Nữ Giới Và Sự Phục Hồi Tỳ Khưu Ni Theravāda
Biên soạn
Tỳ Khưu Chánh Minh
Chương II
Phật giáo với Nữ giới
Những ưu điểm của Nữ nhân
Nội dung
Thông thạo trong các công việc nhà
Theo quy ước thế gian thì phận sự nữ nhân là thông thạo và siêng năng trong công việc nhà. Nhưng thực ra, đó là một ưu điểm của nữ nhân, việc thông thạo các công việc có thể giúp cho nữ nhân tự mình sinh sống, không cần phải nương tựa vào người khác; như lời nói của bà Nakulamātā.
Kinh Nakulapitu
Trong Tăng Chi Kinh, Chương Sáu Pháp, Kinh Nakulapitu (số 16)1A.iii, 295 ghi nhận:
Một thời Đức Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Bhagga, tại núi Susumāragira (Cá sấu), rừng Bhesakalā, nơi vườn Nai (Migadāya). Lúc bấy giờ Nakulapitu (cha của Nakula) bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh.
Rồi gia chủ, mẹ của Nakula nói với cha của Nakula như sau.
– Thưa gia chủ, chớ có mạng chung với tâm còn mong cầu luyến ái (Sāpekho. Tập sớ giải thích là: Sa taṇho). Thưa gia chủ, đau khổ là người khi mạng chung tâm còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung còn mong cầu ái luyến.
– Thưa gia chủ, gia chủ, gia chủ có thể suy nghĩ: “Nữ gia chủ, mẹ của Nakula, sau khi ta mệnh chung, không có thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa.
– Thưa gia chủ, chớ có nghĩ như vậy! Thưa gia chủ, tôi khéo dệt vải và chải lông cừu.
– Thưa gia chủ, sau khi gia chủ mệnh chúng tôi có thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa…
Đoạn kinh trên cho thấy người nữ thông thạo việc, có nghề nghiệp thiện xảo, có thể tự mình sinh sống, nuôi dưỡng con, duy trì tài sản, không cần phải sống nương tựa vào người đàn ông khác.
Siêng năng trong các công việc nhà
Đây cũng là một ưu điểm của nữ nhân. Điều này giúp cho người chồng không phải lo lắng việc trong nhà, người chồng tập trung tâm trí để đối ngoại.
Và người chồng đã giao quyền trong nhà cho người vợ vì lý do này.
Mười điều giáo huấn cho nàng Visākhā trước khi về nhà chồng
Bản Sớ giải kinh Pháp Cú câu số 53, ghi nhận: Trưởng giả Dhanañjaya có giáo huấn cho nàng Visākhā mười điều trước khi về nhà chồng là:
1. Lửa trong nhà đừng đem ra ngoài.
2. Lửa ở ngoài đừng đem vô nhà.
3. Nên cho đến người nên cho.
4. Không nên cho đến người không nên cho.
5. Nên cho đến người dù là người nên cho hay không nên cho.
6. Nên ngồi cho an vui.
7. Nên ăn cho an vui (là sau cha mẹ và chồng).
8. Nên nghĩ cho an vui.
9. Phải cúng dường hầu hạ lửa (là chồng và mẹ cha chồng).
10. Phải lễ bái Chư thiên trong nhà (là mẹ cha chồng).
Về sau nàng Visākhā đã giải thích ý nghĩa mười điều này đến cha chồng là Trưởng giả Migāra như sau:
1. Lửa trong nhà đừng đem ra ngoài: Nghĩa là, tuy biết chỗ xấu của mẹ cha chồng hay của chồng, nên giữ kín, chớ nói cho người ngoài biết. Thật vậy, không có thứ lửa nào nóng như lửa này cả.
2. Lửa ở ngoài đừng đem vào nhà: Nghĩa là, khi nghe người bên ngoài là người nữ hay người nam nói xấu gia đình bên chồng, không nên mang về nói lại cho gia đình chồng nghe. Vì không có lửa nào nóng như loại lửa này.
3. Nên cho người đáng cho: Nghĩa là với người mượn, họ sẽ trả đền đáp lại, thì nên cho họ mượn tài sản của gia đình chồng.
4. Không nên cho đến người không nên cho: Nghĩa là, đối với người khi mượn không hề trả lại, thì không cho người ấy mượn tài sản, vật dụng.
(Hai điều này là nói lên “Sự gìn giữ tài sản của chồng”).
5. Nên cho đến người dù người ấy nên cho hay không nên cho: Nghĩa là, đối với quyến thuộc bên chồng, nên trợ giúp dù cho người đó có trả lại hay không trả lại.
6. Nên ngồi cho an vui: Nghĩa là khi đang ngồi, nhìn thấy mẹ cha chồng hay chồng đến thì đứng dậy, không nên tiếp tục ngồi.
7. Nên ăn cho an vui: Là chuẩn bị vật thực cho chồng và cha mẹ chồng dùng trước, tiếp đến xem những người trong nhà có thiếu vật thực hay không, rồi mới dùng vật thực cho mình.
8. Nên ngủ an vui: Là không nên ngủ trước chồng hay mẹ cha chồng; phải kiểm soát trong nhà, xem chừng các cửa, đề phòng kẻ trộm cho chu đáo. Sau đó mới lên giường ngủ.
9. Phải cúng dường hầu hạ lửa: Là nên xem trọng, tôn kính chồng cùng mẹ cha chồng, như ngọn lửa thiêng được thờ cúng trong nhà.
10. Phải lễ bái Chư thiên trong nhà: Là nên cung kính chồng và mẹ cha chồng như vị Chư thiên hộ trì gia tộc.
Kinh Anuruddha
Trong Tăng Chi Kinh, Chương Tám Pháp, Kinh Anuruddha (Anuruddha suttaṃ) (số 46)2A.iv, 262:
Khi Đức Thế Tôn trú ở Kosambi, nơi vườn Ghosita. Bấy giờ Tôn giả Anuruddha, ngồi thiền tịnh nơi nghỉ ban ngày. Rồi rất nhiều thiên nữ với thân khả ái đi đến Tôn giả Anuruddha, thưa rằng:
– Chúng tôi là những thiên nữ với thân khả ái, chúng tôi có quyền lực và tự tại trên ba địa hạt. Chúng tôi muốn có hình sắc như thế nào, chúng tôi liền được hình sắc như thế ấy.
– Chúng tôi muốn được tiếng như thế nào, chúng tôi liền được tiếng như thế ấy ngay lập tức.
– Chúng tôi muốn được lạc như thế nào, chúng tôi liền được như thế ấy ngay lập tức…
Vào buổi chiều, Tôn giả Anuruddha từ chỗ ngồi thiền định đứng dậy đi đến Đức Thế Tôn. Sau khi đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi đứng một bên bạch hỏi rằng:
– Bạch Thế Tôn, thành tựu bao nhiêu pháp, nữ nhân sau khi thân hoại mệnh chung, được sanh cộng trú với các thiên nữ ấy với thân khả ái?
– Này Anuruddha, đầy đủ tám pháp, nữ nhân sau khi thân hoại mệnh chung, được sanh cộng trú với các thiên nữ ấy với thân khả ái. Thế nào là tám?
1. Ở đây, này Anuruddha, nữ nhân đối với người chồng nào mẹ cha gả cho, vì muốn lợi ích, vì tìm hạnh phúc, vì lòng thương tưởng, vì lòng bi mẫn khởi lên với người ấy. Nữ nhân dậy trước, đi ngủ sau cùng, vui lòng nhận mọi công việc, xử sự đẹp lòng, lời nói dễ thương.
2. Những ai có người chồng kính trọng Sa môn, Bà la môn như cha mẹ; nữ nhân ấy cung kính, tôn trọng, đảnh lễ cúng dường và khi họ đến, sẽ dâng hiến chỗ ngồi và nước.
3. Phàm có những việc trong nhà, thuộc về len hay vải bông; ở đây nữ nhân ấy thông thạo, không biếng nhác, tự tìm phương pháp làm, vừa đủ để tự mình làm, vừa đủ để sắp đặt người làm.
4. Trong nhà người chồng, phàm có nô tỳ nào, hay người đưa tin, hay người công thợ; nữ nhân biết công việc của họ với công việc đã làm, biết sự thiếu sót của họ với công việc không làm; biết sức mạnh hay biết sức không mạnh của những người đau bệnh, biết chia các đồ ăn loại cứng loại mềm, mỗi người tuỳ theo từng phần của mình.
5. Phàm có tiền bạc, lúa gạo, bạc và vàng người chồng mang về, nữ nhân ấy bảo vệ, phòng hộ chúng, giữ gìn để khỏi ăn trộm, ăn cắp, kẻ uống rượu, kẻ phá hoại.
6. Nữ nhân ấy quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.
7. Nữ cư sĩ giữ gìn năm giới: Từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói dối, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu.
8. Nữ cư sĩ bố thí, sống ở gia đình từ bỏ cấu uế của bỏn xẻn, vui thích được bố thí.
Trong tám điều ấy: điều thứ ba, điều thứ tư là “thông thạo việc nhà”. Điều thứ năm là “không lãng phí tài sản” của chồng.
Những điều ấy là ưu điểm của nữ nhân trong gia đình, giúp người chồng an tâm giao phó việc nhà cho người vợ.
Ghi chú:
- 1A.iii, 295
- 2A.iv, 262