của nó làm cho người ganh tị phải đau khổ, biểu hiện của nó là thờ ơ trước sự phát triển của người khác.
Một người bị lòng ganh tị chi phối, họ sẽ không muốn nhìn thấy sự phát triển, thành đạt, xinh đẹp, có học thức hay sự thăng chức của người khác. Ganh tị là một điều ác, nó không mang lại lợi ích cho những ai chấp chứa chúng. Nó là mảnh đất màu mỡ cho ác nghiệp sanh khởi và khiến cho người ta đau khổ. Một người có quyền lực sẽ tìm cách tiêu diệt người mà họ ganh tị, và bằng cách nào đó, họ biến người khác thành kẻ thù của mình, rồi người đó lại tìm cách trả thù lại. Ngay cả khi không bị trả thù lại, người đó chắc chắn cũng sẽ phải chịu khổ đau trong kiếp sau.
Kinh Cūḷakammavibhaṅga Sutta đã tóm tắt những ác nghiệp của ganh tị là không có quyền hành và uy thế. Một số người không muốn nghe bất kỳ điều gì về thiện nghiệp của người khác – sự giàu có, trí tuệ, sức khỏe, tài hùng biện và danh tiếng. Vì vậy, họ nói hay làm những điều bất lợi, hủy hoại đi lợi ích của người khác. Những tuyên truyền trong thời đại ngày nay bị thúc đẩy bởi sự ganh tị. Người có tâm ganh tị phải chịu đựng quả khổ của ác nghiệp nơi địa ngục trong thời gian lâu dài và sau khi được thoát ra khỏi đó, nếu được tái sanh làm người, họ sẽ trở thành một người thuộc giai cấp thấp kém, ít hay thậm chí không có danh tiếng.
Mặt khác, một người có tâm hoan hỷ trước thiện nghiệp của người khác. Họ hạnh phúc khi nhìn hay nghe thấy sự phát triển của người khác, và giúp cho người khác có được thật nhiều lợi ích, chính vì những điều họ đã làm, họ đã gieo trồng nhiều thiện nghiệp cho mình. Sau khi chết, người ấy sẽ được tái sanh vào thiên giới, ở đó, họ sẽ có được một cuộc sống hạnh phúc, và khi được tái sanh lại cõi người, họ sẽ có quyền lực và danh tiếng. Những ai mong muốn được sự tấn hóa trong đời này và đời sau, họ nên khắc phục lòng ganh tị và trau dồi sự hoan hỷ (muditā). Nói cách khác, người ta nên hoan hỷ với lợi ích của người khác.
Tính ích kỷ
Tính ích kỷ (macchariya) là sự ích kỷ đến mức muốn chiếm giữ thành của riêng cho mình. Biểu hiện của nó là không muốn chia sẻ với người khác vật mình có.
Có 5 sự ích kỷ hèn hạ:
1) Chỗ ở;
2) Bạn bè và cộng sự,
3) Của cải vật chất,
4) Các đặc điểm đáng khen, và
5) Sự học tập.
Ích kỷ về chỗ ở (āvāsa-macchariya), một số vị Tỳ-khưu không muốn nhìn thấy nhìn vị Tỳ-khưu có giới hạnh trang nghiêm an cư trong tu viện của họ. Một Tỳ-khưu có thể không muốn các thiện tín của mình bố thí đến vị Tỳ-khưu khác. Những vị Tỳ-khưu ích kỷ như vậy, bởi do sự ác tâm của mình, họ sẽ phải chịu nhiều đau khổ sau khi chết.
Ích kỷ về sắc tướng (vaṇṇa-macchariya), sự mong muốn sở hữu độc nhất một đặc điểm nào đó, chẳng hạn như một người có ngoại hình xinh đẹp, người ấy lại đi bực bội với vẻ đẹp tương tự có ở người khác. Đây là nhân dẫn tới dụng mạo, ngoại hình xấu xí.
Ích kỷ về Pháp hay kiến thức (dhamma-macchariya), không muốn chỉ dạy cho người khác và muốn chiếm lấy sự hiểu biết ấy cho riêng mình. Điều này có thể làm cho một người trở nên khờ khạo và thiểu trí trong kiếp sau. Do đó, sự ích kỷ sẽ là nhân làm cho người ta gặp bất hạnh, nghèo khổ, không có bạn bè và chịu nhiều đau khổ sau khi chết.
Sự ích kỷ về chỗ ở phần lớn liên quan đến các vị Tỳ-khưu. Đó là cách các vị ấy coi tu viện của hội chúng như nơi ở của riêng mình. Còn với các thiện tín, thì coi Chùa, Trường Thiền, v.v… như nhà của riêng mình.
Ích kỷ đối với người hộ độ (kula-macchariya), có những vị Tỳ-khưu không muốn thiện tín của mình có quan hệ thân thiết với những vị Tỳ-khưu khác. Một số vị Tỳ-khưu cấm đoán đệ tử của mình thấy hay nghe Pháp của những vị Tỳ-khưu khác. Còn đối với người tại gia, thật là ích kỷ khi họ đòi hỏi sự trung thành trọn vẹn từ những người thân của mình.
Ích kỷ trong tài sản (lābha-macchariya), một số vị Tỳ-khưu tự xem mình độc quyền nhận của bố thí và không muốn chia sẻ đến các vị Tỳ-khưu khác. Câu chuyện của Tôn giả Losaka Tissa là một thí dụ điển hình về sự đau khổ của vòng luân hồi (saṃsāra) đầy tội lỗi này.
Vào thời Đức Phật Kassapa, có một vị Tỳ-khưu sống nhờ vào sự hộ độ từ một thiện tín. Một ngày nọ, Một vị Tỳ-khưu khác đến và ở lại tu viện của vị ấy. Bởi lo sợ rằng, nếu thiện tín tôn kính vị mới đến thì vị ấy sẽ mất chỗ đứng, nên vị ấy cố gắng để đuổi vị Tỳ-khưu khách đi. Khi thiện tín mời cả hai vị đến cúng dường trai tăng tại tư gia, vị Tỳ-khưu trụ trì đến đó một mình. Khi trở về, vị ấy đổ bỏ vật thực được người thiện tín gởi về dâng cúng đến vị Tỳ-khưu khách. Sau khi chết, vị Tỳ-khưu trụ trì phải gánh chịu một thời gian lâu dài trong địa ngục, từ địa ngục vị ấy lại tái sanh làm loài súc sanh, nơi vị ấy phải chịu nhiều đói khát trong nhiều kiếp sống.
Trong kiếp chót, vị ấy tái sanh trong một làng chài ở xứ Kosala. Từ khi tái sanh vào bào thai, những bất hạnh liên tiếp đã ập tới dân chài và cha mẹ của vị ấy. Cuối cùng, bị cơn đói hành hạ, mẹ vị ấy phải bỏ rơi vị ấy trong khi vị ấy đi xin ăn. Tôn giả Sāriputta nhìn thấy đứa bé khốn cùng vì đói khát. Động lòng trắc ẩn, vị trưởng lão đã đưa cậu bé về tu viện của mình, ở đó một thời gian, vị ấy trở thành một Tỳ-khưu. Vị Tỳ-khưu ấy tên là Losaka Tissa, bởi vì ngài quá xui xẻo, đến đỗi, Ngài không thể nhận được một bữa ăn tốt đẹp ngay cả trong buổi cúng dường thịnh soạn. Tất cả những gì vị ấy nhận được chỉ vừa đủ để sống.
Ác nghiệp này đeo bám vị ấy ngay cả khi vị ấy chứng ngộ đạo quả A-la-hán. Không lâu trước khi vị ấy tịch diệt, Tôn giả Sāriputta đã đưa vị ấy tới Sāvatthi để chắc chắn rằng, vị ấy sẽ có được một bữa ăn đàng hoàng trước khi tịch diệt. Câu chuyện kể lại rằng, không một ai để bát cúng dường các vị Tỳ-khưu, nên một vị đồng phạm hạnh đã để vị ấy ở lại một trú xá, lúc đó các vị Tỳ-khưu mới nhận được vật thực cúng dường. Rồi Tôn giả Sāriputta nhờ người đem vật thực đến cho Tôn giả Losaka Tissa, nhưng người ấy lại ăn chúng trên đường đi. Vì vậy, Tôn giả Sāriputta phải tự mình đem vật thực và giữ trong bát cho Tôn giả Losaka Tissa dùng. Bằng cách đó, Tôn giả Losaka Tissa đã thọ thực bữa cuối cùng rồi tịch diệt Niết-bàn ngay trong ngày hôm đó.
Câu chuyện này không có gì đáng nghi ngờ về nghiệp hay ác nghiệp đáng sợ của sự ích kỷ. Có nhiều ác ý khác nhau, chẳng hạn như, một người cố gắng tìm cách độc chiếm một công việc kinh doanh béo bở nào đó (lābha-macchariya); một người không bao giờ nhìn thấy điểm tốt của người khác (vaṇṇa-macchariya); một người không muốn chia sẽ những kiến thức hay hiểu biết của mình cho bất kỳ ai khác (dhamma-macchariya).
Lời dạy của Đức Phật cho thấy sự bất hạnh của nhân loại nguyên nhân là do ganh tị và ích kỷ. Điều này có liên quan trực tiếp đến Thiên chủ Sakka, bởi vì khi cái chết đến gần, ngài phiền muộn về viễn cảnh người vợ của mình rơi vào tay người kế vị, và người đó sẽ vượt qua mình. Vì vậy, Thiên chủ Sakka đã nhận ra được sự thật trong câu trả lời của Đức Phật và Ngài hỏi một câu hỏi khác.
Thương và ghét
“Bạch Thế Tôn, đâu là nguyên nhân của ganh tị và ích kỷ? Chúng con phải làm gì để diệt trừ chúng?”
Đức Phật trả lời:
“Này Thiên chủ Sakka! Ganh tị và ích kỷ sanh ra là do bởi thương và ghét. Nếu không có thương và ghét thì sẽ không có ganh tị và ích kỷ.”
Đức Phật đã chỉ ra con đường chấm dứt đau khổ là diệt trừ nguyên nhân gây ra đau khổ, và nguyên nhân đó là thương và ghét. Nó giống như một bác sĩ có trình độ chuyên môn chữa bệnh, vị ấy phải tìm ra được nguyên nhân căn bệnh và loại bỏ nó.
Đối tượng của thương là những chúng sanh hữu tình hay những đối tượng vô tri làm chúng ta hài lòng, như: đàn ông, đàn bà, cảnh sắc, âm thanh, v.v… Còn đối tượng của ghét là những thứ khiến chúng ta không hài lòng. Sân hận hành hạ chúng ta khi chúng ta không thích người khác có được những thứ mà mình thích. Vì vậy, ganh tị hay ích kỷ bắt nguồn từ những người hay đối tượng được thương và ghét. Thường thì những đối tượng mà chúng ta ghét lại là những đối tượng làm chúng ta ganh tị. Một đứa trẻ giỏi hơn cha mẹ chúng, thì cha mẹ chúng không có sự ganh tị – ngược lại, họ còn tự hào về những đứa con của mình.
Một người ích kỷ sẽ không bao giờ muốn chia sẻ với người khác tài sản mà họ có, thậm chí là cơ hội kết giao với bạn bè của họ. Những người đàn ông và đàn bà thường hay ghen tuông, cau mày khi vợ hoặc chồng của họ có sự thân thiết với người khác giới, thậm chí tham gia vào các cuộc trò chuyện thân mật. Nói tóm lại, sự ích kỷ thường xuất hiện khi có khuynh hướng sở hữu quá mức, và nó dẫn tới sự phản khán dữ dội khi có một sự tiếp xúc đối với đối tượng mà người ta thương hay những thứ họ thích. Do đó, thương và ghét là lý do đằng sau mọi việc.
Tham ái là nguyên nhân của thương và ghét
Rồi, Thiên chủ Sakka hỏi Đức Phật về nguyên nhân của thương và ghét. Đức Phật nói rằng, tham ái chính là nguyên nhân của thương và ghét. Ở đây, tham ái mà Đức Phật nói tới không phải là tham làm thiện, mà tham có kết hợp của lạc và ái (taṇhā chanda).
Có năm loại tham ái:
1. Tham ái quá độ trong việc tìm kiếm các đối tượng khoái lạc.
Tham ái này là nguyên nhân đứng sau mọi hoạt động của nhân loại, từ lúc sanh ra cho tới khi chết đi trong mỗi kiếp người.
2. Tham ái quá độ để sở hữu các đối tượng khoái lạc.
Khi tham ái này được đáp ứng, thì tham ái khác lại sanh khởi. Chiều hướng này không bao giờ dừng lại. Ngay cả những triệu phú gia, họ cũng khao khát được giàu hơn hiện tại, họ không hài lòng với những gì mình đang có.
3. Tham ái quá độ để hưởng thụ các đối tượng khoái lạc hay của cải vật chất.
Những người ưa thích các chương trình giải trí, âm nhạc, v.v… họ không bao giờ nhàm chán thưởng thức chúng.
4. Tham ái quá độ trong việc cất trữ vàng, bạc, đá quý, v.v… hoặc cất tiền dưới mọi hình thức để sử dụng lúc khẩn cấp.
5. Tham ái trong việc người khác phải trả tiền lương cho người làm công, cho nhân viên của họ, v.v…
Năm loại tham ái này dẫn tới thương và ghét. Những đối tượng hay chúng sanh nào làm thỏa mãn tham ái của một người, thì yêu thương sẽ phát sanh, còn cái gì cản trở tham ái đó, thì thù hận sẽ sanh khởi.
Rồi thiên chủ Sakka hỏi Đức Phật về nguồn gốc của tham ái. Đức Phật trả lời rằng, dục vọng do tầm (vitakka) gây ra. Theo chú giải, tầm có nghĩa là những suy nghĩ và quyết định. Có hai loại tầm: một loại dựa trên ‘tham muốn’, còn loại kìa có nguồn gốc từ ‘quan điểm’. Nói cách khác, ai cũng có tham muốn và quan điểm riêng. Khi một người chú ý đến một đối tượng giác quan, họ sẽ cảm thấy đối tượng này thật dễ chịu. Ngay vào lúc ấy, nếu họ không có chánh niệm trong khi thấy, nghe, ngửi, nếm, v.v… tâm họ sẽ tham muốn những đối tượng ấy. Hành động này của tâm sẽ dẫn đến sự đắm chìm trong tham dục và tạo ra sự dính mắc.
Rồi thiên chủ Sakka hỏi Đức Phật về căn nguyên của sự phóng tâm (hay còn gọi là suy nghĩ lang thang). Đức Phật đáp rằng, phóng tâm là do tâm có xu hướng khuếch đại (papañca-saññā). Có ba loại tâm: tham ái (taṇhā), ngã mạn (māna) và tà kiến (diṭṭhi). Giống như một tấm hình nhỏ khi được phóng to, tương tợ, mọi suy nghĩ của tâm đều có khả năng phóng đại lên như vậy. Một người thiếu chánh niệm sẽ trở thành nạn nhân của một trong những yếu tố này một khi chúng khuếch đại lên. Người ấy phóng đại mọi đối tượng thông qua các giác quan bị chi phối bởi tham ái, ngã mạn và tà kiến của chính mình2Trong Kinh Anattalakkhaṇa Sutta (AN 3.2. Kinh Tướng) nhắc tới các cụm từ, như: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi.” “Cái này là của tôi” là quyết định dựa trên tham ái, “Tôi là cái này” là quyết định dựa trên ngã mạn, và “Đây là tự ngã của tôi” là quyết định dựa trên quan điểm..
Khắc chế tham dục
Sau khi một người thấy được các hình tướng, họ sẽ có những suy nghĩ về tham ái, ngã mạn và tà kiến sanh khởi. Tham ái làm cho các hình tướng ấy trở nên đáng hài lòng, đồng thời, khuếch đại chúng lên. Cũng vậy, ngã mạn và tà kiến cũng diễn ra theo cách đó. Do đó, mọi ký ức về cái thấy đều dẫn đến tham muốn và làm sanh khởi tham ái. Hơn nữa, tham ái còn là nguyên nhân dẫn đến thương và ghét. Chúng khiến cho người ta trở thành nạn nhân của ganh tị và ích kỷ. Những điều này là nguyên nhân gây ra sự thất vọng và đau khổ trong nhân loại.
Đáp lại yêu cầu của Thiên chủ Sakka, Đức Phật đã chỉ dẫn cách khắc chế tham ái, ngã mạn và tà kiến. Đức Phật dạy rằng, có hai loại cảm giác là: cảm giác dễ chịu và cảm giác khó chịu. Cảm giác dễ chịu được phân thành hai loại, một loại nên chứa chấp và một loại nên tránh xa. Tương tự, cảm giác khó chịu cũng có hai loại, một loại nên chứa chấp và một loại nên tránh xa. Tiếp đến là cảm giác trung tính, tức là cảm giác không dễ chịu mà cũng không khó chịu. Cảm giác trung tính này cũng có hai loại, một loại nên chứa chấp và một loại nên tránh xa.
Cảm giác dễ chịu, khó chịu hay trung tính nên được chứa chấp khi chúng đưa tới thiện; còn ngược lại, nếu chúng đưa tới bất thiện thì nên tránh xa. Chú giải mô tả lời dạy này cũng giống như việc thực hành thiền minh sát (Vipassanā).
Trong đoạn kinh 2.2 Cảm thọ trong thiền (Vedanākammaṭṭhāna) của bài Kinh Đế Thích Sở Vấn (DN 21), Đức Phật dạy rằng:
“Này thiên chủ Sakka, ta dạy có hai loại cảm giác dễ chịu: một loại nên chứa chấp và một loại nên tránh xa. Nếu ông thấy cảm giác dễ chịu đưa tới sự phát triển thiện tâm và ngăn chặn các trạng thái tâm bất thiện, thì ông nên chứa chấp. Cảm giác dễ chịu có hai loại, cảm giác dễ chịu gắn liền với trạng thái của tâm3Vitakka (tầm) và Vicāra (tứ) được dịch là “suy nghĩ” và “di chuyển xung quanh” trong Từ điển Phật giáo của Nyanatiloka. Ý nghĩa thường được sử dụng là “sự định tâm ban đầu” và “duy trì sự định tâm”. và cảm giác dễ chịu không liên quan đến trạng thái của tâm. Trong hai loại cảm giác dễ chịu này, cảm giác dễ chịu không liên quan đến các trạng thái của tâm là thù thắng hơn.”
Cảm giác dễ chịu và những suy nghĩ bất thiện
Những cảm giác dễ chịu sẽ đưa tới những suy nghĩ bất thiện. Thông thường người ta quan tâm tới những thứ như: hành dâm và ăn uống. Nếu một người có được những gì họ muốn, họ sẽ cảm thấy vui vẻ. Tuy nhiên, cảm giác vui vẻ đó sẽ đưa tới tham ái nhiều hơn. Chính vì vậy, đối với nhiều người, cái gọi là hạnh phúc thường sanh khởi trên nền tảng của tham ái. Nếu tham ái này không được đáp ứng, họ sẽ thất vọng và sầu khổ. Điều này đồng nghĩa với những tư tưởng bất thiện sẽ sanh khởi, chúng là tác nhân để để tham ái, ngã mạn và tà kiến phát triển mạnh hơn.
Những cảm giác dễ chịu mà một người nên tránh xa được nhắc tới trong bài kinh Phân biệt sáu xứ (Sāḷāyatanavibhaṅga Sutta) trong Trung bộ (Majjhimanikāya). Bài kinh này ví các đối tượng giác quan như là chỗ an trú của một người. Bởi vì các đối tượng đó là chỗ trói buộc họ. Niềm vui của con người bắt nguồn từ những sự tiếp xúc và hồi tưởng lại sau những lần tiếp xúc đó. Có sáu loại cảm giác dễ chịu xuất phát từ sáu đối tượng giác quan thông qua sáu giác quan tương xứng4Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý (sáu căn) tương xứng với các đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp (sáu trần)..
Chánh niệm trong khi thấy là cách để ngăn chặn những trạng thái bất thiện sanh khởi từ những cảm giác dễ chịu, v.v… Nếu xuất hiện những suy nghĩ mang lại niềm vui, thiền sinh phải ghi nhận và diệt trừ chúng. Tuy nhiên, một thiền sinh mới hành thiền thì không thể nào theo dõi hay ghi nhận được tất cả các tiến trình của tâm, chính vì vậy, thiên sinh nên bắt đầu với các đối tượng thông qua sự xúc chạm của bốn yếu tố: đất hay sự rắn chắc (paṭhavī); nước hay sự kết dính (āpo); lửa hay nhiệt độ (tejo) và gió hay sự chuyển động (vāyo).
Trong kinh Niệm Xứ (Satipaṭṭhānasutta), Đức Phật dạy rằng:
“’Gacchanto vā gacchāmī’ti pajānāti” – “Khi đang đi, vị ấy biết ‘ta đang đi’”.
Câu nói này có nghĩa là thiền sinh nên nhận biết rõ ràng sự chuyển động của gió (vāyo) trong khi bước đi; thiền sinh cũng hay biết về sự và mềm (paṭhavī), nóng và lạnh (tejo), nặng và kết dính (āpo) ở bàn chân và thân. Mặc dù yếu tố nước (āpo) không thấy được, nhưng nó có thể được nhận biết thông qua sự tiếp xúc với các yếu tố khác có liên quan đến nó.
Các thiền sinh tại Trường Thiền Mahasi ở Rangoon thực hành ghi nhận sự phồng xẹp ở bụng, phương pháp này không chỉ dễ áp dụng, mà nó còn làm nổi bật lên những đặc tánh của các đối tượng trong khi hành thiền. Sự căng và chuyển động ở bụng là đặc tánh của yếu tố gió (vāyo). Thiền sinh thực hành bằng cách ghi nhận sự phồng xẹp ở bụng. Cách hành thiền này đã giúp nhiều thiền sinh đạt được tuệ giác và có được những tiến bộ đáng kể trên Thánh Đạo.
Lúc đầu, thiền sinh liên tục ghi nhận sự phồng xẹp ở bụng. Thiền sinh nên ghi nhận tất cả những trạng thái của tâm trong khi đang ghi nhận sự phồng xẹp ở bụng. Tất cả cảm giác dễ chịu có thể sẽ sanh khởi, những nó cũng mau chóng biến mất khi được ghi nhận cẩn thận. Chúng sẽ không còn chen vào khi thiền sinh tiếp tục ghi nhận sự phồng xẹp ở bụng. Cảm giác dễ chịu nên tránh xa mà Đức Phật đã nói, có nghĩa là thiền sinh nên tập trung vào đối tượng thân và tâm để diệt trừ dục lạc, nếu cảm giác dễ chịu ấy sanh lên, thiền sinh nên ghi nhận và diệt trừ nó ngay lập tức.
Cảm giác dễ chịu nên chứa chấp
Cảm giác dễ chịu nên chứa chấp ở đây có nghĩa là hỷ lạc thiện. Cảm giác này đã được thuyết giảng trong Kinh rằng: khi biết được đặc tánh vô thường, hoại diệt của thân, thiền sinh nhận thấy tất cả các đối tượng mà mình đã thấy trước đây cũng phải chịu ảnh hưởng của vô thường (anicca) và khổ (dukkha). Tuệ minh sát này làm sanh khởi hỷ lạc, và hỷ lạc này xuất hiện bởi mong muốn thoát khỏi sụ trói buộc của tham dục.
Đó là một phần được dạy trong bài kinh. Chú giải nói thêm, thiền sinh có được hỷ lạc nhờ chứng đạt tuệ giác về vô thường, v.v… đây là kết quả chánh niệm trong các đối tượng giác quan. Loại hỷ lạc thiện như vậy là cảm giác dễ chịu nên chứa chấp.
Chú giải mô tả có bốn loại hỷ lạc, như sau:
1. Hỷ lạc phát sanh do từ bỏ những công việc trong thế tục;
2. Hỷ lạc phát danh do hành thiền minh sát;
3. Hỷ lạc phát sanh nhờ sự quán tưởng đến Ân Đức Phật, v.v…, và
4. Hỷ lạc phát sanh do an trú trong sơ thiền, v.v…
Một số người hỷ lạc phát sanh khi họ nghĩ đến việc từ bỏ những công việc thế tục, xuất gia, hành trì Giới Tỳ-khưu, thiền tập, v.v… Hỷ lạc cũng có thể phát sanh khi một người nghe một bài pháp thoại hay khi họ đến trường thiền để thực hành thiền minh sát. Hỷ lạc này là thiện, vì nó tách rời khỏi cuộc sống thế tục.
Hỷ lạc phát sanh tùy thuộc vào tuệ giác, hỷ lạc có thể sanh khởi trong khi thiền sinh đang chánh niệm. Đặc biệt, hỷ lạc mạnh nhất là hỷ lạc liên quan đến tuệ sanh diệt (udayabbaya-ñāṇa).
Hỷ lạc mà một người có được khi quán tưởng Ân Đức Phật, v.v… là điều hiển nhiên. Các chú giải nói rằng, hỷ lạc sanh khởi khi có định tâm vào sáu đối tượng, là: niệm Ân Đức Phật, niệm Ân Đức Pháp, niệm Ân Đức Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên; thực hành như vậy có thể mang lại cho thiền sinh tuệ và quả trên con đường tu tập. Nếu thiền sinh ghi nhận về các giai đoạn biến mất của hỷ (pīti) sanh khởi từ sáu đề mục quán tưởng trên, thiền sinh có thể chứng đắc đạo quả A-la-hán. Pīti có nghĩa là hỷ và hỷ này sanh khởi từ sáu đối tượng: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên. Cũng vậy, hỷ dựa trên ba thiền hay cận định (upacāra-samādhi) là hỷ thiện.
Trong bốn hạng xuất gia, gia nhập vào Tăng Chúng, có nghĩa là rời xa bổn phận gia đình. Thiền sinh thực hành thiền minh sát (vipassanā) cũng phải xa lìa sự dính mắc vào các đối tượng dục lạc. Vì vậy, chú giải Itivuttaka có nói, bậc chứng sơ thiền, bậc thấy Niết-bàn, thiền sinh đang thực hành thiền minh sát và luôn cả các trạng thái của thiện, đều gọi là xuất gia (nekkhamma). Hỷ lạc sanh khởi qua suy (tầm) và sát (tứ) có hai loại: lạc (sukha) liên quan đến cận định (upacāra-samadhi) và lạc liên quan đến sơ thiền. Như đã nói ở phần trước, trong thế gian có rất nhiều loại hỷ lạc khác nhau, như: hỷ lạc khi được xuất gia, hỷ lạc do tu tập minh sát, hỷ lạc do niệm tưởng Ân Đức Phật, v.v… Lại nữa, còn có bốn loại hỷ lạc siêu thế liên quan đến bốn đạo lộ chứng đắc sơ thiền.
Hỷ lạc vắng mặt tầm và tứ (vitakka-vicāra) còn cao hơn các loại hỷ lạc đã nêu trên. Đây là đặc tánh của nhị thiền, tức là diệt tầm và tứ, chỉ có hỷ (pīti), lạc (sukkha), nhất tâm (ekaggatā). Đặc tánh của tam thiền là diệt hỷ, chỉ còn lạc và nhất tâm. Hỷ lạc sanh ra trong thiền định vẫn thuộc về hỷ lạc thế gian. Hỷ lạc sanh khởi trong bốn đạo siêu thế và nhị thiền, tứ thiền không tâm không tứ, đó mới gọi là hỷ thiện. Hỷ lạc của nhị thiền và tam thiền vượt trội hơn hỷ lạc của sơ thiền hay lạc sanh khởi từ những tư niệm thiện trong cõi dục giới. Cũng vậy, hỷ lạc minh sát là kết quả của sự chú tâm vào hỷ lạc trong nhị thiền và tam thiền.
Một cuộc đàm luận về hỷ lạc có hay không có tầm tứ, chủ đề này vượt quá tầm hiểu biết của những người ít tìm hiểu kinh điển. Vấn đề này chỉ có những vị đắc thiền mới hiểu được cặn kẽ. Theo chú giải, khi thiên chủ Sakka hỏi Đức Phật: làm thế nào để vượt qua tham ái (taṇhā), ngã mạn (māna) và tà kiến (diṭṭhi); nội dung câu hỏi này cũng đồng nghĩa là vị ấy đang hỏi về cách thực hành tuệ giác trên thánh đạo. Đức Phật nhấn mạnh đến cảm giác dễ chịu nên chứa chấp, cảm giác khó chịu nên chứa chấp và cảm giác trung tính nên chứa chấp như cách để trị bệnh. Những ai chưa giác ngộ có thể khó hiểu câu trả lời này, nhưng câu trả lời của Đức Phật có liên quan đến câu hỏi của Thiên chủ Sakka.
Đối với chư thiên, tâm hiển lộ rõ ràng hơn thân, và trong các trạng thái của tâm, cảm thọ là yếu tố nổi bậc nhất. Vì vậy, Đức Phật nói Thiên chủ Sakka hãy ghi nhận các cảm giác (vedanā) của mình. Trong nhiều lời dạy của Đức Phật về thiền minh sát, việc ghi nhận thân được ưu tiên hơn ghi nhận tâm. Điều này cũng đúng với Sakkapañhasutta, nhưng ở đây không nhắc tới thân vì nó tiềm ẩn trong ghi nhận các cảm giác.
Thiền minh sát
Mục đích của thiền minh sát là ghi nhận tất cả các hiện tượng tâm sanh khởi từ sự tiếp xúc với các đối tượng giác quan. Thiền minh sát bao gồm cả sự tinh tấn ghi nhận, kinh nghiệm tất cả các hiện tượng đúng theo bản chất của chúng, cùng với đặc tánh vô thường, khổ, vô ngã, v.v… của các hiện tượng ấy. Lúc đầu, thiền sinh không thể tập trung trong suốt tiến trình của thân và tâm, vì vậy thiền sinh nên bắt đầu với từng giai đoạn rõ ràng. Khi thiền sinh đi, thiền sinh nên ghi nhận ‘đi, đi’, v.v… Bằng cách ghi nhận tất cả mọi chuyển động của thân, thiền sinh sẽ biết được các yếu tố chuyển động và các yếu tố cơ bản khác. Điều này phù hợp với lời dạy trong bài kinh Niệm Xứ (Satipaṭṭhānasutta).
Gacchanto vā gacchāmi’ti pajānāti – “Khi đi vị ấy biết, ‘đang đi’
Thiền sinh có xu hướng mất tập trung trong một tư thế duy nhất, ví dụ, tư thế ngồi. Do đó, để giữ được sự tỉnh táo, thiền sinh nên tập trung ghi nhận sự phồng và xẹp của bụng. Với sự phát triển của định, thiền sinh sẽ nhận biết được sự chuyển động, tức là yếu tố gió (vāyo) trong chuyển động phồng xẹp. Sau khi biết rõ ràng, có sự phân biệt giữa quá trình phồng và tâm ghi nhận; giữa xẹp và tâm ghi nhận; giữa dở chân lên và tâm ghi nhận; giữa bước tới và tâm ghi nhận. Thiền sinh đã đạt tới tuệ phân biệt thân – tâm (nāmarūpapariccheda-ñāṇa).
Với sự phát triển của định, thiền sinh thấy co tay lại là vì có ý muốn co, biết rằng mình thấy vì có mắt và có đối tượng để thấy; biết rằng nhờ có đối tượng nên mới có cái biết; biết rằng mình không biết bởi không có chánh niệm; biết rằng mình thích một đối tượng bởi vô minh; biết rằng quả tốt hay xấu đều do hành động của chính mình; v.v… Thiền sinh đã đạt tới tuệ phân biệt nhân duyên (paccayapariggaha-ñāṇa).
Tiếp theo là tuệ thẩm sát tam tướng (sammasana-ñāṇa), nghĩa là tuệ giác thấy được ba đặc tánh (vô thường, khổ, vô ngã) – tuệ giác này sanh khởi từ sự ghi nhận về tiến trình sanh và diệt của các hiện tượng.
Bấy giờ, thiền sinh biết rằng mọi thứ sanh và diệt một cách nhanh chóng. Tâm thiền sinh nhạy bén tới mức không có gì mà thiền sinh không thể ghi nhận. Thiền sinh có xu hướng nhìn thấy ánh sáng, cảm thấy phấn khởi và hỷ lạc quá mức. Cảm giác dễ chịu này sanh khởi cùng với tuệ sanh diệt (udayabbaya-ñāṇa). Cảm giác này vượt lên trên hết những cảm giác hỷ lạc mà thiền sinh nên đón nhận. Kinh pháp cú (Dhammapada) có nhắc tới một trạng thái hỷ lạc thù thắng phát sanh trong khi thiền sinh ghi nhận Pháp một cách đúng đắn, tức là tánh chất vô thường của thân và tâm. Trạng thái tâm đó còn gọi là trạng thái bất tử (amata), vì nó là tiền thân của Niết-bàn (nibbāna), thiền sinh chắc chắn sẽ chứng ngộ nếu nỗ lực tinh tấn bằng lòng tin, quyết tâm và tinh tấn.
Khinh hỷ và hỷ trong tiếng Pāḷi gọi là pamojja và pīti. Pamojja nghĩa là khinh hỷ, trạng thái này đi chung với trí tuệ thấy rõ đặc tánh vô thường, khổ và vô ngã của mọi hiện tượng – hay còn gọi là tuệ thẩm sát tam tướng (sammasana-ñāṇa). Pīti nghĩa là hỷ thù thắng đi chung với tuệ sanh diệt (udayabbaya-ñāṇa). Cảm giác này phát triển trong khi thiền sinh chánh niệm sự phồng và xẹp của bụng, hay những cảm giác nơi thân, hoặc ghi nhận những chuyển động của thân. Thiền sinh hiếm khi có cảm giác đau đớn cực độ. Khi có cơn đau thỉnh thoảng xuất hiện, nếu ghi nhận cơn đau đó, nó sẽ biến mất ngay lập tức. Chừng nào thiền sinh còn chánh niệm về tốc độ mau lẹ sanh rồi diệt của các hiện tượng, thì thiền sinh sẽ cảm thấy vô cùng phấn chấn, và niềm phấn khởi này vẫn tiếp tục mãnh liệt.
Cũng như ba tầng thiền (jhāna) đầu tiên, thiền sinh sẽ cảm thấy rất an lạc khi chứng được tuệ sanh diệt. Ở giai đoạn này, thiền sinh diễn tả hỷ lạc như một trải nghiệm khó có thể nói thành lời, bởi vì hỷ lạc đó thù thắng hơn tất cả các trạng thái tâm hỷ lạc tương tợ.
Trong Kinh Đế Thích Sở Vấn (Sakkapañhasutta), hỷ lạc đó được gọi là Sevitabbasomanassa, nghĩa là hỷ lạc mà thiền sinh nên chứa chấp.
Những cảm giác khó chịu nên chứa chấp hay tránh xa
Bài kinh nhắc tới hai loại cảm giác khó chịu: cảm giác khó chịu dẫn đến bất thiện (trong hành động, lời nói hay suy nghĩ) và cảm giác khó chịu dẫn đến thiện. Một cảm giác nên chứa chấp, một cảm giác nên tránh xa. Những cảm giác khó chịu dẫn đến thiện rất đáng để chứa chấp, cảm giác khó chịu đó có lợi cho thiền tập, cho đạo quả giải thoát, tuy nhiên, thiền sinh không nên chủ động tìm kiếm cảm giác đó.
Bài kinh Saḷāyatanavibhaṅgasutta chỉ rằng, cảm giác khó chịu nào thiền sinh nên chứa chấp và cảm giác khó chịu nào thiền sinh nên tránh xa. Người ta thường đau khổ bởi vì họ không đạt được những đối tượng dễ chịu thông qua các giác quan, đó là các đối tượng đáng mong cầu trong hiện tại hoặc các đối tượng mà người ta không có được trong quá khứ. Người ta cảm thấy không hài lòng khi phải đối mặt với nguy hiểm, những đối tượng khó chịu, hoặc khi họ lo lắng về những vấn đề sẽ dẫn tới đau khổ trong tương lai, thậm chí, đó là những ký ức đau khổ trong quá khứ. Những cảm giác khó chịu như vậy không mang lại lợi ích cho chúng ta. Nó chỉ tạo ra đau khổ và những suy nghĩ bất thiện.
Những ai nuôi dưỡng suy cảm giác khó chịu, họ sẽ không thể nghĩ tưởng đến những ân đức cao thượng của Đức Phật bằng sự tinh tấn và định tâm, bởi vì họ có quá nhiều sự phân tâm. Tâm an tịnh là yếu tố cần thiết cho việc suy tưởng đến những ân đức cao thượng của Đức Phật. Những suy nghĩ bất thiện sẽ xuất hiện nếu vắng mặt tâm an tịnh. Những cảm giác khó chịu này cũng là một chướng ngại (triền cái) cản trở tâm thiện, do đó, người ta phải cố gắng để vượt qua chúng. Tuy nhiên, một số người dường như bị nhấn chìm trong đau khổ, thậm chí họ có thể sẽ ghét chúng ta khi chúng ta khuyên họ chớ nên đau buồn trước sự ra đi của người mà họ yêu thương. Ngược lại, họ có thể cảm ơn những lời khuyên của chúng ta, khi chúng ta tỏ ra sự thương tiếc của chính mình.
Đức Phật dạy chúng ta nên nhớ lấy luật nhân quả, mọi thứ diễn ra tuỳ thuộc vào hành động của một người, hãy kham nhẫn và bình tĩnh trước những điều bất hạnh xảy đến với mình. Phương thuốc tốt nhất để giải quyết những cơn khủng khoảng này là thực hành thiền minh sát. Nếu có những điều buồn phiền, sầu não làm khổ một người trong khi hành thiền, hãy ghi nhận những cảm giác đó và loại trừ nó. Đức Phật dạy rằng, phương pháp Niệm Xứ (satipaṭṭhāna) là phương pháp duy nhất để giúp một người vượt qua được sầu não và chấm dứt mọi đau khổ. Miễn là khi người ta giữ được chánh niệm như trong kinh Niệm Xứ đã nói, thì những cảm giác chán nản, sầu não, muộn phiền sẽ biến mất ngay khi người ấy tập trung, ghi nhận những cảm giác đó.
Có rất nhiều điều trong cuộc sống này làm người ta cảm thấy không vui, không hài lòng, khó chịu, như: không có được những điều mình mong cầu, sự thất bại, mất tiền bạc, mất tài sản, v.v… Những sự việc này sẽ làm người ta bị trầm cảm nếu họ cứ mãi suy nghĩ về những điều tiêu cực. Và những điều bất hạnh như vậy, chỉ có chánh niệm mới có thể giúp một người vượt qua được những cảm giác tiêu cực đó. Phương pháp đang được nói tới là sự ghi nhận liên tục phồng xẹp, oai nghi ngồi, v.v…
Hành thiền chánh niệm rất quan trọng, nhất là đối với Thiên chủ Sakka, vì trước khi chết, Thiên chủ cảm thấy rất chản nản vì sắp mất đi niềm hạnh phúc và lạc thú cõi trời. Nên thời điểm bấy giờ, lời dạy của Đức Phật dành cho Thiên chủ rất hợp thời, đúng lúc.
Bây giờ, Sư sẽ trích một đoạn Pāḷi trong bài kinh Saḷāyatanavibhaṅgasutta về cảm giác khó chịu mà một người nên chứa chấp.
“Sau khi ghi nhận và thấy được các đặc tánh vô thường của thân, sự tan biến và hoại diệt của thân, vị ấy sẽ đạt được tuệ thấy rõ bản chất thật sự của đối tượng ấy (thấy sự thật như chúng đang là), tức là đặc tánh về tam tướng, vô thường, khổ và vô ngã của các đối tượng. Và vị ấy mong cầu mục tiêu chứng ngộ đạo giải thoát, tâm giải thoát cao thượng này sẽ sanh khởi. Vị ấy mong chờ thời điểm mình sẽ “đặt chân” vào trong chỗ ở của các Bậc Thánh5Xem bản dịch của soạn giả ‘Giảng giải bài Kinh Ariyāvāsa Sutta’.. Sự mong muốn giải thoát như vậy sẽ gây ra đau khổ, phiền muộn, và cảm giác khó chịu, nó gọi là nekkhamassita-domanassa, tức là loại đau khổ hay sầu muộn (domanassa) do mong muốn được xuất ly.”
Những ai ghi nhận các hiện tượng thân – tâm khi chúng sanh khởi từ sáu cửa giác quan và thấy được đặc tánh vô thường, khổ, vô ngã của chúng, v.v…, và chỉ khi nào thiền sinh thấy được Pháp thì thiền sinh mới tiếp tục hành thiền với hi vọng chứng đạt được mục tiêu. Còn nếu hi vọng không thành hiện thực thì thiền sinh sẽ cảm thấy chán nản. Sự đau khổ này do mong muốn xuất ly gây ra.
Điều này có thể giải thích như vầy. Một thiền sinh thiếu kinh nghiệm trong sự chú tâm ghi nhận các đối tượng thân và tâm sanh khởi nơi sáu giác quan. Thật không dễ dàng để theo dõi tiến trình này một cách liên tục đối với thiền sinh mới. Thiền sinh nên bắt đầu với bốn yếu tố được nhắc tới trong Thanh Tịnh Đạo, hay với yếu tố chuyển động phồng xẹp của bụng, một phương pháp mà Sư đang giảng dạy ở trường thiền Mahāsi.
Trong khi chánh niệm ghi nhận sự phồng xẹp ở bụng, thiền sinh nên ghi nhận bất cứ suy nghĩ (ý định, mong muốn, v.v…); cảm giác (nóng, đau, v.v…) hoặc sự tiếp xúc với các đối tượng thông qua các giác quan (thấy, nghe, ngửi, v.v…) đang diễn ra. Tuy nhiên, khi Định tâm còn yếu, bản chất của các hiện tượng thân và tâm không được thấy rõ. Khi Định được phát triển, tâm trở nên thanh tịnh và giải thoát ra khỏi các chướng ngại. Những suy nghĩ hay cảm xúc đều được ghi nhận và loại trừ. Khi đó, thiền sinh đạt tới trạng thái tâm thanh tịnh (citta-visuddhi). Rồi thiền sinh sẽ phân biệt được giữa tâm biết và thân được biết. Đây gọi là tuệ phân biệt thân tâm hay còn gọi là tuệ phân biệt danh sắc (nāmarūpapariccheda-ñāṇa), nó dẫn tới tri kiến thanh tịnh (diṭṭhivisuddhi). Tiếp tục hành thiền, thiền sinh sẽ đạt tới giai đoạn tuệ phân biệt nhân duyên (paccayapariggaha-ñāṇa), nó dẫn tới đoạn nghi thanh tịnh (kaṅkhāvitaraṇa-visuddhi).
Thiền sinh bây giờ đã thấy rõ là tất cả mọi hiện tượng đều phải chịu sự chi phối của vô thường, khổ và vô ngã. Lúc này, thiền sinh đã đạt tới tuệ thẩm sát tam tướng (sammasana-ñāṇa), thiền sinh nhận thấy mọi thứ đều tan biến ngay tức khắc khi chúng vừa sanh ra, đây là giai đoạn của tuệ sanh diệt (udayabbaya-ñāṇa). Vào lúc này, sự mong cầu được giải thoát sẽ sanh khởi và thiền sinh mong muốn rằng sẽ chứng đạt được một giai đoạn nhất định nào đó trên thánh đạo, dẫu chỉ trong một khoảnh khắc. Nếu mong muốn này không được thành tựu, thiền sinh sẽ cảm thấy buồn bả và thất vọng. Ngay lúc này, thiền sinh sẽ trở thành con mồi của sự hoài nghi và tuyệt vọng. Những cảm giác này có thể đóng vai trò như một động lực để thiền sinh cố gắng hơn nữa, nhưng nó là một sự trá hình, vì vậy, thiền sinh không nên cố gắng tìm kiếm nó.
Dĩ nhiên, thật tốt nếu thiền sinh đạt được sự tiến bộ mà không có sự gián đoạn ngay từ đầu và có được sự hiểu biết, cũng như, kinh nghiệm trong thiền tập. Vì vậy, bài kinh nhấn mạnh vào sự hoan hỷ hơn là nỗi buồn do mong cầu xuất ly gây ra. Ngược lại, đối với những thiền sinh không đạt được bất kỳ thành tựu nào trong thời gian họ muốn, thì sự chán nản xuất hiện là điều không thể tránh khỏi.
Tại trường thiền này, Sư đã giải thích tuần tự các giai đoạn của thiền minh sát cho một số thiền sinh có đủ điều kiện để họ tự đánh giá lại kinh nghiệm của chính mình. Sư chỉ giảng dạy cho một số ít thiền sinh được chọn lọc, bởi những lời dạy này không thích hợp cho các thiền sinh không có kinh nghiệm nào trong thiền tập. Những lời dạy chỉ có lợi cho những thiền sinh có kinh nghiệm, vì những lời dạy này sẽ thúc đẩy thiền sinh tinh tấn, nỗ lực hơn nữa. Những thiền sinh nào mong muốn nghe những lời dạy này mà không đạt được những kinh nghiệm thực tế trong thiền tập, họ sẽ cảm thấy chán nản bởi những mong ước của họ không thành hiện thực. Sự chán nản sẽ có lợi cho thiền sinh, vì nó khuyến khích thiền sinh phải nỗ lực nhiều hơn nữa, từ những lời hướng dẫn này, nó sẽ giúp cho thiền sinh tự mình kiểm chứng lại theo lời hướng dẫn của Sư.
Một số thiền sinh cảm thấy chán nản vì lúc đầu định tâm của họ còn yếu, do đó, họ nỗ lực gấp đôi và có được sự hiểu biết phi thường. Ở góc độ này, thiền sinh có thể có được lợi ích từ sự chán nản của mình. Theo chú giải, thiền sinh nên chấp nhận sự chán nản phát sanh từ sự mong cầu xuất ly, thiền định và tùy niệm (anussati). Ở đây, cần phải giải thích rõ ràng về sự chán nản vì không thể trở thành một vị Tỳ-khưu, không thể hành thiền, nghe pháp hay thậm chí là đi chùa. Đây là một thí dụ về nỗi sầu muộn có lợi, câu chuyện về một tín nữ ở Tích Lan. Cha Mẹ của cô gái đi Chùa và để cô lại ở nhà vì cô ấy đang có thai. Ngôi chùa cách đó không xa, cô nhìn thấy ngôi chùa đang được thắp sáng và nghe các vị Tỳ-khưu đang tụng kinh. Tâm cô bỗng chùng xuống khi nghĩ đến ác nghiệp đã ngăn cản cô đi chùa cùng Cha Mẹ, nhưng tâm cô lại hoan hỷ với thiện nghiệp của những người đang ở đó. Sự hoan hỷ của cô phát triển thành khinh hỷ (ubbega-pīti), thân cô bay lên hư không và cô thấy mình đang đứng trên bục của ngôi chùa. Như vậy, sự buồn chán có lợi của cô tín nữ đã trợ giúp cho điều mong ước tốt đẹp của cô thành tựu một cách kỳ diệu.
Chú giải về Kinh Sakkapañha trích dẫn câu chuyện về Tôn giả Mahāsiva như một minh họa về sự chán nản dẫn đến quả vị A-la-hán. Tôn giả Mahāsiva là một vị thầy vĩ đại có nhiều đệ tử, và những người thực hành thiền minh sát dưới sự hướng dẫn của ngài đều trở thành A-la-hán. Thấy vị thầy của mình chưa đạt được mục tiêu tối thượng, một trong những vị A-la-hán này yêu cầu thầy giảng cho vị ấy một bài Pháp. Tôn giả Mahāsiva trả lời rằng, ngài không có thời gian để giảng Pháp, vì Ngài bận rộn cả ngày để trả lời các câu hỏi của đệ tử, diệt trừ nghi ngờ của họ, v.v…
Sau đó, vị tỳ khưu nói, “Thưa thầy, vào mỗi buối sáng, ít nhất thầy nên dành thời gian để suy tư về Pháp. Giờ đây, thầy thậm chí không có thời gian để chết. Thầy làm trụ cột cho người khác, nhưng bản thân thầy lại không có chỗ dựa. Vì vậy, con không muốn học với thầy nữa.”
Nói xong, vị ấy bay lên không trung rồi đi mất. Điều này khiến tôn giả Mahāsiva nhận ra rằng, vị học trò đến đây không phải để học Pháp mà để cảnh tỉnh Ngài về tính tự mãn. Vỡ lẽ, Ngài rời tu viện, ẩn cư ở một nơi hẻo lánh và hành thiền minh sát một cách tinh tấn. Tuy nhiên, bất chấp sự kiên trì tinh tấn và siêng năng của mình, Ngài không đạt được bất kỳ sự hiểu biết đặc biệt nào, thậm chí sau nhiều năm vị ấy cũng không đạt được mục tiêu của mình. Cuối cùng, vị ấy chán nản và bắt đầu khóc, một Thiên nữ xuất hiện và khóc theo. Vị trưởng lão hỏi tại sao Thiên nữ lại khóc, và cô ấy trả lời rằng cô ấy hy vọng sẽ đạt được tuệ giác bằng cách khóc.
Điều này khiến cho vị trưởng lão tỉnh táo lại. Tự trấn tĩnh, ngài thực hành chánh niệm, và sau khi trải qua các giai đoạn giác ngộ liên tiếp trên thánh đạo, cuối cùng ngài đã chứng đắc đạo quả A-la-hán. Xét cho cùng, trong những hoàn cảnh thuận lợi, một thiền sinh có thể đạt được tuệ giác trong một thời gian ngắn. Thất bại ban đầu của trưởng lão, dù đã cố gắng hết sức, có thể là do những suy nghĩ lan man xuất phát từ sự học cao, hiểu rộng của vị ấy.
Phá tan sự ảo tưởng đã thúc đẩy Tôn giả Mahāsiva nỗ lực hơn nữa trên con đường hành đạo, đó là loại chán nản tốt đẹp mà thiền sinh nên tầm cầu. Sakkapañhasutta đề cập đến hai loại ưu phiền: một loại có suy nghĩ lan man, còn loại kia thì không, nhưng trên thực tế, mọi ưu phiền đều gắn liền với suy nghĩ, và loại ưu phiền mà không có sự suy nghĩ chỉ là một cách nói ẩn dụ thôi.
Tóm lại, đau khổ là bất thiện, nếu nó bắt nguồn từ tham dục hoặc các vấn đề trong thế gian, và vì vậy, người ta nên tránh những loại suy nghĩ dẫn đến bất thiện. Nếu sầu muộn khởi lên một cách tự nhiên, người ta không được nuôi dưỡng nó, mà nên tập trung tâm vào những đối tượng khác, và sầu muộn sẽ tự biến mất. Mặt khác, sầu muộn sẽ tốt đẹp khi nó sanh khởi từ sự cố gắng, để người ta có thể vượt qua cảm giác sầu muộn đó, để thúc đẩy đời sống nội tâm, chẳng hạn như nỗ lực của một người để gia nhập Tăng Đoàn (Saṅgha), để đạt được những hiểu biết sâu sắc, v.v… Những nỗi sầu muộn như vậy có thể thúc đẩy một người nỗ lực nhiều hơn và dẫn đến sự tiến bộ trên con đường cao thượng. Tuy nhiên, không nên chủ động tìm kiếm nó. Tốt nhất là nên kinh nghiệm những điều tốt đẹp trên con đường tiến tới sự giải thoát.
Cảm giác trung tính thiện và bất thiện
Upekkhā có nghĩa là thọ xả, một trạng thái trung tính, không vui cũng không buồn. Tâm này phát sanh thường xuyên hơn những trạng thái tâm khác, vui và buồn là những trạng thái tâm không thường xuyên, và chỉ được nhận biết rõ ràng khi tâm vui hay buồn ấy xuất hiện một cách mạnh mẽ. Hơn nữa, thọ xả có hai loại: một loại dẫn đến hành động tốt đẹp, còn loại kia dẫn đến hành động bất thiện. Kinh Saḷāyatanavibhaṅgasutta đề cập đến sáu loại vô minh phát sinh từ sáu cửa giác quan.
Thọ xả phát sanh từ các căn của những người si mê được gọi là gehasita-upekkhā. Một người cảm thấy vui khi nhìn thấy một đối tượng dễ chịu, ngược lại, cảm giác khó chịu sẽ phát sanh khi gặp một đối tượng đáng ghét, và có lúc người ta có những cảm giác trung tính, không dễ chịu cũng chẳng khó chịu đối với những người hay đối tượng đã rất quen thuộc. Thí dụ, người ta không cảm thấy vui hay khó chịu khi nhìn thấy một cái cây hay một hòn đá.
Thọ xả bất thiện thường xuất hiện ở phàm nhân (puthujjana), họ không nhận thức được bản tánh vô thường và bị trói buộc trong ảo tưởng, cho là mọi hiện tượng đều trường tồn, tốt đẹp, điều đó xảy ra vì họ thiếu chánh niệm. Không giống với các Bậc Thánh Nhân hay những hạng phàm nhân có hiểu biết (kalyāṇa puthujjana), các vị ấy nhận thức được sự vô thường, khổ, vô ngã v.v… bản chất thực sự của các đối tượng giác quan.
Bản chú giải nói thêm người si mê là đối tượng của xả bất thiện. Khi chưa chứng đạt đạo quả Nhập Lưu (Sotāpanna), giai đoạn đánh dấu sự loại bỏ các phiền não dẫn đến tái sanh trong cõi thấp kém; hoặc giai đoạn đạo quả Nhất Lai (sakadāgāmi), giai đoạn đảm bảo thoát khỏi sự tham dục và sân hận thô thiển; hoặc giai đoạn đạo quả Bất Lai (anāgāmi), nghĩa là đoạn trừ hoàn toàn tham dục và sân hận hoàn toàn. Một khi chưa chứng đạt đạo quả thì phàm nhân vẫn còn thọ xả bất thiện.
Do còn phải tái sanh, các vị ấy vẫn còn chịu sự chi phối của Nghiệp. Chỉ có bậc A-la-hán mới có thể vượt qua được sự cho quả của Nghiệp trong kiếp vị lai, bởi các Ngài đã chấm dứt được sự tái sanh, tuy nhiên, các vị ấy vẫn phải chịu sự trả quả của Nghiệp trong kiếp quá khứ cho đến khi tịch diệt Niết-bàn trong kiếp hiện tại. Tâm xả bất thiện chỉ phát sanh ở phàm nhân (puthujjana), là hạng người dễ bị phiền não và luật nhân quả chi phối. Chú giải gọi “puthujjana” là hạng phàm nhân không có trí tuệ và không có hiểu biết.
Người như vậy được mô tả là người không nhìn thấy được những điều tội lỗi từ si mê (moha). Do thiếu Chánh Niệm, người ấy không biết sự thật, thay vào đó họ tin vào sự ảo tưởng của một bản ngã trường tồn, vĩnh cữu. Ảo tưởng này dẫn đến ham muốn lạc thú và dính mắc, rồi tự thân cố gắng hành động. Chính sự cố gắng hành động này tạo ra thiện nghiệp hoặc ác nghiệp, dẫn tới sự tái sanh, đưa đến già, bệnh, chết và mọi khổ đau khác.
Phàm nhân thiểu trí không nhìn thấy được những tội lỗi trong si mê này và họ cũng không có hiểu biết. Sự hiểu biết có hai loại: hiểu biết về lời dạy của Đức Phật thông qua việc nghe Pháp, v.v… và hiểu biết do kinh nghiệm thực chứng thông qua thiền tập. Cả hai loại hiểu biết này đều xa lạ đối với hạng người ấy, vì vậy thọ xả ảo tưởng mới sanh ra nơi họ. Các đối tượng của giác quan không phải là nhân sanh ra vui hay khổ, nhưng họ vẫn đắm chìm trong thế giới của các giác quan. Cụm từ Pāḷi gehasita-upekkhā với geha có nghĩa là chỗ trú của các giác quan. Nói cách khác, một người bình thường không thể loại bỏ những đối tượng dục lạc trần tục khi chúng sanh trưởng và phát triển, vì vậy họ bị mù quáng trước bản chất thực sự của chúng, đó là: đặc tánh vô thường, khổ và vô ngã.
Chú giải bài Kinh Đế Thích Sở Vấn (Sakkapañhasutta) giải thích thêm chi tiết tâm xả thiện được nhắc tới trong Saḷāyatanavibhaṅgasutta. Tâm xả thiện, hay thọ xả thiện hướng đến xuất ly, được gọi là nekkhammasita-upekkhā. Có sáu loại dựa trên sáu loại giác quan. Thiền sinh chánh niệm về đặc tánh vô ngã của mọi đối tượng giác quan, thiền sinh sẽ nhận ra rằng mọi hiện tượng đều phải chịu sự chi phối của vô thường, khổ và vô ngã. Cái nhìn sâu sắc về thực tại của thế gian này sẽ đưa tới cảm giác bình an cho thiền sinh, giúp thiền sinh vượt qua thế gian đầy rẫy ái dục và giải thoát bản thân khỏi những trói buộc. Rồi thiền sinh sẽ có được tâm xả đối với những đối tượng giác quan dễ chịu hoặc khó chịu.
Đối với thiền sinh đã có định và chánh niệm phát triển, các đối tượng sanh diệt một cách liên tục. Các bài Kinh thường nhấn mạnh vấn đề này trước khi đề cập đến các đối tượng của giác quan, nhưng trong thực tế, mọi vật đều có sự sanh diệt rõ ràng. Nếu bất kỳ ý nghĩ nào khởi lên trong khi ghi nhận sự phồng xẹp của bụng, nó sẽ biến mất ngay khi chú tâm vào ý nghĩ đang hiện khởi. Với sự phát triển của định, thiền sinh sẽ biết về sự sanh và diệt là hai tiến trình riêng biệt, rồi tiếp tục hành thiền, thiền sinh sẽ thấy được sự biến diệt này sẽ kéo dài thành một chuỗi liên tục. Ỏ giai đoạn của tuệ biến diệt (bhaṅga-ñāṇa), thiền sinh sẽ thấy bụng, tay, v.v… không phải là những đối tượng rắn chắc mà đó chỉ là những hiện tượng biến diệt liên tục.
Sự tan biến liên tục của các hiện tượng trở nên rõ ràng hơn, và với sự phát triển của tuệ diệt, cuối cùng thiền sinh sẽ nhận ra định luật vô thường. Biết được bản chất của thân và tâm như thật, vị ấy không cảm thấy dễ chịu hay khó chịu, mà đơn thuần chỉ là sự tỉnh giác về các đối tượng giác quan. Sự hiểu biết về tiến trình sanh diệt này đưa tới thọ xả, nó nổi trội hơn, tâm sẽ trở nên trong sáng hơn khi đạt tới tuệ xả hành (saṅkhārupekkhā-ñāṇa).
Ở giai đoạn này trong thiền tập, thiền sinh không cảm thấy dễ chịu hay khó chịu khi nhìn thấy những đối tượng dễ chịu hay khó chịu. Thiền sinh không còn dính mắc vào hình dáng, âm thanh, v.v.., và tâm xả của thiền sinh vượt khỏi dục giới. Trên thực tế, đây là mục tiêu của thực hành thiền minh sát, đó là sự giải thoát.
Thiền sinh nên tìm kiếm trạng thái thọ xả thiện để hướng đến tuệ giác này. Tuệ giác này được kinh nghiệm lần đầu tiên ở giai đoạn phát triển của tuệ sanh diệt, và rõ rệt nhất ở giai đoạn xả hành. Theo chú giải, có hai loại trạng thái xả: trạng thái xả có phóng tâm và trạng thái xả không phóng tấm. Nhưng trong thực tế, tâm an tịnh sanh khởi trong khi suy nghĩ đều liên quan đến phóng tâm. Tuy nhiên, tâm xả sanh khởi trong khi quán sát tâm dục (ly dục, ly ác pháp) và trú Sơ Thiền thì gọi là tâm xả có phóng tâm6Liên quan đến chi thiền vitakka (suy hay tầm) và vicāra (sát hay tứ). Xem quyển Sơ Thiền Tâm, Cố Trưởng Lão Hộ Tông biên soạn), còn tâm xả trong Nhị Thiền thì không có phóng tâm7Trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm.. Trong hai loại tâm xả, tâm xả không phóng tâm là tâm xả cao hơn.
Sự tái sanh của Thiên chủ Sakka
Mục đích chính của Thiền Minh Sát là tìm kiếm, trau dồi tâm xả đi kèm với trí tuệ (xả tương ưng tuệ), tâm xả đối với các hành. Để đạt tới mục đích này, một người nên tránh những hỷ lạc trong ái dục, và nên tìm kiếm những hỷ lạc thiện bằng việc làm thiện và thiền định. Tương tợ như vậy, người ta tầm cầu những nỗi buồn thiện phát sanh từ sự thất vọng trong nỗ lực của họ trên con đường cao thượng, và họ nên tránh những nỗi buồn bất thiện. Cũng vậy, một người nên tránh tâm xả bất thiện trong dục giới mà tìm kiếm tâm xả thiện trong thánh đạo.
Khi hành thiền tích cực, người ta nên tập trung vào hỷ lạc thiện, nỗi buồn thiện và tâm xả thiện, bởi vì việc trau dồi các trạng thái tâm thiện này có nghĩa là loại bỏ các đối tượng bất thiện, tiêu cực.
Thiền sinh cũng nên loại bỏ những ưu phiền bằng hỷ lạc thiện. Có nghĩa là khi thiền sinh phát sanh sự chán nản vì không có được sự tiến bộ trên con đường cao thượng, thiền sinh phải vượt qua sự chán nản này bằng cách nỗ lực nhiều hơn nữa để đạt được tuệ giác. Tương tợ như vậy, hỷ lạc thiện cần phải đoạn trừ thông qua tâm xả thiện (ly hỷ, trú xả), vì tâm xả thiện có được nhờ tuệ giác chính là sự cao tột trong đời sống phạm hạnh. Tuy nhiên, hỷ lạc có được trong thiền minh sát không thể loại bỏ hoàn toàn, bởi vì hỷ lạc này tạo nền tảng cho ba tầng thiền đầu tiên8Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền. Hơn nữa, thiền sinh không đắc thiền thì không thể chứng được tứ thiền, tứ thiền là con đường làm sanh khởi tâm xả. Thiền sinh chỉ có thể chứng đắc ba tầng thiền đầu tiên với hỷ lạc. Thiền sinh chỉ chứng đạt đạo và quả khi bước qua giai đoạn của tuệ thuận thứ (anuloma-ñāṇa) với hỷ lạc. Do đó, Đức Phật nhấn mạnh đến Quán Xả (vipassanā upekkhā) là trạng thái tâm cao nhất.
Như vậy tuệ hành xả chỉ cách thánh đạo và thánh quả một bước. Nếu thiền sinh không tự mãn với tuệ giác này, vị ấy thường sẽ thành tựu đạo quả chỉ trong bốn hoặc năm ngày. Vì vậy, tâm xả ly hỷ nên được tầm cầu vì nó dẫn đến đời sống phạm hạnh ở mức độ cao hơn trên con đường tuệ giác.
Khi hành thiền, thiền sinh nên biến đau khổ trở thành hỷ lạc thiện, hỷ lạc thiện thành tâm xả thiện, cho đến khi đạt được tuệ hành xả. Điều này đồng nghĩa với chứng được bốn giai đoạn thánh đạo, dập tắt được ái dục, ngã mạn và tà kiến. Tóm tắt điều này, Đức Phật nói với Thiên chủ Sakka, “Này thiên vương! Vị tỳ khưu tránh xa các trạng thái bất thiện và tầm cầu những trạng thái thiện là dấn thân vào con đường trung đạo, con đường tốt đẹp dẫn đến Niết-bàn, dập tắt mọi sự phiền não.”
Trong khi nghe bài Pháp của Đức Phật, Thiên chủ Sakka đã quán chiếu các trạng thái tâm của mình, trau dồi hỷ và xả thiện, phát triển tuệ minh sát, chứng đắc vào dòng thánh Nhập Lưu. Rồi thiên chủ Sakka chết và tái sinh lại ngay tức khắc ở nơi đó, trong hình dáng của một thiên chủ Sakka mới. Thiên chủ chỉ mới đạt được giai đoạn đầu tiên trên con đường giải thoát.
Sự tái sanh của thiên chủ Sakka cho thấy rằng một vị chư thiên đang hấp hối có thể thu được nhiều lợi ích trong khi nghe Pháp. Nhờ chánh niệm về những cảm xúc thiện, thiền sinh có thể tiến bộ vượt bậc trên con đường thánh đạo, và loại cảm xúc phổ biến nhất là hỷ lạc thiện. Ở Tích Lan, Tôn giả Phussadeva đã chứng đắc đạo quả A-la-hán sau khi quán chiếu hỷ lạc khởi lên trong khi nhìn thấy tượng Phật. Hoàng hậu của Đức Vua Asoka cũng chứng quả Dự Lưu sau khi quán chiếu hỷ lạc dâng trào trong khi nghe một con chim hót giống tiếng của Đức Phật. Theo các bản chú giải, thiền sinh thậm chí có thể chứng đắc đạo quả A-la-hán trong khi quán chiếu hỷ thiện, hoặc vị ấy có thể đạt được đạo quả nhờ quán chiếu về sự bố thí, về giới, về tánh chất vô thường của hỷ thiện trong khi hành giả hồi tưởng lại chúng.
Sau khi chứng đắc được giai đoạn đầu tiên là Nhập Lưu, thiên chủ Sakka hoàn toàn giải thoát khỏi thân kiến, hoài nghi, và giới cấm thủ. Sự tự do mà bây giờ vị ấy đạt được vượt trội hơn bất kỳ điều gì mà thiên chủ Sakka đã trải qua trong quá khứ, đó là sự tự do của một vị Thánh Nhập Lưu, điều mà trước đây sự tự do chỉ được dựa trên sự hiểu biết và suy tư của vị ấy.
Giới Luật bảo vệ người Tu
Thiên chủ Sakka hỏi Đức Phật về mối liên hệ giữa Giới Luật và đời sống phạm hạnh.
“Bạch Thế Tôn, giới thực hành như thế nào để đảm bảo một người khỏi tái sanh trong các cõi thấp hoặc khỏi những hành động, lời nói hay ý nghĩ bất thiện?”
Đức Phật dạy rằng có hai loại hành động: hành động thiện và hành động bất thiện. Đức Phật phân loại lời nói và sanh kế theo một nhóm. Bất kỳ hành động, lời nói hay phương tiện kiếm sống nào góp phần tạo thiện nghiệp đều là thiện, và bất kỳ điều gì góp phần tạo ác nghiệp đều là bất thiện. Các hành động bất thiện là sát sanh, trộm cắp và tà dâm. Tiết chế những hành động này là tạo nên những hành động thiện. Đây là những giới luật dành cho các cư sĩ tại gia, nhưng một vị tỳ-khưu còn phải giữ nhiều giới luật khác nữa trong Giới Luật Tỳ Khưu (Tạng Luật).
Nói dối, vu khống, nói lời đâm thọc chia rẽ, nói phù phiếm là những hành động bất thiện về lời nói, khi không nói những lời nói bất thiện thì người ta đang thực hành lời nói thiện. Kiếm sống bằng hành động hay lời nói bất thiện là sanh kế bất thiện. Ngược lại, những hành động và lời nói thiện chính là sanh kế thiện. Theo đó, đối với người tại gia, việc gìn giữ ngũ giới là để đảm bảo người đó không vi phạm các chuẩn mực đạo đức.
Một số người nói rằng, giới luật chỉ đề cập đến nói dối và không cấm đoán các loại tà ngữ và tà mạng khác. Tuy nhiên, tiết chế nói dối có hàm ý là tiết chế các loại lời nói bất thiện khác, vì tất cả những điều xấu ác này đều liên quan đến quyết định sai lầm. Tương tợ như vậy, chúng ta tránh được sanh kế sai trái nếu chúng ta không sát sanh, trộm cắp, tà dâm và buôn bán chất say, vì việc giữ gìn năm giới đòi hỏi một người phải tránh xa những hành động phá giới, cho dù đó là công cụ kiếm sống hay vì bất kỳ lý do nào khác. Vì vậy, năm giới là giới luật cơ bản dành cho người cư sĩ tại gia.
Giới giữ gìn (thu thúc) các căn
Rồi thiên chủ Sakka hỏi Đức Phật làm thế nào một vị tỳ khưu có thể thực hành giới thu thúc các căn (indriyasaṃvara-sīla). Indriya có nghĩa là thu thúc hay kiểm soát, và ở đây nó ám chỉ sáu giác quan chi phối: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sáu đối tượng này chi phối việc thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ. Thiên chủ Sakka hỏi Đức Phật làm thế nào để bảo vệ những giác quan này.
Đức Phật phân biệt hai loại đối tượng giác quan: một loại nên chứa chấp, còn loại kia nên tránh xa. Người ta nên chứa chấp những đối tượng giác quan làm suy giảm ác nghiệp và tăng trưởng thiện nghiệp; và loại bỏ những đối tượng làm suy giảm thiện nghiệp và tăng trưởng ác nghiệp. Người ta cũng nên tránh nhìn vào những đối tượng gây ra sự thích thú, hay tức giận, v.v… Nếu không thể tránh khỏi, người ta nên bớt suy nghĩ lại và thực hành thiền; hoặc chỉ nên ghi nhận cái thấy chỉ là cái thấy, chấm dứt việc để tâm trí đi lang thang và vượt khỏi sự nhận thức về bản chất của đối tượng. Đây là cách để ngăn cản các đối tượng bất thiện sanh khởi qua các giác quan (căn).
Tương tợ, người ta không nên chú ý đến bất thiện. Mặt khác, người ta nên nghe Pháp, vì đó là nguồn gốc làm phát sanh thiện. Bất kể âm thanh đó là gì, nếu người ta ghi nhận nghe và các đặc tánh vô thường của nó, v.v…, người ấy đang góp phần vào sự phát triển của tuệ giác.
Sự ưa thích mùi thơm thường là nhân sanh bất thiện. Trong những trường hợp hiếm hoi, hương thơm làm sanh khởi thiện, chẳng hạn, khi một người ghi nhận hương thơm của những bông hoa được cúng dường trên chánh điện và người ấy có liên hệ đến tam tướng (vô thường, khổ, vô ngã). Về hương vị cũng vậy, người ta không thể sống mà không ăn, nên chỉ có thể tránh được bất thiện trong khi ăn bằng cách chánh niệm. Làm như vậy sẽ giúp một người tránh khỏi sự ảnh hưởng của vị ngon đến từ thức ăn, và cũng tránh luôn những loại thức ăn hoặc các loại nước gây say xỉn. Người ta có thể tránh được những phiền não trong khi ăn bằng cách không quan tâm đến chúng. Người không chánh niệm không thể có sự thu thúc như vậy.
Sự xúc chạm nơi thân, cũng dẫn đến bất thiện. Không thể tránh khỏi mọi sự xúc chạm, nhưng người ta nên tránh nó càng nhiều càng tốt, sự tiếp xúc trong ái dục là nhân gây ra sự vừa lòng, thích ý và chấp lấy. Một người nên thu thúc (chế ngự) các giác quan để thấy được sự tách rời của thân và tâm, nhờ vậy, người ấy sẽ coi nhẹ các cảm giác vui hay khổ. Cách tốt nhất để thu thúc hoàn toàn là ghi nhận đặc tánh vô thường, v.v… của tất cả các cảm giác sanh khởi từ sự xúc chạm. Thiện phát sanh do chánh niệm tất cả các cảm giác xúc chạm như trong Kinh Niệm Xứ (Satipaṭṭhānasutta) đề cập. Phải tránh những suy nghĩ phân biệt và lang mang về đàn ông, đàn bà, kẻ thù, v.v.., vì nó dẫn đến tham ái, sân hận và những phiền não (ô nhiễm) khác. Nếu những suy nghĩ như vậy xuất hiện, chúng phải được thay thế bằng những đề mục thiền định về niệm Ân Đức Phật, niệm Giới, v.v…và ghi nhận sự sanh diệt của chúng.
Có nhiều bài kinh Đức Phật dạy về sự chế ngự các căn (giác quan). Cụ thể như sau:
“Khi một người nhìn thấy một người nam hay một người nữ, người ta không nên nghĩ đến những đặc điểm trên cơ thể của họ. Một người nên tránh để ý đến mắt, lông mày và những đặc điểm đặc biệt khác của cơ thể, điều đó chắc chắn sẽ làm cho người ta phát sanh phiền não.”
Người nam không nên nghĩ tổng thể về các đặc điểm trên cơ thể của một người nữ, hoặc các đặc điểm cụ thể như tóc, miệng, ngực, v.v…, và cũng vậy, người nữ cũng nên tránh nghĩ về những đặc điểm đó của người đàn ông, vì suy nghĩ như vậy sẽ thúc đẩy sự phát triển của tham dục. Thiền sinh phải hoàn toàn chú tâm vào cái thấy, và tránh suy nghĩ về hình dạng tổng thể của một đối tượng, hay về các bộ phận khác nhau trên cơ thể.
Đức Phật đã chỉ ra những việc ác phát sanh từ những việc làm thiếu chánh niệm:
“Ai không canh giữ con mắt của mình, thì mãi mãi bị tham và sân vây hãm.”
Chánh niệm cần phải thực hành đúng cách. Thiền sinh phải tránh nhìn vào những đối tượng quen thuộc (dù là dễ chịu hoặc khó chịu) làm khơi dậy những ý nghĩ bất thiện. Nếu thiền sinh tình cờ nhìn thấy chúng, thiền sinh không nên chú ý đến hình dạng, màu sắc, v.v…, và không nên lưu giữ những ấn tượng nào về chúng. Thiền sinh chỉ nên ghi nhận những gì được nhìn thấy và ghi nhớ tánh vô thường của chúng, v.v…
Đối với các giác quan khác cũng vậy, như: nghe, ngửi, nếm, sờ và suy nghĩ. Với sự phát triển mạnh mẽ của định, thiền sinh có thể tập trung vào tất cả các hiện tượng Thân – Tâm, và nhận ra đặc tánh vô thường, khổ và vô ngã của chúng, do đó, phiền não không còn chỗ để xuất hiện. Đây là cách tốt nhất để chế ngự, thu thúc các giác quan, và nhờ sự chế ngự các giác quan như vậy, thiền sinh có thể đạt được thánh đạo và thánh quả sau khi liên tiếp trải qua các tầng tuệ minh sát. Việc chứng đắc đạo quả A-la-hán theo cách này được nhắc tới trong câu chuyện dưới đây của Trưởng Lão Mahātissa trong Thanh tịnh đạo.
Câu chuyện về trưởng lão Mahātissa
Trong khi trưởng lão Mahātissa đang trên đường đến Anurādhapura để khất thực, ngài gặp một phụ nữ. Cô ấy cãi nhau với chồng rồi bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Cô ấy ăn vận rất đẹp, và khi nhìn thấy vị ấy, cô gái cười một nụ cười đầy dâm dật. Trước đây, trưởng lão thường suy tư về sự bất tịnh của thân người, nên khi nhìn người phụ nữ ấy, Ngài trưởng lão nhìn thấy một bộ xương gớm ghiếc. Do đó, ngài đắc sơ thiền, và nhờ thiền minh sát, ngài trở thành một vị A-la-hán. Người chồng đuổi theo sau người vợ đã gặp vị trưởng lão và hỏi Ngài có nhìn thấy một người phụ nữ nào không. Trưởng lão trả lời rằng, Ngài chỉ nhìn thấy một bộ xương đi dọc đường.
Trưởng lão hẳn đã thực tập quán thân bất tịnh trong một thời gian dài. Kinh nghiệm của Ngài là một bài học cho những thiền sinh chán nản vì không tiến bộ, vì họ sẽ đạt được tuệ giác đúng lúc nếu họ tiếp tục cố gắng.
Câu Chuyện Trưởng Lão Cittagutta
Sự chế ngự, thu thúc các giác quan do một trưởng lão khác thực hành cũng được trích dẫn trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga).
Trưởng lão Cittagutta trú trong một hang động ở Tích Lan, trên tường cao có những bích họa kể về những câu chuyện tiền thân của Đức Phật (Jātaka). Vì thường xuyên thực hành thu thúc các giác quan, nên trưởng lão không bao giờ nhìn lên, và vì vậy ngài trưởng lão hoàn toàn không biết gì về những bức bích họa này. Một ngày nọ, một số vị tỳ khưu trẻ đến hang động. Họ bị mê hoặc bởi những bức tranh và nhận xét về vẻ đẹp của chúng với vị trưởng lão, nhưng vị ấy trả lời rằng mình chưa bao giờ chú ý đến chúng, mặc dù vị ấy đã sống trong hang hơn 60 năm. Phản ứng của Ngài là một lời quở trách gián tiếp đối với những vị khách, vì họ đã thiếu chánh niệm đối với đôi mắt của mình.
Gần cửa hang cũng có một cây Lim. Vị trưởng lão cũng chưa bao giờ ngước nhìn nó, nên Ngài chỉ biết rằng hoa đang nở rộ khi vị ấy nhìn thấy những cánh hoa nằm trên mặt đất. Nghe những lời đồn về trưởng lão, nhà vua đã mời Ngài vào cung điện, nhưng dù được mời nhiều lần, Ngài trưởng lão vẫn từ chối vào thăm nhà vua. Do đó, nhà vua đã ra lệnh cấm các Bà mẹ cho con bú trong làng nơi trưởng lão đi khất thực vào buổi sáng. Do lòng trắc ẩn đối với những đứa trẻ sơ sinh nên Ngài không vào cung. Sau khi lệnh cấm được vua ban hành, ngài Trưởng Lão đã chấp nhận đến cung điện. Nhà vua và hoàng hậu tỏ lòng kính trọng trưởng lão và Ngài chúc phúc cho họ lần lượt rằng: “Chúc cho Đức Vua được hạnh phúc!” Khi các vị tỳ khưu trẻ hỏi Ngài rằng, tại sao Ngài luôn nói “Chúc cho Đức Vua được hạnh phúc!”, cho dù đó Đức Vua hay Hoàng Hậu, vị trưởng lão trả lời rằng Ngài không để ý đó là Đức Vua hay Hoàng Hậu. Đây là bài học cho những ai tu tập chế ngự các giác quan.
Điều quan trọng nhất là tránh những cảnh tượng làm nảy sanh phiền não, và nếu không thể tránh được, hãy ghi nhận sự bất tịnh của chúng hoặc ghi nhận cái thấy chỉ là cái thấy. Ở đây thiền sinh nên ghi nhớ câu trả lời của Đức Phật cho Tôn giả Ānanda, vào đêm trước ngày nhập Niết bàn, khi Tôn giả Ānanda hỏi, một vị tỳ khưu nên cư xử như thế nào đối với người nữ. Đức Phật dạy rằng, một vị Tỳ-khưu nên tránh gặp người nữ, và nếu không thể tránh được, thì không nên nói chuyện với họ. Nếu vị ấy không thể tránh nói chuyện với họ, thì vị ấy nên lưu tâm và coi người phụ nữ đó như mẹ, chị gái hoặc con gái của mình, tùy theo độ tuổi của cô ấy.
Đây là pháp tu đầu tiên được gợi ý trong Bhāradvājasutta9S.iv. pp.110 –112. của Tương Ưng Bộ (Saṃyuttanikāya) để chế ngự ham muốn trong ái dục. Pháp tu thứ hai được đề cập là quán chiếu về sự bất tịnh của thân người. Pháp tu thứ ba là chế ngự, thu thúc các giác quan (căn).
Lời dạy của Đức Phật cũng áp dụng cho tất cả các đối tượng giác quan khác. Một người nên tránh nghe các âm thanh từ bài hát, v.v., những âm thanh khơi dậy phiền não. Nếu người ta không thể tránh chúng, người ta nên ghi nhận là ‘nghe, nghe’. Những lời dạy này được Đức Phật thuyết cho Thiên Chủ Sakka và các thiên chúng khác, điều này cho thấy, chánh niệm là yếu tố rất cần thiết, luôn đến cả các vị tỳ khưu và các thiền sinh. Chư Thiên thường đắm chìm trong những thú vui ái dục, và vì vậy, họ cần phải thu thúc các giác quan của mình càng nhiều càng tốt. Điều tương tợ cũng có thể xảy ra đối với các cư sĩ tại gia khi họ giữ Bát Quan Trai Giới (Uposatha) hay thực hành thiền định.
Hương thơm của hoa, nước hoa, v.v.., làm cho phiền não phát sanh nên được ghi nhận theo cách tương tợ. Thức ăn mà thiền sinh dùng sau khi đã suy xét cẩn thận rằng, người ta ăn không phải vì thích thú mà để bảo vệ sức khoẻ. Đối với những cảm giác về vị và xúc chạm dẫn đến phiền não, người ta cũng cần phải tránh né, và nếu không thể tránh khỏi, các đối tượng đó phải được ghi nhận theo cách tương tợ. Ghi nhận sự bước đi, ngồi, v.v…, tạo thành sự chánh niệm trong các cảm giác xúc chạm.
Theo Chú giải, tư thế ngồi trong hạnh đầu đà (nesajjika-dhutaṅga) là sự theo dõi cảm giác xúc chạm. Đó là cách thực hành trong tư thế ngồi mà không nằm, ngay cả khi ngủ. Tôn giả Sāriputta, Tôn giả Mahākassapa và các đệ tử ưu tú khác của Đức Phật đã thực hành nó trong một thời gian dài, Tôn giả Rāhula thực hành trong 12 năm và Tôn giả Mahākassapa thực hành trong suốt 120 năm. Vì các vị ấy là những bậc A-la-hán, nên mục tiêu của các Ngài không phải là để đạt được công đức, mà là để làm gương cho hậu thế.
Thiền sinh nên kiên nhẫn ghi nhận những điều thiện liên quan đến cảm giác xúc chạm, trong khi thực hành thiền minh sát, thiền sinh nên giữ cho mình chánh niệm về các đối tượng giác quan thiện. Khi cảm thấy những cảm giác khó chịu trong cơ thể, thiền sinh không nên bồn chồn, mà nên thực hành sự nhẫn nại càng nhiều càng tốt, và tiếp tục quán chiếu, ghi nhận những cảm giác đó theo đúng với lời dạy trong Kinh Đế Thích Sở Vấn (Sakkapañhasutta).
Hơn nữa, thiền sinh không nên nghĩ đến bất cứ điều chi có thể làm phát sanh tham ái hay sân hận; thiền sinh phải có sự kiểm soát, không chỉ đối với các suy nghĩ hay trạng thái tâm đang xảy ra trong hiện tại, mà với cả các đối tượng thuộc về quá khứ và tương lai. Thiền sinh cũng nên ghi nhận và diệt trừ.
Sự tự thu thúc của ba vị trưởng lão
Bản chú giải có nhắc đến câu chuyện về ba vị trưởng lão mà hậu thế nên noi theo sự nỗ lực, để loại bỏ những ý nghĩ bất thiện và thực hành chánh niệm. Vào ngày đầu tiên của mùa an cư, các vị đã khuyên nhủ nhau và cam kết rằng họ sẽ không có tư tưởng ái dục hay sân hận trong suốt ba tháng. Vào ngày lễ Tự Tứ (Pavāraṇā), đánh dấu sự kết thúc của mùa an cư, vị tỳ khưu lớn tuổi nhất hỏi vị tỳ khưu trẻ nhất là làm cách nào để kiểm soát tâm của mình trong suốt thời gian đó. Pavāraṇā là một buổi lễ, trong đó một vị tỳ khưu mời một vị khác chỉ ra lỗi lầm của mình hoặc bất kỳ vi phạm nào đối với các quy tắc của tu viện mà vị ấy đã vô tình phạm phải trong thời gian an cư. Vị tỳ khưu trẻ nói rằng vị ấy đã không cho phép tâm trí của mình rời khỏi tu viện mà đã giam giữ nó trong tu viện.
Bằng cách này, vị ấy muốn nói rằng nếu tâm trí vị ấy bị chệch hướng trong khi hành thiền, vị ấy sẽ giới hạn tâm trong tu viện, để vị ấy không bao giờ nghĩ đến bất cứ điều gì bên ngoài tâm. Thành tựu của vị tỳ khưu thực sự đáng khen ngợi, vì thực tế mà nói, những thiền sinh không có sự thu thúc đối với tâm của họ, trước khi họ phát triển được định tâm. Thiền sinh không thể ngăn cản sự phóng tâm khi được chỉ dẫn thực hành chánh niệm.
Khi vị tỳ khưu lớn tuổi hỏi vị tỳ khưu thứ hai câu hỏi tương tự, vị tỳ khưu nói rằng vị ấy thậm chí không cho phép tâm trí của mình rời khỏi phòng. Vì vậy, khả năng tập trung (định tâm) của vị ấy đã phát triển tốt hơn so với khả năng của vị tỳ khưu trẻ.
Sau đó, hai vị tỳ khưu trẻ hỏi vị lớn tuổi nhất rằng Ngài đã kiểm soát được tâm trí của mình đến mức nào. Vị trưởng lão trả lời rằng Ngài chưa cho phép tâm mình rời khỏi thân và tâm này. Điều này cho thấy rằng Ngài chỉ giới hạn sự chú ý của mình vào các hiện tượng thân – tâm sanh khởi nơi sáu giác quan (sáu căn) trong mỗi khoảnh khắc thấy, nghe, v.v… Khả năng định tâm của vị trưởng lão là ấn tượng nhất – có lẽ Ngài là một vị A-la-hán. Mức độ kiểm soát tâm trí mà cả ba vị trưởng lão đã đạt được, thực sự là bài học khuyến khích cho những ai thực hành chánh niệm.
Bản chú giải tán thán việc ghi nhận các đối tượng của tâm cùng với tâm từ (mettā), v.v…, vì vậy, người ta nên trau dồi tâm từ và nói rằng, “Nguyện cho tất cả chúng sinh thoát khỏi nguy hiểm”, v.v… Hơn nữa, Chú giải nói “mettā, v.v…,” nên có thể giả định rằng tất cả các đối tượng của tâm nên được ghi nhận, ghi nhận để có trí tuệ minh sát. Tóm lại, bất kỳ hình thức quán Vipassanā nào cũng đáng khen ngợi vì nó có nghĩa là tích lũy thiện nghiệp.
Tích lũy thiện nghiệp
Đức Phật mô tả Tứ Niệm Xứ là tổng thể của tất cả các thiện nghiệp. Bố thí thường xuyên hoặc sống một đời sống có giới hạnh, có nghĩa là tích lũy thiện nghiệp. Tuy nhiên, dù cho là người đó có giới tốt đẹp đến đâu, thỉnh thoảng họ vẫn bị những tư tưởng xấu ác quấy nhiễu, và đương nhiên, người ta không thể bố thí hay trì giới nghiêm ngặt suốt ngày đêm được. Vì vậy, không chính xác khi nói bố thí hay trì giới là tích lũy thiện nghiệp cao tột được.
Mặt khác, hành thiền Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna) đòi hỏi một người thường xuyên phải chánh niệm trong hành động, cảm giác, suy nghĩ, trong lúc nhìn, thấy, nghe, xúc chạm, v.v… Ngoại trừ trong lúc ngủ, thiền sinh phải chánh niệm trong mọi khoảnh khắc. Nếu một người ghi nhận những cảm giác của mình, v.v…, ít nhất một lần trong một giây, thì người đó đã tích lũy thiện nghiệp trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó. Một người tích lũy được 3.600 thiện trong một giờ, vì vậy, nếu trừ ra bốn giờ để ngủ, thì một người sẽ đạt được công đức tương ứng với 72.000 thiện trong một ngày. Công đức tích lũy vào mỗi khoảnh khắc ghi nhận ‘đi, đứng, nằm, ngồi’, v.v…. Thiền sinh có thể có được công đức ngay cả khi đang đi tiểu, vì vậy, thiền Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna) chắc chắn sẽ giúp thiền sinh tích lũy thiện tột đỉnh.
Những quan điểm khác biệt
Thiên chủ Sakka rất biết ơn về bài giảng của Đức Phật. Trước khi đến gặp Đức Phật, Thiên chủ đã gặp một số tự cho mình là bậc trí giả và hỏi về giáo lý của họ, nhưng Ngài nhận thấy rằng họ có nhiều quan điểm khác nhau. Bây giờ, Thiên chủ đã đạt đến tầng thánh đầu tiên (Bậc Thánh Nhập Lưu) sau khi nghe những lời dạy của Đức Phật,vị ấy biết được Giáo pháp chơn chánh, và do đó vị ấy cũng biết được Đức Phật là bậc chơn chánh và Tăng đoàn chơn chánh. Lúc này, Thiên chủ đã thoát khỏi mọi nghi ngờ. Vị ấy không nói rõ ràng với Đức Phật về điều này, nhưng Thiên chủ ngụ ý nó trong câu hỏi tiếp theo của mình.
“Bạch Đức Thế Tôn, có phải tất cả những người tự gọi mình là ẩn sĩ và tỳ-khưu đều có cùng quan điểm như nhau không? Có phải tất cả họ đều sống phạm hạnh với đầy đủ giới? Có phải tất cả họ đều có cùng một mong muốn hoặc cùng một mục tiêu không?”
Tất nhiên, Thiên chủ Sakka biết câu trả lời cho những câu hỏi này, nhưng ngài vẫn hỏi như một khúc dạo đầu cho câu hỏi phía sau về sự khác biệt đó. Đức Phật trả lời câu hỏi thứ hai của Thiên chủ như sau.
“Này Thiên chủ Sakka! Trên thế gian này, con người không có tính khí giống nhau. Tính khí của họ khác nhau. Suy nghĩ tà kiến, họ bám chặt vào những quan điểm phù hợp nhất với tính khí của họ. Họ nhấn mạnh rằng chỉ có quan điểm của họ là đúng và tất cả các quan điểm khác đều sai. Chính vì sự cố chấp của họ mà tất cả những người tự cho mình là bậc hiền triết và thánh nhân đều có những quan điểm khác nhau. Họ tận tâm tuân theo các hệ thống giá trị đạo đức khác nhau; họ có những mong muốn khác nhau và những mục tiêu khác nhau trong cuộc sống.”
Do tính khí khác nhau, mọi người khác nhau về khuynh hướng và sở thích của họ đối với màu sắc, âm thanh, quần áo, v.v… cũng khác nhau. Tương tợ như vậy, họ nói về niềm tin mà họ đã chấp nhận trên sự chấp trước và suy đoán của họ. Một số ấp ủ niềm tin vào sự bất tử của linh hồn. Họ nói rằng linh hồn hay còn gọi là bản ngã (atta) tồn tại mãi mãi và nó không bị hủy diệt như cơ thể thô thiển. Đây là gọi là thường kiến (sassata-diṭṭhi). Niềm tin này có sức hấp dẫn mạnh mẽ, về cơ bản thì không có gì khác với các tôn giáo dạy rằng con người được tạo ra bởi Đức Chúa Trời hay Thượng Đế, và sau khi chết đi, những ai làm hài lòng Ngài sẽ được cứu rỗi trên thiên đàng, trong khi những ai không hài lòng với Ngài sẽ bị kết án vĩnh viễn.
Sau đó là đoạn kiến (uccheda-diṭṭhi), những ai có quan điểm này, họ phủ nhận kiếp sống tương lai và nhấn mạnh vào sự diệt vong hoàn toàn của cá nhân sau khi chết (chết là hết). Đây là những giáo lý của các tôn giáo tuyên bố chơn lý của họ là đúng, là duy nhất và bác bỏ tất cả những giáo lý khác, xem đó là sai lầm. Sự cố chấp như vậy là nguyên nhân của sự khác biệt về niềm tin, nguyên tắc đạo đức, nguyện vọng và mục tiêu của cuộc sống.
Thường kiến và Phật Giáo
Theo Phật giáo, khi một người chết đi, người ấy sẽ được tái sanh dưới sự vận hành của Nghiệp lực mà người ấy đã tạo. Điều này đặt ra câu hỏi rằng, liệu thuyết luân hồi của Phật giáo có giống với thường kiến hay không, nhưng lời dạy của Đức Phật rất khác xa với suy nghĩ về một bản ngã thường hằng. Phật giáo phủ nhận sự tồn tại của một thực thể tự ngã và chỉ công nhận quá trình liên quan đến sự sanh diệt không ngừng của mọi hiện tượng Thân và Tâm. Khi thức tái tục diệt, tâm hộ kiếp (bhavaṅga-citta) sanh khởi, tâm này cũng diệt liên tục. Với dòng đời luôn luôn trong trạng thái thay đổi liên tục, tâm phản chiếu về hình ảnh, âm thanh, v.v…, phát sanh, và tâm phản chiếu này được tiếp nối bởi nhãn thức, nhĩ thức, v.v… Khi điều này chấm dứt, dòng đời lại tiếp tục diễn ra. Như vậy, hai dòng tâm hộ kiếp và tâm thường lưu chuyển luân phiên nhau. Vào lúc chết, tâm tử (cuti-citta) làm nhiệm vụ chấm dứt mạng sống, khoảnh khắc cuối cùng của dòng đời. Sự chấm dứt của tâm tử được gọi là sự chết bởi vì tiến trình của thân và tâm đã chấm dứt, không có sự khởi sinh của bất kỳ tâm thức mới nào trong cái thân đã chết ấy.
Ngay sau khi tử tâm chấm dứt, tâm tái tục sanh khởi, do nghiệp của một người làm duyên. Tâm tái tục này đánh dấu sự khởi đầu của một kiếp sống mới. Vì vậy, tái sanh không liên quan gì đến bất kỳ thực thể bản ngã nào hoặc sự chuyển đổi thân và tâm từ kiếp trước. Với sự chấm dứt tâm tái tục này, dòng đời hay sự sống lại tiếp tục, v.v… phát sanh, như trong kiếp trước. Chúng ta coi tiến trình thân và tâm này như một con người cụ thể nhưng nó không phải là hiện thân cho bất kỳ linh hồn hay thực thể bản ngã nào. Thực tế này có thể được nhận ra bởi những người đang thực hành thiền minh sát.
Đạo Phật không đề xuất chủ nghĩa thường hằng, vì Phật Giáo dạy rằng tham ái dẫn đến tái sanh. Khi thiền sinh chứng đạo quả A-la-hán, vị ấy hoàn toàn thoát khỏi ái dục và các phiền não khác. Vị A-la-hán không dính mắc vào bất kỳ đối tượng giác quan nào, ngay cả khi sắp chết (tịch diệt). Bởi vì, vị ấy đã loại trừ được sự phát sanh của tiến trình thân và tâm mới. Tuy nhiên, không có nghĩa là Phật giáo dạy chủ nghĩa đoạn diệt (uccheda-vāda), vì quan điểm của chủ nghĩa đoạn diệt là giả định trước một bản ngã tồn tại trong một chúng sinh – bản ngã đó là chủ thể của những trải nghiệm, tốt hay xấu. Đạo Phật bác bỏ ý tưởng về bản ngã và chỉ công nhận rằng có một tiến trình của thân và tâm. Khi vị A-la-hán qua đời, không phải bản ngã tiêu diệt mà là tiến trình của thân và tâm bị tiêu diệt. Sự tiêu diệt đó có được nhờ thực hành thiền minh sát, nó đảm bảo cho sự chấm dứt của tham ái tiếp diễn trong cuộc sống.
Mahāyāna (Đại Thừa) và Theravāda (Nguyên Thuỷ)
Hiện nay có bốn tôn giáo lớn của nhân loại. Sự khác biệt của những tôn giáo này là do tính cách đa dạng và quan điểm trái ngược giữa các tín đồ của mỗi tôn giáo. Có hai trường phái Phật giáo:
Theravāda (Phật Giáo Nguyên Thuỷ) và Mahāyāna (Phật Giáo Đại Thừa), hai trường phái này đã có những quan điểm khác nhau trong hơn 2.000 năm. Điều này là do các khuynh hướng khác nhau ở các tín đồ của hai trường phái.
Giáo lý cơ bản của Phật giáo Đại thừa là tất cả chúng sinh đạt được sự giải thoát hoàn toàn khỏi đau khổ của luân hồi chỉ sau khi đạt được Phật quả. Chứng ngộ trở thành một vị A-la-hán (Thanh Văn) hay một vị Độc Giác Phật (Bích Chi Phật) không có nghĩa là đã hoàn toàn giải thoát. Sau khi thành Phật, thiền sinh Đại thừa không nhập Niết-bàn một mình. Các vị ấy chỉ tận hưởng sự bình an của Niết Bàn cùng với những chúng sinh khác, nghĩa là, sau khi tất cả những chúng sinh khác đã trở thành Phật thì vị ấy mới nhập Niết-bàn.
Đây là một sự bác bỏ gián tiếp chủ nghĩa vị kỷ (chủ nghĩa cá nhân) nhưng quan điểm này hoàn toàn không thể đứng vững.
Bởi vì, nếu chư Phật trì hoãn việc nhập niết bàn của mình và đợi cho đến khi tất cả chúng sinh khác thành tựu Phật quả, thì các Ngài sẽ sống ở đâu và sống như thế nào trong một thời gian dài như vậy? Côn trùng và các loài cấp thấp thì hằng hà sa số. Có phải chư Phật chờ đợi và chịu đựng già, bịnh, chết cho đến khi giải thoát hết tất cả chúng sanh?
Quan điểm này chẳng có ý nghĩa gì nhưng nó được một số người chấp nhận vì nó phù hợp với tính cách của họ. Nó khác với giáo lý của Theravāda, Theravāda dựa trên lời dạy của Đức Phật trong Kinh điển Pāḷi. Theo quan điểm này, trong số những thiền sinh đạt đến giai đoạn cuối cùng của thánh đạo, tức là chứng đắc đạo quả A-la-hán và trở thành đệ tử của Đức Phật. Khi vị A-la-hán tịch diệt Niết-bàn, tiến trình thân và tâm tạo điều kiện cho sự tái sinh bị chấm dứt, do đó, sự đau khổ của các Ngài trong luân hồi cũng bị chấm dứt. Các Ngài không cần chờ đợi bất cứ ai và các vị ấy cũng không thể nào chờ đợi được. Đây cũng là quy luật của chư Độc giác và chư Phật Chánh đẳng Chánh giác. Quan điểm này khá hợp lý.
Những Phật tử Đại thừa đồng hóa Niết-bàn của họ với cõi Cực lạc. Họ mô tả nó như một thiên đường, và nói rằng, chư Phật, tất cả chúng sinh sống hạnh phúc ở đó mãi mãi, thoát khỏi già, bịnh và chết. Sukhāvatī về cơ bản không khác với cõi trời, và nó được tôn vinh bởi những người tin vào sự thường hằng, vĩnh cửu. Niềm tin này có lẽ dựa trên các bài viết của những người tìm cách truyền bá quan điểm thường hằng trong cộng đồng của Đại Thừa. Về sau, nhiều tông phái Đại thừa ra đời, cũng là do tính cách khác nhau của tín đồ.
Các Chú Giải cho chúng ta biết Theravāda cũng bị chia thành mười tám bộ phái như thế nào. Ở Miến Điện, ngày nay cũng có những ý kiến khác nhau về giáo lý của Đức Phật. Không còn nghi ngờ gì nữa, Đức Phật đã nhấn mạnh đến Tứ diệu đế và Bát chánh đạo bao gồm Giới, Định và Tuệ; nhưng một số người khác nói rằng không cần thiết phải thực hành thiền minh sát, họ cho rằng, họ có thể đi theo con đường giải thoát dễ dàng. Một số khác nữa coi giới luật là không có liên hệ đến mục tiêu của Phật giáo, một quan điểm được chia sẻ bởi những người không quan tâm đến giới. Họ bày tỏ quan điểm như vậy bởi vì họ không chấp nhận lời dạy trong Kinh Đế Thích Sở Vấn (Sakkapañhasutta) và các bài kinh khác.
Lời dạy của Đức Phật cho du sĩ khổ hạnh, Subhadda, trình bày một tiêu chí để quyết định rằng liệu có bất kỳ học thuyết nào thực sự là Giáo pháp chơn chánh để chinh phục được phiền não hay không. Ý chính của giáo lý, được tìm thấy trong Kinh Đại Bát Niết Bàn (Mahāparinibbānasutta), không có học thuyết nào nếu thiếu bát chánh đạo có thể dẫn đến đạo quả nhập lưu và các giai đoạn khác của thánh đạo. Bát chánh đạo chỉ có trong Phật pháp, và do đó, chỉ có Pháp này mới khiến một người phàm nhân trở thành một vị Thánh Nhập Lưu, v.v… Chúng ta có thể đánh giá bất kỳ giáo lý nào theo tiêu chí này và nhờ đó chúng ta có thể biết liệu Giáo lý đó có phù hợp với lời dạy của Đức Phật hay không.
Tuy nhiên, thực tế là hầu hết mọi người chỉ chấp nhận những giáo lý phù hợp với khuynh hướng của họ. Có một số Phật tử cho rằng giới là cao thượng nếu họ coi việc thực hành giới là cao thượng. Những người khác thì thì lại mong ước tận hưởng cuộc sống như con người, như chư thiên, v.v… Họ không thích thú với viễn cảnh chấm dứt của thân và tâm. Một số người không muốn tái sanh trong cõi Phạm thiên, nơi không có dục lạc, bởi vì họ thích tái sanh trong dục giới hơn. Rồi, có một số người mong muốn đổi mới cả thân và tâm, trong khi những người khác chỉ muốn đổi mới thân hay tâm. Tuy nhiên, những bậc trí giả, những người nhận ra những điều xấu xa của vòng luân hồi vô tận, họ tìm kiếm sự chấm dứt của cả thân và tâm.
Một số người tin vào hạnh phúc vĩnh hằng trên thiên đàng hoặc sự đoạn diệt sau khi chết là định mệnh (số phận) của họ. Đối với một số người, mục tiêu tối cao là cõi Vô Tưởng (Asaññā), mà họ tin là mình đã thoát khỏi mọi đau khổ. Nhưng cũng có người khác lại coi cõi vô sắc (arūpaloka) là mục tiêu cuối cùng của họ, trong khi những người khác nói rằng mục tiêu của họ là phân biệt rõ ràng giữa cái ngã (atta) và sự phức hợp giữa thân – tâm. Những mục tiêu khác nhau này phụ thuộc vào tính cách khác nhau của những người theo đuổi chúng. Trên thực tế, mục tiêu cao thượng nhất của cuộc đời là Niết-bàn (nibbāna) của các bậc A-la-hán, nó có nghĩa là sự chấm dứt hoàn toàn của dòng thân và tâm sau khi chết, đó là kết quả của sự tiêu diệt hoàn toàn các phiền não.
Mục tiêu cuối cùng
Thiên chủ Sakka rất hài lòng với câu trả lời của Đức Phật và hỏi một câu hỏi khác:
“Bạch Thế Tôn, những người được gọi là Sa-môn Phạm Chí (samaṇa-brāhmaṇa) có thực sự đạt được mục đích cuối cùng của họ không? Có bất kỳ sự chấm dứt nào cho những cố gắng của họ không? Họ có sống một cuộc sống thực sự cao quý không? Họ có thực sự biết được Giáo pháp tối thượng không?”
Ở đây, mục tiêu tối hậu, mục đích của sự cố gắng (iccantayogakkemi) và Pháp tối hậu (iccantapariyosana) được nhắc tới là Niết Bàn. Đời sống cao thượng có nghĩa là thực hành thiền minh sát và con đường bát chánh đạo. Nói cách khác, với bốn câu hỏi này, Thiên chủ Sakka đã hỏi Đức Phật rằng liệu các ẩn sĩ và tỳ khưu có thực hành thiền minh sát và bát chánh đạo hay không, và liệu họ đã đạt được Niết bàn chưa.
Đức Phật trả lời phủ định. Theo Đức Phật, chỉ có những vị tỳ khưu tu tập con đường đưa đến đoạn diệt tham ái mới đạt được mục tiêu tối thượng là sự giải thoát, chấm dứt sự đấu tranh, sống đời sống cao thượng và đạt được Giáo pháp tối thượng.
Ở đây, các vị tỳ khưu được nói đến trong lời dạy của Đức Phật là chư Phật, chư Phật Độc giác và các vị A-la-hán. A-la-hán là vị đã đoạn trừ bốn phiền não hay lậu hoặc (āsava) làm sanh khởi một kiếp sống mới. Trên thực tế, các ngài đã nhổ bật gốc rễ các kiết sử (yoga)10Từ Pāli ‘yoga’ có hai nghĩa. Một nghĩa là ‘phấn đấu’, ‘đảm nhận’ hoặc ‘bổn phận’, còn nghĩa khác là ‘liên minh’, ‘sự ràng buộc’ hoặc ‘xiềng xích’. 7. S.i.228., đã đạt được mục tiêu tối hậu, Giáo pháp tối thượng, và sự chiến thắng cuối cùng của ngài là nhờ thực hành con đường cao thượng.
Những ai chưa tự giải thoát mình khỏi những kiết sử và thiên kiến qua bát chánh đạo thì còn lâu mới đến được Niết Bàn. Họ tiếp tục phải chịu tái sanh và đau khổ. Vì vậy, khi Phạm Thiên Baka (Baka Brahmā) mời Đức Phật đến nơi mà vị ấy coi là thiên đường vĩnh cửu của mình, Đức Phật bảo vị Phạm Thiên đừng ảo tưởng về cái chết của mình và đừng khao khát bất kỳ hình thức tồn tại nào.
Đức Phật nói: “Sau khi nhìn thấy sự nguy hiểm của tất cả các loại hình thức tồn tại (sanh hữu), cho dù đó là loài người, chư thiên, phạm thiên hay chúng sanh ở các cõi thấp… Ta không tán thán bất kỳ loại hình thức tồn tại (sanh hữu) nào, dù chỉ là chút ít. ”
Mọi hiện hữu đều phải chịu đau khổ. Sự đau khổ tồi tệ nhất tồn tại trong các cõi thấp hơn, tuy nhiên, sự tồn tại của con người cũng bị ảnh hưởng bởi sự đau khổ của tuổi già, bịnh tật và cái chết. Ngay cả chư thiên cũng phải đau khổ vì thất vọng trong mong cầu của chính họ, và trong thế giới phạm thiên, họ cũng không thoát khỏi đau khổ của suy nghĩ, dự tính và sự biến đổi liên tục.
Đức Phật nói: “Ta đã thấy sự nguy hiểm của mọi hình thức tồn tại (sanh hữu); Ta cũng đã nhìn thấy con đường của những người muốn chấm dứt sanh hữu, và do đó, ta tìm kiếm sự đoạn tận của sanh hữu. Vì vậy, ta không tán thán sự sanh hữu, dù chỉ là chút ít.”
Nhận thức được những điều xấu xa trong luân hồi, một số bậc thiện trí đã trở thành những nhà tu khổ hạnh để tìm kiếm sự giải thoát, nhưng họ không biết đến Niết-Bàn hay bát chánh đạo là con đường dẫn đến đó. Một số chứng đắc Thiền Sắc Giới (rūpajhāna) và họ tin rằng mình sẽ tận hưởng được sự bất tử, vĩnh hằng trong cõi Phạm Thiên Sắc Giới (rūpavacarabrahmā), mục tiêu của Thiền (jhāna) như vậy.
Đối với một số vị tu khổ hạnh, cuộc sống vĩnh cửu được cho là cõi Vô Tưởng (Asaññā) trong cõi Phạm Thiên Sắc Giới (rūpavacarabrahmā), trong khi những người khác, cuộc sống vĩnh cửu lại trong cõi Vô Sắc (arūpavacara). Vì vậy, những vị tu khổ hạnh này hài lòng với Thiền Sắc Giới (rūpajhāna) và Thiền Vô Sắc Giới (arūpajhāna) mà các vị ấy đã chứng đắc.
Trái với mong đợi của họ, những thiền sinh này không bất tử trong thế giới phạm thiên, và họ tái sanh trở lại cõi dục giới của chư thiên hay loài người sau khi chết. Từ đó họ tiếp tục đi theo nghiệp của họ. Nếu quả của một ác nghiệp nào đó trổ, họ có thể rơi ngay vào các cõi thấp. Vì vậy, mặc dù họ đã tìm cách đoạn diệt, nhưng họ vẫn không đạt được mục tiêu cuối cùng của mình, và phải tiếp tục trong đau khổ. Do đó Đức Phật không tán thán tất cả các loại hiện hữu. Chấp thủ là duyên cho sanh hữu. Chấp thủ này cũng giống như dục phối (kāmayoga), tham ái trong dục lạc và hữu phối (bhavayoga), tham đắm trong sự tái sanh. Đức Phật đã đoạn tận và vượt qua những chấp trước này.
Theo Chú giải, có tất cả 14 câu hỏi mà Thiên chủ Sakka hỏi Đức Phật. Thiên chủ Sakka rất hài lòng với những câu trả lời của Đức Phật và sau khi bày tỏ sự cảm kích sâu sắc của mình, Thiên chủ đã phát biểu quan điểm của mình về tham ái như sau:
“Bạch Thế Tôn, ái dục xấu xa này là một căn bịnh; nó giống như nhọt, mũi tên hay cái gai đâm vào thịt. Nó thu hút chúng sanh đến với sanh hữu và vì vậy họ sống khổ sở.”
“Dục ái là độc hại, bởi vì nó hết mong muốn cái này rồi lại mong muốn cái kia. Nó dính chặt với những đối tượng dễ chịu và mong muốn được tiêu thụ chúng. Như chiếc lá xào xạc trong gió, lúc nào cũng xao xuyến, bồn chồn, đói khát và tham lam. Ái dục là căn bịnh kinh niên vô phương cứu chữa, nhưng cũng không đến nỗi nguy kịch đến mức chết ngay. Nó khiến con người thoải mái khi nó được thỏa mãn, tuy nhiên dù người ta có chiều chuộng nó bằng những đối tượng giác quan mà nó thích đến đâu đi nữa, thì vẫn không thể thỏa mãn được nó; nó khao khát tất cả các đối tượng giác quan và rồi nó tìm cách hưởng thụ chúng, mọi việc cứ vậy mà lặp đi lặp lại.”
“Dục ái là đáng ghê tởm và khủng khiếp như ung nhọt. Nó cũng giống như cái gai đâm vào thịt vậy. Một cái gai có thể ẩn trong thịt khiến chúng ta không thể thấy bất kỳ dấu vết nào của nó. Vì chúng ta không thể loại bỏ nó, nó sẽ tiếp tục gây đau đớn. Tương tợ như vậy, rất khó để thoát khỏi tham ái, điều này luôn luôn quấy rối chúng ta. Chúng ta lo lắng quá nhiều về những đối tượng ham muốn của mình đến nỗi ban đêm cũng không ngủ được, và vì dính mắc vào cuộc sống này nên chúng ta phải lang thang từ kiếp này sang kiếp khác, bản chất của mỗi kiếp tùy thuộc vào nghiệp của chúng ta.”
Sau khi dẫn giải về lời dạy của Đức Phật như vậy, Thiên chủ Sakka tuyên bố mình thoát khỏi mọi sự nghi ngờ, là kết quả của việc nghe bài pháp của Đức Phật. Vị ấy đã đạt đến giai đoạn đầu tiên của con đường thánh thiện (Bậc Thánh Nhập Lưu), và Thiên chủ đã chấm dứt được nguy cơ phải tái sanh vào các cõi thấp hơn sau khi chết. Ngài đã được đảm bảo chắc chắn về sự tái sanh trong các cõi lành, rồi sẽ chứng đắc được các tầng tuệ giác cao hơn.
Thực hành pháp để trở thành Thiên chủ Sakka
Bản chú giải đề cập đến bảy bổn phận của một người muốn trở thành Thiên chủ Sakka. Những phẩm chất này được nhắc đến trong Tương ưng, phẩm Sagāthāvagga như sau:
1. Vị ấy chăm sóc cho cha mẹ tới cuối đời.
2. Vị ấy luôn tôn kính những bậc trưởng thượng trong nhà.
3. Vị ấy nói chuyện nhẹ nhàng và từ ái.
4. Vị ấy không bao giờ nói xấu người khác.
5. Vị ấy trông nom gia đình với tâm không bị ô uế, hư hỏng.
6. Vị ấy luôn nói sự thật.
7. Vị ấy thấy rằng mình không bao giờ tức giận. Nếu đôi khi tức giận, vị ấy sẽ loại bỏ cơn giận của mình ngay lập tức.
Đối với Thiên chủ Sakka, vị thiên đã đối thoại với Đức Phật trong Sakkapañhasutta, Chú giải về bài kinh đó kể về kiếp trước của Đức Vua là thanh niên Māgha ở làng Macala thuộc vương quốc Māgadha, rất lâu trước khi Phật giáo xuất hiện.
Māgha là thủ lĩnh của 33 thanh niên sửa chữa cầu đường, xây dựng nhà nghỉ và cùng nhau làm những việc thiện khác vì lợi ích của cộng đồng. Trưởng làng tham nhũng nên rất ghét họ. Trước đây, hắn ta đã quen với việc lấy tiền từ họ, khi họ được cho uống rượu và làm những việc phi pháp, nhưng bây giờ khi họ cống hiến hết mình để phục vụ cộng đồng, thì nguồn thu nhập này không còn nữa. Vì vậy, hắn ta đến gặp nhà vua và trình bày những cáo buộc sai trái chống lại họ. Không hỏi han gì, nhà vua ra lệnh bắt họ và cho voi giẫm chết.
Rồi Māgha nói với các bạn của mình, “Điều bất hạnh xảy đến với tất cả chúng sinh chìm đắm trong vòng luân hồi là điều tự nhiên. Nơi nương tựa thực sự cho mọi người trên thế giới này là nói lời chơn thật. Vì vậy, chúng ta nên thốt lên lời rằng, ‘Nếu chúng ta là kẻ trộm cướp, hãy để cho con voi giẫm đạp chúng ta. Nếu không, đừng để nó chà đạp chúng ta’.”
Những người bạn của Māgha đã làm theo lời khuyên của anh ấy, vì vậy con voi thậm chí không tiến lại gần họ mà bỏ chạy và rống lên ầm ĩ. Lính của nhà vua dùng giáo đâm con vật cũng vô ích. Vì vậy, các chàng trai trẻ được đưa đến trước mặt nhà vua. Khi được vị ấy hỏi, Māgha nói rằng chính họ đã cầu khẩn sức mạnh của lòng chơn thật, và sức mạnh này đã đẩy lùi con voi. Vị ấy cũng nói với nhà vua những gì họ đã làm trước đó, và lòng tham đã khiến trưởng làng buộc tội họ như thế nào.
Khi nghe điều này, nhà vua ngay lập tức trả tự do và thưởng cho họ, trao cho họ quyền cai trị vĩnh viễn làng Macala. Những chàng trai trẻ cống hiến cho cộng đồng một cách hăng hái và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Sau khi chết, Māgha trở thành Thiên chủ Sakka và ba mươi ba bạn đồng hành của ông trở thành chư thiên trên cõi trời của ông.
Tóm lại, đó là tường thuật về những việc làm tốt của Māgha đã dẫn đến sự tái sinh của ông là Thiên chủ Sakka. Có một điều mà chúng ta cần lưu ý trong câu chuyện về Māgha này. Những việc thiện họ làm không phải do họ hiểu biết tường tận về Phật pháp. Có lẽ họ có thể chỉ nghe nói rằng việc làm tốt sẽ có kết quả tốt, và chính lời dạy đơn giản này đã thúc đẩy Māgha làm điều tốt. Vị ấy không hy vọng đạt được thánh đạo hay Niết-bàn bằng cách làm này, nhưng nhờ những việc làm tốt của mình, vị ấy đã trở thành vua của các vị thần, và sau khi nghe bài pháp của Đức Phật, vị ấy đã đạt được tầng thứ nhất của thánh đạo.
Điều này cho thấy rằng một người có thể không nghĩ đến Niết-bàn trong khi đang làm việc thiện, nhưng nếu người ấy tin vào luật nhân quả và làm những việc thiện đó một cách chân thành, thì kết quả là người ấy sẽ chuyển sinh vào cõi trời hoặc cõi người. Ở đó vị ấy sẽ tái sinh thành người tam nhân (vô tham, vô sân, vô si).
Nhờ những căn lành như vậy vị ấy có thể đạt được những tuệ giác đặc biệt sau khi nghe và thực hành Pháp. Vì vậy, khi chúng ta làm việc thiện, hành động của chúng ta phải dựa trên niềm tin vào nghiệp. Tất nhiên, điều tốt nhất là làm điều thiện với hy vọng đạt được đạo hay Niết-bàn.
Niềm tự hào của Thiên chủ Sakka
Thiên chủ Sakka bày tỏ niềm vui của mình khi chứng được giai đoạn đầu tiên của thánh đạo, Đức Phật đã hỏi vị ấy liệu vị ấy đã từng trải qua niềm vui như vậy trước đây chưa. Thiên chủ Sakka trả lời:
“Bạch Đức Thế Tôn, con đã từng rất vui mừng trước chiến thắng của mình trong trận chiến chống lại Asura, nhưng niềm vui này do sự chiến tranh tạo nên. Nó không liên quan gì đến việc chấm dứt si mê và nó không dẫn đến tuệ minh sát đặc biệt hay Niết-bàn. Nhưng bây giờ, niềm vui của con sanh khởi khi chứng đạt đạo quả Nhập Lưu, niềm vui này không phải do chiến tranh tạo nên. Nó gắn liền với sự chấm dứt bởi si mê, nó tháo gỡ những trói buộc, dẫn đến giác ngộ và Niết bàn.”
Thiên chủ Sakka tiếp tục nói rằng mình rất vui mừng vì chắc chắn sẽ thành tựu sáu lợi ích như sau:
1. Điều đầu tiên khiến Thiên chủ vui mừng là ngài đắc quả Dự lưu và tái sanh lại làm thiên chủ Sakka.
Vì những việc làm tốt của mình trong kiếp trước khi còn là thanh niên Māgha, vị ấy đã trở thành Thiên chủ, và sự tồn tại này kéo dài 36 triệu năm cõi người. Sau khi biết cái chết của mình sắp đến, vị ấy đến nghe Pháp. Trong khi lắng nghe bài giảng của Đức Phật về tâm xả lành mạnh, ngài đã thực hành thiền minh sát và đạt được tầng thứ nhất của thánh đạo. Vị ấy vô cùng vui mừng khi được giải thoát vĩnh viễn khỏi các cõi thấp kém và trước viễn cảnh được hưởng niềm hạnh phúc trên cõi trời trong 36 triệu năm nữa.
2. Vị ấy sẽ tái sinh trong gia đình nhân loại theo lựa chọn sau khi cuộc sống cõi trời chấp dứt.
Tuổi thọ của con người hiện đang giảm đi một năm trong mỗi thế kỷ. Khoảng 2.500 năm đã trôi qua kể từ thời của Đức Phật và vì vậy chúng ta phải giả định rằng tuổi thọ của con người đã giảm đi 25 năm. Giả định này là hợp lý vì ngày nay chỉ có một số ít người sống quá 75 tuổi.
Trong 6.500 năm tới, tuổi thọ của con người có thể sẽ giảm xuống chỉ còn 10 năm. Vào thời điểm đó, các món ngon như bơ, mật ong, v.v…, sẽ biến mất. Những giống lúa tốt sẽ trở thành dĩ vãng, và những loại gạo kém chất lượng sẽ trở thành lương thực chính tốt nhất.
Con người sẽ sát sinh, trộm cắp và hành động những điều sai trái. Những hành vi vô đạo đức sẽ bành trướng và không ai còn muốn thực hành giới. Những người không hiếu kính cha mẹ, người thân lớn tuổi, bậc tăng nhân đức hạnh sẽ được nhiều người tán dương, tôn vinh. Thậm chí hiện nay ở một số nơi đang có xu hướng coi thường các giá trị truyền thống. Hơn nữa, sẽ có diễn ra tình trạng trụy lạc tình dục như loạn luân, và đời sống đạo đức của loài người sẽ suy thoái ngang hàng với loài vật.
Con người sẽ trở nên cực kỳ độc ác, hung hãn và giết nhau, ngay cả đối với cha mẹ, con cái của họ, anh chị em cũng sẽ tương tàn nhau. Sẽ có những cuộc xung đột vũ trang, sau đó là một cuộc tàn sát sẽ dẫn đến sự hủy diệt lẫn nhau, với những người đàn ông coi nhau như động vật. Rồi họ sẽ sản xuất ra những loại vũ khí có sức hủy diệt lớn. Khả năng xảy ra một cuộc tàn sát như vậy dường như không còn xa vời đối với việc sản xuất các loại vũ khí phi thường trong thời hiện đại.
Sự hủy diệt lẫn nhau cuối cùng sẽ đưa nhân loại đến bờ vực tuyệt chủng hoàn toàn. Chỉ có những người không muốn giết hoặc bị giết, và những người ẩn náu trong rừng, mới thoát khỏi cái chết. Sẽ rất khó để một số ít người sống sót này gặp được nhau, và họ chỉ làm được như vậy sau khi đã đi một quãng đường rất xa. Kết quả là họ sẽ yêu thương nhau, và sẽ từ bỏ sát sinh và các hành động xấu xa khác. Điều này sẽ dẫn đến sự gia tăng dần dần tuổi thọ của con người, và con người sẽ lại làm điều thiện, tránh điều ác và được hưởng tuổi thọ. Vì vậy, sự tái sinh của Thiên chủ Sakka trong thế giới con người sẽ diễn ra trong thời đại đang phát triển đó, nên Ngài ấy sẽ kết giao với những người tốt.
Thiên chủ Sakka nói rằng vị ấy sẽ được thụ thai trong bụng mẹ với đầy đủ nhận thức. Điều này cho thấy những gì xảy ra một cách tự nhiên đối với một vị Nhập Lưu trong quá trình chuyển từ kiếp sống này sang kiếp sống khác. Rõ ràng là tâm trí của một vị trời trong sáng và bình an vào lúc chết, vì vị ấy chết không đau khổ. Tương tự như vậy, vị ấy sẽ không bị mê lầm khi ở trong bụng mẹ. Vị Nhập Lưu tái sanh làm người, khi chết cũng không bị si mê che lấp. Vị ấy có thể bị đau đớn về thể xác, nhưng ý thức của vị ấy trong sáng và bình thường. Tuy không nói được nhưng vị ấy chết với tâm không mê mờ. Thiên chủ Sakka cảm thấy hạnh phúc vì vị ấy sẽ chết một cách thanh thản và tái sánh đến cõi nhân loại, trong gia đình cao quý mà vị ấy chọn.
3. Thiên chủ Sakka nói rằng vị ấy sẽ rất vui khi sống theo lời dạy của Đức Phật.
Nếu tuổi thọ của con người giảm đi một năm trong mỗi thế kỷ, thì nó sẽ giảm xuống còn 10 năm vào cuối thế kỷ 90. Giả sử một phần lớn nhân loại bị xóa sổ bởi một cuộc chiến tranh hạt nhân, Thiên chủ Sakka chỉ mới chín nghìn tuổi và sẽ tiếp tục sống hơn 35 triệu năm nữa. Tuổi thọ của một người trung bình khi đó sẽ là hàng trăm nghìn năm.
Có quan điểm cho rằng, giáo lý của Đức Phật sẽ trường tồn chỉ trong vòng năm nghìn năm, và rằng sẽ có sự hủy diệt hàng loạt vào thời điểm mà loài người có tuổi thọ 10 năm, người ta nên nghĩ rằng Phật giáo sẽ bị diệt vong vào thời điểm xảy ra xung đột toàn cầu. Sẽ không có ai thuộc lòng Phật pháp, cũng không có sách Phật giáo và văn bản Pāḷi. Những bản khắc từ Piṭaka có thể vẫn còn tồn tại ở Miến Điện, nhưng không một ai có thể giảng dạy Giáo pháp. Tuy nhiên, vì Thiên chủ Sakka là một bậc Nhập Lưu, Pháp vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của vị ấy, cũng như đối với tất cả các Bậc Thánh khác. Vì vậy, mặc dù Phật giáo không còn được đại đa số người dân thời bấy giờ biết đến, nhưng nó là động lực sống cho người nhân loại vị lai của Thiên chủ Sakka. Vị ấy sẽ hành trì năm giới, thấu hiểu vô thường, khổ và vô ngã ở mức độ của một vị Thánh Nhập Lưu, và vượt qua một số phiền não. Nói cách khác, vị ấy sẽ tiếp tục là một đệ tử tận tụy của Đức Phật.
Một vị Nhập Lưu trong cõi vô sắc (arūpaloka) sẽ không quên thực hành chánh niệm. Vị ấy có thể quán các tiến trình tâm và đắc đạo quả A-la-hán. Vị ấy có thể ở trong cõi sắc giới phạm thiên (rūpavacara-brahmā) trong thời gian tồn tại của Đức Phật tiếp theo, nhưng với tư cách là một đệ tử của Đức Phật tiền nhiệm, vị ấy sẽ trở thành một vị A-la-hán và chứng ngộ Niết-bàn. Những vị Nhập Lưu này không trở thành đệ tử của Đức Phật kế vị, mà thực hành thiền minh sát như những đệ tử của Đức Phật trước đây. Điều này là hiển nhiên bởi vì một số vị đệ tử trước kia của sáu vị Phật quá khứ đã tự nhận diện mình trong chuyến viếng thăm của Đức Phật Gotama đến cõi Suddhāvāsa. Vì vậy, thật vô ích khi cầu nguyện quả vị A-la-hán dưới sự hướng dẫn của một vị Phật khác nếu một người đã đạt đến giai đoạn Nhập Lưu trong giáo pháp của Đức Phật trước đây.
Thiên chủ Sakka cũng nói rằng khi sống theo Phật pháp, vị ấy sẽ luôn chánh niệm. Vị ấy sẽ tiếp tục thực hành chánh niệm giống như vị ấy đang thực hành bây giờ. Viễn cảnh này mang lại cho Thiên chủ nhiều niềm vui vì vị ấy được đảm bảo về việc đạt được liên tiếp những hiểu biết sâu sắc khác.
4. Thiên chủ Sakka nói: “Bạch Đức Thế Tôn, nếu nhờ hành thiền minh sát đúng cách mà con đạt được định, con sẽ cố gắng và quán chiếu để đạt được những tuệ giác cao hơn. Định mà con đạt được khi con làm người sẽ đánh dấu lần cuối cùng trong kiếp người của con.”
Ở đây sambodhi có nghĩa là ba tầng tuệ giác cao hơn. Tuy nhiên, sau đó vị ấy nói rằng vị ấy sẽ lại trở thành Thiên chủ, sau khi đạt được quả vị Bất lai trong kiếp hiện tại, vị ấy sẽ chuyển sang cõi Suddhāvāsa, và cuối cùng Thiên chủ sẽ chứng quả A-la-hán trong cõi Akaniṭṭhā. Theo quan điểm của những lời nói này, Bản chú giải cho rằng sambodhi đề cập đến tuệ giác của bậc Nhất lai. Vì vậy, Thiên chủ Sakka sẽ ở giai đoạn Nhất lai khi Ngài tái sanh vào cõi người. Đó sẽ là kiếp sống cuối cùng mà vị ấy bị ràng buộc với tuổi già, bệnh tật và những đau khổ khác của kiếp người. Đây là lý do thứ tư khiến vị ấy vui mừng.
5. Thiên chủ Sakka nói rằng, sau khi chết ở cõi người, Ngài sẽ lại tái sanh làm vị Thiên tử tối thắng (uttamo devo) trong các cõi trời.
Theo Chú giải, Thiên chủ sẽ trở thành vị thiên chủ của cung trời Tāvatiṃsa. Vì vậy, nếu vị ấy phải trải qua một kiếp sống làm người, thì tuổi thọ của con người phải giống như tuổi thọ của chư thiên ở Tāvatiṃsa. Thiên chủ Sakka tái sinh trong cõi người, vị ấy phải sống được 36 triệu năm.
Ngoài ra, Thiên chủ Sakka là bậc Nhập Lưu, nên Ngài có thể trải qua nhiều kiếp sống. Trong trường hợp đó, chúng ta phải hiểu như thế nào về bảy kiếp sống của một vị Nhập Lưu? Ở đây, sự tái sinh của Thiên chủ Sakka trong cõi người nên được hiểu theo nghĩa tương tự như sự tái sinh của một vị Bất lai. Vị Bất lai được cho là chỉ có một lần tái sinh. Vị ấy có thể tái sinh tới năm lần trong cõi Suddhāvāsa, nhưng vì điều này chỉ xảy ra trong cõi sắc giới và không liên quan gì đến cõi dục giới hay vô sắc giới (arūpa), chúng ta có thể nói rằng vị ấy chỉ tái sinh một lần. Tương tự như vậy, Thiên chủ Sakka có thể được tái sanh nhiều lần trong cõi người, nhưng vì sự tái sinh của vị ấy bị giới hạn trong sự hiện hữu của thân người, nên nó có thể được coi là một kiếp sống duy nhất trên trái đất.
Thiên chủ Sakka vui mừng khôn xiết trước viễn cảnh đạt được trạng thái Nhất Lai khi làm người, và khi được tái sinh làm đức Vua trời.
6. Thiên chủ Sakka nói, “Cõi Akaniṭṭhā được gọi như vậy, vì ở đó, chư thiên được phú cho quyền lực, sự giàu có, tuổi thọ và những phẩm chất khác. Họ là những vị thiên tử tối thắng. Con sẽ sống cuộc sống cuối cùng của mình trong cõi thù thắng đó.”
Akaniṭṭhā là cõi cao nhất trong năm cõi Suddhāvāsa. Mặc dù cư dân của nó được gọi là Deva, nhưng thực tế họ là brahmā. Chắc có nhiều brahmā, vì mỗi vị lại có nhiều tùy tùng. Thiên chủ Sakka sẽ là bậc Nhất lai trong cõi người, và là bậc Bất lai trong cõi trời, Ngài sẽ tái sanh đến Avihā, là cõi thấp nhất trong các cõi Suddhāvāsa. Rồi sau khi đi qua các cõi trời khác, vị Thiên tử ấy sẽ đến cõi Akaniṭṭhā, và tịch diệt Niết-bàn ở đó.
Theo Chú giải, Thiên chủ Sakka sẽ ở trong thế giới phạm thiên trong 31.000 chu kỳ thế giới. Còn có hai cá nhân khác, đại trưởng giả Anāthapiṇḍika, và bà Visākhā, hai vị đại đệ tử tại gia của Đức Phật, các vị ấy sẽ được hưởng tuổi thọ lâu dài tương tự trong cõi Phạm thiên. Như vậy Thiên chủ Sakka, Anāthapiṇḍika và Visākhā có đời sống cao hơn những vị còn phải tái sanh.
Vì vậy, nguyên nhân thứ sáu khiến Thiên chủ Sakka vui mừng là cơ hội chứng đạt được Niết-bàn trong thế giới Phạm thiên Akaniṭṭhā. Sau đó, Thiên chủ Sakka kết thúc lời tuyên bố của mình với Đức Phật như sau.
“Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay con xin kính lễ Ngài giống như chư thiên kính lễ Phạm thiên. Thưa ngài, ngài là Đức Phật Toàn Giác (Sambuddha) duy nhất. Ngài là vị thầy tối cao, ngài có thể hướng dẫn cho chư thiên và loài người vì lợi ích tối thượng của họ. Trong thế giới của Phạm thiên, chư thiên và loài người, ngài là bậc tối thắng hơn tất cả.”
Rồi Thiên chủ Sakka thốt lên ba lần:
“Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa” và hoan ỷ đảnh lễ trước Đức Phật. Ở đây arahato có nghĩa là “đáng được tôn vinh” và Sammāsambuddho có nghĩa là “Người tự mình biết tứ diệu đế.”
Đây là phần cuối của Sakkapañhasutta. Bài giảng đã giác ngộ nhiều chúng sanh, cũng như Thiên chủ Sakka và nhiều Thiên tử khác. Những ai nghiên cứu và áp dụng giáo lý của Pháp, chắc chắn sẽ đạt được trí tuệ minh sát đặc biệt trên con đường cao thượng.
Ghi chú:
- 1Pháp cú 109.
- 2Trong Kinh Anattalakkhaṇa Sutta (AN 3.2. Kinh Tướng) nhắc tới các cụm từ, như: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi.” “Cái này là của tôi” là quyết định dựa trên tham ái, “Tôi là cái này” là quyết định dựa trên ngã mạn, và “Đây là tự ngã của tôi” là quyết định dựa trên quan điểm.
- 3Vitakka (tầm) và Vicāra (tứ) được dịch là “suy nghĩ” và “di chuyển xung quanh” trong Từ điển Phật giáo của Nyanatiloka. Ý nghĩa thường được sử dụng là “sự định tâm ban đầu” và “duy trì sự định tâm”.
- 4Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý (sáu căn) tương xứng với các đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp (sáu trần).
- 5Xem bản dịch của soạn giả ‘Giảng giải bài Kinh Ariyāvāsa Sutta’.
- 6Liên quan đến chi thiền vitakka (suy hay tầm) và vicāra (sát hay tứ). Xem quyển Sơ Thiền Tâm, Cố Trưởng Lão Hộ Tông biên soạn)
- 7Trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm.
- 8Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền
- 9S.iv. pp.110 –112.
- 10Từ Pāli ‘yoga’ có hai nghĩa. Một nghĩa là ‘phấn đấu’, ‘đảm nhận’ hoặc ‘bổn phận’, còn nghĩa khác là ‘liên minh’, ‘sự ràng buộc’ hoặc ‘xiềng xích’. 7. S.i.228.