PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
THERAVĀDA
—–
PHÉP CHÁNH ĐỊNH
SƯU TẬP PHÁP
Soạn giả
TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG HỘ TÔNG
(VAṄSARAKKHITA MAHĀTHERA)
Giải về tiếng “bậc xuất gia và Sa-môn” (pabbajita samaṇa)
Trong kinh “Ovādapātimokkha” có câu Phật ngôn:
Người giết chúng sanh không gọi: bậc ‘xuất gia’, người làm hại kẻ khác không được gọi là bậc ‘Sa-môn’.
“Na hi pabbajito parū paghati samaṇo hoti paraṃ vihethayanto”
Lời giải: Người đã tự nguyện rằng là bực ‘xuất gia’ hoặc ‘samôn’ đó, chỉ đến khi có tâm nhẫn nại (adhivāsakhanti) nín nhịn, không làm hại kẻ khác cho họ chết mất, hoặc hao tài sản, hoặc không làm cho họ chịu khổ, mới vừa theo danh hiệu trên đó. Nếu còn sát sanh hoặc làm hại kẻ khác, thì chẳng gọi là bậc xuất gia hoặc Sa-môn đâu.
Vì sao lại giải như thế đó?
Vì chưa đánh đuổi được điều ô nhiễm, như có Phật ngôn rằng:
Người đã đánh đuổi điều ô nhiễm của mình cho ra khỏi được, Như Lai mới gọi là bậc ‘xuất gia’, vì lẽ đó họ đã đánh đuổi được điều ô trược đó. Sự đánh đuổi các điều ô nhiễm là cái tướng để phân biệt bậc xuất gia.
“Pabbajayamattano malaṃ tasmā pabbajamatoti vuccati”
Cái chi gọi là ô trược? Các bợn dơ làm cho cái tâm nhớp đục, như vật đen (than)… làm cho đồ sạch phải nhơ bẩn, nên gọi là ô trược.
Ô trược có 9 điều (mala)
1) kodha: ngầm giận,
2) makkha: quên ơn,
3) issā: ganh ghét,
4) macchariya: bón rít,
5) māyā: giấu lỗi mình,
6) sātheyya: khoe tài,
7) musā: dối gạt,
8) papiccha: ham muốn xấu,
9) micchādiṭṭhi: hiểu quấy.
Khi một trong chín ô trược đó phát sanh lên, làm cho tâm dơ đục, không trong sạch, cho nên gọi là “ô nhiễm”. Người đã trừ bỏ điều ô trược trong tâm rồi, mới gọi là bậc ‘xuất gia’ thật; dầu chưa được dứt hẳn song chú tâm làm cho tiêu mất, cũng đáng gọi là bậc ‘xuất gia’ vậy. Người mà sát hại chúng sanh, cũng chỉ vì các ô trược đó ẩn núp trong tâm.
Lại nữa, người ‘xuất gia’ dịch là ‘người lánh’ là tránh tội lỗi mà đức Phật đã ngăn cấm, nhất là tránh những điều: dâm dục, trộm cướp, sát nhơn và khoe pháp của bực quý nhơn1Pháp của bực quý nhơn là bát thiền, 4 đạo, 4 quả, Niết-bàn, dứt: tham, sân, si., vì cả 4 nghiệp dữ đó là nguyên nhân sát hại chúng sanh.
Có hạng người, vì cái nhân dâm dục mà phá hại lẫn nhau; có hạng người mong được của kẻ khác rồi giết tài chủ cũng có; có hạng người muốn được lợi (lời khen, lễ lộc) rồi dối gạt rằng mình có đức hạnh cao siêu. Những nghiệp đó có thể làm hại, làm khổ kẻ khác là điều chẳng nên hành, mà đức Phật đã có chế định hẳn các hàng xuất gia trong Phật giáo không cho phạm. Nhân đó, các tỳ khưu, sa di, nên lánh điều Phật cấm, chuyên hành theo lời Phật chuẩn, bằng không thì gọi là người ‘xuất gia’ sao được.
Giải về tiếng ‘Sa-môn’
Người không nhẫn nại, dầu không giết các chúng sanh, chỉ có đánh đập làm khổ kẻ khác cũng chẳng gọi là ‘Sa-môn’ được.
Cớ sao? Vì lẽ chưa xa khỏi sự phá hại chúng sanh. Chỉ khi có tâm yên lặng mới gọi là ‘Sa-môn’ được, hiệp theo Phật ngôn rằng:
Người đã trừ các lội lỗi cho vắng lặng được, Như Lai mới gọi là « Sa-môn” ‒ Sự dứt bỏ điều ác là cái tướng để phân biệt của bực ‘Sa-môn’.
“Samittatā hi pāpānaṃ samaṇoti vuccati”
Lại nữa, bực ‘Sa-môn’ chẳng phải do sự phân biện cái tướng mạo bề ngoài đó đâu, như có Phật ngôn rằng:
Người chẳng phải được gọi là ‘Sa-môn’ chỉ vì sự cạo tóc đó đâu. Người không có hạnh kiểm, nói lời không chánh, không đúng pháp luật, người có nhiều sự ham muốn, mà gọi là ‘Sa-môn’ sao được. Về phần người đã dứt đủ các tội lớn nhỏ, Như Lai mới gọi là ‘Sa-môn’ vì họ đã diệt cả điều ác.
“Na muṇḍakena samaṇo abbato alikaṃ bhaṇaṃ icchālobhasamapanno samano kin bhavissati yo ca sameti pāpāni anunthūlāni sabbaso samitattā hi samaṇoti vuccati”
Pháp làm cho trở nên ‘Sa-môn’
Đức Chánh Biến Tri có giảng thuyết về danh hiệu và pháp của ‘Sa-môn’ rằng:
Này các tỳ khưu, đại chúng hằng rõ danh hiệu của các người rằng là ‘Sa-môn’. Về phần các ngươi cũng vậy, khi có ai hỏi rằng: « Ông là chi?”, các ngươi cũng chắc tự nhận rằng: “Chúng ta là Sa-môn”.
“Samaṇā samaṇāti vo bhikkhave jano sañjānāti”
Như vậy nữa, nếu các ngươi có danh hiệu như thế và nhận mình như vậy rồi, phải biết rằng:
Các pháp nào làm cho trở nên Sa-môn và làm trở nên Bà-la-môn, chúng ta sẽ thọ trì những pháp đó. Hành động như thế, mới vừa với sự nhận thức chơn chánh của chúng ta, theo lời họ đã gọi thật”.
“Ye dhammā samaṇakaraṇā brāhmaṇakaraṇā”
Lại nữa, chúng ta đã chịu dùng y bát, vật thực, chỗ ngụ, thuốc men của những thí chủ nào, cái nghiệp lành của các kẻ đó, chắc sẽ phát phước lớn, có quả báo chẳng sai, vì họ nương nhờ chúng ta. Hơn nữa, sự xuất gia của chúng ta, chẳng phải là vô hiệu quả đâu, là pháp tu hành được nhiều phước báu thực. Này các tỳ khưu! Các ngươi cần biết mình như vậy, chẳng nên quên.
Khi đã thuyết như thế rồi, Ngài bèn giảng tiếp 2 pháp trọng yếu hơn là hổ thẹn (hiri) và ghê sợ (ottappa) tội lỗi làm gốc, rồi giải rằng:
Sự nương ngụ trong nơi thanh vắng, cách trau dồi cái tâm cho xa khỏi pháp cái (nivaraṇadhamma) rồi chú tâm ngưng thần làm cho trí tuệ thấy rõ trong “Tứ diệu đế”, tất cả phép đó, là phép của ‘Sa-môn’.
“Parisuddhikāyasamācāra parisuddhivacīsamācāra parisuddhimanosamācāra parisuddha ājīva indriya saṃvara bhojanamattaññū jāgariyānuyoga satisampajañña”.
1) Hổ thẹn (hiri) là nói về sự xấu hổ đối với các ác pháp.
2) Ghê sợ (ottappa) là nói về sự ghê sợ các tội lỗi. Cả 2 pháp trên đây là trọng yếu đặc biệt của ‘Sa-môn’ bằng không cũng chẳng gọi là Sa-môn được. Có hai pháp đó rồi, các đức tánh khác mới có thể phát sanh lên được.
3) Thân trong sạch đầy đủ (parisuddhikāyasamācāra) là nói về ba nghiệp lành của thân.
4) Khẩu trong sạch đầy đủ (parisuddhivacīsamācāra) là nói về bốn nghiệp lành của miệng.
5) Tâm trong sạch đầy đủ (parisuddhimanosamācāra) là nói về ba nghiệp lành của ý.
6) Nuôi mạng trong sạch (parisuddha ājīva) là nói về sự nuôi sống cho thanh cao (xem trong chánh mạng thanh tịnh giới).
7) Lục căn thu thúc (indriyasaṃvara) (xem trong lục căn thanh tịnh giới).
8) Biết tiết chế trong thực phẩm (bhojanamattaññū) là nói về sự biết hạn chế trong khi thọ thực cho vừa (xem trong pháp quán tưởng thọ vật dụng thanh tịnh giới).
9) Tỉnh thức thường thường (jāgariyānuyoya) là nói về sự thức nhiều ngủ ít.
10) Trí nhớ biết mình (satisampajañña).
11) Sự nương ngụ trong nơi thanh vắng: là nói về sự trú ẩn trong rừng hoặc dưới bóng cây hay là nơi tịnh thất vắng vẻ.
12) Sự trau dồi cái tâm cho xa khỏi pháp cái rồi chú tâm ngưng thần: là nói về hành phép thiền định.
13) Làm cho trí tuệ thấy rõ trong “Tứ diệu đế”: là làm cho phát sanh sự thấy biết rõ rệt: cái khổ, nhân sanh khổ, diệt khổ, đạo diệt khổ (xem trong Tứ diệu đế). Tất cả pháp đó là pháp của ‘Sa-môn’ mà người đã tự nhận là Sa-môn cần phải có, bằng không, ắt sẽ có sự làm hại kẻ khác chẳng sai.
Đức Thế Tôn giảng thuyết về hàng ‘Sa-môn’ và các pháp của bực Sa-môn như thế đó.
Phương tiện cho phát sanh pháp của bậc xuất gia hoặc Sa-môn
Người đã tự nguyện là bậc ‘xuất gia’ hoặc ‘Sa-môn’ phải chú tâm rằng: “Ta là bậc xuất gia hoặc Sa-môn rồi cần gìn giữ đức tin cho thanh cao vừa theo cái tướng mạo người xuất gia hoặc Sa-môn mới đặng, hay là quán tưởng theo Phật ngôn rằng: Bây giờ đây, ta có tướng mạo khác hơn kẻ thế, nhất là cách thức hành động của sa-môn thế nào, ta cần phải làm theo không nên làm cho sai biệt cái pháp của ‘Sa-môn’. Bậc xuất gia ví như người thương mãi, bán buôn muốn được lợi, nếu hành đúng cách mới được lời nhiều, bằng làm sái, ắt phải lỗ vốn. Cớ đó, đức Phật có giải về pháp để đè nén cái tâm của người xuất gia như vầy:
Lẽ thường, cỏ tranh mà người không khéo nắm, kéo ngược trở lại, ắt phải đứt tay, thí dụ thế nào, sự xuất gia của hành giả nào tu không chơn chánh, sái pháp luật, hằng lôi kéo bậc đó sa trong địa ngục, cũng như thế ấy. Công việc nào làm thối chuyển, sự hành động nào nhơ đục, giáo lý nào mà người niệm bằng cách hoài nghi, cả 3 nhân đó là điều không có hiệu quả nhiều. Nếu người làm cái chi, là việc nên làm, hãy làm cái đó đi. Song cần phải thi hành cho đúng đắn, chẳng nên chỉ nói rồi thôi, vì cái pháp tránh khỏi mà người hành lui sụt, hằng rải rác tội lỗi như bụi bặm, nghĩa là trở thành nghiệp xấu.
“Kuso yathā duggahito haṭṭhamevānukantati sāmaññaṃ dupparāmaṭṭhaṃ nirāyāyūpakaḍḍhati yaṃ kiñci sithilaṃ kammaṃ saṃkiliṭṭhāñca yaṃ vattaṃ saṅkassarạm brahmacariyaṃ na taṃ hoti mahapphalaṃ kayirā ce kayirāthenaṃ daḷhamenaṃ parakkame sithilo hi paribbājo bhiyyo ākirate rajam
Tội của bậc xuất gia tu hành không chơn chánh
Người mặc y vàng, song không thu thúc theo phép của sa-môn cũng không khỏi sa địa ngục, như Phật ngôn rằng:
Phần đông người có cà sa dính với cổ, tức là mặc y vàng song là kẻ có pháp xấu xa, không thu thúc theo pháp của sa-môn những kẻ không tốt đó thường phải bị đọa trong cảnh địa ngục, do các nghiệp xấu của họ đã tạo.
“Kāsāvakaṇṭhā bahavo pāpadhammā asaññatā pāpā pāpehi kammehi nirayaṃ te upapajjare”
Lại nữa, người xuất gia đã phá giới, rồi thọ thực của thí chủ mà họ dâng bằng đức tin, không nên đâu, ráng dùng cục sắt đương nóng còn hơn, hiệp theo Phật ngôn rằng:
Người xuất gia phá giới, là người không thu thúc mà cũng dùng vắt cơm của các kẻ thế chẳng dễ đâu, ráng ăn cục sắt nóng như ngọn lửa còn hơn.
“Seyyo ayoguḷo bhutto tatto aggisikhūpamo yañce bhuñjeyya dussīlo raṭṭhapiṇḍamasaññāto
Đức Phật đã giảng thuyết chỉ rõ tội khổ của bậc xuất gia và Sa-môn không trú trong phép của họ, như những quy tắc đã giải.
Phương pháp dẫn bậc xuất gia thực hành theo chân lý
Người xuất gia nên hiểu rằng: sự sanh ra làm người cũng khó, sanh ra làm người rồi không mang tật bịnh cũng khó, nuôi sanh mạng cho được sống còn đến ngày xuất gia thật là trăm ngàn điều khó, xuất gia rồi học hỏi cho thông hiểu rằng: đây nên, kia không nên cũng chẳng dễ đâu. Khi đã thoát khỏi sự khó khăn, như đã giải đó rồi, phải vừa lòng với điều lợi ích quý cao của mình, chẳng nên chán nản, lãnh đạm với Phật huấn đâu. Cần phải hết lòng thỏa thích, rồi chú tâm học hỏi pháp luật trong Phật giáo cho được chu đáo, thành tâm thiệt hành theo, thì sự xuất gia đó mới có nhiều hiệu quả, mau đến Niết-bàn. Mặc dầu chưa thành tựu, song sự tu tập nghiệp lành, những hành vi chơn chánh đó, cũng dính theo qua kiếp sau vậy.
Lại nữa, bậc xuất gia hoặc Sa-môn mong được mau kết quả Niết-bàn, phải có nhiều sự nhẫn nại, đừng ở dưới quyền các pháp ô nhiễm xấu xa thô hiển đã phát sanh rồi làm cho kẻ khác bị hại, chịu khổ. Phải có đức nhẫn nại dẫn đầu, bằng không ắt sẽ làm khó chúng sanh. Như thế đó, đức Phật không gọi là bậc xuất gia hoặc Sa-môn hay là hàng Phật tử đâu.
Giải về pháp nhẫn nại (khanti)
Sự nhẫn nại là phép thiêu đốt cao quý.
“Khantī paraṃaṃ tapo titikkhā”
Chú giải: Sự nhẫn nại đó chia ra làm ba là: nhẫn nại đối với cái khổ là nguyên nhân cho sanh xan tham, nhẫn nại đối với cái khổ là nguyên nhân cho sanh sân hận, nhẫn nại đối với cái khổ là nguyên nhân cho sanh si mê.
Nhẫn trong điều thứ nhất, nói về sự nhịn nín đối với các điều ham muốn, phát sanh trong sáu cửa. Tiếng ‘nhịn nín’ là ráng chịu, không làm điều dữ theo lòng mong mỏi hoặc đói khát. Có hạng người, chỉ vì không biết nhịn nín đối với cái tâm ham muốn hoặc sự đói khát mới dối gạt, cướp giựt của người, ắt sẽ bị nghiệp báo, chịu điều khổ não do nhân dữ đã tạo (như bị đánh đập, tù tội…). Người nào nhẫn nại được thì hằng gặp điều an vui, lợi ích. Đó là nhẫn nại đối với cái khổ là nguyên nhân cho sanh xan tham.
Sự nhẫn nại đối với các khổ là nguyên nhân cho sanh sân hận, nói về sự nhịn nín với những điều không vừa lòng, của kẻ khác. Lẽ thường con người đã sanh ra trong thế gian chẳng có một ai không bị người chê trách, nếu họ không nhiếc ngay trước mặt, thì họ mắng xiên chửi xéo hoặc nói xấu sau lưng. Xét coi như mặt trời mặt trăng, thường soi sáng khắp thế gian, cũng chẳng khỏi bị chê trách, hà huống đến người đời, tránh sao cho khỏi lời phỉ báng. Cho đến đức Thiên Nhơn Sư có đủ đức từ bi mà cũng có kẻ oán trách, như lúc Ngài ngự trong thành Kosambi bị hoàng hậu của đức vua Udena bảo nhiều người chửi mắng.
Phương tiện dập tắt lòng nóng giận. Đức Phật dạy: Nếu muốn diệt cái tâm sân, phải làm như ‘người mù, kẻ điếc’, như thế đó mới nhịn sự nóng giận được. Làm người có mắt hay thấy, có tai hay nghe thì rất khó nhẫn. Những kẻ không biết nhịn đối với sự khổ vì giận, thì làm việc gì hay nóng nảy, thường phải gặp điều rủi ro, tai hại, sau rồi hối hận rằng: Ô! Ta đã làm sái lắm rồi, không nên thật. Dầu đối với việc nào chẳng hạn, nếu đã làm theo cái tâm nóng giận ắt phải hư hỏng cả. Cho nên, bậc trí tuệ cần phải suy xét cho thấy rõ tội lỗi trong sự sân, rồi ráng nhịn nhục như lẽ đã giải.
Nhẫn nại trong điều thứ ba, là nhịn đối với điều khổ não phát sanh trong thân tâm mình, không nên chiều theo cái khổ mà làm dữ. Dầu nhẫn trong lúc mang bịnh là cái nhân sanh trí nhớ và sự biết mình, là một nết hạnh thanh cao, nên có trong tâm hằng ngày hằng giờ, hoặc trong lúc bịnh nặng cũng cần có tánh nhẫn nại cho vững vàng.
Phương tiện làm cho phát sanh đức nhẫn nại trong giờ hấp hối là phải xét cho thấy chơn lý rằng: bịnh và chết là cái khổ mà tất cả chúng sanh phải mang, chẳng có một ai tránh khỏi. Trong “Abhiṇhappaccavekkhana”, đức Phật dạy phải thường thường quán tưởng rằng: Ta có bịnh hoạn là lẽ thường, không sao tránh khỏi được (byādhidhammomhi byadhin anatito). Như thế để ngừa trước, khi còn mạnh khỏe. Nếu chờ đến bịnh nặng thì khó mong nhớ xét cho kịp, vì khi bịnh nguy hằng có rất nhiều sự khổ, khó bề tưởng nghĩ. Trí nhớ và sự biết mình đều phóng túng, có khi lại dạy người sát sanh để cúng tế khẩn cầu, mong được tai qua nạn khỏi, không lòng nhơn từ đối với loài cầm thú. Những tội lỗi ấy phát sanh lên, vì khi còn mạnh khỏe không trau dồi trí nhớ rằng: “Chúng sanh trong thế gian đều phải mang bịnh hoạn ốm đau”. Bởi thiếu trí nhớ mới gây ra nghiệp dữ, rồi sau khi chết phải sa đọa trong đường ác. Những người có trí nhớ và sự biết mình hằng được thọ sanh trong nhàn cảnh. Cho nên Phương pháp dạy dỗ cái tâm cho có sự nhẫn nại là điều trọng yếu mà chúng ta cần phải có, hầu chiến thắng nghịch pháp, tức là bịnh khổ trong giờ hấp hối. Bậc trí tuệ nên suy xét thấy cái tội của sự lầm lạc và cái phước của trí nhớ với tánh nhẫn nại như đã giải, cần phải tu cái trí nhớ cho sẵn, theo phương pháp của đức Phật, để đè nén sự si mê, không cho sanh lên được.
Nhẫn với cái khổ là nhân sanh tham và si như đã giải là pháp phụ thuộc, chưa phải là chánh. Nhịn đối với cái khổ, là nhân sanh nóng giận mới thiệt là quan trọng gọi là “adhivāsakhanti”.
Phước báu của adhivasanakhanti. Có rất nhiều kệ ngôn khen ngợi adhivasakhanti, nhất là:
Nhẫn nại là nhân sanh các đức tánh, tức là giới và định. Các thiện pháp hằng được tăng trưởng do lòng nhịn nín thật.
Sīlasamādhiguṇānaṃ khanti pādhānakāraṇaṃ sabbepi kusalā dhammā khantyāyeva vaḍḍhanti te
Nhẫn nại hằng cắt đứt tất cả gốc tội được. Người nhịn nhục gọi là người đào bứng cội rễ các tội, nhất là sự chửi mắng và lời tranh cãi.
Kevalānampi pāpānaṃ khanti mūlaṃ nikantati garahakalahādīnam mūlaṃ khaṇati khantiko
Nhẫn nại là vật trang điểm của bậc trí tuệ, nhẫn nại là pháp thiêu hủy tội lỗi của người có thiêu pháp2Thiêu pháp: pháp thiêu đốt.. Nhẫn nại là sức mạnh của người hành thiện pháp. Nhẫn nại là cái đức đem đến điều lợi ích và yên vui.
Khanti dhīrassalaṅkāro khanti tapo tapassino khanti balaṃ va yatīnaṃkhanti hitasukhāvahā
Người nhịn nín là người có bậu bạn, là người có lợi, là người có quyền thế, là người thường có sự vui. Người nhịn nín hằng là nơi thương yêu, là chỗ vừa lòng của người và Chư thiên.
Khantiko mettavā lābhī yasassī sukhasīlāva piyo devamanussānaṃ manāpo hoti khantiko
Người nhịn nín là bậc đem điều lợi ích đến mình, đến những kẻ khác nữa; người nhịn nín là người bước lên đường đến cõi trời và Niết-bàn.
Attanopi paresañca aṭṭhāvaho va khantiko saggamokkhagamaṃ maggaṃ āruḷho hoti khantiko
Người nhịn nín gọi là làm theo lời dạy của “đức Giáo chủ” hẳn thật; người nhịn nín gọi là cúng dường đức Thế Tôn bằng cách cúng dường cao quý.
Satthuno vacanovadam karotiyeva khantiko paramāya ca pūjāya jinaṃ pūjeti khantiko
Giải về pháp nhẫn nại là thiêu pháp (tapadhamma). Pháp nào đã sanh lên rồi đốt tiêu được các pháp nghịch với mình, đó gọi là thiêu pháp. Như thập thiện nghiệp (kusalakammapatha) là thiêu pháp của thập ác nghiệp (akusalakammapatha) vì khi thập thiện nghiệp sanh lên thì trừ diệt thập ác nghiệp cho tiêu tan được. Tinh tấn (viriya) là thiêu pháp của lười biếng (kosajja).
Pháp nhẫn nại mà gọi là thiêu pháp, vì nó đốt các pháp, nhất là nóng giận (dosa), ngầm giận (kodha), làm hại (byāpada), làm khó (vihinsa), ganh ghét (arati), bất bình (paṭigha), toàn là pháp phụ thuộc của sự nóng giận (dosa), cho tiêu tan được. Sự nóng giận mà tăng trưởng được cũng vì thiếu pháp nhẫn nại. Xem coi những người tranh cãi nhau, như phái tỳ khưu trong quận Kosambi vì nương với cái nhân nhỏ nhen chút ít, không ráng nhịn được, làm cho xung đột nhau dữ dội, cho sanh ra sự chia rẽ tăng già, nếu một bên nín được thì có đâu phát sanh câu chuyện lớn lao như thế. Sự nhẫn nại chẳng phải chỉ có ích cho mình thôi đâu mà cũng có lợi đến kẻ khác nữa. Cho nên, đức Phật khen rằng là ‘thiêu pháp’ quý cao đặc biệt.
Lại nữa các cảnh giới3Cảnh giới là những cái mà mình chú ý đến rồi nó kích thích mình. đến kích thích cho sanh nóng giận đó chẳng phải đến tiếp xúc cả ngày và đêm đâu, cũng có dịp rảnh cho mình chú tâm ngăn ngừa vậy.
Có sự nhẫn nại, là trong khi có nguyên nhân tiếp xúc nhằm, rồi nín được mới gọi là nhịn. Người đã thọ trì pháp nhẫn nại, nếu chưa có nhân, dẫn cho sanh sân hận, hoặc đi ẩn trú trong nơi vắng vẻ, cũng chưa thấy hiệu quả lạ thường, chỉ khi có nhân sanh lên rồi nhịn được mới thấy rõ quả báo khác thường thật. Như hạng võ tướng mà gọi là anh hùng, chỉ đến khi xông vào chiến trường rồi đánh thắng mới gọi là hào kiệt được.
Phương pháp làm cho phát sanh nhẫn nại (adhivāsakhanti)
Hàng Phật tử có tâm kính thành hành theo pháp nhẫn nại, nếu xét cho thấy rõ như vậy: Người đến mắng nhiếc khinh ta đây, dường như họ đến làm cho ta được mau tấn hóa mà ‘addhivāsakhanti’ là một năng lực đặc biệt của đức Bồ tát. Như kiếp ngài thọ sanh làm Vessantara, đem 2 con yêu mến của ngài là Kaṇha và Jāli cho đến lão Bà-la-môn Jūjaka. Khi hai trẻ dùng dằng không chịu đi, ông lão ấy tát tai, đánh đập chúng nó trước mặt ngài. Nhờ giữ pháp nhẫn nại rất bền vững, nên ngài không làm hại lão Jūjaka. Như vậy mới gọi rằng ngài chiến thắng, là ngài tu adhivasakhanti vậy.
Lại nữa, nên nghĩ rằng: “Ô! người đến nói xấu ta, ví như họ đem phước đến cho ta đây mà”. Nhịn, không sân hận hoặc giận mà nín được, không chửi mắng theo năng lực của sự giận là một điều lành đúng đắn đặc biệt, làm cho phát sanh nhiều thiện pháp khác. Có thứ phước, khi làm phải hao tốn của cải hoặc mệt nhọc thân tâm, còn hạnh kiểm nhẫn nhịn đối với lời nói xấu xa là cái phước dễ dàng, không cần phải hao công tốn của mà vẫn được yên vui như thường.
Thắng phép sân bằng phép vô sân. Người có tâm nhẫn nại bền chắc, hằng thắng kẻ hay giận, như nàng Uttarā thắng cô Sirimā.
Tích nàng Uttarā. Nàng tín nữ Uttarā là con gái của vị triệu phú gia Puñña và là vợ của trưởng giả Rājagaha. Từ khi theo về nhà chồng, không có dịp làm việc bố thí. Nàng bèn mướn cô kỵ nữ tên là Sirimā đem về hầu hạ chồng để cho mình rảnh rang đi làm việc phước thiện. Cô Sirimā, khi được về ở cùng chồng của người, chỉ trong nửa tháng, sanh lòng tà vạy, tính đoạt ngôi chủ nhà, nên tìm kế hại nàng Uttarā nhiều lần. Đến nỗi cô ta dạy người đổ nước sôi trên mình nàng Uttarā nhưng nàng này không phiền trách chi cả, nước sôi đó trở thành nước mát như thường. Cô Sirimā biết lỗi, xin thú tội, rồi hai nàng đồng dẫn nhau đến bạch cùng đức Phật.
Phật giảng rằng:
Người nên thắng sự giận (của kẻ khác) bằng sự không giận (của mình), nên thắng điều không tốt (của kẻ khác) bằng điều tốt (của mình), nên thắng sự bón rít (của kẻ khác bằng sự cho (của mình), nên thắng lời không chơn chánh (của kẻ khác) bằng lời ngay thật (của mình)”.
“Akkodhena jine kodhaṃ asādhun sādhunā jinejine kadariyaṃ dānena saccena alikavādinaṃ”
Người nào khi có kẻ khác đến làm dữ, mình cũng có thể làm hại lại được, song nhịn nhục, biết tỏ lòng từ bi, mặt mày tươi tỉnh, vui vẻ với kẻ ấy như vậy, thì không lâu kẻ làm dữ kia cũng hả lòng hết giận không sai. Thế ấy, mới gọi là người thắng kẻ giận hẳn thật như nàng Uttarā vậy.
Tội của sự giận. Lẽ thường, kẻ nào nóng giận đối với người nhẫn nại, không giận trả lại mà kẻ kia vẫn còn mong làm dữ, thường đến chửi mắng, kẻ giận đó trở lại lo sợ hoặc bị tai hại chẳng sai, như tích người thợ rừng tên Koda. Có Phật ngôn rằng:
Người dốt nát nào làm hại kẻ không làm hại mình và kẻ ấy là người trong sạch không có điều ô nhiễm, cái nghiệp dữ đó thường trở lại cho người si mê đó không sai, như cát bụi nhỏ nhít mà người đổ ngược gió, nó hằng bay trở lại nhằm mình.
“Yo apaduṭṭhassa narassa dussati, suddhassa posassa anaṅgaṇgassa tameva, bālaṃ pacceti pāpaṃ, sukhumo rajo paṭivātaṃ va khitto”
Năm phước báu của nhẫn nại (adhivāsakhanti). Đức Phật có giảng thuyết ngợi khen đức tánh của sự nhẫn nại như vầy:
Này các tỳ khưu! Nếu tất cả các ngươi bỏ được sự nóng giận, Như Lai gọi các ngươi là bực ‘anahām’”.
“Dosaṃ bhikkhave pajahatha
Sự dứt lòng nóng giận, dầu chưa hết tuyệt, chỉ trừ được từ khoảng, từ lúc bằng pháp nhẫn nại, cũng có 5 phước báu là:
piyo manāpo: người nhịn nín hằng được nhiều kẻ thương yêu vừa lòng;
navera bahulo: ít có kẻ ganh ghét;
na vajja bahulo: ít có tội;
asammūḷho: không hôn mê trong giờ chết;
sugati: mạng chung rồi được thọ sanh nơi nhàn cảnh.
Giải về tiếng ‘ganh ghét’
Người nào có tâm nhịn nín, không tìm cớ làm hại kẻ khác trước, thì kẻ khác cũng chẳng ganh ghét lại. Nếu có người ganh ghét đến kẻ vô tội, người có lòng ganh ghét đó, sẽ bị tai nạn không sai, hiệp theo Phật ngôn rằng:
Dầu cho trong thời gian nào chẳng hạn, lẽ thường những sự ganh ghét trong đời này chẳng bao giờ tiêu diệt bằng sự ganh ghét đâu. Hẳn thật, các điều ganh ghét hằng được yên lặng bằng cách không ganh ghét. Phép này là phép đã có từ lâu rồi.
Na hi verena verāni sammantīdha kudācanaṃaverena ca sammanti esa dhammā sanantano
Xin giải về câu: Các điều ganh ghét hằng yên lặng bằng cách không ganh đó. Chỉ đến khi có tâm mát mẻ, tức là lòng nhẫn nại, tâm từ ái thương xót, hoặc chú tâm quán tưởng cho thấy rõ cái tội của sự giận và cái phước báu của sự nhẫn nại, thì điều ganh ghét mới yên lặng được, ví như trong nơi nào dơ bẩn, lắm nước tiểu hoặc vật hôi thối, thì cần phải dùng nước trong để rửa mới sạch sẽ được.
Phước báu lạ thường của sự nhẫn nại. Bậc có trí tuệ, nên thấy phước báu của điều nhịn nín là thường như tích sau đây:
Tích Dīghāvukumāra
Thuở đức hoàng đế Brahmadatta trị vì trong kinh đô Bārāṇasī xứ Kāsi, thì đức vua Dīghāti cũng là vị chúa tể trong thành Sāvatthī trong xứ Kosala. Thuở đó đức hoàng đế Brahmadatta đem binh phá thành Sāvatthī. Đức vua Dighātī dẫn bà chánh hậu trốn vào nương ngụ với bọn buôn nồi trong một biên địa. Sau rồi hoàng hậu sanh được một vị hoàng tử tên là Dīghāvukumāra. Nhưng không bao lâu, hoàng đế Brahmadatta bắt được vua Dīghāti rồi dạy cho quân đem ra hành quyết. Trong lúc dẫn đi, hoàng tử Dīghāvukumāra theo kịp, đức vua Dīghāti bèn dạy hoàng tử rằng: “Này Dīghāvukumāra, ngươi chẳng nên xem việc gần lắm, vắn lắm. Lẽ thường sự ganh ghét chẳng bao giờ diệt bằng cách ganh ghét được. Ganh ghét hằng trừ bằng sự giải ganh ghét”. Xong rồi ngài bị hành hình. Khi Dīghāvukumāra có dịp vào làm tôi hầu cận hoàng đế Brahmadatta, trong một ngày nọ, đức vua ngự đi săn và dạy Dīghāvukumāra làm xa phu đánh xe cho ngài. Gặp dịp ấy, hoàng tử Dīghāvukumāra ráng đánh xe chạy mau đến phía trước cách xa các quan hầu, có ý ám sát đức vua để trả phụ thù. Nhưng lúc xe vừa ngừng lại, hoàng đế Brahmadatta vì mệt nhọc, gối đầu trên bắp vế Dīghāvukumāra mà nghỉ. Dīghāvukumāra rút kiếm ra, đưa lên toan thích khách, song nhớ đến lời di chúc của đức vua cha, bèn hạ kiếm xuống và thét lên cho hoàng đế Brahmadatta hay rằng mình là hoàng tử con vua Dīghāti. Lúc đó hoàng đế Brahmadatta và hoàng tử Dīghāvukumāra đều xá lỗi cho nhau rồi trở về đền. Đức vua Brahmadatta bèn trả kinh đô Sāvatthī lại cho hoàng tử Dīghāvukumāra và gả luôn công chúa cho nữa. Sau khi đức Brahmadatta thăng hà thì đức Dīghāvukumāra được thống trị luôn cả hai nước.
Sự nhẫn nại có đức trọng khác thường như tích Dīghāvukumāra được làm vua cả hai nước, cũng chỉ do lòng nhịn nhục thôi. Cớ đó, đức Phật dạy: “Ganh ghét chẳng bao giờ diệt bằng ganh ghét, ganh ghét hằng giải bằng sự không ganh ghét. Cho nên, muốn được yên vui trong đời này và trong buổi vị lai thì cần phải có pháp nhẫn nại luôn khi, chẳng nên bỏ qua lúc nào”.
Giải về pháp thứ tám của bậc xuất gia và Sa-môn
Trạng thái người biết tiết chế trong vật thực.
Mattaññutā ca bhattasmin
Biết tiết chế là biết buộc mình ở trong lễ phép khiến cho khỏi thái quá, là biết hạn chế trong 4 oai nghi: đứng, đi, ngồi, nằm cho đều. Biết hạn chế trong khi: nói, làm, nghĩ đúng theo quy tắc của Phật giáo v.v… Song nơi đây chỉ giải về 3 điều là: biết tiết chế trong sự tìm kiếm, biết tiết chế trong sự thọ lãnh, biết tiết chế trong sự dụng.
Xin xem trong “Chánh mạng thanh tịnh giới và pháp quán tưởng thọ vật dụng”.
Giải về phép thứ chín của bậc xuất gia và Sa-môn
Trong Tạng Luật, quyển thứ 8, đức Phật có giải: Tỳ kheo ngủ mê có 5 tội: ngủ mê khổ, thức dậy cũng khổ, nằm mộng xấu xa, Chư thiên không hộ trì, tinh di.
Chư thinh văn đệ tử Phật chỉ có nghỉ:
1) buổi trưa sau khi thọ thực, nghỉ chốc lát rồi thức dậy (đứng, đi, ngồi) để tham thiền quán tưởng;
2) ban đêm phân làm 3 canh: canh đầu và canh cuối cùng (đứng, đi, ngồi) tham thiền quán tưởng, canh giữa nghỉ (nằm nghiêng bên tay mặt, như lúc Phật nhập diệt) đem trí nhớ nguyện rằng: ta nghỉ đến hết canh giữa rồi thức dậy và tịnh tâm mà nghỉ. Ngủ như vậy có 5 phước báu: ngủ được vui, thức dậy cũng vui, không nằm mộng xấu xa, có Chư thiên hộ trì, tinh không di.
Giải về pháp nương ngụ trong nơi thanh vắng
“Pantañca sayanāsanaṃ: Nơi nằm, chỗ ngồi thanh vắng”.
Rừng núi hoặc rừng cây, xa khỏi xóm làng và tịnh thất không người ở (suññagāraṭṭhāna) đều gọi là nơi nằm, chỗ ngồi vắng vẻ. Các nơi thanh vắng đó, cho hành giả nương ngụ xa khỏi sắc và tiếng người, cho tâm dễ bề yên lặng. Do nhân đó, mà các bậc trí tuệ chỉ vừa lòng với chỗ ngụ vắng vẻ nhất là rừng núi.
Lẽ thường, rừng núi là nơi yên vui, đáng cho bực hành giả ưa thích. Song người hành đạo cần xu hướng đem cái tâm mình thí dụ với rừng vắng, theo lời đại đức Nagasenaṭṭhera tâu với đức vua Milinda rằng: Năm chi của rừng lớn :
1) Rừng lớn là nơi che đậy những kẻ không tốt, thế nào, hành giả cũng nên là người che đậy tội lỗi và sự quên lãng của kẻ khác cho giống như rừng lớn giấu kín kẻ xấu xa vậy.
2) Rừng lớn là nơi rỗng không, chẳng có kẻ tới lui, thế nào hành giả cũng nên là người rỗng không, chẳng có ô nhiễm là tham, sân, si, ngã chấp, tà kiến cho giống như rừng vắng, chẳng có kẻ tới lui vậy.
3) Rừng lớn là nơi vắng tanh thế nào, hành giả cũng nên là người lặng tâm khỏi ác pháp xấu xa, là tâm của hạng thường nhơn, chẳng phải là tâm của bực Thánh, cho giống như rừng lớn vắng tanh vậy.
4) Rừng lớn là nơi yên lặng trong sạch, thế nào, hành giả cũng nên là người có tâm yên tịnh, nên là người dứt lòng ngã chấp, quên ơn, cho giống như rừng lớn yên lặng trong sạch vậy.
5) Rừng lớn là nơi thân cận của hàng thánh nhân thế nào, hành giả cũng nên làm cho mình là nơi thân thiết của bực thánh nhân vậy.
Hiệp theo Phật ngôn có ghi trong “Saṃyuttanikāya” rằng:
Hành giả nên ngụ chung với hàng trí tuệ, bực yên lặng, người xa khỏi đều ô nhiễm, người đưa cái tâm đi trong thiền định, là người thông minh, có sự tinh tấn luôn khi.
“Pavittehi ariyehi pahitattehi viññuhi niccaṃ āraddhaviriyehi paṇḍitehi sahāvave”
Giải về hành giả ngụ trong rừng, song lòng còn dục vọng
Hành giả nào có thân lánh khỏi vật dục do sự ngụ trong rừng là nơi vắng vẻ, song không ngăn cái tâm cho xa khỏi phiền não được, để cho tâm phóng túng theo thế lực 3 tà tư duy là: suy nghĩ tìm kiếm ngũ dục (kāmavitakka), suy nghĩ mong oán thù kẻ khác (byāpadavitakka), suy nghĩ muốn làm khó kẻ khác (vihinsavitakka). Thì cũng chẳng cao thượng hơn người tu trong xóm làng, mà tâm xa khỏi ngũ dục. Như có vị tỳ khưu tên Meghiya đi ngụ trong rừng mà không được thành tựu các đức thanh cao vì chiều theo ba cái vọng tâm đó.
Tích Đại đức Meghiya
Thuở đại đức Ānanda chưa lãnh trách nhiệm hầu Phật, thì có vị tỳ khưu Meghiya theo hộ đức Thế Tôn. Lúc thầy Meghiya thấy cụm rừng xoài (ambavana) là nơi đáng ưa thích (ramaniyaṭṭhana) rồi bạch xin Phật đi tham thiền trong nơi đó. Phật ngăn rằng: “Ngươi chờ đã, khi có vị khác đến hộ Như Lai rồi sẽ đi”. Tỳ khưu Meghiya vẫn nài nỉ cầu xin nữa rằng: “Đức Thế Tôn đã được tròn phận sự, phần tôi cần phải tu hành thêm nữa”. Bạch rồi bèn lạy mà đi. Nhưng khi đến trú trong nơi đó, hằng bị tà tư duy đè nén, tham thiền vô hiệu quả, bèn trở lại bạch cho Phật rõ. Đức Thế Tôn thuyết rằng:
Người có trí tuệ hằng uốn cái tâm lay chuyển trạo trực, khó gìn giữ, khó ngăn cấm, cho trở nên ngay thẳng được, như thợ làm tên uốn cây tên cho ngay vậy. Lẽ thường, loài thủy sanh4Loài sanh trong nước như cá. (vārijāti) nếu bị người đem lên khỏi nước rồi, liệng bỏ trên khô hằng giãy giụa thế nào, cái tâm mà hành giả đem ra khỏi chỗ nó quen ở, tức là ngũ dục, rồi bỏ trên khô, tức là pháp quán tưởng, cho khỏi sự buộc ràng của Ma vương, nó cũng hằng lay chuyển vậy.
“Tandanaṃ capalaṃ cittaṃ dūrakkhaṃ dunnivārayaṃ ujuṃ karoti medhāvī, usukārova tejanaṃ, vārijova thale khitto, okamekata ubbhato, pariphandatidaṃ cittaṃ, māradheyyaṃ, pahātave”
Phật ngôn trên đây chỉ cho thấy rõ rằng: khi hành giả nương ngụ trong nơi vắng vẻ, nên làm cho yên lặng cả thân, tâm và điều ô nhiễm, mới có thể được quả báo chơn chánh theo lời Phật dạy.
- 1Pháp của bực quý nhơn là bát thiền, 4 đạo, 4 quả, Niết-bàn, dứt: tham, sân, si.
- 2Thiêu pháp: pháp thiêu đốt.
- 3Cảnh giới là những cái mà mình chú ý đến rồi nó kích thích mình.
- 4Loài sanh trong nước như cá.