WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Sự Giống Nhau Giữa Bố Thí (Dāna) Và Dứt Bỏ (Cāga)

Bố Thí Độ
Dāna Pāramitā

Soạn giả
Tỳ khưu Chánh Minh

Ý nghĩa sai biệt của bố thí – dứt bỏ được lý giải như trên, nhưng khi đứng trên phương diện chân pháp (paramattha dhamma) thì bố thí và dứt bỏ không khác nhau, vì bố thí hay dứt bỏ đều có chung ý nghĩa “vô tham (alobha)” .

Trong bộ Chánh giác tông (Buddhavaṃsa), chỉ đề cập đến bố thí ba la mật (dānapāramī), không nói đến dứt bỏ (cāga) vì bố thí được nói đến theo ý nghĩa cùng tột (paramattha) là “vô tham “.

Tùy thuộc vào tác ý (manasikāra) còn dính mắc hay không dính mắc, sự “đem cho” ấy được gọi là dứt bỏ hay bố thí.

1. Tác ý (manasikāra)

Khi cho một vật gì đến người nhận, dù trực tiếp hay gián tiếp. Người cho còn có ý nghĩ: “ta đã cho”, khi ấy “có sự dính mắc trong tâm”. Việc làm này trở thành bố thí.

Khi ý nghĩ về “người cho, người nhận không có trong tâm” thì thí sự này là “dứt bỏ”.

Câu chuyện tiền thân của ngài Jotika nói lên ý nghĩa này1DhpA, kệ ngôn số 416..

Theo sự hướng dẫn của vị Alahán là người anh khi còn tại gia, vị Trưởng giả (tiền thân của ngài Jotika) kiến tạo một Hương thất cúng dường đến Đức Phật Kassapa.

Ông muốn mọi người đến nghe pháp nên dùng bảy loại ngọc quý, nghiền nhỏ cúng dường trước hương thất Đức Thế Tôn, rao truyền rằng: “ai đến nghe pháp, muốn nhặt ngọc thì nhặt theo tùy thích”. Khi hết ngọc, ông lại trải thêm lần nữa và ông đã ba lần trải ngọc như thế.

Ngoài ra, ông còn cúng dường viên bảo châu lớn dưới chân Đức Phật, với ý nghĩ rằng: “ai nhìn thấy bảo châu sẽ có dịp chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn, người ấy có nhiều phước báu”.

Một người Bàlamôn già đã lấy đi viên bảo châu, tâm vị Trưởng giả không hài lòng về việc làm của ông Bà la môn.

Như vậy :”ba lần trải ngọc cúng dường là tâm dứt bỏ”, “cúng dường viên bảo châu lớn là tâm bố thí”.

Một ví dụ khác được tìm thấy: câu chuyện bố thí lớn nhất (Vô song thí – asadisa dāna) của vua Pasenadi.

Đức vua Pasenadi (Ba tư nặc) thực hiện cuộc đại thí suốt bảy ngày đến Đức Phật và Tăng chúng.

Khi mãn cuộc đại thí, do nhận biết tâm bỏn xẻn của một vị đại thần và tâm hoan hỷ phước của vua Pasenadi của vị đại thần khác. Đức Phật suy nghĩ ” Nếu Như lai chúc phúc tương xứng, vị đại thần không hoan hỷ sẽ tức giận rồi ói máu chết, còn vị đại thần hoan hỷ sẽ chứng đắc quả Dự lưu”.

Vì lòng bi mẫn với vị đại thần không hoan hỷ, Đức Thế tôn chỉ chúc phúc bằng kệ ngôn ngắn, Đức vua không hài lòng vì cho rằng: “Đức Thế Tôn chúc phúc như thế không xứng đáng với sự cúng dường của Ta”.

Sau đó, Đức vua đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, bạch lên ý nghĩ của mình. Đức Phật giải thích việc làm của Ngài vì nhận thấy 2 tư tưởng trên. Đức vua cho vời hai vị đại thần đến hỏi, sau đó Đức vua ban thưởng cho đại thần hoan hỷ phước với mình, đồng thời đuổi vị kia ra khỏi quốc độ.

Tiếp theo Đức Phật thuyết lên kệ ngôn:

“Keo kiết không sanh thiên.
Kẻ ngu ghét bố thí.
Người trí thích bố thí.
Đời sau được hưởng lạc2Dhp A, kệ ngôn số 177.
“Na ve karayirā devalokaṃ vajanti.
Bālā have nappasaṃsanti dānaṃ
Dhīro ca dānaṃ anumodamāno.
Teṅeva so hoti sukhī parattha.

Như vậy, việc cúng dường của vua Pasenadi là bố thí, không là dứt bỏ.

Khi người cho có tâm “lìa bỏ trọn vẹn (pariccāga)” vật thí, cho dù đối tượng thọ thí có ân đức thấp, ngang bằng hay cao hơn người cho, hành động “đem cho” ấy đều được xem là bố thí ba la mật.

Nói cách khác, bố thí ba la mật hàm ý dứt bỏ trọn vẹn những gì thuộc thế gian.

Lại nữa, chính vì “dứt bỏ trọn vẹn đồng nghĩa với bố thí ba la mật”, nên các bậc Thánh hữu học như ngài Ugga, bà Nandamātā, trưởng giả Citta, bà Visākhā, trưởng giả Cấp cô độc (Anāthapiṇḍika)… vẫn thực hành bố thí hạnh (dānacāriya), nhưng chỉ có “dứt bỏ (cāga) là tài sản”.

Rõ ràng trong ý nghĩa dứt bỏ (cāga) ngầm chứa ý nghĩa bố thí.

Khi người phật tử hành pháp bố thí, nên có ý nghĩ rằng: “ta không còn là chủ vật thí này, ta không dính mắc với vật thí, không dính mắc với đối tượng thọ nhận (vật thí)”, thí sự ấy trở thành “dứt bỏ”, là bố thí ba la mật.

2. Vật thí nào được gọi là đại dứt bỏ (mahā pariccāga)?

Bất cứ vật thí nào cũng có thể trở thành đại dứt bỏ và đều có thể gom vào bố thí balamật.

Tuy nhiên, có những vật thí có giá trị thấp, có giá trị bình thường có giá trị cao tột. Giá trị cao có hai loại:

– Cao theo thông thường, như bà Visākhā cúng dường chiếc áo choàng có giá trị 90 triệu lẻ 100 ngàn đồng vàng.

– Cao theo cách có được của người cho, như ông Bàlamôn Cūḷekasātaka chỉ có chiếc áo choàng, nhưng mang cúng dường đên Đức Phật. Đối với ông “đây là tài sản cao nhất mà ôn có được.

Trong Sớ giải (atthakathā) của kinh Sīlakkhandhasutta (Giới uẩn kinh) và trong phần giải thích về ý nghĩa “Như lai ( tathāgato)”, nêu lên năm vật thí mà Bồ tát dứt bỏ, đó là:

– Dứt bỏ tài sản.

– Dứt bỏ vương quốc.

– Dứt bỏ vợ con.

– Dứt bỏ tứ chi

– Dứt bỏ mắt.

Trong Sớ giải Mūlapaṇnāsa, bài kinh Tiểu kinh Sư tử hống (Cūḷasīhanāda sutta)3MA.i, Cūlasīhanādasutta (Sư tử hống tiểu kinh)., cũng nêu ra năm loại như trên.

Trong Sớ giải kinh Ratanasutta (kinh Châu báu)4SnA – Chương 2 – phẩm nhỏ, Sn.39., nêu ra năm loại thí vật là:

– Dứt bỏ tài sản.

– Dứt bỏ vợ.

– Dứt bỏ con.

– Dứt bỏ tứ chi.

– Dứt bỏ mạng sống.

Sớ giải kinh Chánh giác tông (Buddhavaṃsa), nêu ra năm loại thí vật là:

– Dứt bỏ tài sản (dhānapariccāga).

– Dứt bỏ vương quốc (ratthapariccāga).

– Dứt bỏ vợ con.

– Dứt bỏ tứ chi (aṅgapariccāga).

– Dứt bỏ thân mạng (jīvitapariccāga).

Qua những liệt kê vật thí được ghi nhận trong Kinh tạng cùng những bộ Sớ giải, vật thí được phân chia làm ba loại:

– Vật ngoài thân như tài sản, vương quốc, vợ, con… Trong vật thí loại này, tùy theo mãnh lực ái luyến chúng trở thành cao, thấp khác nhau.

Một người có tâm ái luyến tài sản mãnh liệt thì vợ hay con trở thành thứ yếu, y có thể hy sinh cả vợ con để bảo vệ tài sản của mình.

– Vật trong thân như tay, chân… Đây là vật thí được xem là cao trọng, vì “không ai thương mình bằng chính mình thương mình”.

– Vật thí là mạng sống. Đây là vật thí cao trọng nhất.

Nên ghi nhận rằng: “Dứt bỏ thân thể” có hai cách:

– Vật thí tuy là chỉ là một thành phần của thân thể, nhưng khi mất chúng thì tổn hại hoặc có thể tổn hại đến tính mạng sống, như mắt, tim, gan… khi dứt bỏ những chi phần thân thể ấy, được xem là “dứt bỏ mạng sống”.

– Vật thí là thành phần thân thể, nhưng khi dứt bỏ không tổn hại đến mạng sống như tay, chân, máu…

– Và vật thí là mắt, tim, gan.. hay cả thân thể được xem là “dứt bỏ mạng sống”. Như Đức vua Sīvi bố thí mắt, được xem là bố thí sinh mạng.


Ghi chú:

  • 1
    DhpA, kệ ngôn số 416.
  • 2
    Dhp A, kệ ngôn số 177
  • 3
    MA.i, Cūlasīhanādasutta (Sư tử hống tiểu kinh).
  • 4
    SnA – Chương 2 – phẩm nhỏ, Sn.39.