WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Bổn sự Kurudhamma

Nữ Giới Và Sự Phục Hồi Tỳ Khưu Ni Theravāda

Biên soạn
Tỳ Khưu Chánh Minh

Chương II
Phật giáo với Nữ giới

Những ưu điểm của Nữ nhân

Như đã trình bày ở trên, giá trị chân thật của nữ giới không phải được đo lường qua giới tính, mà được định giá qua giới hạnh. Câu chuyện trong Bổn sự Kurudhamma (Pháp Kuru) (số 276) đã nêu rõ:

Một thời Bồ tát tái sanh làm Hoàng tử của xứ Kuru. Khi vua cha là Dhanañjaya mệnh chung, Bồ tát kế nghiệp vua cha, trị vì kinh thành Indapatta. Bồ tát giữ gìn pháp Kuru tức là giữ gìn giới, có cả Hoàng Thái hậu, Hoàng hậu, Phó vương, quan Tế lễ sư, quan đánh xe, chủ ngân khố, người giữ kho lượng thực, người đo ruộng, và cô kỹ nữ; cô kỹ nữ được tán thán là giữ giới trong sạch nhất trong số những người nêu trên, người Ấn cổ không cho nghề kỹ nữ là nghề hạ cấp, trái lại đó là một nghề sinh sống của nữ nhân xinh đẹp, kỹ nữ càng đắt giá là sự tôn vinh sắc đẹp của nữ nhân ấy; như câu chuyện tiền thân Sirikāḷakaṇṇi (số 382) cho thấy giá trị người nữ được tôn vinh do nương vào giới hạnh. Câu chuyện tóm lược như sau:

Một thời Bồ tát sinh làm một thương nhân, sống trong một gia đình mà mọi người đều giữ hạnh bố thí và trì giới, nên Ngài được gọi là thương nhân Suciparivāra (Hoàng gia thanh tịnh).

Bồ tát có sắm một bảo toạ và một bảo sàng để mời người có giới hạnh hơn mình ngồi hay nằm lên.

Một hôm có hai Thiên nữ cùng Thiên nữ tuỳ tùng đến hồ Anotatta để tắm. Hồ Anotatta có chỗ tắm dành riêng cho Đức Phật, có chỗ tắm dành riêng cho các vị có thần thông, có chỗ tắm dành riêng cho tiên nam, có chỗ tắm dành riêng cho Thiên nữ.

Hai Thiên nữ là Kāḷakaṇṇī ái nữ của vua Virūpakkha (Quảng mục Thiên vương) và Thiên nữ Sirī là ái nữ của Dhatarattha (Trì quốc Thiên vương). Hai nàng đều tranh giành tắm trước. Hai nàng đưa vấn đề này đến Tứ đại vương nhờ phân xử, Tứ đại vương bảo đến nhờ vua trời Sakka phân xử. Vua trời e ngại làm phật lòng hai vị Thiên vương nên bảo hai nàng Kāḷakaṇṇī và Sirī đến nhờ Bồ tát phân xử. Người nào được Bồ tát mời ngồi hay nằm lên bảo sàng, người ấy được tắm trước.

Thiên nữ Kāḷakaṇṇī đến trước, gặp Đại sĩ Suciparivāra, nàng vận y phục xanh, thoa xức hương liệu xanh, trang điểm nữ trang màu xanh.

Vào giữa đêm nàng Kāḷakaṇṇī đứng giữa hư không, toả ra ánh sáng xanh, vị thương nhân hỏi:

– Nàng là ai, lại có hào quang xanh như thế?

– Ta là con gái của Thiên vương Virūpakkha, tên của ta là Kāḷakaṇṇī (Hắc vận). Ngài hãy cho ta một chỗ ngồi hay một chỗ nằm nơi bảo toạ hoặc bảo sàng.

– Nàng có đức hạnh gì đặc biệt chăng?

Thiếu nữ Kāḷakaṇṇī cho biết: “Ta có đặc tính là thường kết bạn trợ giúp cho những người giả dối, sống buông lung, nhiều sân hận, vong ân, tật đố, xan tham, giúp cho người ấy được thành công.”

Bậc Đại sĩ đã khiển trách và đuổi nàng Kāḷakaṇṇī, nàng Thiên nữ này không thể đứng yên, phải biến mất.

Rồi nàng Sirī (Vinh quang) đi đến với trang phục vàng, những vật trang điểm vàng, toả ra hào quang vàng. Bậc Đại sĩ hỏi:

– Nàng là ai mà toả hào quang vàng sáng chói, vận mặc và trang điểm trang sức vàng như vậy?

– Tôi là Thiên nữ Sirī (Vinh quang) con của Thiên vương Dhatarattha (Trì Quốc). Tôi muốn được ngồi lên bảo toạ hoặc nằm lên bảo sàng của Ngài.

– Nàng có đức hạnh gì?

– Tôi kham nhẫn với nóng, lạnh, đói khát với ruồi muỗi hay côn trùng, cố gắng thực hành hạnh nhu hoà, tín thành, chánh trực. Tôi kết bạn và giúp đỡ những người có giới hạnh, có tâm xả ly, không có sự ganh tỵ và bỏn xẻn. Tôi tránh xa những kẻ ác giới, có tâm kiêu mạn, giả dối, vong ân…

Nghe vậy, Bậc Đại sĩ mời thiên nữ Sirī nằm trên bảo sàng. Sáng hôm sau, nàng Sirī trở về cõi Tứ Đại vương và được tắm trước tiên nơi hồ Anotatta.

Nàng thiên nữ Sirī là tiền thân nàng Uppalavaṇnā.

Một câu chuyện Bổn sự khác cũng có ý nghĩa tương tự, đó là bổn sự Thực phẩm Thiên giới (Suddhā bhojana-jataka) (số 535). Tóm lược như sau:

Bốn Thiên nữ là Āsā, Saddhā, Sirī và Hirī là ái nữ của vua Trời Sakka.

Cả bốn nàng đi đến hồ Anotatta tắm, nhìn thấy ẩn sĩ có thần thông là Nārada cầm đoá Thiên hoa Pāricchattaka (Hoa Tán lọng), bốn nàng xin cánh hoa ấy. Ẩn sĩ Nārada bảo:

– Hãy hỏi Thiên chủ Sakka, nàng nào có giới hạnh nhất, ta sẽ treo cánh hoa này cho vị ấy.

Vua Trời không thể phân xử, bảo bốn nàng đến hỏi ẩn sĩ Macchakosiya; nàng nào được ẩn sĩ Macchakosiya chia cho thực phẩm thiên giới, nàng ấy là người đức hạnh nhất.

Thiên chủ Sakka sai thiên thần xa phu Mātali mang đến cho ẩn sĩ Macchakosiya chén thực phẩm thiên giới.

Bốn nàng thiên nữ đến gặp ẩn sĩ Macchakosiya nói lên giới hạnh của mình và ẩn sĩ Macchakosiya trao chén thưc phẩm thiên giới đến nàng Hirī, vì nàng Hirī là người giới hạnh tốt nhất.

Nàng Hirī chỉ cho tiền thân của bà Thánh nữ A La Hán là Uppalavaṇṇā.