Nữ Giới Và Sự Phục Hồi Tỳ Khưu Ni Theravāda
Biên soạn
Tỳ Khưu Chánh Minh
Chương III
Khôi Phục Tỳ Khưu Ni Theo Hệ Phái Nam Truyền
Với điều này, chúng ta có thể nhận định rằng:
“Đức Thế Tôn nhận thấy sự tai hại có đến cho Tăng đoàn vốn đang thanh tịnh tốt đẹp. Vì khi bà Mahāpajāpati Gotamī cùng năm trăm vương phi thuộc bộ tộc Sakya và Koliya xin xuất gia trong Giáo Pháp này, khi ấy là vào hạ thứ năm. Vào mùa an cư thứ mười hai, Đức Thế Tôn an cư ở thành phố Verañja khi ấy Đức Thế Tôn chưa chế định học giới đến các Tỳ Khưu.
Khi Trưởng Lão Sāriputta thỉnh Đức Thế Tôn quy định điều học cho các đệ tử, nên công bố giới bổn pātimokkha; như thế phạm hạnh này có thể được tiếp tục và tồn tại lâu dài.
Đức Phật đã dạy Trưởng lão Sāriputta hãy chờ đợi vì hiện tại hội chúng Tăng không có ô nhiễm, được trong sạch, được thanh tịnh, đã an trú vào mục đích1Ngài Buddhaghosa giải thích là: an trú vào giới, định, tuệ, giải thoát và Tri kiến về sự giải thoát.
Sau khi mãn mùa an cư lần thứ nười hai ở thành phố Verañja; bấy giờ học giới mới được chế định đến các Tỳ Khưu.
Riêng điều học được chế định cho các Tỳ Khưu Ni không thấy được đề cập vào thời điểm nào. Nhưng có thể nhận biết rằng: từ hạ thứ năm đến hạ thứ 12 của Đức Thế Tôn, các vị Tỳ Khưu Ni là hiền thiện, học giới của Tỳ Khưu Ni chưa được Đức Thế Tôn chế định cho các Tỳ Khưu Ni.
Trong Luật Tiểu Phẩm (Cullavagga), chương Tỳ Khưu Ni (Bhikkhunīkhandhakaṃ): Bà Mahāpajāpati Gotamī bạch hỏi Đức Thế Tôn:
– Bạch Đức Thế Tôn, có những điều học của Tỳ Khưu Ni tương đương với các Tỳ Khưu, bạch Ngài, chúng con thực hành những điều học ấy như thế nào?
– Này Gotamī, có những điều học của các Tỳ Khưu Ni tương đương với các Tỳ Khưu, các Tỳ Khưu học tập thế nào, các ngươi hãy học tập những điều ấy như thế.
– Bạch Thế Tôn, có những điều học của các Tỳ Khưu Ni không tương ứng với các Tỳ Khưu, bạch Ngài, chúng con thực hành những điều học ấy như thế nào?
– Này Gotamī, có những điều học của các Tỳ Khưu Ni không tương đương với các Tỳ Khưu, các ngươi hãy học tập những điều học ấy như đã được quy định.
Bản dịch phẩm trang 20 cho rằng sự cân nhắc của Đức Thế Tôn đối với vấn đề cho nữ giới xuất gia trong Pháp Luật của Đức Thế Tôn, tương tự như sự cân nhắc “có nên thuyết giảng pháp đến chúng sanh hay không?”. Điều này nên hiểu: “Sự cân nhắc giống nhau, nhưng ý nghĩa cân nhắc khác nhau”. Sau khi Đức Thế Tôn chứng đắc vô thượng Chánh Giác vào tuần lễ thứ bảy nơi cội cây Rājāyatana. Phạm thiên Sahampati đến khẩn cầu Đức Thế Tôn thuyết giảng pháp giải thoát đến chúng sanh.
Về điều này, tập Milindapañha (Milinda hỏi), trong Phẩm V. Thân thiết (Santhavavagga); câu hỏi số mười:
“Câu hỏi về trạng thái không nỗ lực trong việc thuyết giảng Giáo Pháp”.
Dhammadesanāya appossukabhāvapañha
Ngài Nāgasena trả lời cho vua Milinda về vấn đề này như sau:
Đức Thế Tôn trải qua bốn A Tăng kỳ kiếp và 100 ngàn kiếp trái đất, trí toàn tri đã được Đức Thế Tôn làm cho chín muồi nhằm tế độ chúng sanh, và tâm của Đức Như Lai lại thiên về sự không nỗ lực và không thuyết giảng Giáo Pháp.
Vì Đức Thế Tôn nhìn thấy tính thâm sâu, tinh diệu, khó thấy, khó giác ngộ, khó thấu triệt của Giáo Pháp. Chúng sanh có trạng thái ham thích tiềm ẩn, có tính bám chắc vào quan điểm của chính mình. Đức Thế Tôn nghĩ rằng: “Thuyết giảng về cái gì? Bằng cách nào?” Do vậy, Ngài có tâm thiên về sự không nỗ lực thuyết giảng Giáo Pháp.
Điều này chính là sự suy nghĩ về việc giác ngộ của chúng sanh.
Ví như vị lương y phẫu thuật, thấy một người bệnh nặng, bị hành hạ do có nhiều chứng bịnh. Vị lương y suy nghĩ như vầy: “Bằng cách nào? Bằng phương thuốc gì thì căn bịnh của người này dứt khỏi”.
Tương tự như vậy Đức Thế Tôn thấy phần đông chúng sanh bị hành hạ bởi mọi chứng bệnh phiền não và tính chất thâm sâu, vi diệu, khó lãnh hội, khó thấu triệt của Giáo Pháp.
Đức Thế Tôn suy nghĩ: “Nếu ta thuyết giảng Giáo Pháp và những người khác không hiểu được Ta, điều ấy sẽ đem lại cho Ta sự mệt mỏi và sự phiền toái”. Trong khi đắn đo cân nhắc như thế, tâm Đức Thế Tôn có khuynh hướng không nỗ lực thuyết giảng Giáo Pháp.
Đại Phạm thiên Sahampati đi đến đảnh lễ, rồi khẩn cầu Đức Thế Tôn giảng Giáo Pháp.
– Xin Đức Thế Tôn hãy thuyết giảng Giáo Pháp, sẽ có nhiều người hiểu được.
Đức Thế Tôn từ chối hai lần, lần thứ ba Phạm thiên Sahampati khẩn cầu:
– Xin Đức Thế Tôn hãy thuyết giảng Giáo Pháp sẽ có nhiều người hiểu được.
Trước sự khẩn cầu của Phạm thiên Sahampati, Đức Thế Tôn đưa Phật quang quán xét thấy có những chúng sinh có ít phiền não, có năm quyền sắc bén, có tính khí tốt, có thể hiểu được Giáo Pháp một cách nhanh chóng, có những chúng sanh thấy sợ hãi luân hồi.
Và Đức Thế Tôn im lặng nhận lời.
Như vậy cho thấy rằng: Tuy cùng hình thức là đắn đo cân nhắc, nhưng nội dung hai sự kiện hoàn toàn khác nhau. Đức Thế Tôn cân nhắc về việc giảng pháp do nhận thấy Giáo Pháp thâm sâu vi diệu, chúng sanh khó lãnh hội do có quá nhiều phiền não.
Đức Thế Tôn cân nhắc về việc cho nữ giới xuất gia trong Giáo Pháp này, do nhận thấy đời sống Thánh đạo bị tổn giảm phân nửa do việc này.
Nhưng hai sự kiện này có đồng một điểm chung: Đức Thế Tôn nhận thấy có nhiều chúng sanh có khả năng lãnh hội Giáo Pháp nên Ngài im lặng nhận lời.
Đức Thế Tôn nhận thấy có nhiều nữ nhân có khả năng chứng Thánh quả và Ngài thấy rõ những nguyện vọng đạt được địa vị Tối thắng trong Giáo Pháp này. Nên Đức Thế Tôn chấp thuận lời khẩn cầu của Ngài Ānanda (không phải nhượng bộ như trong dịch phẩm ghi ở trang 18).
Cả hai trường hợp, Đức Thế Tôn vì lòng bi mẫn tế độ chúng sanh nhưng vẫn có điểm dị biệt là: Đức Thế Tôn giảng pháp để tế độ những người có duyên lành chứng Thánh quả không phân biệt nam nữ, như lời dạy của Đức Thế Tôn trong Luật Đại Phẩm (Mahāvagga), chương Trọng Yếu (Mahākhandhakaṃ), Đức Thế Tôn dạy:
“Các cánh cửa bất tử.
(nay) đã được mở ra”
“Cho những người có tai
Hãy bỏ đi tà tín”
Apārutā tesaṃ amatassa dvārā;
Ye sotavanto pamuñcantu saddhaṃ
Còn Đức Thế Tôn chấp nhận lời thỉnh cầu cảu Ngài Ānanda, cho phép nữ nhân được xuất gia trong Pháp Luật này, do có lòng bi mẫn với nữ nhân hiền thiện, hỗ trợ giúp cho các vị nữ Thánh A La Hán có ước nguyện đạt được địa vị tối thắng trong hàng Tỳ Khưu Ni vào thời Đức Phật Padumuttara cách đây 100 ngàn kiếp trái đất.
Đức Thế Tôn thấy được hạnh nguyện của bà Mahāpajāpati Gotamī, nên cho bà xuất gia trước bằng cách cho bà thọ tám trọng pháp, còn năm trăm vương phi xuất gia sau do các Tỳ Khưu cho xuất gia (còn bà Gotamī do chính Đức Thế Tôn cho xuất gia, đồng thời Ngài đền đáp công ân nuôi dưỡng của bà đối với Ngài).
Về sau do duyên sự này, Đức Thế Tôn đã ban cho bà Mahāpajāpati Gotamī địa vị tối thắng.
“Trong các vị nữ đệ tử Tỳ Khưu Ni đã lâu ngày của Ta, tối thắng là Mahāpajāpatigotamī”.2Tăng Chi Kinh, chương Một Pháp, phẩm Người Tối Thắng A.i, 25
Etadaggaṃ, bhikkhave, mama sāvikānaṃ bhikkhunīnaṃ rattaññūnaṃ yadidaṃ Mahāpajāpatigotamī.
Như vậy, tuy cùng quán xét chúng sinh có duyên lành Thánh đạo, cũng không có sự khác nhau. Đức Thế Tôn nhận lời thỉnh cầu của Phạm Thiên Sahampati, do quán xét duyên lành đạo quả nói chung.
Đức Thế Tôn nhận lời thỉnh cầu của Ngài Ānanda do quán xét sự có thể chứng Thánh đạo của nữ nhân.
Không nên cho “hai sự cân nhắc ấy giống nhau”.
Ghi chú:
- 1Ngài Buddhaghosa giải thích là: an trú vào giới, định, tuệ, giải thoát và Tri kiến về sự giải thoát
- 2Tăng Chi Kinh, chương Một Pháp, phẩm Người Tối Thắng A.i, 25