PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
THERAVĀDA
—–
PHÉP CHÁNH ĐỊNH
SƯU TẬP PHÁP
Soạn giả
TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG HỘ TÔNG
(VAṄSARAKKHITA MAHĀTHERA)
1) tham muốn (kāmachanda) là lòng ưa thích quyến luyến theo ngũ dục (sắc, thinh, hương, vị, xúc);
2) oán giận (byāpada) là tâm hờn giận, muốn làm hại người;
3) hôn trầm (thīnamiddha) là sự tối tăm, biếng nhác, buồn ngủ;
4) phóng tâm (uddhacca kukkucca) là cái tâm hay vọng tưởng, không yên tịnh;
5) hoài nghi (vicikichā) là lòng không tin chắc, dụ dự không quyết định.
Nếu biết năm phép che lấp ấy mà không rõ cái nhân sanh nó, cũng khó diệt trừ được; không khác nào muốn phá giặc mà chẳng biết chỗ đồn binh của giặc, cũng chẳng bao giờ đánh tan quân nghịch đặng.
Nguyên nhân năm phép che lấp là:
1) thấy sắc rồi cho là xinh đẹp (subhanimitta) là nhân sanh tham muốn (kāmacchanda);
2) thấy cảnh nghịch rồi bất bình (paṭighanimitta) là nhân sanh oán giận (byāpada);
3) không vui (arati), lười biếng (tanti), không thay đổi oai nghi (vijambhitā), mê ăn (bhattasammada) và dải đãi (sinacitta) đều là nhân sanh hôn trầm (thīnamiddha);
4) lòng không yên tịnh (cetaso avūpasamā) là nhân sanh phóng tâm (uddhacca kukucca);
5) không xem xét và ghi vào lòng (ayonisomanasikāra) là nhân sanh hoài nghi (vickicchā).
Đối trị:
Trừ tham muốn, có 6 phép:
1) học phép thiền định về bất tịnh (asubhanimitta uggaho);
2) chăm chỉ niệm vật bất tịnh (asubhabhāvanānuyogo);
3) thu thúc lục căn (indriyesu guttad vāratā);
4) tiết chế sự ăn uống (bhojane mattannuttā);
5) năng thân cận cùng bậc thiện trí thức (kalyāṇamittatā);
6) hằng nói lời dịu ngọt (sappāyakathā).
Trừ oán giận, có 6 phép:
1) Phải học đề mục thiền định về lòng bác ái (mettā nimittassa uggaho);
2) Cố gắng niệm đề mục thiền định bác ái (mettā bhāvanānuyogo);
3) Xem xét cho thấy rõ tất cả chúng sanh đều có nghiệp riêng (kammassakatā paccavekkhaṇa);
4) Tinh tấn xem xét cho thường thường như điều đã kể trên (paṭisaṅkhānabahulatā);
5) Năng thân cận cùng bực thiện trí thức;
6) hằng nói lời dịu ngọt.
Trừ hôn trầm, có 6 phép:
1) ghi nhớ và xem xét sự ăn uống quá độ (atibhojanenimittaggaho);
2) thay đổi oai nghi cho vừa được an vui (iriyāpathasamparivattanatā);
3) ghi nhớ tìm xem ánh sáng (alokasaññāmanasikāro);
4) ở nơi khoảng khoát (abbhokāsavāso);
5) năng thân cận cùng bực thiện trí thức;
6) hằng nói lời dịu ngọt.
Trừ phóng tâm, có 6 phép:
1) phải thông hiểu kinh, luật cho nhiều (bahussutatā);
2) siêng năng học hỏi điều phải lẽ quấy (paripucchakatā);
3) thuộc nằm lòng giới luật (vinaye pakataññutā);
4) xu hướng theo bực lão thành, nhất là đại đức tỳ khưu (vuddhasevitā);
5) năng thân cận cùng bậc thiện trí thức;
6) hằng nói lời dịu ngọt.
Trừ hoài nghi, có 6 phép:
1) thông hiểu kinh luật cho nhiều (bahussutatā);
2) siêng năng học hỏi điều phải lẽ quấy (paripucchākatā);
3) thuộc lòng giới luật (vinaye pakataññutā);
4) phải có đức tin cho nhiều (adhimokkhabahulatā);
5) năng thân cận cùng bậc thiện trí thức;
6) hằng nói lời dịu ngọt.
Hành giả phải biết, nếu muốn biết tu định, trước phải nghiêm trì giới luật, bởi giới hay sanh định, định hay phát tuệ (giới năng sanh định, định năng phát tuệ).
Cái chi gọi là thiền định? Thiền định có mấy thứ?
Thể trạng của tâm lành an trụ trong một cảnh giới gọi là thiền định. Thiền định có nhiều thứ. Nhưng đây chỉ giải về hai thứ thiền định:
1) phàm định (lokiyasamādhi) là cái thể trạng của tâm lành an trụ trong cảnh giới tham luyến theo ba cõi: cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc;
2) thánh định (lokuttarasamādhi) là thể trạng của tâm lành an trụ trong một cảnh giới, nương theo thánh Đạo.
Trong hai thứ định ấy, đây chỉ nói về phàm định, còn thánh định sẽ giải trong pháp tuệ niệm.
Phàm định có hai bực:
1) Tâm gần nhập định (upacāra samādhi) là thể trạng của tâm lành an trụ trong một cảnh giới gần nhập định;
2) Tâm đã nhập định (appanā samādhi) là thể trạng của tâm lành an trụ trong một cảnh giới đã nhập định.
Trong 2 bực đó: Tâm gần nhập định ở gần cõi dục, tâm đã nhập định ở vào cõi Sắc và cõi Vô sắc. Nếu tuệ niệm thì về thánh vực.
Về cách học thiền định. Những hành giả muốn học thiền định, trước phải trau dồi giới hạnh cho tinh nghiêm. Nếu có một trong mười điều quyến luyến giải sau đây phát khởi lên, thì phải trừ cho tuyệt và tìm nương theo một vị thiền sư là bực thiện trí thức, để học hỏi cho thông thuộc một trong bốn chục đề mục nào hiệp theo tính nết mình, lánh nơi nghịch, ở chỗ thuận, xong rồi chú tâm niệm tưởng đề mục thiền định theo phép chánh định.
Về cách trau dồi giới hạnh. Chỗ nói: Phải trau dồi giới hạnh cho tinh nghiêm ấy, có lời hỏi rằng: Nếu hành giả chỉ chú tâm tham thiền, không cần phải giữ giới, có được kết quả chi cao thượng chăng, vì cớ nào?
Đáp: Không có thể được, bởi những người phá giới thì tâm thường không trong sạch. Chẳng cần nói đến sự phạm trọng giới, dầu là phá khinh giới, như cố ý phạm tác ác (dukkatāpatti) cũng đủ làm cho tiêu hoại các đức cao thượng, nhất là thiền định. Nhân đó Hành giả phải cần trì giới luật cho trong sạch theo phận tại gia hoặc xuất gia.
Mười điều quyến luyến:
1) quyến luyến vì săn sóc chỗ ở (āvāsapalibodha);
2) quyến luyến vì buộc ràng theo thân quyến hoặc theo gia tộc của người hộ mình (kūlapalibodha);
3) quyến luyến vì thọ lợi, nghĩa là buộc ràng theo sự tụng kinh chú nguyện hoặc thuyết pháp cho thí chủ nghe (lābhapalibodha);
4) quyến luyến vì nghe người học kinh hoặc học luật nghĩa là quyến luyến sự học (gaṇgapalibodha);
5) quyến luyến vì công việc tự mình làm hoặc chỉ bảo người làm (kammapalibodha);
6) quyến luyến vì đường xa (addhānapalibodha);
7) quyến luyến vì nuôi bịnh người thân (như nuôi thầy giáo thọ, hòa thượng, hoặc nuôi cha mẹ (ñatipalibodha);
8) quyến luyến vì lo chữa bịnh cho mình (ābādhapalibodha);
9) quyến luyến vì lo học tam tạng (ganthapalibodha);
10) quyến luyến vì lo gìn giữ thần thông (iddhipalibodha).
Muốn dứt bỏ cả mười điều quyến luyến ấy, phải tùy cơ và do theo hai cách sau đây: dứt bỏ ngay1Việc nào dứt bỏ được thì nên dứt bỏ ngay., làm cho xong2Việc nào không dứt bỏ được thì phải làm cho xong..
Bực thiện trí thức: Bực thiện trí thức đáng làm thiền sư của ta là người thế nào?3Có giải nơi chương 6.
- 1Việc nào dứt bỏ được thì nên dứt bỏ ngay.
- 2Việc nào không dứt bỏ được thì phải làm cho xong.
- 3Có giải nơi chương 6.