WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Chi đạo hiệp lực mới thành tựu Thánh đạo

Phật Giáo Nguyên Thuỷ
Theravāda

Bát Thánh Đạo
(Ariyamagga)

Soạn giả

Trưởng Lão Hoà Thượng Hộ Tông
(Vaṅsarakkhita Mahāthera)

Sự hiệp lực của chi đạo, chỉ phải đến mức thành tựu, thánh đạo ấy chưa thành tựu được liền trong thời công phu tham thiền hoặc trong khi tu pháp minh sát lúc đầu, nhưng được chứng quả trong giờ cuối cùng của sự tiến hành pháp minh sát, khi tâm nhảy lên níu thánh tuệ hoặc “đạo tâm” đầu tiên phát sanh, tiếp theo “minh kiến thuận sát tuệ”1Trí tuệ thấy rõ vì quan sát thuận theo chín pháp minh sát. (saccānulomikañāṇa) (gotrabhūñāṇa) do thắng lực của tâm sở2Tâm sở là pháp sở hữu phụ thuộc của tâm vương mà mình được trau dồi từ trước cũng có hoặc mới tu bổ thêm phát sanh trong thời ấy cũng có, hiệp lực tạo ra thành đạo tuệ là khí cụ để trừ phiền não vô minh cho tiêu tan, làm cho trí tuệ phát sanh, vì như sự nổi lửa trong nơi tối, tối tiêu tan, ánh sáng phát sanh trong thời ấy.

Khi tám đạo chi hiệp lực tạo ra trí tuệ là khí cụ để giác ngộ pháp diệu đế, diệt ba sử đầu tiên được, do Thánh đạo trong bậc đầu của đạo gọi là “Tu-đà-huờn đạo tuệ” (Sotāpattimaggañāṇa). Nếu “thiện tâm sở” phát sanh còn mạnh mẽ nhiều, khi tâm xuống giữ tâm thường tâm (bhavaṅga) trong thời mà Tu-đà-huờn đạo tâm diệt rồi, hiệp lực làm cho Tư-đà-hàm đạo tâm phát sanh, đoạn trừ sở còn dư sót cho tiêu diệt dần dần. Nếu Thánh đạo còn nhiều tâm đổng lực là cho A-na-hàm đạo tâm và A-la-hán đạo phát sanh đến mức diệt tận tất cả sử không còn dư sót. Nên hiểu rằng, thời mà đạo tâm xuống giữ thường tâm rồi phát sanh lại ấy, rất mau chóng, cho nên mới có lời rằng: ông này chứng Tu-đà-huờn quả, ông này chứng Tư-đà-hàm quả, ông này chứng A-la-hán quả như thế, chỉ một lần ít khi nghe nói về sự hành trình của đạo tâm sanh và diệt theo từng bậc.

Chi đạo hiệp lực nhau, tạo ra bốn bậc đạo tâm đắc trí tuệ để giác ngộ diệu đế là: Tu-đà-huờn đạo tuệ (sotāpattimaggañāṇa)3Dịch là : Dự lưu (dự vào dòng thánh), Tư-đà-hàm đạo tuệ (sakadāgāmimaggañāṇa)4Dịch là : Nhứt lai (còn thọ sanh lại trong thế gian nầy một lần nữa), A-na hàm đạo tuệ (Anāgāmimaggañāṇa)5Dịch là : Bất lai (không còn tho sanh lại trong thế gian nầy nữa), A-la-hán đạo tuệ (Arahattamaggañāṇa)6Dịch là : Ứng cúng, Vô học, Vô sanh. Sự thành tựu bốn bậc đạo tuệ đều nhau trong thời gian rất ngắn chẳng chần chờ qua đêm ngày, tháng, năm, hoặc qua đến đời khác, nghĩa là đắc A-la-hán đạo chỉ một lần. Điều này chỉ do nơi căn và duyên pháp có ít hoặc nhiều, cao hay thấp của người hành giả, là điều trọng yếu.

Bốn bậc đạo tuệ ấy có phận sự đào bứng thụy miên (anusaya) lậu phiền não (āsava) ẩn núp trong tâm cho tiêu diệt, nhưng nhiều loại phiền não mà đạo tuệ đào bứng ấy gọi là sử (saññojana) là loại phiền não buộc rịt tâm chúng sanh phải xoay vần trong vòng sanh tử, chia ra có mười loại.

Thân kiến (sakkāyadiṭṭhi) là sự hiểu rằng: thân thể là của ta; hiểu rằng: sắc, thọ, tưởng, hành, thức là của ta hoặc ta có sắc, thọ, tưởng, hành, thức như thế. Đó là sự hiểu quấy, là nhân thủ7Thủ là giữ lấy. rằng: thân hoặc vật dính với thân này là ta, là của ta, là nhân sanh ra tại khổ nhiều thứ. Loại phiền não này thuộc về phần si mê.

Hoài nghi (viccikicchā) là sự ngờ vực nghi ngại trong sự hành đạo, là phương pháp giải thoát khỏi những thống khổ, cho đến ơn đức Tam bảo là nơi nương nhờ cao quí của thế gian mà cũng còn nghi ngại, nửa tin nửa ngờ làm cho buộc ràng trí não, suy xét không ra hết một đời hoặc hết hạn kỳ mà mình chưa đoạn trừ được. Loại phiền não này cũng kể vào phần si mê.

Giới cấm thủ (sīlabbataparāmāsa) là sự giữ giới sai lầm, không phải chơn chánh mà chấp là chơn chánh, như tin rằng hành được các đức cao quí, như chấp rằng học thiền định được biết gồng chém không đứt, bắn không nổ… không hiểu đó là phương tiện để trau dồi tâm tánh cho trong sạch, khỏi điều dơ bẩn. Đó là phiền não, cũng khép vào phần si mê.

Tình dục (kāmarāga) là tình yêu mến trong vật dục (vatthukāma) do thế lực của phiền não dục (kilesakāma) cố gìn giữ trong tâm không chịu buông rời trong các cõi hoặc trong thế gian, có thứ dục thuộc loại phiền não về sự thương yêu trìu mến, trong ngũ dục là sắc, thinh, khí, vị, xúc. Loại phiền não này kể vào phần tình dục (rāga) hoặc xan tham (lobha) vi tế.

Uất ức (paṭigha) là sự bậc tức trong tâm: những điều xốn xan, khó chịu do sân hận mà phát sanh đều thuộc về phần sử này cả. Đó là phiền não về loại sân hận.

Cả năm sử này kể vào bậc thấp, gọi là sử phần hạ cấp (arambhāgiyasaññojana) có năng lực buộc rịt chúng sanh trong hạ giới (dục giới).

Sắc dục (rūparāga) là sự thương yêu vừa lòng trong sự an vui phát sanh do thắng lực của thiền hữu sắc hoặc tâm dính chặt trong cõi sắc, là phước báu của sắc thiền, tâm cố chấp thiền định về phần sắc thiền.

Vô sắc dục (arūparāga) là sự yêu mến vừa lòng trong cảnh giới phát sanh do thắng lực của thiền vô sắc, hoặc tâm luyến trong vô sắc giới về phần thiền vô sắc, tâm cố chấp trong thiền vô sắc. Đó là phiền não cũng kể vào trong loại tình dục, song tình dục là cực kỳ vi tế.

Ngã mạn (māna) là sự chấp “ta” như vầy, như kia vì sự phân biệt giai cấp, tông phái, sang, hèn, giàu, nghèo, hoặc vì một lẽ gì khác: là nhân đem mình so sánh với người khác rằng: ta hơn người, ta bằng người, ta thấp hèn hơn người và có tính hay giận run. Phiền não này kể vào trong loại si mê.

Phóng vật (uddhacca) là tâm phóng đãng, khó chú trọng về một việc gì, lòng buông thả, khi trồi, khi sụt, không ở yên một chỗ, không trau dồi, lo nghĩ, chỉ an dật tự nhiên. Đó là phiền não cũng kể vào trong loại si mê.

Vô minh (avijjā) là tư cách không biết rõ, là nói về sự ngu dốt không hiểu, không thông, không vừa lòng các pháp theo lẽ phải, tự nhiên, là căn sanh các ác pháp, là nguồn gốc của tất cả phiền não.

Cả năm sử sau, từ thứ 6 đến thứ 10 này, thuộc về phần sử cực kỳ vi tế gọi là sử phần cao cấp (uddhaṃbhāgiyasaññojana) là sử về phần cao có năng lực trói chặt chúng sanh trong thượng giới là cõi sắc và vô sắc.


Ghi chú:

  • 1
    Trí tuệ thấy rõ vì quan sát thuận theo chín pháp minh sát.
  • 2
    Tâm sở là pháp sở hữu phụ thuộc của tâm vương
  • 3
    Dịch là : Dự lưu (dự vào dòng thánh)
  • 4
    Dịch là : Nhứt lai (còn thọ sanh lại trong thế gian nầy một lần nữa)
  • 5
    Dịch là : Bất lai (không còn tho sanh lại trong thế gian nầy nữa)
  • 6
    Dịch là : Ứng cúng, Vô học, Vô sanh
  • 7
    Thủ là giữ lấy.