Nữ Giới Và Sự Phục Hồi Tỳ Khưu Ni Theravāda
Biên soạn
Tỳ Khưu Chánh Minh
Chương I
Ấn Độ trước khi Đức Phật xuất hiện
Nữ giới trước thời Phật giáo
Ấn Độ cổ là một bán đảo rộng mênh mông, có diện tích là 5 triệu km2, lớn hơn toàn thể Châu Mỹ (Nam- Bắc), có một nền văn minh phát triển lạ thường từ thời Moheji- daro (2900 trước Tây lịch hoặc sớm hơn nữa).
Ấn Độ cổ có hình tam giác, có đáy là phương Bắc, nơi có rặng núi Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn) quanh năm tuyết phủ. Đỉnh tam giác ở phía Nam tức là đầu đảo Tích Lan, quanh năm nóng như thiêu đốt. Phía Tây Ấn Độ giáp với xứ Ba Tư, mà dân chúng, ngôn ngữ, các vị thần đều giống và gần gũi với Ấn Độ thời Veda, tương tự như chú bác với nhau. Nếu theo biên giới phía Bắc tiến về phía Đông thì sẽ gặp A Phú Hãn, đây là Kadahar (là thành phố lớn thứ hai của A Phú Hãn), khi xưa mang tên là Gandhara, nơi mà nghệ thuật điêu khắc của Hy Lạp và Ấn Độ dung hoà lẫn nhau trong một thời gian dài, để rồi tách biệt nhau không bao giờ gặp lại. Tiến lên phía Bắc chút nữa, đây là Kaboul, nơi xuất phát những cuộc chiến xâm lăng đẫm máu của Mông Cổ và Hồi giáo, hai dân tộc đó đã làm chủ Ấn Độ suốt cả ngàn năm.
Ở trong biên giới, Peshawer, cách Kaboul một ngày ngựa, đến đây sẽ thấy đất Nga ở xứ Pamir sát với Ấn Độ, thông với Ấn Độ bằng những đèo Hindoukouch; do đó sinh ra những rắc rối về chính trị.
Ở cực Bắc Ấn Độ là tỉnh Cachemire, cái tên nhắc nhở đến sự vinh quang thuở xưa của Ấn Độ về nghệ thuật dệt lụa.
Ở phía nam Cachemire là miền Pendjab, nghĩa là “miền năm con sông”. Với châu thành lớn là Lahore và kinh đô mùa hè của Ấn Độ tức Simla (bản tiếng Anh ghi là Shimla).
Trên dãy Himalaya (xứ Tuyết phủ), phía Tây miền Pendjab có dòng sông lớn là Indus chảy qua, sông Indus dài một ngàn năm trăm kilomet, tên Ấn Độ của nó là Sindhu, vì bờ sông Sindhu này sản xuất một giống ngựa rất quí, khoẻ mạnh, phi nhanh, bền bĩ là ngựa Sindhu. Khi người Hy lạp xâm lăng Ấn Độ, vì không phát âm được chữ S, nên Sindhu trở thành Hindhu. Và họ gọi tất cả xứ Ấn Độ là Hindustan (nghĩa là “xứ các con sông”).
Khi người Anh sang đô hộ Ấn Độ, do không phát âm chữ H, nên Hindhu trở thành là Indu (Ấn Độ).
Người Ấn Độ Cổ: Sindhu
Người Hy Lạp: Hindhu
Người Anh: Indu
Từ miền Pendjab, sông Jumna và sông Gaṅgā (sông Hằng) chảy về phía Đông Nam, sông Jumna chảy qua kinh đô Delhi và lăng Taj Mahal ở Agra, còn sông Gaṅgā cứ lớn rộng dần đến kinh đô Benares (Ba-la-nại).