PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
THERAVĀDA
—–
PHÉP CHÁNH ĐỊNH
SƯU TẬP PHÁP
Soạn giả
TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG HỘ TÔNG
(VAṄSARAKKHITA MAHĀTHERA)
1) Nếu sự vật đó thành tựu đến người cần dùng, sự vật mà người thương yêu, thì họ cố tâm phỉ lạc, vì họ được vật mà họ mong mỏi.
Kāmaṃ kāmayamānassa tassa ce taṃ samijjhati addhā pītimano hoti laddhā macco yadicchati
Lời giải: tiếng ‘sự vật mà người thương yêu’ đó là nói về tất cả người, thú và các vật liệu vô thức tánh (nhà cửa, vàng bạc…) Khi người cần dùng mà được vật vừa lòng thì họ thỏa thích, đó là lẽ tự nhiên của phàm nhơn. Song sau rồi, sự ưa thích đó, sẽ làm cho họ phải buồn rầu, hoặc khổ não, kinh sợ. Nếu các vật đó bị hư hoại vì lẽ gì thì họ phải thương tiếc. Trong lúc các vật đó chưa tiêu hao, họ cũng khó chịu vì sự chăm nom, bởi tất cả sự vật đều phải cần nương với sự săn sóc mãi mãi. Tuy nhiên, phàm nhơn chỉ biết rằng: được là vui, cho nên người đời mới cần dùng tất cả vật dục. Cái lòng mong mỏi của phàm nhơn không bờ bến, hiệp theo kệ ngôn dưới đây.
2) Nếu vật đó thành tựu đến người cần dùng, vật mà họ thương mến đó, thì họ cần dùng thêm vật khác nữa như người đi đường khát nước muốn uống nước vậy.
Kāmaṃ kāmayamānassa tassa, ce taṃ samijjhati, tato naṃ aparaṃ kāme dhamme taṇhaṃva vindati
Lời giải: Bộ hành đương khát nước, chỉ mong mỏi được uống nước thế nào, người mà cần vật dục, cũng khao khát vật dục như thế đó. Khi được vật này, rồi cầu có vật khác thêm nữa. Được sắc, tiếng, mùi, vị, đụng chạm, thế này, cũng còn mong được sắc, tiếng, mùi, vị, đụng chạm, thế khác tiếp theo; có bấy nhiêu đây rồi, cũng ước mong được bấy nhiêu kia nữa, không bao giờ biết no dạ, dầu là được tất cả trong thế gian, cũng vẫn chưa phỉ chí, cũng như đức Chuyển luân vương Mandhāturāja đã làm vua cõi nhân gian, còn mong thống trị cả cõi trời. Xin xét theo kệ ngôn dưới đây.
3) Sừng bò hằng sanh trưởng đến bò, theo hình thể bò, thế nào, tâm ham muốn và lòng đói khát thường tăng tiến dữ dội đến người ít suy xét, đến kẻ tối tăm, đến người không thấy rõ như thế đó.
Gavaṃva siṅgino siṅgam vaḍḍhamānassa vaḍḍhati evaṃ mandassa posassa bālassa avijānato bhiyyo taṇhā pipāsā ca vaḍḍhamānassa vaḍḍhati
Lời giải: Lẽ thường bò, lúc còn nhỏ, cũng chưa có sừng. Khi lớn lên mới có, sừng đó cũng to lớn theo hình dạng của bò thế nào, lòng ái dục (tanhā) của phàm nhơn cũng hằng phát khởi theo thứ tự, nghĩa là thuở còn bé thơ tâm ham muốn cũng ít oi, chỉ mong được đồ chơi, ăn bánh hoặc trái cây. Đến lúc tráng niên thì cầu có vật trang sức, ăn chơi, đến tuổi trưởng thành thì sự mong mỏi lại càng tăng nhiều. Nhưng, sự mọc sừng của bò còn có nơi cuối cùng, là khi đã mọc ra vừa rồi thì tự nhiên ngưng lại. Trái lại, cái lòng ham muốn của thường nhân, thì không bao giờ cùng tột. Xin suy xét theo kệ ngôn sau đây.
4) Tâm tham của người thường giống nhau như sự mong mỏi của con bò được ăn mạ lúa trong ruộng vậy. Dầu người cho bò và mạ lúa với tất cả tôi tớ trong trái đất, cũng chưa vừa ý đến một người. Nếu người đời biết như thế rồi, không nên chạy theo lòng ham muốn, cần phải hành theo chánh pháp.
Pathabyā sāliyavakaṃ gavassaṃ dāsaporisaṃ datvāca nālamekassa iti vidvā samaṃ care
Lời giải: Lẽ thường bò thấy mạ lúa tươi trong ruộng hằng mong được ăn, thế nào, phàm nhơn cũng ước ao được tài sản có thức tánh và của cải vô thức tánh, như thế đó, dầu là được: voi, ngựa, trâu, bò, tôi tớ, bộ hạ nhiều đến đâu cũng chưa biết đủ, tâm sở vọng hằng có mãi mãi. Cho nên người đời không nên chiều theo vọng tâm, mà tạo ra ác nghiệp vì lòng ham muốn, chỉ cần làm việc đáng làm, dầu có mong mỏi đến đâu, cũng chẳng nên làm dữ. Lũ cướp đoạt của người, gọi là làm ác theo lòng ham muốn. Kẻ giết thú lấy da, hại voi lấy ngà, đều gọi là bọn làm tội vì ái dục. Tội đó sẽ làm cho họ khổ trong cảnh địa ngục, ngạ quỷ, a-tu-la, cầm thú rất lâu dài. Xin nhớ đến ông triệu phú gia không con (aputtasetthi) cùng các tích xưa khác và xem kệ ngôn dưới đây.
5)
Rāja pasayha paṭṭhaviṃ vijitvā
Sasāgarantaṃ mahimāvasanto
Oraṃ samuddassa atittarūpo
Pāraṃ samuddassapi patthayeva.
Nghĩa: Đức vua thắng người trên quả địa cầu, có bờ biển đây là nơi cuối cùng, rồi cũng chưa mãn ý, còn cần dùng bờ biển bên kia nữa.
Lời giải: Tuy đức vua có phước hậu thống trị suốt bờ biển bên này rồi, song như thế cũng chưa vừa lòng, vẫn còn mong được đất đai bên bờ biển kia nữa. Cho nên nói: tâm tham của kẻ phàm phu thật không bờ bến. Xin xem qua ý nghĩa kệ ngôn tiếp theo đây rằng:
6)
Yāva anussaraṃ kāme
Manasā titti navajjhaga
Tato navattā paṭikamma disvā
Te ve tittā ye paññāya tittā.
Nghĩa: Khi người thường nhớ tưởng tới ngũ dục đến đâu, cũng chẳng gặp sự no lòng đến đó. Những kẻ nào trở tâm thoát ly dục cảnh, thấy tội trong dục cảnh, các kẻ đó là mãn nguyện.
Lời giải: Bực có trí tuệ mới biết vừa lòng phỉ chí trong vật dục phiền não dục. Người thế nào gọi là có trí tuệ? Người thấy tội của vật dục phiền não dục gọi là bực có trí tuệ. Vì ngó thấy tội trong vật dục, phiền não dục tâm của họ lui khỏi vật dục, phiền não dục, không bận lòng tìm kiếm chúng nó. Họ thoái bộ giờ nào, gọi là no giờ đó, gọi là ngưng lúc đó, gọi là đến nơi cuối cùng của sự ham muốn, khi đó. Cái kết quả của sự không mong mỏi sẽ có, thế nào, xin xem tiếp câu kệ ngôn dưới đây:
7)
Paññāya tittinaṃ seṭṭhaṃ
Na so kamehi tappati
Paññāya tittaṃ purisaṃ
Tanhā na kurute vasaṃ.
Nghĩa: Phỉ do trí tuệ là điều cao quý, vì người no bằng trí tuệ hằng không nóng nảy vì vật dục, phiền não dục. Sự ham muốn không làm cho người mãn ý bằng trí tuệ ở trong thế lực của nó được.
Lời giải: Sự thỏa chí trong vật dụng, phiền não dục đó, hằng không có, bằng cách được vật dục, phiền não dục nghĩa là dầu có được vật dục, phiền não dục nhiều đến đâu, cũng không mãn ý. Sự mãn ý trong vật dục phiền não dục đó chỉ phát sanh do trí tuệ thôi, không phải được vì lẽ gì khác. Vậy người no vật dục, phiền não dục rồi có lợi ích chi? Có lợi ích trong sự không nóng nảy vì vật dục, phiền não dục và khỏi sa trong quyền lực của ái dục. Xin quan sát theo kệ ngôn dưới đây:
8)
Apacinetheva kāmāni
Appicchassa alolupo
Samuddamatto puriso
Na so kāmehi tappati.
Nghĩa: Người không nên thu thập vật dục phiền não dục. Sự không tham hằng có đến người ít ham muốn. Người không tham hằng không có sự nóng nảy vì vật dục, phiền não dục, như biển vậy.
Lời giải: Người có trí tuệ mong ra khỏi đời, thoát ly khổ não, không nên gom thâu vật dục, phiền não dục, đáng là người ít tham, không nên là người muốn nhiều. Người không thu thập vật dục, phiền não dục hay có tâm mát mẻ như nước trong biển thường mát mẻ luôn khi, nghĩa là dầu có người đem lửa đến đốt biển đến đâu, nước trong biển cũng vẫn không nóng. Người không cần dùng vật dục, phiền não dục, dầu có gặp điều khổ nhọc đến đâu, cũng tự nhiên không nao núng. Người có trí tuệ thường biết bỏ hoặc để như người thợ đóng giày theo kệ ngôn rằng:
9)
Rathakārova cammassa,
Parikantaṃ upāhanaṃ.
Nghĩa: Thợ đóng giày khi thấy rằng cần cắt bỏ da chỗ nào thì cắt nơi đó, thấy rằng phải chừa da tại đâu thì chừa tại đó, rồi họ làm giày mới được tốt đẹp.
Lời giải: Bậc trí tuệ cũng cần tinh tấn xét đến điều đáng bỏ và điều đáng để. Cái gì cần bỏ, cái gì phải để? Cái nên dứt trước hết là lòng ham muốn thái quá, là nguyên nhân cho sanh các nghiệp ác. Đều đáng để là tâm ít tham, không gây tội lỗi, mong mỏi trong điều lành, nhưng không buộc phải dứt hết một lần, trong kiếp chưa đến Niết-bàn. Song, với sự tinh tấn diệt lòng ham muốn mỗi khi một ít, cũng sẽ trừ tuyệt được gốc rễ vậy. Khi đã dứt bỏ tất cả thì chỉ có sự vui, như trong kệ ngôn thứ 10 rằng:
10)
Yaṃ yaṃ jahati kāmānaṃ
Taṃ taṃ sampajjate sukhaṃ
Sabbañce sukhaṃiccheyya
Sabbe kāme pariccaje.
Nghĩa: Người bỏ vật dục, phiền não dục nào, sự vui hằng đến họ, do sự dứt bỏ vật dục, phiền não dục đó. Nếu người cần được tất cả điều vui, cũng nên trừ tất cả vật dục, phiền não dục.
Lời giải: Trong kệ ngôn này chỉ cho thấy rõ rằng: Người gìn giữ vật dục, phiền não dục nào rồi, thì vật dục, phiền não dục đó càng làm khổ đến họ chẳng sai. Chỉ khi bỏ được vật dục, phiền não dục nào rồi thì hằng được vui do sự diệt trừ vật dục, phiền não dục đó. Tuy nhiên, nếu muốn được vui đều đủ, cũng phải từ bỏ điều đủ vật dục, phiền não dục, bằng không cũng chẳng được vui.
Người thắng hằng bị ganh ghét.
Người bại thường chịu khổ não.
Vậy, người hãy bỏ sự thắng và bại đi.
Thì hằng ngủ được yên vui.
Jayaṃ veraṃ pasavati
Dukkhaṃ seti parajayaṃ
Upasanto sukhaṃ seti
Hitvā jayaparājayaṃ.