PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
THERAVĀDA
—–
PHÉP CHÁNH ĐỊNH
SƯU TẬP PHÁP
Soạn giả
TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG HỘ TÔNG
(VAṄSARAKKHITA MAHĀTHERA)
“Adhicitte ca ayogo”: sự tinh tấn tu tập trong tâm cao cấp.
Tiếng adhicitta dịch là ‘tâm cao cấp’ là tâm bực cao, vượt khỏi lên trên tâm người thường, chia ra làm 2 phần là: thiền hữu sắc, thiền vô sắc.
Thiền hữu sắc (rūpajjhāna) có 4 bực: sơ thiền hay nhất thiền (paṭhamajjhāna), nhị thiền (dutiyajjhāna), tam thiền (tatiyajjhāna), tứ thiền (catutthajjhāna).
Năm pháp cái (nivaraṇadhamma)
Pháp che ngăn cái tâm không cho đắc thiền định được gọi là “pháp cái”, có năm: tham trong ngũ dục (kāmacchanda), oán (byāpada), hôn trầm: là thân tâm lười biếng, rã rượi, buồn ngủ (thīnamiddha), phóng tâm: tâm buông thả, không chú trọng (uddhacca kukkucca), hoài nghi (vicikicchā).
Nguyên nhân sanh năm pháp cái: sự tham trong ngũ dục phát sanh ‘dơ’ mà cho rằng là ‘đẹp’, là ‘sạch’; sự oán thù phát sanh do tâm bất bình, uất ức; hôn trầm phát sanh do tâm không vui thích; phóng tâm phát sanh do lòng không yên lặng; hoài nghi phát sanh vì không ghi nhớ bằng trí tuệ. Năm pháp cái đó, dầu là người không có tác ý mong mỏi, cũng có thể phát sanh lên được, bởi đã có thói quen thân thiết từ lâu rồi.
Pháp trừ năm pháp cái
1) Tham trong ngũ dục trừ bằng tham thiền đề mục bất tịnh (tử thi) (xem trong phép chánh định). Lại có sáu pháp nữa để dứt lòng tham ngũ dục là: học đề mục thiền định bất tịnh; tinh tấn niệm đề mục bất tịnh; thu thúc lục căn; biết tiết chế trong thực phẩm; gần gũi bạn lành; chỉ nói lời nên nói (nói lời làm cho phát sanh sự chán nản thế sự).
2) Trừ thù oán bằng niệm từ ái (mettā bhāvanā), nghĩa là rải tâm thương xót đến tất cả chúng sanh. Có sáu pháp khác nữa để dứt lòng thù oán là: học đề mục từ ái; tinh tấn niệm đề mục từ ái; quán tưởng rằng chúng sanh có cái nghiệp là của mình; cố gắng quán tưởng cho nhiều; gần gũi bạn lành; chỉ nói lời nên nói.
3) Trừ hôn trầm bằng phép tinh tấn. Có sáu pháp khác để dứt hôn trầm là: chú tâm về sự tiết chế trong pháp thọ thực; ráng thay đổi oai nghi cho đều, cho được vui; quán tưởng làm cho tâm sáng láng tươi tỉnh; chỉ ngụ trong nơi trống (khoảng trống); gần gũi bạn lành; chỉ nói lời nên nói.
4) Trừ sự phóng tâm bằng tịnh tâm. Có sáu pháp để dứt phóng tâm là: trạng thái người được nghe nhiều học rộng; ráng tra vấn điều phải chẳng; biết thuần thục giới luật; tìm kiếm bực trưởng thượng hoặc hàng đức hạnh; gần gũi cùng bạn lành; chỉ nói lời nên nói.
5) Trừ hoài nghi do sự ghi nhớ bằng trí tuệ trong thiện pháp. Có sáu pháp để trừ hoài nghi là: trạng thái người được nghe nhiều học rộng; ráng tra vấn điều phải chẳng; biết thuần thục giới luật; làm cho tâm có nhiều đức tin; gần gũi cùng bạn lành; chỉ nói lời nên nói.
Thí dụ năm pháp cái với năm thứ nước: tham ngũ dục ví như nước có lẫn lộn nhiều màu; oán thù ví như nước đang sôi trào; hôn trầm ví như nước bị rong rêu che án; phóng tâm ví như nước có sóng lưỡi búa; hoài nghi ví như nước đục để trong nơi tối.
Khi nước đã biến đổi như vậy rồi, người không thể soi cho thấy bóng mặt được thế nào, pháp cái cũng là điều che ngăn cái tâm không cho thấy lẽ chánh như vậy.
Thiền hữu sắc
Thiền định hữu sắc chia làm 4 bực là:
1) khi hành giả tinh tấn trừ năm pháp cái được rồi thu tâm lại còn có năm là: tầm (vitakka), sát (vicāra), phỉ (pīti), an (sukha), định (ekaggatā), như thế đó gọi là sơ thiền (pathamajjhāna);
2) thu cái tâm lại nữa, dứt tầm và sát, chỉ còn có 3 là phỉ, an, định gọi là nhị thiền (dutiyajjhāna);
3) thu cái tâm lại nữa, bỏ phỉ ra, chỉ còn có 2 là an và định, gọi là tam thiền (tatiyajjhāna);
4) thu cái tâm lại nữa, bỏ an, chỉ còn có 2 là định và xả (upekkhā) gọi là tứ thiền (catutthajjhāna).
Giải về thiền hữu sắc. Người muốn suy xét về pháp thiền định, cần phải chủ ý trước rằng: “Cái tâm của thường nhơn có nhiều bực, tốt cũng có, xấu cũng có, lẫn lộn nhau là lẽ thường. Tất cả điều ác, nếu nói cho nhiều thì có đến 1.500 gọi là ô nhiễm (kilesa). Song trong nơi đây chỉ trích lấy có 10 là bên lành có 5, bên dữ có 5. Về phần lành thì nói về 5 chi thiền (aṅgajhāna), phần dữ về 5 pháp cái (nīvaraṇadhamma) đem sắp hạng theo thứ tự như vầy:
Phần lành
1) Định (samādhi).
2) Phỉ (pīti).
3) Tầm (vitakka).
4) An (sukha).
5) Sát (vicāra).
Phần dữ
6) Tham (kāmacchanda).
7) Oán (byāpada).
8) Hôn (thīnamiddha).
9) Phóng (uddhacca kukkucca).
10) Nghi (vicikicchā).
Đó là tướng tâm của thường nhơn, nghĩa là tâm người đời có lúc ngưng thần được, song khi có sự tham trong một ngũ dục nào rồi thì ngưng thần phải lui. Trong lúc đó tâm liền phóng túng ngay. Khi phỉ phát sanh, nếu có điều bất bình tiếp xúc thì phỉ cũng tiêu, trở thành oán cấp kỳ.
Khi tâm xét điều gì rồi bỏ, không nghĩ nữa vì bị hôn trầm đè nén. Có khi được an lạc song bị phóng túng lại sanh lên làm cho hết an lạc đi. Lẽ thường, con người hằng có tâm quan sát trí tuệ tìm điều lợi ích mà bị sự hoài nghi đè nén rồi thì không còn xem xét được nữa, không tin chắc phía nào, sát cái chi cũng chẳng thành tựu.
Nếu đã xem và nghe được vừa lòng lời giải trên đó đúng đắn rồi thì dễ hiểu biết trong phép thiền định, theo thứ tự như sau này:
1) Người đắc sơ thiền có thể cắt cả năm pháp cái phần dữ được, chỉ còn sót 5 phần lành là định, phỉ, tầm, an, sát.
2) Song về 5 phần lành đó, tầm và sát vẫn còn thô thiển, là nhân làm cho tâm rời rạc nữa được. Cho nên cần cố gắng trừ tầm và sát, cho chỉ còn: định, phỉ và an. Đây gọi là đắc nhị thiền.
3) Phỉ là sự no lòng nhưng cũng còn xao động nên sợ e cho ác pháp sẽ nhập vào nữa. Cớ ấy, phải trừ bỏ phỉ, chỉ còn định và an. Được như vậy gọi là nhập tam thiền.
4) Mặc dầu như thế đó, sự an lạc cũng là điều còn thô thiển, đang yên vui, sự khổ lại đến, vì vui với khổ là pháp tương phản. Lẽ đó, phải diệt vui cho chỉ còn có 1 định thì tâm hằng trú trong trạng thái ‘vo ký’ (upekkha). Như thế gọi là tứ thiền.
Vì mong cho các hàng Phật tử được học hỏi dễ dàng, nên có bản đồ chỉ rành dưới đây cho thấy rõ tướng tâm của bực đắc định. Hành giả muốn đắc thiền từ thấp đến cao, cần phải diệt tận điều xấu, lọc lấy cái tâm tốt, cao từng bực, chỉ còn cái tâm thanh cao tối thượng thôi, ví như lấy nước sạch đem lóng lần lượt cho chỉ còn nước thật trong thôi.
Tâm thường nhân: 1) định, 2) phỉ, 3) tầm, 4) an, 5) sát, 6) tham, 7) oán, 8) hôn, 9) phóng, 10) nghi.
Tâm của bực đắc sơ thiền: 1) định, 2) phỉ, 3) tầm, 4) an, 5) sát, 6), 7), 8), 9), 10).
Tâm của bực đắc nhị thiền: 1) định, 2) phỉ, 3), 4) an, 5), 6), 7), 8), 9), 10).
Tâm của bực đắc tam thiền: 1) định, 2), 3), 4) an, 5), 6), 7), 8), 9), 10).
Tâm của bực đắc tứ thiền: 1) định, 2), 3), 4), 5), 6), 7), 8), 9), 10).
Bốn thiền vô sắc
1) Quán tưởng (paṭibhāganimitta) của đề mục kasiṇa cho trở thành “không không” gọi là mở “Kasiṇa” rồi dùng hư không làm cảnh giới. Niệm “ananto ākāso” (hư không vô biên). Niệm cho đến phát sanh định tâm, rồi dứt sự phân biện trong điều bất bình, bỏ sự phân biện trong các trạng thái khác.
2) Dùng cái thức (viññāṇa) làm cảnh giới niệm rằng: “anantaṃ viññāṇaṃ” (thức vô biên). Niệm cho đến phát sanh định tâm, rồi dứt bỏ sự phân biện trong “ākāsānañcāyatana” (hư không vô biên)” ra gọi là “viññāṇañcajjhāna” (thức vô biên thiền).
3) Chẳng dùng cái gì làm cảnh giới cả, niệm rằng: “naṭṭhi kiñci” (cái chi chút ít cũng chẳng có). Niệm cho đến phát sanh định tâm, rồi dứt bỏ sự phân biện trong “thức vô biên” ra được, gọi là “vô hữu sở thiền”.
4) Chẳng dùng cái chi làm cảnh giới cả, rồi niệm “santametaṃ paṇītame taṃ” (cái đó vi tế lắm, cái đó quý báu lắm). Niệm cho đến phát sanh định tâm rồi dứt bỏ sự phân biện trong “vô sở hữu thiền” ra, gọi là “phi phi tưởng thiền (nevasaññānāsaññāyatanajjhāna)”.
Hành giả đắc tứ thiền này mà gọi là “biết mình” cũng không được hoặc “không biết mình cũng không được”.
Phân biệt thiền hữu sắc với thiền vô sắc. Gọi là thiền hữu sắc, vì còn nương theo đề mục có sắc như kasiṇa song sau khi đắc thiền hữu sắc được thuần thục, rồi nhập thiền không cần dùng kasiṇa nữa mới gọi là “thiền vô sắc”.
Xin giải thêm cho rõ rệt về thiền vô sắc lần thứ nhì nữa như sau này:
1) Thiền vô sắc đầu tiên, dùng hư không làm đề mục, nghĩa là chỉ niệm: “Hư không là cái vô biên” thôi. Không tưởng nhớ đến paṭibhāganimitta, không dùng sắc làm cảnh giới. Đó gọi là “hư không vô biên thiền”.
2) Dứt sự nghĩ nhớ đến hư không đó ra, chỉ niệm cái thức thôi rằng: “thức là cái vô biên”. Đó gọi là “thức vô biên thiền”.
3) Dứt sự nghĩ nhớ đến cái thức ra, không có nhớ tưởng đến cái chi cả, nghĩa là làm cho cái tâm vắng lặng, không có cái chi đến dính mắc cả. Đó gọi là “vô hữu sở thiền”.
4) Khi cái tâm đã nhập vững chắc trong thiền cao cấp, vi tế, tột bực như thế, hành giả đắc thiền đó cũng gọi là bực quý cao, tức là có ‘sự biết mình rất ít’, dường như gọi rằng: “không biết mình” cũng được. Dầu có người đến đánh đập cũng chẳng biết, song vẫn còn sanh mạng. Cho nên gọi là “phi phi tưởng thiền”.
Tất cả 8 thiền (4 thiền hữu sắc và 4 thiền vô sắc) đều có thông thường trong các thời gian (là trong thời gian có Phật hoặc không có Phật). Song ngoài Phật giáo, hành giả đắc thiền không có thể dứt điều ô nhiễm và khổ não chỉ được yên vui trong cái pháp mà mình thấy đó thôi và được sanh lên trong cõi Phạm thiên thôi.