WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Ân Đức Phật (Buddha Guṇa)

PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
THERAVĀDA

—–

ÂN ĐỨC PHẬT BẢO
(BUDDHA GUṆA)

Cố vấn
Nāga Mahā Thera – Trưởng lão Bửu Chơn

Phiên dịch
Cư sĩ Huỳnh Thanh Long

 Dl. 2506 – Pl.1962

Tam bảo: Phật bảo (Buddhatarana), Pháp bảo (Dhammaratana) và Tăng bảo (Sangharatana), là ba món báu quí trọng hơn tất cả bảo vật hữu tri (saviññaṇakaratana) và vô tri (aviññāṇakaratana) trong tam giới và hằng có năng lực đem sự an vui đến cho chúng sanh trong ba cõi.

Ân đức của Phật vô lượng vô biên, không thể kể cho xiết hoặc suy xét cho cùng tận, nhưng nói tóm lại có ba ân đức trọng đại là:

1. Visuddhi guna (tịnh đức): Ngài đã xa lìa tất cả phiền não thô sơ và vi tế, nên thân, khẩu, ý của Ngài đều được trọn lành. Trước mặt người hoặc nơi khuất lấp, Ngài cũng không hề làm, nói và tưởng điều tội lỗi.

2. Karuṇā guṇa (bi đức): Ngài thấy chúng sanh đang bị nóng nảy lăn lộn trong lửa ngũ dục, đang chìm đắm chơi vơi trong biển trần ai, chịu thống khổ vô cùng vô tận từ đời này qua kiếp khác nên Ngài phát tâm bi mẫn bao la đối với tất cả chúng sanh, chẳng khác nào người mẹ hiền thương xót đàn con dại, mong mỏi cho con khỏi khổ, được vui lâu dài. Từ khi còn tu hạnh Bồ tát, Ngài đã từng hy sinh thân mạng, vợ con, của cải để tìm phương cứu vớt chúng sanh, đến lúc thành đạo rồi, Ngài lại châu du phổ độ quần sanh không ngừng nghỉ trọn 45 năm trường đăng đẳng.

3. Paññā guṇa (tuệ đức): Ngài có trí tuệ hoàn toàn sáng suốt, không có chi che án được, thông suốt cả ba giới, bốn loài, thấu triệt lý Tứ diệu đế là thấy rõ, biết rõ ái dục phiền não, nguyên nhân sanh ra ái dục phiền não, nơi diệt tận ái dục phiền não và phương pháp diệt trừ ái dục phiền não. Do nhờ trí tuệ hoàn toàn sáng suốt ấy nên Ngài tri tỏ nghiệp nào có sự lợi ích, nghiệp nào có sự nguy hại, hầu tìm phương tiện giáo huấn chúng sanh xa lánh các điều ác, làm những việc lành để sớm đến bờ giác ngộ.

Do nhờ ba ân đức ấy, Đức Phật mới có thể tế độ chúng sanh, luôn cả Chư Thiên và nhân loại một cách dễ dàng được. Vô lượng vô biên ân đức khác của Phật đều bắt nguồn từ ba ân đức trọng đại ấy, cũng như muôn loài thảo mộc chỉ do mặt địa cầu mà phát sanh ra vậy.

Nếu kể rộng hơn, những ân đức cao cả của Ngài có thể tóm tắt trong 10 danh hiệu sau đây: Arahaṃ (Tàu dịch là Ứng Cúng), Sammāsambuddho (Chánh Biến Tri), Vijjācaraṇasampanno (Minh Hạnh Túc), Sugato (Thiện Thệ), Lokavidū (Thế Gian Giải), Anuttaro (Vô Thượng Sĩ), Purisadammasārathi (Ðiều Ngự Trượng Phu), Satthādevamanussānaṃ (Thiên Nhân Sư), Buddho (Phật), Bhagavā (Thế Tôn).

Xin lần lượt giải về mười hiệu của Phật, từ hiệu Arahaṃ (Ứng Cúng) đến hiệu Bhagavā (Thế Tôn).