WikiDhamma

Thư Viện Nghiên Cứu Phật Giáo


Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, 
Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Niết Bàn

Phật Giáo Nguyên Thuỷ
Theravāda

Bát Thánh Đạo
(Ariyamagga)

Soạn giả

Trưởng Lão Hoà Thượng Hộ Tông
(Vaṅsarakkhita Mahāthera)

Đạo ví như sự chặt đứt dây nô lệ, buộc trói, chặt đứt được nhiều ít theo thắng lực của đạo quả, như sự giải thoát khỏi nô lệ buộc trói thân tâm, được hưởng mọi bề hạnh phúc chẳng còn bị ràng buộc nữa, quả cuối cùng là thân tâm được an vui thanh tịnh. Nghiệp dữ cũ đã dứt, nghiệp mới cũng chẳng có, cả phần phước và phần tội.

Đức A-la-hán làm việc gì cũng chỉ là “làm”, không sanh “kết mạc” (vipāka)1Kết mạc là kết cục của việc đã làm. vì đã dứt hẳn lậu phiền não rồi. Tâm của các ngài trong sạch, lánh xa sự cố chấp vì tâm thủ, không có nhân duyên là khí cụ làm cho thọ sanh trong cảnh vui hoặc cảnh khổ trong kiếp vị lai nữa. Tâm của các ngài đã yên lặng, an vui, thanh tịnh cao thượng, dầu còn năm uẩn là nơi cư trú của sự khổ, như chúng sanh thường tình, song các ngài không thọ khổ vì đã đoạn tuyệt nguồn gốc của tất cả điều khổ não, không cho sanh chồi, mọc nhánh nữa, chỉ còn chờ thời kỳ tiêu diệt theo lẽ thường của danh sắc thôi. Bậc này gọi là hữu dư y Niết-bàn (nupādisesanibbāna) đã diệt tất cả phiền não chỉ còn năm uẩn (hoặc gọi vắn tắt là Niết-bàn2Niết-bàn có ba nghĩa: ra khỏi tam giới, dứt tuyệt ái dục, giải thoát sanh tử luân hồi. cũng được). Đến khi tịch diệt hoặc vì lẽ gì chẳng hạn, mà năm uẩn của các ngài tiêu diệt, song diệt như đây gọi là diệt cả năm uẩn và phiền não, chẳng có chi là nhân duyên sanh năm uẩn mới trong cõi mới nữa, là tắt như ngọn đèn hết dầu hết tim rồi tắt, như thế gọi là “vô dư y Niết-bàn” (anupādisesanibbāna) nghĩa là tắt tất cả, chẳng còn cái chi dư xót (hoặc gọi vắn tắt là Đại Niết-bàn) (parinibbāna) cũng được.

Theo lời đã giải đây, tóm tắt lại rằng: giới, định, tuệ là pháp hành, còn đạo, quả, Niết-bàn là pháp thành (xin xem bản đồ có giải rõ ở sau).

Tiếp theo đây xin trích soạn những lời Phật ngôn trong các kinh để làm tài liệu thêm cho hành giả. Có Phật ngôn rằng: “Này các thầy tỳ khưu! Trong rừng có một cái bưng là nơi mà bầy thú thường xuống uống nước, có một người mong giết bầy thú ấy, liền ngăn chận đường lên của chúng, mở rộng con đường có sự lo sợ đến bầy thú, rồi đem thú cái, thú đực đến làm mồi, bầy thú rừng ấy phải bị hại thưa thớt đi lần lần. Có một người nữa là người mong mỏi điều hạnh phúc đến bầy thú ấy, mới chận bít đường có sự nguy hiểm, mở đường khỏi điều lo sợ và bắt bỏ thú mồi ấy ra, đến sau, bầy thú lại dần dần trở nên đông đúc. Này các thầy tỳ khưu! Như Lai đem thí dụ này cho các ngươi hiểu rõ rằng: bưng tức là ngũ dục; bầy thú đông đúc ấy tức là tất cả chúng sanh; người ngăn chặng đường làm hại bầy thú tức là ma vương; con đường có sự lo sợ tức là đường tà đạo có tám chi là : hiểu quấy, suy nghĩ quấy, nói quấy, nghề quấy, nuôi mạng quấy, tiến lên quấy, nhớ quấy, định tâm quấy; thú mồi đực tức là tình dục vì thế lực của sự vui sướng sa mê; thú mồi cái tức là phiền não vô minh; người muốn sự hạnh phúc (đến bầy thú) là Như Lai; con đường không có điều lo sợ là Thánh đạo có tám chi là hiểu phải, suy nghĩ phải, nói phải, nghề phải, nuôi mạng phải, tiến lên phải, nhớ phải, định tâm phải. Này các thầy tỳ khưu! Con đường có điều hạnh phúc, Như Lai đã khai mở rồi, đường xấu xa Như Lai đã ngăn bít rồi, thú mồi đực, thú mồi cái, Như Lai đã bắt bỏ rồi, như thế ấy.”

Sự thực hành theo Thánh đạo có tám chi là nhân cho đắc Niết-bàn, Đại đức Xá-Lợi-Phất có giải rằng: “Này các ông! Đạo là đường tu hành cho thấy rõ Niết-bàn, là Thánh đạo có tám chi: hiểu phải, suy nghĩ phải, nói phải, nghề phải, nuôi mạng phải, tiến lên phải, nhớ phải, định tâm phải. Này các ông! Đạo là đường tu hành, ấy là đường tu hành theo cho đặng thấy rõ Niết-bàn.”

Đức Phật hằng tán dương sự bố thí. Những thí chủ dâng cúng đến các hạng Sa-môn ở theo bát Thánh đạo, gọi là bố thí có phước báu cao thượng, ví như ruộng có đủ tám chi, có đất phân rất tốt, hằng trổ sanh nhiều bông trái. Có Phật ngôn rằng: “Này các thầy tỳ khưu! Giống lúa mà người gieo trong ruộng có đủ tám chi hằng được nhiều bông trái, có mùi vị ngon ngọt, cây lúa nứt nở lớn bụi. Này các thầy tỳ khưu! Ruộng có tám chi trong thế gian này là: không có chỗ cao, chỗ thấp, đều bằng phẳng nhau; không có nhiều đá sỏi; không có đất mặn hoặc nước muối đọng lại; không có đất cứng lắm, cày không được; có nhiều đường nước chảy ra; có nhiều lòng nước nhỏ lớn; có nhiều bờ ruộng và đê. Này các thầy tỳ khưu! Bố thí dâng cúng đến hàng Sa-môn có đủ tám chi, hằng được quả nhiều, được nhiều phước báu cao quí, được quả to lớn. Này các thầy tỳ khưu! Hàng Sa-môn có đủ tám chi trong thế gian là người có sự: hiểu phải, suy nghĩ phải, nói phải, nghề phải, nuôi mạng phải, nhớ phải, tiến lên phải, tịnh tâm phải. Này các thầy tỳ khưu! Sự bố thí mà người đã làm rồi trong hàng Sa-môn có đủ tám chi ấy, hằng có quả nhiều, có phước báu nhiều, có quả quí trọng, có quả to lớn như thế ấy.”

Người quán sát thấy rõ pháp của Đức Phật gọi là như được xem thấy Phật. Đức Thế Tôn có giải cho một vị tỳ khưu Vakkali nghe như vầy: “Này Vakkali! Người nào suy thấy pháp, người ấy gọi là thấy Như Lai; người nào được thấy Như Lai, người ấy gọi là thấy pháp.”

Phận sự của đức Thiên Nhơn Sư, Ngài đã làm trọn rồi, đối với các bậc Thinh văn, Ngài chẳng còn phận sự nào phải làm thêm nữa. Có Phật ngôn rằng: “Này các thầy tỳ khưu! Phận sự tiếp độ, tìm kiếm điều lợi ích nào mà Như Lai nên làm đến các bậc Thinh văn, phận sự ấy Như Lai đã làm đến tất cả các ngươi rồi. Này các thầy tỳ khưu! Nơi cội cây kia, nơi thanh vắng kia, các ngươi hãy tu tập cho đầy đủ, các ngươi chẳng nơi dể duôi, sau rồi các ngươi chẳng có sự ăn năn than tiếc. Đó là lời dạy bảo của Như Lai đối với các ngươi.”

Trước khi nhập Niết-bàn, Phật ngợi khen những người hành theo pháp, gọi là bậc dâng lễ cúng dường đến Như Lai bằng cách cao thượng.

Trong lúc cuối cùng, Ngài có thức tỉnh các thầy tỳ khưu, không nên dể duôi cẩu thả trong sự hành đạo bằng lời như sau này: “Này A-nan-đa! Các tỳ khưu hoặc tỳ khưu ni, thiện nam hoặc tín nữ nào hành pháp vừa theo pháp, người ấy gọi là tôn kính dâng lễ cúng dường đến Như Lai bằng cách cao thượng. Này A-nan-đa! Các ngươi nên niệm tưởng như vầy: chúng ta dắt dẫn nhau hành pháp, vừa theo pháp, tu chơn chánh, hành theo pháp như thế ấy. Này A-nan-đa! Các ngươi không nên hiểu rằng giáo pháp của Đức Giáo chủ chúng ta đã qua khỏi rồi, nay Đức giáo chủ chúng ta không có, như thế. Này A-nan-đa! Pháp và luật mà Như Lai đã giảng giải rồi, đã chế định rồi, pháp và luật ấy sẽ là giáo chủ của người (thay mặt cho Như Lai) trong khi Như Lai đã nhập Niết-bàn.”

Tiếp theo đây, Đức Phật gọi các ông tỳ khưu mà rằng: “Này các thầy tỳ khưu! Như Lai thức tỉnh các ngươi trong lúc này, các danh sắc (năm uẩn) hằng có sự tiêu diệt là lẽ thường, các ngươi hãy làm cho sự không cẩu thả phát sanh đầy đủ, ấy là lời cuối cùng của Như Lai.”

‒ Dứt chương trình hành pháp-tóm tắt bấy nhiêu ‒


Ghi chú:

  • 1
    Kết mạc là kết cục của việc đã làm.
  • 2
    Niết-bàn có ba nghĩa: ra khỏi tam giới, dứt tuyệt ái dục, giải thoát sanh tử luân hồi.