Pháp Nhẫn Nại
Khantidhamma
Soạn giả
Tỳ Khưu Hộ Pháp
(Dhammarakkhita Bhikkhu)
(Aggamahāpaṇdita)
[ez toc]
Không nhận lời chửi rủa mắng nhiếc
Trong bài kinh Akkosakasuṭṭa1Saṃyuṭṭanikāya, Sagāṭhavagga, kinh Akkosakasuṭṭa. được tóm lược như sau:
Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại ngôi chùa Veḷuvana gần kinh thành Rājagaha. Khi hay tin người anh là Bhāradvāja đã xuất gia trở thành tỳ khưu nơi Đức Phật, ông bà-la-môn Akkosaka nổi giận, khổ tâm đến gặp Đức Phật chửi rủa, mắng nhiếc, hăm dọa bằng những lời thô tục, không phải lời của bậc thiện trí.
Ông bà-la-môn Akkosaka tạo khẩu ác nghiệp bằng lời nói thô tục, chửi rủa, mắng nhiếc, hăm dọa Đức Phật.
Nghe ông bà-la-môn như vậy, Đức Phật bèn hỏi ông bà-la-môn rằng:
Này bà-la-môn Akkosaka, ông nghĩ thế nào về điều này, những bạn bè thân hữu, các quan hoặc thân quyến là những người khách quý có khi nào họ đến nhà của ông không?
Thưa sa môn Gotama, những bạn bè thân hữu, các quan hoặc thân quyến là những người khách quý, có khi họ đến nhà của tôi.
Đức Phật hỏi tiếp rằng:
Này bà-la-môn! Ông có sửa soạn các món ăn, thức uống để tiếp đãi những người khách quý là bạn bè thân hữu, các quan lại, hoặc thân quyến của ông hay không?
Thưa Sa môn Gotama, khi ấy tôi sửa soạn các món ăn, thức uống để tiếp đãi những khách quý là bạn bè thân hữu, các quan lại, hoặc thân quyến của tôi.
Này ông bà-la-môn! Nếu những người khách quý ấy là bạn bè thân hữu, các quan lại hoặc thân quyến không dùng, thì các món ăn, thức uống ấy thuộc về của ai vậy?
Thưa Sa môn Gotama, nếu những người khách quý là bạn bè thân hữu, các quan lại hoặc thân quyến không dùng, thì các món ăn, thức uống ấy thuộc về lại của tôi.
Này ông bà-la-môn! Cũng tương tự như vậy, ông chửi rủa, mắng nhiếc, hăm dọa Như Lai, mà Như Lai không chửi rủa, mắng nhiếc, hăm dọa trả lại ông; ông giận Như Lai mà Như Lai không giận trả lại ông; ông cố tâm chọc tức Như Lai, mà Như Lai không chọc tức trả lại ông. Như Lai hoàn toàn không nhận điều gì (lời chửi mắng, v.v…) của ông cả.
Này ông bà-la-môn! Như vậy, những điều ấy (lời chửi rủa mắng nhiếc, v.v…) chỉ thuộc về một mình ông mà thôi.
Này ông bà-la-môn! Người nào chửi mắng trả lại người đã chửi mắng mình; người nào nổi giận trả lại người đã nổi giận mình; người nào cố tâm chọc tức trả lại người đã chọc tức mình, v.v… Như Lai gọi người ấy là người cùng chung hưởng với nhau, còn Như Lai không cùng chung hưởng với ông, không cùng ăn thua với ông.
Này ông bà-la-môn! Như vậy, những điều ấy (lời chửi rủa mắng nhiếc, v.v.…) chỉ thuộc về một mình ông mà thôi.
Đức Phật thuyết dạy bài kệ rằng:
Này ông bà-la-môn!
Người nào đã diệt tận được sân tâm, không còn nóng giận nữa, sống an nhiên tự tại, giải thoát khỏi khổ tâm, do chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế, chứng đắc 4 Thánh đạo, 4 Thánh quả và Niết bàn, diệt tận được mọi phiền não.
Tâm sân hận từ đâu, mà phát sinh lên được? Người nào hay nổi giận, trả thù kẻ giận mình, người ấy là người thấp hèn hơn kẻ giận mình gấp bội.
Người nào không giận trả đũa lại kẻ đã giận mình, người ấy gọi là người toàn thắng, mà người thường khó thắng.
Người nào biết ai giận, có chánh niệm giữ mình, dập tắt mọi phiền não, người ấy gọi là người thực hành pháp nhẫn nại, biết giữ gìn sự lợi ích cho mình và cho người, cả hai bên đều có lợi.
Người thực hành pháp nhẫn nại biết giữ gìn lợi ích cho mình lẫn người, nhưng những người không có trí tuệ, không biết rõ thiện pháp hiểu lầm người ấy rằng: “một hạng người khờ dại”.
Khi Đức Phật thuyết dạy xong, ông bà la môn Akkosaka thành kính bạch rằng:
Kính bạch Đức Phật Goṭama, lời dạy của Ngài rõ ràng quá!
Kính bạch Đức Phật Goṭama, lời dạy của Ngài rõ ràng quá!
Sau khi tán dương, ca tụng Đức Phật Gotama, ông bà-la-môn Akkosaka phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam bảo, kính xin quy y nương nhờ nơi Đức Phật bảo, nơi Đức Pháp bảo, nơi Đức Tăng bảo, và kính xin Đức Phật cho phép ông xuất gia trở thành tỳ khưu nơi Đức Phật.
Đức Phật cho phép ông bà-la-môn Akkosaka xuất gia trở thành tỳ khưu theo như ý nguyện.
Sau khi trở thành tỳ khưu không lâu, tỳ khưu Akkosaka hoan hỷ sống một mình nơi thanh vắng, không dể duôi, thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế, chứng đắc 4 Thánh đạo, 4 Thánh quả và Niết bàn, trở thành bậc Thánh A ra hán cao thượng trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.
Có pháp nhẫn nại là người toàn thắng
Trong bài kinh Asurindakasuṭṭa2Saṃyuṭṭanikāya, Sagāṭhavagga, kinh Asurindakasuṭṭa. được tóm lược như sau:
Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại ngôi chùa Veḷuvana gần kinh thành Rājagaha. Khi hay tin hai người anh là Bhāradvāja và Akkosaka đã xuất gia trở thành tỳ khưu nơi Đức Phật, ông bà la môn Asurindaka nổi giận, khổ tâm, đến gặp Đức Phật, chửi rủa, mắng nhiếc, hăm dọa bằng những lời thô tục, không phải lời của bậc thiện trí.
Mặc dù ông bà-la-môn Asurindaka nói lời thô tục, chửi rủa, mắng nhiếc, hăm dọa như vậy, Đức Phật vẫn làm thinh im lặng tự nhiên.
Khi ấy, ông bà-la-môn Asurindaka tuyên bố rằng:
Tôi đã thắng sa môn Gotama rồi!
Tôi đã thắng sa môn Gotama rồi!
Khi ấy, Đức Phật thuyết dạy bài kệ rằng:
Này ông bà-la-môn Asurindaka!
Người nào nói lời thô tục nhưng người khác làm thinh im lặng không đối đáp trả lại, người ấy tự cho mình đã thắng.
Bậc thiện trí cao thượng có pháp nhẫn nại là người toàn thắng.
Người nào hay nổi giận trả thù lại kẻ giận mình, người ấy thật là người thấp hèn hơn kẻ giận mình gấp bội.
Người nào không giận trả đũa lại kẻ đã giận mình, người ấy gọi là người toàn thắng, mà người thường khó thắng.
Người nào biết ai giận, có chánh niệm giữ mình, dập tắt mọi phiền não, người ấy gọi là người thực hành pháp nhẫn nại, biết giữ gìn sự lợi ích cho mình và cho người, cả hai bên đều có lợi.
Người thực hành pháp nhẫn nại biết giữ gìn lợi ích cho mình lẫn người, nhưng những người không có trí tuệ, không biết rõ thiện pháp hiểu lầm người ấy rằng: “một hạng người khờ dại”.
Lắng nghe lời dạy của Đức Phật, ông bà la môn Asurindaka vô cùng hoan hỷ tán dương, ca tụng Đức Phật. Ông bà-la-môn phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam bảo, kính xin quy y nương nhờ nơi Đức Phật bảo, nơi Đức Pháp bảo, nơi Đức Tăng bảo, và kính xin Đức Phật cho phép ông xuất gia trở thành tỳ khưu nơi Đức Phật.
Đức Phật cho phép ông bà-la-môn Asurindaka xuất gia trở thành tỳ khưu theo như ý nguyện.
Sau khi trở thành tỳ khưu không lâu, tỳ khưu Asurindaka hoan hỷ sống một mình nơi thanh vắng, không dể duôi, thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế, chứng đắc 4 Thánh đạo, 4 Thánh quả và Niết bàn, trở thành bậc Thánh A ra hán cao thượng trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.
Đức vua trời Sakka thực hành pháp nhẫn nại
Trong bài kinh Vepacittisutta3Saṃ. Sagāṭhavagga, Sakkasaṃyutta Vepacittisutta. được tóm lược như sau:
Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvaṭṭhi. Khi ấy, Đức Phật dạy chư tỳ khưu rằng:
Này chư tỳ khưu! Sự việc đã từng xảy ra trong cuộc chiến tranh giữa nhóm chư thiên cõi trời Tam thập tam thiên với nhóm thiên asurā4Asurā có 3 hạng: Deva asurā: Hạng thiên Asurā ở phía dưới cõi Tam thập tam thiên. Petti asurā: Nhóm ngạ quỷ asurā. Niraya asurā: Nhóm địa ngục asurā. , để tranh giành ưu thế ở cõi Tam thập tam thiên.
Này chư tỳ khưu! Khi ấy, thống tướng Vepacitti là chủ soái nhóm thiên asurā truyền lệnh rằng:
Này chư thiên tướng! Cuộc chiến tranh giữa nhóm asurā chúng ta với nhóm chư thiên cõi Tam thập tam thiên, nếu chúng ta thắng, còn nhóm chư thiên bại, thì các ngươi hãy bắt Đức vua trời Sakka đứng đầu nhóm chư thiên, trói chặt năm chỗ (hai tay, hai chân và cổ) rồi giải về kinh thành của ta.
Này chư tỳ khưu! Cùng khi ấy, Đức vua trời Sakka đứng đầu nhóm chư thiên cõi Tam thập tam thiên cũng truyền lệnh rằng:
Này chư thiên tướng! Cuộc chiến tranh giữa chư thiên chúng ta với nhóm thiên asurā, nếu chúng ta thắng, còn nhóm thiên asurā bại, thì các ngươi hãy bắt thống tướng Vepacitti là chủ soái nhóm thiên asurā, trói chặt năm chỗ rồi giải về hội trường Sudhammasabhā, tại cung trời Tam thập tam thiên của Trẫm.
Này chư tỳ khưu! Cuộc chiến lần ấy, nhóm chư thiên thắng, còn nhóm thiên asurā bị bại, chư thiên cõi trời Tam thập tam thiên bắt thống tướng Vepacitti là chủ soái nhóm thiên asurā, trói chặt năm chỗ rồi giải về hội trường Sudhammasabhā, ở cung trời Tam thập tam thiên của Đức vua trời Sakka.
Này chư tỳ khưu! Khi thống tướng Vepacitti bị trói tại giữa hội trường, y đã chửi rủa, mắng nhiếc, hăm dọa Đức vua trời Sakka bằng những lời thô tục, không phải lời của bậc thiện trí.
Này chư tỳ khưu! Khi ấy vị thiên nam Mātali, hầu cận Đức vua trời Sakka tâu bằng bài kệ rằng:
Muôn tâu Đức thiên vương Sakka, Đức Thiên vương nhẫn nại nghe lời thô tục chửi mắng và hăm dọa của thống tướng Vepacitti, nhẫn nại vì sợ hay nhẫn nại vì hèn yếu?
Đức vua trời Sakka truyền dạy rằng:
Này Mātali! Trẫm có đức hạnh nhẫn nại chịu đựng nghe lời thô tục của thống tướng Vepacitti, không phải vì sợ, cũng không phải vì hèn yếu.
Thật ra, bậc thiện trí như Trẫm sao lại đi đối đầu với a-su-ra ác như thống tướng Vepacitti!
Vị thiên nam Mātali tâu rằng:
Muôn tâu Đức thiên vương, nếu Đức Thiên vương không trừng trị a-su-ra ác như thống tướng Vepacitti, thì a-su-ra ác như thống tướng Vepacitti càng thêm lộng hành gây tai hại.
Vì vậy, Đức Thiên vương cần phải trừng trị a-su-ra ác như thống tướng Vepacitti bằng hình phạt thật nặng.
Này Mātali! Bậc thiện trí nào biết người ác phát sinh sân tâm giận dữ, bậc thiện trí ấy có chánh niệm, có trí tuệ tỉnh giác dập tắt mọi phiền não. Trẫm cho rằng: Đó là cách hành phạt nặng đối với người ác.
Muôn tâu Đức thiên vương, hạ thần xét thấy lỗi trong pháp nhẫn nại. Khi nào người ác tự cho mình là hơn người nhẫn nại ấy rằng: “Người ấy nhẫn nại là vì sợ ta”. Ví như con bò thắng đuổi theo con bò bị thua bỏ chạy. Cũng như vậy, người thiểu trí đàn áp bậc thiện trí.
Này Mātali! Nếu có người tự cao cho rằng: “Người ấy nhẫn nại là vì sợ ta hoặc không phải, thì điều ấy không có gì quan trọng.”
Thật ra, trong tất cả mọi sự lợi ích, chỉ có sự lợi ích của mình là hơn hết. Không có sự lợi ích nào hơn pháp nhẫn nại.
Người nào có quyền lực biết nhẫn nại đối với hạng người hèn yếu, pháp nhẫn nại của người ấy, chư bậc thiện trí tán dương ca tụng rằng:
“Pháp nhẫn nại là đức hạnh cao thượng.”
Còn hạng hèn yếu phải chịu nhẫn nại đối với người có quyền lực, đó là việc bình thường.
Chư bậc thiện trí dạy rằng: Sức mạnh của người ác thì không phải là sức mạnh thật.
Bậc thiện trí có pháp nhẫn nại mới thật là sức mạnh thật sự.
Người nào phát sinh sân tâm chống đối lại người khác có sân tâm, thì người ấy là người thấp hèn gấp bội.
Người nào không phát sinh sân tâm đối với người khác có sân tâm, thì người ấy là người toàn thắng giữa chiến trường khó thắng.
Người nào biết người đã nổi sân tâm, người ấy có trí nhớ, có trí tuệ biết mình chế ngự mọi phiền não không sinh, người ấy gọi là người thực hành pháp nhẫn nại giữ gìn sự lợi ích hai bên đó là sự lợi ích của mình và sự lợi ích của người khác.
Người thiểu trí không hiểu biết trong chánh pháp, nên tưởng lầm cho rằng:
Người có pháp nhẫn nại giữ gìn sự lợi ích của mình và sự lợi ích của người khác gọi là “người ngu dại”.
Khi ấy, Đức Phật truyền dạy rằng:
Này chư tỳ khưu! Đức vua trời Sakka trị vì cõi Tam thập tam thiên, hưởng sự an lạc trên ngai vàng nơi cung trời ấy, đó là quả báu của mọi phước thiện mà tiền kiếp của Đức vua trời Sakka đã tạo trong quá khứ. Đức vua trời sakka thường tán dương ca tụng pháp nhẫn nại và hoan hỷ trong mọi phước thiện.
Này chư tỳ khưu! Các con đã xuất gia trở thành vị tỳ khưu trong giáo pháp mà Như Lai đã thuyết giảng hay ở phần đầu, phần giữa, phần cuối, các con phải là người có giới hạnh trong sạch, có hành vi, cử chỉ trang nghiêm, có pháp nhẫn nại. Như vậy, các con sẽ tiến hóa tốt đẹp trong giáo pháp của Như Lai.
Pháp hành trở thành Đức vua trời Sakka
Ngôi vị Đức vua trời Sakka trị vì trên cõi Tam thập tam thiên, không phải do một vị nào truyền ngôi, hoặc được tấn phong. Sự thật là do quả báu của phước thiện, pháp hành mà tiền kiếp của Đức vua trời đã tạo trong những kiếp quá khứ.
Thực hành những pháp nào để trở thành Đức vua trời Sakka?
Trong kinh Paṭhamadevasutta5Saṃyuṭṭanikāya, Sagāṭhavagga, Paṭhamadevasuṭṭa. được tóm lược như sau:
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvaṭṭhi, Ngài dạy rằng:
Này chư tỳ khưu! Tiền kiếp của Đức vua trời Sakka trị vì cõi Tam thập tam thiên, khi sinh làm người đã từng thọ trì đầy đủ 7 pháp hành, nên sau khi chết, đại thiện nghiệp trong đại thiện tâm tạo 7 pháp hành ấy cho quả hóa sinh lên cõi Tam thập tam thiên, ở ngôi vị Đức vua trời Sakka.
Thọ trì 7 pháp hành là:
1. Ta phụng dưỡng cha mẹ suốt đời.
2. Ta cung kính bậc trưởng lão trong dòng họ và trong đời suốt đời.
3. Ta nói lời ngon ngọt có ý nghĩa suốt đời.
4. Ta không nói lời chia rẽ suốt đời.
5. Ta không có tâm keo kiệt, bủn xỉn trong của cải, là tâm ô nhiễm của người tại gia; ta có đại thiện tâm trong sạch hoan hỷ đem của cải ra tạo phước thiện bố thí đến những người thọ thí đúng theo nhu cầu của họ; ta hoan hỷ tạo phước thiện bố thí suốt đời.
6. Ta nói lời chân thật suốt đời.
7. Ta thực hành pháp nhẫn nại, không phát sinh sân tâm suốt đời.
Này chư tỳ khưu! Tiền kiếp của Đức vua trời Sakka, khi sinh làm người đã từng thọ trì nghiêm chỉnh và đầy đủ 7 pháp hành này. Cho nên, sau khi chết, đại thiện nghiệp trong đại thiện tâm tạo 7 pháp hành ấy cho quả hóa sinh làm Đức vua trời Sakka trị vì cõi Tam thập tam thiên.
Ghi Chú
- 1Saṃyuṭṭanikāya, Sagāṭhavagga, kinh Akkosakasuṭṭa.
- 2Saṃyuṭṭanikāya, Sagāṭhavagga, kinh Asurindakasuṭṭa.
- 3Saṃ. Sagāṭhavagga, Sakkasaṃyutta Vepacittisutta.
- 4Asurā có 3 hạng: Deva asurā: Hạng thiên Asurā ở phía dưới cõi Tam thập tam thiên. Petti asurā: Nhóm ngạ quỷ asurā. Niraya asurā: Nhóm địa ngục asurā.
- 5Saṃyuṭṭanikāya, Sagāṭhavagga, Paṭhamadevasuṭṭa.