Nữ Giới Và Sự Phục Hồi Tỳ Khưu Ni Theravāda
Biên soạn
Tỳ Khưu Chánh Minh
Chương III
Khôi Phục Tỳ Khưu Ni Theo Hệ Phái Nam Truyền
Tiếp theo xin nêu một số bài kinh được dịch phẩm nêu ra nhằm có ý bảo vệ quan điểm phục hồi hội chúng Tỳ Khưu Ni Theravāda.
Trong Tương Ưng Kinh I, chương Tương Ưng Phạm Thiên (brahmasaṃyuttaṃ), kinh Phạm Thiên Thỉnh Cầu (brahmā yācanasuttaṃ)1S.i, 136 Đức Thế Tôn khi nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên Sahampati, thuyết giảng pháp vi diệu đến nhân thiên. Đức Thế Tôn nói lên kệ ngôn:
“Các cánh cửa bất tử
(nay) đã được mở ra.
Cho những ai có tai
Hãy bỏ đi tà tín…”2Sau khi đối chiếu lại đoạn Pāḷi, thì đoạn này có nghĩa là “Cửa bất tử đã mở, Ai có tai nghe thấy, Có niềm tin giải thoát, Ý thức sự khó nhọc, Pháp cao siêu, vi diệu, Giữa nhân loại, Phạm Thiên, Thật vậy ta không thuyết. “apārutā tesaṃ amatassa dvārā, ye sotavanto pamuñcantu saddhaṃ, vihiṃsasaññī paguṇaṃ na bhāsiṃ, dhammaṃ paṇītaṃ manujesu brahme”ti.(Dhanapālaka dịch Việt)
Apārutā tesaṃ amatassa dvārā
Ye sotavanto pamuñcantu saddhaṃ.
(Tỳ khưu Indacanda dịch)
Bản dịch phẩm trang 25 ghi rằng:
“Rõ ràng là Ngài không có ý định rằng lời mời này chỉ áp dụng cho đàn ông mà thôi”.
Tôi muốn hỏi dịch giả: Có phải Đức Thế Tôn mời người đến nghe Ngài giảng pháp? Hay người tầm cầu pháp đến thỉnh cầu Ngài thuyết pháp? Vậy có phải mời nữ giới thọ Tỳ Khưu Ni không? Hay bà Mahāpajāpati Gotamī thỉnh cầu được xuất gia trong Giáo Pháp này? Dịch giả không cẩn trọng, bất kính với Đức Thế Tôn khi phát biểu như thế.
Thật vậy, lời tuyên bố của Đức Thế Tôn không phân biệt nam hay nữ, chỉ cần người đó có niềm tin, có tâm lắng nghe Pháp thoại từ Đức Thế Tôn để có được sự lợi ích. Với người có duyên lành được tích luỹ, Đức Thế Tôn ngự đến, thuyết giảng pháp thoại để tế độ chúng sanh ấy, không phải Đức Thế Tôn mời nghe pháp. Cách suy diễn của cô Tỳ Khưu Ni này hoàn toàn sai Chánh Pháp.
Người có trí lắng tai nghe Giáo Pháp của Đức Thế Tôn không phân biệt nam hay nữ, không phân biệt giai cấp, không phân biệt sang hay hèn. Tất cả đều bình đẳng khi thực hành theo lời dạy của Ngài, nhìn chung là như thế.
Tuy nhiên, cũng cần phân biệt về những khía cạnh khác; cùng là nữ giới nhưng nữ cư sĩ không phải là nữ tu sĩ: học giới của Tỳ Khưu Ni không phải là học giới của nữ cư sĩ.
Không ai có thể ngăn cản Tỳ Khưu Ni hay nữ cư sĩ thực hành pháp của Đức Thế Tôn; nhưng không thể đồng hoá Tỳ Khưu Ni là nữ cư sĩ và ngược lại. Không ngăn cản nữ giới thực hành pháp của Đức Thế Tôn và chấp nhận nữ giới là Tỳ Khưu Ni là hai việc khác nhau, không phải chấp nhận nữ giới được thực hành pháp của Đức Thế Tôn nghĩa là phải chấp nhận nữ giới là Tỳ Khưu Ni.
Bài kinh thứ hai là bài kinh Thiên Nữ, trong Tương Ưng I, Thiên Có Kệ, Phẩm Thiêu Cháy được trưng dẫn cũng có ý nghĩa tương tự như sau:
“Đường ấy tên chơn trực
Phương ấy danh vô uý
Cỗ xe gọi vô thanh
Với pháp luân khéo ráp”
Ujuko nāma so maggo
Abhayā nāma sā disā
Ratho akūjano nāma
Dhammacakkehi saṃyutto.
(HT. Thích Minh Châu dịch)
Bản Sớ giải giải thích: Ujuko maggo: “con đường chánh trực” là chỉ cho Bát Chánh Đạo vì là con đường đi thẳng đến Níp Bàn.
Abhayā disā: “phương hướng không lo sợ” là chỉ cho Níp Bàn.
Ratho akūjano: “Cỗ xe không tiếng động”, là chỉ cho Bát Chánh Đạo, vì sao không ồn ào? Cỗ xe thông thường có nhiều người thì ồn ào; ngược lại có nhiều người đang thực hành pháp Tứ Niệm Xứ, thực hành Bát Chánh Đạo thì càng yên lặng, do đó “cỗ xe không tiếng động” chỉ cho Bát Chánh Đạo.
Dhammacakkehi: “Bánh xe pháp” là chỉ cho sự tinh tấn thân tâm.
Như vậy cả “con đường chánh trực” và “cỗ xe vô thanh” đều chỉ cho Bát Chánh Đạo.
“Không kể nam hay nữ
Đều dùng cỗ xe ấy
Chính nhờ cỗ xe ấy
Hướng tiến đến Níp Bàn.”3-như trên-
Yassa etādisaṃ yānaṃ
Itthiyā purisassa vā
Save etena yānena
Nibbānasseva santike’ti
Tương tự bài kinh trên, sự thực hành Bát Chánh Đạo, không phân biệt nam hay nữ; quyền quí cao sang hay nghèo hèn thấp kém, không phân biệt giai cấp. Và sự thực hành Bát Chánh Đạo là khác còn phẩm mạo Tỳ Khưu hay Tỳ Khưu Ni là khác, không nên có sự lẫn lộn.
Một bài kinh khác cũng được trích dẫn để củng cố lập luận phục hồi hội chúng Tỳ Khưu Ni Theravāda:
Trong Tương Ưng Kinh IV, chương Tương Ưng Thôn Trưởng (gāmaṇisaṃyuttaṃ), kinh Ví Dụ Ruộng (Khettūpamasuttaṃ)4S.iv, 315:
Một thời Đức Thế Tôn trú ở Nālandā, tại rừng Pāvārikamba.
Thôn trưởng Asibandhakaputta đi đến viếng Đức Thế Tôn, đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Thôn trưởng Asibandhakaputta bạch hỏi Đức Thế Tôn.
Vì sao, bạch Đức Thế Tôn, đối với một số người, Đức Thế Tôn thuyết pháp một cách hoàn toàn trọn vẹn, đối với một số người Thế Tôn thuyết pháp không hoàn toàn trọn vẹn?
Đức Thế Tôn có ví dụ: Người cày ruộng có ba thửa ruộng, một loại tốt, một loại bậc trung, một loại xấu đất cứng có chất muối, đất độc.
Đức Phật ví như người nông phu gieo hạt giống vào ruộng; gieo hạt giống ví như thuyết pháp.
– Thửa ruộng tốt ví như các vị Tỳ Khưu và Tỳ Khưu Ni.
– Thửa ruộng bậc trung ví như các nam cư sĩ, nữ cư sĩ.
– Thửa ruộng xấu, đất cứng, có chất muối, đất độc, ví cho các ngoại đạo, các Sa môn, Bà la môn du sĩ.
Cả ba hạng hội chúng này, Đức Thế Tôn đều thuyết giảng pháp thoại sơ thiện, trung thiện, hậu thiện có nghĩa, có văn, nói lên đời sống phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh.
Vì sao được gọi là ruộng tốt?
Ví như người nông dân gieo hạt giống vào ruộng, sau đó thu hoạch kết quả mỹ mãn đáng mãn ý, đáng hài lòng. Cũng vậy, các vị Tỳ Khưu, Tỳ Khưu Ni nương vào Đức Thế Tôn là nơi che chở, là nơi trú ẩn, là nơi nương tựa, thực hành pháp chứng đạt Thánh quả A La Hán.
Còn thửa ruộng bậc trung ví như các đệ tử cận sự nam, cận sự nữ. Tuy nương vào Đức Thế Tôn thực hành pháp, nhưng phần lớn chỉ chứng đạt đến Thánh quả A Na Hàm.
Còn thửa ruộng xấu là chỉ cho những du sĩ ngoại đạo, tuy có nghe pháp thoại nhưng không từ bỏ tà tín, tà kiến nhưng dù sao cũng được hạnh phúc an lạc lâu dài.
Ở đây, khi Đức Thế Tôn nói đến ruộng tốt, ruộng trung hay ruộng xấu là đề cập đến Thánh quả, không phải đề cập đến phẩm mạo: Tỳ Khưu hay Tỳ Khưu Ni nghe pháp từ Đức Thế Tôn nhưng không hành pháp để chứng Thánh quả A La Hán thì không gọi là ruộng tốt, nếu còn là phàm nhân vẫn được xem là ruộng xấu.
Một cách khác, người có duyên lành chứng Thánh quả A La Hán được gọi là ruộng tốt. Người có duyên lành chứng Thánh quả Hữu học, gọi là ruộng trung bình.
Người quy ngưỡng Đức Thế Tôn nghe pháp nhưng không chứng đạt Thánh quả, gọi là ruộng xấu. Nhưng cũng là duyên lành sinh về nhàn cảnh và sẽ đắc Thánh quả về sau.
Tỳ Khưu Ni không chứng đắc Thánh quả cũng được xem là ruộng xấu.
Trong Tương Ưng Kinh V, chương Tương Ưng Niệm Xứ, Phẩm Nālanda, bài kinh Nālanda (Nālandasutta)5S.v, 159:
Nội dung kinh này là: Trưởng lão Sāriputta sau khi biết rõ truyền thống pháp (dhammanvayo), đã bày tỏ sự tịnh tín tối thượng nơi Đức Thế Tôn.
Trưởng lão Sāriputta đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, khi Đức Thế Tôn trú ngụ nơi Nālanda, rừng pavārikamba.
Sau khi đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên bạch rằng:
– Như vậy, bạch Thế Tôn, là lòng tịnh tín của con đối với Thế Tôn: “Không thể đã có, không thể sẽ có, không thể hiện có một Sa môn hay Bà la môn nào khác, có thể vĩ đại hơn, thắng trí hơn Thế Tôn về Chánh Giác”.
Tiếp theo Trưởng lão Sāriputta trình bày sự tịnh tín tối thượng nơi Đức Thế Tôn qua truyền thống pháp.
Đức Thế Tôn đã dạy Trưởng lão Sāriputta.
– Lành thay, lành thay, này Sāriputta! Ngươi hãy luôn luôn thuyết pháp thoại này cho các Tỳ Khưu, Tỳ Khưu Ni, các nam cư sĩ, các nữ cư sĩ.
Này Sāriputta, nếu có những người ngu si nào còn có những nghi ngờ hay những do dự đối với Như Lai, sau khi nghe pháp thoại này của Ta, sự nghi ngờ do dự ấy của chúng đối với Như Lai sẽ trừ diệt.
Như vậy, bài kinh này mang ý nghĩa: Đem lại niềm tịnh tín nơi Đức Thế Tôn, với lời dạy của Đức Thế Tôn cho những ai còn hoài nghi về Chánh Pháp, sự nghi hoặc đó được diệt trừ.
Thật vậy, có niềm tin nơi Đức Thế Tôn, có niềm tin nơi Giáo Pháp, người có trí nỗ lực thực hành pháp sẽ chứng đạt pháp giải thoát. Như có Phật ngôn:
– Saddhā tarati oghaṃ: “Với tín vượt bộc lưu”6Kinh Tập, kinh Alavaka.
Còn những bài kinh khác được trưng dẫn trong dịch phẩm, nhưng được bẻ cong (vanka) để bảo vệ cho sự phục hồi hội chúng Tỳ Khưu Ni Theravāda, dù rằng các bài kinh trên có ý nghĩa khác, chỉ có điều là hội chúng Tỳ Khưu Ni được nhắc đến.
Bản dịch phẩm trang 26, có ghi “Sự kiện đơn giản là các hình thức cấp thấp đó không thoả mãn niềm khát khao phát triển tâm linh của nhiều phụ nữ, nó cũng không cho họ cơ hội được huấn luyện và học tập Giáo Pháp được trao truyền bởi Đức Thế Tôn”.
Vậy có phải phát triển tâm linh là phải được trở thành Tỳ Khưu Ni? Các nữ cư sĩ không thể phát triển tâm linh?
Sự thực hành Giáo Pháp, được có cơ hội huấn luyện và học tập Giáo Pháp, phải là Tỳ Khưu Ni? Nữ cư sĩ thì không được thực hành Giáo Pháp, không được huấn luyện, không được học tập Giáo Pháp?
Sự phát triển tâm linh là sự thực hành pháp là sự tu tiến (bhāvanā), không phải là phẩm mạo Tỳ Khưu Ni.
Trong Trường Bộ Kinh III, kinh Thập Thượng (Dasuttarasuttaṃ), Trưởng lão Sāriputta dạy:
a.
“Thế nào là một pháp cần tu tập? Thân hành niệm cùng đi với hân hoan (sāta) là một pháp cần tu tập”7D.iii, 272.
Katame eko dhammo bhāvetabbo? Kāyagatāsati sātasagahatā. Ayaṃ eko dhammo bhāvetabbo.
b.
“Thế nào là hai pháp cần phải tu tập? Chỉ tịnh và Minh quán. Đây là hai pháp cần phải tu tập”8D.iii, 274.
Katame dve dhammā bhāvetabbā? Samatho ca vipassanā ca. Imedve dhammā bhāvetabbā.
c.
“Thế nào là ba pháp cần phải tu tập? Ba định, định có tầm có tứ, định không tầm có tứ, định không tầm không tứ. Đây là ba pháp cần tu tập9D.iii, 275… (Bài kinh này có đến 10 pháp cần tu tập).
Katame tayo dhammābhāvetabbā? Tayosamādhī- Savitakko savicāro samādhi, avitakko vicāramatto samādhi avitakko avicāro samādhi. Imetayo dhammā bhāvetabbā.
Cho thấy rằng “không có pháp tu tập nào dành riêng cho Tỳ Khưu Ni cả, tất cả dành chung cho hàng tứ chúng, cho những ai muốn phát triển tâm linh”.
Những lý do được viện dẫn trong bản dịch phẩm không hợp lý, không thuyết phục, có thể nói nữ giới thích thú với phẩm vị Tỳ Khưu Ni thì đúng hơn; còn nói về học pháp, hành pháp và để được huấn luyện trong Giáo Pháp này không một ai có quyền cấm ngăn cả.
Cũng trong trang 26 của dịch phẩm có ghi: “Và nếu ai đó thật sự trung thành với lời dạy của Đức Phật, thì phải cho người nữ xuất gia với Giáo Pháp mà Phật đã có ý định trước cho họ”.
Về vấn đề này cần suy ngẫm như sau:
a. Những giới pháp là những điều ngăn cấm các Tỳ Khưu Ni làm ô nhiễm Tăng đoàn. Thời Đức Phật các vị Tỳ Khưu Ni hiền thiện còn thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, nhưng cũng có những Tỳ Khưu Ni bất chấp vượt rào học giới; Đức Phật phải trừng phạt nặng là “đình chỉ việc giáo giới”. Như trong Tạng Luật, bộ Tiểu Phẩm (cullavagga) ghi nhận:
(22) Vào lúc bấy giờ các Tỳ Khưu Ni rắc nước bùn lên các Tỳ Khưu (nghĩ rằng). “Có lẽ họ sẽ lưu tâm đến chúng ta”. Các vị trình lên Đức Thế Tôn, nhân đó Đức Thế Tôn chế định học giới: “Này các Tỳ Khưu, Tỳ Khưu Ni không nên rắc nước bùn lên các Tỳ Khưu, vị Ni nào rắc thì phạm dukkaṭa. Này các Tỳ Khưu, Ta cho phép thực hiện hành phạt đối với Tỳ Khưu Ni ấy”.
Khi ấy, các vị Tỳ Khưu đã khởi ý điều này: “hình phạt gì nên được thực hiện?”, các vị trình lên Đức Thế Tôn.
– Này các Tỳ Khưu, ta cho phép thực hiện việc ngăn cấm (đi vào trú xứ của Tỳ Khưu)”.
Khi việc ngăn cấm được thực hiện, họ không chấp hành. Các vị trình việc ấy lên Đức Thế Tôn.
– Này các Tỳ Khưu, Ta cho phép đình chỉ việc giáo giới (ovādaṃ ṭhapetun’ti).
Khi Đức Phật còn tại tiền, các Tỳ Khưu Ni còn ngang bướng như thế, nói gì hiện tại không còn Đức Thế Tôn, người nào có đủ uy lực để răn đe? Đã có sự gợi ý: Xem thường việc phạm pācittiya như là:
“Việc cho cô Ni giới tử chưa học tập thực hành sáu pháp trong hai năm, được xuất gia vẫn thành tựu Tỳ Khưu Ni, vị ni sư tế độ phạm ưng đối trị mà thôi”.
“Những ai trung thành với lời dạy của Đức Phật”, không thể chấp nhận sự phục hồi hội chúng Tỳ Khưu Ni, vì rằng: Trong kinh Mahāparinibbāna (D.ii, 72), Đức Thế Tôn dạy Ngài Ānanda:
– Này Ānanda, Pháp và Luật ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ chính Pháp và Luật ấy sẽ là Đạo sư của các ngươi.
Trong Tạng Luật điều phụ chế định (anupaññatti) phần lớn vô hiệu hoá sự chế định lần đầu.
Trong sự cho thọ giới tu lên bậc trên (upasampadā) Tỳ Khưu không còn được phép cho cô ni tập sự hay nữ giới được xuất gia như ban đầu, vị Tỳ Khưu chỉ được phép cho vị Tỳ Khưu Ni xuất gia một phía, nơi hội chúng Tỳ Khưu Ni mà thôi. Xem như việc này giúp cho vị Tỳ Khưu Ni được vững chắc giới Tỳ Khưu Ni. (như đã trình bày trước đó).
Do vậy, khi không còn Tỳ Khưu Ni, các vị Trưởng Lão thông Luật, giữ Luật không dám vượt qua Giới Luật cho nữ giới tử xuất gia Tỳ Khưu Ni.
Ghi chú:
- 1S.i, 136
- 2Sau khi đối chiếu lại đoạn Pāḷi, thì đoạn này có nghĩa là “Cửa bất tử đã mở, Ai có tai nghe thấy, Có niềm tin giải thoát, Ý thức sự khó nhọc, Pháp cao siêu, vi diệu, Giữa nhân loại, Phạm Thiên, Thật vậy ta không thuyết. “apārutā tesaṃ amatassa dvārā, ye sotavanto pamuñcantu saddhaṃ, vihiṃsasaññī paguṇaṃ na bhāsiṃ, dhammaṃ paṇītaṃ manujesu brahme”ti.(Dhanapālaka dịch Việt)
- 3-như trên-
- 4S.iv, 315
- 5S.v, 159
- 6Kinh Tập, kinh Alavaka
- 7D.iii, 272
- 8D.iii, 274
- 9D.iii, 275