WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Bố Thí (Dāna)

Bố Thí Độ
Dāna Pāramitā

Soạn giả
Tỳ khưu Chánh Minh

Dāna từ ngữ căn là Dā nghĩa là cho, dâng hiến.

Ngày nay người Phật tử đã hiểu biết nhiều về “sự đem cho”, ý nghĩa “đem cho” trở nên quen thuộc và rất bình thường.

Nhưng nếu ngược dòng lịch sử, trở về thời cổ đại, chúng ta thấy rằng: “Đây là nét độc đáo của người Ấn cổ và pháp môn bố thí được hoàn chỉnh từ Đức Phật”. Đức Phật xác nhận rằng:

“Bố thí, này các tỳ khưu, được bậc hiền trí tuyên bố (paṇḍitapaññattāni), được bậc chân nhân tuyên bố (sappurisapaññattāni).”1A.i, 151 – Phẩm nhỏ.

Các tôn giáo khác như Khổng, Lão, Hồi, Thiên chúa giáo… không hề đề cao, phân tích, hay tìm hiểu sâu sắc về “pháp đem cho” như Phật giáo.

Trước thời Đức Phật đã có pháp bố thí (dāna dhamma), nhưng hình thành từ bao giờ? Do nhân nào? Hẳn rất khó tìm ra câu trả lời chính xác.

Trên phương diện lịch sử cổ Ấn, có thể hiểu “sự đem cho” ban đầu chỉ là sự tương trợ vật chất giữa người với người.

Người Ấn cổ đa phần sống về nghề nông, nhưng bối cảnh xã hội Ấn cổ là một chuỗi dài khắc nghiệt của thiên nhiên, điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên làm cho mùa màng bị thất thu dẫn đến nghèo đói, bệnh tật, chết chóc cùng các tệ nạn cướp bóc, trộm cắp … làm rối loạn sinh hoạt xã hội đương thời.

Chính vùng đất trù phú Đông Ấn, cũng không thoát khỏi sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Vào thời Đức Phật, vẫn có nạn đói ở ngay kinh thành Vesāli, Đức Phật cùng chư Tỳ khưu cũng bị nạn đói ở xứ Verañja2Luật Tạng, Mahā vibhaṅga bikkhu ( Đại phân tích tích tỳ khưu).

Thậm chí, do nhu cầu nước để sử dụng trong nông vụ, cả hai họ nội – ngoại dòng Thích Ca tranh nhau giòng sông Rohinī, suýt nữa máu đã đổ nếu như không có Đức Phật khuyên giải3DhA, câu số 197 – 198 – 199 .Phẩm hạnh phúc.

Sự phân chia giai cấp ở Ấn cổ, lại tạo nên sự chênh lệch mức sống giữa người với người, giai cấp thống trị ra sức vơ vét đồng thời bức hại giai cấp nô lệ, “người quá dư thừa, kẻ lại thiếu thốn cùng cực”, giai cấp khốn khổ lại chiếm phần lớn, dần dần dẫn đến sự rối loạn xã hội như trộm cắp, giết người cướp của …

Để ổn định và tạo cho xã hội có bộ mặt thanh bình an ổn, các nhà hiền triết cổ Ấn hoặc các vị lãnh đạo của giai cấp thống trị đưa ra giải pháp “đem cho rộng rải” (bố thí – bố có nghĩa là khắp nơi, rộng rải).

Như vậy, có lẽ do điều kiện: “nghèo đói và sự bức hại người khác vì thiếu thốn”, là nguyên nhân hình thành “minh triết về bố thí”.

Kinh điển có ghi: “Các vị vua Chuyển Luân thường trị nước bằng vương pháp, trong đó bố thí được nêu trước tiên nên đời sống dân chúng an lành, những hình phạt không cần dùng đến”…

“Về sau các hậu duệ của vua Chuyển Luân Vương không còn thực hành pháp bố thí, thế là trộm cắp khởi lên, rồi hình phạt được thiết lập, sát sanh hình thành, nói dối hiện khởi…”4D.ii, kinh Tiểu Chuyển luân vương sư tử hống.

Tóm lại, do nghèo đói các ác bất thiện pháp nương khởi sanh lên, bố thí là một trong những điều kiện ngăn trừ hoặc tiêu diệt các ác bất thiện pháp ấy.

Pháp bố thí góp phần tạo sự an ổn của cộng đồng xã hội, mang lợi ích đến người với người. Về sau, Đức Phật khai triển rộng rải pháp môn “đem cho” đến mọi giới.

Có lần Du sĩ Vacchagotta bạch hỏi Đức Phật rằng:

“Thưa Sa môn Gotama, được nghe rằng: Sa môn Gotama có dạy rằng: hãy bố thí cho ta và đệ tử của ta, không nên bố thí đến người khác”. thưa Sa môn Gotama, lời ấy có thật không hay là là lời xuyên tạc.”

Đức Phật đáp rằng: “Đó là lời xuyên tạc Như Lai”. Rồi Ngài dạy rằng:

“Này Vacchagotta, Ta nói như sau: “những ai đổ đồ phế thải trên mâm, hay đồ rữa chén, bát vào hố rác” với ý nghĩ để các hữu tình trong ấy, nhờ đó mà được ăn được sống”. Này Vaccha, ta nói còn đem lại công đức nói gì đến loài người”5A.i, 57 (Du sĩ Vacchagotta)..

Đoạn kinh trên cho chúng ta thấy: “chẳng phải đối tượng thọ vật thí chỉ là nhân loại, Đức Phật còn mở rộng đến chúng sanh hạ đẳng đang sống ở hố rác”, có điều là “khi hành pháp bố thí cần phải có tác ý đến (cetanā)”.

Chính câu hỏi của du sĩ Vacchagotta cho chúng ta thấy: “Sự bố thí trước đó, tuy không còn trong phạm vi hẹp: Ta và đồ chúng của ta (sẽ bị chỉ trích nếu vị Giáo chủ nào tuyên bố như thế), nhưng có thể chưa được mở rộng “đến tất cả chúng sanh”. Và lời dạy của Đức Phật đã xóa bỏ ranh giới “đối tượng nhận vật thí”.

Ngày nay hàng phật tử dường như nằm lòng câu phật ngôn:

“Cetanāhaṃ bhikkhave kammaṃ vadāmi: Này các chư Tỳ khưu! Như Lai tuyên bố tác ý (cetanā) chính là nghiệp”. Và cũng xem “có ý đem cho” rất bình thường.

Nhưng nếu trở lại 2.500 năm trước, câu Phật ngôn này quả thực là một tư tưởng tuyệt vời, độc đáo.

Tuy các nhà hiền triết Ấn cổ cũng có chủ trương nghiệp (kamma), nhưng “nghiệp nào là quan trọng nhất?”, đa phần cho rằng “thân nghiệp” là quan trọng nhất chứ không phải là ý nghiệp.

Chính Nigantha Nātaputta vị Tôn sư nổi tiếng trước khi Đức Phật xuất hiện, cũng chủ trương “thân tội là quan trọng nhất”.6M.iii, kinh Upāli.

Không có cetanā (sự cố ý) giống như loại chữ viết trên nước, nên quả phước khi hình thành trở nên bé nhỏ. Có cetanā ví như loại chữ viết trên cát hoặc chữ khắc trên đá7A.i, 283., nó hình thành quả bố thí đáng hài lòng, thích ý.

Từ đây, chúng ta có bài học: “khi bố thí đến bất cứ đối tượng nào, nên có “ý nghĩ” đến đối tượng đó”. Và sự bố thí này lưu lại công đức.

Mặc khác, trước thời Đức Phật đối tượng nhận vật thí chỉ là người hay những vị thần trong giáo hệ Bàlamôn qua những tế đàn, không hề có tư tưởng “thương tưởng” đến những con vật, dù rằng họ vẫn bố thí đến chúng. Thậm chí các giáo sĩ Bàlamôn còn dùng chúng hoặc chính con người làm lễ vật tế thần.

Trái lại, Đức Phật nêu lên 14 đối tượng thọ thí, bố thí đến súc sanh có được trăm lần phước, bố thí đến người ác giới có ngàn lần phước… tức là: cho 10 lần đến súc sanh bằng cho 1 lần đến người ác giới, cho 10 lần đến người ác giới bằng cho 1 lần đến người có giới…8M.iii, kinh Cúng dường phân biệt (dakkhiṇāvibhaṅgasutta)

Tuy có sự phân biệt đối tượng, nhưng rõ ràng Đức Phật đã xác nhận “bố thí đến loài thú (tiracchāna) vẫn có phước”.

Đức Phật cổ súy hành pháp bố thí rộng rải đến mọi giới, vì pháp bố thí giúp chúng sanh thoát ra cái khổ “do thiếu thốn”, thoát ra khổ cảnh (duggati).

Khi đến một vùng chưa có ánh sáng giáo pháp, Đức Phật thường thuyết lên “Tuần tự pháp” (anupubbakathā dhammā). Tức là:

– Nói về bố thí (dānakathā).

– Giải về giới hạnh (sīlakathā).

– Nêu lên các cõi trời (saggakathā).

– Nói lên sự nguy hại, hạ liệt, nhiễm ô của các dục lạc (kāmādinavakathā).

– Sau cùng nói đến an lạc, lợi ích của viễn ly (nekkhammakathā)9A.iv, 208. Phẩm gia chủ..

Trải qua hơn 2500 năm, pháp môn bố thí vẫn luôn luôn rực sáng, đồng thời có giá trị bất khả phủ bác.


Ghi chú:

  • 1
    A.i, 151 – Phẩm nhỏ.
  • 2
    Luật Tạng, Mahā vibhaṅga bikkhu ( Đại phân tích tích tỳ khưu).
  • 3
    DhA, câu số 197 – 198 – 199 .Phẩm hạnh phúc
  • 4
    D.ii, kinh Tiểu Chuyển luân vương sư tử hống.
  • 5
    A.i, 57 (Du sĩ Vacchagotta).
  • 6
    M.iii, kinh Upāli.
  • 7
    A.i, 283.
  • 8
    M.iii, kinh Cúng dường phân biệt (dakkhiṇāvibhaṅgasutta)
  • 9
    A.iv, 208. Phẩm gia chủ.