WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Lập luận về bảy cách cúng dường

Nữ Giới Và Sự Phục Hồi Tỳ Khưu Ni Theravāda

Biên soạn
Tỳ Khưu Chánh Minh

Chương III
Khôi Phục Tỳ Khưu Ni Theo Hệ Phái Nam Truyền

Bài kinh Cúng Dường Phân Biệt (Dakkhiṇāvibhaṅgasuttaṃ) (Trung Bộ Kinh, MN142)1M.iii, 253 có thể được Đức Thế Tôn thuyết lên vào thời điểm từ hạ thứ hai đến hạ thứ tư của Đức Thế Tôn, vì trong bài kinh có đề cập đến bà Mahāpajāpati Gotamī tự tay dệt và cắt làm thành cặp y đặc biệt cho Đức Thế Tôn, đồng thời bản kinh có đề cập đến Ngài Ānanda. Chắc chắn trong thời điểm ấy hội chúng Tỳ Khưu Ni chưa được thành lập.

Trong phần đề cập đến bảy loại cúng dường cho Tăng chúng, có đề cập đến Tỳ Khưu Ni.

Điều này cho thấy: “Đức Thế Tôn biết rõ” hội chúng Tỳ Khưu Ni của Ngài sẽ được thành lập”.

Bản sớ giải cũng giải thích: Đức Thế Tôn dạy cúng dường cho Tăng chúng với mục đích nâng đỡ Tăng chúng lưỡng phái sau khi Ngài viên tịch, chính Tăng chúng lưỡng phái thực hành pháp, nghiêm trì giới luật sẽ giữ gìn Giáo Pháp của Đức Thế Tôn được lâu dài, nhất là các Tỳ Khưu là chủ yếu. Vì rằng: Sự kết tập Phật ngôn không có đề cập đến Tỳ Khưu Ni, không có các Tỳ Khưu Ni tham dự. Đây cũng là một trong những giới hạn cho các vị Tỳ Khưu Ni.

Còn nói đến sự cúng dường, người xứng đáng cúng dường không phải là Tỳ Khưu hay Tỳ Khưu Ni, người xứng đáng cúng dường là chỉ cho bậc Thánh, dù là ở phẩm mạo cư sĩ vẫn tốt hơn bậc xuất gia còn phàm nhân.

Trong Tăng Chi Kinh Chương Hai Pháp, IV. Phẩm Tâm Thăng Bằng (Samacittavagga), bài Kinh Số Bốn:

Đức Thế Tôn dạy gia chủ Anāthapiṇḍika:

“Có hai hạng người, này gia chủ, đáng được cúng dường ở đời: Hữu học và Vô học. Đối với hai hạng người này đáng được cúng dường ở đời.”2A.i, 63

(Bậc Hữu học là chỉ cho bậc Thánh: Dự Lưu, Nhất lai, Bất Lai; bậc Vô học là chỉ cho bậc Thánh A-La-Hán).

Trong kinh Cúng Dường Phân Biệt (Trung Bộ Kinh, Bài Kinh Số 142) (M.iii, 253), Đức Thế Tôn dạy có mười bốn cách bố thí cúng dường.

1. Bố thí cúng dường cho các loại bàng sanh, cúng dường này có hy vọng đem lại một trăm phần công đức (Sataguṇā).

2. Bố thí cúng dường cho kẻ phàm phu, ác giới, cúng dường này có hy vọng đem lại một ngàn phần công đức.

3. Bố thí cúng dường cho Phàm phu có giới luật, có hy vọng đem lại một trăm ngàn phần công đức.

4. Bố thí cúng dường cho ngoại học đã ly tham trong các dục vọng, có hy vọng đem lại một trăm ngàn ức phần (100 ngàn x 100 ngàn = 1010) công đức.

(đây là chỉ cho các Sa môn, Bà la môn ở ngoài Phật giáo, các vị này chứng đạt được năm thắng trí phàm, thuyết giảng về nghiệp và quả của nghiệp).

5. Bố thí cúng dường cho các vị trên con đường chứng Thánh quả Dự Lưu, có hy vọng đem lại vô lượng công đức (Bản Sớ giải3MA.v. 72 nói: dầu là một cư sĩ quy y Tam bảo, giữ gìn giới hạnh nỗ lực hành chỉ tịnh và Minh sát mong chứng đạt Níp bàn, cũng được xem là “đang đi trên con đường chứng Thánh quả Dự Lưu).

6. Còn nói gì đến vị đã chứng Thánh quả Dự Lưu.

7. Còn nói gì đến những vị trên con đường chứng quả Nhất lai.

8. Còn nói gì đến những vị chứng quả Nhất lai.

9. Còn nói gì đến những vị trên con đường chứng quả Bất lai.

10. Còn nói gì đến những vị chứng Thánh quả Bất lai.

11. Còn nói gì đến những vị trên con đường chứng quả A-La-Hán.

12. Còn nói gì đến những vị chứng Thánh quả A-La-Hán, đệ tử Đấng Như Lai.

13. Còn nói gì đến những vị Phật Độc Giác.

14. Còn nói gì đến các Đức Như Lai, bậc A-La-Hán Chánh Đẳng Giác.

Bài kinh cho thấy: Phước báu tăng trưởng do thực hành pháp để chứng đắc Thánh quả, không phân biệt phẩm mạo xuất gia hay tại gia.

Hàng cư sĩ tại gia chứng Thánh quả vẫn ưu thắng hơn bậc xuất gia phàm nhân.

Một số quan niệm giữ giới nhiều là có phước nhiều, đây là quan niệm sai lầm. Tôn giả Devadatta, Tôn giả Kokāliya giữ 227 giới Tỳ Khưu, vẫn rơi vào địa ngục. Vua Biṃbisāra mệnh chung tái sanh về cõi Tứ Đại Vương, là Dạ xoa có đại thần lực là Janavasabha (Trường Bộ Kinh, DN18)4D.ii, 169. Vì vua Biṃbisāra là bậc Thánh Dự Lưu và dạ xoa có đại thần lực Janavasabha có ước muốn trở thành bậc Nhất Lai.

Trong Trung Bộ Kinh II, kinh Bhaddāli (Bhaddālisuttaṃ) (Trung Bộ Kinh, MN65)5M.ii, 437 ghi nhận:

Tôn giả Bhaddāli bạch hỏi Đức Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì lúc xưa các học giới tuy ít hơn nhưng các vị Tỳ Khưu đã ngộ nhập chánh trí nhiều hơn.

– Bạch Thế Tôn, lại do nhân gì, duyên gì, ngày nay các học giới nhiều hơn nhưng các vị Tỳ Khưu ngộ nhập chánh trí ít hơn?

– Này Bhaddāli, khi loài hữu tình bị thối thất, khi diệu pháp bị diệt mất, thời các học giới có nhiều hơn và các vị Tỳ Khưu ngộ nhập chánh trí ít hơn.

– Này Bhaddāli, khi nào một số hữu lậu pháp (āsavaṭṭhāniyadhammā) chưa hiện khởi trong Tăng chúng, khi ấy Bậc Đạo Sư vẫn không chế định một học giới cho các đệ tử.

– Và này Bhaddāli, ở đây chỉ khi nào một số hữu lậu pháp hiện khởi trong Tăng chúng, chỉ khi ấy Bậc Đạo Sư mới chế định một học giới cho các đệ tử để đối trị lại các pháp hữu lậu ấy.

– Đoạn kinh văn trên cho thấy Học giới nhiều không phải là điều đáng hoan hỷ, đáng thích thú, đáng hài lòng; không phải vì có nhiều giới mà vị Tỳ Khưu hay vị Tỳ Khưu Ni có nhiều phước. Học giới càng có nhiều thì ô nhiễm (āsava) càng có nhiều. Trong kinh Bhaddāli, Đức Thế Tôn dạy: Ô nhiễm (āsava) sinh khởi:

– Khi Tăng chúng lớn mạnh (mahatta).

– Khi Tăng chúng đạt được quyền lợi tối thượng (lābhagga).

– Khi Tăng chúng đạt được đa văn (bahusacca).

– Khi Tăng chúng đạt được địa vị kỳ cựu (Rattaññū).

Học giới được gom vào ba pháp là Tăng thượng Giới học, Tăng thượng Tâm học và Tăng thượng Tuệ học. Như trong Tăng Chi Kinh, Chương Ba Pháp, kinh Học Giới I (pathamasikkhāsuttaṃ) (AN86)6A.i, 231, Đức Phật dạy:

“Này các Tỳ Khưu, bản đọc tụng này gồm hơn 150 học giới cần phải đọc nửa tháng một lần, ở đây các người thiện nam tử muốn được lợi ích, học tập bản tụng ấy. Này các Tỳ Khưu tất cả được gom lại (Sabbaṃ sammodhānaṃ gacchati) hợp thành ba học giới này. Thế nào là ba? Tăng thượng Giới học, Tăng thượng Tâm học, Tăng thượng Tuệ học. Chính ba học giới này, này các Tỳ Khưu, thâu nhiếp tất cả.”

Thế nào là Tăng thượng Giới học? Là giới được bậc Thánh ái kính.

Trong Tăng Chi Kinh, Chương Năm Pháp, kinh Cundī (Cundīsuttaṃ) (AN32)7A.iii, 35, Đức Thế Tôn dạy công chúa Cundī con của vua Bimbisāra (Bình Sa).

“Dầu cho loại giới nào, này Cundī, các giới được bậc Thánh ái kính được gọi là tối thượng trong các giới ấy, tức là Giới không bị bể vụn, không bị sứt mẻ, không bị vết chấm, không bị uế nhiễm, đem lại giải thoát, được bậc trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến chánh định”.

Thế nào là Tăng thượng Tâm học? Là thành tựu các thiền chứng từ Sơ thiền đến Tứ thiền (thiền bốn bậc) và khéo nắm giữ các Thiền chứng8Xem Tăng Chi Kinh, Chương Năm Pháp, phẩm Năm Phần, kinh Năm Chi Phần A.iii, 25.

Thế nào là Tăng thượng Tuệ học? Là vị được thành tựu năm giải thoát xứ.

Trong Tăng Chi Kinh, Chương Năm Pháp, Kinh Giải Thoát Xứ (Vimuttāyatanasuttaṃ) (AN26)9-như trên- kinh Giải Thoát Xứ A.iii, 21, Đức Thế Tôn dạy:

“Có năm giải thoát xứ, này các Tỳ Khưu, ở đây vị Tỳ Khưu sống không phóng dật, nhiêt tâm, tinh cần, thời tâm chưa giải thoát được giải thoát, hay các ô nhiễm (āsava) chưa được đoạn diệt hoàn toàn, đi đến đoạn diệt hoàn toàn, hay vô thượng an ổn khỏi các khổ ách chưa đạt, được đạt đến”.

1. Vị ấy tín thọ về nghĩa và tín thọ về pháp. Đây là giải thoát xứ thứ nhất.

2. Vị ấy thuyết pháp rộng rãi đến những người khác như đã được nghe, như đã được học, như đã tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp. Đây là giải thoát xứ thứ hai.

3. Vị Tỳ Khưu đọc tụng pháp một cách rộng rãi cho các người khác, như đã được học, như đã được nghe. Đây là giải thoát xứ thứ ba.

4. Vị Tỳ Khưu với tâm tuỳ tầm, tuỳ tứ, với ý quán sát pháp đã được nghe, đã được đọc tụng. Đây là giải thoát xứ thứ tư.

5. Vị Tỳ Khưu khéo nắm giữ một định tướng, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thông đạt với trí tuệ. Đây là giải thoát xứ thứ năm.

Điều cần lưu ý các điều học được gom vào ba điều này; không phải Tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học được gom vào các điều học.

Trong Tăng Chi Kinh, Chương Ba Pháp, Kinh Người Vajjī (Vajjiputtasuttaṃ) (AN84)10A.i, 230 ghi nhận:

Khi Đức Thế Tôn trú tại thành Vesāli, tại Đại Lâm (mahāvana), nơi giảng đường Kūṭāgāra.

Rồi một vị Tỳ Khưu người Vajjī đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên, bạch rằng:

– Bạch Thế Tôn hơn một trăm năm mươi học pháp này, nửa tháng một lần con phải tụng đọc; Ở đây, con không có thể học nổi.

– Này Tỳ Khưu, thầy có thể học ba học pháp không, tăng thượng Giới học, tăng thượng Tâm học, tăng thượng Tuệ học.

– Bạch Thế Tôn, con có thể học tập ba học pháp tăng thượng Giới học, tăng thượng Tâm học, tăng thượng Tuệ học.

Vị Tỳ Khưu ấy sau một thời gian học tập tăng thượng Giới học, tăng thượng Tâm học, tăng thượng Tuệ học, tham được đoạn tận, sân được đoạn tận, si được đoạn tận.

Vị ấy do đoạn tậm tham, đoạn tận sân, đoạn tận si nên không làm điều bất thiện, không làm theo điều ác.

Như vậy cho thấy rằng: “Không chấp nhận Tỳ Khưu Ni là khác, ngăn cản không cho nữ giới thực hành Bát Chánh Đạo là khác”.

Tỳ Khưu Ni là nữ giới, nhưng nữ giới không phải là Tỳ Khưu Ni.

Bản dịch phẩm trang 24-25 có trưng dẫn nhiều bài kinh, rồi cho rằng “Phải cho người nữ xuất gia với giới pháp mà Đức Phật đã có ý định trước cho họ” (trang 26), hàm ý là “phải chấp nhận phục hồi Tỳ Khưu Ni Theravāda”.

Trước tiên, tôi không hài lòng không thích thú khi dịch giả gọi kinh điển Giáo Pháp của Đức Phật bằng danh từ Nó. Khi chuyển ngữ cần phải thích hợp với văn hoá, phong tục của quốc độ ấy, cho dù nguyên tác có cấu trúc như thế nào; Như người Anh thường gọi người đối diện là “you” và xưng là “I”, hay người Hoa thì xưng hô với nhau là 我(ngộ), 你(nị); cho dù đó là cha hay mẹ hay bậc trưởng thượng đều gọi là nị; khi chuyển ngữ sang tiếng Việt thì phải định đặt đúng văn hoá Việt; không thể gọi cha hay mẹ là “你(nị)” hay xưng “我(ngộ)” được.

Bản dịch phẩm trang 24 đã phạm một lỗi lầm bất kính với Giáo Pháp (theo Văn hoá Việt) là gọi Giáo Pháp của Đức phật là Nó; như dịch phẩm trang 24 có ghi: “… có lẽ có tính thuyết phục tinh thần của Giáo Pháp tự nó, điều mà bởi bản chất tự nhiên của nó là cố ý mở ra…”.

Tôi tuyệt đối phê phán lối vô ý thức này, khi dùng danh từ Nó mang tính thô xấu, thấp kém với những đối tượng cao quý, đại loại như: Ngôi Xá Lợi này, (…) chiếu sáng. Một bảo vật đáng kính trọng, đáng cúng dường mà gọi bằng danh từ đó thì không có sự vô ý thức nào bằng.

Hoặc là: “Bài kinh này (…) thuyết”. Ai thuyết lên bài kinh đó? Đức Thế Tôn đấy. Dám gọi Đức Thế Tôn bằng danh từ đó, thì người này xem địa ngục bằng hột tiêu.

Cô Tỳ Khưu Ni tân lập này cũng thế, dám gọi Giáo Pháp Đức Thế Tôn bằng danh từ thấp kém đó, thật là một điều vô ý thức đáng khiển trách nặng.


Ghi chú:

  • 1
    M.iii, 253
  • 2
    A.i, 63
  • 3
    MA.v. 72
  • 4
    D.ii, 169
  • 5
    M.ii, 437
  • 6
    A.i, 231
  • 7
    A.iii, 35
  • 8
    Xem Tăng Chi Kinh, Chương Năm Pháp, phẩm Năm Phần, kinh Năm Chi Phần A.iii, 25
  • 9
    -như trên- kinh Giải Thoát Xứ A.iii, 21
  • 10
    A.i, 230