Nữ Giới Và Sự Phục Hồi Tỳ Khưu Ni Theravāda
Biên soạn
Tỳ Khưu Chánh Minh
Chương III
Khôi Phục Tỳ Khưu Ni Theo Hệ Phái Nam Truyền
Nội dung bài kinh Mahā Vacchagotta (Trung Bộ Kinh, MN73) được tóm lược như sau:
Đức Thế Tôn giảng cho du sĩ Vacchagotta, khi vị này đến viếng Đức Thế Tôn khi Ngài trú ngụ tại Rājagaha (Vương Xá) nơi Veḷuvana (rừng trúc), Kalandakakanivāpa (chỗ nuôi dưỡng những con sóc). Đức Thế Tôn giảng tóm tắt về thiện và bất thiện pháp. Rồi Đức Thế Tôn kết luận rằng: “Khi ái được vị Tỳ Khưu đoạn trừ tận gốc rễ, không còn có thể sanh khởi lại trong tương lai, vị Tỳ Khưu ấy là bậc A La Hán, đã thành tựu Thánh trí giải thoát”.
Du sĩ Vacchagotta bạch hỏi Đức Thế Tôn:
“Có bao nhiêu vị Tỳ Khưu thành tựu Thánh quả A La Hán?”, “Có bao nhiêu vị Tỳ Khưu Ni thành tựu Thánh quả A La Hán?”, Đức Thế Tôn đáp: “Với vị Tỳ Khưu chứng đạt Thánh quả A La Hán, không phải chỉ một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm mà còn nhiều hơn thế nữa.
Với vị Tỳ Khưu Ni chứng đạt Thánh quả A La Hán, không phải chỉ một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm mà còn nhiều hơn thế nữa.
Với nam cư sĩ đệ tử sống tại gia, mặc áo trắng theo Phạm hạnh, đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử (chỉ bậc Thánh A Na Hàm) được hoá sanh, viên tịch tại chỗ đó, không phải chỉ là một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm mà còn nhiều hơn thế nữa.
Với vị nam cư sĩ, sống tại gia, mặc áo trắng, hưởng thụ vật dục, nhưng xây dựng Thánh giáo (Sāsana Karo), chấp nhận giáo huấn (Ovādapatikaro), đã vượt qua nghi hoặc (tiṇṇavicikiccha) (chỉ cho bậc Thánh Nhất Lai hay Dự Lưu), chứng đắc vô sở uý… không phải chỉ là một trăm… mà còn nhiều hơn thế nữa.
Với nữ cư sĩ, là đệ tử sống tại gia, mặc áo trắng, theo phạm hạnh là bậc Thánh A Na Hàm… Với nữ cư sĩ là đệ tử tại gia mặc áo trắng, hưởng thụ dục lạc, nhưng xây dựng Thánh giáo, chấp nhận giáo huấn, đã vượt khỏi nghi hoặc, không phải chỉ một trăm… mà còn nhiều hơn thế nữa.
Và du sĩ Vacchagotta đã tán thán:
– Thưa Tôn giả Gotama, nếu Tôn giả Gotama đã thành mãn pháp này, nhưng các vị Tỳ Khưu không được thành mãn; như vậy Phạm hạnh này đã không được đầy đủ về phương diện này. Thưa Tôn giả Gotama, vì rằng Tôn giả Gotama đã thành mãn pháp này và các vị Tỳ Khưu cũng được thành mãn, như vậy Phạm hạnh này đã được đầy đủ về phương diện này.
Nếu các vị Tỳ Khưu Ni không thành mãn, như vậy phạm hạnh này không được thành mãn về phương diện này. Thưa Tôn giả Gotama, vì rằng Tôn giả Gotama đã thành mãn pháp này, các vị Tỳ Khưu đã thành mãn và các vị Tỳ Khưu Ni đã thành mãn. Như vậy phạm hạnh này được đầy đủ về phương diện này.
Du sĩ Vacchagotta nêu lên phương diện thành mãn Phạm hạnh là nhằm chỉ cho sự thành đạt Thánh quả từ Dự Lưu đến A La Hán quả.
Bài kinh này có khả năng được Đức Thế Tôn thuyết giảng sau hạ thứ năm, khi ấy hội chúng của Đức Thế Tôn đã có bốn thành phần. Điều đáng lưu ý là du sĩ Vacchagotta hỏi thêm hai thành phần khác từ trong hai hội chúng nam cư sĩ và nữ cư sĩ.
– Nam cư sĩ mặc áo trắng sống phạm hạnh.
– Nam cư sĩ mặc áo trắng hưởng ngũ dục.
– Nữ cư sĩ mặc áo trắng sống phạm hạnh.
– Nữ cư sĩ mặc áo trắng hưởng ngũ dục.
Cho dù là thành phần hội chúng nào, du sĩ Vacchagotta chỉ nhắm đến thành tựu Thánh quả, không nhắm đến thành phần hội chúng; cho dù đó là hội chúng Tỳ Khưu, nhưng không thành tựu A La Hán quả, cũng được xem là “Phạm hạnh, không được đầy đủ về phương diện này”; du sĩ Vacchagotta chỉ nhắm đến sự thành tựu Thánh quả A La Hán, không phải nhắm đến phẩm mạo Tỳ Khưu hay Tỳ Khưu Ni.
Còn về nam-nữ cư sĩ của Đức Thế Tôn, du sĩ Vacchagotta đề cập đến phẩm vị cao nhất đó là A Na Hàm. Với những nam-nữ cư sĩ còn hưởng dục lạc, nếu chưa chứng đắc Nhất Lai hay Dự Lưu, xem như “Phạm hạnh không được đầy đủ về phương diện này”.
Do vậy, dựa vào bài kinh này, lập luận rằng: “Cần phải có Tỳ Khưu Ni” là không đứng vững, không thuyết phục. Trước khi có hội chúng Tỳ Khưu Ni, Tăng đoàn Tỳ Khưu phát triển vững mạnh.
Theo Tạng Luật, bộ Đại Phẩm (Mahāvagga), chương Trọng Yếu (Mahākhandhakaṃ) (bản dịch từ Anh ngữ của Tỳ khưu Indacanda, số 115) ghi nhận:
– Vào lúc bấy giờ Đức Thế Tôn đã sống mùa mưa ở ngay tại nơi ấy trong thành Rājagaha, đã sống mùa lạnh ở ngay tại nơi đó, đã sống mùa nóng ở ngay tại nơi ấy.
Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: Các hướng đi của các Sa môn Thích tử đã bị tắt nghẽn, tăm tối. Các hướng đi không còn được các vị Sa môn này nhận ra nữa.
Như vậy cho thấy lực lượng Tỳ Khưu đã phát triển với số lượng rất đông (khi ấy chưa có hội chúng Tỳ Khưu Ni).