WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Cách thức hành đạo theo thông thường

Phật Giáo Nguyên Thuỷ
Theravāda

Bát Thánh Đạo
(Ariyamagga)

Soạn giả

Trưởng Lão Hoà Thượng Hộ Tông
(Vaṅsarakkhita Mahāthera)

Sự hành đạo của người lấy “đời làm trọng” (lokādhipateyya), hoặc lấy “mình làm trọng” (attādhipateyya) chẳng phải là nhân đem mình ra khỏi biển khổ, nhất là sanh khổ, dầu chỉ là trau dồi thân, khẩu, ý cho được thuần lương, không có tội theo thế gian thôi. Về phần tu lấy “pháp làm trọng” (dhammādhipateyya) không tùy đời, không theo mình, chỉ thực hành chánh pháp mới gọi là phương tiện đem mình ra khỏi khổ từng bậc, cho đến Niết-bàn là nơi cứu cánh giải thoát.

Tiếp theo đây, xin giải về sự tu tập trau dồi trí nhớ và trí tuệ, chia ra làm năm phần là:

Giới (sīla)

Giới là sự thu thúc thân, khẩu theo qui luật, không cho phát sanh tội lỗi theo thân môn và khẩu môn, là sự trau dồi thân và khẩu cho đoan chánh, lánh xa luật cấm, ở theo lời Phật chuẩn hành khi hành giả trì giới được trong sạch đầy đủ rồi, thì hằng thọ phước báu mát mẻ an vui, gọi là “giới”.

Giới chia ra làm từng chi, có nhiều thứ, nhiều phần, có ngũ giới, bát quan trai giới, thập giới, cụ túc giới (227 giới), đều là lời Phật cấm răn để dứt các tội lỗi phát sanh do thân môn và khẩu môn, là điều ngăn ngừa sửa trị sự hành vi bên ngoài cho đoan chánh theo luật định, dầu có sơ xuất về đường tâm cũng không sao phá giới được. Giới là phương phép thực hành cho có trật tự trang nghiêm theo mỗi hạng người. Nếu chia theo bậc thì có hai: giới của bậc cư sĩ gọi là “tại gia giới” (agāriyasīla) hoặc tại gia luật (agāriyavinaya); giới của hàng xuất gia gọi là “xuất gia giới” (anāgāriyasīla) hoặc xuất gia luật (anāgāriyavinaya)

Khi hành giả đã giữ giới theo bổn phận mình được trong sạch đầy đủ rồi, giới hỗ trợ cho định thêm sức mạnh hoặc cho thiền định phát sanh.

Thiền định (samādhi)

Trì giới được trong sạch đầy đủ, ví như hành giả đứng vững trên nấc thang đầu tiên, tiếp theo nên tiến hành theo pháp thiền định ví như nấc thang thứ nhì.

Thông thường, tâm của phàm nhân hằng biến đổi, vọng chuyển phóng túng theo các cảnh giới, khó an trụ, thường hay buông thả, đeo níu cảnh giới vừa ý, lìa xa cảnh giới trái ý và quyến luyến theo ái dục không ngừng nghỉ, không êm lặng, ví như loài khỉ hoặc trẻ con. Cho nên, người chưa quán tưởng thấy rõ: sanh, già, đau, chết là sự khổ lớn lao của chúng sanh, thì rất khó sửa trị cái tâm ở theo chánh pháp. Song những người đã nhàm chán, ghê gớm danh sắc không sanh lòng cảm xúc và tìm đường để thoát khỏi thống khổ, là người có phước đức dày dặn, dầu chưa tham thiền được nhiều cũng có thể thành công đắc quả dễ dàng, có khi chỉ nghe pháp của Đức Thế Tôn mà được chứng quả.

“Thiền định” là phép làm cho tâm an trụ khắn khít, vững vàng trong một cảnh giới, là dùng trí nhớ buộc tâm mình dính với một đối tượng. Về cảnh giới của tâm thì cái chi cũng được, chỉ làm sao cho tâm đừng vui thích theo tình dục, phiền não thôi

“Thiền định” kỳ thực, kể ra có nhiều phép… song tóm tắt có 40, sau khi đã chọn lựa, chỉ lấy những pháp đại cương hợp lại làm từng phần để làm qui phạm. Cả 40 phép phương tiện ấy là cảnh giới để buộc ràng cái tâm cho an trụ vững bền, cho vừa phát sanh thiền định, như phép kasiṇa và phép niệm theo hơi thở. Những phép không có thể làm cho tâm nhập định là phương tiện đem cái tâm đến bậc cận định như phép niệm Phật, niệm pháp, niệm bố thí1Có giải trong tạp chí Ánh sáng Phật pháp..

Tâm tìm suy xét trong các cảnh giới gọi là “tầm” (vitakka), tâm xem xét quán tưởng các cảnh giới ấy là “sát” (vicāra), “tâm nhớ” gìn giữ tầm và sát không cho vọng niệm trong các cảnh giới khác, như bò mà người buộc chặt với cây nọc, hằng vùng vẫy, chuyển động, cho đến khi sức cùng lực tận rồi mới chịu té, ngã nằm bên cây nọc ấy, gọi là “tịnh”2Tịnh nghĩa là êm lặng.. Khi tâm đã tịnh, “phỉ” phát sanh, tiếp tục “lạc” cũng phát sanh. Nếu có thắng lực vừa cho tâm an trụ trong một cảnh giới, thì “tâm định” phát sanh ấy gọi là nhập sơ thiền, có đủ 5 chi: tầm, sát, phỉ, lạc, định. Nếu thiền định có thắng lực mạnh mẽ, tâm càng vi tế hơn là nguyên nhân đắc thiền định bậc trên theo thứ tự (xem nơi chương có giải về tám chi đạo ở nơi trước).

Cận định là thiền định chưa được khắn khít bền bỉ, chỉ là bậc gần nhập định, mặc dù có tầm, sát, phỉ, lạc cũng chưa đủ thắng lực sanh định, nên chưa có thể gọi là định được. Ví như trẻ con mới tập đứng, dầu đứng ngồi được chốc lát cũng chưa có đủ sức lực đứng cho bền vững, đứng lên rồi phải té xuống, cứ vẫn đứng, té luôn, song trong thời mà tâm ở bậc cận định, nếu cố gắng tinh tấn tiến hành phép minh sát niệm, quán tưởng ba tướng (vô thường, khổ não, vô ngã) cũng có thể thành tựu, thấy rõ chút ít pháp diệu đế, chỉ khác nhau là không đắc các đức cao thượng thêm nữa, như các pháp thần thông.

Thiền định là tâm xa lìa khỏi pháp cái, là tâm mềm mại, nhẹ nhàng, đáng hành sự, muốn thấy thế nào cũng có thể thấy được, do thắng lực của thiền định non hoặc già. Những người muốn được giải thoát không cầu đắc pháp thần thông, hằng đem tâm tìm suy xét thân thể hoặc năm uẩn của mình và của người, chia ra từng phần mà lòng còn hoài nghi là “ta” là “vật thường tồn lâu dài” hoặc có sự an vui như thế3Xem thêm pháp minh sát trong quyển “Thanh Tịnh Kinh giải”..

Trí tuệ (paññā)

Khi tâm đã khắn khít là đắc thiền định rồi, có tâm mềm mại sẵn dành để tiến hành, quán tưởng sắc pháp và danh pháp mà mình cần phải thấy, cần phải giác ngộ từ bậc thô thiển cho đến bậc cực kỳ vi tế cả về phần chung và riêng, từ trên xuống dưới, dưới trở lên trên, từ khi mới thọ sanh rồi biến đổi, cho đến lúc tiêu diệt là nơi cuối cùng. Trí tuệ là khí cụ để quán tưởng nhân quả theo thứ tự, theo pháp minh sát tuệ, chia ra làm 9 bậc là: 

1) Trí tuệ quán tưởng thấy sự sanh và diệt là quán tưởng thấy cả sự sanh và diệt của danh sắc (udayabbhayānupassanāñāṇa); 

2) Trí tuệ quán tưởng thấy sự tan rã, tiêu diệt, của danh sắc (bhaṅgānupassanāñāṇa); 

3) Trí tuệ quán tưởng thấy danh sắc rõ rệt, là cái đáng ghê sợ, là tưởng xét thấy danh sắc phân minh có thể tướng đáng ghê sợ, như các thú dữ, như thấy sư tử (bhayatūpaṭṭhānañāṇa); 

4) Trí tuệ quán tưởng thấy tội lỗi, là tưởng xét thấy tội của danh sắc rõ rệt, như thấy nhà đang bị lửa cháy (adīnavānupassanāñāṇa); 

5) Trí tuệ thấy sự nhàm chán vì thể tướng, xét thấy danh sắc ấy chỉ có tội lỗi thôi (nibbidānupassanāñāṇa); 

6) Trí tuệ quán tưởng thấy, chỉ muốn được giải thoát là muốn ra khỏi danh sắc mà mình nhàm chán ấy, như thú mắc bẫy muốn thoát khỏi bẩy (muñcitukamyatāñāṇa);

7) Trí tuệ quán tưởng tìm đường chọn lựa, rảo kiếm trong danh sắc để tìm phương giải thoát, như loài chim (samuddasakuṇī)4Chim Samuddasakuṇī hằng tìm phương bay qua khỏi biển mặc dầu biển rộng mênh mông, khi mệt thì tắm xuống biển, tắm rồi, lo bay nữa cho đến bờ biển. xuống tắm chơi trong biển (patisaṅkhānupassanāñāṇa); 

8) Trí tuệ quán tưởng thấy tâm vô ký trong danh sắc, như người đàn ông vô ký với vợ đã từ bỏ hẳn rồi (saṅkhārupekkhāñāṇa); 

9)Trí tuệ hành vừa theo sự giác ngộ pháp diệu đế trong thời của tâm thuận minh sát phát sanh trong “tâm tìm cảnh giới trong ý” (manodvārāvajjana) chặt bỏ thường tâm (bhavaṅgacitta) sau saṅkhārupekkhāñāṇa, trong thời Thánh đạo sẽ phát sanh.

Sự tu pháp tuệ niệm không muốn đắc pháp thần thông là điều ràng buộc, vì chẳng phải là pháp diệt trừ phiền não mê lầm, trái lại, là điều trở ngại sự hành trình của hành giả chỉ muốn giải thoát khỏi sự khổ. Sự thị hiện thần thông cần phải nhập định cho thuần thục, đều đủ, làm cho người sanh lòng tín ngưỡng, ngõ hầu để hoằng pháp trong thời gian mà người đang xu hướng theo thần thông. Còn về phần tuệ niệm cần phải dùng trí tuệ quán tưởng danh sắc cho giác ngộ pháp diệu đế để đoạn tuyệt phiền não, tiến hành theo chín pháp minh sát tuệ như đã có giải phiền não về phần thụy miên (anusaya) hoặc sử (saññojana) ẩn núp trong tâm kể vào ác pháp của tâm. Đạo đã tu tập khi có cơ hội hiệp lực nhau làm thành đạo cũng theo đoạn trừ thụy miên hoặc sử cho tiêu diệt. Đây thuộc về thiện pháp của tâm.

Lại nữa, về ác pháp là “vô minh” có nhiều danh hiệu khác thêm nữa, nhất là tối tăm, ngu dốt, mê muội, mù, … Về phần thiện là “minh” có nhiều danh hiệu khác thêm nữa, nhất là sáng sủa, trí tuệ, ánh sáng, mắt, … 

“Vô minh” và “minh” ấy đều có rất nhiều chi dắt dẫn hộ tùng, nhưng đây chỉ gọi chung là “vô minh” hoặc “minh” thôi. Vì hai pháp này chủ tể đứng đầu của tất cả ác pháp và thiện pháp.


Ghi chú:

  • 1
    Có giải trong tạp chí Ánh sáng Phật pháp.
  • 2
    Tịnh nghĩa là êm lặng.
  • 3
    Xem thêm pháp minh sát trong quyển “Thanh Tịnh Kinh giải”.
  • 4
    Chim Samuddasakuṇī hằng tìm phương bay qua khỏi biển mặc dầu biển rộng mênh mông, khi mệt thì tắm xuống biển, tắm rồi, lo bay nữa cho đến bờ biển.