PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
THERAVĀDA
—–
ÂN ĐỨC PHẬT BẢO
(BUDDHA GUṆA)
Cố vấn
Nāga Mahā Thera – Trưởng lão Bửu Chơn
Phiên dịch
Cư sĩ Huỳnh Thanh Long
Dl. 2506 – Pl.1962
Tại sao Đức Phật có hiệu là Lokavidu (Thế Gian Giải)? Bởi Ngài thông suốt cả tam giới.
“Tam giới” nghĩa là 3 cảnh giới mà chúng sanh đi thọ sanh: Dục giới (kāmabhava), Sắc giới (rūpabhava), Vô Sắc giới (arūpabhava). Dục giới là cảnh giới mà chúng sanh còn vui thích, ưa muốn ngũ trần là sắc, thinh, hương, vị, xúc. Dục giới gồm 11 cõi là Ðịa ngục, A-tu-la, Ngạ quỷ, Súc sanh, Nhân loại, và 6 cõi trời Dục giới. Sắc giới là cảnh giới mà chúng sanh hưởng sự an vui do nơi quả phúc của thiền định hữu sắc. Tùy theo năng lực của bậc thiền đã đắc tại cõi trần, các vị đã đắc từ sơ thiền đến ngũ thiền tái sanh về 16 cõi trời Sắc giới, không còn phân biệt nam nữ và sống lâu từ một phần ba (1/3) kiếp đến 16.000 kiếp quả địa cầu. Vô Sắc giới là cảnh giới mà chúng sanh không còn có sắc tướng nữa, chỉ còn tâm tinh khiết, không nhơ bợn. Các vị trời này đã đắc 4 bậc thiền vô sắc khi còn làm người ở cõi trần, tái sanh về 4 cõi trời vô sắc và tuổi thọ từ 20.000 kiếp đến 84.000 kiếp quả địa cầu.
Trong tam giới vừa kể, có cõi chúng sanh chỉ có nhứt uẩn, cõi có tứ uẩn và cõi có đủ ngũ uẩn nhưng không thoát khỏi sự thọ sanh do 4 cách là noãn, thai, thấp, hóa và vẫn còn dính mắc mãi trong vòng sanh tử luân hồi.
Tam giới thuộc về thế gian còn xuất thế gian là Niết-bàn. Pháp nào có sanh và có diệt, thể trạng nào bị chi phối bởi lẽ vô thường là phải bị tiêu hoại tan rã gọi là thế gian (loka). Thế gian có 3: pháp hành thế gian (saṅkhāra loka), chúng sanh thế gian (satta loka), hư không thế gian (ākasā loka).
− Pháp hành thế gian.
Ðức Phật thông suốt các pháp hành1Pháp hành (saṅkhātaṃ) là những pháp hữu vi, phát sanh lên do nhân duyên tạo tác khác nhau. thế gian kể sau đây:
– Tất cả chúng sanh đều nhờ thực phẩm mà tồn tại (āhārasaṅkhāra lakaṃ).
– Danh sắc hành vi (nāmarūpa saṅkhātaṃ): danh (nāma) gồm có 81 tâm vương (citta), 52 tâm sở (cetasika)2Xem chi tiết “tâm vương”, “tâm sở” và 24 phụ sắc trong quyển Vi diệu Pháp của Ðại đức Hộ Tông.; sắc (rūpa) gồm có 4 tứ đại sắc (mahābhūta rūpa) là đất, nước, gió, lửa, và 24 phụ sắc (hoặc liên kết sắc) (upādāya rūpa)3Danh và sắc cùng hiệp với nhau, nương với nhau mới thành lập nên thân hình hữu trí được. Ví như chiếc thuyền và người lái thuyền, chiếc thuyền nhờ có người lái mới đi được. Hoặc như người bại và người mù, người bại nhờ chân của người mù, người mù nhờ mắt của người bại mới có thể đi và thấy đường được..
– Tam thọ hành vi (tividhavedanā saṅkhātaṃ): thọ vui, thọ khổ, thọ xả (không vui, không khổ).
– Hành vi bốn món vật thực (caturāhāra saṅkhātaṃ) là: vật thực hữu hình (kabaliṅkārāhāra) như cơm, bánh, trái… gồm có tứ đại, màu sắc, mùi, vị và chất bổ dưỡng; vật thực tiếp xúc (phassāhāra) là sự tiếp xúc lục căn và lục trần làm cho thọ (vedanā) phát sanh lên; vật thực tác ý thiện, ác (manosañcetanāhāra) là vật thực để đưa đi tái sanh trong tam giới, vật thực tâm thức (viññāṇāhāra) là vật thực để phát sanh danh sắc trong lúc thọ sanh.
– Hành vi thủ (pañcupādānakkhandhā saṅkhātaṃ) là cố chấp, giữ chặt 5 uẩn: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn cho là ta, là thân ta, là của ta…
– Hành vi lục căn (chājjhattikāyatana saṅkhātaṃ) là nhãn căn, nhĩ căn, tỉ căn, thiệt căn, thân căn và ý căn.
– Hành vi về chỗ trú ngụ của thức (sattaviññāṇaṭṭhiti saṅkhātaṃ) có 7: có chúng sanh thân hình khác nhau và tư tưởng cũng khác nhau (nānattakāyā nānattasaññi) (như nhân loại, Chư Thiên, ngạ quỷ); có chúng sanh thân hình khác nhau nhưng tư tưởng giống nhau (nānattakāyā ekattasaññi) (như Chư Thiên trong 3 cõi Sắc giới thuộc hạng sơ thiên là Hành kiến thiên (parisajjā), Hành thần thiên (parohitā) và Ðại Phạm Thiên (Mahā brahmā); có chúng sanh thân hình giống nhau nhưng tư tưởng khác nhau (ekattakāyā nānattasaññi) (như Chư Thiên trong 3 cõi Sắc giới thuộc về hạng nhị thiên là: Thiểu quang thiên (Parittābhā), Vô lượng quang thiên (Appamāṇābhā), Thân quang thiên (Ābhassarā); có chúng sanh thân hình giống nhau và tư tưởng cũng giống nhau (ekattakāyā ekattasaññi) (như Chư Thiên trong 3 cõi Sắc giới thuộc hạng tam thiên là: Thiểu hảo thiên (Paritta subhā), Vô lượng hảo thiên (Appamāṇa subhā), Ða hảo thiên (Subha kinhā), và như Chư Thiên trong 5 cõi Tịnh cư thiên (Suddhāvāsa) thuộc về tứ thiên là chỗ ngụ của các bậc A-na-hàm đã diệt lòng tham muốn cảnh dục, chờ đắc A-la-hán nhập Niết-bàn luôn nơi ấy chớ không trở lại cõi trần nữa nên gọi là hạng Bất lai. Năm cõi Tịnh cư thiên là: Vô phiền thiên (Avihā), Vô nhiệt thiên (Atappā), Hảo thân thiên (Suddassā), Hảo kiến thiên (Suddassī), Vô thiểu thiên (Akaniṭṭhakā); có chúng sanh mà tư tưởng vượt qua khỏi cảnh sắc (ākāsānañcayatana), nhập vào cõi vô sắc thứ nhất là “Không vô biên thiên”, lấy hư không vô tận làm cảnh giới; có chúng sanh tư tưởng vượt qua cõi “Không vô biên thiên” (viññāṇañcāyatana), nhập vào cõi vô sắc thứ nhì là “Thức vô biên thiên”, lấy thức vô tận làm cảnh giới; có chúng sanh tư tưởng vượt qua cõi “Thức vô biên thiên” (ākiñcaññāyatana), nhập vào cõi vô sắc thứ ba là “Vô hữu sơ thiên”, lấy “sự không có vật chi cả” (dầu vật chi hết sức nhỏ nhen vi tế cũng không có) làm cảnh giới.
– Hành vi tâm của phàm nhân luôn luôn bị 8 pháp thế gian chi phối, ám ảnh (aṭṭhalokadhamma): được lợi (lābho), thất lợi (alābho), được danh (yaso), thất sanh (ayaso), bị chê (nindā), được khen (pasaṃsā), được vui (sukhaṃ), bị khổ (dukkhaṃ).
– Hành vi về chỗ trú ngụ của chúng sanh (navasattavasa saṅkhātaṃ) có 9: 7 chỗ trú ngụ của thức vừa kể trên thêm 2 cõi trời sau đây nữa là 9 là cõi trời Sắc giới Vô tưởng thiên (Asaññisatta) thuộc về tứ thiền, cõi trời vô sắc thứ tư là Phi phi tưởng thiên (Nevasaññānāsaññāyatana) là cảnh giới của hạng chúng sanh không có tưởng và cũng không phải không có tưởng.
– Hành vi ngũ căn và ngũ trần (dasāyatana saṅkhātaṃ): nhãn căn (cakkhavāyatana), nhĩ căn (sotāyatana), tỉ căn (ghānāyatana), thiệt căn (jivhāyatana), thân căn (kāyāyatana), sắc trần (rūpāyatana), thanh trần (saddāyatana), hương trần (gandhāyatana), vị trần (rasāyatana), xúc trần (phoṭṭhabbāyatana).
– Hành vi 11 cái tâm duyên theo cảnh giới bên ngoài đưa đến (ekādasavithārammaṇa saṅkhātaṃ): tâm vui thích phối hợp với cảnh giới có luôn cả trí tuệ (somanassañāṇa sampayutta), sự vui thích có 2 là thụ động và tự động; tâm vui thích phối hợp với cảnh giới nhưng không trí tuệ (somanassañāṇa vippayutta) có 2 là thụ động và tự động; tâm vô ký phối hợp cảnh giới có luôn cả trí tuệ (upekkhāñāṇa sampayutta), có 2 là thụ động và tự động; tâm vô ký phối hợp với cảnh giới nhưng không trí tuệ (upekkhāñāṇa vippayutta), có 2 là thụ động và tự động; tâm thọ lãnh cảnh giới với ý vô ký (upekkhāsampaṭicchanna); tâm xem xét cảnh giới với ý vô ký (upekkhāsantīraṇa); tâm xem xét cảnh giới với ý vui thích (somanassa santīraṇa).
– Hành vi lục căn và lục trần (dvādasāyatana saṅkhātaṃ) gồm có: ngũ căn vừa kể trên thêm ý căn (manāyatana) là 6, ngũ trần vừa kể trên thêm pháp trần (dhammāyatana) là 6.
– 13 cái tâm vui thích (terasahasanacitta saṅkhātaṃ) là: 4 tâm tham luôn cả ý vui thích (lobhasomanassa), 4 tâm đại thiện luôn cả ý vui thích (mahākusalasomanassa), 4 đại hạnh tâm hiệp theo ý vui thích (mahākiriyāsomanassa), 1 tâm vui thích để sanh sự vui cười chúm chím (hasituppāda).
– 14 ác tâm (cuddasacittuppāda saṅkhātaṃ) là: si mê (moho); không hổ thẹn tội (ahirikaṃ); không ghê sợ tội lỗi (anottappaṃ); tâm phóng dật (uddhaccaṃ); xan tham (lobho); tà kiến (diṭṭhi); ngã mạn (māno); sân hận (dosa); ganh tị (issā); bỏn xẻn (macchariyaṃ); tâm hay hối tiếc, lo nghĩ viển vông, nhớ theo chuyện chi không nhất định (kukkuccaṃ); do dự, uể oải, không sốt sắng (thīnaṃ); hôn trầm, buồn ngủ (middhaṃ); hoài nghi, không tin chắc (vicikicchā).
– 18 bản chất (aḍḍhārasadhātu saṅkhātaṃ) là: chất nhãn (thị giác quan) (cakkhu dhātu), chất nhĩ (thính giác quan) (sota dhātu), chất tỉ (khứu giác quan) (ghāna dhātu), chất thiệt (vị giác quan) (jivhā dhātu), chất thân (xúc giác quan) (kāya dhātu), chất ý (tâm thức) (mano dhātu), chất sắc (sắc cảnh) (rūpa dhātu), chất thinh (thinh cảnh) (saddha dhātu), chất hương (hương cảnh) (gandha dhātu), chất vị (vị cảnh) (rasa dhātu), chất xúc (xúc cảnh) (phoṭṭhabba dhātu), chất pháp (pháp cảnh) (dhamma dhātu), chất nhãn thức (cakkhu viññāṇa dhātu) (khi nhãn căn tiếp xúc với sắc trần thì phát sanh sự biết gọi là nhãn thức), chất nhĩ thức (sota viññāṇa dhātu), chất tỉ thức (ghāna viññāṇa dhātu), chất thiệt thức (jivhā viññāṇa dhātu), chất thân thức (kāya viññāṇa dhātu), chất ý thức (mano viññāṇa dhātu).
− Chúng sanh thế gian (Satta loka).
Ðức Phật thông suốt tâm tánh của tất cả chúng sanh như sau đây:
– Ngài hiểu biết tường tận nước tâm của chúng sanh (sabbasattānam asayam), nghĩa là các pháp thường trụ trong thân tâm mỗi chúng sanh như vầy: thường kiến (sassata diṭṭhi) và đoạn kiến (uccheda diṭṭhi) hằng trụ trong thân tâm các hạng phàm nhân, còn 10 minh sát tuệ (vipassanāñāṇa) và chân như tuệ (yathābhūtañāṇa) hằng trụ trong thân tâm các bậc Thánh nhân.
– Ngài thông hiểu các phiền não ngủ ngầm (anusayaṃ) trong tâm chúng sanh chờ dịp phát khởi lên có 7: tình dục ngũ trần ngủ ngầm (kāmarāgānusaya); mê thích tam giới ngủ ngầm (bhavarāgānusaya); bất bình ngủ ngầm (paṭighānusaya); cống cao, ngã mạn ngủ ngầm (mānānusaya); kiến thức (tà kiến)ngủ ngầm (diṭṭhānusaya); hoài nghi ngủ ngầm (vicikicchānusaya); vô minh ngủ ngầm (avijjānusaya).
– Ngài biết rõ 6 tính chất (carita) của chúng sanh (saritaṃ) là: tính tham (rāgacarita) là tính nhiều ái dục, ưa thích sắc tốt, tiếng hay…; tính sân (dosacarita) là tính nhiều sân hận, dễ giận, dễ bất bình; tính si (mohacarita) là tính nhiều si mê, tối tăm ngu độn; tính tin (saddhācarita) là tính nhiều đức tin, dễ tin, ít suy xét; tính giác (buddhicarita) là tính nhiều trí tuệ hay suy xét, mau hiểu biết, sáng suốt; tính tầm (vitakkacarita) là tính nhiều suy tầm, quen nghĩ tưởng các điều, không quyết định.
– Ngài biết rõ tâm chúng sanh nào ưa thích những pháp cao thượng hoặc thấp hèn, ưa thích phước hay tội (adhimittaṃ).
– Ngài thông hiểu chúng sanh nào có nhiều bụi trần hoặc ít bụi trần trong con mắt (apparajjakkhe mahārajjakkhe satte) nghĩa là có nhiều tình dục hoặc ít tình dục.
– Ngài tri tỏ chúng sanh nào có bản căn tinh nhuệ thượng căn, thượng trí hay hạ căn, hạ trí (tikkhindriye satte muddindriye satte). Ngũ căn tinh thần là: tín căn (saddhindriyaṃ), tấn căn (viriyindriyaṃ), niệm căn (satindriyaṃ), định căn (samādhindriyaṃ), huệ căn (paññindriyaṃ).
– Ngài biết rõ chúng sanh nào có phẩm hạnh thanh cao lánh xa điều ác hoặc nết hạnh xấu hèn thích điều tội lỗi (svā kāre satte dvākāre satte).
– Ngài biết tường tận chúng sanh nào nhiều trí tuệ, mau thông hiểu các pháp hoặc ít trí tuệ khó thông hiểu các pháp (suviññāpaye satte duviññāpaye satte).
– Ngài tri tỏ chúng sanh nào có duyên lành có thể giác ngộ đạo quả hoặc không có duyên lành, không thể giác ngộ đạo quả (bhabbābhabbe satte).
Chúng sanh nào trong tâm còn nhiều ái dục (taṇhā), nhiều phiền não (kilesa), nhiều tà kiến (micchā diṭṭhi) là những pháp ngăn cản (āvarana dhamma) thiện duyên, không thể đắc đạo quả Niết-bàn được. Ái dục trong ngũ uẩn có 5: sắc ái (rūpa taṇhā); thinh ái (saddha taṇhā); hương ái (gandha taṇhā); vị ái (rasa taṇhā); xúc ái (photthabba taṇhā). Phiền não có 10: tham lam (lobha); sân hận (dosa); si mê (moha); ngã mạn (māna); kiến thức (tà kiến) (diṭṭhi); hoài nghi (về nhân và quả) (vicikicchā); tâm dụ dự, uể oải, buồn ngủ (thīna); phóng tâm (uddhacca); không hổ thẹn tội lỗi (ahirika); không ghê sợ tội lỗi (anottappa). Tà kiến chia ra 2 loại4Xem giải rộng trong quyển “Tà kiến và chánh kiến” của Ðại đức Bửu Chơn.: thường kiến (sassata diṭṭhi) là sự hiểu biết cho rằng trời, người hay thú khi mãn kiếp này cũng tái sanh y như trước vậy, chớ không hề tiến hóa hoặc thối hóa; đoạn kiến (uccheda diṭṭhi) là sự hiểu biết rằng khi chết đi thì mất luôn, chớ không có tái sanh lại ở đâu cả. Ðoạn kiến lại chia ra làm 3 là: vô hành kiến (akiriyā diṭṭhi), vô nhân kiến (ahetuka diṭṭhi), vô quả kiến (naṭṭhika diṭṭhi). Lại nữa, chúng sanh nào phạm 5 vô gián nghiệp (cùng gọi là ngũ nghịch tội “pañcānantariya kamma” là: giết mẹ (mātughāta), giết cha (pitughāta), giết A-la-hán (arahantaghāta), làm cho Đức Phật đổ máu (Buddhalohituppāda), làm cho tăng chúng chia rẽ (saṅghabheda) (từ 8 vị trở lên) và phạm đến trinh tiết của tỳ khưu ni Thánh nhân, chúng sanh ấy không thể đắc đạo quả trong quả địa cầu này được.
Chúng sanh nào không còn ở 3 pháp ngăn cản, không chấp tà kiến, không phạm ngũ nghịch tội và không phạm đến trinh tiết tỳ khưu ni Thánh nhân, là người chuyên cần bố thí, trì giới, tham thiền, có lòng từ bi siêng năng thính Pháp và hết lòng hầu hạ cha mẹ, chúng sanh ấy hằng tạo nhiều duyên lành có thể giác ngộ đạo quả trong kiếp hiện tại. Bằng chưa đắc được đạo quả trong kiếp này, cũng hằng được hưởng những phước báu cao quí trong cõi người và cõi trời, đến khi trọn đủ các Pháp ba-la-mật thì được giác ngộ đắc đạo quả Niết-bàn dễ dàng.
− Hư không thế gian (ākāsa loka).
Hư không thế gian thường gọi là vũ trụ gồm có vô số thế giới nhỏ. Mỗi một thế giới nhỏ đều nằm trên nước, nước chồng lên gió, gió nằm lên trên hư không. Nơi trung tâm có núi Tu Di (Sineru hoặc Meru) cao 84 000 do tuần.
Chung quanh núi Tu Di có 7 vòng biển cách xa nhau bằng 7 vòng núi tên là: Yugandhara, Isadhara, Karavīka, Sudassana, Nemindhara, Vinataka và Assakaṇṇa. Thể chất núi Tu Di và 7 vòng núi ấy bằng 4 thứ báu hiệp thành, chớ không phải chất đất và đá như núi thường. Bề cao và bề sâu của vòng núi Yugandhara bằng phân nửa của núi Tu Di, bề cao vòng núi Isadhara bằng nửa vòng núi Yugandhara và cứ như thế, bề cao và bề sâu của vòng núi bên ngoài chỉ bằng phân nửa của vòng núi bên trong.
Trung tâm 7 vòng núi ấy ở 4 hướng có 4 châu thiên hạ, mỗi châu đều có 500 hòn đảo nhỏ bao bọc. Bốn châu ấy là: Nam Thiện Bộ châu (Jambudīpa), Ðông Thắng Thần châu (Pubbavideha), Bắc Cu Lu châu (Uttarakurū), Tây Ngưu Hóa châu (Aparagoyāra). Trái đất chúng ta là Nam Thiện Bộ châu (Hán âm là Diêm-Phù-Ðề). Mặt trời xoay vần chung quanh núi Tu Di vào khoảng giữa núi ấy và soi sáng 4 châu thiên hạ.
Dưới chân núi Tu Di có vương quốc A-tu-la (Asura) là các hạng thần nhiều sân hận, thường gây giặc với Chư Thiên cõi trời Dục giới thấp nhất do Tứ Ðại Thiên vương (Cātumahārāja) cai quản, để chiếm các triền núi thấp của Tu Di sơn. Cõi trời Tứ Ðại Thiên vương cao từ các triền núi Tu Di sắp lên đến khoảng giữa núi, kế đến Ðạo Lợi thiên (Tāvatiṃsa) từ khoảng giữa đến đỉnh núi, do đức Ðế Thích (Sakka) trị vì. Bốn cõi trời Dục giới trên là: Dạ Ma thiên (Yāma), Ðấu Xuất thiên (Tusita), Lạc Biến Hóa thiên (Nimmānaratī), Tha Hóa Tự Tại thiên (Paranimmitavasavattī) ở trên hư không núi Tu Di. Trên các cõi trời Dục giới là 16 cõi trời Sắc giới, kế tiếp là 4 cõi Vô Sắc giới.
Vô Gián Ðịa Ngục (Lokantariya) ở khoảng giữa hư không hình tam giác luôn luôn tối tăm lạnh lẽo, không có ánh sáng mặt trời, là khoảng 3 thế giới giáp nhau.
Tất cả núi, biển, châu, cõi trời, v.v… vừa kể trên gồm lại đủ như vậy gọi là một thế giới nhỏ. Một ngàn thế giới nhỏ hợp lại thành một cõi tiểu thiên. Một ngàn cõi tiểu thiên hợp lại thành một cõi trung thiên. Một ngàn cõi trung thiên hợp lại thành một cõi đại thiên. Như thế, một cõi Ðại thiên gồm có 1.000 x 1.000 x 1.000 = 1.000.000.000 thế giới nhỏ. Vì nhơn bội lên 3 lần 1.000 như vậy nên gọi là “Tam thiên đại thiên thế giới”.
Ðức Phật đã thấy rõ và hiểu biết tường tận pháp hành thế gian, chúng sanh thế gian và hư không thế gian. Do nhờ những ân đức ấy nên Ngài có hiệu là Lokavidū (Thế Gian Giải).
Ghi chú:
- 1Pháp hành (saṅkhātaṃ) là những pháp hữu vi, phát sanh lên do nhân duyên tạo tác khác nhau.
- 2Xem chi tiết “tâm vương”, “tâm sở” và 24 phụ sắc trong quyển Vi diệu Pháp của Ðại đức Hộ Tông.
- 3Danh và sắc cùng hiệp với nhau, nương với nhau mới thành lập nên thân hình hữu trí được. Ví như chiếc thuyền và người lái thuyền, chiếc thuyền nhờ có người lái mới đi được. Hoặc như người bại và người mù, người bại nhờ chân của người mù, người mù nhờ mắt của người bại mới có thể đi và thấy đường được.
- 4Xem giải rộng trong quyển “Tà kiến và chánh kiến” của Ðại đức Bửu Chơn.