Nữ Giới Và Sự Phục Hồi Tỳ Khưu Ni Theravāda
Biên soạn
Tỳ Khưu Chánh Minh
Chương III
Khôi Phục Tỳ Khưu Ni Theo Hệ Phái Nam Truyền
Nội dung
Phải thừa nhận lực lượng nữ giới không thể xem nhẹ. Sự vắng bóng Tỳ Khưu Ni trong Hệ phái Nam tông là một lỗ trống, trong khi các Hệ phái Phật giáo khác như Hệ phái Bắc truyền, Hệ phái Khất sĩ, Phật giáo Tây tạng có mặt hội chúng Tỳ Khưu Ni.
Điều này là một sự trăn trở, là một gánh nặng cho các nhà lãnh đạo Phật giáo Nam tông.
Không chấp nhận sự phục hồi chúng Tỳ khưu Ni, dường như đã đẩy nữ giới có niềm tin nơi Phật đạo về với Hệ phái Bắc truyền hay Hệ phái Khất sĩ hoặc sang một tôn giáo khác ngoài Phật giáo, đồng thời đóng lại cánh cửa thực hành pháp giải thoát của nữ giới theo tín ngưỡng Hệ phái Nam tông. Điều ấy có đúng hay không? Chúng ta sẽ thảo luận vấn đề này ở phần sau.
Trước tiên, sự hình thành phẩm vị Tỳ Khưu Ni được trình bày như sau:
Đức Thế Tôn an cư mùa mưa lần thứ năm
Theo tập Mahā Buddhavaṃsa (Đại Phật sử) nguyên tác bằng Anh ngữ của Đại Trưởng lão Mingun Sayadaw, Thượng toạ Minh Huệ dịch sang Việt ngữ:
Đức Thế Tôn sau khi thuyết giảng bài kinh Mahā Samayaṃ (Đại Hội) (Trường Bộ Kinh, DN20) cùng sáu bài kinh để tế độ Chư Phạm thiên, Chư thiên chứng đắc Thánh đạo từ Dự Lưu đến A La Hán. Sáu bài kinh đó là:
1. Sammāparibbājanīyasuttaṃ (kinh Chánh Du Hành)1Sn. 63
Bài kinh này có mục đích tế độ Chư thiên và các Phạm thiên căn tánh tham (rāgacarita). Có một trăm ngàn Koṭi (một koṭi = mười triệu) Chư thiên và Phạm thiên chứng đắc ba Thánh đạo thấp.
2. Kalahavivādasuttaṃ (kinh Tranh Luận)2Sn. 168
Để tế độ các Thiên nhân và Phạm thiên có căn tánh sân (dosacarita). Chư thiên và Phạm thiên chứng đạt Thánh quả giống như trên.
Theo bản Sớ giải kệ ngôn Trưởng lão Ni, di mẫu Mahāpajāpati Gotamī nghe bài kinh này, bà quyết định đi xuất gia3ThigA.3.41.
3. Mahābyūhasuttaṃ (kinh Dàn Trận Lớn)4Sn. 174
Để tế độ các Thiên nhân và Phạm thiên có căn tánh si (mohacarita) và các Thiên nhân và Phạm thiên cũng đạt được kết quả như trên.
4. Cūḷabyūhasuttaṃ (kinh Dàn Trận Nhỏ)5Sn. 171
Để tế độ những Thiên nhân và Phạm thiên có căn tánh tầm (vitakkacarita), và các vị này cũng đạt được kết quả như trên.
5. Tuvaṭakasuttaṃ (kinh Con Đường Mau Chóng)6Sn. 179
Để tế độ những thiên nhân và Phạm thiên có căn tính tín (saddhācarita). Kết quả tương tự như trên.
6. Pūrābhedasuttaṃ (kinh Trước Khi Bị Huỷ Hoại)7Sn. 166
Để tế độ những thiên nhân và Phạm thiên có căn tánh trí (paññācarita). Kết quả tương tự.
Vào lúc kết thúc bài pháp Mahāsamayaṃsuttaṃ (kinh Đại Hội), có một trăm ngàn Koti thiên nhân và Phạm thiên chứng Thánh quả A La Hán (mỗi Koti = mười triệu), còn chứng ba Thánh quả thấp thì vô số8SnA.i, 174.
Được biết bài kinh Mahāsamayaṃ được Đức Thế Tôn thuyết lên vào trăng tròn tháng Jeṭṭhamāsa (tháng 6-7 DL). Sau đó Đức Thế Tôn cùng đại chúng Tỳ Khưu đi đến Kūṭāgāra sālā (Giảng đường nóc nhọn) ở Mahāvana (Đại Lâm) gần thành Vesāli để an cư mùa mưa lần thứ năm.
Hai Mahāvana (Đại Lâm)
Một Mahāvana (Đại Lâm) là khu rừng lớn gần kinh thành Kapilavatthu, kinh thành Kapilavatthu dường như nằm giữa khu Đại lâm này: một bên khu Đại lâm chạy dài từ ven đô Kapilavatthu đến tận Hy Mã Lạp Sơn, và một bên khu rừng chạy đến bờ biển9MA.i, 298; 249.
Nơi Mahāvana này Đức Thế Tôn thuyết lên kinh Mahā Samayaṃ (Đại hội) (Trường Bộ Kinh, DN20), và kinh Mật Hoàn (Madhupiṇḍikasutta Trung Bộ Kinh, MN18).
Một Mahāvana (Đại Lâm), là khu rừng lớn gần thành Vesāli, là khu rừng thiên nhiên và rừng được trồng chạy dài đến Hy Mã Lạp Sơn10MA.i, 208; DA.i, 304.
Nơi đây, di mẫu Mahāpajāpati Gotamī cùng năm trăm nữ nhân được Đức Thế Tôn cho phép được xuất gia trong Giáo Pháp này.
Ngoài ra, theo kinh điển còn có hai Mahāvana khác, nhưng ít quan trọng hơn, đó là:
– Mahāvana (Đại Lâm), khu rừng ở ngoại ô Uruvelakappa. Uruvelakappa là một thành phố của dân Malla trong xứ Malla.
Khu Đại Lâm ở ngoại ô Uruvelakappa, nơi đây Đức Thế Tôn có thuyết lên kinh Tapussa11Tăng Chi Kinh, Đại Phẩm, kinh Tapussa, A.iv, 438 để giải toả những thắc mắc của gia chủ này.
– Một Mahāvana (Đại Lâm), là khu rừng lớn trên bờ sông Nerañjarā (Ni-Liên)12DhpA.i, 86; DhsA. 34; JA.i, 77.
Trong thời Đức Thế Tôn an cư mùa mưa ba tháng nơi Kūṭāgārasālā (Giảng đường nóc nhọn), Vua Suddhodana (Tịnh Phạn) lâm trọng bệnh; Đức Thế Tôn cùng đại chúng Tỳ Khưu đi đến thành Kapilavatthu.
Vua Suddhodana (Tịnh Phạn) viên tịch
Vua Suddhodana (Tịnh Phạn) là vua bộ tộc Sakya (Thích Ca), trị vì khinh thành Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ).
Vua Suddhodana là con của vua Sihahanu và Hoàng hậu Kaccānā. Ngoài Suddhodana, vua Sihahanu còn có bốn vương tử khác là: Dhotodana, Sakkodana, Sukkosana và Amitodana, cùng hai công chúa là Amitā và Pamitā.
Vua Suddhodana có hai chánh hậu là Mahāmāyā và Mahāpajāpati.
Hoàng hậu Mahāmāyā sau khi sinh ra Hoàng tử Siddhattha (Sĩ- đạt-ta) (vị này về sau xuất gia trở thành Đức Phật Gotama) được bảy ngày thì mệnh chung, bà Mahāpajāpati Gotamī là em gái song sinh với bà Mahāmāyā lên làm chánh hậu và nuôi dưỡng Hoàng tử Siddhattha13Mhv.ii, 65; Dpv.iii, 45.
Vua Suddhodana chứng Thánh quả Dự Lưu khi nghe Đức Thế Tôn thuyết giảng kệ ngôn Pháp cú số 168. Tiếp theo sau khi thọ thực nơi Hoàng cung, Đức Thế Tôn thuyết lên pháp thoại tuỳ hỷ phước, kết thúc bằng kệ ngôn Pháp cú số 169; vua Suddhodana chứng Thánh quả Nhất Lai14DhpA.iii, 169. Về sau, vua Suddhodana được nghe pháp thoại Mahādhammapāla jātaka (Bổn sự Đại Hộ Pháp) (số 447). Nghe xong pháp thoại này vua Suddhodana chứng đắc Thánh quả A Na Hàm còn di mẫu Mahāpajāpati Gotamī chứng đắc Thánh quả Dự Lưu15Mhv.xii,5, 37; Dpv.viii, 8; Sp.i, 67.
Đức Thế Tôn trong thời gian an cư lần thứ năm, vua Suddhodana lâm trọng bịnh, Đức Thế Tôn từ kinh thành Vesāli trở về, thuyết pháp tế độ vua Suddhodana chứng đắc Thánh quả A La Hán khi đang nằm trên giường bệnh16ThigA. 14.
Không lâu sau, vua Suddhodana viên tịch, xem như Ngài là vị Thánh A La Hán khi còn là phẩm mạo cư sĩ và viên tịch ngay trong ngày hôm ấy.
Nữ giới xin được xuất gia trong Pháp Luật của Đức Thế Tôn
Khi vua Suddhodana viên tịch, bà di mẫu Mahāpajāpati Gotamī quyết định xuất gia.
Theo bộ Cullavagga (Tiểu phẩm) của Tạng Luật, chương X. Tỳ Khưu Ni (Bhikkhunīkhandhakaṃ):
Khi Đức Thế Tôn ngự trú nơi Tự viện Nigrodha gần thành Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ), lãnh thổ của bộ tộc Sākya (Thích Ca) (có khả năng đây là thời gian Đức Thế Tôn đã hoàn tất việc hoả táng di hài của vua Suddhodana).
Bà Mahāpajāpati Gotamī đã đến gặp Đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi đứng một bên, bạch với Đức Thế Tôn rằng:
– Bạch Thế Tôn, lành thay, người nữ có thể đạt được sự xuất gia sống không nhà trong pháp và luật được Đức Như Lai công bố.
– Này di mẫu Gotamī, thôi đi! Bà chớ có nghĩ đến việc nữ nhân rời nhà sống không nhà trong pháp và luật đã được đức Như Lai công bố nữa.
Bà Gotamī xin được xuất gia ba lần, nhưng cả ba lần đều bị Đức Thế Tôn từ khước.
Khi ấy, bà Mahāpajāpati Gotamī (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn không cho phép người nữ việc rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố” nên khổ sở,buồn rầu, mặt mày ủ dột, vừa khóc lóc, vừa đảnh lễ Đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh rồi ra đi.
Sau đó, Đức Thế Tôn khi trú ở thành Kapilavatthu theo như ý thích, rồi Ngài ra đi du hành đi về phía thành Vesāli, trú ngụ nơi Kūṭāgārasāla nơi Mahāvanna (Đại Lâm).
Bản Sớ giải Tạng Luật giải thích:
Lý do Đức Thế Tôn từ chối “không cho phép nữ giới xuất gia trong Pháp Luật này, vì Ngài quyết định không cho phép nữ giới được xuất gia dễ dàng trong Pháp Luật này, chỉ khi nào nữ giới đã thể hiện nhiều nỗ lực điều này mới được thành tựu. Nghĩa là, khi nữ giới nhận thức rằng: “Sự trở thành Tỳ Khưu Ni trong Pháp Luật này là điều khó đạt được và họ sẽ nỗ lực gìn giữ phẩm hạnh Tỳ Khưu Ni (Bhikkhunī)”.
Đức Thế Tôn muốn cho nữ giới thể hiện sự tinh tấn để có cơ hội xuất gia trở thành một Bhikkhunī (Tỳ Khưu Ni). Đồng thời để làm giảm tai hại từ nữ giới như lời Đức Thế Tôn đã dạy Ngài Ānanda.
Do vậy, Đức Thế Tôn đã từ chối lời thỉnh cầu được xuất gia “của di mẫu Mahāpajāpati Gotami ba lần, ở nơi tự viện Nirodha gần thành Kapilavatthu.
Và bà Mahāpajāpati Gotamī phải trở về hoàng cung.
Tuy nhiên, bà Mahāpajāpati Gotamī không từ bỏ ý niệm “được xuất gia”. Một cơ hội khác trợ giúp bà Mahāpajāpati Gotamī thể hiện sự tinh tấn.
Có năm trăm vương phi là vợ của năm trăm vương tử bộ tộc Sākya và Koliya; năm trăm vương tử này xuất gia theo hầu Đức Thế Tôn để đền đáp lại công ân hoà giải chiến sự sắp diễn ra do tranh giành nước sông Rohinī. Mỗi bộ tộc Sākya và Koliya cử ra hai trăm năm mươi vương tử cho mỗi bên.
Năm trăm vương tử này được Đức Thế Tôn tế độ, các vị Tỳ Khưu này nỗ lực tu tập và trở thành những vị Thánh A La Hán (xem bản Sớ giải kinh Mahāsamayaṃ (Đại Hội).
Năm trăm vương phi này viết thư đến năm trăm vị Thánh A La Hán là chồng trước kia của mình, với nội dung thắm thiết, kêu gọi những vị ấy trở về với đời sống thế tục. Các vị Thánh A La Hán đã phúc đáp rằng: “Đời sống thế tục không thích hợp với tôi”.
Năm trăm vương phi suy nghĩ: “Thật không thích hợp với ta, khi đi tìm đời sống hôn nhân khác”. Và năm trăm vương phi khởi lên ý nghĩ: “Ta hãy sống đời sống xuất gia”. Các vương phi họp nhau thành từng nhóm, đi đến bà Mahāpajāpati Gotamī xin bà “cầu xin Đức Thế Tôn cho nữ giới được xuất gia trong Pháp Luật của đức Như Lai công bố”.
Lời yêu cầu của những vương phi này, nhắc cho bà Mahāpajāpati Gotamī nhớ lại sự thất bại khi xin Đức Thế Tôn được phép xuất gia vào Pháp Luật này. Bà cho gọi thợ làm tóc đến, bảo họ cạo tóc những vương phi ngay chính cả bà, rồi cùng nhau mặc vào những chiếc y vàng hoại sắc của bậc xuất gia, trong khi vẫn còn sống trong hoàng cung.
Rồi đoàn nữ nhân có bà Mahāpajāpati Gotamī là trưởng, thu xếp để lên đường đi từ thành Kapilavatthu đến khu Mahāvana (Đại Lâm) ở gần thành Vesāli nơi Kūṭagārasālā, nơi Đức Thế Tôn đang ngụ lúc bấy giờ.
Khoảng cách từ thành Sāvatthi đến thành Vesāli là năm mươi do tuần (Yojana)17Tương đương 800km; nếu tính một do tuần = 16km.
Các hoàng thân hai bộ tộc Sākya và Koliya sắp xếp cho chuyến đi của bà Mahāpajāpati Gotamī và năm trăm vương phi rằng: “Không nên để các vương phi quen sống trong nhung lụa, xa hoa, lại phải đi bằng đôi chân”. Họ đã chuẩn bị cho các vương phi năm trăm chiếc kiệu.
Nhưng các vương phi thoả thuận với nhau rằng: “Đi bằng kiệu được xem là hành động bất kính với Bậc Đạo Sư”. Những vương phi có bà Mahāpajāpati Gotamī là trưởng quyết định đi bộ với đôi chân trần.
Nên lưu ý rằng: Bà hoàng hậu Mayā khi sinh ra Thái tử Siddhattha, khi ấy tối thiểu bà cũng từ bốn mươi tuổi trở lên.
Bà Mahāpajāpati Gotamī là em song sinh với bà Hoàng Mahāmāyā. Bà sinh ra Hoàng tử Nanda sau bà Hoàng Mahāmāyā khoảng ba hay bốn ngày, về sau bà sinh thêm một công nương là nàng Nandā Janapadakalyāṇī (Nandā mỹ nhân xứ sở). Như vậy, khi đi bộ bằng chân trần (một nữ nhân từ nhỏ cho đến khi ấy, luôn sống trong nhung lụa, da chân chắc chắn mỏng) từ kinh thành Kapilavatthu đến thành Vesāli dài năm mươi do tuần ở độ tuổi khoảng tám mươi đến tám mươi lăm; quả là một sự nỗ lực đáng kính phục.
Những gia đình hoàng tộc của hai bộ tộc Sākya và Koliya cung cấp vật thực hàng ngày đến đoàn nữ nhân, giúp họ san bằng những đoạn đường gập ghềnh, cử một số người theo hầu để bảo vệ đoàn vương phi xinh đẹp được an toàn.
Sau khi thực hiện cuộc hành trình dài năm mươi do tuần, cuối cùng đoàn nữ nhân cũng đến được Mahāvana của thành Vesāli; khi ấy đôi chân thon mềm của các nữ nhân bị sưng phồng lên với những vết sưng, có những vết phồng vỡ ra chảy nước đau rát vô cùng, thật là một nỗ lực phi thường; thân thể các nữ nhân lấm lem bụi đất, trên mặt họ là những giọt nước mắt ràn rụa từ sự mệt mỏi cùng những đau rát do những vết phồng vỡ ra, trông điệu bộ rất thảm não.
Những vương phi ấy, đứng thành từng nhóm ở trước cổng Kūṭāgārasāla (những nữ nhân hoàng tộc ấy không dám đi vào bên trong khuôn viên của Giảng đường nóc nhọn. Vì sao vậy?
Vì Di mẫu Gotamī suy nghĩ: “Chúng ta đã mặc vào y phục của bậc xuất gia, nhưng không được phép của Đức Thế Tôn. Những tin tức về chúng ta là: “đi xuất gia” đã lan truyền khắp kinh thành Kapilavatthu. Thật tốt đẹp thay, nếu Đức Thế Tôn chấp thuận cho chúng ta được xuất gia; nếu Đức Thế Tôn không chấp thuận, thì chúng ta sẽ bị chê cười. Chúng ta sẽ hổ thẹn không dám nhìn ai cả”.
Đó là lý do khiến Di mẫu Gotamī đứng trước cổng vào khuôn viên Kūṭāgārasāla (Giảng đường nóc nhọn) với đôi chân sưng vù, dáng điệu sầu não, nước mắt ràn rụa mà không dám bước vào.
Khi ấy, Trưởng lão Ānanda nhìn thấy bà Mahāpajāpati Gotamī với hai bàn chân sưng vù, thân hình phủ đầy bụi bậm, khổ sở, buồn rầu, mặt mày ủ dột, đang đứng khóc ở ngoài cổng ra vào. Ngài Ānanda đi đến bà Mahāpajāpati Gotamī hỏi rằng:
– Này bà Gotamī! Vì sao bà có đôi bàn chân sưng vù, thân hình phủ đầy bui bậm, khổ sở, buồn sầu, mặt mày ủ dột, đứng khóc bên ngoài cổng ra vào vậy?
– Thưa Ngài Ānanda, như thế này: Bởi vì Đức Thế Tôn không cho phép người nữ việc rời nhà xuất gia, sống không nhà trong Pháp Luật đã được Như Lai công bố.
– Này bà Gotamī! Nếu vì chuyện đó thì bà hãy ở ngay tại đây trong chốc lát, để tôi cầu xin Đức Thế Tôn cho phép người nữ được rời nhà, sống không nhà trong Pháp Luật được đức Như Lai công bố.
Sau đó, đại đức Ānanda đi đến gặp Đức Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Đại Đức Ānanda đã bạch với Đức Thế Tôn điều này.
– Bạch Ngài, bà Mahāpajāpati Gotamī với bàn chân sưng vù, thân hình phủ đầy bụi bậm, khổ sở buồn rầu, mặt đầm đìa nước mắt, đang khóc lóc, đứng ở bên ngoài cổng ra vào (nghĩrằng): “Đức Thế Tôn không cho phép người nữ việc xuất gia rời nhà, sống không nhà trong Pháp và Luật đã được Đức Như Lai công bố? Bạch Ngài tốt đẹp thay, người nữ có thể đạt được sự xuất gia rời nhà, sống không nhà trong Pháp Luật đã được Đức Như Lai công bố.
– Này Ānanda, thôi đi! Ngươi chớ có quan tâm đến việc người nữ xuất gia rời nhà, sống không nhà trong Pháp Luật đã được Đức Như Lai công bố nữa.
Lần thứ nhì, Đại đức Ānanda đã bạch với Đức Thế Tôn điều này:
– Bạch Ngài, tốt đẹp thay, người nữ có thể đạt được sự xuất gia rời nhà, sống không nhà trong Pháp Luật đã được Đức Như Lai công bố.
– Này Ānanda, thôi đi! Ngươi chớ có quan tâm đến người nữ xuất gia rời nhà, sống không nhà trong Pháp Luật đã được Đức Như Lai công bố nữa.
Đến lần thứ ba, Đại đức Ānanda đã bạch với Đức Thế Tôn điều này.
– Bạch Ngài, thật tốt đẹp thay, người nữ có thể đạt được sự xuất gia rời nhà, sống không nhà trong Pháp Luật đã được Đức Như Lai công bố.
– Này Ānanda, thôi đi! Ngươi chớ có quan tâm đến người nữ xuất gia rời nhà, sống không nhà trong Pháp Luật đã được Đức Như Lai công bố.
Khi ấy Đại đức Ānanda (suy nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn không cho phép việc người nữ xuất gia rời nhà, sống không nhà trong Pháp Luật đã được Đức Như Lai công bố. Có lẽ ta nên thỉnh cầu Đức Thế Tôn việc người nữ xuất gia rời nhà, sống không nhà trong Pháp Luật đã được Đức Như Lai công bố bằng một phương thức khác.”
Sau đó, Đại đức Ānanda đã bạch với Đức Thế Tôn điều này:
– Bạch Ngài, người nữ sau khi xuất gia rời nhà, sống không nhà trong Pháp Luật đã được Đức Như Lai công bố, có khả năng chứng ngộ quả vị Dự Lưu (Sotāpattiphala), hoặc quả vị Nhất Lai (Sakadāgāmiphala), hoặc quả vị Bất Lai (anāgāmiphala) hoặc phẩm vị A La Hán (Arahattaphala) hay không?
– Này Ānanda, người nữ sau khi xuất gia rời nhà, sống không nhà trong Pháp Luật đã được Đức Như Lai công bố, có khả năng chứng ngộ quả vị Dự Lưu, quả vị Nhất lai, quả vị Bất lai, luôn cả phẩm vị A La Hán.
– Bạch Ngài, nếu người nữ sau khi xuất gia rời nhà, sống không nhà trong Pháp Luật đã được Đức Như Lai công bố, có khả năng chứng ngộ quả vị Dự Lưu, quả vị Nhất lai, quả vị Bất lai, luôn cả phẩm vị A La Hán nữa. Bạch Ngài, bà Mahāpajāpati Gotamī có nhiều công đức đối với Đức Thế Tôn, là dì ruột, là người chăm sóc, là người nuôi dưỡng, là người cho sữa, bà đã cho Đức Thế Tôn bú sữa khi người mẹ ruột qua đời.
– Bạch Ngài! tốt đẹp thay, người nữ có thể đạt được sự xuất gia rời nhà, sống không nhà trong Pháp Luật đã được Đức Như Lai công bố.
Bà Mahāpajāpati Gotamī sinh hoàng tử Nanda sau ba hay bốn ngày so với bà hoàng Mahāmāyā sinh ra Thái tử Siddhatta. Nói cách khác Thái tử Siddhatta lớn hơn Hoàng tử Nanda chỉ ba hay bốn ngày. Khi bà Mahāmāyā mệnh chung, bà Mahāpajāpati Gotamī giao hoàng tử Nanda cho các nhũ mẫu nuôi dưỡng, tự thân bà chăm sóc Thái tử Siddhatta, bà cho Thái tử bú dòng sữa chảy ra từ lòng ngực của mình, chăm sóc cho sự an vui khoẻ mạnh từ thể chất đến tinh thần của Thái tử Siddhatta, bà Gotamī đã tắm rửa cho Bồ tát mỗi ngày hai lần bằng nước thơm.
Và Đức Thế Tôn đã chấp nhận lời thỉnh cầu của Trưởng lão Ānanda, Đức Thế Tôn dạy rằng:
– Này Ānanda, nếu bà Mahāpajāpati Gotamī thọ nhận tám trọng pháp (aṭṭha garudhamma) hãy xem chính điều ấy là sự tu lên bậc trên đối với bà.
1. Tỳ Khưu Ni đã tu lên bậc trên một trăm năm, nên thực hiện sự đảnh lễ, sự đứng dậy, sự chấp tay, (và) hành động thích hợp đến vị Tỳ Khưu vừa tu lên bậc trên vào ngày hôm ấy. Đây là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, sùng bái, cúng dường, không được vi phạm cho đến trọn đời.
2. Tỳ Khưu Ni không nên an cư mùa mưa ở trú xứ không có Tỳ Khưu. Đây là pháp cần trọng vọng, cung kỉnh, sùng bái, cúng dường, không được vi phạm cho đến trọn đời.
3. Tỳ Khưu Ni vào mỗi nửa tháng nên mong mỏi hai việc từ hội chúng Tỳ Khưu, là hỏi việc ngày lễ Uposatha và việc đi đến (để nghe) giáo giới (ovādūpasaṅkamana). Đây là pháp cần trọng vọng, cung kỉnh, sùng bái, cúng dường, không được vi phạm cho đến trọn đời.
4. Tỳ Khưu Ni đã trải qua mùa (an cư) mưa, nên hành lễ Pavāraṇā (Tự tứ) ở cả hai hội chúng dựa trên ba yếu tố: do được thấy hoặc do được nghe, hoặc vì nghi ngờ. Đây là pháp cần trọng vọng, cung kỉnh, sùng bái, cúng dường, không được vi phạm cho đến trọn đời.
5. Tỳ Khưu Ni vi phạm tội nghiêm trọng, nên thực hành hình phạt mānatta nửa tháng ở cả hai hội chúng. Đây là pháp cần trọng vọng, cung kỉnh, sùng bái, cúng dường, không được vi phạm cho đến trọn đời.
6. Cô Ni tập sự (Sikkhamānā- Thức xoa ma na) đã thực hành sự học tập về sáu pháp trong hai năm, nên tầm cầu sự tu lên bậc trên ở cả hai hội chúng. Đây là pháp cần trọng vọng, cung kỉnh, sùng bái, cúng dường, không được vi phạm cho đến trọn đời.
7. Tỳ Khưu Ni không vì bất cứ nguyên do gì được phép mắng nhiếc gièm pha Tỳ Khưu. Đây là pháp cần trọng vọng, cung kỉnh, sùng bái, cúng dường, không được vi phạm cho đến trọn đời.
8. Kể từ hôm nay, việc khuyên bảo của các Tỳ Khưu Ni đến các Tỳ Khưu bị ngăn cấm; việc khuyên bảo của các Tỳ Khưu đến các Tỳ Khưu Ni không bị ngăn cấm. Đây là pháp cần trọng vọng, cung kỉnh, sùng bái, cúng dường, không được vi phạm cho đến trọn đời.
– Này Ānanda, nếu bà Mahāpajāpati Gotamī thọ nhận tám trọng pháp, chính điều ấy là sự tu lên bậc trên của bà.
Tám trọng pháp này, các Tỳ Khưu Ni Theravāda tân lập dường như không thực hiện, nếu có cũng không đầy đủ.
Hội chúng Tỳ Khưu Ni được thành lập
Trưởng lão Ānanda đã học tám trọng pháp (aṭṭha garudhamma) từ Đức Thế Tôn, rồi đi đến gặp bà Mahāpajāpati Gotamī truyền đạt đến bà lời dạy của Đức Thế Tôn.
Bà Mahāpajāpati Gotamī hoan hỷ chấp thuận rằng:
– Thưa Đại đức Ānanda, giống như những người nữ hoặc người nam còn trẻ, ở tuổi thanh niên, ưa thích trang điểm, vừa mới gội đầu, sau khi nhận được tràng hoa sen, hoặc tràng hoa nhài hoặc tràng hoa đủ loại, nên thọ lãnh bằng hai tay rồi đặt lên ở đỉnh đầu thưa Đại đức Ānanda, cũng tương tự như vậy, tôi thọ nhận tám trọng pháp này cho đến trọn đời không vi phạm.
Sau đó, Đại đức Ānanda đã đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên, bạch với Đức Thế Tôn điều này.
– Bạch Ngài, bà Mahāpajāpati Gotamī đã thọ nhận tám trọng pháp. Người dì của Đức Thế Tôn đã được tu lên bậc trên.
Đức Thế Tôn dạy Ngài Ānanda rằng:
– Này Ānanda, nếu nữ nhân không đạt được sự xuất gia rời nhà, sống không nhà trong Pháp Luật đã được Đức Như Lai công bố, này Ānanda phạm hạnh (brahmacariya) có thể được tồn tại lâu dài, Thánh pháp (Saddhamma) có thể tồn tại một ngàn năm.
– Này Ānanda, bởi vì người nữ đã xuất gia rời nhà, sống không nhà trong Pháp Luật đã được Đức Như Lai công bố, này Ānanda, giờ đây phạm hạnh sẽ không tồn tại lâu dài, này Ānanda, Thánh pháp giờ đây sẽ tồn tại chỉ còn năm trăm năm.
Ngài Buddhaghosa trong Sớ giải tạng Luật Samantapasādikā giải thích điều này như sau: Nói đến một ngàn năm là đề cập đến sự diệt tận các ô nhiễm (khīṇāsava) với sự thành tựu bốn tuệ phân tích (paṭisambhidā ñāṇa). Từ đó về sau là một ngàn năm của sự diệt tận các ô nhiễm (āsava) thuần tuý là Minh sát (sukhavipassanā). Tiếp theo là một ngàn năm đạo quả Bất lai, rồi một ngàn năm của đạo quả Nhất lai và một ngàn năm của đạo quả Dự Lưu. Như vậy, pháp thành sẽ tồn tại năm ngàn năm.
Về pháp học, các Sớ giải sư giải thích:
– Đến ngàn năm thứ ba (từ Phật lịch 2001- 3000), tạng Thắng Pháp bắt đầu hoại diệt.
– Đến ngàn năm thứ tư (từ Phật lịch 3001- 4000), tạng Kinh bắt đầu hoại diệt.
– Đến ngàn năm thứ năm (kể từ Phật lịch 4001- 5000), tạng Luật bắt đầu hoại diệt).
Này Ānanda! Giống như những gia đình có nhiều người nữ, ít người nam, thường dễ bị các kẻ cướp, các kẻ trộm đột nhập. Này Ānanda, cũng tương tự như thế, trong Pháp Luật nào nữ nhân đạt được sự xuất gia rời nhà, sống không nhà, phạm hạnh ấy không được tồn tại lâu dài.
Này Ānanda, giống như trong thửa ruộng lúa, lúa đang phát triển, có loại bệnh là mốc trắng xuất hiện, như thế ruộng lúa ấy không tồn tại lâu dài, này Ānanda, cũng tương tự như thế, trong Pháp Luật nào nữ nhân đạt được sự xuất gia rời nhà, sống không nhà, phạm hạnh ấy không được tồn tại lâu dài.
Này Ānanda! Giống như ruộng mía đường đang phát triển, có loại bệnh gọi là rệp cây xuất hiện, như thế ruộng mía ấy không tồn tại lâu dài; này Ānanda, tương tự như thế, trong Pháp Luật nào nữ nhân đạt được sự xuất gia rời nhà, sống không nhà, phạm hạnh ấy không được tồn tại lâu dài.
Ba điều này, Đức Thế Tôn giải thích lý do vì sao Ngài cân nhắc trước sự thỉnh cầu của bà Gotamī xin được xuất gia trong Pháp Luật này và trước lời thỉnh cầu của Ngài Ānanda xin phép Đức Thế Tôn cho phép “nữ nhân được xuất gia trong Pháp Luật này”.
Và Đức Thế Tôn đã ba lần từ khước sự thỉnh cầu của bà Mahāpajāpati Gotamī, đã ba lần bác bỏ lời thỉnh cầu “xin cho nữ nhân được xuất gia trong Pháp Luật này” của Ngài Ānanda.
Trước lời thỉnh cầu khéo léo của mình, Ngài Ānanda đã nêu ra hai điều hợp pháp là:
a. Nữ nhân có thể chứng đắc Thánh quả từ Dự Lưu đến A La Hán quả
Điều chủ yếu ở đây là: “Vị Thánh nữ A La Hán nếu ở phẩm mạo cư sĩ, bắt buộc phải xuất gia trong ngày hoặc phải viên tịch”. Nếu không cho nữ giới xuất gia, thì trong Pháp Luật này thiếu vắng Thánh nữ A La Hán, xem như hội chúng của Đức Thế Tôn chưa được đầy đủ trọn vẹn.
Đức Thế Tôn vì tâm bi mẫn đối với nữ nhân cũng như đối với chúng sanh (người nào đảnh lễ hay tôn trọng hoặc cúng dường, phục vụ vị Thánh A La Hán thì phước báu vô lượng (kinh Cúng Dường Phân Biệt- Trung Bộ Kinh, MN142)18M.iii, 253.
b. Nêu lên công ơn to lớn của Di mẫu Mahāpajāpati Gotamī, để nói lên pháp tri ân và báo ân
Và Đức Thế Tôn chấp nhận điều này, thuận cho Di mẫu Mahāpajāpati Gotamī xuất gia trong Pháp Luật này là sự đền ân dưỡng dục của Di mẫu đối với Ngài khi Ngài còn là Bồ tát, đồng thời Đức Thế Tôn có tâm bi mẫn với các nữ nhân có nhiệt tâm thực hành pháp. Những tai hại phát sinh từ những nữ Ni phàm nhân sau này sẽ xuất hiện; nhưng trước mắt Đức Thế Tôn quán xét thấy được duyên lành Thánh quả của năm trăm nữ vương phi bộ tộc Sākya. Nếu không cho những nữ nhân này xuất gia xem như tạo duyên chướng ngại cho sự chứng đắc Thánh quả của các vị ấy. Bà Mahāpajāpati Gotamī khi duyên lành chín muồi do được xuất gia trong Pháp Luật này, bà nỗ lực hành pháp rồi chứng đắc Thánh quả A La Hán.
Năm trăm vị Vương phi thuộc bộ tộc Sākya và Koliya nhờ được xuất gia trong Pháp Luật này, cố gắng thực hành pháp khi duyên lành thuần phục, Đức Thế Tôn biết các vị nữ Ni này có duyên với Trưởng lão Nandaka, nên Đức Thế Tôn đã hai lần dạy Ngài Nandaka đến giáo giới cho năm trăm vị Tỳ Khưu Ni này. Sau khi nghe bài pháp của Trưởng lão Nandaka lần thứ hai, cả năm trăm vị Tỳ Khưu Ni này chứng Thánh quả từ Dự Lưu đến A La Hán (Xem Trung Bộ Kinh, MN146)19M.iii, 270. Ví như người nông dân thiện xảo, không vì chứng bệnh mốc trắng sẽ xuất hiện trong tương lai mà bỏ qua những mảnh ruộng lúa tốt cần phải chăm dưỡng để có kết quả đáng hài lòng.
Đức Thế Tôn dạy Trưởng lão Ānanda rằng:
– Này Ānanda, cũng giống như người đàn ông, chính vì phòng xa nên củng cố bờ đê của cái hồ lớn để không có sự tràn ra của nước; này Ānanda, cũng tương tự như thế, tám trọng pháp do ta chính vì phòng xa để quy định cho các Tỳ Khưu Ni cho đến trọn đời không được vi phạm.
Lời dạy này của Đức Thế Tôn cho thấy Ngài có sự phòng xa, đưa ra biện pháp để hạn chế sư tai hại do nữ nhân là Tỳ Khưu Ni gây ra cho Tăng đoàn.
Với trí Chánh Giác của Đức Thế Tôn, Ngài đã thấy rõ, biết rõ sự nguy hại sẽ xảy đến cho Tăng đoàn khi chấp nhận cho nữ giới được xuất gia trong Giáo Pháp này. Có những việc, với trí của bậc Chánh Giác, Đức Thế Tôn thấy rõ, biết rõ sẽ xảy ra; nhưng Ngài không thể ngăn chặn được, Ngài chỉ khéo léo làm giảm sự thương tổn sẽ xảy ra, như:
– Việc vua Viḍūḍabha tàn sát bộ tộc Sākya; bộ tộc Sākya bị hoạ diệt vong. Đức Thế Tôn thấy rõ, biết rõ: “Đây là do ác nghiệp đã làm trong quá khứ của các ngư dân trong một làng ngư phủ đã đến thời trổ quả. Họ không thể thoát khỏi ác quả đã gieo.
Khi ấy, tiền thân của Đức Thế Tôn là đứa bé đánh cá trong ngôi làng đánh cá ấy. Sau khi nhìn thấy các con cá bị giết chết, cậu bé đã có tâm hoan hỷ.
Bộ tộc Sākya bị hoạ diệt vong, còn Đức Thế Tôn phát sanh chứng bịnh nhức đầu khủng khiếp (Pubbakammapilotika- Nghiệp quá khứ còn dư sót)20Ap. 390.
Theo bản Sớ giải Apadāna: “Đức Thế Tôn phải dùng thiền tịnh để chế ngự cơn nhức đầu này; nếu là người thường nhân, cơn nhức đầu này sẽ làm người ấy đột quỵ”.
Theo tập Sớ giải kinh Pháp cú câu số 47, Đức Thế Tôn đến ranh giới giữa hai nước Kosala và Sākya, Ngài ngồi nơi gốc cây của xứ Sākya có bóng nắng loang lỗ.
Trông thấy Đức Thế Tôn, vua Viḍūḍabha đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn và bạch:
– Bạch Thế Tôn, khi nắng như thế này, vì sao Ngài lại ngồi nơi gốc cây có bóng nắng loang lỗ. Xin thỉnh Ngài đến ngồi nơi cội cây to, có tàn nhánh rậm rạp.
(Cây cổ thụ có tàn nhánh rậm rạp ở bên kia thuộc lãnh thổ Kosala).
Đức Thế Tôn đáp:
– Thưa Đại vương, bóng râm của thân quyến bao giờ cũng mát mẻ.
Nghe vậy, vua Viḍūḍabha nghĩ rằng: “Chắc Đức Thế Tôn ngồi đây để bảo vệ thân quyến của Ngài”, nên ông kéo quân về.
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng như thế.
Đến lần thứ tư, Đức Thế Tôn không can thiệp nữa và bộ tộc Sākya bị tiêu diệt.
Có thể hiểu: Đức Thế Tôn ngăn cản ba lần để tránh bị chỉ trích rằng: “Ngài tự xưng là bậc Toàn Giác, vì sao biết thân quyến bị tiêu diệt mà không trợ giúp”; người chỉ trích Đức Thế Tôn như vậy sẽ rơi vào khổ cảnh. Đồng thời, người tạo ác nghiệp nhẹ, có cơ hội thoát hoạ diệt vong, có cơ hội thoát khỏi tai nạn, khi có thời gian do duyên lành trợ giúp khiến người ấy ra khỏi thành Kapilavatthu.
Do việc ngồi nơi cội cây có ánh nắng, ba lần nên Đức Thế Tôn mang chứng bệnh nhức đầu.
Lại nữa, trong Tạng Luật, tập Phân tích giới Tỳ Khưu (Bhikkhuvibhaṅga), điều học pārājika (trục xuất) thứ ba: Tội giết người (Bu Pj 3).
Đức Thế Tôn khi trú ngụ nơi giảng đường Kūṭāgāra. Đức Thế Tôn thuyết giảng về (đề mục) bất tịnh, khen ngợi (đề mục) bất tịnh, ngợi khen sự tu tập (đề mục) bất tịnh, ngợi khen về sự chứng đạt (đề mục) bất tịnh, cho các Tỳ Khưu một cách cặn kẽ bằng nhiều phương thức. Sau đó Đức Thế Tôn đã bảo các Tỳ Khưu rằng:
– Này các Tỳ Khưu, ta muốn thiền tịnh trong nửa tháng. Không ai đến gặp ta ngoại trừ một vị mang lại vật thực.
Các vị Tỳ Khưu tu tập (đề mục) bất tịnh, cảm thấy xấu hổ, nhờm gớm cơ thể của mình, một số tự mình đoạt mạng sống chính mình, số khác đoạt mạng sống lẫn nhau, một số đến gặp Sa môn giả hiệu Migalaṇḍika, nhờ ông này sát hại, thù lao cho Migalaṇḍika là y bát của vị ấy.
Do sự xúi giục của một thiên nhân là tuỳ tùng của Ác ma, Sa môn giả hiệu Migalaṇḍika sát hại một ngày một vị Tỳ Khưu hoặc hai vị Tỳ Khưu, có lúc Sáu mươi vị Tỳ Khưu.
Sau nửa tháng tịnh cư, Đức Thế Tôn xuất khỏi thiền tịnh, đã bảo Đại đức Ānanda:
– Này Ānanda, có phải hội chúng Tỳ Khưu dường như ít đi.
Và Ngài Ānanda đã trình lên Đức Thế Tôn sự kiện này.
Do nhân sự kiện đó, Đức Thế Tôn cho triệu tập tất cả các Tỳ Khưu sống nơi thành Vesāli, hội lại nơi Giảng đường Kūṭāgāra. Đức Thế Tôn thuyết giảng về định của niệm hơi thở vào- hơi thở ra. Rồi do duyên sự ấy, Đức Thế Tôn chế định học giới:
“Vị Tỳ Khưu nào cố ý đoạt mạng sống con người hoặc tìm cách đem lại vũ khí cho người ấy; vị này cũng vi phạm vào tội Pārājika, không được cộng trú”.
Ngài Buddhaghosa trong bản Sớ giải Luật giải thích:
Trong một kiếp sống quá khứ có đoàn thợ săn năm trăm người, họ đã tạo ác bất thiện nghiệp là săn bắn thú, đặt bẫy, sát hại thú trong một khu rừng, họ đã sát hại nhiều thú rừng trong suốt cuộc đời họ. Mệnh chung, họ rơi vào khổ cảnh địa ngục. Rồi một thiện nghiệp cho quả, họ tái sanh làm người, nhờ gặp được bạn lành, năm trăm vị được xuất gia trong Pháp Luật của Đức Thế Tôn. Một số trong họ thành tựu A La Hán, số khác là bậc Bất Lai, một số là Nhất Lai, một số là bậc Dự Lưu. Một số còn là phàm nhân.
Vào một buổi sáng, với Phật nhãn (Buddhacakkhu), Đức Thế Tôn thấy năm trăm vị Tỳ Khưu ấy sẽ mệnh chung do ác bất thiện nghiệp đã tạo do nuôi mạng bằng nghề săn bắn thú, sau hai tuần nữa.
Đức Thế Tôn thấy rằng: “Ngài không thể ngăn chặn ác quả đã chín muồi”. Đức Thế Tôn thấy rằng: “Các bậc A La Hán sẽ viên tịch, các bậc Thánh Bất Lai, Nhất Lai và Dự Lưu sẽ sanh nhàn cảnh (khi các Ngài bị Sa môn giả hiệu Migalaṇḍaka sát hại). Còn các vị Tỳ Khưu phàm, nếu mạng chung với tâm trạng dính mắc với dục tham (chandarāga), các vị phàm nhân ấy sẽ rơi vào khổ cảnh.
Tuy nhiên, nếu Ngài dạy cho họ về thiền bất tịnh, các vị ấy sẽ loại trừ được sự dính mắc vào thân xác và không còn sợ chết. Nhờ đó, các vị Tỳ Khưu phàm nhân được tái sinh về nhàn cảnh.
Và Đức Phật dạy các vị ấy đề mục quán xét ba mươi hai thể trược, bằng nhiều cách Đức Thế Tôn khen ngợi thiền ấy (Bản Sớ giải có nêu rõ: “Đức Thế Tôn không có ý định ca ngợi sự chết”.
Đức Thế Tôn cũng biết rằng: “Hôm nay có một vị Tỳ Khưu bị sát hại”; “hôm nay có năm vị Tỳ Khưu bị sát hại” … Dù biết nhưng Đức Thế Tôn không thể ngăn cản được điều đó. Với lòng bi mẫn đối với những người có thể chỉ trích Ngài: “Vì đã không ngăn chặn việc sát hại này”, nên Ngài tịnh cư nửa tháng.
Sau hai tuần lễ, cả năm trăm vị Tỳ Khưu đều chết.
Do thấy được tai hại sẽ khởi lên do chấp thuận cho nữ giới xuất gia trong Pháp Luật này, nên phần giới luật của Tỳ Khưu Ni, Đức Thế Tôn đã nghiêm khắc, để làm giảm thiểu tai hại xuất phát từ Tỳ Khưu Ni, một tai hại mà Đức Thế Tôn không thể ngăn chặn sau khi Ngài đã viên tịch.
Cũng từ việc cố gắng xin cho nữ giới được xuất gia trong Pháp Luật này. Trong cuộc kết tập Phật ngôn lần thứ I, vào lúc sắp hoàn mãn, các vị Tỳ Khưu Trưởng lão đã khiển trách và buộc Ngài Ānanda phải sám hối tội dukkaṭa, vì đã nỗ lực xin cho người nữ được xuất gia trong Pháp Luật này. Ngài Ānanda có trình bày lý do, nhưng tôn trọng Tăng lịnh, Ngài Ānanda sám hối tội dukkaṭa21Xin lưu ý: Từ ‘dukkaṭa’ ở đây được hiểu là ‘hành động chưa hợp lẽ, chưa hợp lý’ chứ không phải một tội vi phạm được nêu trong Luật Tạng, vì rằng chỉ có Đức Thế Tôn mới được ban hành Luật, các Tỳ Khưu Trưởng Lão Thánh Thanh Văn cũng không được đặt thêm Luật mới. Giống như từ ‘magga’ trong ‘ariya aṭṭhangika magga’ được hiểu là ‘Thánh Đạo Tám Ngành’, còn trong ‘tiyojanamagga’ được hiểu là ‘con đường dài ba do tuần’..
Sự chấp nhận tám trọng pháp một cách đầy nhiệt tâm của bà Gotamī đã tạo thành sự thành tựu mặc nhiên phẩm vị Bhikkhunī (Tỳ Khưu Ni) cho bà Gotamī, không cần phải thực hành lễ xuất gia thọ giới Tỳ Khưu Ni trong Sīmā (Ranh giới). Sự xuất gia vào Tăng chúng như thế, được gọi là: Aṭṭha garudhammā patiggahana upasampadā: (Thành tựu đầy đủ giới Tỳ Khưu do nhận lãnh tám trọng pháp).
Về sau, các Tỳ Khưu Ni khác đã nói với bà Mahāpajāpati Gotamī rằng:
– Bà chưa tu lên bậc trên (chỉ cho giới Tỳ Khưu Ni), và chúng tôi đã được tu lên bậc trên; bởi vì Đức Thế Tôn đã quy định như thế này: “Các Tỳ Khưu Ni được tu lên bậc trên với các Tỳ Khưu”.
Bà Gotamī đi đến gặp Đại đức Ānanda đã trình bày lên Ngài Ānanda việc này. Ngài Ānanda đi đến Đức Thế Tôn, sau khi đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên trình lên Đức Thế Tôn về điều này.
Bạch Ngài, bà Mahāpajāpati Gotamī đã nói như vầy: “Thưa Đại đức Ānanda, các Tỳ Khưu Ni này đã nói với tôi như vầy: “Bà chưa được tu lên bậc trên, và chúng tôi đã được tu lên bậc trên; bởi vì Đức Thế Tôn đã quy định như thế này: “Các Tỳ Khưu Ni được tu lên bậc trên vơi các Tỳ Khưu”.
– Này Ānanda, kể từ lúc bà Mahāpajāpati Gotamī thọ nhận tám trọng pháp, chính việc ấy là đã được tu lên bậc trên với bà.
Sau khi thọ giới Tỳ Khưu Ni xong, bà Mahāpajāpati Gotamī tinh tấn hành pháp.
Trước khi được thọ đại giới Tỳ Khưu Ni, Di mẫu Mahāpajāpati Gotamī là bậc Thánh Dự Lưu nhờ nghe bài pháp Mahādhammapāla jātaka (Bổn sự Đại Hội Pháp) (số 447). Về sau bà nghe Đức Thế Tôn thuyết bài pháp Saṅkhittadhanasuttaṃ (Kinh Các Tài Sản Tóm Lược) và chứng Thánh quả A La Hán. Đức Thế Tôn dạy:
“Này các Tỳ Khưu, có bảy tài sản này. Thế nào là bảy?”
Sattimāni, bhikkhave, dhanāni. Katamāni satta?
“Tín tài sản, giới tài sản, tàm tài sản, quý tài sản, văn tài sản, thí tài sản, tuệ tài sản. Như vậy, này các Tỳ Khưu, đây là bảy loại tài sản này.”
Saddhādhanaṃ, sīladhanaṃ, hiridhanaṃ, ottappadhanaṃ, sutadhanaṃ, cāgadhanaṃ, paññādhanaṃ. Imāni kho, bhikkhave sattadhanātī’ti.
“Tín tài và giới tài”
“Tàm tài và quý tài”
“Văn tài và thí tài”
“Và tuệ là thứ bảy”
“Ai có những tài (sản) này”
“Nữ nhân hay nam nhân”
“Được gọi không nghèo khổ”.
“Mạng sống không trống rỗng”
“Do vậy tín và giới”
“Tịnh tín và thấy pháp”
“Bậc trí chuyên chú tâm”
“Ức niệm lời Phật dạy”.
Hiri ottappiyaṃ dhanaṃ
Sutadhanañca cāgo ca
Paññā ve sattamaṃ dhanaṃ
Yassa ete dhanā atthi
Itthiyā purisassa vā
Adaliddoti taṃ āhu
Amoghaṃ tassa jīvitam
Tasmā saddhañca sīlañca
Pasādaṃ dhammadassanaṃ
Anuyuñjetha medhāvī
Saraṃ buddhānasāsana’n ti
Bà Gotamī đưa tâm quán sát lời Phật dạy, chứng đắc Thánh quả A La Hán.
Khi chấp nhận thọ trì tám trọng pháp đến trọn đời, bà Mahāpajāpati Gotamī đi đến gặp Đức Thế Tôn. Sau khi đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên (vị Tỳ Khưu hay người nam sau khi đảnh lễ, rồi ngồi xuống một bên hợp lẽ; còn nữ giới sau khi đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi, đứng một bên hợp lẽ).
Khi đã đứng ở một bên, bà Mahāpajāpati Gotamī bạch với Đức Thế Tôn rằng:
– Bạch Ngài, con thực hành như thế nào đối với các người nữ dòng Sākya này?
Đức Thế Tôn giảng pháp thoại thích hợp đến bà Gotamī. Nghe xong pháp thoại, bà Gotamī đảnh lễ Đức Thế Tôn, hướng phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
Sau đó, nhân lý do đó, Đức Thế Tôn thuyết lên pháp thoại thích hợp, rồi bảo các Tỳ Khưu.
– Này các Tỳ Khưu, ta cho phép các Tỳ Khưu Ni được tu lên bậc trên với các Tỳ Khưu.
(Sự xuất gia tu lên bậc trên của năm trăm vương phi thuộc tộc Sākya này, được gọi là: Ekata upasampadāpanna (được thành tựu cụ túc giới một phía; tức là không có Tỳ Khưu Ni tham dự)22Cách thức thọ giới này được tính chung vào cách thọ giới bằng Tứ Tác Bạch Tuyên Ngôn (Ñatticatutthakammūpasampadā)..
Về sau, các người nữ tu lên bậc trên (chỉ cho thọ giới Tỳ Khưu Ni) được thấy có hai mươi bốn chướng ngại pháp (là những pháp không được cho xuất gia Tỳ Khưu Ni). Đức Phật cho phép các Tỳ Khưu được hỏi hai mươi bốn pháp chướng ngại đến cô Ni muốn tu lên bậc trên.
Trong tập Phân tích Giới Tỳ Khưu Ni (Bhikkhunīvibhaṅga) người nữ muốn được thọ giới Tỳ Khưu Ni phải đầy đủ các điều như sau:
– Phải được sự đồng ý của cha mẹ hay chồng (đã có chồng nhưng vẫn lệ thuộc vào cha mẹ) cho phép được xuất gia.
– Phải tròn đủ hai mươi tuổi (tính tuổi trong bụng mẹ) tức là hài nhi khi sanh ra khỏi bụng mẹ được tính là một tuổi).
– Phải thực hành sáu pháp với thời gian tròn đủ là hai năm.
– Phải không có hai mươi bốn pháp chướng ngại.
Các cô có ý muốn tu lên bậc trên, khi các Tỳ Khưu hỏi các pháp chướng ngại của các Tỳ Khưu Ni. Các cô Ni tập sự bối rối, mắc cỡ không thể trả lời được. Các vị đã trình lên Đức Phật việc này. Đức Phật dạy:
– Này các Tỳ Khưu, ta cho phép sự tu lên bậc trên ở hội chúng Tỳ Khưu đến người nữ đã được tu lên bậc trên, từ một phía ở hội chúng Tỳ Khưu Ni (và) được trong sạch.
(Nghĩa là: hội chúng Tỳ Khưu Ni hỏi hai mươi bốn pháp chướng ngại đến người nữ muốn tu lên bậc trên, không có sự hiện diện các Tỳ Khưu, rồi tụng tuyên ngôn cho thọ giới tu lên bậc trên, gọi là từ một phía hội chúng Tỳ Khưu Ni. Sau đó đến thọ giới Tỳ Khưu Ni nơi hội chúng Tỳ Khưu, không cần phải hỏi hai mươi bốn pháp chướng ngại nữa).
Như vậy, người nữ muốn thọ giới Tỳ Khưu Ni, phải thọ giới ở lưỡng pháp Tăng.
Tỳ Khưu Ni Tích lan
Hội chúng Tỳ Khưu Ni được phát triển song hành với hội chúng Tỳ Khưu ở địa bàn Ấn Độ cho đến thế kỷ thứ ba.
Theo tập Mahāvaṃsa (Đại Sử). Sau khi Đức Thế Tôn viên tịch được 218 năm, vua Asoka (A Dục) nắm chủ quyền toàn cõi Ấn cổ (Jampudīpa), nhưng mãi bốn năm sau vị Asoka mới làm lễ đăng quang.
Bấy giờ, sau hai trăm năm kể từ khi Đức Thế Tôn viên tịch, sự phân phái trong Phật giáo đã có mười tám bộ phái, về sau lại có thêm sáu bộ phái nữa.
Vua Asoka (A Dục, 273- 232 trước Tây lịch) được người cháu ruột của mình là Ngài Sadi Nigrodha tế độ, vua Asoka trở thành vị hộ pháp tích cực của Phật giáo.
Vua Asoka là vị tài trợ cho cuộc kết tập Phật ngôn lần thứ III, do Ngài Moggalliputta Tissa là vị chủ toạ, đại hội kết tập Phật ngôn lần thứ III có số lượng là 1000 vị Thánh A La Hán, là bậc Tứ tuệ phân tích, là bậc đa văn, thông suốt Tam tạng.
Cuộc kết tập Phật ngôn lần III kéo dài 9 tháng, khi ấy Ngài Moggalliputta Tissa được 72 tuổi.
Vua Asola cử chín đoàn truyền giáo đi truyền bá Giáo Pháp. Đoàn truyền giáo do Ngài Trưởng lão Mahinda (là con trai của vua Asoka) đi truyền giáo ở hải đảo Srilankā (Tích Lan); đoàn có tất cả là năm vị Trưởng lão: Mahinda, Iṭṭhiya, Utthiya, Sambala và Bhaddasāla23Mhv. XII, về sau có Ngài Sadi Sumana (con của bà Saṅghamittā) cũng tháp tùng.
Ngài Mahinda truyền bá Giáo Pháp rộng đến đảo Tích Lan vào thời vua Devānampiya Tissa. Hoàng hậu Anulā của vua Devānampiya Tissa muốn được xuất gia trong Pháp Luật này.
Hoàng hậu Anulā cùng năm trăm cung nhân của bà đi đến vua Devānampiya Tissa xin được phép xuất gia. Vua Devānampiya Tissa trình lên Trưởng lão Mahinda, Ngài Mahinda nói rằng:
– Thưa Đại vương, chúng tôi không được phép xuất gia cho nữ nhân. Nhưng tại Pāṭaliputta có vị Tỳ Khưu Ni là Saṅghamittā là con gái của vua tôi, nàng ấy có nhiều kinh nghiệm, sẽ đến đây cùng với nhánh Bồ Đề ở phía nam cội Đại Giác. Khi đến đây nàng Saṅghamittā sẽ truyền pháp xuất gia đến các nữ nhân này.
Trưởng lão Ni Saṅgamittā cùng với tám vị Tỳ Khưu Ni khác đi đến Tích Lan theo lời thỉnh cầu của vua Devānampiya Tissa và được vua Asoka đồng thuận.
Trưởng lão Ni Saṅghamittā đã cho hoàng hậu Anulā cùng năm trăm cung nhân được xuất gia Tỳ Khưu Ni24Dpv. XVI.
Khi Tỳ Khưu Ni thuộc Phật giáo Hệ phái Theravāda ở Ấn Độ bị hoại diệt, nhưng Tỳ Khưu Ni Hệ phái Theravāda ở Tích Lan vẫn tồn tại phát triển xem như Tỳ Khưu Ni thuộc Hệ phái Theravāda chỉ có duy nhất ở Tích Lan.
Giáo hội Tỳ Khưu Ni thuộc Hệ phái Theravāda bị hoại diệt
Theo tập “Nguồn gốc Tu nữ Nam Tông”25Tu nữ Mỹ Thuý-Dhīracittā Therī biên soạn.:
Vào thế kỷ thứ 10- 11, đảo quốc Tích Lan bị rơi vào sự cai trị của triều đại Cola (993- 1070 sau Tây lịch). Đây là triều đại theo tín ngưỡng đạo Hindu (Ấn giáo) thờ thần Saivite.
Triều đại này kéo dài đến 77 năm, nên Phật giáo Srilaṅka rơi vào tình trạng suy vong trầm trọng.
Khi vua Vijayabāhu I (1059- 1114 sau Tây lịch), đứng lên, chiến thắng triều đại Cola giành lại chủ quyền cho dân xứ Srilaṅka. Vua Vijayabāhu I, tên là Kitti, là con của vương tử Moggallāna và công chúa Lokitā26Cv.lvii, 42 (chi tiết cuộc đời của Vijayabāhu I)27xem Cv.lvii-lx.
Vua Vijayabāhu trị vì được năm mươi lăm năm. Ông sống thời thơ ấu tại Mūlasālā, lúc mười sáu tuổi, ông thắng được Kesadhātu Kassapa, lên trị vì xứ Rohana dưới vương hiệu là Yuvarāja Vijayabāhu. Đến năm thứ mười lăm Vua Yuvarāja Vijayabāhu mới chiến thắng được triều đại Cola, bình định xứ Srilaṅka, trong sự chiến thắng này, có sự trợ giúp đỡ của vua xứ Miến Điện là Rāmañña.
Vào năm thứ mười tám vua Yuvarāja Vijayabāhu chính thức lên ngôi trị vì xứ Srilaṅka.
Khi đất nước được yên bình, vua Vijayabāhu I xin vua Rāmañña cử sang Tích Lan nhiều vị Tỳ Khưu để phục hồi lại Tăng đoàn vì khi ấy số lượng Tỳ Khưu trong xứ Srilaṅka còn quá ít, không đủ số lượng Tăng để cho xuất gia thọ giới Tỳ Khưu.
Còn hội chúng Tỳ Khưu Ni thì hoàn toàn vắng mặt, ở xứ Miến Điện không có hội chúng Tỳ Khưu Ni; còn hội chúng Tỳ Khưu Ni ở Tích Lan thì không nghe nhắc đến. (Nhưng theo sử liệu Miến Điện Tỳ Khưu Ni Miến Điện còn tồn tại đến thế kỷ 13 sau Tây lịch, nhưng đó là Tỳ Khưu Ni theo truyền thống Phật giáo Bắc tông.
Theo tập Mahāvaṃsa (Đại sử) ghi nhận:
Dấu tích cuối cùng có nhắc đến Tỳ Khưu Ni Tích Lan là vào cuối thế kỷ thứ mười sau Tây lịch, vua Mahinda (956- 972) có xây dựng một tự viện là Mahāmallaka dâng đến các Tỳ Khưu Ni thuộc Hệ phái Theravāda. Trải qua 77 năm của triều đại Cola, xem như Tỳ Khưu Ni Theravāda Tích Lan không còn.
Ghi chú
- 1Sn. 63
- 2Sn. 168
- 3ThigA.3.41
- 4Sn. 174
- 5Sn. 171
- 6Sn. 179
- 7Sn. 166
- 8SnA.i, 174
- 9MA.i, 298; 249
- 10MA.i, 208; DA.i, 304
- 11Tăng Chi Kinh, Đại Phẩm, kinh Tapussa, A.iv, 438
- 12DhpA.i, 86; DhsA. 34; JA.i, 77
- 13Mhv.ii, 65; Dpv.iii, 45
- 14DhpA.iii, 169
- 15Mhv.xii,5, 37; Dpv.viii, 8; Sp.i, 67
- 16ThigA. 14
- 17Tương đương 800km; nếu tính một do tuần = 16km
- 18M.iii, 253
- 19M.iii, 270
- 20Ap. 390
- 21Xin lưu ý: Từ ‘dukkaṭa’ ở đây được hiểu là ‘hành động chưa hợp lẽ, chưa hợp lý’ chứ không phải một tội vi phạm được nêu trong Luật Tạng, vì rằng chỉ có Đức Thế Tôn mới được ban hành Luật, các Tỳ Khưu Trưởng Lão Thánh Thanh Văn cũng không được đặt thêm Luật mới. Giống như từ ‘magga’ trong ‘ariya aṭṭhangika magga’ được hiểu là ‘Thánh Đạo Tám Ngành’, còn trong ‘tiyojanamagga’ được hiểu là ‘con đường dài ba do tuần’.
- 22Cách thức thọ giới này được tính chung vào cách thọ giới bằng Tứ Tác Bạch Tuyên Ngôn (Ñatticatutthakammūpasampadā).
- 23Mhv. XII
- 24Dpv. XVI
- 25Tu nữ Mỹ Thuý-Dhīracittā Therī biên soạn.
- 26Cv.lvii, 42
- 27xem Cv.lvii-lx