WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Về ơn Mẹ và Cha

Nữ Giới Và Sự Phục Hồi Tỳ Khưu Ni Theravāda

Biên soạn
Tỳ Khưu Chánh Minh

Chương II
Phật giáo với Nữ giới

Những ưu điểm của Nữ nhân

Trong Tăng Chi Kinh, chương Hai Pháp, kinh Tâm Thăng Bằng (Samacittavaggo)1A.i, 61, Đức Thế Tôn dạy:

“Có hai hạng người, này các Tỳ Khưu, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và cha”.
“Dvinnāhaṃ, bhikkhave, na suppatikāraṃ vadāmi. Katamesaṃdvinnaṃ? Mātū ca pitu ca.”

Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỳ Khưu, nếu một bên vai cõng cha, là như vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội và dầu; tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, này các Tỳ Khưu, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha.

Hơn nữa, này các Tỳ Khưu, nếu có an trú mẹ cha vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỳ Khưu, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỳ Khưu, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này.

Đoạn kinh văn trên Đức Phật mô tả công ân của mẹ cha đối với con vô cùng rộng lớn, công ân ấy không có phân biệt giới tính, xem như ngang bằng nhau.

Nói như thế, không có nghĩa là “người cha không có sự hy sinh đối với con”, nhưng với nhiệt tình, quyết liệt, có lẽ sự hy sinh của người cha đối với con phải nhường bước cho người mẹ. Vì rằng: “người nữ có khuynh hướng sống cho “cái của tôi”, còn người nam có khuynh hướng sống cho “cái tôi”.

Được nghe rằng: “Người nam không thể nhẫn nại khi bị xúc phạm đến cái tôi của họ”; “người nữ không thể nhẫn nại được khi bị xúc chạm đến “cái của tôi” của họ”; “Đức vua không thể nhẫn nại được khi bị xúc chạm đến vương quyền.”

Và như vậy, cũng không ngạc nhiên khi các văn sĩ, thi sĩ, các kịch sĩ thường tán tụng tình mẹ hơn tình cha.

Thông thường, những đoạn kinh văn khi đề cập đến mẹ cha, Đức Thế Tôn thường nêu lên “Mātu ca pitu ca” (Mẹ và cha) hay Mātāpitū (Mẹ cha) như trong kinh Maṅgala (Điềm lành)2(1) Sn. 46, kệ ngôn số 265:

“Hiếu dưỡng mẹ và cha
Nuôi dưỡng vợ và con
Làm nghề không rắc rối
Là điềm lành tối thượng”
Mātāpitū upaṭṭhānaṃ
Puttadārassa saṅgaho
Anākulaca kammmantā
Etaṃ maṅgalamuttamaṃ
(HT. Thích Minh Châu dịch)

Trong Tương Ưng Kinh I, chương Tương Ưng Bà La Môn (Brahmaṇasaṃyuttaṃ), kinh Mānatthaddha (Mānatthaddhasuttaṃ)3(2) S.i, 177: Đức Thế Tôn dạy Bà la môn Mānatthaddha:

“Với mẹ và với cha”
Mātari pitari cāpi
“Với anh nhiều tuổi hơn”
Atho jeṭṭhamhi bhātari
“Với thầy là thứ tư…”
Ācariye catuttham hi

Trong Trường Bộ Kinh III, kinh Siṅgālovāda (Siṅgālovādasuttanta) (số 31)4(3) D.iii, 180, Đức Phật dạy:

“Này con người gia chủ, sáu phương này cần được hiểu như sau: Phương Đông cần được hiểu là mẹ cha”
Cha imā gahapatiputta disā veditabbā. Puratthimā disā mātāpitaro veditabbā

Khoan bàn sâu về những ý nghĩa thâm sâu trong những kệ ngôn trên, chỉ lưu ý đến hình thức: Các kệ ngôn thường đặt vị trí người mẹ đứng trước cha, có khả năng đó là do tập quán chủng tộc, vì Đức Thế Tôn có nguồn gốc là dân bản địa Dravidian thuộc mẫu hệ nên đặt mẹ trước cha là theo tính cách tự nhiên; nhưng nếu xét về khía cạnh khác, Đức Thế Tôn dường như đã xem trọng ân đức người mẹ hơn cha. Nhưng dù sao chăng nữa, điều này cho thấy ân đức mẹ ngang bằng không thua kém ân đức cha.

Đây cũng là một trong những cách tôn trọng nữ giới.

Trong Tăng Chi Kinh, Chương Ba Pháp, phẩm IV. Sứ giả của Trời (Devadūtavaggo), kinh Ngang bằng với Phạm thiên (Sabrahmakasuttaṃ) (số 31)(4), Đức Thế Tôn dạy:

“Phạm thiên, này các Tỳ Khưu, là đồng nghĩa với mẹ cha”.
Brahmāti, bhikkhave, mātāpitūnaṃ etaṃ adhivacanaṃ

“Các Đạo sư thời xưa, này các Tỳ Khưu, là đồng nghĩa với mẹ cha”.
Pubbācariyā’ti, bhikkhave, mātāpitūnaṃ etaṃ adhivacanaṃ

“Đáng được cúng dường, này các Tỳ Khưu, là đồng nghĩa với mẹ cha”.
Āhuneyyā’ti, bhikkhave, mātāpitūnaṃ etaṃ adhivacanaṃ

Ngài Buddhaghosa trong bản Sớ giải bài kinh này giải thích:

Từ Brahma (Phạm Thiên) trong kệ ngôn Brahmāti mātāpitūnaṃ: là tên gọi chỉ cho “vị không xa lìa bốn pháp vô lượng: Từ, bi, hỷ, xả”. Thật vậy, vị được gọi là Phạm thiên vì luôn có bốn pháp vô lượng này đối với tất cả mọi sinh chúng. Cũng vậy, mẹ cha luôn có bốn pháp này đối với con, qua các giai đoạn thời gian như sau.

Ngay khi đứa con còn nằm trong thai bào, mẹ cha đã có sự thương yêu hài tử, cho dù chưa thấy được đứa con, tâm người mẹ người cha luôn mong đứa con đầy đủ mọi bộ phận tốt đẹp.

Khi hài tử được sinh ra còn bé bỏng, mẹ cha chăm sóc, ẵm bồng, mong muốn con an lạc, nhanh chóng lớn lên vững mạnh. Tiếng khóc của đứa bé khiến cho mẹ cha phải dừng mọi việc, chú trọng vào việc mang lại sự êm dịu hài lòng cho con trẻ, nên Đức Phật dạy:

“Này các Tỳ Khưu, sức mạnh của con nít là khóc”5Tăng Chi Kinh, Chương Tám Pháp, phẩm Gia Chủ, bài kinh Sức Mạnh 1, A.iv, 223.
Ruṇṇabalā, bhikkhave, dārakā

Khi đứa bé phát triển, tự mình đi đứng, chơi đùa… hay khi trưởng thành là thanh niên, thiếu nữ, mẹ cha vô cùng hoan hỷ trước sự thành đạt, thành tựu tốt đẹp của con, không hề có tâm ganh tỵ.

Đến khi người con đến thời thành lập gia thất, người mẹ người cha có tâm xả ly tài sản để thành toàn hạnh phúc đến người con. Như vậy mẹ cha được gọi là Phạm thiên của con.

Cụm từ Pubbācariyā’ti vuccare: “Mẹ cha là bậc thầy đầu tiên” của con, nghĩa là khi người con có được sự nhận thức, mẹ cha là vị thầy đầu tiên; mẹ cha luôn dạy dỗ con như: Hãy đi như vầy, hãy ngồi như vầy, hãy đứng như vầy, hãy nằm như vầy, hãy ăn như vầy, hãy gọi cha, hãy gọi người này là mẹ, hãy gọi người này là anh… nên làm điều này, không nên làm điều này, nên giao du với người này, không nên giao du với người này…

Thời gian sau, các vị thầy khác mới chỉ dạy thêm những nghệ thuật mới như: cưỡi ngựa, cưỡi voi, nghệ thuật bắn cung, v.v.

Do vậy, Đức Thế Tôn dạy: “Mẹ cha là vị thầy đầu tiên của con”.

Và “mẹ cha là bậc đáng cúng dường”.

Lại nữa, chẳng phải ở vai trò làm mẹ, người nữ mới thể hiện sự hy sinh, ngay cả ở vai trò làm vợ, người nữ cũng thể hiện sự hy sinh đối với chồng, ngoài ra còn nhu thuận với chồng. Đây cũng là một phẩm chất tốt của nữ nhân.


Ghi chú:

  • 1
    A.i, 61
  • 2
    (1) Sn. 46
  • 3
    (2) S.i, 177
  • 4
    (3) D.iii, 180
  • 5
    Tăng Chi Kinh, Chương Tám Pháp, phẩm Gia Chủ, bài kinh Sức Mạnh 1, A.iv, 223