Nữ Giới Và Sự Phục Hồi Tỳ Khưu Ni Theravāda
Biên soạn
Tỳ Khưu Chánh Minh
Chương III
Khôi Phục Tỳ Khưu Ni Theo Hệ Phái Nam Truyền
Đoạn kinh trong Trường Bộ Kinh II, bài kinh Đại Viên Tịch (Mahāparinibbānasutta) (số 16)1D.ii, 72 được ghi nhận như sau:
“Này Ác ma, ta sẽ không diệt độ khi nào những Tỳ Khưu Ni của Ta chưa trở thành những vị đệ tử chân chánh, sáng suốt, có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn, duy trì chánh pháp, thành tựu chánh pháp và tuỳ pháp sống chơn chánh, sống theo chánh pháp…”.
Đoạn kinh văn này là một lập luận cho rằng “Vị Tỳ Khưu Ni khéo huấn luyện là một trong các cột trụ của chánh pháp” (Dịch phẩm trang 22).
Trong phẩm này có bốn đoạn kinh văn có nội dung tương tự đó là đề cập đến các Tỳ Khưu, rồi đến Tỳ Khưu Ni, rồi đến Cận sự nam, rồi đến Cận sự nữ.
Và Đức Thế Tôn đã trả lời Ác ma rằng:
“Này Ác ma, Ta sẽ không diệt độ khi nào Phạm hạnh mà Ta giảng dạy chưa được thành tựu, thịnh đạt, phổ biến, quảng bá, biến mãn, là được khéo giảng dạy cho loài người”.
Phải thừa nhận rằng các vị Tỳ Khưu Ni hiền thiện sống theo pháp, hành trì chánh pháp, học tập pháp, có biện tài, giảng pháp… những vị Tỳ Khưu Ni hiền thiện này góp phần làm vững mạnh, làm hưng thịnh Giáo Pháp.
Không phải chỉ có riêng Tỳ Khưu Ni, ngay cả nam cư sĩ, nữ cư sĩ là bậc hiền thiện, là những vị học pháp, thực hành pháp, sống chân chánh theo pháp, đa văn, sáng suốt, có kỷ luật, duy trì chánh pháp, thành tựu chánh pháp và tuỳ pháp. Những vị nam cư sĩ, nữ cư sĩ ấy cũng góp phần giữ vững chánh pháp, duy trì chánh pháp làm hưng thịnh Giáo Pháp.
Như gia chủ Anāthapiṇḍika không những là một thương gia thông minh, lanh lợi, còn là nhà hùng biện. Theo Tăng Chi Kinh, chương Mười Pháp, kinh Người Thấy Gì (Kiṃdiṭṭhikasuttaṃ) (số 93)2A.v, 185, Gia chủ Anāthapiṇḍika biện luận nhiếp phục các du sĩ (paribbājaka), khiến các du sĩ sững sờ, im lặng. Ông về trình lên Đức Thế Tôn việc này, được Đức Thế Tôn tán thán. Ngoài ra còn có gia chủ Citta ở Macchi Kāsanda là bậc chứng đắc A Na Hàm cùng với tuệ phân tích.
Về nữ cư sĩ thì có bà Veḷukantakī Uttarā mẹ Nanda; bà Khujjuttarā, bà Visākhā… Tất cả những bậc hiền thiện ấy làm vững mạnh Giáo Pháp này, đâu phải chỉ “phải có” Tỳ Khưu Ni. Tỳ Khưu Ni phàm không thể bằng các vị ấy.
Cũng từ đoạn kinh văn này có lập luận cho rằng “cần phải có Tỳ Khưu Ni mới giúp cho Giáo Pháp được vững mạnh”.
Những người này lập luận rằng: “Ví như bàn có bốn chân, bàn mới đứng vững”.
Bản Sớ giải kinh Mahāparinibbāna (Đại Viên Tịch), Ngài Buddhaghosa cho biết:
Ma vương thỉnh Đức Thế Tôn viên tịch vào tuần lễ thứ tám sau khi Đức Thế Tôn chứng Vô thượng Chánh Giác và nhận lời thỉnh cầu giảng pháp của Phạm thiên Sahampati.
Ma vương đã đi đến Bodhimaṇḍa (vùng Giác ngộ) thỉnh cầu Đức Thế Tôn viên tịch. Đức Thế Tôn đã từ khước lời thỉnh cầu của Ma vương; do Ngài đã nhận lời thỉnh cầu giảng pháp đến chúng sanh của Phạm thiên Sahampati. Đức Phật đã trả lời Ma vương rằng:
“Này Ác ma, Ta sẽ không diệt độ khi nào những Tỷ-kheo của Ta chưa trở thành những vị đệ tử chân chánh, sáng suốt, có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn, duy trì Chánh pháp, thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chân chánh, sống theo Chánh pháp, sau khi học hỏi giáo lý, chưa có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tích, và giải thích rõ ràng Chánh pháp, khi có tà đạo khởi lên chưa có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo léo, chưa có thể truyền bá Chánh pháp thần diệu”.
“Na tāvāhaṃ, pāpima, parinibbāyissāmi, yāva mebhikkhū na sāvakā bhavissanti viyattā vinītā visāradā bahussutā dhammadharā dhammānudhammappaṭipannā sāmīcippaṭipannāanudhammacārino, sakaṃ ācariyakaṃuggahetvā ācikkhissanti desessantipaññapessanti paṭṭhapessanti vivarissantivibhajissanti uttānī karissanti, uppannaṃ parappavādaṃsahadhammena suniggahitaṃ niggahetvāsappāṭihāriyaṃ dhammaṃ desessantī’ti”
Với Phật trí, Đức Thế Tôn biết rõ có bốn hội chúng của Ngài sẽ xuất hiện. Bản Sớ giải kinh Mahāparinibbāna giải thích:
– Viyattā: “sáng suốt” là chỉ cho có liên quan đến magga (đạo), có nghĩa là “chứng đắc thánh đạo”.
– Vinītā: “có kỷ luật”, là chỉ cho sự diệt trừ ô nhiễm (āsava) thông qua việc chứng đắc Thánh đạo.
– Visāradā: “tin tưởng” là loại bỏ những tà kiến và sự nghi ngờ, xuất phát từ sự thiếu niềm tin.
– Bahussutā dhamma: “Đa văn”, là chỉ cho việc học hỏi nhiều về Giáo Pháp.
– Dhamma dharā: “Duy trì pháp”. Là chỉ cho việc thuộc lòng pháp học, là bậc thông thạo cả pháp học (pariyattidhamma), pháp hành (paṭipadādhamma) và pháp thành (paṭivedhadhamma).
Như vậy, cho thấy rằng Giáo Pháp của Đức Thế Tôn được vững mạnh bền vững do hàng tứ chúng học pháp, hành pháp sống theo pháp và thành đạt được pháp. Không phải được bền vững hưng thạnh do có Tỳ Khưu Ni. Với những vị Tỳ Khưu Ni hiền thiện sống theo pháp đó là điều đáng hoan hỷ, đáng tán dương; còn các vị Ni sống phóng túng, bất chấp giới luật đó là điều tai hại cho Tăng đoàn thanh tịnh tốt đẹp như Tỳ Khưu Ni Thullanandā hay các Tỳ Khưu Ni nhóm Lục sư chẳng hạn.
Trong Trường Bộ Kinh II, bài kinh Mahāparinibbāna Đức Thế Tôn đã dạy những pháp bất thối (aparihāniya dhamma) như: bảy pháp bất thối (satta aparihāniye dhamme).
1. Khi nào chúng Tỳ Khưu thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau, thời này các Tỳ Khưu, chúng Tỳ Khưu sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
2. Khi nào chúng Tỳ Khưu tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc Tăng sự trong niệm đoàn kết, thời này các Tỳ Khưu, chúng Tỳ Khưu sẽ được cường thịnh không bị thối giảm.
3. Khi nào chúng Tỳ Khưu không ban hành những luật lệ không được ban hành, không huỷ bỏ những luật lệ đã ban hành, sống đúng với những học giới được ban hành, thời này các Tỳ Khưu, chúng Tỳ Khưu sẽ được cường thịnh không bị suy giảm.
4. Này các Tỳ Khưu, khi nào chúng Tỳ Khưu tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ cúng dường các Tỳ Khưu Trưởng lão, những vị này là những vị giàu kinh nghiệm, niên cao lạp trưởng, bậc cha của chúng Tăng, bậc thầy của chúng Tăng và nghe theo những lời dạy của vị này, thời này các Tỳ Khưu, chúng Tỳ Khưu sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
5. Khi nào chúng Tỳ Khưu không bị chi phối bởi tham ái, tham ái này tạo thành một đời sống khác, thời này các Tỳ Khưu, chúng Tỳ Khưu sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
6. Khi nào chúng Tỳ Khưu thích sống những chỗ nhàn tịnh, thời này các Tỳ Khưu, chúng Tỳ Khưu sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
7. Khi nào chúng Tỳ Khưu tự thân an trú chánh niệm, khiến các bạn đồng tu thiện chí chưa đến muốn đến ở, và các bạn đồng tu thiện chí đã đến ở, được sống an lạc, thời này các Tỳ Khưu, chúng Tỳ Khưu sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
Ngoài ra, Đức Thế Tôn còn dạy các pháp bất thối khác.
Như vậy cho thấy, “Tăng đoàn được vững mạnh, hưng thịnh, không bị thối giảm do học pháp, hành trì pháp, sống theo pháp, chứng đạt pháp; không phải do nhân có Tỳ Khưu Ni, như lập luận “bàn đứng vững nhờ có bốn chân”. Bàn có ba chân vẫn đứng vững; bàn bốn chân mà bốn chân khập khểnh không hài hoà thì làm sao đứng vững. Bàn chỉ có ba chân nhưng hài hoà vẫn đứng vững.”
Đức Thế Tôn biết rõ hội chúng của Ngài có bốn thành phần, nhưng Ngài vẫn khước từ sự thỉnh cầu được xuất gia trong Pháp Luật này của bà Mahāpajāpati Gotamī, đồng thời cũng từ khước lời thỉnh cầu của Ngài Ānanda xin cho nữ nhân được xuát gia trong Pháp Luật này ba lần. Một trong những nguyên nhân khước từ đó có ý răn đe, làm cho nữ nhân ý thức được rằng “nữ nhân được xuất gia trong Giáo Pháp này là điều khó khăn, cần phải gìn giữ đời sống phạm hạnh bằng cách nghiêm trì giới hành, nỗ lực hành pháp để chứng Thánh pháp”.
Việc Đức Thế Tôn thấy được Thánh pháp có thể được nữ nhân thành tựu, đó là sự bình đẳng trong Pháp Luật này, sự chứng đắc Thánh đạo không phân biệt giới tính, không phân biệt đẳng cấp. Đây là sự vi diệu của Giáo Pháp này tuy nhiên vẫn có sự giới hạn với nữ giới, không có sự bình đẳng vượt qua giới hạn.
Nữ nhân có thể chứng đắc Thánh quả A La Hán như nam nhân, nhưng trí tuệ không thể vượt qua nam nhân đồng đẳng cấp.
Như cùng là tối thắng về hạnh trí tuệ, Ngài Sāriputta tối thắng trí tuệ trong các đệ tử Tỳ Khưu.
Bà Thánh nữ A La Hán Khemā tối thắng về hạnh trí tuệ trong hàng Tỳ Khưu Ni đệ tử.3Tăng Chi Kinh, Chương Một Pháp, phẩm Người Tối Thắng A.i, 26
Nhưng Ngài Sāriputta được Đức Thế Tôn tán thán là:
“Ta không thấy người nào khác, này các Tỳ Khưu, có thể chơn chánh chuyển vận vô thượng Pháp Luân do Như Lai vận chuyển, này các Tỳ Khưu, như Sāriputta (Xá Lợi Phất). Sāriputta, này các Tỳ Khưu, chơn chánh vận chuyển vô thượng Pháp luân do Thế Tôn chuyển vận.”4Tăng Chi Kinh, Chương Một Pháp, phẩm Một Người A.i, 23
Khi Ngài Sāriputta và Moggallāna viên tịch, Đức Thế Tôn cảm thán “hội chúng này trống vắng”.
Như trong Tương Ưng Kinh V, chương Tương Ưng Niệm Xứ (Satipaṭṭhānasaṃyuttaṃ), kinh Ukkacela (Ukkacelasutta)5S.v. 163, Đức Phật dạy:
“Này các Tỳ Khưu, chúng này của ta được xem hình như trống không. Nay Sāriputta và Moggallāna đã mệnh chung, này các Tỳ Khưu, chúng của Ta thành trống không. Phương hướng nào Sāriputta và Moggallāna trú, phương hướng ấy không còn có ước vọng gì (anapekkhā).”
Thật sự mà nói, khi chấp thuận cho nữ giới được xuất gia trong Giáo Pháp này, là một gánh nặng cho Đức Thế Tôn; Đức Thế Tôn phải chế định nhiều học giới cho các Tỳ Khưu Ni để ngăn ngừa các ô nhiễm (āsava) trong tương lai, diệt trừ những ô nhiễm trong hiện tại; đồng thời cũng là một gánh nặng cho Tăng đoàn, là một chướng ngại trên hành trình giải thoát đối với các vị Tỳ Khưu hiền thiện.
“Điều nào sanh tất phải có sự diệt”, Đức Thế Tôn với Phật trí Ngài đã thấy rõ: “Vào thời điểm ba ngàn năm Tỳ Khưu Ni Theravāda bị hoại diệt (nếu chúng ta tin vào tuệ giác của Đức Thế Tôn) và việc khôi phục lại hội chúng Tỳ Khưu Ni không còn là điều chủ yếu, do vậy Ngài không có di ngôn. Sự im lặng của Đức Thế Tôn về vấn đề này, có thể được hiểu qua bài kinh Kesi6A.ii, 112 trong Tăng Chi Kinh, Chương Bốn Pháp:
Kesi là người huấn luyện ngựa, ông đi đến yết kiến Đức Thế Tôn. Sau khi đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên.
Đức Thế Tôn hỏi Kesi người đánh xe điều phục ngựa đang ngồi một bên.
– Này Kesi, ông là người đánh xe điều phục ngựa, có chế ngự. Và này Kesi, ông nhiếp phục ngựa như thế nào?
– Bạch Thế Tôn, con nhiếp phục ngựa đáng điều phục với lời mềm mỏng, con nhiếp phục ngựa đáng được điều phục với lời thô ác; con nhiếp phục ngựa đáng được điều phục với lời mềm mỏng và thô ác.
– Này Kesi, nếu con ngựa đáng được điều phục không chịu nhiếp phục với lời mềm mỏng, không chịu nhiếp phục với lời thô ác, không chịu nhiếp phục với lời mềm mỏng và thô ác, thời ông làm gì với con ngựa ấy?
– Bạch Thế Tôn, nếu con ngựa đáng được điều phục không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng, không chịu nhiếp phục với lời nói thô ác, không chịu nhiếp phục với lời mềm mỏng và thô ác của con, thời Bạch thế Tôn, con giết nó. Vì sao? Vì mong rằng nó không làm mất danh dự cho gia đình thầy của con.
Nhưng bạch Thế Tôn, Thế Tôn là bậc Vô thượng, đánh xe điều ngự những ai đáng được điều ngự, như thế nào Thế Tôn nhiếp phục những ai đáng được nhiếp phục.
– Này Kesi, Ta nhiếp phục người đáng được nhiếp phục bằng lời mềm mỏng; Ta nhiếp phục với lời nói cứng rắn, Ta nhiếp phục, Ta nhiếp phục với lời nói vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn.
Và Đức Thế Tôn giải thích ba lời dạy ấy như sau:- Lời nói mềm mỏng: Đây là thân làm thiện, đây là quả báo thân làm thiện; đây là lời nói thiện, đây là quả báo lời nói thiện; đây là ý nghĩ thiện, đây là quả báo ý nghĩ thiện. Đây là Chư thiên, đây là người.
– Lời nói cứng rắn : Đây là thân làm ác, đây là quả báo thân làm ác, đây là lời nói ác, đây là quả báo lời nói ác; đây là ý nghĩ ác, đây là quả báo ý nghĩ ác. Đây là địa ngục, đây là loài bàng sanh, đây là loại ma đói (peta).
– Lời nói vừa mềm mỏng vừa cứng rắn : Đây là thân làm thiện, đây là quả báo thân làm thiện; đây là thân làm ác, đây là quả báo thân làm ác. Đây là lời nói thiện, đây là quả báo lời nói thiện; đây là lời nói ác, đây là quả báo lời nói ác. Đây là ý nghĩ thiện, đây là quả báo ý nghĩ thiện; đây là ý nghĩ ác, đây là quả báo ý nghĩ ác. Đây là loài người, đây là địa ngục, đây là bàng sanh, đây là ma đói (peta).
Kesi người huấn luyện ngựa hỏi: “Nếu người đáng được nhiếp phục, không chịu nhiếp phục với một trong ba cách nhiếp phục ấy. Đức Thế Tôn làm gì với người ấy?”
Đức Thế Tôn dạy:
– Này Kesi, thời ta giết người ấy.
Và Đức Thế Tôn giải thích sự giết hại trong giới Luật bậc Thánh như sau:
“Người ấy không xứng đáng được Như Lai nói đến, không đáng được giáo giới, bị các bậc đồng phạm hạnh có trí nghĩ rằng không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới”.
Và cách “giết bỏ của Đấng Như Lai” chúng ta có thể tìm thấy:
– Đối với Tỳ Khưu Ni là không giáo giới.
– Đối với Tỳ Khưu hình phạt Brahmadaṇḍa (Phạm đàn) và Tôn giả Channa bị phạt với hành phạt này, Tôn giả Channa đã ngất xỉu khi nghe bị phạt hành phạt này.
Như vậy, chúng ta có thể suy ngẫm về sự im lặng của Đức Thế Tôn, dù rằng Ngài biết rõ Tỳ Khưu Ni bị hoại diệt.
Ghi chú:
- 1D.ii, 72
- 2A.v, 185
- 3Tăng Chi Kinh, Chương Một Pháp, phẩm Người Tối Thắng A.i, 26
- 4Tăng Chi Kinh, Chương Một Pháp, phẩm Một Người A.i, 23
- 5S.v. 163
- 6A.ii, 112