Nữ Giới Và Sự Phục Hồi Tỳ Khưu Ni Theravāda
Biên soạn
Tỳ Khưu Chánh Minh
Chương III.
Khôi Phục Tỳ Khưu Ni Theo Hệ Phái Nam Truyền
Các Tu sĩ thuộc hệ thống Theravāda tuân theo lời dạy của Đức Thế Tôn, được ghi nhận trong kinh Đại Viên Tịch (Mahāparinibbānasutta) (Trường Bộ Kinh, DN16) như sau.
“Này Ānanda, Pháp và Luật, ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy là Đạo sư của các ngươi”1D.ii, 154.
“Yo vo Ānanda mayā dhammo cavinayoca desito paññatto, so vo mam’accayena satthā.”
Đoạn kinh văn trên Đức Phật dạy các đệ tử nên xem Pháp và Luật được Đức Thế Tôn giảng dạy là Bậc Đạo Sư, sửa đổi hay vượt qua giới hạn xem như không tôn trọng Bậc Đạo Sư (chỉ cho Đức Thế Tôn), không cung kỉnh Bậc Đạo Sư.
Cũng trong bài kinh này, Đức Thế Tôn dạy rằng:
“Này Ānanda, nếu chúng Tăng muốn, sau khi Ta diệt độ, có thể huỷ bỏ những học giới nhỏ nhặt chi tiết”.
“Ākaṅkhamāno Ānanda saṅgho mam’accayena khuddānukhuddakāni sikkhāpadāni samūhantu.”
Tuy có lời dạy của Đức Thế Tôn như vậy, nhưng trong cuộc kết tập Phật ngôn lần I tại thành Vương Xá (Rājagaha) (theo Bản Sớ giải Tạng Luật (samantapasādikā)2Sp.i, 10 và Đại Sử (Mahāvaṃsa)3Mhv. iii, 19 nơi các Ngài kết tập Phật ngôn là hang Sattapaṇṇi trên sườn núi Vebhāra trong thành Rājagaha (Vương xá); nhưng trong tập Cullavagga (Tiểu Phẩm) không ghi nhận địa điểm này.
Năm trăm vị Trưởng lão kết tập Phật ngôn, sau khi thảo luận, đã đi đến quyết định:
“Hội chúng không quy định thêm điều chưa được quy định, không bỏ đi điều đã được quy định, thọ trì và thực hành các điều học theo như đã quy định”.
“Saṅgho apaññattaṃ na paññāpeti paññattaṃ na samucchiditi, yathā paññattesu sikkhāpadesu samādāya vattati.”
Lại nữa, trong Tạng Luật, Bộ Phân Tích Giới Tỳ Khưu (Bhikkhu vibhaṅga), chương Nissaggiya (Ưng xả), điều học thứ mười lăm:
Một thời Đức Thế Tôn ngự nơi thành Sāvatthi (Xá Vệ), tại đại tự Jetavana (Kỳ Viên) của ông Anāthapiṇḍika (Cấp cô độc).
Đức Thế Tôn tịnh cư ba tháng, không ai đến gặp Đức Thế Tôn, ngoại trừ vị mang lại vật thực.
Vào lúc bấy giờ, hội chúng ở thành Sāvatthi đã thực hiện quy định là:
“Này các Đại đức, Đức Thế Tôn muốn thiền tịnh trong ba tháng. Không một ai được đi đến gặp Đức Thế Tôn, ngoại trừ vị mang vật thực. Vị nào đi đến gặp Đức Thế Tôn, nên buộc sám hối tội Pācittiya (ưng đối trị)”.
Bấy giờ, Tôn giả Upasena con trai của Vaṅganta (Tôn giả Upasena là em trai của Trưởng lão Sāriputta) cùng các đệ tử Tỳ Khưu đã đi đến gặp Đức Thế Tôn. Sau khi đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Theo thông lệ của chư Phật, Đức Thế Tôn niềm nở đối với các vị Tỳ Khưu mới đến. Đức Thế Tôn sau khi nói lời thăm hỏi thân tình đến các vị Tỳ Khưu có Tôn giả Upasena là trưởng.
Đức Thế Tôn hỏi Tôn giả Upasena:
– Này Upasena, ngươi có biết về quy định của hội chúng ở thành Sāvatthi không?
– Bạch Thế Tôn, quả thật con không biết về qui định của hội chúng ở thành Sāvatthi (Xá Vệ).
Đức Thế Tôn thông tri về qui định của hội chúng ở thành Sāvatthi đến Tôn giả Upasena.
Tôn giả Upasena đã bạch với Đức Thế Tôn rằng:
– Bạch Thế Tôn, hội chúng ở thành Sāvatthi sẽ được biết tiếng bởi qui định của chính họ.
Chúng con sẽ không qui định điều không được qui định hoặc sẽ không huỷ bỏ điều đã được qui định. Chúng con sẽ thọ trì và thực hành các điều học theo như đã được qui định.
– Này Upasena, tốt lắm, tốt lắm. Không nên quy định điều không được quy định hoặc không nên huỷ bỏ điều đã được quy định. Nên thọ trì và thực hành các điều học như đã được quy định.
Lời dạy trong phần học giới này cho thấy: “Các vị Tỳ Khưu không nên định đặt điều học mới, đồng thời cũng không nên huỷ bỏ những học giới được ban hành”. (Bu Np 15)
Vì sao? Vì đó không phải là lãnh vực của các vị Thánh Thinh văn, đó là lãnh vực của bậc Chánh Đẳng Giác.
Như vậy, các vị Trưởng lão trì luật, không vượt qua vòng rào giới Luật, có phải là “cứng ngắt”, không uyển chuyển trước tình hình mới chăng? Hay đó là sự Tôn Kính Bậc Đạo Sư? Không gìn giữ truyền thống của cha ông là tốt phải không?
Đồng thời, nếu Đức Thế Tôn chấp thuận điều quy định của hội chúng ở thành Sāvatthi, sẽ tạo một tiền lệ: “Về sau, các vị Tỳ Khưu sẽ hội hợp cùng nhau, tạo ra những quy định mới, có thể những quy định này thay thế cho học giới được Đức Thế Tôn đã ban hành, như nhóm Tỳ Khưu Vajjiputtaka chẳng hạn.
Và trong hiện tại cũng có những vị Tỳ Khưu đã vượt qua ranh giới ấy.
Lại nữa, trong Tương Ưng Kinh II, Chương IX Tương Ưng Ví Dụ (Opammasaṃyuttaṃ), Kinh Cái Chốt Trống (Āṇisuttaṃ)4S.ii, 267, Đức Phật dạy rằng:
Thuở xưa, này các Tỳ Khưu, dân chúng Dasārahā có một cái trống tên là Ānaka (đồ để đánh lên gọi người đến).
Khi cái trống bắt đầu nứt ra, dân chúng Dasārahā đóng vào một cái chốt khác. Cho đến một thời gian, này các Tỳ Khưu, cả cái thùng ván của trống Ānaka biến mất và chỉ còn lại những cái chốt tụ tập lại.
Cũng vậy, này các Tỳ Khưu, những Tỳ khưu sẽ thành trong tương lai.5Điều này sẽ xảy ra với các Tỳ khưu trong tương lai
– Những bài kinh nào do Như lai thuyết, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không, chúng sẽ không nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng, chúng sẽ không lóng tai, chúng sẽ không an trú chánh trí tâm, và chúng sẽ không nghĩ rằng, các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải thấu đáo.
Như vậy, này các Tỳ Khưu, các kinh do Như Lai thuyết, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không sẽ đi đến tiêu diệt.
Bài kinh này rất thâm sâu, vi diệu. Đức Thế Tôn đã thấy trước: “Trong tương lai, những triết thuyết bên ngoài sẽ xâm nhập vào, và các Tỳ Khưu đệ tử xem đó là phương châm, thực hành theo đường lối ngoại điển, thích thú những triết thuyết ấy và nghĩ rằng Giáo Pháp dẫn đến Giác ngộ Níp bàn cần phải thực hiện theo khuynh hướng bên ngoài ấy. Thế là Giáo Pháp sẽ đi đến tiêu diệt.
Vấn đề được mở rộng: Nếu Giới Luật cứ được cải tiến cho thích nghi với thực tại, chẳng khác nào trống Ānaka được thay thế bằng chốt trống, một lúc nào đó trống Ānaka chỉ còn là những chốt trống.
Cũng vậy, Giới luật được cải tiến, trở thành một tiền lệ và giới luật của Đức Thế Tôn cứ tiếp tục được cải tiến cho thích nghi với thời hiện đại, cuối cùng giới luật của Đức Thế Tôn chế định cho đệ tử biến mất, chỉ còn lại là những giới luật cải tiến.
Ở phần cuối bài kinh Đức Phật dạy:
“Do vậy, này các Tỳ Khưu, cần phải học tập như sau: “Những bài kinh nào do Như Lai thuyết giảng, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không, chúng tôi sẽ nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng. Chúng tôi sẽ lóng tai, chúng tôi sẽ an trú chánh trí tâm. Và chúng tôi sẽ nghĩ rằng các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo”.
Do vậy, các Trưởng lão Nam tông là bậc giữ luật không vượt qua giới hạn là như thế.
Các Ngài hiểu rằng: “Giới luật được Đức Thế Tôn chế định cho hàng đệ tử, bao gồm tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học và tăng thượng tuệ học”6Tăng Chi Kinh, chương Ba Pháp, phẩm Sa Môn, kinh Học Giới, A.i, 232. Ba pháp này dẫn thoát ra khỏi luân hồi, phá vỡ hàng rào giới luật là làm hỏng Tăng thượng giới học.
Các triết thuyết bên ngoài không có công năng này.
Các triết thuyết bên ngoài không dẫn đến giải thoát, không nên đem vào Pháp Luật này.
Ghi chú:
- 1D.ii, 154
- 2Sp.i, 10
- 3Mhv. iii, 19
- 4S.ii, 267
- 5Điều này sẽ xảy ra với các Tỳ khưu trong tương lai
- 6Tăng Chi Kinh, chương Ba Pháp, phẩm Sa Môn, kinh Học Giới, A.i, 232