PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
THERAVĀDA
—–
PHÉP CHÁNH ĐỊNH
SƯU TẬP PHÁP
Soạn giả
TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG HỘ TÔNG
(VAṄSARAKKHITA MAHĀTHERA)
Giải về định lực (jhāna kathā)
Trong nơi cuối cùng của phương pháp niệm 40 đề mục, xin giải về năng lực thiền định là đức tính mà hành giả phải đắc trong các đề mục bằng cách tóm tắt như sau này:
Phép chăm chỉ nhìn xem đề mục, nhất là paṭhavīkasiṇa hoặc phép thiêu hủy các nghịch pháp (paccanikadhamma), nhất là pháp cái (nīvaraṇadhamma) không cho phát sanh gọi là định. Tiếng “định” (jhāna) đó có chỗ giải hai cách: định nhìn xem đề mục, là nói về 8 thiền và cận định gọi là ārammaṇūpanijjhāna; định nhìn xem tướng, là nói về phép minh sát đạo, quả, gọi là lakkhaṇūpanijjhāna.
Giải về 8 thiền và cận định gọi là ārammaṇūpanijjhāna do nhìn xem đề mục thiền định, nhất là paṭhavīkasiṇa. Phép minh sát đạo quả gọi là lakkhaṇūpanijjhāna, vì phép minh sát quán tưởng cái tướng, nhất là vô thường tưởng của minh sát đó cho thành công (quả), nói về tathalakkhaṇa là cái chân tướng của Niết-bàn.
Trong nơi đây nói về hai bực thiền khác: cận định (upacārajhāna): thiền gần nhập định; nhập định (appanājhāna).
Giải: Khi hành giả nhìn xem vòng kasiṇa, làm đề mục rồi niệm trong tâm cho đến khi 5 pháp cái và các phiền não yên lặng lần lần. Các chi thiền, nhất là tâm (vitakka) phép sanh lên, tuy chưa có sức mạnh, tâm chỉ trú trong bực gần nhập định, không có thể nhập định được, như thế gọi là cận định. Chỗ mà các chi thiền phát sanh lên có mãnh lực rồi tâm nhảy lên níu vững gọi là nhập định (appanājhāna).
Cận định và nhập định khác nhau như vầy: Cận định thuộc về tâm đeo níu trong cõi dục (kāmāvacara), chỉ dứt 5 pháp cái được, rồi trú trong nơi gần nhập định thôi. Song các chi thiền nhất là tầm (vitakka) đã phát sanh chưa có sức mạnh như đã giải trước, có khi níu lấy triệu chứng làm cảnh giới được, có khi rớt xuống níu (bhavaṅga) trở lại, không trú định lâu được, vì như trẻ con chưa biết ngồi, đứng một mình người mẹ phải đỡ đứng dậy cho ngồi cũng chẳng được, hằng té xuống đất. Về phần “nhập định” có thể đè nén dục tâm bực thấp được, rồi lướt vào mahaggatagotra (đại định) do thế lực của các chi thiền đã phát sanh, có mãnh lực cao thượng, tâm có thể cắt đứt bhavaṅga chỉ một lần, rồi trú đến một ngày, một đêm được, hằng hành theo thiện tốc lực tâm (kusalajavana), ví như người lực lưỡng có thế trỗi dậy khỏi chỗ rồi đứng đến trọn ngày được.
Khi hành giả đắc thiền bực dưới rồi, mong nhập thiền bực trên nữa, nên tập luyện xuất thiền bực dưới cho nhuần nhã theo 5 phép thuần thục (vasī). Đến giờ ra thiền phải quán tưởng cho thấy tội của thiền bực dưới, rõ phước trong thiền bực trên, rồi ghi nhớ trong thiền bực trên, tiếp niệm theo cho đến khi kết quả.
Năm phép thuần thục (vasī) như vầy:
1) thuần thục trong cách tìm chi của thiền (āvajjanavasī);
2) thuần thục trong cách nhập thiền (samāpajjanavasī);
3) thuần thục trong cách ngăn giữ thiền (adhiṭṭhānavasī);
4) thuần thục trong cách xuất thiền (vuṭṭhānavasī);
5) thuần thục trong cách quán tưởng chi của thiền (paccavekkhaṇavasī).
Giải:
1) Hành giả cần nhớ tìm thiền của mình đã đắc đó, nhớ tìm ở nơi nào, trong giờ nào, ngay chi thiền nào, chẳng hạn đến bao lâu cũng nhớ được mau lẹ, không lâu, như thế gọi là āvajjanavasī.
2) Nếu hành giả cần nhập thiền đã đắc đó, dầu nhập trong nơi nào, trong giờ nào, ngay chi thiền nào, đến bao lâu cũng được mau lẹ, không lâu, như thế gọi là samāpajjanavasī.
3) Khi hành giả nhập vào thiền rồi, nếu cần muốn duy trì thiền đó, không xuất mau, gìn giữ bao lâu cũng được, như thế gọi là adhiṭṭhānavasī.
4) Đến khi hành giả ra khỏi thiền đó, cũng có để xuất mau lẹ, theo ý muốn mình, được như thế gọi là vuṭṭhānavasī.
5) Tốc lực tâm, hành tiếp theo āvajjanacitta tìm kiếm chi của thiền, nhất là tầm (vitakka) theo thứ tự, không lâu lắc do trạng thái đã thuần thục trong cách nhớ gọi là paccayavekkhaṇavasī. Vasī này hành tiếp nối với āvajjanavasī.
Hành giả đã đến sơ thiền rồi (paṭhamajjhāna), tập luyện nhuần nhã theo 5 vasī như đã giải, nếu cần muốn nhập nhị thiền tiếp theo, thì nên nhập sơ thiền đã đắc trước đến khi xuất. Phải quán tưởng cho thấy tội trong sơ thiền, rõ phước trong nhị thiền rằng: “Thiền này có nghịch pháp, tức là pháp cái ở gần quá và chi thiền cũng thiếu sức, vì chi tầm và sát (vitakkavicāra) còn thô thiển. Trong tâm nhị thiền chỉ có 3 chi là phỉ (pīti), an (sukkha), nhất tâm (cittekaggatā) mới yên lặng vi tế cao thượng và đè nén sự ưa thích trong sơ thiền đó, tinh tấn ghi nhớ thường thường trong tâm nhất là đề mục kasiṇa đã đắc, bỏ chi thô thiển, ghi nhớ trong chi vi tế. Kế đó, tâm tìm kiếm trong ý muốn (manodvārāvājjana-citta) cắt đứt bhavaṅga do tin chắc rằng: “Nhị thiền sẽ phát sanh bây giờ đây” xong rồi níu lấy đề mục thiền định, để niệm cho phát sanh lên giờ đó 4 hoặc 5 tốc lực tâm (javana), vượt trong các cảnh giới. Tốc lực thứ ba hoặc thứ tư phía đầu thuộc về cõi dục (kāmāvacara). Tốc lực thứ tư hoặc thứ năm phía sau cuối cùng thuộc về cõi sắc (rūpāvacara), tức là tâm nhập định, khi đó hành giả vào nhị thiền.
Khi hành giả muốn nhập tam thiền, tứ thiền, cũng phải tập cho nhuần nhã trong thiền đã đắc theo 5 vasī. Phải thấy tội trong thiền bực dưới, phước trong thiền bực trên như đã giải đó vậy.